30 June 2021

EURO 2020: Bốn trận tứ kết

Điều gì cũng có thể xẩy ra. Có lên tất có xuống.

Vòng 16 đã kết thúc, tạo ra nhiều bất ngờ, như Pháp thua Thụy sĩ 3 (4) - 3 (5). Nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ. Nhìn kỹ hơn người ta nhận ra Đội Pháp tuy chiến thuật còn vững vàng nhưng hàng phòng thủ đặc biệt ở cuối hiệp hai không còn kiên cố, giúp Thụy sĩ thắng hai bàn sau nhanh chóng. Điều đã giúp Thụy sĩ thắng bên cạnh kỹ thuật, đó chính là lòng quyết thắng và sức dẻo dai vì biết mình đang tranh tài với một kẻ địch thượng thừa. 

Đương kim World Cup 2018 lên đường về nước, đương kim EURO 2016 Portugal cũng nối gót đội Pháp lên đường 'qui cố hương' sau khi thua Bỉ 0 - 1. Thật tiếc cho Bồ đào nha chẳng may trong giải EURO lần này ngay từ đầu gặp toàn những địch thủ gai góc nên không chịu nổi thế trận xa luân chiến!

Đức thua Anh 0-2 cũng không phải hoàn toàn ngạc nhiên. Đội Đức hôm nay rõ ràng không còn cái thần tốc và ào ạt tiến thoái như thần của lớp đàn anh thời World Cup Brazil 2014.

Tám đội sống sót sẽ giao đấu từng cặp bắt đầu vào thứ Sáu này. Nhớ đón coi. (Phóng viên tay mơ - TTR)


Ocean Sounds, tranh A.C.La


Hải Triều Âm
Ocean Sounds
Oil on canvas
24x30 inch (61x76 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
*
___________


Đôi dòng về cái hứng

Ai mà chẳng biết cảm hứng là điều kiện tiên quyết để sáng tác. Cái hứng có vẻ như hơi khác với cái chất kích thích - ví dụ như tiền. Nếu như có cả hai vừa hứng vừa tiền thì liệu sáng tác có mạnh hơn là khi sáng tác chỉ do cảm hứng mà thôi hay không. Chỉ biết rằng khi sáng tác thuần vì cảm hứng cho người ta đầy đủ tự do, sảng khoái, không lo nghĩ, không áy náy khi sáng tác.

Đối tượng gây cảm hứng có thể là một người có nét đẹp lạ, hoặc nét đau khổ hay đam mê, dáng dấp đường bệ đầy hùng khí hay xiêu đổ tiều tụy. Đối tượng gây xúc cảm đủ mạnh trở thành cảm hứng thôi thúc nghệ nhân sáng tác. Đối tuợng còn có thể là một đoạn phim, một tĩnh vật, một cảnh trí hay một bức hình, có thể nói mọi thứ đều có thể là nguồn hứng cho nghệ nhân. 

Nhiều khi một bức hình đối với người khác có khi chẳng là gì, nhưng lại "hớp hồn" nghệ nhân. Nếu như tôi đưa bức hình thu từ một đoạn phim trên internet ra đây, nhiều người thấy nó "chán phèo". Ấy vậy mà nó đã tạo cảm hứng để vẽ bức tranh trên dây. (A.C.La)


**  
Ý kiến bằng hữu:
Vâng xa Florida lại nhớ biển nên thấy tranh vẽ biển sóng thì vui thích lắm. Bức tranh nét vẽ những cuộn sóng và ánh sáng đã điêu luyện, cảnh sóng như bức tranh không thấy những cánh hải âu thì biết là biển động nhẹ . . . giông bão chưa đến thì hãy thưởng thức cảnh trời biển và tiếng sóng ầm ĩ bên vách đá. (VLH từ South Carolina)

***

29 June 2021

Những Giọt Mưa Trên Vùng Đất Khô Cằn

- Giao Thanh Phạm -

Năm 1980 tôi bỏ vợ và cô con gái mới 13 tháng để đi vượt biên một mình. Chẳng biết vì may mắn ra sao mà tôi chỉ mất có hơn 4 tháng thì qua tới Mỹ. Cứ nghĩ, vào thời điểm ấy, chắc chẳng bao giờ còn gặp lại được vợ con. Thế là tôi nhắm mắt bắt đầu cuộc đời mới. Qua Mỹ tháng 8, tháng 9 tôi cắp sách đến trường, vừa đi học vừa đi làm. Được đồng bạc nào gởi hết về Việt Nam cho vợ con, qua những thùng đồ cần thiết nhưng giản dị. Những tờ 100 đô cuộn thật chặt, bó bằng giấy bạc, bọc trong bao ny lông, nhét dưới đáy cây kem đánh răng, hoặc trong hộp bánh, hay trong cái khe hở của chiếc máy cassette giả trang, với những lời nhắn nhủ, “đồ kỷ niệm”, “quà sinh nhật cho con”… đừng bán.

Ai dè, lại may mắn thêm một lần nữa, hơn một năm sau thì nhận được điện tín vợ báo “anh ơi, em và con được tàu Úc vớt, mang vào Singapore”.  Thế là vừa mừng vừa lo, chạy cuống cuồng. Gia tài có độc nhất hai cái thùng giấy, một thùng đựng quần áo, một thùng đựng sách vở.

Vừa đi học, vừa đi làm bán thời gian, có nhiêu gởi về cho vợ con hết nhiêu, bên đây thằng chồng chỉ có trên răng dưới “bác”, ngay cả cái sổ nhà băng còn không có. Ăn thì ăn đường, ngủ thì ở cái shop may đồ gia công của mẹ thằng bạn. Trong túi chưa bao giờ có hơn mấy chục bạc.

Vợ con qua tới biết sống sao? Ở đâu? Không lẽ kéo nhau núp ở đâu cả ngày, chờ tối đến, shop may đóng cửa mới mò về “nhà”?

Chân ướt chân ráo, qua Mỹ được hơn năm trời, mới học xong được 3 khóa, tín chỉ chưa được 50, bằng cấp thì không có, biết tính sao?

Hồi mới bước chân vào trường Đại Học năm trước, có hai thằng kia nhỏ hơn tôi độ 2-3 tuổi, qua từ năm 1975 và đã đi học ở đây được gần hai năm. Chúng nó có xe, có nhà mướn, có việc làm bán thời gian nhưng cũng chưa được 5 đô/giờ. Hồi đó lương tối thiểu là $2.75/giờ. Hai thằng nó độc thân ky cóp giúp đỡ tôi, lúc thì ly cà phê, khi thì lon nước ngọt.

Một thằng, mẹ nó có cái shop may nho nhỏ, ban ngày thợ đến may, ban tối họ về, mẹ nó thương tình cho tôi ở đỡ không lấy tiền. Cái này là sai luật pháp nhưng liều vì không tiền, biết sao? Cũng may ở đó có cái bồn tắm nhưng khổ cái là không có máy nước nóng. Mùa hè thì còn đỡ, mùa đông vừa tắm vừa nhảy. Chưa đầy vài phút nhảy ra chui ngay vào trong cái túi ngủ.

