Nguyễn Quyết
Có những chuyện người ta muốn quên đi, bởi lẽ nó buồn quá, bởi lẽ nó gian khổ quá, bởi lẽ nó hèn mọn quá. Nhưng không, nó vẫn tồn tại ở đâu đó trong tâm khảm, ám ảnh mỗi khi nhớ về, cũng có thể gọi là kỷ niệm, cũng có thể gọi là chứng tích. Dàn trải một quãng thời gian không hề ngắn trong đời những con người đã sống qua thời kỳ ấy. Người Việt Nam gọi là thời bao cấp.
Đã có rất nhiều người viết và mô tả cuộc sống thời kỳ nầy. Người viết không nhắc lại thêm nhiều tỉ mỉ nữa mà chỉ ghi lại chút ít những gì mình đã hòa quyện vào đời sống ấy ở giai đoạn mới vào đời lập thân.
Thời bao cấp từ năm 75 đến cuối thập niên 80, là một giai đoạn khó khăn cho tất cả mọi người dân Việt Nam, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Kinh tế lạc hậu, vật chất thiếu thốn trăm bề, lương thực thực phẩm ít ỏi. Không đủ ăn, con người chỉ còn xương với da, may mà chưa đến mức phải chết đói. Trong thời kỳ ấy, để mưu sinh, đã nảy ra nhiều các loại nghề "xưa nay hiếm”. Kể lại cho lớp trẻ sau này, họ không hình dung được.
Bấy giờ nhà nước đã khôi phục các tuyến đường bộ, đường sắt. Các đoàn tàu già nua cũ kỹ còn sót lại, sửa sang một chút, sơn phết một chút rồi xập xình lăn bánh trên đường ray xuyên Việt, "Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau" nhưng nơi đó nó phản ảnh đầy đủ bối cảnh cuộc sống "hỉ nộ ái ố", người buôn bán hàng rong, hàng chui. Hồi đó cấm di chuyển mọi mặt hàng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm từ tỉnh nầy qua tỉnh khác. Vậy là sinh ra cụm từ "buôn chui", "bán chui", cái gì cũng phải "chui". Lọt thì kiếm chút "cháo" do chênh lệch giá cả, không lọt thì bị tịch thu, trắng tay.
Vòng quay cứ thế tiếp diễn, bởi cái bao tử nó cồn cào, nó bắt đầu gối phải bò để tồn tại. Cho nên, trên các chuyến tàu liên tỉnh là một xã hội thu nhỏ với nhiều bi hài kịch. Ở tất cả các tỉnh, lối vào và ra khỏi thị xã, thành phố, nhà dân nằm dọc sát bên đường tàu, các xóm lao động nghèo, nhếch nhác nhưng đó là nơi tập kết hàng hóa, lên tàu đi nơi khác và đón hàng từ nơi khác về. Vào ga chính sẽ bị kiểm soát, bắt bớ nên họ nghĩ ra cách nầy. Tàu ra khỏi sân ga, hàng được ném lên cùng với người bu bám nhảy lên tàu. Tàu về ga, hàng được ném xuống cùng với người nhảy theo, dưới đất có người đón nhận. Dần dà, cụm từ "Nhảy tàu" ra đời, già trẻ lớn bé, nam nữ chi cũng nhảy, từ lúc nhảy ngã ngửa đến chừng nhảy chuyên nghiệp, nhảy điệu nghệ, ai không nhảy được thì thuê người nhảy, cơ quan thuế vụ không làm gì được. Nếu kể thêm thì phải nói là nhảy trốn vé, đi được đoạn nào hay đoạn nấy. Vậy là nháo nhào sáng tối đêm khuya, rộn ràng như lễ hội "nhảy tàu".
Ngoài nghề "nhảy tàu", "buôn chui" thì một số loại hình kinh doanh dành cho giới "trí thức" phải kể đến như là "Bơm mực bút bi", "bơm ga hộp quẹt", "nạp đá lửa", "xỏ quai dép cao su", "dán áo mưa", "đánh máy chữ", "đi xe đạp thồ", "làm dao, mài kéo" .v.v... đủ kiểu đủ loại.
Tôi có ông bạn lớn tuổi, trước 75 đang học năm thứ 3, đại học khoa học, sau 75 không được học tiếp. Nhà trí thức bèn sắm một cái kệ gỗ ra dựng bên một góc đường, viết tấm bảng treo tòn ten "Nơi đây bơm mực bút bi, nạp ga bật lửa. Uy tín, chất lượng cao". Sáng sớm mở hàng, tối mịt đóng thùng khệ nệ đẩy về nhà. Cứ thẩy cái dáng gầy gò, giương mục kỉnh đạo mạo ngồi bơm mực từng cây bút bi, ngửa tay nhận mấy đồng xu lẻ mà thấy não lòng.
Sau nầy khi đổi mới, xóa bao cấp, anh ta xin đi học tiếp và ra dạy học, mỗi lần cầm cây bút bi hiện đại, tôi thấy nước mắt anh ta long lanh sau cặp kiếng trắng. Có lẽ anh đang nhớ lại cái thời cặm cụi bơm mực bút bi chăng?
Có thể kể thêm nhiều chi tiết nữa. Nhưng mà, nhớ lại chút ít cũng đủ để ngậm ngùi một thời xa xưa ấy rồi. Thấm thía mãi, cho dù bây giờ xã hội đã quá hiện đại. Nhắc lại có một thời như vậy mà suy ngẫm thế thời...
Nguyễn Quyết
No comments:
Post a Comment