Nguyên tác: Alastair Gale & Chieko Tsuneoka,
Bản dịch: Lương Định Văn
Trạm radar quân sự trên đảo Yonaguni của Nhật Bản, cách Đài Loan khoảng 70 dặm – Image – WSJ |
YONAGUNI, Nhật Bản — Sự quyết đoán của Trung Cộng đối với Đài Loan ngày càng gia tăng đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nhật Bản công khai khởi động thiết lập kế hoạch cho một cuộc xung đột có thể xảy ra, một biến chuyển có thể đem đến sự hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội Hoa Kỳ.
Các giới chức Đông Kinh, thường cảnh giác về việc làm mất lòng Bắc Kinh, đang đề cập công khai về việc chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng và ủng hộ Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Cộng công bố thuộc chủ quyền của họ, bất chấp bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Giống như Hoa Kỳ, Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Nhưng hôm thứ Sáu, các nhà lập pháp ở Đông Kính và Đài Bắc đã tổ chức một cuộc hội họp hiếm hoi trên màn hình để thảo luận về các cách thúc đẩy mối quan hệ, bao gồm cả khả năng hợp tác trong việc cấp cứu trên biển cả.
Phó Thủ Tướng Taro Aso trong một bài diễn văn gần đây nói trước một nhóm ủng hộ viên rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ nên cùng nhau lập kế hoạch để bảo vệ hòn đảo trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột.
Trong một cuộc duyệt xét thường niên về tình hình an ninh khu vực của mình, Nhật Bản cho biết có” sự nhận thức mạnh mẽ về một cuộc khủng hoảng hơn bao giờ hết” liên quan đến Đài Loan, sau khi Trung Cộng gia tăng việc điều động các tàu chiến và phi cơ của họ ở gần đó.
Các cuộc tập trận lớn của quân đội Nhật Bản khởi đầu vào tháng 9 nhằm giúp Đông Kinh chuẩn bị cho bất kỳ sự rắc rối nào xảy ra trong những vùng bao gồm Đài Loan, các viên chức Nhật Bản đương nhiệm và trước đây cho biết như thế.
Các viên chức Hoa Kỳ từ lâu đã thúc giục Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp hỗ trợ các hoạt động ở Đông Á. Trong khi Mỹ hỗ trợ Đài Loan bằng cách bán vũ khí, họ vẫn còn mơ hồ về việc liệu họ có đưa các lực lượng quân sự để giúp bảo vệ hòn đảo hay không, một lập trường nhằm ngăn chặn mối xung đột.
Ngoại trưởng Antony Blinken (giữa bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (trái) sau cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tại Tokyo vào tháng Ba.
Ảnh: Kim Kyung-Hoon / Agence France-Presse / Getty
Các phân tích gia quân sự cho biết bất kỳ sự gia tăng hỗ trợ nào từ Đông Kinh dành cho Đài Loan có thể thay đổi các tính toán của Bắc Kinh nếu nước này đã từng suy tính đến việc tấn công hoặc xâm lăng.
Sự hợp tác giữa Hoa Thịnh Đốn và Đông Kinh đã bị giới hạn bởi luật pháp của Nhật Bản trong việc hạn chế quân đội của họ trong mục tiêu tự vệ và sự cảnh giác của công chúng Nhật Bản về các vướng mắc với nước ngoài.
Không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc xung đột sắp xảy ra ở Đài Loan và một số chiến lược gia quân sự tin rằng mối rủi ro vẫn tồn tại. Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ của quốc tế nếu họ dùng vũ lực để thực hiện việc thống nhất với hòn đảo, và bất kỳ cuộc xâm lăng nào cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp chất bán dẫn của Đài Loan, vốn cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế Trung Cộng.
Tuy nhiên, mối căng thẳng đã gia tăng. Nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình vào tháng 7 đã tái cam kết sẽ hoàn tất việc thống nhất và “đập tan” mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy sự độc lập của Đài Loan. Một số nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ đã cảnh cáo rằng Trung Cộng có thể sẽ tìm cách thôn tính Đài Loan trong vài năm tới, sau khi Trung Cộng thành công trong việc áp đặt quyền kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Hồng Kông.
Bắc Kinh đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, kể cả các việc tập trận bằng đạn thật vào ngày 17 tháng 8 và kêu gọi Hoa Kỳ cắt đứt các mối quan hệ quân sự với hòn đảo này.