Khi được tin vợ con tôi chỉ mấy tuần nữa thì qua tới, chúng nó chạy lăng xăng như gà mắc đẻ. Đứa tìm nệm cũ, đứa tìm giường tủ, đứa xin được ít nồi niêu soong chảo, đứa khuân về bộ sofa lòi lò so, ngồi đâm đau cả đít …Thằng Hải đến cái shop may tôi đang trú ngụ vào một buổi tối, lừng khừng mãi, mới loay hoay moi trong túi ra xấp tiền, run run nói: “Tao biết mày chẳng có tiền, mà vợ con thì sắp qua tới nơi. Tao để dành mấy năm nay được 2 ngàn rưởi, tao cho mày mượn dằn cọc mướn nhà, dư chút đỉnh chợ búa và mua sắm cho vợ con, còn ít thì phòng khi cần đến”.

Tôi đứng há miệng chết trân, chẳng biết nói gì. Cái thuở 1981 ấy hai ngàn rưởi nó to lắm. Giá một chiếc xe mới trung bình chỉ khoảng 6-7 ngàn. Tôi lại đang là cái thằng khố và áo, gom lại chưa đầy được cái thùng giấy. Công ăn thì nhiều, việc làm thì chưa có. Học hành chưa tới đâu, tương lai thì tối như mõm chó mực.

Số tiền ấy to lắm. Tôi với nó chẳng thân thích gì, chỉ biết nhau qua lại ở trường. Nó cho thằng trọc đầu vay tiền, thì có tóc hay chỗ nào để nắm mà đòi lại? Và khi nào thì trả?

Nó chẳng nói gì nữa, cầm nắm tiền dúi vào tay tôi rồi bỏ ra về. Tôi đứng ngẩn ngơ, nước mắt đoanh tròng mà đầu óc trống rỗng. Hai chữ CẢM KÍCH không đáng để diễn tả.

Hai tuần sau, chúng nó chạy đôn chạy đáo sau giờ học đi tìm nhà mướn dùm cho tôi. Chúng nó mới có tín dụng để xin mướn nhà, chứ như tôi, mướn cái chòi lá vẫn chưa đủ tư cách. Thằng Hải đi học cả ngày, buổi tối làm nghề đổ xăng trong phi trường quá nửa đêm mới về, thế mà sáng nào cũng cùng tôi đi lùng sục tìm nhà trọ. Rác rưởi thiên hạ bỏ đi, thì ba thằng lại khuân về cái tổ quạ cũ và dơ dáy nhất thành phố ấy cho thằng bạn trang điểm để đón vợ con.

Hơn tuần nữa vợ qua, tôi đi nhận nhà. Ba thằng xúm lại cuối tuần quét dọn, lau chùi và trang hoàng nhà cửa. Chúng nó khuân về cho mấy bao gạo, ít đồ khô, và mắm muối i như kiểu cha mẹ lo cho con trai lớn ra ở riêng.

Đến bữa ra phi trường đón, thằng Dũng chở tôi đi chờ chực cả tiếng đồng hồ mà không một lời phàn nàn. Làm xong thủ tục chở vợ chồng con cái tôi về nhà là nó biến ngay. Quay lại không thấy nó đâu, tôi mới chợt nhớ lời nó nói mấy hôm trước: “Vậy là từ nay chỉ còn hai thằng tao, mày về lo cho vợ con êm ấm nhé”. Giờ nhớ lại nghe buồn đứt ruột.

Ngày vợ đến, mặc dù tôi đã định cư ở Mỹ được gần 1 năm rưỡi trời, nhưng vì chúi đầu vào sách vở, nên chẳng có gì ngoài hai cái thùng giấy. Vợ bước vào nhà đứng khựng lại mấy giây ngỡ ngàng. Mãi sau này nàng mới kể lại: “Lúc ấy, em thất vọng quá, nhìn vô trong nhà, trống hốc trống hoác từ trước ra tới sau. Ngoài tấm nệm cũ đặt thẳng dưới nền nhà và cái ghế sofa rách rưới cũ kỹ ra, thì chẳng có gì. Em không nghĩ được là anh đã làm gì gần hai năm nay?”. Sau này nàng hiểu rằng, thằng chồng cu ky, cút kít, cắm đầu đi học lo cho tương lai, nên mới thế.

Tình bạn giữa ba đứa chúng tôi không còn quá sâu đậm như hồi còn “độc thân” nữa vì giờ đã có “người khác” xen vào, nhưng nó lại có cái nhẹ nhàng sâu lắng của tình bạn chân thật ít có cơ hội gặp nhau vì chẳng bao lâu sau, chúng tôi chuyển trường, mỗi đứa một nơi.

Thế rồi, đường đời cứ vậy trôi đi, chúng tôi học xong, mỗi đứa dọn đi đến những vùng xa xôi hẳn, ít có cơ hội gặp lại. Cái món nợ hai ngàn rưởi đó tôi đã thanh toán xong ít lâu sau đó, nhưng cái ân tình đó tôi còn nợ đến tận thiên thu. Có lẽ chỉ khi nào từ bỏ cõi đời này thì món nợ ấy mới trả đủ. Mỗi khi có dịp ghé về California, tôi lại tìm gặp những người bạn xa xưa. Chúng nó giờ con cái đầy đàn, gia đình ấm êm hạnh phúc.

Chuyện cũ chẳng đứa nào nhắc lại bao giờ, nhưng riêng tôi thì có bao giờ quên được. Hôm nhận tiền trả nợ, Hải nói với tôi: “Ôi, ơn nghĩa gì, tình cảm trong đời nó phải như những giọt nước, bốc hơi bay lên trời, gom tụ đủ lại thì sẽ thành mưa, tưới xuống những mảnh đất khô cằn cho cây trái đơm bông”. Ghê thế đấy, cái triết lý của thằng nhóc qua Mỹ một mình mới hơn 20 tuổi đầu.

NHỮNG GIỌT NƯỚC ĐÓ, TÔI VẪN CHUYỂN GIAO ĐI ĐẦY ĐỦ, BẰNG HẾT SỨC MÌNH, BỞI CÁI TẤM CHÂN TÌNH ẤY HẾT ĐỜI NÀY TÔI CŨNG TRẢ CHƯA ĐỦ.

Giao Thanh Phạm

27 June 2021

Vô đạo đức đến thế là cùng . . .

Một gia đình hảo tâm làm thức ăn tặng dân nghèo - Ảnh: Thái Hoà

Sáng trưa chiều tối, gần một năm nay, nhất là dịch bệnh V.ũ H.án lần thứ tư xảy đến, bếp ăn từ thiện có tên là Gieo Duyên ở Tân Bình- Saigon do gia đình chị Thái Hoà thực hiện đã giúp rất nhiều người có hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn, cụ bán vé số, em bé nhặt ve chai. Nhất là Saigon phong tỏa lần 2 liên tiếp trong lần thứ 4 này, và nâng mức độ gắt hơn, thì cần lắm những bếp ấm áp tình người như vậy. Vì một lẽ, chính phủ, nhà nước bỏ rơi người nghèo bên lề xã hội, nhà nước không hề đoái hoài đến họ.

Bao hoàn cảnh cơ nhỡ, không nơi nương tựa cứ thế mà được ấm lòng nhờ bếp ăn này ra đời. Bếp hoạt động hoàn toàn miễn phí, bởi nhiều tấm lòng hảo tâm gửi gắm tình cảm qua đây để chia sẻ tới những người yếu thế trong xã hội. Không chỉ nấu cơm miễn phí, mà bếp còn mở cửa hàng rau 0 đồng để hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch. 

Bếp ra đời có hành động ý nghĩa là thế, vậy mà chị Thái Hoà ngày hôm qua đã thông báo bếp phải dừng lại do “chính quyền đã lên tiếng và cưỡng chế, yêu cầu dừng hoạt động bếp vì hành vi tụ tập đông người”. 

