30 January 2023

Cười tí tỉnh: "Tình yêu đích thực chinh phục mọi người"

Một người hưu trí lái chiếc BMW mới toanh của mình với tốc độ 100 dặm/giờ. Khi nhìn vào kính chiếu hậu, ông thấy một chiếc xe cảnh sát phía sau mình. Ông ta tăng nó lên 140 , rồi 150, ... rồi 155, ...  Đột nhiên ông ta nghĩ: - "Mình già quá rồi không nên đùa nghịch chuyện vô nghĩa này!"

Thế là ông tấp xe vào lề đường và đợi xe cảnh sát đuổi kịp mình.

Viên cảnh sát tiến lại gần, nhìn đồng hồ rồi nói:

"Thưa ông, ca của tôi sẽ kết thúc mười phút nữa. Hôm nay là thứ Sáu và tôi sẽ đi nghỉ cuối tuần cùng gia đình. Nếu ông có thể cho tôi một lý do chính đáng mà tôi chưa từng nghe, tại sao ông lại chạy quá tốc độ... Tôi sẽ để ông đi."

Ông ta nhìn viên cảnh sát rất nghiêm túc, trả lời: 

"Cách đây nhiều năm, vợ tôi đã bỏ trốn cùng một cảnh sát viên, nên tôi cứ tưởng anh đang đưa bà ấy về cho tôi." !!!

Viên cảnh sát rời đi, nói: "Chúc ngài một ngày tốt lành"...

Tác giả: khuyết danh

(Quora Digest)

**

24 January 2023

Ngại chi lưng còng, sợ chi tuyết

     St Thomas, mùng hai Tết Quý Mão (Photo by A.C.La)

Xôn xao

Mùng hai Tết, nắng ngợp trời cao

Ngày chớm Xuân, tuyết phủ lối vào 

Người đến thăm, và người sắp đến

Lưng còng sẽ cõng nhịp xôn xao

Điền Thảo 

21 January 2023

Chùm văn nghệ đêm giao thừa đón xuân

Con mèo mà trèo cây cau.
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột ra phố Bol-sa
Mua hoa, mua quả về nhà đón xuân.
(Lan Đàm)
*
Tết này vẫn giống tết xưa,
Vẫn đi xe số vẫn thừa ghế sau.
(ĐQT, VN)
*
Tết này vẫn giống tết xưa,
Vẫn xe màu trắng vẫn thừa ghế bên.
(A.C.La, Canada)
*


NÉT GÃY XUÂN MAI
 
Cuối năm rồi… đời bỗng dưng tất bật
Chỉ thời gian vẫn lặng lẽ, hững hờ 
Thêm tóc phai: Màu thời gian rất thật 
Mỗi cuộc tình, hạnh phúc vẫn như Thơ 
.
Đâu áo gấm như ngày nào lộng lẫy 
Vui với đời. Son đỏ… kẻ ngẩn ngơ 
Lòng thầm ước trở về ngày xưa ấy
Em của thời tóc thắt bím, cài nơ 
Thôi cứ mặc vần xoay của con Tạo
Cuộc hí trường sẽ còn lắm buồn vui
Ta, ừ nhỉ.. Xưa đã từng kiêu ngạo!!!
Biết còn chăng hay riêng nỗi ngậm ngùi
 
Như Thương
(Khai bút Đêm Trừ Tịch: Xuân Quý Mão 2023)
* *

Mèo Năm Quý Mão


Tranh A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
Sơn dầu vải bố
16x20 in (41x51cm)
***

17 January 2023

Năm Mão: Chuyện vãn về mèo

Phạm thành Châu

Năm nay là năm Mão, cầm tinh con Mèo. Các báo Xuân làm gì cũng có một bài về mèo. Lịch thì có hình con mèo. Nhà nào cũng có mèo, ai cũng biết rõ về nó, chẳng có gì lạ, nên viết sao cho độc giả mới đọc nửa chừng thì không thèm đọc nữa mới thật là khó.

Thông thường, người ta viết nhiều nhất là về những nhân vật (đúng ra là những danh nhân đã chết) có tuổi con mèo, cũng có người viết về những năm Mão trong lịch sử. Cứ lôi bài cũ (báo xuân) từ mười hai năm trước ra “xào nấu”, thêm chút gia vị vào là thành bài của mình. Hoặc cứ lấy quyển “mười Hai Con Giáp” ra chép lại.

Tôi cũng chẳng hơn gì những vị đó, nhưng có để tâm sưu tập những bài về mèo từ các báo đã đăng, dành dụm những tài liệu, tin tức liên quan đến con mèo, nay kể ra, để bạn đọc giải trí trong mấy ngày xuân.

Người ta nói “Chữ Mão, tiếng Tàu nghĩa là thỏ, tiếng Việt nghĩa là mèo” (?) Tôi không biết chắc nhưng lịch Tàu thì để hình con thỏ vào năm Mão. Người miền Trung và miền Nam gọi “mão” là “mẹo” (tí, sửu, dần, mẹo, thìn, tị...) Tiếng Anh gọi mèo là “cat”, tiếng Pháp là “chat”, tiếng Đức “katze”, tiếng Tây Ban Nha “gato”, tiếng Nhật “neko”, tiếng Ả Rập “kitte”... Con mèo có thể kêu khoảng sáu mươi thứ tiếng khác nhau để bày tỏ “cảm nghĩ” của mình, đặc biệt nó gào thét khi làm tình, nhưng “đối thoại “ với người, nó chỉ kêu “meo, meo” để xin ăn mà thôi. Cũng có khi nó kêu rù rù nho nhỏ lúc bạn âu yếm nó hoặc lúc nó dụi đầu vào người bạn để chờ được vuốt ve. Có lẽ vì các cô “bồ nhí” của mấy ông già cũng nũng nịu kiểu đó nên được gọi là “ mèo”. Chính mắt tôi thấy trong TV, một con mèo nói tiếng Mỹ. Bà chủ nói gì, nó nói theo (độ năm ba tiếng thôi). Bác sĩ thú y nói trong thanh quản con mèo đó có dị tật. Hình như chuyện Ba Giai Tú Xuất có kể, Ba Giai đánh cuộc với cô hàng nước rằng con mèo cô ta biết tiếng người. Cô hàng nhận lời, Ba Giai xách tai con mèo lên, bấm móng tay vào tai mèo và hỏi “Của cô hàng tròn hay méo?”, con mèo đau quá kêu lên “Méo, méo!”. 

Có vài chuyện vui về mèo. Một ông quá lười biếng nên chết đói. Xuống âm phủ, Diêm Vương phán “"Nhà người lười quá nên ta cho ngươi  đầu thai làm con mèo, phải tự mình bắt chuột mà ăn”". Anh ta năn nỉ Diêm Vương “Xin ngài cho con làm con mèo đen có chấm trắng trên mũi”. Diêm Vương ngạc nhiên: “"Để làm gì?"” “Thưa, ban đêm con nằm trong bóng tối, bọn chuột thấy chắm trắng tưởng hột cơm, mò đến, con bắt ăn thịt, khỏi phải đi đâu cả”. Một con mèo khác rình hoài mà không bắt được chuột, nó giả giọng chuột kêu “chít, chít!” Bọn chuột tưởng đồng loại, bò ra khỏi hang, bị mèo bắt ăn thịt. Ăn xong mèo gật gù. “Biết ngoại ngữ cũng dễ sống hơn bọn không chịu đến trường sinh ngữ để học thêm”.

Một chuyện vui khác. Cô giáo bảo học trò tả con mèo. Một cậu viết: “Nhà em có một con mèo, nhưng em chưa thấy nó, mẹ em cũng chưa thấy nó. Mẹ em nói: “Ba mầy có mèo, nhưng tao chưa bắt được. Trước sau gì tao cũng tìm ra”. Một lần khác, cô giáo bảo tả con khỉ, cũng cậu học trò đó, viết: “Nhà em có nuôi một con khỉ. Một buổi sáng chủ nhật, có một cô đến nhà em, ba em chạy ra bảo: “Đừng vô nhà, có con khỉ già ngồi trong đó!”.

Mèo bự nhất, có thể nặng từ sáu đến mười kí lô, đó là giống Main Coon, lai tạo từ mèo rừng Bắc Mỹ với mèo hoang tiểu bang Maine. 

Một ông bạn, gặp tôi, khoe rằng sắp lập một xí nghiệp nuôi mèo và chuột. Ông bạn giải thích “Giai đoạn đầu, tôi nuôi một mớ chuột, khi chuột sinh sôi nẩy nở nhiều rồi, tôi nuôi mèo, lấy chuột cho mèo ăn. Khi mèo lớn, sinh con đẻ cháu, tôi giết mèo, lấy da đem thuộc, làm áo ấm, ví, xách tay... cho quí bà, thịt mèo đem nuôi chuột. Vậy là vòng tròn khép kín, chỉ tốn công, khỏi tốn thực phẩm nuôi mèo và chuột.” Anh ta nhờ tôi nghiên cứu giùm về con số chính xác, mèo sinh sản ra sao? Tôi tìm đọc về mèo và cho anh ta những số liệu sau: “Mèo đẻ hai lứa một năm. Trong năm năm sống sót được hai mươi tám con, với mười lứa đẻ. Mèo mẹ sinh con, con sinh cháu, cháu sinh chắt, chút, chít ... sau ba năm có được ba trăm tám mươi hai con, sau bốn năm, hai nghìn hai trăm con, sau năm năm, mười hai nghìn sáu trăm tám chục con... sau mười năm có hơn tám mươi triệu con”. Anh bạn tôi sáng mắt lên. “Giàu thấy rõ mà chẳng ai biết!” Sau đó tôi không còn gặp anh bạn đó nữa, cũng không nghe về “Xí nghiệp mèo chuột” của anh ta. 

