06 October 2022

Putin Lại Hăm Dọa Về Vũ Khí Hạt Nhân

Dina Khapaeva:
 “Putin’s New Nuclear Blackmail“, PS
Chuyển ngữ: Lương Định Văn

Hẳn nhiên là sự đe dọa về hạt nhân của Vladimir Putin cần được đối phó một cách nghiêm túc. Nhưng nếu Tây Phương nhượng bộ sự hăm dọa và cho phép ông ta công bố sáp nhập đất đai của Ukraine và tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến, thì trật tự thế giới như chúng ta đã từng biết đến sẽ sụp đổ, và nhiều dân tộc khác sẽ nhìn về tương lai với nỗi lo sợ.

ATLANTA – Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố “lệnh động viên một phần” các lực lượng vũ trang của Nga – ước chừng 300,000 người đăng ký nhập ngũ vào lực lượng dự bị, mặc dù có những bản tường trình cho rằng lệnh động viên sẽ bắt được khoảng 1,2 triệu người. Khi được tin này, tôi đã gọi cho một người bạn ở St.Petersburg, bà này giải thích với tôi qua những giọt nước mắt rằng đứa con trai 30 tuổi của bà thà vào tù còn hơn là đi chiến đấu ở Ukraine, là nơi chôn cất bà nội người Ukraine gốc Do Thái của anh ta. Anh ta hiện đang làm việc từ xa, vì sợ bị bắt gặp trên đường phố.

Đó là lần thứ hai tôi đã nghe bạn mình khóc. Lần đầu tiên là vào ngày 24 tháng 2, khi Nga xâm lược Ukraine.

Câu chuyện của bạn tôi không phải là độc nhất. Trên khắp nước Nga, những người từng coi chính trị là điều xa vời và trừu tượng giờ đây đã nhận thức được một cách sâu sắc – và thường hoang mang – trước những diễn biến về chính trị. Nhưng không phải tất cả những người được gọi nhập ngũ đều đáp ứng lệnh động viên – hay được gọi là “lệnh động mả” (mogilization), theo cách nói hiện nay của người Nga (mogila có nghĩa là “ngôi mộ”) – như của đứa con trai của bạn tôi. Trên thực tế, bất cứ ai cũng hy vọng rằng sự phản kháng rộng rãi của dân chúng sẽ phá rối lệnh động viên vốn có thể sẽ đem đến kết quả thất vọng.

Mặc dù nhiều thanh niên Nga có thể không muốn chết vì chiến tranh – khoảng 200,000 người đã trốn ra ngoại quốc – nhưng phần lớn, họ không cố ý trốn tránh quân dịch. Điều này có lẽ phần nào phản ánh nỗi sợ hãi của họ về việc phải đối mặt với các tội phạm hình sự – vừa được Quốc Hội Nga tăng cường – vì trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Nhưng phần lớn họ cũng lập lại luận điệu tuyên truyền của Putin, cho rằng “Dù gì thì người Ukraine cũng là những kẻ phát xít” và rằng Tây Phương và Ukraine ” thế nào cũng ghét chúng tôi”.

Giới thanh niên tự an ủi bằng cách tưởng tượng rằng họ sẽ không bị bắt phải đi quân dịch hoặc ít nhất, rằng họ sẽ được “huấn luyện đầy đủ” – có lẽ sẽ kéo dài ba hoặc bốn tháng – trước khi họ được điều động. Tuy nhiên, khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 và tháng 3, những tân binh trẻ tuổi đã được gửi ra mặt trận, và không có lý do gì để nghĩ rằng điều này sẽ thay đổi ngay vào lúc này, đặc biệt là vì Nga thiếu hạ tầng cơ sở quân sự và huấn luyện viên.

Vì vậy, hầu hết thanh niên Nga dường như đã sẵn sàng chấp nhận số phận của họ một cách thụ động, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ sẽ chết vì một cuộc chiến đầy tội ác của một chế độ vi phạm tội hình sự. Họ sẽ trở thành vật hy sinh không phải vì một chính nghĩa cao cả nào đó, mà bởi vì Putin sợ hãi một cuộc cách mạng, đặc biệt là loại ” Cách Mạng Cam” mà Ukraine đã tự phát động.

Mối lo này đã trở nên không thể dung thứ được vào năm 2019, khi dân Ukraine tuyển chọn Tổng thống Volodymyr Zelensky theo chiều hướng ủng hộ dân chủ, chống tham nhũng. Một Ukraine thịnh vượng, dân chủ, hướng về Tây Phương là điều ghê tởm đối với Putin vì nó chứng mình rằng người Nga không cần phải sống dưới một chế độ chuyên chế thối nát. Và Putin rõ ràng cảm thấy bị đe dọa vì mất sự kiểm soát về chính trị đối với phe đối lập. Điện Cẩm Linh hầu như không làm gì để giúp đỡ người dân trong đại dịch COVID-19 và việc hàng loạt người Nga từ chối việc chủng ngừa vaccine Sputnik V cho thấy tình trạng mất niềm tin vào chế độ ở một mức độ nghiêm trọng.

Cuộc chiến chớp nhoáng vào tháng Hai, theo sau là một cuộc diễn hành chiến thắng ở Kyiv, được cho là để vực dậy uy tín đang giảm sút của Putin và do đó bảo tồn chế độ của ông ta. Điện Cẩm Linh đã dùng mọi nỗ lực để hô hào người dân Nga xung quanh “chiến dịch quân sự đặc biệt”, cụ thể bằng cách gợi lại ký ức về “Cuộc Chiến Vệ quốc Vĩ đại” chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Nhưng chẳng bao lâu sau, các thiết kế của Putin đã va chạm phải cuộc kháng chiến dũng cảm của Ukraine, và rõ ràng là Nga sẽ không dễ dàng lặp lại sự sáp nhập của Crimea vào năm 2014, điều mà hầu hết người Nga đã hoan nghênh – và Tây Phương đã phản ứng một cách yếu ớt chống lại điều này.