Sao lại vô đạo đức và bất nhẫn đến thế? 

Bếp chỉ hoạt động gia đình, có được mấy mống người mà lại cấm? Trong khi đó chợ và siêu thị, các cửa hàng cơm bán vẫn đầy người đứng mua vậy sao không cấm? 

Sao các ông vô đạo đức thế? Có phải vì các quán cơm hay chợ hoặc siêu thị vẫn hoạt động là do họ đóng tiền bảo kê cho các ông nên các ông không cấm. Còn bếp cơm gia đình là tự phát, các ông không chấm mút được gì nên bắt đóng phải không? Chắc là thế rồi. 

Hàng ngày, chứng kiến những gì đang diễn ra trên đất nước hôm nay, không ai có thể mà cầm lòng được khi xã hội phân hoá thành nhiều cực rõ rệt. Xã hội phân chia giai cấp rất sâu sắc, một xã hội vô cùng bất công. Không ai thấy mà lại im lặng được. 

Sao các ông vô đạo đức thế? 

Trong khi Âu Châu người dân thoải mái tụ tập xem bóng đá cúp, thì Việt Nam lại phong tỏa, dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi Châu Âu người dân được chính phủ hỗ trợ giúp đỡ bằng mọi cách thì ở Việt Nam các ông quyết để cho dân sống chết mặc kệ, hơn thế nữa là tìm mọi cách để kiếm ăn, bóc lột tới tận cùng. 

Xứ người ta được như thế là do chính phủ họ có trách nhiệm với nhân dân của họ. Còn tại VN, dịch bệnh bùng phát lần này chắc chắn không phải do lỗi người dân VN, bằng chứng hơn 1 năm qua, trải qua 3 lần dịch các ông đã rút ra nhiều kinh nghiệm chống dịch và làm sao để khống chế dịch. Vì vậy, để xảy ra dịch lần này nghiêm trọng là lỗi thuộc về các ông: 

Thứ nhất không ngăn chặn sớm hơn, biết dịch nghiêm trọng vẫn để dân ăn chơi ngày “giải phóng”. Thứ 2 là bắt dân đi làm căn cước công dân, thứ 3 là ép dân tụ tập đi bầu cử và sau đó là bung. 

Điều quan trọng nhất, người dân Châu Âu tụ tập trong sân bóng đá không đeo khẩu trang gì hết là do họ đã tiêm vaccine. Nhờ chính phủ họ vì dân, nên không kỳ kèo lập Quỹ quyên góp, không bắt em bé 5 tuổi đập heo nộp 100 triệu, càng không cần bắt cụ già 97 tuổi đưa tiền đám ma cho chính phủ họ. Họ đã dự liệu xong cả rồi và giờ được như thế. 

Hơn một năm qua các ông đủ mọi ngành chém gió rất ghê gớm, nào dịch ra đi nắng hè rực rỡ, nào cam kết 10 ngày là hết dịch, giờ thì sao? Bung và toang cả rồi. Tất cả là sự yếu kém cả một hệ thống chính trị bất tài, thích nổ mà lại cầu may tới đâu hay tới đó. 

Dịch bệnh do các ông yếu kém mới ra như thế. Đã không giúp dân, lại còn trơ trẽn xin đểu dân, lại đểu cáng hơn lại bắt dân mua vaccine, và điều lưu manh nhất là bỏ rơi Người nghèo trong trân dịch đang càn quét những người yếu thế này. 

Để dân tự lo cho nhau tưởng là ổn, ai ngờ các ông vô đạo đức tới nổi cắt luôn mạch máu của người nghèo, người yếu thế trong xã hội thì mai họ ra sao? 

Hôm nay hàng ngàn người sống lây lất chờ vào bếp cơm từ thiện như thế, các ông yêu cầu dừng rồi người nghèo họ sẽ sống sao. Đến ngay bới rác cũng ế thì họ sống sao đây? 

Các ông ra một quyết định thiếu tình người, duy ý chí, chỉ vì sợ trách nhiệm mà không định lượng sự việc sẽ ảnh hưởng như thế nào. 

Các ông có bếp thay thế để giúp người nghèo đang sống dựa vào bếp cơm như thế không? 

Một chính quyền vô đạo đức.

Phạm Minh Vũ

25 June 2021

Tướng Trần Thiện Khiêm và Cơn Lốc Rối Loạn Đệ I, Đệ II Cộng Hòa Việt Nam

Trần Ngọc Giang


Kể từ biến cố lịch sử năm 1975 đến nay đã có nhiều sách báo, đoàn thể, tôn giáo cũng như hầu hết đồng bào Việt Nam đều quy trách những nhà lãnh tụ miền Nam như Tổng thống Diệm, tuớng Minh, Đôn, Thiệu, Kỳ v.v...đều là những người đã một phần chịu trách nhiệm để Cộng sản thôn tính miền Nam. Sự quy trách này trên bình diện chính trị, truyền thông đương nhiên không ai phủ nhận, nhưng trên phương diện lịch sử thì thật là phiến diện. Do đó tiện giả sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở vẫn phải cầm cây viết hầu phơi bày một sự thật để phần nào giúp các sử gia sau này có những sự kiện quan trọng đưa vào dòng định mệnh của Lịch sử Việt Nam.

Ngược dốc thời gian năm 1958, Đại tá Trần Thiện Khiêm là một trong những sĩ quan được Tổng thống Diệm ưa thích vì vậy Đại tá Khiêm đã được bổ nhiệm Tư lệnh Sư đoàn 4BB. Thời gian này Đại tá Khiêm có hai người bạn thân nhất là Đại tá Nguyễn Khánh và Trung tá Nguyễn Văn Thiệu, bất cứ cuối tuần nào , Đại tá Khiêm đều lái xe đến thăm Đại tá Khánh tại đồn điền trà J'Ring, sau đó 2 người kéo lên Đà Lạt thăm Trung tá Thiệu đương là Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Năm 1960 trong vụ đảo chánh do Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu bị thất bại, bởi Đại tá Khiêm Tư lệnh SĐ 21BB từ miền Tây kéo về giải cứu Tổng thống Diệm, và kể từ đó Đại tá Khiêm được Tổng thống Diệm tín cẩn tuyệt đối, thăng cấp Thiếu tướng và được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Liên quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

24 June 2021

Cựu Thủ tướng Đệ nhị VNCH Trần Thiện Khiêm, đã từ trần tại Hoa Kỳ, thọ 95 tuổi

Ông sinh ngày 15 tháng 12 năm 1925 tại Châu Thành, Long An, trong một gia đình đại điền chủ giàu có. Do điều kiện gia đình, ông có một nền học vấn cơ bản tốt, đã tốt nghiệp trung học phổ thông chương trình Pháp với văn bằng Tú tài.

Trong binh nghiệp, ông xuất thân từ khóa đầu tiên ở Trường Võ Bị Liên Quân Viễn Đông do Quân đội Pháp mở ra tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam.

Mặc dù ông thuộc bộ binh, nhưng khi còn là sĩ quan trung cấp, ông ít chỉ huy các đơn vị tác chiến mà thường được cử giữ những chức vụ liên quan tham mưu. 