Toàn thế giới có sáu trăm triệu con mèo, riêng nước Mỹ có hơn bảy chục triệu con. Các bà thích nuôi mèo vì nó giúp các bà đỡ buồn chán (depress), coi như người bạn hiền lành. Nuôi mèo ở các nước Âu Mỹ phiền phức lắm, phải có bảng tên đeo vào cổ mèo, phải đi bác sĩ chích ngừa, khám bịnh, phải cho ăn đúng thực phẩm, phải tắm rửa, dọn vệ sinh cho nó (hốt phân), vì nhà luôn đóng cửa, mèo không ra ngoài phóng uế được, không như ở xứ ta, chút xương cá với mấy muỗng cơm là xong. Mèo, chó Âu Mỹ mà cho ăn như thế nó sẽ bị tiêu chảy, rụng lông rồi chết. Mấy ông bà ở Mỹ thường chụp hình chó, mèo của mình, để rủi chó, mèo có đi lạc thì làm một bảng “cáo thị”, có đủ tên tuổi con vật với hình ảnh, số điện thoại của chủ rồi đem treo ở các ngã tư trong xóm. Ai tìm thấy thì cho chủ biết, nhận về. Có người nuôi mèo chung với chuột, vì mèo (Âu Mỹ) không ăn thịt chuột, và chó cũng không ruợt cắn mèo bao giờ. Nhưng mèo hoang thì cũng giống như mèo ở xứ ta. Chúng đi hoang vì chủ nó dọn nhà mà không mang chúng theo, chủ nhà mới không cho vô nhà. Mỗi năm ở Mỹ có cả triệu con mèo bị bỏ hoang. Xóm tôi ở, có mấy con mèo hoang, khuya nào chúng cũng đi lùng sục chuột bọ trong các vườn nhà người ta. Chúng thích nhất là trèo cây bắt tổ chim. Âu Mỹ, bắt giết súc vật là phạm pháp, thế nên chim chóc sinh sôi nay nở khắp trong vườn, trong rừng. Vườn nhà tôi có rất nhiều chim đến làm tổ, khi thấy có trứng trong tổ (chúng làm tổ trong các bụi cây rất thấp) tôi phải lấy thuốc trừ sâu bọ xịt dưới gốc cây, cành lá chung quang để mèo không đánh hơi được, nhờ vậy lũ chim non được sống sót. Có một bà Mỹ già, tối nào cũng đem thực phẩm mèo ra sau vướn nuôi lũ mèo hoang, có đến mấy chục con tụ tập, giành ăn, meo meo ồn ào, hàng xóm kêu cảnh sát. Không hiểu sao, cảnh sát lại cấm bà ta cho mèo ăn? Âu Mỹ, mấy người già thích sống một mình, không muốn con cháu đến quấy rầy, thế nên có một bà cụ chết, mấy ngày sau, nghe mùi hôi, hàng xóm gọi cảnh sát đến. Mở cửa ra, có đến hàng trăm con mèo đang vây quanh xác chết, kêu gào vì đói. Sở Mục Súc phải đóng cửa, vây bắt từng con. TV chiếu, mèo lớn, mèo nhỏ chạy lung tung, trên lầu, trong bếp, trong kẹt tủ ... 

Thông thường, sở bắt súc vật đi lạc về, nhốt vô  chuồng, ai muốn nuôi thì đến xin. Mèo, chó nhiều quá, không ai xin thì phải giết bớt. Ở Việt Nam mà có mấy dịp đó thì các quán nhậu đặc sản phát tài. Một bà cụ Mỹ, có con mèo bịnh chết, bà ta sắm cho nó một quan tài giá năm trăm đô la, lại tốn một mớ tiền mua đất ở nghĩa trang súc vật để xây mộ cho nó. Thỉnh thoảng bà cụ đi thăm mộ, chuyện trò với vong linh con mèo thân yêu. Ở các xứ văn minh, con cái không có cái tình với cha mẹ như người Á Đông. Cha mẹ nuôi con như làm bổn phận, con đến tuổi trưởng thành là rời nhà cha mẹ, đi thẳng, họa hoằn lắm mới gọi điện thoại hỏi thăm. Mà cha mẹ cũng thích sống một mình trong nhà hoặc gửi thân nơi các nhà dưỡng lão, chờ ngày nhắm mắt xuôi tay. Họ không thích con cháu đến làm phiền. Thế nên, con mèo, con chó là bạn thân nhất của người già. 

Có mấy chuyện (cũ và mới) về mèo, kể ra đây để bạn đọc cho vui.

Nursing Home (nhà già) tên là Steere ở Providence, Rhode Island có nuôi một con mèo đen trắng (có hình trên báo) tên là Oscar. Nó rất hiền và ngoan, các cụ thích vuốt ve, âu yếm. Nhưng nó có tật lạ là hễ tối nào nó nhảy lên giường người nào nằm thì làm gì người đó, hôm sau sẽ chết. Có lần, người ta đem bỏ nó lên giường một người hấp hối, nó nhảy xuống chạy qua phòng một người mạnh khỏe mà nằm. Quả nhiên, hôm sau, người hấp hối hồi tỉnh còn người mạnh khỏe kia, tối ngủ rồi ngủ luôn, không dậy nữa (chết).

Đảo Peratjio ở Ấn Độ Dương, không có người nhưng lại có hàng nghìn con mèo. Số là năm 1850, có một chiếc tàu biển bị đắm vì đá ngầm, những người sống sót lên được đảo nhưng cũng chết sau đó vì bịnh dịch, chỉ còn vài con mèo, chúng sống nhờ bắt cá ven bờ biển. Đến nay, ghé vào đảo đó, vẫn thấy đầy mèo.

Đảo Ishima ở Nhật có quá nhiều chuột, người ta bèn đem mèo các nơi khác đến bắt chuột, ít lâu sau, chuột hết sạch mà mèo thì đông hơn chuột trước đây, mà lại không có gì ăn, chúng vào bếp ăn vụng, ra chợ rình vồ thịt cá, tha chạy đi, người ta đi chợ, chúng cũng nhảy vô giỏ cướp thịt cá. Bài báo không nói cách giải quyết nạn “mão mãn” ra sao?

Năm 1902, Walter William, một nha sĩ đến Tahiti hành nghề ở thủ đô Papeete, ông ta chữa răng cho quốc vương Pomare giỏi quá nên quốc vương tặng ông ta một hòn đảo, chỉ có dừa chứ không có người. Đến nơi thì thấy toàn chuột. Ông ta quay về thủ đô Papeete treo bảng mua mèo, được hơn hai trăm con, đem qua đảo cho bắt chuột. Chuột không còn, mà dân số mèo lại tăng lên, nhưng mèo không phá hại như chuột, không đục khoét dừa non và mèo cũng biết ra bờ biển rình bắt cá sống qua ngày. 

Ngày 2 tháng 9 năm 2009, ở tiểu bang Texas, ông Gil Smith lái xe từ thị xã Gilbert đến thành phố Kearny, trên quãng đường một trăm hai mươi cây số. Ông ta không biết có con mèo của mình đang ôm cứng cái bánh xe dự phòng dưới gầm xe. Nếu nó buông chân, ắt bị xe sau cán chết. Khi đến nơi, nghe mèo kêu, ông ta đem nó ra rồi gọi báo chí, truyền hình đến khoe con mèo khôn ngoan. 

Ngày 26 tháng 8 năm 2010, bà quả phụ Monika Hoppert, sáu mươi tuổi ở Studthgen, nước Đức, kêu thợ đến thay bồn tắm. Ông thợ đặt bồn tắm mà không biết có con mèo dưới đó. Hàng xóm nghe mèo kêu mà không biết từ đâu, qua hỏi, bà Monika Hoppert bèn cho người dở bồn tắm lên. Con mèo nằm trong đó mấy tuần mà không chết. Trước đây, nó nặng gần sáu kí lô, đem ra chỉ còn một kí sáu. Vậy mà nó sống được ! 

Năm 2008 cô bé Kirstas Hicks ở Adelaide, Úc châu, đi du lịch với gia đình, nhân tiện ghé thăm ông bà ngoại, cô đem con mèo gửi cho ông bà ngoại (ở cách nhà cô một nghìn sáu trăm cây số). Đi nghỉ hè về thì ông bà ngoại báo con mèo đi đâu mất rồi, tìm không ra. Một năm sau, một buổi sáng, mẹ cô bé Kirstas Hicks thấy một con mèo ốm trơ xương, trụi lông, sút móng, khắp mình đầy vết thương lở loét nằm trước cửa. Thấy tội nghiệp, bà ta đem vào nhà cho ăn. Khi cô bé Kirstas Hicks đi học về thấy thì kêu lên “Con Howie của con đây mà!” Thì ra con mèo đã vượt một nghìn sáu trăm cây số, băng qua sa mạc, rừng rậm, sông hồ, chiến đấu với thú dữ để sống còn mà về với cô chủ nhỏ.

Ở Việt Nam, trước đây, người ta bảo ăn thịt mèo “xui” (mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang), về sau, thịt mèo, thịt rắn  được xếp vào đặc sản. Thế nên, ở thôn quê, các tay buôn thu mua rồi chuyển hết mèo với rắn lên thành thị để cung cấp cho các quán nhậu. Không có mèo và rắn bắt chuột nên chuột sinh sôi, nẩy nở đầy đồng, phá hại mùa màng, cũng may, sau đó, lại dấy lên phong trào nhậu chuột đồng, người ta lại đổ xô đi bắt chuột để cung phụng cho mấy ông thần ve chai. Thế là “cân bằng sinh thái” !

Bây giờ kể chuyện đời xưa về con mèo. Đó là chuyện “Linh Miêu Hoán Chúa” đời Tống bên Tàu. Chuyện hơi dài dòng, xin kiên nhẫn và cũng xin hiểu rằng. Chuyện đã được tiểu thuyết hóa thành dã sử (Vạn Huê Lầu?) thành tuồng hát, với tình tiết gay cấn, lâm ly và bao giờ kết thúc cũng có hậu. Vị nào trên sáu mươi tuổi ắt đã từng xem sách hoặc xem hát bộ (Bao Công Tra Án Quách Hòe) xem cải lương (Linh Miêu Hoán Chúa) ắt còn nhớ.

Chuyện xảy ra thời Ngũ Đại Tàn Đường, khoảng thế kỷ thứ 10. Lúc bấy giờ, bên Tàu, giặc giả khắp nơi, mỗi người hùng cứ một phương. Có Quách Ngạn Oai, là nguyên soái Phàn Châu, tự xưng làm vua, lập nên nhà Hậu Châu. Ngạn Oai chết, Sài Vinh, xuất thân bán dù, là cháu vợ Ngạn Oai, nối ngôi, hiệu là Châu Thái Tôn. Bấy giờ Triệu Khuông Dẫn, em kết nghĩa với Sài Vinh, làm chức Kiểm Điểm Sứ, nắm binh quyền. Châu Thái Tôn (Sài Vinh) chết, con là Tông Huấn, mới bảy tuổi lên nối ngôi. Nhân giặc Khiết Đơn quấy phá biên cương, Khuông Dẫn đem quân tiểu trừ. Khi kéo binh đến Trần Kiều thì các tướng bàn nhau tôn Khuông Dẫn làm vua, truất phế Tông Tuấn. Khuôn Dẫn lập nên nhà Tống. Sử Tàu gọi vụ đảo chánh nầy là “Binh Biến Trần Kiều”, năm 960. Nhà Tống truyền ngôi mấy đời, đến đời Tống Chơn Tông thì xảy ra vụ án “Linh Miêu Hoán Chúa”.

Chuyện như thế nầy. Tống Chơn Tông có hoàng hậu họ Lưu, không có con, vua lại yêu thương một quí phi tên là Lý Thần Phi. Khi Tống Chơn Tông xuất chinh đi đánh Khiết Đơn thì Lý Thần Phi có bầu và sinh con trai. Lưu hoàng hậu đến thăm Lý Thần Phi, thấy Lý Thần Phi đang hôn mê, bèn sai thái giám Quách Hòe đem một con mèo thay vào và đưa đứa bé cho cung nữ Thể Vân đem giết đi. Thể Vân đem đứa bé giao cho thái giám Trần Lâm rồi nhảy xuống hồ tự tử. Trần Lâm trao đứa bé cho Lộ Huê Vương là anh em chú bác với Tống Chơn Tông. Lấy lý do Lý Thần Phi sinh quái thai, Lưu hoàng hậu bắt nhốt Lý Thần Phi vào Bích Vân Cung (Tống Chơn Tông đi đánh giặc chưa về), sau đó sai thái giám Quách Hòe đốt Bích Vân Cung, cố ý giết Lý Thần Phi.  Âm mưu bị cung nữ Khấu Thừa Ngự biết, bèn báo cho Lý Thần Phi trốn thoát, còn mình giả làm Lý Thần Phi chịu chết cháy. Như vậy, coi như Tống Chơn Tông không có con nối dõi. Khi Tống Chơn Tông chết, triều đình đề nghị cho con Lộ Huê Vương lên nối ngôi, đó là Triệu (?) Trinh (con Lý Thần Phi nhưng không ai biết). Triệu Trinh làm vua tức Tống Nhân Tông. 

