Nguyễn Ngọc Chính
Tiếng Việt ta có rất nhiều từ ngữ để nói về cọp. Trải dài từ Đàng Trong ra đến Đàng Ngoài, con cọp ở Miền Nam còn có những “danh xưng” như hổ, hùm, kễnh… để chỉ loài sinh vật ăn thịt, có vú với bộ lông sọc vằn.
Trong “Tự điển tiếng Việt” của Hoàng Phê, người ta thấy có hai từ “kễnh” xuất xứ từ Miền Bắc:
(1) Kễnh là tính từ, nghĩa là “to kềnh, bệ vệ” như ăn no “kễnh bụng”;
(2) Kễnh là từ cũ, dùng để gọi con hổ (Ông Kễnh) với hàm ý kiêng nể, e sợ.
Cọp được liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong “Sách Đỏ” kể từ năm 1986. Tính đến năm 2015, quần thể cọp hoang dã trên toàn cầu được ước tính có khoảng từ 3.062 đến 3.948 cá thể trưởng thành, giảm khoảng 100.000 so với đầu thế kỷ 20.
Cũng vì có bộ lông sọc vằn trông thật “ngầu” cộng thêm với tính hung dữ nên cọp còn có “danh hiệu” Chúa Sơn Lâm khiến người ta khi nói đến thường phải thêm chữ “Ông” để tỏ lòng “tôn kính”, chẳng hạn như Ông Ba Mươi!
Nhưng tại sao lại tôn cọp lên thành Ông Ba Mươi?
Một trong những cách giải thích là do tục lệ tế thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm, có từ thời Văn Lang. Theo sách “Lĩnh Nam Chích Quái”, người Văn Lang gọi Mộc tinh (thần cây cối), là Xương Cuồng, một loài cây trải qua hằng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, có thể giết người, hại vật, biến hóa khôn lường. Dân phải lập đền thờ, hằng năm đến ngày 30 tháng Chạp theo lệ phải mang người sống tới nộp, mới được yên ổn.
Lại có giả thuyết ngày xưa có lệnh ai săn được cọp thì vua thưởng 30 quan tiền, nhưng cũng bắt người đó phải chịu 30 roi để cho vong hồn cọp được thỏa mà không tác quái nữa.
Cũng có thuyết cho rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy bức, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế hằng ngày mà thoát chết (!).
Về sau, khi lên ngôi, vua Gia Long ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn, dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ, nếu kẻ nào lỡ tay giết chết thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà cọp còn được gọi là Ông Ba Mươi.
Tại Miền Nam, năm 1875 hãng BGI được thành lập tại Sài Gòn do một sĩ quan hàng hải giải ngũ có tên Victor Larue, từ đó có tên La De. BGI là chữ viết tắt của “Brasseries Glacières d’Indochine” (Hãng bia và nước đá Đông Dương) với biểu tượng hình con cọp.
Đến năm 1954, không còn Đông Dương nữa, nên chữ “Indochine” đổi lại là Internationales (Quốc tế). Lúc đầu BGI chủ yếu làm nước đá, sau mấy năm mới sản xuất bia và nước giải khát. Từ đó, người Miền Nam gọi là “Bia Con Cọp” hay “Nước ngọt Con Cọp”.
Dân nhậu đồn đãi bia Con Cọp có vẽ hình trái thơm là loại bia ngon nhất. Tại sao BGI lại tung ra nhãn bia Trái Thơm? Số là năm 1973, BGI muốn thay đổi nhãn bia mới, để đỡ tốn tiền thuê họa sĩ thiết kế ở Pháp như mọi khi nên giao cho họa sĩ quảng cáo trong công ty vẽ.
Cũng là nhãn Con Cọp cũ nhưng vẽ thêm hoa houblons, còn gọi là hốt bố, loại hoa tạo ra vị đắng của bia. Họa sĩ chưa từng nhìn thấy hoa houblon tươi bao giờ, chỉ thấy hoa khô trong hãng nên từ đó tưởng tượng vẽ ra. Thế là hoa hốt bố trở thành… trái thơm lại trông giống như giây leo!
Đem qua nhà máy thủy tinh Khánh Hội đặt in trên 100.000 vỏ chai, mang về nhà máy Chợ Lớn, mấy kỹ sư trong xưởng bia mới cười rần rần vì vẽ sai, thế là thôi không in tiếp nữa. 100.000 chai đã lỡ in không lẽ bỏ nên số chai này được phân công bỏ chen vào các két bia mỗi két một chai để phân tán ra.
Có 2 loại bia con cọp: (1) bia chai lớn có cái đầu con cọp và để nhãn hiệu Bière Larue, (2) bia 33, độ rượu nhiều hơn, vị uống đậm đà hơn, vô chai nhỏ nên thường gọi là Bia Băm Ba. Thế là Bia Con Cọp trở thành… “Ông Ba Mươi + 3”!