Chức vụ sau chót thời Đệ nhất Cộng hòa là Thiếu tướng Tham mưu trưởng Liên Quân. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa ông thăng cấp đại tướng và sau đó trở thành thủ tướng dưới thời TT Thiệu. (Tông hợp)

EURO 2020: Lịch trình 8 trận Vòng 16


EURO 2020: Kết quả sau những trận thư hùng ngày 23/6 của nhóm F

 


- Trận đấu Đức-Hung cho thấy những lo ngại quanh đội Đức không phải hoàn toàn vô lý. Đức bị Hung đẫn trước 0-1 rồi ngay sau khi gỡ hòa 1-1 lại bi Hung dẫn trước trái thứ hai 1-2. Tình thế nguy nan, giới hâm mộ Đức căng thẳng. Mãi tới cuối trận Đức mới gỡ huề 2-2 ở phút 83'. Hú vía !

- Trận Pháp-Bồ cũng khiến khán giả ủng hộ hai bên 'lên ruột'. Quả phạt trực tiếp do Ronaldo sút giúp Bồ dẫn trước 1-0. Nhưng kết quả toàn trận 2-2 giúp cả hai đội tiến lên tầng 16 *.

(*) Chú ý: tranh giải EURO tất cả có 6 nhóm bốn đội chứ không phải 8 nhóm như World Cup. Hai đội có điểm cao sẽ lên tầng 16 (2 x 6 = 12 đội). Như vậy để đủ số 16 cần phải chọn thêm 4 đội nữa. Những đội đứng hạng ba mỗi nhóm mà có điểm cao sẽ lọt vào số 4 đội đó. Đội Bồ may mắn nằm số 4 đội 'vớt' này.

Bốn đội 'vớt' này sẽ được sắp xếp để thử lửa với một trong những đội đầu bảng thuộc nhóm khác để chứng minh rằng mình bị xui xẻo mà thua chứ tài năng chẳng kém gì những đội yêng hùng ấy ! Thế nên:

Cộng hòa Czech (D3) vs. Hòa lan (C1)

Bồ (F3) vs. Bỉ (B1)

Thụy sĩ (A3) vs. Pháp (F1)

Ukraine (C3) vs. Sweden (E1)

(Phóng viên tay mơ/ TTR)

23 June 2021

EURO: Lịch trình Thứ Tư 23/6/2020

Hôm nay có 4 trận giao đấu sẽ diễn ra trên các sân cỏ tại Âu Châu trong đó có hai trận được chú ý hết sức và kéo theo nhiều dự đoán nhất, đó là Đức gặp Hung gia lợi và đặc biệt Bồ đào nha gặp Pháp lúc 3 giờ chiều.

- Có dư luận cho rằng Hung biết đâu sẽ thắng Đức làm đảo lộn cuộc cờ trong nhóm F, gọi là Nhóm Chết chóc này. Dư luận này xem ra hơi cường điệu.

- Cùng với Đức, Bồ và Pháp tạo ra thế trận gợi nhớ truyện Tam quốc. Ba tay anh chị trong làng bóng đá này sẽ có một tay chơi bị loại ngày hôm nay. Trong tất cả các trận đấu cho đến nay thi Bồ gặp Pháp lúc 3 giờ chiều nay là trận đấu đang được theo dõi và chờ đợi nhiều nhất. Hai đấu thủ ngang ngửa này ở vào cái thế "thắng hay cuốn gói về nước". Thật khó đoán! Nhưng chắc chắn một điều: trận đấu cực kỳ gây cấn. Chờ xem . . .

(Phóng viên tay mơ/ TTR)

21 June 2021

Hồn Sóng, Hồn Đá - thơ


 **
"Hồn Sóng, Hồn Đá",
với loang lổ dấu vết những lần quấn quít giữa sóng và đá,
và đá chìm sâu ngâm mình trong nước,
và rêu long lanh ánh dương sau cơn lốc lãng mạn,
một bài thơ xa thăm thẳm nghìn trùng như nhà thơ đã viết.
Nhưng sau chót đó là bài thơ chạm lẽ vô thường hàm chứa mong manh.
Bởi vì ngày ấy cát mịn không còn nữa dấu chân người!
(Điền Thảo)

17 June 2021

Cười tí tỉnh: Thế là hai vợ chồng cãi nhau.

Giáng Sinh năm vừa rồi, tôi có tặng cho bà già vợ tôi một mảnh đất thiệt to trong một nghĩa trang thành phố rất đẹp để mai này bả có… đi thì có chỗ khang trang.

Giáng Sinh năm nay, vợ tôi muốn biết tôi sẽ mua quà gì cho má của bả. Tôi nói: 

"Mua quà làm gì, quà năm rồi bả chưa xài tới mà mua quà mới chi cho tốn tiền.

Thế là hai vợ chồng cãi nhau.

Bốn Năm Trong Tù Cải Tạo Long Thành

Lê Văn Bỉnh

Tôi xin ghi lại đây một số hồi ức và cảm nghĩ về bốn năm ở trại tù cải tạo Long Thành, nơi tập trung hầu hết công chức, tình báo, cảnh sát và đảng viên cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa trước khi họ được di chuyển ra miền Bắc. 

Đây chỉ là những điều tôi nhớ lại.  Trong các tù trại cải tạo, nhật ký chỉ gây phiền phức, thậm chí nguy hiểm cho người ghi.  Vả lại, nếu các trại viên có cất giấu được đi nữa, thì về sau qua những cuộc lục soát bất thần đối với cá nhân hay toàn trại, những trang nhật kỳ đó cũng sẽ bị tịch thu và người viết sẽ bị trừng phạt nặng nhẹ tùy theo những gì đã ghi. Tuy cố gắng trung thực, nhưng ký ức của tôi về những gì đã xảy ra trên 30 năm qua cũng khó mà chính xác hoàn toàn được. 

Trình Diện Hay Bị Bắt? 

Nhiều người khi cầm trong tay "giấy ra trại" cảm thấy chút ít "ngỡ ngàng." Ngỡ ngàng vì tờ giấy này ghi "ngày bị bắt", chứ không ghi "ngày trình diện" -- tiếng chính thức dùng trong lệnh gọi được đọc nhiều lần trên các đài truyền thanh và truyền hình.  Người ta kết tội nhà cầm quyền cộng sản "lừa gạt" dân chúng chỉ vì họ đã ra lệnh những người đi cải tạo phải mang theo tiền để đài thọ 15 hay 30 ngày ăn, nhưng sau thời hạn đó thì không thấy ai về!  Gọi là "lừa gạt" thì cũng đúng.  Tuy nhiên, nếu không dùng lối chơi chữ lững lờ như vậy, thì làm sao họ "bắt" được hàng chục, hàng trăm ngàn người. 

Những ai đã từng làm việc trong ngành cảnh sát hay tư pháp đều biết rằng trình diện cũng là hình thức bị bắt. Giọng nói đanh thép của người xướng ngôn viên đài truyền hình Saigon khi đọc tuyên bố về trách nhiệm của những người phải trình diện học tập cải tạo và trách nhiệm liên đới của gia đình, rõ ràng là một lệnh bắt. Không ai có thể nghi ngờ về sự thực này. Nhiều người muốn trốn.  Nhưng trốn ở đâu để đừng làm phương hại tới gia đình hay những người chứa chấp mình?  

Thật ra, khi đi trình diện người ta viện ra nhiều lý do để hy vọng sẽ không có tù đày.  Nước nhà đã thống nhất, chánh quyền mới đã “long trọng” ban hành lệnh khoan hồng. Hoặc phải đi "học tập" để biết chính sách và đường lối của chính quyền mới; thời gian sẽ từ "vừa phải", tức chừng 3-6 tháng cho tới "coi được", tức 1-2 năm. Đó cũng là suy nghĩ của riêng tôi trước khi "cũng liều nhắm mắt đưa chân." Và đó cũng có thể là suy nghĩ của những người đã từng sống và làm việc với Cộng Sản.  Cụ Vũ Hồng Khanh, từng làm Phó Chủ Tịch Nước VNDCCH, hồi 1945 dưới Hồ Chí Minh cũng có mặt tại trại ngay từ những ngày đầu, nghĩa là cụ không phải do phường, khóm bắt giải đến.