Các cơ quan Truyền thông của chính quyền Bắc Kinh đã gia tăng áp lực lên Đài Bắc sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, bằng cách nói rằng đây là điều không thể trông cậy vào các liên minh với Mỹ.
Ngoại trưởng Đài Loan cho biết mục tiêu nhằm kiểm soát hòn đảo của Bắc Kinh cho thấy họ muốn “bắt chước Taliban”.
Đối với Nhật Bản, ngay cả một rủi ro nhỏ về một cuộc xung đột vũ trang đối với Đài Loan cũng là một mối quan tâm lớn. Từ hòn đảo Yonaguni của Nhật Bản, vào một ngày trời quang mây tạnh, người ta có thể nhìn thấy bờ biển Đài Loan chỉ cách đó khoảng 70 dặm. Okinawa, hòn đảo lớn nhất trong một chuỗi các đảo ở phía nam của Nhật Bản, là căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ với hầu hết khoảng 50.000 lính Mỹ ở Nhật Bản.
Image – aljazeera |
Theo giới thông thạo cho biết, trong một cuộc tập trận quân sự sắp tới của Nhật Bản, hàng nghìn binh sĩ sẽ vận chuyển vũ khí và vật liệu tiếp tế đến phía nam Nhật Bản từ tháng 9 đến tháng 11, đây là cuộc tập trận đầu tiên của quốc gia trong gần 30 năm nay,
Các viên chức quân đội Nhật Bản cho biết việc huy động quân đội, được gọi là Lực lượng Tự Vệ, đã được kế hoạch từ hơn một năm và không phải là phản ứng trực tiếp đối với mối căng thẳng gần đây ở Đài Loan.
Tuy nhiên, Noboru Yamaguchi, một tướng lĩnh quân đội Nhật Bản đã hồi hưu, cho biết các cuộc diễn tập này sẽ giúp cải thiện khả năng sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đụng độ nào liên quan đến hòn đảo. Các viên chức Nhật Bản cho biết mối quan ngại về ý định của Bắc Kinh đối với Đài Loan và sự thiếu phối hợp giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đã khiến cho vấn đề trở nên cấp bách hơn.
Trung tướng Yamaguchi, hiện là giáo sư quan hệ đối ngoại tại Đại học Quốc tế Nhật Bản, cho biết: “Dù muốn hay không, nếu tình huống bất ngờ xảy ra ở đó, thì không có một lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ Nhật Bản.
Trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Quốc phòng Yasuhide Nakayama mô tả rằng sự căng thẳng ở eo biển Đài Loan là một trong những mối đe dọa gây bất ổn nhất đối với Nhật Bản.
Ông Nakayama nói: “Bộ Quốc phòng và Lực lượng Tự Vệ liên tục cân nhắc những kịch bản khác nhau để chúng tôi có thể đáp ứng một cách thích nghi.
Mặc dù với sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Đông Kinh rất có thể sẽ không đóng vai trò tiên phong trong bất kỳ cuộc xung đột nào về hòn đảo này. Bản Hiến pháp của Nhật Bản cấm đoán việc sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết các mối tranh chấp, một di sản từ Thế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, vì sự gần gủi giữa các hòn đảo phía nam của Nhật Bảni với Đài Loan và sự hiện diện của các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại đây có nghĩa là Đông Kinh gần như chắc chắn sẽ bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào. Những sửa đổi về pháp lý trong những năm gần đây có nghĩa là Đông Kinh có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ các đồng minh đang bị tấn công ở gần Nhật Bản và cung cấp nguồn tiếp tế.
Trong cuộc họp hôm thứ Sáu với các quan chức Đài Loan, Masahisa Sato, người đứng đầu quan hệ đối ngoại của đảng cầm quyền Nhật Bản cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, ” Trong một hoặc hai năm tới đây, các viên chức quốc phòng Nhật Bản và Hoa Kỳ cần phải đánh giá lại các vai trò và khả năng quân sự chung của hai bên về tình huống bất thường có thể xảy ra ở Đài Loan”.
