18 October 2021

"Già Mà Vẫn Còn Ham" Là Chuyện Bình Thường!

Xã hội VN có những điều mà luật pháp tuy không cấm nhưng cộng đồng, người thân lại không chấp nhận, những ai muốn mon men đến ranh giới ấy lập tức bị… huýt còi. Chẳng hạn, chuyện yêu đương hay kết hôn của những người cao tuổi.

"QUYỀN ĐƯỢC YÊU" CỦA NGƯỜI LỚN TUỔI!

Ông P. giám đốc một cơ quan truyền thông tầm cỡ, về hưu an nhàn được mấy năm khi gần đến tuổi 70, thì vợ ông, kém ông vài tuổi bị bệnh rồi mất. Ông ở một mình trong ngôi nhà được Nhà nước cấp khá rộng rãi, hai cô con gái đã lập gia đình có nhà riêng. Tuy con cháu vẫn đi về chăm sóc, có người giúp việc theo giờ nhưng ông vẫn thấy tủi cực vì sự lẻ loi.

Hơn một năm sau, ông có người bạn gái, một phụ nữ độc thân cũng mới về hưu, vốn không xa lạ gì với gia đình ông. Hai cô con gái biết chuyện, giận cha đến tái mặt, người quen, hàng xóm xì xầm lên án cho rằng ông này "già mà còn ham", có người còn khắt khe hơn "già mà còn dê". Mọi người xúm nhau ngăn cản, nhưng vô ích, ông cương quyết cưới vợ.

Hơn hai năm sau, ông bị tai biến mạch máu não phải nằm một chỗ, rốt cuộc cũng chỉ có bà vợ chăm sóc, nuông chiều những lúc trái tính trái nết của ông, năn nỉ ông ăn, uống thuốc, âu yếm, tập cho ông đi lại, ân cần dìu ông dự những cuộc họp mặt cựu chiến binh, họp đồng hương, đưa ông đi dạo ngoài công viên… Bấy giờ, hai cô con gái mới thấy rằng, chuyện ông cưới vợ là may cho ông và cả cho họ.

Bà V. và ông K. đều đã góa bụa từ lâu, hai tâm hồn đa cảm cần chia sẻ này quen nhau trong một chuyến du lịch. Về thành phố, họ công khai rủ nhau đi uống cà phê, đi ăn, đi tập thể dục… Ở tuổi họ như thế là đủ, cần một chỗ để tựa hồn nhau chứ chuyện chăn gối không còn là điều bức xúc.

Nhưng hai người đều có con cháu đùm đề, có nhà cửa nên mối tình của họ bị ngăn cản quyết liệt. Không thể gặp nhau lén lút, họ quyết định đăng ký kết hôn, tổ chức một lễ cưới hẳn hoi để ra mắt bạn bè, họ hàng, nhưng sau đó thì nhà ai nấy ở, con cháu ai nấy lo... Cuối tuần hay khi nào cần, họ đến với nhau một cách danh chính ngôn thuận. Đám con cháu của họ thấy mình không bị "mất mát" gì nên đâm ra ủng hộ kiểu "hôn nhân tại chức" ấy.

BỊ BẠN ĐỜI BỎ QUÊN VÌ GIÀ

Nhưng không chờ đến khi còn lại một mình, bị con cái cấm cản chuyện yêu đương mà ngay khi còn "một nửa" bên cạnh, họ vẫn bị người bạn đời "bỏ đói" triền miên nhưng nếu có ý lén lút "ăn vụng" lập tức sẽ bị "kết án" nặng nề.

Ông bà H. cùng tuổi, con cái đã lớn, khi ông còn đi làm thì bà đã về hưu và bà tự nguyện "nghỉ hưu" luôn chuyện chăn gối. Mỗi khi chồng lần mò đến, bà đuổi như… đuổi tà: "Thôi đi ông ơi, con cháu nó cười cho, già rồi…".

Nhiều lần như thế, ông thấy mình cũng già thật. Thế nhưng khi tình cờ gặp lại cô học trò mà ông dạy kèm từ thời sinh viên, ông bỗng thấy mình trẻ ra, cô ấy góa chồng đã 7 năm rồi nhưng vẫn còn "ngọt nước" và tỏ ra vẫn ngưỡng mộ "ông thầy" dạy kèm mình tuy vẫn gọi anh xưng em ngọt xớt. Thế là họ "dính" với nhau, đi uống cà phê, nghe nhạc, nhắn tin thăm hỏi…

Vợ ông biết được, đập điện thoại và kiểm soát giờ giấc chặt chẽ… Nhưng chuyện đó chỉ khiến cho họ lãng mạn hóa mối tình của mình và càng cấm thì họ lại… càng yêu. Vì tuy đã ngoài 60 nhưng ông còn tráng kiện, phong độ, tình tứ như một chàng trai trung niên.
 
Ngày xưa, người ta già rất sớm vì thích… già để được tôn trọng, chăm sóc, một phần là do quan niệm, phái nam ở tuổi 50, 60 đã tự xem mình là già, còn phái nữ càng sớm hơn "gái 30 tuổi đã toan… về già".
Ngày nay, cuộc sống đầy đủ, nhiều người biết cách giữ gìn sự trẻ trung, ăn mặc theo mốt và quan niệm sống phóng khoáng hơn nên người ta trẻ trông hơn tuổi về ngoại hình, về tâm hồn lẫn lối sống, sinh hoạt.