Hành Trang Đi Cải Tạo

Trong thời gian 1965-67 khi còn làm việc ở tỉnh Long An, tôi đã đọc một vài phúc trình an ninh có đề cập tới việc Việt Cộng bắt một số gia đình có liên hệ đến chính quyền quốc gia để đưa vào bưng "học tập", thời gian 10 ngày đến 6 tháng. Tôi biết "học tập" dành cho họ là đào giao thông hào, hầm ẩn trú, đấp mô, đào lộ đê cản trở lưu thông, thâm chí bị giết nếu chống đối.  Nó khác với học tập về lý thuyết Mác-Lê dành cho du kích, điạ phương quân của họ.  

Tôi bàn với Lưu Trường Khương (cùng lớp Đốc Sự 10 và Cao Học 2) chuẩn bị.  Khương và tôi đã từng ở chung phòng Ký Túc Xá Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cùng hoạt động trong Phong Trào Phục Hưng Miền Nam. Khương rủ tôi cùng nhau đến gặp Lý Quý Chung (cựu sinh viên ĐS 10, nhưng rời trường sau năm thứ nhất), dân biểu và Tổng Trưởng Thông Tin dưới chính phủ Dương Văn Minh, bổ Khương làm Tổng Giám Đốc Báo Chí. Chung nói trước 30/4 anh đã gặp Đại Sứ Pháp Mérillon và nay hình như ông ta đã bị đuổi về Pháp rồì.  Khương hỏi ai đuổi và vì sao. Chung nhìn chúng tôi: "Moi chỉ nghe đồn vậy thôi." (Sau này khi sang Hoa Kỳ định cư, đọc quyển Nước Việt Nam Cộng Hòa Bị Bức Tử do Dương Hiếu Nghĩa dịch từ quyển La Mort du Vietnam của Tướng Vanuxem, Đại Nam xuất bản 1997, tôi mới biết chính Lê Đức Thọ khi tiến quân vào Saigon đã buộc Merillon rời VN lấy lý do vị đại sứ này đã tiếp tay với Trung Cộng dàn xếp để đình chiến, ngăn cản cuộc tổng tấn công) Khương chợt buột miệng: "Không biết có chuyện gì mà người ta lại cấm treo cờ Trung Cộng!"  Chung im lặng một lúc rồi nói:  "Mấy tuần nay bọn mình trở thành phó thường dân Nam Bộ rồi! Chắc sẽ có nhiều điều bất lợi cho anh em mình."  Anh tỏ ý bi quan cho thân phận hai đứa chúng tôi.  Anh cũng nói rồi đây anh chẳng biết ra sao, nhưng Khương và tôi hiểu anh sẽ không đi trình diện.  Anh không cười như mọi khi chúng tôi gặp nhau mặc dù giọng nói của anh vẫn trầm tĩnh.  Trên đường về, Khương bảo anh sẽ đem theo một cái võng và muối ớt ăn trong 6 tháng.  Anh cũng hỏi tôi “có cái gì hay hay để equiper cho tinh thần không."  Tôi đưa ra hai điều.  Điều thứ nhất là: Nhà cầm quyền mới nói "Lao động là vinh quang", nhưng có thể đưa đến cái chết. Tôi thuật lại cho Khương nghe rằng tôi vừa đọc trong một số Digest Reader's nhập cảng vài tháng trước thấy trước cổng trại tập trung dân Do Thái ở Auschwitz, có một khẩu hiệu viết bằng tiếng Đức, được dịch sang tiếng Anh là "Work Frees Men." Khương cười: "Vậy thì đừng có dại mà lao động hết mình, để còn sống mà về với vợ con. Còn điều thứ hai?"  Tôi nói: "Cái nầy chắc chắn "toi" sẽ khoái. Họ sẽ không tẩy não bọn mình nổi đâu. Liên Xô tưởng đã tẩy não được tù binh Nhật sau khi biến một số nhỏ làm tay sai.  Nhưng khi trở về nước, sống với gia đình và xã hội, thì tinh thần và lối suy nghĩ của cựu tù binh Nhật trở lại như cũ." Khương nhìn tôi:"Thật hả?" Tôi biết đây là thói quen hay hỏi của anh dù anh không nghi ngờ, tôi vẫn trấn an Khương: "Moi đọc research hẵn hoi đấy."  Khương khoái chí cười ha hả: "Phong cách của bọn mình cũng chẳng ngon lành gì, nhưng mất đi thì moi thấy tiếc."  Tôi ngồi sau xe Honda, thấy lưng Khương thẳng lên. Tôi chợt nghĩ đến chiếc xe Volkswagon mà anh thường mơ ước -- môt chiếc Volkswagon nhỏ với màu sơn tím và cành hoa phong lan trắng vẽ trên cửa passenger (Vợ Khương tên Lan). Thấy thương anh lạ thường.

Trước khi chia tay, Khương còn hỏi tôi nên đem theo bao nhiêu tiền.  Tôi nói nếu dư dã, thì đem theo kha khá để tùy còn cơ ứng biến.  Riêng tôi, sau khi mua sữa đặc có đường đủ 6 tháng cho hai thằng con 3 và 4 tuổi --vẫn chưa dứt sữa -- và sữa bột 6 tháng Similac đứa út mới sinh ngày 1/4, thì tôi sẽ chia 2/3 tiền còn lại cho vợ tôi.  Phần tôi, sẽ đủ "tiền cơm 30 ngày" như lệnh "trình diện" đòi hỏi, và vài ba gói thuốc lá. Khương cũng buồn bã lắc đầu: "Moi cũng không hơn gì.  Trời sinh voi, trời sinh cỏ." Nghe Khương nói, tôi nhìn các bồn cỏ nhỏ bên lề đường, nghĩ: Có lẽ rồi sẽ không có đủ cỏ.  Chúng tôi hẹn gặp nhau ở trường nữ trung học Gia Long.

Một ẢoTưởng 

14 June 2021

Cười tí tỉnh: Đĩ Bút

Sáng nay vừa mò mặt tới toà soạn, lão trưởng ban đã ngoắc lại. Nhìn nụ cười đểu đểu trên gương mặt lão, hắn đã mừng thầm. Hắn cứ tưởng sẽ được xếp giao đi xuống các cơ sở kinh doanh viết bài, kiếm tí cháo vì cả tháng nay đói meo rồi, ngày nào vợ cũng cho nghe chửi… nhưng không phải. Lão trưởng ban nhe răng ra, hơi thở toàn mùi rượu:

– Hôm nay cấp trên giao cho đồng chí nhiệm vụ viết về các tấm gương chung tay đóng góp chống dịch Covid 19. Mục đích là để nhử mồi, lôi kéo nhân dân đóng góp càng nhiều càng tốt. Cơ quan ta có đạt được thành tích thi đua hay không là nhờ ở đợt vận động này đấy.

Trong bụng hắn buồn như mùa thu chết nhưng hắn vẫn phải làm ra vẻ sốt sắng:

– Vâng, thế các tấm gương đó ở đâu ạ.  Anh cho em biết địa chỉ để em chạy ngay xuống tìm hiểu viết bài.