Cọp cũng đi vào thơ phú với bài “Nhớ rừng” của Thế Lữ viết vào năm 1936 để tặng Nguyễn Tường Tam (1906-1963), bút hiệu Nhất Linh, thủ lãnh Tự lực Văn đoàn. Mượn lời con hổ ở vườn bách thú, Thế Lữ viết:
“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳmNay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãmĐể làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,Với cặp báo chuồng bên vô tư lự......“Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưaNơi ta không còn được thấy bao giờ!Có biết chăng trong những ngày ngao ngánTa đang theo giấc mộng ngàn to lớnĐể hồn ta phảng phất được gần ngươiHỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
“Võ Tòng đả hổ” cũng đi vào văn hóa qua tác phẩm “Thủy Hử” của nhà văn Thi Nại Am được lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Trong truyện, tác giả muốn lột tả một sức mạnh phi thường của Võ Tòng thông qua việc nhân vật này đánh chết hổ bằng tay không:
"Võ Tòng vội giật lùi lại khoảng hai mươi thước, khi ấy hai chân trước của cọp ta nằm xoài xuống đất ở trước mặt, chàng vung hai tay ra nắm lấy bờm con hổ mà đè xuống. Hổ ta hết sức cựa quậy, Võ Tòng đánh tới tấp. Hổ tức mình gầm thét, hai chân sau cào xuống mặt đất, làm cho đống đất đằng sau lõm xuống như vũng sâu.
“Mãi sau hổ ta mệt nhoài không còn hơi sức nào cự lại được, Võ Tòng liền tay trái giữ chặt lấy bờm ấn xuống đất, rồi rút tay phải ra mà giơ những nắm đấm như sắt, đánh luôn cho năm bảy mươi quả đấm nữa. Hổ ta bị đấm một lúc, vọt máu tươi ra khắp cả mồm mũi và hai mắt, rồi chỉ thở hồng hộc, mà lử đi không cựa quậy được".
(hết trích)
Lai nói sang chuyện “Hổ phù” tức là phù hiệu đầu cọp của quân đội VNCH ngày xưa. Trong những đơn vị nổi tiếng của Biệt Động Quân, chúng ta phải nói tới Tiểu Đoàn 42 “Cọp Ba Đầu Rằn” với vị Tiểu Đoàn Trưởng lừng danh, Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt, và Tiểu Đoàn 44 “Cọp Đen” với Thiếu Tá Nguyễn Văn Dần cùng huyền thoại “Nữ Hổ Tướng Hồ Thị Quế”.
“Cọp Ba Đầu Rằn”, KBC 4533, được thành lập vào tháng 2/1966 gồm bốn đại đội Biệt Động Quân được gom lại để thành lập Tiểu Đoàn 42. Với tinh thần dũng mãnh, cộng thêm với bộ quân phục mầu áo hoa rừng, chiếc nón sắt sơn rằn ri với đầu con đen thui, cặp mắt đỏ rực sáng quắc trên nền ngôi sao trắng toát, đã làm cho người chiến binh có một dáng vẻ oai hùng, đáng nể và đáng sợ.
Trong binh pháp, để tách kẻ mạnh khỏi môi trường thuận lợi, dễ bề tiêu diệt, người ta thường áp dụng kế “Điệu hổ ly sơn” nghĩa là dụ hổ khỏi khỏi núi vốn là nơi chúng hùng cứ. Khi đó thì “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, một con cọp dũng mãnh là thế nhưng làm sau chống lại được cả bầy hồ, cáo.
Hổ sống trong hang nên muốn bắt được cọp con thì phải vào hang cọp. Người xưa thường mói “Bất nhập hổ huyệt, nan đắc hổ tử”. Ấy thế mà “Bà Chúa Thơ Nôm” Hồ Xuân Hương (1772-1822) lại cảnh báo những ông muốn đi “bắt cọp” rằng chớ đụng đến “hang hùm”... đụng vào thì chỉ có chết!
“Anh đồ tỉnh, anh đồ saySao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngàyNày này chị bảo cho mà biếtChốn ấy hang hùm chớ mó tay!”
Trong tập “Thơ Nôm truyền tụng” có nghi vấn là bài thơ Chiêu Hổ nói trên có thể là của tác giả mang một cái tên có liên quan đến... con cọp. Đó là nhà thơ Phạm Đình Hổ (1768-1839) với giọng điệu mỉa mai, hài hước không kém gì Hồ Xuân Hương! Cho đến bây giờ, người ta đành xếp Chiêu Hổ là một nhân vật hư cấu trong văn học dân gian!
Người phụ nữ thường yểu điệu, nhất là trong việc ăn uống, đến nỗi một cọng giá cũng cắn làm đôi nên mới có câu ví "Nam thực như hổ, nữ thực như miêu". Mèo và cọp cũng là “những con tương cận” nhưng lại khác nhau về vóc dáng cũng như tính tình.
Ngày nay có phần hơi khác, có một số các bà các cô phải nói là... “ăn như voi” chứ không phải như mèo! Người viết thành thật xin lỗi về nhận xét này. Phụ nữ Thái Lan hiền lành là thế mà sao tiếng Anh lại gọi là “Thai Girl” nghe phát âm sao giống “Tiger”… dữ dằn như con cọp cái.