Thời Tống Nhân Tông được xem là cực thịnh của vương triều nhà Tống. Tống Nhân Tông có nhiều nhân tài như Vương An Thạch,  Âu Dương Tu, Phạm Trọng Yếm... (Nhân vật tể tướng Vương An Thạch nầy đã làm một việc có liên quan đến Việt Nam thời bấy giờ. Vương An Thạch chủ trương đánh chiếm Việt Nam nên cho dự trữ lương thực, khí giới ở các tỉnh sát biên giới với Việt Nam. Ung Châu là nơi tập trung quân đánh đường bộ vào Việt Nam, Khâm Châu, Liêm Châu là cánh quân đường thủy. Biết được âm mưu của kẻ thù, vua Lý Nhân Tông sai tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân đánh vào các nơi đó, tịch thu và phá hủy tất cả lương thực, khí giới, tiêu diệt và bắt làm tù binh hàng vạn quân địch. Tướng Tàu là Trương Thủ Tiết và Tô Giám bị chém đầu). 

Đứng đầu bên văn có đại thần Bao Công, bên võ có Tống Địch Thanh. Bao Công tên là Bao Chửng, đậu tiến sĩ đời Tống Thái Tông, làm quan đến chức phủ doãn (đô trưởng) phủ Khai Phong, là kinh đô nhà Tống. Bao Công nổi tiếng là người xét án giỏi và công minh. Đọc truyện Tàu “Thất Hiệp Ngũ Nghĩa” kể chuyện về bao Công rất hấp dẫn. 

Một lần đi phát chẩn cho nạn nhân bão lụt sông Hoàng Hà, đến phủ Đại Danh, Bao Công bị gió thổi bay mất mũ, bèn nghi ngờ có điều gì oan khuất trong thiên hạ đây, nên cho dừng quân, viết trát, sai hai thuộc tướng là Trương Long, Triệu Hổ đi bắt Lạc Mạo Phong (gió thổi bay mũ). Hai tướng lên đường mà không biết đi đâu để bắt Lạc Mạo Phong. Gió lại nổi lên, thổi bay cái trát vào thúng cải của Quách Hải Thọ, là tên bán cải kiếm tiền nuôi mẹ bị mù. Thế là hai tướng bắt Quách Hải Thọ về nộp cho Bao Công. Bao Công thấy bắt người vô tội mới đền tiền và thả về. Quách Hải Thọ mang tiền về lò gạch, là nơi cư ngụ, khoe với mẹ. Người mẹ mù đó chính là Lý Thần Phi và Quách Hải Thọ là con nuôi của bà ta. Nghe rõ sự tình, Lý Thần Phi sai Hải Thọ đến gặp Bao Công và bảo “Mẹ tôi truyền ngài đến cho mẹ tôi dạy việc” Bao Công sinh nghi, bèn đích thân đến lò gạch, là nơi cư ngụ của Lý Thần Phi. Bao Công phải chui vào lò gạch còn bị bà già mù dõng dạc; “Nếu phải Bao Long Đồ sao chưa quì xuống mà ra mắt ta?!” Bao Công không biết đó là Lý Thần Phi, nhưng là quan xử án nên phải chịu nhục để tìm cho ra oan khuất của người dân. Bà già mù (Lý Thần Phi) tra hỏi Bao Công đủ điều. Sau khi biết chắc đó là Bao Công, bà ta mới kể lại mọi chuyện. Xác nhận được bà già mù là Lý Thần Phi, Bao Công về triều tâu lại với Tống Nhân Tông (là con của bà Lý Thần Phi, được thái giám Trần Lâm giao cho Lộ Huê Vương làm con nuôi, sau được tôn làm vua). Tống Nhân Tông cho bắt Quách Hòe, tra khảo. Đánh đập đến gần chết, Quách Hòe cũng không chịu khai vì sợ liên lụy đến Lưu thái hậu (trước là Lưu hoàng hậu, chủ mưu). Quách Hòe nói “Có đánh tao chết thì xuống âm phủ, họa may tao mới khai với Diêm Vương” Bao Công bèn thiết trí một nơi âm u, lạnh lẽo, giả làm âm phủ, có diêm vương, có ngưu đầu mã diện, có hồn ma kêu khóc... rồi đánh cho Quách Hòe bất tỉnh và đem đến nơi âm cảnh giả đó. Quách Hòe tỉnh dậy, tưởng mình chết thật, mới khai ra mọi chuyện. Cuối cùng, kẻ ác đền tội, Lý Thần Phi được trời cho sáng mắt, đoàn tụ với con (là vua Tống Nhân Tông), Quách Hải Thọ được phong làm quan nhưng chỉ xin lãnh lương, nằm nhà chứ không chịu đi nhận việc.

Chuyện con mèo của năm Mão đến đây là hết.

Phạm thành Châu
(chaupham3276@gmail.com)

13 January 2023

"Khó Thớ Quá", thơ xả xú-bắp

Bác Tám nằm tại phòngng bệnh viện.
Bác sĩ quen hiện diện bên giường
Vừa giải thích bệnh lý tỏ tường
Vừa đưa ra những lời khuyên bảo.

Đang lúc ông bác sĩ thuyết giáo,
Thì tình trạng bác Tám xấu đi,
Bác ngọ ngoạy ra dấu tức thì,
Xin miếng giấy và một cây bút.

Bác sĩ đưa giấy bút lập tức
Với thái độ rất mực ân cần.
Bác Tám nguyệch ngoạc viết vài dòng
Rồi gục đầu chết ngay lúc ấy.
 
Quá bất ngờ, bác sĩ cầm giấy
Không kịp đọc bác Tám viết chi
Trên tờ giấy bác mới vừa ghi
Ông bỏ nó vào trong túi áo.

Tại đám tang, bác sĩ thuyết giáo
Và nói lời ai điếu giã từ,
Ông bùi ngùi, chợt nhớ bức thư,
Liền thò túi lấy ra tờ giấy.

Và ông nói: "... Các bạn biết đấy,
Ngay trước khi bác Tám giã từ,
Bác đã viết cho tôi bức thư,
Hẳn là bác có điều nhắn nhủ.”

Sau khi đã giới thiệu đầy đủ,
Bác sĩ trang trọng mở giấy ra
Và đọc thấy: "ÔNG BÁC SĨ À,
ÔNG ĐẠP LÊN ỐNG ĐƯA DƯỠNG KHÍ!”

TNT 1/11/2023
Phỏng dịch
____________
Ghi chú:
Tác giả TNT cũng là bác sỹ nhưng đã về hưu nên không còn phải lo vô ý đạp lên dây dẫn dưỡng khi nữa, a ha ha! (TTR)

Tại sao ‘lằn ranh đỏ’ là một ẩn dụ tồi trong việc đối phó với Nga?

Nguồn: Nigel Gould-Davies, “Putin Has No Red Lines,” 
New York Times, 01/01/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

“Lằn ranh đỏ của Putin nằm ở đâu?”

Câu hỏi này,  được đặt ra với mức độ cấp bách ngày càng tăng khi quân Nga dù đang thua cuộc chiến ở Ukraine vẫn không ngừng gây hấn, nhằm mục đích tìm ra một phân tích rõ ràng và góp phần định hướng chính sách. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là một câu hỏi sai, bởi vì “lằn ranh đỏ” là một phép ẩn dụ tồi và dễ gây phân tâm. Có nhiều cách tốt hơn để suy nghĩ về chiến lược.

“Lằn ranh đỏ” ngụ ý rằng có những giới hạn xác định đối với các hành động mà một quốc gia – mà trong trường hợp này là Nga – có thể chấp nhận từ các quốc gia khác. Nếu phương Tây vi phạm những giới hạn này, Nga sẽ đáp trả theo những cách mới và nguy hiểm hơn. Một lằn ranh đỏ là một ngưỡng dẫn tới leo thang. Ngoại giao phương Tây phải cố gắng hiểu và “tôn trọng” các lằn ranh đỏ của Nga bằng cách tránh các hành động đi quá giới hạn. Theo đó, các lằn ranh đỏ của Nga đặt ra giới hạn cho các hành động của phương Tây.

Có ba sai sót trong lập luận này. Đầu tiên, nó giả định rằng các lằn ranh đỏ là những đặc điểm cố định trong chính sách đối ngoại của một quốc gia. Điều này hầu như không bao giờ đúng. Những gì các quốc gia nói, và thậm chí tin, rằng họ không thể chấp nhận có thể thay đổi triệt để và nhanh chóng. Năm 2012, Tổng thống Barack Obama nói rằng việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ” sẽ dẫn đến “hậu quả khủng khiếp.” Tuy nhiên, khi Syria giết hàng trăm thường dân bằng chất độc thần kinh Sarin một năm sau đó, như rất nhiều nhóm theo dõi đã báo cáo, người Mỹ đã chọn cách im lặng. Việc Taliban quay trở lại Kabul vào tháng 8/2021 – điều mà phương Tây đã dành hai thập niên và hàng nghìn tỷ đô la để ngăn chặn – từng là lằn ranh đỏ rõ ràng nhất, cho đến khi các ưu tiên thay đổi và một quan điểm khác về chi phí và lợi ích xuất hiện, khiến nó đột nhiên không còn là lằn ranh đỏ nữa.

Đó không phải là trường hợp ngoại lệ. Trên thực tế, các lằn ranh đỏ luôn rất mong manh, dễ thay đổi, và có tính ngẫu nhiên – chúng không được “khắc” trên tảng đá địa chính trị. Trong khi lợi ích quốc gia là vĩnh cửu, như Henry Temple đã nói, thì cách chúng biểu hiện dưới dạng các cam kết cụ thể lại phản ánh các hoàn cảnh tạm thời, nhiều biến động – như quyền lực tương đối, nhận thức về mối đe dọa, các tính toán trong nước, và các xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn. Do đó, ngoại giao không nên tìm cách né tránh lằn ranh đỏ của đối phương, mà phải thay đổi chúng.

Một chiến lược sáng tạo và quyết đoán sẽ không tự hạn chế mình bằng nỗi sợ hãi về những điều mà bên còn lại có thể cho là không thể chấp nhận được. Thay vào đó, nó phối hợp tất cả các yếu tố trong một tình huống để khiến đối thủ chấp nhận các mục tiêu mà nó đặt ra.