Lão trưởng ban nghẹo cổ, cái cổ gầy như cổ gà và dơ kinh khủng, chắc lâu lắm rồi lão chưa tắm:

– Làm gì có tấm gương nào? Phải tự phát huy ra chứ. Nếu có gương thật thì ai viết chẳng được, cần gì phải nuôi cả một toà soạn báo bọn mình cho tốn lương, tốn thưởng của nhà nước.

Trong lúc đang bối rối vì bị xếp sửa lưng, hắn buột miệng chống chế:

– Em tưởng nhiệm vụ của báo chí là bảo vệ sự thật, là phản ảnh trung thực các sự kiện xảy ra trong xã hội…

Cái cần cổ bẩn thỉu bổng nhiên không nghẹo nữa mà ngỏng cao lên như cổ gà chọi, hàm răng vẩu của lão chìa hẳn ra, xém chút xíu chọc vào mắt hắn:

– Ơ, hôm nay đồng chí phát biểu linh tinh, mất lập trường nhỉ. Cái điều mà đồng chí vừa nói chỉ áp dụng cho nền báo chí của bọn tư bản giãy chết thôi, còn chúng ta là báo chí cách mạng, phải khác đi chứ lị. Đây này, tôi đã giật tít sẵn cho các bài báo, đồng chí đọc đi rồi cứ thế theo đó mà ngồi viết bài.  Viết sao cho nó y như thật là đạt yêu cầu.  Nghe chửa?

Hắn cúi xuống đọc các tựa bài mà lòng phải bái phục trình độ đặt tít rất giật gân của lão trưởng ban:

– Cụ ông 84 tuổi, vợ bịnh nặng, con khát sửa khóc ằng ặc, vẫn chống gậy đi 40 km để trao tiền chống dịch Covid 19 cho UBND xã.

– Em học sinh lớp 6 đập ống heo của hàng xóm; đóng góp gần 1 triệu cho công cuộc phòng chống dịch bệnh.

– Cụ bà đơn thân bán con gà nuôi đã hơn 20 năm để lấy tiền ủng hộ quỹ phòng chống dịch.

– Chém người xong, thủ phạm còn ghé UBND phường đóng góp cho quỹ phòng dịch 200 ngàn rồi mới chạy về nhà ẩn nấp.

Đọc lướt qua xong, hắn ngập ngừng góp ý với xếp:

– Em thấy toàn hình sự với lại các cụ già, em bé đóng góp thì có vẻ đơn điệu quá, hay là để em bịa thêm vô là ông giám đốc công ty hay bà phó chủ tịch UBND tỉnh nào đó cũng đóng góp, cho nó đầy đủ mọi thành phần từ nhà nước đến nhân dân, được không anh?

Lão trưởng ban trợn ngược mắt lên:

– Ấy chết, không được đâu. Nói đến chuyện cán bộ ta bỏ tiền túi ra đóng góp thì ai mà tin. Chuyện này có bao giờ xảy ra đâu? Mình bịa thì cũng phải viết thế nào cho nó giống thật, để dân còn tin chứ. Bịa như đồng chí thì chỉ có chó nó tin. Chết thật thôi. Trình độ như thế mà cũng đi làm báo đảng, không trách được cả nước ai cũng chửi tụi mình là một bọn đĩ bút, chuyên nghề viết báo bưng bô…

Theo FB Loc Duong

Cán bộ đi quyên tiền để chống dịch

11 June 2021

Nồi Rau Lang Luộc, thơ

Dạo:


Tình đà bỏ bến sang ngang,
Để ai luộc mãi rau lang một mình.


NỒI RAU LANG LUỘC

Em có biết đã bao năm rồi đó,
Kể từ ngày em bỏ bến sang ngang,
Bỏ lại quê xưa, bỏ gã trai làng
Thui thủi cạnh nồi rau lang than thở.

Chắc em không còn nhớ
Chúng mình đà có một thuở bình yên,
Với chuỗi ngày vui sống thật hồn nhiên,
Dù gia cảnh hai bên toàn khác biệt.

Anh nghèo khó, đời trăm ngàn thua thiệt,
Em giàu sang chẳng biết đến buồn đau.
Sân trường dù sáng sáng chạm mặt nhau,
Thỉnh thoảng mới có một câu chào hỏi.

Tan trường em rẽ lối,
Tung tăng về với gia đình,
Anh tất tả linh đinh,
Chân cao thấp một mình ra canh ruộng.

Dạ dày còn trống rỗng,
Vội vàng luộc mấy cọng rau lang,
Lót lòng cùng nắm cơm vắt luôn mang,
Cầm cự đến lúc về làng ăn tối.

Một hôm bỗng em bất ngờ tìm tới,
Anh thẹn thùng chẳng biết lủi vào đâu,
Mặt đỏ nhừ lúng búng chẳng ra câu,
Khi em chỉ nồi rau trên bếp lửa.

Em ngỏ ý muốn được dùng chung bữa,
Anh phân vân toan kiếm cớ phớt lờ,
Nhưng bất thần gặp ánh mắt ngây thơ,
Đành khẽ thốt một tiếng ừ miễn cưỡng.

Em thỉnh thoảng trốn nhà ra ruộng,
Để được anh chiều chuộng "đãi" rau lang.
Lòng anh tuy khấp khởi rộn ràng,
Nhưng vẫn cảm thấy bẽ bàng tủi phận.

Bèn đâm ra vớ vẩn,
Thầm tự vấn lắm phen,
Có phải vì em sung sướng đã quen,
Nay gặp món nghèo hèn nên ngon miệng?

Và từ đó, mỗi lần em thăm viếng,
Anh cố không nghĩ đến chuyện nghèo giàu,
Chỉ lom khom lo chăm chút nồi rau,
Để vui vẻ cùng nhau trong thoáng chốc.

Hết lớp nhất, em rời ra tỉnh học,
Anh quê nhà khó nhọc với ruộng nương.
Và mỗi khi có dịp lướt qua trường,
Lòng thổn thức nghe nhớ thương vời vợi.

Nhưng may mắn, mỗi năm khi hè tới,
Em từ xa khăn gói trở về làng.
Cứ vài ngày, em lại tạt ghé sang,
Cùng nhấm nháp món rau lang ngày cũ.

Anh nhiều lúc chập chờn trong giấc ngủ,
Muốn nhờ rau bày tỏ giúp nỗi lòng,
Thốt lên giùm câu thương nhớ chờ mong,
Nhưng đành tiếc là rau không biết nói.

Rồi cứ thế, hai mảnh đời hai lối,
Bảy năm trời thoắt đã vội vèo qua,
Cuối cùng em cũng bỏ xóm bỏ nhà,
Mặc áo mới về phương xa vĩnh viễn.

Đứa ở lại, đứa chân trời góc biển,
Có còn chăng chút kỷ niệm mà thôi.
Em ê hề mỹ vị chốn xa xôi,
Anh quê cũ chăm chăm nồi rau luộc.

                *

Khung cảnh dầu quen thuộc,
Tiếng người năm trước còn đâu!
Mải lăng quăng đánh vật với cơn sầu,
Ngoảnh mặt lại, nồi rau đà cháy khét.