Tục ngữ ta có câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” để chỉ hai thứ rất đáng sợ ở Việt Nam, nhưng lại có thứ dữ hơn cọp một bậc, đó là sư tử ở tỉnh Hà Đông bên Tàu, vốn nổi tiếng về ghen tương… chứ không phải là “Hà Đông bên hông Hà Nội”. Việt Nam ta chỉ có “Công tử Hà Đông” là bút hiệu của nhà văn Hoàng Hải Thủy mà thôi!
Theo Âm lịch, giờ Dần là giờ sớm sủa trong ngày. Con gái có lứa, có thì, cũng như một năm chỉ có ba tháng xuân, một ngày sớm sủa bắt đầu vào giờ Dần… và đó cũng là ý nghĩa của hai câu ca dao khuyên các cô sớm lấy chồng:
“Một năm là mấy tháng xuânMột ngày là mấy giờ Dần sớm mai”
Giờ Dần tức là giờ của cọp kéo dài từ 3 đến 4 giờ sáng. Từ giờ Dần sang giờ Dậu là lâu lắm, tính ra là cách nhau tới bẩy tiếng. Những người lề mề, chậm rịt, kéo dài công việc thường bị ví như là “từ giờ Dần sang giờ Dậu”. Trẻ con chậm ăn thường bị mẹ mắng là ăn có một bát cơm mà suốt từ giờ Dần sang giờ Dậu cũng chưa xong!
Cọp không thích khỉ, không thích rắn và rất ghét lợn. Bốn con này gặp nhau là chỉ có đánh nhau, trong tử vi có nói đến “tứ hành xung”: Dần, Thân, Tị, Hợi. Những người cầm tinh 4 con thú này không nên lấy nhau làm chồng hay làm vợ! Nhất là phụ nữ tuổi Dần thường cao số vì... dữ như cọp.
Kho tàng ngôn ngữ của ta có rất nhiều ca dao, tục ngữ. Chẳng hạn như:
- “Hổ phụ sinh hổ tử” (cha hổ sinh con hổ)
- “Kí ca kí cóp cho cọp nó tha” là những người dành dụm, tích trữ nhưng để kẻ khác cuỗm mất
- “Miệng hùm gan sứa” là kẻ nói miệng thì mạnh bạo, nhưng thực chất thì nhút nhát.
- “Râu hùm hàm én” là diện mạo oai phong tựa Từ Hải trong Truyện Kiều.
- “Vuốt râu hùm” là việc làm táo bạo, liều lĩnh với người có có uy lực hoặc thế lực mạnh hơn mình gấp bội
- “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” là những giá trị mà một con người để lại sau khi qua đời.
Người Tàu cho rằng “kị hổ nan hạ” nghĩa là cưỡi hổ thì khó xuống trong khi đó người Phương Tây cũng có một câu rất giống, “He who rides a tiger is afraid to dismount”, nghĩa là người đã lỡ “cưỡi lưng cọp” thì sợ không dám xuống. Nếu có xuống thì chắc chắn sẽ bị... cọp vồ.
“Hổ cốt” là xương hổ, dùng để nấu cao hay ngâm rượu. “Hổ cứ” là chỗ cọp ngồi, theo phong thủy thì đó là địa thế hiểm yếu. Hoàng Hoa Thám (1836-1913) ngày xưa trong việc chống Pháp được gọi là “Hùm Xám Yên Thế” là vì ông lập chiến khu tại Yên Thế để chống Thực dân.
Cọp sống ở rừng nhưng đôi khi cũng đến các tiệm sách hay quầy báo để đọc sách báo… nhưng không mua! Giống cọp này có tính đọc cọp sách báo nên không được các nhà văn, nhà báo ủng hộ!
Giống cọp còn “lai” một giống thú khác là con dê để thành “cọp dê” mượn từ tiếng Pháp “copier”. Trong các lớp học thỉnh thoảng cũng có giống thú này xuất hiện, chuyên môn “cọp bài” của người ngồi bên cạnh. Còn các chú học trò đi “coi hát cọp” là lén lén đi theo người lớn coi “lậu”, không tốn tiền mua vé…
Trước khi kết thúc, mời các bạn nghe một câu chuyện vui. Hồi Pháp thuộc, chú bếp hay chú “sốp phơ” thường biết ít từ ngữ tiếng Pháp nên có thể dài dòng văn tự với ông chủ người Pháp:
“Tí ti giôn, tí ti noa, lủy xực me-xừ, lủy xực cả moi”. Diễn nôm câu này là: “Một chút “màu vàng” (jaune), một chút “màu đen” (noir), nó ăn thịt “ông” (monsieur), nó ăn thịt cả “tôi” (moi).
Đó chính là con cọp mà chúng ta đang dần dần bước vào năm mới Nhâm Dần mà nó… cầm tinh.
Xin chúc bạn bè gần xa một năm Nhâm Dần Bình an & Hạnh phúc hơn hẳn năm Quý Sửu châm lụt vì bị mắc dịch Covid-19!
Chúng ta tin tưởng và hy vọng “Ông Ba Mươi” sẽ rình và nhai xương con virus Corona một cách dễ dàng chứ không hiền lành như anh trâu !!!
Nguyễn Ngọc Chính
No comments:
Post a Comment