Lỗ hổng thứ hai của lằn ranh đỏ là khi tập trung vào phản ứng leo thang của một quốc gia, nó chỉ xem xét những rủi ro và tình thế lưỡng nan mà lằn ranh đó đặt ra cho kẻ thù, chứ không phải những rủi ro mà chính quốc gia đang leo thang phải đối mặt. Leo thang có nghĩa là hành động theo cách nguy hiểm hơn cho mọi người, và hành động đó đã từng được đánh giá là quá rủi ro. Một quyết định leo thang phải tính đến các chi phí cũng như lợi ích tiềm tàng. Leo thang là một lựa chọn, không phải là một điều chắc chắn – điều mà đối thủ có thể ngăn chặn bằng cách truyền đạt một cách đáng tin cậy cái giá đi kèm với hành động leo thang.

Lỗ hổng thứ ba là việc bận tâm đến các lằn ranh đỏ có thể dẫn đến hành vi đánh lừa. Một quốc gia sẽ tìm cách thao túng mong muốn tự kiềm chế của đối thủ bằng cách mở rộng phạm vi lợi ích mà họ tuyên bố là “cơ bản” và các hành động mà họ coi là “không thể chấp nhận được.” Do đó, chính nỗi sợ leo thang sẽ khuyến khích leo thang những lời hù dọa.

Việc chỉ ra những thiếu sót này có thể giúp soạn thảo chính sách tốt hơn. Những lo ngại về “lằn ranh đỏ” của Nga chủ yếu xuất phát từ nỗi sợ rằng nước này có thể viện đến leo thang hạt nhân. Phương Tây nên ngăn chặn điều đó bằng cách răn đe Nga chứ không phải tự kiềm chế – hoặc gây áp lực buộc Ukraine phải kiềm chế – vì sợ sẽ “khiêu khích” Nga. Họ có thể làm như vậy bằng cách truyền đạt rằng Nga chắc chắn sẽ lãnh những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân. Nga đã cố gắng và thất bại trong việc áp đặt lằn ranh đỏ bằng đe dọa hạt nhân nhiều lần kể từ khi chiến tranh bắt đầu – gần đây nhất là vào tháng 11, khi lực lượng Ukraine giải phóng Kherson chỉ sáu tuần sau khi Vladimir Putin tuyên bố đây là một phần lãnh thổ của Nga. Ukraine và phương Tây đã đúng khi bác bỏ trò dọa suông này và nên tiếp tục làm như vậy.

Khái niệm lằn ranh đỏ thực ra cũng có công dụng riêng. Nó bắt nguồn từ các cuộc đàm phán, trong đó người ta phải xác định các điều kiện tối thiểu để một quốc gia chấp nhận một thỏa thuận. Nếu những điều kiện này không được đáp ứng, quốc gia đó sẽ rời bàn đàm phán. Trong trường hợp này, các lằn ranh đỏ là cố định và sẽ hữu ích nếu các bên đàm phán khác biết được chúng là gì – chẳng hạn như những gì người Mỹ đã hiểu được sau khi giải mã lập trường đàm phán của Nhật trước các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922.

Nhưng áp dụng trường hợp đàm phán đặc biệt này – với ít tham số và ít kết quả – vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị phức tạp, linh hoạt, và rộng lớn hơn nhiều là một lỗi về mặt phạm trù. Dù nguy cơ leo thang hạt nhân của Nga có thể tăng lên và cần được nghiên cứu cẩn trọng, nhưng không có loại hành động đặc biệt, riêng rẽ nào mà phương Tây hoặc Ukraine có thể thực hiện sẽ tự động kích hoạt leo thang hạt nhân. Nga không có lằn ranh đỏ: Tại mỗi thời điểm, nước này chỉ có một tập hợp các lựa chọn và nhận thức về những rủi ro và lợi ích tương đối của mình. Thông qua ngoại giao, phương Tây nên liên tục hướng tới mục tiêu định hình những nhận thức này để Nga lựa chọn các phương án mà phương Tây mong muốn.

Mỹ đã từng làm điều này trước đây. Trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba, cuộc đối đầu hạt nhân nguy hiểm nhất cho đến nay, quan điểm của Liên Xô đã thay đổi chỉ trong vài ngày, cuối cùng họ chấp nhận một kết quả có lợi cho phương Tây. Nếu tư duy “lằn ranh đỏ” thống trị vào thời điểm đó, Mỹ có thể đã chấp nhận một thỏa thuận kém hơn, làm suy yếu an ninh và uy tín của mình.

Dù lợi ích của Nga trong việc khiến Ukraine chịu khuất phục lớn hơn so với khi họ triển khai tên lửa tới Cuba, logic là như nhau. Năm 1962, Mỹ đã thuyết phục nhà lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev, rằng dù có khó chịu đến đâu, loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Cuba vẫn là lựa chọn tốt hơn triển khai vũ khí. Tương tự, phương Tây giờ đây nên hướng đến mục tiêu thuyết phục Putin rằng việc rút quân khỏi Ukraine ít nguy hiểm hơn là tiếp tục chiến đấu. Tổng thống Nga có thể rút quân nếu ông hiểu rằng một cuộc chiến trường kỳ sẽ đe dọa chế độ của ông – một chế độ mà sự bảo tồn nó dường như là điều duy nhất ông quan tâm hơn việc sáp nhập Ukraine – bằng cách làm suy yếu nghiêm trọng sự gắn kết trong nước hoặc leo thang mất kiểm soát.

Nước Mỹ nên tập trung vào ba điều. Đầu tiên, họ không nên tuyên bố rằng có những biện pháp họ sẽ không thực hiện, hoặc có những hệ thống vũ khí họ sẽ không cung cấp để hỗ trợ Ukraine. Đơn phương tự kiềm chế đồng nghĩa với việc nhượng bộ không cần thiết. Tệ hơn, việc đó sẽ khuyến khích Nga thăm dò và cố gắng áp đặt thêm các giới hạn đối với hành động của Mỹ – khiến cuộc chiến ngày càng rủi ro hơn.

Thứ hai, Mỹ, cùng với các đối tác của mình, phải nói rõ rằng thời gian đang chống lại Nga, chứ không có lợi cho nước này, như Putin vẫn tin. Phương Tây nên thể hiện mình sẵn sàng huy động, và huy động một cách nhanh chóng, ưu thế kinh tế để giúp Ukraine đánh bại Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa. Chi phí quân sự và kinh tế sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực vốn đã hạn chế hơn rất nhiều của Nga, và gây căng thẳng lớn hơn cho chế độ.

Thứ ba, phương Tây nên nói rõ với người dân Nga rằng họ có thể an toàn kết thúc chiến tranh bằng cách rời khỏi Ukraine. Một cuộc rút quân có trật tự khó có thể dẫn đến thay đổi chế độ, chứ chưa nói đến sự tan rã của nước Nga. Cả hai kết quả này (tức thay đổi chế độ và làm Nga tan rã – NBT) đều không phải là mục tiêu chính thức của chính sách phương Tây, và việc nhắc đến chúng là vô ích, thậm chí phản tác dụng. Một số người ở phương Tây sẽ phản đối ý tưởng trấn an Nga kiểu như vậy. Nhưng nếu giới tinh hoa Nga kết luận rằng việc Nga rời khỏi Ukraine cũng nguy hiểm như khi ở lại, thì họ không có động cơ nào để kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Trấn an không có nghĩa là thỏa hiệp.

Nếu được thực hiện một cách chắc chắn và kiên định, “các chiến dịch ngoại giao định hình mục tiêu” hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Ukraine có thể đảm bảo rằng lựa chọn ít tệ nhất của Nga phù hợp với những gì mà phương Tây mong muốn. Một chiến lược như vậy đi ngược lại với việc chấp nhận các lằn ranh đỏ. Rõ ràng, “lằn ranh đỏ” là phép ẩn dụ ngược với phép ẩn dụ được sử dụng khi chiến tranh mới nổ ra. Khi nước Nga vẫn còn có vẻ mạnh, nhiều người đã đề xuất cho Putin “lối ra” để thuyết phục ông ngừng chiến đấu. Giờ người Nga đã yếu hơn, người ta lại kêu gọi phương Tây kiềm chế để thuyết phục Putin không liều lĩnh hơn nữa.

Cả hai cách tiếp cận đều tưởng thưởng cho hành động xâm lược của Nga bằng cách điều chỉnh chính sách của phương Tây cho phù hợp với mong muốn của Nga. Trước đây, Putin đã không được chọn “lối ra,” và lúc này, ông cũng không nên được phép xác định giới hạn của chính sách phương Tây. Hoạch định chiến lược cần những suy nghĩ thấu đáo, chứ không phải những phép ẩn dụ lười biếng.

Nigel Gould-Davies là nghiên cứu viên cấp cao về Nga và Á – Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Ông là Đại sứ Anh tại Belarus từ năm 2007 đến 2009 và từng là trưởng bộ phận kinh tế tại Đại sứ quán Anh ở Moscow. 

Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế https://nghiencuuquocte.org/2023/01/09/tai-sao-lan-ranh-do-la-mot-an-du-toi-trong-viec-doi-pho-voi-nga/

09 January 2023

Chuyện lúc sáu giờ sáng, tuỳ bút

Phạm Thành Châu

Tôi có thói quen dậy lúc sáu giờ sáng, đi nấu nước pha cà phê, pha trà. Lúc đi ngang qua phòng bà xã, tôi thường bước vô phòng cô ta để hôn cô trước khi xuống bếp. Nếu thấy cô ngủ say, tôi chỉ hôn nhẹ trên tóc, sợ làm cô mất ngủ tội nghiệp. Nếu thấy cô ngủ mơ màng (ngái ngủ), tôi có thể vuốt tóc, hôn trên trán cô, cô biết nhưng im lặng. Đôi khi cô tử tế, nằm một bên, chừa nửa giường với cái gối có sẵn. Mền cô đắp một nửa, một nửa để sẵn cho tôi. Tôi nằm xuống, đắp mền, ôm cô để tìm hơi ấm, ngủ thêm được mươi phút trước khi xuống bếp. Nhưng khi cô giận tôi thì là chuyện khác, thường thì cô đắp mền che cả mặt, ý là không cho tôi hôn. Căng thẳng hơn nữa, cô quấn mền từ đầu tới chân như cái chả giò. Cô lại nằm chéo trên giường, chân ở góc giường nầy, đầu thì góc giường kia, ý rất quyết liệt, rằng, cả đến cái giường cô nằm cũng cấm tôi đụng đến. 

Tôi thì cô có giận tôi cách nào tôi cũng phe lờ. Khi muốn giận tôi, cô đắp mền kín người, ý thông báo “Tôi đang giận ông đây. Liệu chừng!” Lúc đó, tôi ôm cả người lẫn mền vào lòng và thì thầm 

“Không cho hôn thì ba hôn cái mền mẹ đắp cũng đủ thương mẹ rồi”.

Nịnh kiểu đó thì cô không còn giận nữa. Một lúc sau, tôi rời cô, xuống bếp.