Trần Văn Lương
Cali, 6/2021

10 June 2021

“Người việt nam hèn hạ” - Một đoản văn làm sôi mạng xã hội


Trang mạng xã hội lại một lần nữa dậy sóng bởi bài viết ngắn của một cô gái rất trẻ nói về thực trạng đời sống xã hội cũng như tâm tính, văn hóa, thói quen ứng xử của người Việt Nam mà dưới ánh mắt của cô nó đáng được gọi là hèn hạ cùng với hai chữ Việt Nam không được viết hoa.

Thuyết phục

Bài viết dài nhưng thuyết phục và rất dễ gây tranh cãi nếu người đọc nó với tư duy của những năm tháng mà đất nước được tô đầy những màu hồng rực rỡ. Màu của chiến thắng, màu của lòng tự hào dân tộc, màu của cường điệu và đôi khi tự cho phép vượt cả sự thật để xoa bóp cơ bắp teo tóp của mình về mọi thứ, kể cả lòng nhân đạo và sự tự trọng cần thiết.

Bài viết có tên: “Người việt nam hèn hạ”, bắt đầu bằng một mệnh đề ngắn nhưng với sức mạnh của một trái bộc phá:

“Bài viết này sẽ không có một chữ việt nam nào được viết hoa. Bởi chúng ta có xứng đáng được trân trọng như vậy không? Không hề.”

Lần lượt từng vấn đề một, tác giả bảy ra dưới ánh sáng của chiếc đèn giải phẩu. Cô soi rọi những góc ẩn mà không ai muốn nhắc tới. Trước nhất, Hân Phan viết về thế hệ của cô, những người lớn lên 40 năm sau khi đất nước gom vể một mối:

“Gần 40 năm thống nhất, việt nam có hơn gì thời chiến ngoài đống xe máy chạy đầy đường… trong túi ai cũng có một cái điện thoại di động? Dù nhà ở không có, đất đai không có, bảo hiểm không có, tương lai cho con cái không có… nhưng bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu. Người ta được ru giấc suốt 40 năm bằng niềm ước mơ cháy bỏng “cơm no, áo ấm.” Hạnh phúc chỉ thế thôi! Muốn hạnh phúc hơn thì hãy làm giàu, làm giàu, làm giàu! “Doanh nhân là chiến sĩ thời bình.” Cứt! Tôi ỉa vào cái khẩu hiệu sặc mùi con buôn, đầy phân chợ trời đó! Tiếng súng không còn nổ ngoài đường.

Một cuộc chiến khác đậm chất mafia, côn đồ, đảo Sicily chắc còn phải chào thua nhà cầm quyền việt nam trước khả năng dùng “luật im lặng” của họ với dân mình. Cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bị bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình vì họ đang giữ đất.

Trong khi họ giữ đất cho ai? Những đứa thanh niên đó nó đang nghĩ gì khi quay lưng lại với dân tộc mình? Ðơn giản thôi. Nó tin rằng nếu trung thành với cái thể chế mà nó đang phục vụ, thể chế đó sẽ cho nó công việc ổn định, đặc quyền, đặc lợi hơn người. Vậy là nó nhắm mắt làm theo, coi nhân dân là cỏ rác, cũng vì lợi ích cá nhân … gia đình nó- nếu nó có nghĩ tới. Chứ ngoài ra, liệu còn cái lý tưởng cao đẹp nào có thể tin vào lúc này? Ðừng nói với tôi là “lý tưởng Hồ Chí Minh” hay “lý tưởng cộng sản” nhé! Hỏi những đứa mặc áo xanh cán bộ đoàn thử xem, nó nói có trôi chảy không? Tôi đã thử rồi, rốt cuộc là ngồi im nghe tôi nói huyên thuyên toàn những điều mà trường học gọi là “phản động.”

Đọc tới đây chắc nhiều người trong chúng ta vẫn cho rằng cô gái này đang nói ai đấy chứ không phải mình….nhưng khoan đã, hãy bình tỉnh với những giòng kế tiếp. Tôi chắc rằng trong đó sẽ có chúng ta, kể cả tôi, người đang đọc thật kỹ từng con chữ để mong tìm ra có gì quá đà trong bài viết này không, thế nhưng tôi chỉ thấy mình là một cá nhân trong đám người khổ sở, sợ sệt, yếu ớt.

“Cuộc chiến này được khoác lên chiếc áo bảo vệ hòa bình, tự do, hạnh phúc. Còn bên trong là để bảo vệ quyền lợi, quyền lực cho một nhóm người gắn kết với nhau bằng những chiếc răng cùng gặm vào xương máu người nghèo, người thất học, người bán buôn lương thiện hàng ngày. Những người mỗi ngày chỉ biết tạ ơn trời phật đã cho chúng con một ngày yên ổn làm ăn, không bị cán bộ thuế đến nhũng nhiễu, không bị CSGT thổi phạt kiếm ăn, không bị đội dân phòng rượt đuổi, không bị ông chủ đẩy vào toa-lét để sờ soạng, không bị cắt tiền tăng ca, không bị cho ăn cơm thiu ngộ độc, không bị bệnh đột ngột phải vào bệnh viện nằm gầm giường chờ chết…

Thế là cái dân tộc đầy sợ sệt, bất an đó cuống cuồng kiếm tiền, cuống cuồng vơ chỗ này, cấu chỗ kia để lo cho cái thân mình. Họ còn biết làm gì nữa?

Và khi họ chăm chắm vào tiền và sự yên ổn cho mình, họ để mặc cho một bọn ác khác lên ngôi, bọn này là sản phẩm của công thức: Bên trên, chúng nhìn thấy cách hành xử của một chính quyền côn đồ, có tiền là ra luật + Bên cạnh, chúng nhìn thấy những con người thờ ơ với người khác, chỉ còn biết nghĩ tới mình + Bên dưới, chúng nhận ra một đám người khổ sở, sợ sệt, yếu ớt = Chúng chợt nhận ra chúng có khả năng luồn cúi bên trên, tránh né bên cạnh… ức hiếp bên dưới.”

Tác giả bài viết này là Hân Phan, cô sinh năm 1979, tốt nghiệp Luật, đang là Giám đốc của 1 cty Truyền thông ở Sài Gòn. Sau một lúc vẽ ra khung cảnh thật đang xảy ra chung quanh mình, tác giả lặng lẽ than thở:

“Sao mà tôi sợ bọn người đó như thế?”

Bọn đó tập trung vào các cơ quan công quyền, làm quản lý, làm công an, làm công chức,… làm “đầy tớ” của nhân dân!

Một cuộc cưỡng chế đập nhà xứ cũ của Đông Yên hồi năm 2014.

Một cuộc cưỡng chế đập nhà xứ cũ của Đông Yên hồi năm 2014.

Bọn công bộc đó đã cùng nhau đẩy những cụ già bỏ quê bỏ xứ, lên Sài Gòn ngồi vạ vật dầm mưa dãi nắng suốt ngày đêm, ngày này qua tháng nọ để kêu oan.

Tôi sợ bọn chúng vì bọn chúng đông quá, đông như kiến cỏ. Chúng nhan nhản khắp nơi, ngày ngày bóp chết mọi ước mơ, triệt tiêu mọi khao khát, thêm sự dốt nát của chúng vào nữa là hoàn hảo để tạo ra một nền kinh tế xã hội thụt lùi đến chóng mặt, quay cuồng trong dối trá và danh lợi. Ðáng sợ hơn, cuộc sống ấm êm no đủ của chúng nhờ vào tính cơ hội – thu vén lại là sự thèm khát của những tầng lớp khác. Khiến cho những con thiêu thân non trẻ khác lao vào như một cơ hội ngàn vàng.

