Mới năm xưa, được toà cho phép ly dị, chia đôi tài sản và con cái, Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển, còn bà Âu Cơ thì dẫn 50 người con lên núi.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, năm nay hai người lại gặp nhau tại khu nhà trọ gần
lò thiêu Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP/ HCM. Cả hai đều già, khá tiều tụy, gương mặt không còn giữ được mấy những nét thần thoại của thuở hồng hoang.
Bà Âu Cơ dè dặt nắm lấy bàn tay gầy rộc của Lạc Long Quân, giọng cảm động:
- Thì đã hẳn. Nghề biển bây giờ khó sống lắm. Trước ra khơi xa thì còn kiếm ăn được, nhưng sau này giặc Tàu hung hãn quá, ngư dân cứ ló mặt ra là nó giết. Con mình bị chúng nó ủi chìm tàu, chết hết 10 đứa, chỉ còn 40 đứa, tôi sợ quá bèn cho chúng nó đi lao động xuất khẩu một mớ, số còn lại chỉ đánh bắt loanh quanh gần bờ, nhặt nhạnh con tôm, con cá sống qua ngày...
Bà Âu Cơ cắt ngang:
- Con ông còn được ở ngoài đời bương chải là may rồi. Con tôi đi tù gần hết. Từ ngày dẫn con lên núi làm cái nghề phá sơn lâm, tôi thấy không khá được ông ạ. Tiền bạc và gỗ quý thì chạy vào nhà các quan với lại tụi kiểm lâm, lâu lâu có bắt đi tù thì toàn là thợ rừng như đám con mình. Thấy thế tôi mới dắt mấy đứa còn lại xuống đồng bằng, cho chúng nó học lấy cái chữ những mong đổi đời. Ai dè tốt nghiệp đại học ra, không đứa nào có việc làm, toàn chạy shipper*.
Lạc Long Quân nhìn sâu vào mắt vợ, ông thấy dù sao trong đôi mắt buồn của bà vẫn còn phảng phất đôi nét quý phái triều đình, và hỏi:
- Sao bà không lo cho đứa nào vào đảng để dễ kiếm ăn?
- Vào đảng thế nào được? Tại ông cả đấy. Thấy tên cha là Lạc Long Quân là chúng nó gạch bỏ ngay thôi, bảo xuất thân phong kiến.
- Lạ nhỉ. Lạc Long Quân gằn giọng, đôi lông mày bạc phếch chau lại, hàm râu bạc rung rung. Đúng ra họ phải ưu tiên cho con của bậc tiền nhân.
- Không dám đâu. Bà Âu Cơ nói giọng uất ức: Cái chế độ này nó thế rồi. Chỉ ôm lấy cái vỏ bọc chuyên chính vô sản nhằm giữ ghế và phục vụ cho lợi ích của thằng bạn vàng 4 tốt thôi. Nói thật chứ, nếu bây giờ Hai bà Trưng có sống dậy đánh đuổi giặc Tàu thì chúng nó cũng sẽ cho cả voi lẫn hai bà lên thớt.
Nghe nói tới chuyện chính trị, Lạc Long Quân rét run lên, bèn hỏi lảng qua chuyện khác:
- Dưng mà bà ở khu trọ này bao lâu rồi, mà hôm nay ta mới gặp nhau?
- Tôi chỉ mới tới thuê ở tạm hai ngày nay thôi, trong lúc chờ lấy tro cốt của thằng Út, ông nhớ thằng này không, cái thằng mà vừa sinh ra đã kêu “khổ, khổ” đó. Nó bị Cúm Tầu, người ta nhốt nó vô khu cách ly, được 7 ngày thì chết vì đói và vì bịnh nền. Bà Âu Cơ sụt sùi, đưa cái khăn tay thêu rồng phượng, mà ngày xưa ông tặng bà, lên lau nước mũi. Còn ông sao lại ở đây ?
- Tôi trọ ở đây lâu rồi, tôi ở với mấy thằng con lớn nhất của mình. Tụi nó làm đạo tỳ với lại làm công cho lò thiêu Bình Hưng Hòa này chứ đâu.
- Ồ, vậy là con mình sẽ thiêu con mình à?
- Chắc vậy đó. Lạc Long Quân khóc nấc lên: “Củi đậu đun hạt đậu, cùng sinh ra một gốc, nỡ đun nhau thế ư". Khóc chán xong, lại nín, rồi rụt rè đề nghị: Thôi, hoàn cảnh nó thế rồi, hay là bà ở lại đây luôn, tụi mình góp gạo thổi cơm chung. Tôi thề sẽ không ly dị bà nữa.
Bà Âu Cơ ngồi lại ngay ngắn, nói giọng nghiêm trang:
- Em cũng muốn lắm, thưa Lang quân. Nhưng truyền thuyết đã bắt đôi ta phải chia lìa.
'Cả nước đều biết chuyện này. Chả nhẽ bây giờ ta lại bắt học sinh phải học lại là:
Lạc Long Quân và bà Âu Cơ cuối đời về sống chung với nhau, đẻ thêm 100 cái trứng...
Lạc Long Quân xem chừng hiểu ra, ông sửa lại mũ áo và nói với giọng cũng nghiêm trang không kém:
- Ái khanh nói chí phải. Mệnh trời đã đặt thế rồi, khiên cưỡng mà chi. Thôi để hôm nào hết giãn cách, ta sẽ đưa nàng đi cơm tiệm một bữa, rồi mình lại chia tay vĩnh viễn...
Ngoài kia, trời đang nắng, bổng giông bão từ đâu vần vũ kéo tới và trời bắt đầu đổ mưa. Chỉ chốc nữa thôi, cái thành phố HCM khốn khổ này lại sẽ ngập đến... lưng quần.
(Internet)
____________
(*) Chạy giao hàng
No comments:
Post a Comment