Nhiều quý ông trên dưới 70 vẫn còn phóng xe vèo vèo, chơi thể thao, nhảy đầm, đàn hát tưng bừng… Nhiều quý bà ngày nay cũng trẻ đến bất ngờ, vẫn giữ được vẻ duyên dáng, nhan sắc mặn mà ở tuổi 50, 60…

Có một bà chủ nhà hàng khá nổi tiếng ở Thành phố SAIGON, với những món ăn Huế, chị vẫn là một giai nhân đầy sức quyến rũ. Dù đã ở tuổi 60 nhưng độ tươi thắm tự nhiên của chị khiến cho những phụ nữ 30, 40 tuổi khó bì kịp… Cho nên hiện nay, người ta đã sắp xếp lại "trật tự" các độ tuổi và cho rằng đến "40 vẫn còn thanh niên, đến 70 vẫn là trung niên…".

Cách đây mấy năm, ở Thành phố SAIGON có một đám cưới được báo chí tán dương, "chàng" đã 81 tuổi, góa vợ từ lâu còn "nàng" chỉ có 76 tuổi, là một giáo viên dạy thể dục chưa kết hôn lần nào. Mơ ước hạnh phúc họ không là trăm năm, mà chỉ cần năm năm là đủ.

YÊU ĐƯƠNG LÀ MỘT NHU CẦU SUỐT ĐỜI

Có một sự hiểu lầm kéo dài ở xứ ta là chỉ tuổi trẻ mới biết yêu và có quyền yêu còn già là bị cấm yêu.

Ngày nay, khoa học đã chứng minh con người có nhu cầu thương yêu rất sớm, từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi nào được vuốt ve ấu yếm thì chúng sẽ cảm nhận được hạnh phúc và phát triển tốt hơn hài nhi bị cha mẹ lạnh nhạt… Và nhu cầu ấy kéo dài cho đến suốt đời, cho đến khi nhắm mắt.

Trong tác phẩm "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" của Colleen McCulough, một nhà văn người Úc có tả lại cảnh một cụ bà ngoài 70 đang hấp hối chỉ khao khát một nụ hôn của người đàn ông mà bà thầm yêu.

Còn trong tác phẩm "Cuốn theo chiều gió" của nữ nhà văn Mỹ Margaret Mitchell có cảnh bà Ellen, một phụ nữ cao quý và đức hạnh lúc lâm chung gọi tên người yêu cũ được mô tả thật rất cảm động.

Đại văn hào Nga L. Tolstoi có con ở tuổi 80. Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela cũng cưới vợ lần cuối khi đã 81, đã 10 năm qua ông sống hạnh phúc với người phụ nữ "môn đăng hộ đối" này, vốn là vợ góa của cố Tổng thống nước Cộng hòa Mô-dăm-bích (Mozambique) láng giềng…

Người viết bài này đã thử làm một cuộc khảo sát về độ tuổi trên trang "Kết bạn tâm giao" của các báo và thấy rằng, đàn ông cao tuổi nhất là 81 và người phụ nữ cao nhất là 65 đã công khai lên tiếng, "nếu thấy hợp sẽ tiến tới hôn nhân!".

TRÂN TRỌNG TÌNH GIÀ
 
Trừ những chuyện để lợi dụng nhau, những ông già, bà già "chơi trống bỏi" lố lăng hay "mù yêu" để những những cô gái trẻ hay những gã trai tơ lợi dụng rồi bỏ rơi trong ê chề, làm ảnh hưởng xấu đến con cái…

Khi đã cao tuổi mà còn đủ đôi là điều may mắn, nhất là họ vẫn còn yêu thương, quấn quýt nhau, đừng cho là "chướng tai gai mắt" khi nhiều cặp vợ chồng già vẫn ngủ chung, âu yếm nhau. Cũng không nên cho rằng, người già không cần tình yêu.

Khi cha hoặc mẹ đã mất, con cái đừng khắt khe với người còn lại hoặc vì sợ san sẻ tình thương hay mất mát gia tài mà ngăn cấm họ yêu hay kết hôn lần nữa. Sống có đôi luôn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nâng đỡ về mặt tâm lý cho mọi người, đặc biệt với người cao tuổi.

Người trẻ cô đơn rồi sẽ tìm người chung đôi, còn người già cô đơn là hết. Người già không còn việc làm hay sự nghiệp để theo đuổi, lỡ mất người bạn đời, con cái rồi cũng bay nhảy để sống cuộc đời riêng, bạn bè ít dần, quan hệ xã hội hẹp đi, nên vì thế nhu cầu yêu đương của họ cũng là chính đáng.

Vả lại hiện tượng "già không đều" không phải là chuyện nói đùa, với nhiều người, thân xác của họ già theo tháng năm nhưng trái tim thì không chịu già cùng tuổi tác. Đó là một sự thật, không biết nên gọi là ân sủng hay bi kịch đây? Thưa độc giả kính mến, bạn có quan tâm đến chuyện này hay không vậy??

(Internet)

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...