Nguyễn Văn Hoàng
Hôm nay kỷ niệm 2 năm ngày em trai tôi, Nguyễn văn Hoàng, đột ngột ra đi vĩnh viễn. Là một bác sĩ nhưng Hoàng có một cái nhìn độc đáo về vấn đề bệnh tật.Xin gởi đến các bạn một bài viết của Hoàng để cùng nhau hồi tưởng lại cái thuở mà Hoàng còn “tung hoành” trên Facebook. (Phuong Nguyen)
*
Không biết đã bao nhiêu lần đệ nghe bệnh nhân nói câu này:
- Sao hồi đó giờ tôi hỏng có bị như vầy?
Đúng vậy. Không ai ra đời là có đủ thứ bệnh. Phải nói là trong vài chục năm đầu rất ít bị bệnh. Thế rồi một hôm đau lưng xuất hiện, rồi đau đầu gối, rồi chóng mặt, rồi tiêu ra máu, rồi tiểu không ra, rồi đau ngực, rồi mắt không thấy đường, rồi liệt giường, liệt chiếu.
Cái câu hỏi “Sao hồi đó giờ tôi hỏng có bị như vầy?” tự nó đã hàm chứa câu trả lời: Bạn đã già. Hồi đó giờ bạn trẻ, khoẻ mạnh, bây giờ bạn bắt đầu già yếu rồi, nên bệnh đến với bạn.
Và bệnh nhân nói tiếp:
- Tui hỏng sợ gì hết, chỉ sợ bệnh thôi.
(Vậy mà hô hỏng sợ gì hết)
Bạn có biết đó là cái sợ vô cùng hữu lý, ai mà không sợ bệnh, nhưng cũng là cái sợ vô cùng vô ích bởi vì ai cũng sẽ bị bệnh. Không sợ bệnh cũng sẽ bệnh mà sợ bệnh cũng sẽ bệnh.
Cái sợ không thể nào làm bạn không bị bệnh và cái sợ đó làm bạn sống trong lo âu, phập phồng, mất hạnh phúc trước khi bạn bị bệnh.
Bạn hãy làm mọi cách để khoẻ mạnh lâu nhưng, nhưng cấm bạn sợ, cấm bạn lo, vì cái sợ đó hại bạn trước khi bạn bệnh. Những bệnh nhân này không có bệnh gì nặng hết nhưng cứ nhức đầu, nhức vai, nhức lưng, khó thở, chóng mặt, đau bao tử và đặc biệt là mệt, lúc nào cũng than mệt.
Trong program đệ dùng ở phòng mạch, có danh mục các chứng, bệnh, và trong đó có cái chứng gọi lại “fear of diseases”, chứng sợ bệnh, hay bệnh sợ bệnh.
Tiểu đệ khuyên bệnh nhân:
“Phòng bệnh là điều cần thiết, nhưng chuẩn bị tinh thần, chấp nhận dễ dàng khi nó đến là điều cần thiết hơn, vì trước sau bạn cũng sẽ đi ngang cái ải bệnh này, trừ phi bạn may mắn chết bất đắc kỳ tử.
Khi bệnh tới, thí dụ như nhẹ nhẹ là bị đau lưng, khá khá hơn một chút là nhồi máu cơ tim hay ung thư, khá chút nữa là bán thân bất toại vĩnh viễn, thì bạn hãy bình thản nói “rồi, tới phiên mình”
Chúng ta như những người sắp hàng đến quầy trả tiền. Chóng hay chầy, chắc chắn sẽ đến phiên mình móc bóp.
Người ta thường nói cái quý nhất là sức khoẻ.
Có lẽ không nên quan niệm như vậy.
Cái gì mình quý nhất thì khi mất nó đi mình sẽ đau khổ nhất. Mà chắc chắn sức khoẻ thì ai cũng sẽ bị mất. Tiền có thể giữ cho đến chết chớ sức khoẻ thì không.
Quan niệm quý sức khoẻ nhất là quan niệm chuẩn bị cho bạn đau khổ khi sức khoẻ bị mất đi, khiến bạn lo lắng khi chưa bị bệnh.
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi. Lúc đau bệnh, bạn sẽ đau, yếu, nhưng bạn không khổ vì mất đi cái “quý nhất”.
Xem nhẹ đồng tiền, khi mất nó bạn sẽ ít khổ. Nguyên lý đó cũng áp dụng cho tất cả, kể cả sức khoẻ.
Từ thời có con người đến nay, cả tỉ người đã bệnh. Bây giờ tới phiên mình. Có cái gì mà ầm ĩ.
Nguyễn Văn Hoàng, Bs
19/12/2018
No comments:
Post a Comment