Khoảng bảy giờ cô dậy, làm những việc linh tinh của một bà nội trợ, Cảnh sống vợ chồng thật buồn tẻ, không rộn ràng, vui vẻ tiếng cười nói của thời các con chưa trưởng thành. Thời đó, các con còn nhỏ, sáng nào cô cũng dậy thật sớm, đánh thức chúng, nhắc nhở đứa nầy, la rầy đứa kia, tất bật cho chúng ăn để còn kịp đến trường. Nay chúng đã trưởng thành, đã có gia đình, sinh sống nơi xa nên nhà trở nên vắng vẻ. Nhớ các con nhưng vợ chồng tôi coi chúng như những con chim, đã lớn, đủ sức rời tổ, bay vào bầu trời bao la, nơi giông bão đang chờ chúng. Chỉ mong thỉnh thoảng chúng về thăm là thỏa mãn rồi. 

Hai vợ chồng già, về hưu, sống lặng lẽ, buồn chán nên vợ tôi cũng bực mình, thỉnh thoảng trút giận lên ông chồng hiền lành, thương vợ như tôi. Nhưng tại sao cô giận tôi? Khi giận ít khi giận nhiều, tôi không biết được. Tôi xem cô giận tôi như cô bé làm nũng, Giận tôi hay thương tôi cũng chỉ như thời tiết, khi mưa khi nắng mà chẳng có lý do. Đàn bà cũng như trẻ con, nhất là đối với chồng. Vợ tôi thì ăn hiếp chồng dữ lắm. Tôi chỉ còn cách làm như không để tâm đến. Sáng ra, thức dậy, cô cũng tỉnh bơ, như không có chuyện giận, thương vừa xảy ra lúc sáu giờ sáng nay.

Phạm Thành Châu

07 January 2023

Để suy gầm: Tiền là gì?

Tôi nhìn thấy một cô gái lúc một giờ đêm ở Delhi.

Cô ấy hoàn toàn không cùng giai tầng của tôi và của cả nhóm tôi. Nhưng cô ấy đứng đó, sẵn sàng bán đi phần quan trọng nhất trên cơ thể mình.

Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé khi đứng đó. Tôi thường không phán xét người khác. Nhưng đối với một cô gái như cô ấy, chỉ đứng đó vì 1000 hoặc 2000đ mỗi đêm, tôi biết có điều gì đó thật nghịch lý.

Tôi cảm thấy một sự thôi thúc sâu sắc cần nói chuyện với cô ấy. Nhưng tôi dừng lại vì những người bán thân không rảnh để nói chuyện.

Tôi đang quan sát cô ấy từ xa thì một người đàn ông, say rượu, đến nói chuyện với cô ấy. Rồi cô ngồi vào xe của người đàn ông và ông ta rồ ga vút đi.

Nếu chúng ta phân tích kỹ tình huống thì chỉ có một lý do khiến cô ấy làm việc đó - tiền.

Tiền khiến chúng ta làm những điều mà chúng ta không tưởng tượng được trong giấc mơ khi còn trẻ. Nó khiến chúng ta tự hạ thấp mình. Và nó khiến chúng ta ngờ vực về giá trị của mình trong cuộc sống.

Nói rằng tiền không quan trọng là đúng khi bạn không còn là một thành phần của thế giới vật chất này. Khi bạn đi tu. Nhưng một khi bạn bước vào thế giới khiến chúng ta trở nên phi nhân tính này— bạn cần tiền. Bạn cần tiền vì bạn sợ chết, muốn danh tiếng hay địa vị.

Tiền thật phi lý.

Và chúng ta đuổi theo những phi lý xuyên suốt cuộc đời mình. 

Shubham KPChild Soul • Answered October 18
(Quora Digest)
**

Ẩn danh: Tiền phi lý hay không tuỳ thuộc vào cách kiếm tiền và tiêu dùng tiền.

Hạ viện Mỹ khoá 118 đã bầu được chủ tịch

Dân biểu Cộng hoà McCathy đạt được 216 phiếu trở thành chủ tịch Hạ Viện khoá 118 sau nhiều cuộc bỏ phiếu gay go trong những ngày vừa qua.

 

05 January 2023

"Lá thư không gửi", thơ

 Xin đừng trách tại sao không cởi mở
Xin đừng phiền tôi ngôn ngữ vu vơ
Vì thưa Bà, vốn lãng mạn văn thơ
Nên tôi sợ dễ sa vào lầm lỗi
Không dám tin nơi lòng tôi sôi nổi
Sợ mai đây, rồi phạm tội “thương yêu”
Lỡ môt ngày, trước nhan sắc diễm kiều
Tôi lại mộng, lại phiêu lưu tình cảm
Lại lao mình vào cuồng điên, lãng mạn
Quên thế nhân, quên thân thế lưu đầy
Với chồng Bà, tôi là kẻ trắng tay
Không dám ước được từng ngày chiều chuộng
Để dằn vặt trong niềm đau ảo tưởng
Ấp yêu Bà, đâu phải cánh tay tôi?
Những đêm đông, trời trở lạnh bồi hồi
Tôi xấu hổ ôm chăn mà tình tự!
Nhìn đèn ngủ mà thơ dâng đầy ứ
Nhìn phòng hoang mà tư lự nghẹn ngào
Và thưa Bà,
Tôi rất sợ chiêm bao
Bởi chỉ thấy những hình hài tưởng tượng
Bởi thực tế sẽ làm tôi đau đớn
Tôi và Bà mãi mãi vẫn xa xăm
Chưa một lần, tôi được phép đứng gần
Chia hãnh diện với dung nhan Hoàng Hậu
Xin Bà hãy để yên tôi ẩn náu
Trong cô đơn, trong thế giới riêng tư
Đừng ngắm tôi bằng cặp mắt hiền từ
Đừng an ủi như môt lần ân nghĩa
Tôi không mong làm người tình nhỏ bé
Không van xin được chiếm giữ riêng Bà
Hãy mặc tôi với cuộc sống nhạt nhòa
Không sôi nổi, không thiết tha tình hận
Để muôn sau, nụ môi Bà còn ấm
Như hồng nhung, như nho mọng trái mùa
Hãy mặc tôi với lồng ngực bơ vơ
Tâm sự ấy, xin cho vào huyền thoại.

Chu Tất Tiến.

02 January 2023

Câu chuyện đầu năm: Hào quang đang lu mờ

Điền Thảo

Dân tứ xứ vẫn còn đang níu kéo những giờ khắc vui tươi của những ngày nghỉ lễ cuối năm, mặc dù những trận tuyết kinh hoàng bao phủ cả một vùng mênh mông tại Bắc Mỹ, gây phiền hà không nhỏ.

Thực tế năm 2022 đã trở thành quá khứ.

Nhưng cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Nga vào Ukraine phát khởi từ đầu năm 2022 vẫn tiếp diễn. Khổ đau tràn ngập. Muốn giết một con chó, hãy hô hoán lên đó là con chó điên. Điện Kremlin đã tạo ra cả một chiến dịch chuẩn bị dư luận thuận lợi cho ý đồ xâm lược Ukraine, tô vẽ nước này thành một nước quốc xã kinh tởm. Họ còn tố cáo Phương Tây mở rộng biên cương vây hãm nước Nga khiến an ninh nước này bị đe doạ.

Rồi cuộc tiến quân đã được thế giới dự đoán của Nga vào Ukraine nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp và tạo ra một chính quyền bù nhìn ở đó đã diễn ra nhưng với mức độ tàn phá ngoài sức tưởng tượng. Nhưng cuộc diện không diễn tiến như tính toán của Putin. Quân xâm lược bị kháng cự mãnh liệt ở khắp nơi. Thua cuộc nung nấu tự ái, Putin tiếp tục tàn phá Ukraine điên cuồng hơn bất chấp nỗi thống khổ của con dân Ukraine và cả ở nước Nga xâm lược.

Những đợt dân chúng chống đối chính sách chiến tranh của Putin đã bùng phát tựu trung có hai hình thức biểu tình hay tiêu cực hơn, thanh niên trốn lệnh động viên chạy ra tá túc tại các nước chung quanh, đó là chuyện hiếm có.

**

Một chế độ độc tài khác ở Phương Đông mà mộng bá vương bành trướng trở nên thúc bách không kém: Hoa Lục cộng sản. Chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Trung Nam Hải phải được nhìn qua lăng kính "Giấc Mơ Trung Hoa", giấc mơ thực hiện được sẽ đưa Đảng Cộng Sản lên ngôi tột đỉnh như chưa bao giờ có trong lịch sử Trung Hoa. Nhưng cũng chính giấc mơ ấy đang trở thành cơn ác mộng cho những nước chung quanh, và cho ngay cả tầng lớp thứ dân của Hoa Lục không chừng. Chẳng vậy mà từ cuối tháng 11 năm vừa qua đã nổ ra những cuộc biểu tình đều khắp của quần chúng chống lại chính sách Zero-Covid của đảng cộng sản cầm quyền. 

Qua một thời gian dài trong đại dịch coronavirus, cách Hoa Lục giải quyết để dập tắt các trường hợp đã tỏ ra có hiệu quả. Cách thức này đã giữ cho số ca tử vong do Covid-19 thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, đáng chú ý nhất là so với Hoa Kỳ. 

Nhưng trong những tháng gần đây, phương cách đó, được gọi là “zero-Covid,” dường như ngày càng lỗi thời. Cư dân ở Hoa lục vẫn phải chịu lệnh phong tỏa đột ngột, xét nghiệm hàng loạt và cách ly khắc nghiệt trong khi phần còn lại của thế giới đã thích nghi để sống chung với virus. Dân chúng bị ngột ngạt đến mức không chịu nổi đã biểu tình trên đường phố vào cuối tháng 11, một số thậm chí còn kêu gọi Đảng Cộng sản và nhà lãnh đạo của nó, Tập Cận Bình, từ chức. Việc dân chúng gọi đích danh lãnh tụ để đả đảo cũng là chuyện hiếm có.

**

Thêm một nước độc tài thứ ba có chuyển động: Iran. Cái lúp trùm lên đầu người phụ nữ Iran phải trân quý vì đó là giáo luật, mà giáo luật là chân lý. Ai không tuân thủ là phản đạo. Hàng chục nghìn người đứng lên chống đối trong vô số những cuộc nổi dậy ở khắp nơi tại đất nước này đã bị bắt giam.

Mahsa Amini, một phụ nữ 22 tuổi bị cảnh sát đạo đức của Iran giam giữ với cáo buộc vi phạm quy tắc buộc phụ nữ phải đội khăn trùm đầu. Cô đã chết trong nhà giam. Cái chết của cô đã làm dấy lên các cuộc biểu tình kéo dài cho đến ngày nay. Phụ nữ và trẻ em gái là những người đi đầu trong các cuộc biểu tình, thường cởi bỏ và đốt khăn trùm đầu của họ để thách thức chính quyền. Những người biểu tình nêu đích danh nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo được kính trọng bấy lâu nay, Khomeini, để đả đảo. Đó là chuyện chưa hề thấy từ cuộc cách mạng Hồi giáo cách đây gần nửa thế kỷ.

** 

Hào Quang bao quanh Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Ayatollah Khomeini đang lu mờ dần. Đó là những điềm gở. Nếu như nó không phải là điềm báo trước những biến động lớn hơn trong năm mới này thì ít ra nó đang cho thấy niềm tin vào một chế độ và lòng phấn khởi về những gì chế độ ấy mang tới đang tan loãng. Có phải đây là lúc quần chúng đang thức tỉnh sau một cơn say chăng? 