Katsutoshi Kawano, cựu Tham mưu trưởng của Lực lượng Tự Vệ, cho biết Nhật Bản có thể đóng các vai trò hỗ trợ, nếu quân đội Hoa Kỳ tham gia vào cuộc khủng hoảng Đài Loan, bao gồm tiếp tế nhiên liệu cho tàu chiến Mỹ, chia sẻ các hoạt động trinh sát, bảo vệ các căn cứ của Mỹ và hỗ trợ việc di tản người tị nạn khỏi Đài Loan. Ông nói, hai tàu khu trục của Nhật Bản đang được chuyển đổi thành hàng không mẫu hạm có thể được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho phản lực cơ chiến đấu F-35B của Mỹ.
Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa sẽ là các điểm xuất phát gần nhất và lớn nhất cho bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ nhằm hỗ trợ Đài Loan. Các phân tích gia về quốc phòng cho rằng các căn cứ quân sự này có thể trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Trung Cộng, điều này sẽ cho phép Nhật Bản trả đũa theo quyền tự vệ.
Nhật Bản đặt kế hoạch trang bị cho quân đội các hỏa tiễn tầm xa có thể bắn từ các phản lực cơ chiến đấu nếu Đông Kinh quyết định rằng họ cần trả đũa một cuộc tấn công và đang phát triển các loại hỏa tiễn có bệ phóng trên đất liền có thể nhắm vào các mục tiêu tàu chiến từ xa khoảng vài trăm dặm.
Yoji Koda, cựu Phó Đô đốc của Lực lượng Tự Vệ, nói rằng nếu Hoa Kỳ gặp phải tình huống yếu thế về quân sự trước Trung Cộng trong cuộc đụng độ ở Đài Loan, áp lực có thể sẽ gia tăng đối với Nhật Bản để đảm nhận vai trò tích cực và quyết đoán hơn.
Ông nói: “Cho đến nay, bức tranh đơn giản của vấn đề là Hoa Kỳ đảm nhận vai trò tấn công và Nhật Bản chỉ tham gia trong việc phòng thủ Nhật Bản, nhưng vai trò đó nay đã thay đổi ”.
Trong nhiều thập niên, Nhật Bản đã tránh lập kế hoạch về một cuộc khủng hoảng liên hệ đến Đài Loan. Trung Cộng được coi như không có khả năng dùng vũ lực ép buộc việc thống nhất với hòn đảo, vốn được cai quản riêng biệt với đại lục kể từ sau chiến thắng của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc vào năm 1949.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm, Trung Cộng hiện có lực lượng quân đội lớn hàng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ. Con số chi tiêu Quốc phòng của Bắc Kinh đã gia tăng 76% trong thập niên vừa qua lên tới 252 tỷ USD vào năm 2020.
Trong tháng 4, Tổng thống Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga đã ra tuyên bố kêu gọi hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan, một văn bản chung lần đầu tiên có đề cập đến về Đài Loan của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản kể từ năm 1969.
Khi được hỏi về vấn đề Đài Loan trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7, ông Suga nói, “Chúng tôi phải làm việc để nâng cao sức mạnh răn đe của liên minh Mỹ-Nhật.”
Randy Schriver, Phụ Tá Bộ trưởng Quốc phòng về Các vấn đề An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền dưới thời Trump, cho biết Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về các hệ quả của những kịch bản chẳng hạn như việc Trung Cộng phong tỏa Đài Loan mà không đi sâu vào chi tiết của các buổi thảo luận về những phương cách phản ứng. Ông nói: “Tôi nghĩ điều thực sự cần phải thực hiện trên mặt quân sự là chúng ta khởi đầu một tiến trình lập kế hoạch song phương”./.
(via Trang Hội cựu sinh viên QGHC Liên bang Úc châu)
Alastair Gale, nhà báo đóng góp các bài viết đưa tin về Nhật Bản cho tờ Wall Street Journal từ Đông Kinh từ năm 1999, bao gồm chức vụ Giám đốc Văn phòng ở Hàn Quốc từ năm 2011 đến năm 2016.
Chieko Tsuneoka, nhà nghiên cứu thâm niên với hơn 20 năm kinh nghiệm về nhiều chủ đề, từ chính trị và văn hóa đến các vấn đề kinh doanh và an ninh, trong việc hỗ trợ các phương tiện truyền thông nước ngoài tại Nhật Bản, bao gồm The New York Times, The Times of London và The Independent.
No comments:
Post a Comment