Giờ đây, Tây Phương cũng phải đối đầu với những mối đe dọa mới của Putin trong việc triển khai vũ khí hạt nhân. Những lời đe dọa này không có gì đáng ngạc nhiên: Putin đã thường xuyên dùng luận điệu về ngày tận thế nhiều hơn tổng cộng tất cả các nhà lãnh đạo khác của Âu Châu. Năm 2000 – năm đầu tiên của Putin ở trên cương vị tổng thống – đã đề ra một học thuyết quân sự mới hàm ý sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. Vào năm 2010, trong nhiệm kỳ tổng thống của Dmitry Medvedev, kẻ bù nhìn tạm giữ chỗ của Putin – hiện là nhân vật diều hâu số một của Nga – hành vi đe dọa đó đã trở nên rõ ràng, với lời tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng nhằm “phòng thủ” hầu đối phó với “mối đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga. “

Có hai sự giả định về lý do của hành vi đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Điện Cẩm Linh. Thứ nhất, Tây Phương sẽ lùi bước, vì “nền chính trị có trách nhiệm”: đối diện với viễn ảnh của cuộc chiến tranh hạt nhân, những công dân sợ hãi sẽ thúc đẩy các chính phủ do họ bầu ra tiến tới việc đấu dịu và đàm phán. Thứ hai, sự đoàn kết về chính trị của Tây Phương chống lại nước Nga không thể đứng vững trước mối họa tận diệt của hạt nhân; thay vào đó, mỗi quốc gia sẽ tranh nhau tự cứu lấy chính mình bằng cách tìm kiếm sự thỏa thuận với Điện Cẩm Linh. Quyết định yếu ớt của Tây Phương sau cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2014 của Nga có lẽ đã củng cố những giả định này.

Giờ đây, Putin đang tiến thêm một bước nữa về việc đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Với các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo ở các khu vực chiếm đóng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine, ông ta dường như đang chuẩn bị những nguyên cớ để sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm “bảo vệ” lãnh thổ của Ukraine đã bị Nga chiếm đoạt khỏi sự giải phóng của quân đội Ukraine.

Điều hiển nhiên, như các nhà quan sát đã nhanh chóng chỉ ra, đã có các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga – ở các khu vực Belgorod và Kursk – và không có vũ khí hạt nhân nào được triển khai. Hơn nữa, không hề có “kẻ trốn dưới hầm”, theo như một số nhà phê bình blogger đã gọi Putin như thế, cũng không hề có những tên cận thần trộm cắp của ông ta có vẻ sẵn sàng chết vì bất kỳ lý do gì. Họ có thể ít sẵn lòng trong việc khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân hơn là những điều họ muốn thế giới tin tưởng.

Chúng ta không hề biết gì về chuỗi mệnh lệnh phát động vũ khí hạt nhân của Nga, kể cả việc liệu mọi người trong chuỗi đó có tuân theo lệnh khởi động hay không. Trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba vào năm 1962, Vasili Arkhipov, một sĩ quan tiềm thủy đỉnh của Liên Xô, đã từ chối bắn hỏa tiễn hạt nhân. Hơn nữa, vũ khí của Putin đôi khi thất bại trong việc vận hành.

Nghĩ rằng chỉ có một điều duy nhất mà đám cận thần của Putin thực sự trân quý là cuộc sống và sự giàu có của họ, có lẽ họ đang tìm kiếm một ứng viên thích hợp để kế nhiệm ông ta. Nếu cuộc chiến của ông ta ở Ukraine không thể bảo vệ chế độ mafia của họ, thì có lẽ một kẻ kế vị nào đó mà Tây Phương sẵn sàng đàm phán có thể thực hiện điều này.

Quan sát các chiến thuật của Putin, người ta không thể không nghĩ đến một tên cướp cạn đang cố dùng dao đe dọa một nạn nhân. Con dao đó có được sử dụng hay không tùy thuộc vào phản ứng của nạn nhân, hoàn cảnh xung quanh (chẳng hạn như có người khác can thiệp) và sự may mắn. Được coi như những nhà vô địch ủng hộ cho Ukraine, các cường quốc Tây Phương cần phải lưu tâm.

Mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân phải được cân nhắc một cách nghiêm túc. Nhưng nếu Tây Phương nhượng bộ Putin và cho phép ông ta công bố việc sáp nhập các vùng đất của Ukraine và tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến, thì trật tự thế giới như chúng ta từng biết sẽ sụp đổ, chôn vùi các niềm hy vọng về an ninh và tôn trọng luật pháp quốc tế trong tương lai.

Dina Khapaeva, Giáo sư Nga ngữ tại Học Viện Kỹ thuật Georgia.
Ấn bản thứ hai của cuốn sách “Crimes without punishment “- (Éditions de l’Aube, 2012) sẽ được ra mắt vào tháng 1 năm 2023.

Nguồn: Hội CVS QGHC Liên bang Úc Châu
https://qghc.wordpress.com/2022/10/07/putin-lai-ham-doa-ve-vu-khi-hat-nhan/

No comments:

Post a Comment