Điền Thảo

Hình ảnh cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo do Putin phát động nhắm vào Ukraine (Internet)


Người dân Hoa lục bị chính sách Zero-Covid của Tập khoá chặt tại chỗ (Internet)


Phụ nữ Iran dẫn đầu những cuộc biểu tình dòi phá bỏ nhũng kềm kẹp áp đặt lên họ (Internet)

Chuyện Hoa Kỳ: Hạ Viện Dân Chủ Dẫy Dụa Trước Giờ Lâm Chung

Vũ Linh

Khi bài này ra mắt quý độc giả, thứ bẩy 31/12/2022, thì coi như hạ viện nhiệm kỳ 2020-2022 đã chấm dứt, và thứ ba 3/1/2023, khi tái nhóm thì đảng CH đã nắm đa số. Khi đó, hạ viện nhiệm kỳ hiện tại sẽ được hỏa táng và hạ viện nhiệm kỳ mới sẽ xếp vào nhà kho hai vấn đề 'lớn' mà hạ viện nhiệm kỳ trước đã để lại, là việc công khai hóa giấy thuế của ông Trump, và việc Ủy Ban J-6 chuyển hồ sơ cho bộ Tư Pháp để yêu cầu bộ truy tố ông Trump.

Câu chuyện phản ảnh cái tính phe đảng quái dị và thật vô lý của chính trị Mỹ hiện nay. Đã biết là sắp đến ngày mất thế đa số, những việc làm có tính phe phái lộ liễu sẽ bị phe CH vứt vào thùng rác ngay, sao phe DC lại còn cố đến gần kiệt sức để làm 'chuyện ruồi bu', vừa mất thời giờ vừa tốn tiền thuế của dân, mà lại hoàn toàn vô ích, không có bất cứ một hậu quả cụ thể nào ngoài việc ... bôi bác cho có, cho bõ ghét?

***

Tuần này, ta bàn qua cái vô lý của phe DC.

Trước hết, phải nói ngay, đây không phải là lần đầu tiên đảng DC trong quốc hội làm chuyện bá vơ, tào lao, mất thời giờ của họ và tốn tiền thuế của dân và hệ quả là con số ZERO to tướng. Trước đây, đầu năm 2021, các dân biểu và thượng nghị sĩ DC đã làm chuyện 'ruồi bu' kiểu này rồi, xin phép được nhắc qua.

Tháng Giêng năm 2021, còn hai tuần nữa thì TT Trump sẽ  trao quyền lại cho tân tổng thống đắc cử Joe Biden, hạ viện họp khẩn cấp, lấy biểu quyết đàn hặc TT Trump, hấp tấp gửi hồ sơ qua thượng viện để cơ quan này mau mắn tổ chức biểu quyết lột chức TT Trump, đúng một tuần trước khi ông này mãn nhiệm, đang bận rộn dọn nhà ra khỏi Tòa Bạc Ốc. 

Cái gọi là 'phiên tòa' đàn hặc của hạ viện chỉ là tuồng hát bộ thô bỉ nhất lịch sử công lý thế giới. Họp khẩn cấp để kết tội mà không có điều tra gì hết, không có bằng chứng hay nhân chứng nào ngoại trừ vài anh chị 'phe ta' được mời vào để 'điều trần' mà thực tế chỉ là vào để tiếp hơi bôi bác, sỉ vả Trump, theo ý kiến cá nhân của họ, vẫn không bằng chứng nào. Đã vậy, những tố giác của đám nhân chứng đó lại chẳng có đối chất, chẳng có luật sư nào bào chữa cho bị can,... Đàn hặc bất hợp lệ đến độ Chánh Thẩm Tối Cao Pháp Viện John Roberts từ chối chủ tọa như Hiến Pháp quy định về đàn hặc tổng thống, trở thành bất hợp lệ hơn nữa, việc truất phế thất bại vì không đủ túc số thượng nghị sĩ u mê muốn truất phế Trump, như cả thế giới đều đã biết trước từ khuya rồi. Cả thế giới lăn ra cười, ngoại trừ mấy con vẹt.

Nếu chuyện này không phải là chuyện vô đạo, ngồi xổm trên luật pháp và ngồi chồm hổm  trên đầu cả công luận thì cái gì mới là vô đạo?

Tại sao lại phải làm chuyện thô bạo như vậy khi chỉ còn có một tuần nữa là ông Trump đã ra đi rồi? Câu trả lời rất giản dị: chỉ vì ông Trump bất cứ ngồi ở đâu, bất cứ lúc nào, làm gì, trong hiện tại cũng như tương lai, đều vẫn là mối đe dọa sinh tử cho sự tồn vong của đảng DC. Cần phải làm sao Trump bị chính thức đàn hặc và truất phế, dù chỉ một ngày trước, để sau này, có thể dựa trên Hiến Pháp cấm Trump không được giữ bất cứ chức vụ nào, kể cả tổng thống. Trong lịch sử Mỹ, chưa bao giờ thiên hạ được chứng kiến cảnh nguyên một đảng chính trị sợ một người đến xây xẩm mặt mày như đảng DC đang sợ ông thần Trump. 

Hiện nay, phe ta ra rả tố cáo Trump là một đe dọa cho thể chế dân chủ Mỹ. Thật ra, ông Trump là đe dọa sinh tử cho 'đảng Dân Chủ', chứ không phải là đe dọa cho thể chế dân chủ của Mỹ. Khác rất xa. 

Bây giờ, phe DC ta cũng xanh mặt nín thở trước tin ông Trump sẽ ra tái tranh cử tổng thống năm 2024. Không cản được thì phe ta sẽ... đổ nợ, chết không kịp hỏa táng. Lại phải ra sức tìm phao tự cứu sống. Hai cái phao họ nghĩ có thể cứu sống được đảng DC nói chung và cụ Biden nói riêng chính là hai chiêu võ mới nhất mà hạ viện dưới thế đa số DC vừa tung ra trong giờ thứ 25, 2 tuần trước khi phe DC mất thế đa số trong hạ viện.

Dưới đây, ta bàn về hai chiêu võ trong tuyệt vọng này.

Công khai hóa giấy khai thuế của Trump

Nhắc lại, Ủy Ban Ngân Sách -Ways and Means Committee- của hạ viện đòi coi giấy thuế của ông Trump trong 6 năm qua, ông Trump không đáp ứng, hạ viện kiện. Trên nguyên tắc, giấy khai thuế là tài liệu tuyệt mật, Sở Thuế IRS phải giữ kín. Chỉ trong một trường hợp duy nhất quốc hội có quyền đòi coi là khi có nhu cầu làm một luật nào đó. Lên đến Tối Cao Pháp Viện, Ủy Ban Ngân Sách lấy lý do cần xem giấy khai thuế của Trump để ra luật về việc kiểm tra giấy thuế của tổng thống. Câu hỏi lộ liễu: sao không dựa trên giấy khai thuế đã có sẵn của Bush con hay Obama hay Biden, mà lại nhất định phải là giấy thuế của Trump mới làm luật được? Dù sao thì đây cũng là lý do chính đáng mà TCPV đành chấp nhận, bắt ông Trump phải nộp 6 năm giấy khai thuế cho ủy ban. Tuy nhiên có điều kiện rõ ràng là không được công khai hóa những giấy thuế đó.

Trên nguyên tắc, kẻ này không thấy có gì phải phản đối khi quốc hội muốn dùng giấy thuế của bất cứ ai để làm luật nào đó. Tuy nhiên trong trường hợp này, người đui mù nhất, u mê nhất cũng hiểu rõ ý đồ bất chánh của hạ viện: muốn có giấy thuế của ông Trump để đi mò tội, xem ông có khai gian gì hay không. 

Việc làm của Ủy Ban đưa ra ánh sáng cái xảo trá lưu manh vô bờ của đảng DC: viện cớ làm luật để rồi biểu diễn cho cả nước thấy họ coi cả thiên hạ đều N.G.U. hết, mắc lừa thô bạo nhất. Vì chẳng có luật nào được làm ra hết, cho dù phe DC tiếp tục nắm đa số trong hạ viện 5.000 năm nữa, vì thật ra, chủ đích của Ủy Ban chỉ là lấy cho bằng được giấy thuế của Trump để moi rác đánh Trump, giúp Biden thôi, không có gì khác, không hơn không kém.

Đã vậy lại còn công khai hóa giấy thuế của ông Trump nữa. Công khai hóa như vậy có liên quan gì đến nhu cầu ra luật? Việc lộ liễu không ai có thể chối cãi được là công khai hóa giấy khai thuế của ông Trump chỉ là một đòn chính trị dưới lưng quần để giúp Biden trong mùa tranh cử không hơn không kém. Đòn chính trị này bẩn thỉu đến độ ngay cả báo loa phường chống Trump chết bỏ là Los Angeles Times cũng phải chống đối, viết bài công kích. Vũ Linh không 'láo xạo' đâu, quý độc giả rảnh rỗi có thể đọc bài của LA Times dưới đây:
https://www.latimes.com/opinion/story/2022-12-21/donald-trump-tax-returns-congress

Ủy Ban có vi phạm luật gì không? 'Không' mà cũng 'có' luôn. 

Không, vì vài ngày sau khi nhận được hồ sơ thuế mấy ngàn trang của Trump, Ủy Ban Ngân Sách hạ viện đưa ra ngay một dự luật đề nghị lơ mơ là cần phải siết chặt phương thức kiểm tra của Sở Thuế IRS. Không một người nào có thể tin ủy ban đã có thể tìm ra được những sai phạm trong cách kiểm tra thuế trong vài ngày sau khi nhận được mấy ngàn trang khai thuế hết. Dự luật đã được viết sẵn từ cả năm trước, và được đưa ra để làm ra vẻ ủy ban đã nói thật khi xin xem giấy thuế để ra luật. Hơn nữa, chỉ là dự thảo cho có trong ủy ban, chưa đưa ra trước hạ viện và thường viện để biểu quyết. Và sẽ không bao giờ đưa ra. Tuồng hát bộ thô bạo và rẻ tiền nhất.

Có, vì Ủy Ban đã công khai vi phạm phán quyết của TCPV, không cho phép công khai hóa hồ sơ thuế. Rồi sao? Chúng ngồi xổm trên luật pháp từ lâu nay, đã ai làm gì được? Một vài tiếng đồng hồ sau khi công khai hóa hồ sơ thuế của Trump thì ủy ban hạ màn, hỏa táng, hết chuyện. Ai kiện? Kiện ai?

Vài con vẹt tị nạn hý hửng tung emails ra khắp thế giới, hớn hở rao "thiên hạ được coi giấy thuế của Trump". Chi dzậy? Việc được coi hồ sơ thuế của Trump sẽ mang lại ấm no hạnh phúc gì cho gia đình mình? Hay chỉ thỏa mãn cái tò mò, cái thù ghét Trump, muốn có dịp thấy 'tội' gì đó của Trump và chửi Trump. Thù ghét cá nhân mù quáng như vậy có phải là thái độ nghiêm chỉnh để đánh giá người chịu trách nhiệm về cuộc sống của chúng ta và gia đình chúng ta, về đủ mọi phương diện như công ăn việc làm, sức khoẻ, an toàn cá nhân, an ninh cả nước không? Đây chỉ là những người chỉ lo đi mò cỏ dại mà không nhìn thấy cả cái vườn hoa trước mắt.

Việc hạ viện phá luật, công bố giấy thuế của một cá nhân mà không có lý do chính đáng đúng luật sẽ mở ra tiền lệ cực nguy hiểm là các chính trị gia, chỉ cần chiếm đa số trong một viện của quốc hội là có thể có toàn quyền vứt bỏ bất cứ luật lệ nào, có quyền đòi coi và công bố giấy khai thuế hay bất cứ tin tức cá nhân bí mật nào của đối thủ chính trị. Trong tương lai, bất cứ tổng thống, phó tổng thống, thống đốc, nghị sĩ, dân biểu, thậm chí luôn cả các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đều có thể là nạn nhân, với tất cả khiá cạnh của cuộc sống cá nhân bị phơi bày ra cho cả nước thưởng lãm. Ai biết được phe CH sẽ không tìm cách, viện cớ nào đó để đòi công khai hóa giấy thuế của vợ chồng Pelosi, vợ chồng Feinstein, vợ chồng Schumer, ...? Hay giấy thuế của quý tử Hunter Biden xem cậu làm ăn với Ukraine và Trung Cộng ra sao, lãnh được bao nhiêu tiền trà nước, chia cho bố bao nhiêu, khai những gì, có gian trá không? Nếu có bị đòn 'gậy ông đánh lưng ông' thì đừng khiếu nại.

Bởi vậy mới nói chính trị gia, nhất là dân biểu, không bao giờ nhìn xa hơn... hai năm nhiệm kỳ của mình.


Đó là nói chuyện nguyên tắc tổng quát, bây giờ ta nhìn vào vài con số thuế của Trump.

Phải nói ngay để chúng ta hiểu rõ đang nói gì: xin diễn giải các tiết mục trên cho rõ:
- Adjusted Gross Income: tổng lợi tức của năm trước khi trừ thuế, được dùng làm căn bản để tính tỷ lệ và số tiền thuế phải đóng. Số âm có nghĩa là lỗ lã trong năm.
- Tax Based on Income and AMT: Số tiền thuế phải đóng dựa trên lợi tức và AMT, trước khi khấu trừ credits.
- AMT: để tránh việc các đại công ty lách thuế đủ kiểu không đóng thuế gì hết, IRS bắt các công ty phải đóng thuế, theo hai cách: 1) cách tính lợi tức thực sự rồi từ đó tính tỷ suất thuế bình thường như vừa nêu trên; 2) hay là đóng thuế ở mức tối thiểu bắt buộc, gọi là AMT tức là Alternative Minimum Tax. Thông thường, trong năm, các cơ sở kinh doanh ước tính thuế sẽ phải đóng cuối năm, đóng trước một phần mỗi tam cá nguyệt, rồi cuối năm tính lại, nếu đóng thuế quá số phải đóng, sẽ được lấy về số thặng dư, nếu thiếu phải đóng thêm cuối năm. Nếu phải đóng quá nhiều, hay tình trạng thuế quá phức tạp thì có thể chọn đóng tối thiểu thuế AMT.
- Tax credits: phần được trừ thẳng vào tiền thuế phải đóng. Có rất nhiều hình thức 'credits', như credits cho số con cái hay thân nhân phải nuôi -dependents- mà tất cả mọi người đều biết; credits cho nhiều dịch vụ kinh doanh Nhà Nước cho phép vì muốn khuyến khích (chẳng hạn như được tax credits khi mở công ty mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều người; hay mở hãng xưởng trong một vùng bỏ hoang để phát triển kinh doanh trong vùng đó); credits cho số tiền thuế đã đóng trước mỗi tam cá nguyệt rồi như vừa nêu trên; và credits bù đắp lỗ lã kinh doanh các năm trước.

[Cần ghi nhận hai chuyện: 1) những người làm kinh doanh cũng như làm nghề độc lập, mỗi tam cá nguyệt phải tự nguyện đóng trước thuế lợi tức dự tính sẽ phải đóng cuối năm, đến cuối năm sẽ tính lại, được trả lại tiền đã đóng quá lố, hay phải đóng thêm tùy trường hợp; 2) lỗ lã kinh doanh được khấu trừ vào lợi tức, nếu lỗ quá nhiều, có thể chuyển cái lỗ đó qua nhiều năm sau, vấn đề chính là phải chứng minh được cho Sở Thuế là đã có lỗ lã thật, qua những biên lai, chứng từ,... (Tất cả những người đã từng có sinh hoạt kinh doanh, kể cả tiểu thương như ông chủ tiệm phở ở khu Bolsa hay bà bán quần áo trẻ con trong Phước Lộc Thọ đều biết, làm ăn, có khi lời to có khi lỗ nặng. Năm nào lỗ thì chẳng những khỏi đóng thuế mà còn được khấu trừ cái lỗ đó qua thuế phải đóng năm tới. Chỉ có các cụ sống bằng trợ cấp hay đi làm có đồng lương nhất định, không bao giờ lỗ mới không biết gì về loại credits này).] 

- Final tax bill after credits: số tiền thuế cuối cùng phải đóng sau khi khấu trừ credits.

Hiểu như vậy thì ta thấy:

- Ông Trump bị lỗ kinh doanh trong những năm 2015, 2016, 2017, 2020. Theo báo tài chánh Bloomberg -không thân thiện gì với ông Trump-, từ năm 2016 tới 2020, ông Trump đã mất đâu gần 2 tỷ đô tài sản, vì các cơ sở kinh doanh của ông như khách sạn, casino, căn hộ bán hay cho thuê, sân gôn,... mất khách rất nhiều, một phần vì bị đám DC tẩy chay, một phần vì một số kinh doanh lớn tránh quan hệ với Trump vì sợ mang tiếng liên hệ chính trị phe đảng. Tất cả những lỗ lã đều có bằng chứng và được IRS kiểm tra mỗi năm.

- Ông được tax credits trên tất cả 5 năm (năm 2020, chưa có dữ kiện). 

- Truyền thông loa phường -và đám vẹt tị nạn- khai thác sự thiếu hiểu biết chi tiết khai thuế, nên nhất tề hô hoán ông Trump có lợi tức bạc triệu mà chỉ đóng có 750 đô thuế trong hai năm 2016-2017. Cái gian trá thiếu lương thiện của đám này là đã không ghi cho rõ trong hai năm đó, ông Trump đúng ra đã phải chịu thuế tới gần 10 triệu đô, nhưng nhờ credits nên chỉ đóng có 750 đô một năm. Credits đó là do khấu trừ những lỗ lã của 3 năm trước, và tiền thuế ông Trump đã đóng trước trong năm rồi. Hạ viện khi công bố các con số credits tổng quát cũng đã chơi trò lập lờ đánh lận con đen khi không cho chi tiết credits, để không ai biết bao nhiêu là lỗ từ những năm trước mang qua, bao nhiêu là thuế ông Trump đã đóng trước từ đầu năm. Chẳng hạn năm 2017, Trump đóng thuế 750 đô, sau khi trừ credits gần 7,5 triệu. Chẳng ai biết số credits đó là tiền lỗ mấy năm trước mang qua, hay đó là tiền thuế Trump đã đóng trước trong năm rồi.

Bí lối đánh Trump, phe DC quay qua công kích IRS đã không kiểm tra kỹ giấy thuế của Trump. Thật ra, theo chính báo cáo của Ủy Ban Ngân Sách hạ viện, IRS kiểm tra chi tiết giấy thuế của Trump trong 5 năm 2009-2013; trong 5 năm 2014-2018, kiểm tra những con số chính như lợi tức, chi phí và lỗ lã; rồi tái kiểm tra chi tiết lại trong hai năm 2019-2020. Mà chẳng một lần nào truy tố hay phạt ông Trump vì bất cứ chuyện khai gian hay trốn thuế nào. Chưa đủ sao?

Dù sao, tất cả những việc ông Trump làm, chẳng có gì bất hợp pháp hay gian trá hết. Cái giấy thuế mà phe ta khua chiêng trống hơn vỡ chợ té là chuyện con voi đẻ ra trứng cút. Các cụ vẹt thỏa mãn chưa? Tối nay ngủ ngon hơn không?

Cũng nên ghi nhận, việc khai thuế của Trump cực kỳ phức tạp khi ông này có dính đáng vào kinh doanh của khoảng 500 công ty lớn nhỏ. Giấy khai thuế của các cụ vẹt tị nạn nhiều lắm là 5-7 trang, làm qua 'Turbo Tax' dễ hơn đếm tới 3 trên đầu ngón tay, trong khi giấy khai thuế mỗi năm của Trump lên tới cả ngàn trang. Do đó, việc khai thuế do một trong những công ty khai thuế uy tín nhất và lớn nhất thế giới lo, là công ty Mazars USA: với hơn 40.000 chuyên gia kế toán, với văn phòng trên 90 quốc gia trên thế giới. Khi ông Trump khai lợi tức hay chi phí gì ở Indonesia chẳng hạn, Mazars sẽ có chuyên gia ngay tại Indonesia để kiểm tra. Phải nói ngay, nếu ông Trump đóng thuế ít thì đó cũng nhờ Mazars đã thông hiểu ngõ ngách của khai thuế hơn ai hết. Không ai có thể nghiêm chỉnh nói tất cả các chuyên gia uy tín của Mazars đều đã thông đồng để khai gian cho Trump. Nếu nói vậy thì chỉ là những lời tố phe đảng sảng của những người thiếu hiểu biết.

Nói chung, các đại tập đoàn Mỹ, chẳng có một cái nào đóng thuế đầy đủ 21% lợi tức hết. Dưới đây là bảng đóng thuế của các đại tập đoàn lớn nhất, có nên bắt tất cả các CEO đó đi tù không?

Màu vàng: tỷ lệ thuế được trả lại; 
Lợi nhuận của các công ty đó:AT&T: 29,6 tỷ đô; Dow: 1,5 tỷ: AIG: 9,8 tỷ;  Charter: 6 tỷ

J-6 truy tố Trump

Nếu quý vị muốn thấy một thí dụ cụ thể nhất về chuyện mà các cụ ta gọi là 'cái cầy đi trước con trâu', thì quý vị chỉ cần nhìn vào cái Ủy Ban Điều Tra về Biến Động 6/1/2021 thì thấy ngay.

Bình thường, trong một vụ án, cảnh sát đi điều tra trước, rồi khi có đủ bằng chứng, nhân chứng để kết tội, thì sẽ mang ra tòa để kết án. Có phải vậy không? Có phải vậy không quý ông luật sư vẹt của Houston? Nhưng đó là công lý bình thường của người bình thường. Không phải công lý bốn vó lên trời của đảng quái dị DC của Mỹ. Một phiên 'tòa' để lật đổ một tổng thống, một chuyện cực kỳ trầm trọng với hệ quả không thể tả nổi, mà không cần điều tra, không cần bằng chứng, nhân chứng tha hồ bốc phét không đối chất, chỉ có công tố kết tội, không có luật sư bào chữa, 'bồi thẩm đoàn' chỉ cần bỏ phiếu biểu quyết, khỏi thắc mắc chuyện gì hết. 

Một bằng chứng điển hình nhất. Bà thư ký Cassidy Hutchinson (được truyền thông loa phường thăng chức lên 'phụ tá' của TT Trump) ra trước hạ viện, kể chuyện Trump giằng co tay lái xe với tài xế và cận vệ, đòi đi tới quốc hội cổ võ đám biểu tình ngay 6/1/2021, một câu chuyện cô ta thú nhận chỉ 'nghe lại' chứ không chứng kiến tận mắt. Dĩ nhiên vì cô thư ký đâu có bao giờ được ngồi cùng xe với tổng thống. Sau đó, nhiều nhân viên mật vụ -Secret Services- lo an ninh của tổng thống phủ nhận, lên tiếng sẵn sàng ra trước hạ viện công khai đối chất. Hạ viện làm gì?  Im re, không cho đối chất. Mới đây, cô Hutchinson sợ người ta quên mất tên mình, lại nhẩy ra tố cựu Chánh Văn Phòng, ông Meadows thường xuyên đốt tài liệu tối mật trong Tòa Bạch Ốc. Bằng chứng hay nhân chứng: ZERO! Vài con vẹt già nhẩy nhổm la hoảng ngay "Lời khai đáng kinh ngạc..."! Cái đáng 'kinh ngạc' không phải là những lời khai của cô Hutchinson, mà là cái u mê của đám vẹt già sẵn sàng tin những chuyện tào lao vớ vẩn nhất.

Như vừa trình bày phần trên, ngay sau khi xẩy ra biến động 6/1/2021, đảng DC lôi ngay ông Trump 'ra tòa án nhăn răng' hạ viện, kết án, đàn hặc, rồi chuyển qua 'ông tòa thượng viện' để truất phế. Để rồi thất bại ê chề. Sau khi thất bại, đảng DC làm gì? Xin thưa: mở điều tra để tìm bằng chứng kết tội lại. Nếu đó không phải là chuyện cái cầy đi trước con trâu thì là cái gì? Kết án trước, thất bại, mới điều tra để cố mò bằng chứng kết án lại.

Tin quái dị nhưng không có gì đáng ngạc nhiên vì đã từng xẩy ra: còn hai tuần nữa là mất job, Ủy Ban J-6 điều tra về vụ dân biểu tình bao vây quốc hội ủng hộ Trump ngày 6/1/2021, trong một báo cáo dài 154 trang, đã cố gỡ gạc, liệt kê tội trạng của ông Trump, và hấp tấp chuyển hồ sơ yêu cầu bộ Tư Pháp của Biden truy tố cựu TT Trump về 4 đại tội:

Cản trở quốc hội thi hành phận sự [kiểm phiếu bầu tổng thống của đại cử tri đoàn];

Âm mưu lừa gạt chính quyền liên bang;

Ra tuyên cáo láo;

Giúp tổ chức một cuộc nổi loạn chống chính quyền (tội này nghiêm trọng nhất, nếu toà án xử 'có tội' -guilty- thì bị cáo sẽ bị cấm không được giữ bất cứ chức vụ nào trong chính quyền bất kể do bổ nhiệm hay được bầu). (Nguyên văn: "obstructing an official proceeding of Congress, conspiracy to defraud the federal government, making a false statement, and inciting, assisting, or aiding and comforting an insurrection")

Việc truy tố ông Trump của Ủy Ban J-6 đúng như một nhà báo loa phường của NBC đã phải thú nhận, chỉ là đòn phép chính trị phe đảng nhằm hạ uy tín ông Trump, hoàn toàn vô nghĩa. Nhất là khi ta nhìn vào thành phần cũng như cách hành sử của cái ủy ban quái dị này:

Tất cả 9 thành viên đều do một mình bà chủ tịch hạ viện Pelosi đích thân tuyển chọn dựa trên đúng một tiêu chuẩn là chống Trump quyết liệt và đã từng bỏ phiếu đàn hặc Trump, kể cả 2 dân biểu bù nhìn CH ngồi làm cảnh  là bà Liz Cheney và ông Adam Kinzinger. CNN ca tụng tính 'lưỡng đảng công tâm' của ủy ban vì có đại diện của cả hai đảng !!! Cấm cười! [Khi quý độc giả đọc bài này thì bà Cheney và ông Kinzinger đã hết job rồi, tuy còn lãnh lương tới hết ngày thứ bẩy 31/12/2022].

- zero bằng chứng;

- không có FBI điều tra gì hết; cũng chẳng có công tố đặc biệt nào điều tra;
tất cả các nhân chứng cũng đều được chọn kỹ trong đám chống Trump chết bỏ, tất cả đều không có đối chất, và những người bị truy tố, chẳng ai được lên tiếng hay có luật sư bào chữa.

Mỹ gọi đó là 'kangaroo court', thực tế chỉ là công lý của Hitler và Mao, được đảng DC Mỹ thực hành tại Mỹ. Từ đó, tất cả mọi truy tố, mọi bằng chứng, mọi lời khai của nhân chứng, mọi biên bản, tất tần tật đều vô giá trị pháp lý vì chỉ mang tính phe đảng chính trị một chiều.

Cái tiếu lâm không nhịn cười được là Ủy Ban J-6 đã lố bịch một cách rất 'hoành tráng' ra trát đòi Trump phải ra trước ủy ban chịu hạch hỏi. Trump phớt lờ, bây giờ, ủy ban đành ngậm bồ hòn, rút lại trát (Xin xem trang Tin Tức).   

Bước kế tiếp do bộ Tư Pháp của Biden quyết định: truy tố ông Trump ra tòa hay không. Trên nguyên tắc, bộ Tư Pháp không thể truy tố ông Trump dựa trên những chứng cớ vô giá trị pháp lý của hạ viện được, tuy nhiên, chính quyền Biden đã từng chứng minh cho cả thế giới thấy họ ngồi xổm trên đầu luật pháp từ lâu rồi. Trên thực tế, yếu tố chính quyền Biden cân nhắc chỉ là những hậu quả chính trị, sao cho có lợi cho cuộc bầu cử tổng thống thôi, còn luật pháp là  chuyện... vớ vẩn. Ta chờ xem bộ Tư Pháp sẽ làm gì.

Việc truy tố này sẽ kích động thêm sự phân hoá chính trị Mỹ, với cử tri DC chống Trump vui mừng hớn hở trong khi khối cử tri ủng hộ Trump sẽ lên cơn điên, càng ủng hộ Trump hơn trong cuộc bầu tồng thống tới.

Ở đây, có một vấn đề nghiêm trọng hơn ta cần phải bàn qua.

Tội nặng nhất dĩ nhiên là tội thứ tư, cũng là tội mà theo dân biểu DC Jamie Raskin, thành viên của J-6, sẽ không cho ông Trump ra chạy đua chống Biden luôn. Quá tiện! Tam thập lục chước, chỉ còn một chước này may ra cứu được Biden thôi. Tranh cử công khai trung thực, không gian lận, coi bộ khó ăn quá. Dân biểu DC Raskin của Ủy Ban nói huỵch tẹt ra là Ủy Ban hy vọng với việc truy tố tội thứ tư này, ông Trump sẽ bị cấm vĩnh viễn, không bao giờ được giữ bất cứ chức vụ công quyền nào đến mãn đời.

Coi dzậy mà hổng phải dzậy đâu, quý vị ơi. Cái loa phường MSNBC, chống Trump chết bỏ, cũng đã phải nhìn nhận không thực hiện được như ý muốn đâu. Kẻ này không đủ hiểu biết về Hiến Pháp nên không dám bàn, chỉ viết lại những ý kiến của MSNBC thôi. Đây nhé:

- Hiến Pháp không hề ghi bất cứ một tội gì có thể cấm một người nào ra ứng cử và đắc cử tổng thống. Cho dù trong vụ này, bộ Tư Pháp truy tố ông Trump về tội tạo phản, vẫn chẳng cấm ông tranh cử và đắc cử, làm tổng thống. Hiến Pháp ghi rõ những điều kiện được ra tranh cử và đắc cử:

- phải sanh ra tại Mỹ và đã ở Mỹ liên tục 14 năm trước khi ra tranh cử; 

- phải đủ 35 tuổi;

- chưa làm tổng thống tới hai nhiệm kỳ;

- chưa bị đàn hặc và truất phế.

- Khi dân biểu Raskin nói về việc cấm Trump không được giữ chức nào trong công quyền vì tội xúi dục tạo phản, thì ông ta đã dựa trên Khoản 3, Tu Chánh Án 14 của Hiến Pháp, mà một con vẹt mau mắn viện dẫn, ra cái điểu ta đây biết Hiến Pháp rất rành. Nhưng vấn đề là khoản 3 này ghi rất rõ trên giấy trắng mực đen là áp dụng cho tất cả các thượng nghị sĩ và dân biểu liên bang, và các cử tri đoàn bầu tổng thống và phó tổng thống -"elector of President and Vice-President"-, và tất cả các chức vụ liên bang và tiểu bang khác, nhưng lại không đề cập tới những chức vụ tổng thống và phó tổng thống, có nghĩa là không áp dụng cho hai chức vụ đó. Quý độc giả không cần phải tin Vũ Linh đâu, đây là quan điểm của đài tivi loa phường MSNBC, KHÔNG phải Fox News đâu; xin đọc bài của MSNBC qua link dưới đây:

https://www.msnbc.com/opinion/msnbc-opinion/trump-criminal-referrals-jan-6-committee-wont-hurt-presidential-campai-rcna62635

Cai tiếu lâm là chính MSNBC kết luận việc làm của Ủy Ban J-6 hoàn toàn tào lao, vô nghĩa, chẳng có một hậu quả cụ thể nào hết, chỉ khiến ông Trump ngồi rung đùi cười.

***

Việc làm của các Ủy Ban hạ viện nói riêng và của đảng DC nói chung khiến kẻ này nhớ lại cuộc chiến Quốc Cộng của chúng ta năm xưa. Chúng ta, nghĩa là Đệ Nhất CH và Đệ Nhị CH luôn luôn thua thiệt VC trong cuộc chiến chính trị, vì 'chính nghĩa' nửa vời, vì chúng ta không đủ khả năng gian trá mánh mung và ý chí lưu manh chơi tới cùng như VC. Bây giờ đảng CH Mỹ cũng không khác gì hai cái CH của miền nam ta, không đủ khả năng gian trá và ý chí lưu manh chơi tới cùng, nên luôn luôn thua phe DC. Bài học chung như kẻ này đã viết nhiều lần: không phải chính nghĩa lúc nào cũng thắng, mà thực tế cuộc sống, lưu manh gian trá có nhiều hy vọng thắng hơn. Bởi vậy ta mới phải đang tị nạn CS ở Mỹ. Để ngồi chứng kiến cảnh đảng DC Mỹ chơi mánh không khác gì VC.

Vũ Linh

(Người Việt Boston)

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...