Bọn này tiếp tay cho bọn con buôn cũng lưu manh không kém. Thế là chúng ta ăn thức ăn có độc mỗi ngày, con cháu chúng ta uống sữa độc mỗi ngày, chúng ta đi trên những con đường hiểm họa mỗi ngày, chúng ta tiêu dùng những gì chúng mang tới, chúng ban phát, với giá mà chúng ấn định, với mức thuế mà chúng muốn,… không còn một lựa chọn nào khác. Không biết làm gì khác, không có phản ứng gì khác! Vì chúng ta lương thiện.

Tôi nghĩ đến bọn này khi tôi đọc tin về tên bác sĩ lợi dụng lúc mẹ của bệnh nhi đi lấy giấy xét nghiệm, hắn hãm hiếp đứa bé mới 3 tuổi.

Tôi đọc tin ông bà chủ đánh trẻ làm công đến thương tật.

Tôi đọc tin một gã thanh niên có học chặt chém bạn gái mình thành từng khúc chỉ vì một chiếc xe máy và chút ít tài sản.

Tôi đọc tin bọn chủ… lơ xe vứt xác hành khách bị lèn chết giữa đường mà cả xe không ai phản ứng.

Tôi đọc tin nữ sinh phải ngủ với thầy giáo để được điểm tốt.

Tôi đọc tin người đi đường bị cướp, may mắn giật lại được túi tiền, nhưng túi rách, tiền bay ra, xung quanh thiên hạ xúm lại nhặt, nhưng không phải nhặt giúp, mà nhặt hết đi không chừa lại đồng nào. Thay vì bị 1 đứa cướp, anh ta bị cả con đường đè ra mà cướp… Còn rất nhiều tin.

Một dân tộc gì mà độc ác và hèn hạ thế? Dĩ nhiên không chỉ có mình tôi biết đau đớn vì những điều đó.”

Còn văn chương xã hội chủ nghĩa thì sao? Hân Phan không ngại chút nào khi lôi ra từng cuốn sách đóng mốc lên meo của chủ thuyết văn chương phải đạo, hay văn chương than khóc, cho chúng ta nhìn ngắm:

Chúng ta có cả một thứ to tát mà tôi tạm gọi là “nền văn chương than khóc.”

Trong những tác phẩm thi ca xuất bản từ khoảng 20 năm trở lại đây, tôi không dám nói mình đọc nhiều hay nghe nhiều, nhưng tôi cố gắng đọc, nghe, cố gắng tìm tòi, cố gắng tìm kiếm một tác phẩm nó xứng đáng làm cho tôi thấy dân tộc việt nam của tôi thực sự là “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau,…” một cách đúng nghĩa.

– Loại mờ nhạt, rẻ tiền, xúc cảm vu vơ, vụn vặt, vô thưởng vô phạt.

– Loại có trăn trở, có suy tư, nhưng toàn đau đáu những nồi niềm xưa cũ, tương lai chả biết phải vứt đi đâu và vứt cho ai?

– Loại mạnh mẽ hơn, trực diện hơn, nhưng tầm vóc tác phẩm chỉ ở mức gẩy lên 1 tiếng đàn, rồi thôi!

Tinh thần chúng ta đang được nuôi dưỡng bằng những thứ chỉ đến mức đó thôi.”

Nút thắt của những điều mà tác giả vừa nói phải chăng chỉ do mô hình sai lầm là chủ nghĩa cộng sản hay do sự dung túng, lộng hành và tiếm quyền của người cộng sản? hay do xã hội đang run sợ trước họng súng đến nỗi không còn một phản ứng nào đáng được gọi là con người? Hân Phan thẳng thắn chỉ ra, chỉ một phần thôi, tuy rất lớn, và tất cả người Việt phải nhìn thấy trách nhiệm ấy thuộc về mình, từng người một. Tác giả viết:

“Vậy cái gì đã gây nên nông nỗi? Tôi không muốn tạo ra sự hiểu lầm là cái gì cũng do lỗi cộng sản.

Nhiều người rất cực đoan, nói ra cái gì sai, họ cũng đổ vấy hết cho cộng sản. Nhưng cộng sản tệ đến thế mà cai trị được chúng ta đến ngày giờ này, thì chúng ta cũng tệ không kém!

Tôi chỉ nghĩ đến một điều, cái gì đã làm cộng sản tồn tại lâu như thế?

Ngoài sự cấu kết quyền lực-quyền lợi để cùng bảo vệ lẫn nhau, cộng sản đã làm gì để chúng ta thành ra một dân tộc việt nam hèn hạ tự trên xuống dưới, từ già tới trẻ như ngày hôm nay? Ngoài sự mafia, côn đồ, trấn áp bằng sợ hãi, giáo dục một cách ngu dân ra, chúng còn làm gì nữa?”

Là một người tốt nghiệp trường luật, Hân Phan hiểu rõ mình đang nói gì khi chứng minh rằng đạo đức hỗ trợ pháp luật trong những ngóc ngách mà pháp luật không thể vói tới. Đạo đức, tiếc thay đã biến dạng thành khuôn mặt tươi cười của ác quỷ.

“Ai từng học luật đều biết, khi quy phạm pháp luật không điều chỉnh được, thì hành vi con người sẽ phải điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức. Pháp luật không theo con người lên giường, vào toa-lét, xuống bếp. Nhưng đạo đức theo ta khắp nơi, tận trong ngõ ngách tâm hồn. Pháp luật cũng không ép tạo ra đạo đức. Chính sự vô thần vô thánh, không thừa nhận đức tin mà cộng sản triệt để nhồi nhét từ khi họ nắm được dân tộc này đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ, …Vì những người này họ không sợ, hoặc họ tin rằng họ sẽ tránh được sự trừng trị của pháp luật. Khi pháp luật không trị được mà người ta không sợ luân hồi, không sợ quả báo, không sợ bị đày xuống địa ngục… thì họ còn sợ gì nữa? Việc gì mà họ không dám làm?”

Tác giả hỏi mình mà sức mạnh của nó làm cho hầu hết chúng ta phải thổn thức, tác giả viết: “Tôi có cảm giác như mình đang sống giữa một bầy đàn hỗn loạn nhưng hoang vu, hỗn loạn về vật chất – nhưng hoang vu về tinh thần. Bạn có thấy như thế không?”

Và bây giờ là chúng ta, tất cả chúng ta, những người có trách nhiệm với ngôi nhà mang tên Việt Nam nhưng đang giương mắt nhìn ngoại bang cấu kết với bọn lãnh đạo làm mất dần đất nước, hay ít ra mất hẳn cái gọi là lòng yêu nước, vốn luôn bị lợi dụng trong các cuộc chiến tranh “thần thánh”.

“Mặt phải, chúng ta ra rả trên báo mỗi ngày là “Mỹ đã đến biển Ðông,” “bà Hillary dọa TQ không nên gây hấn,”… để mong lòng dân yên ổn. Mặt trái, chúng ta tổ chức ngày hội gặp gỡ những lớp cán bộ đã từng được Tàu đào tạo để cám ơn họ đã “dạy dỗ” cả đám chóp bu việt nam. “Ðĩ” chưa từng thấy! Chưa có cái chính quyền nào mà “đĩ” như chính quyền việt nam hiện tại. Dựa hơi mà cũng không biết dựa hẳn bên nào cho trót. Lá mặt lá trái như thế bảo sao quốc tế nó không khinh?

Còn dân việt nam thì sao? Dám cầm súng đánh TQ hay đánh bất cứ thằng nào xâm lược việt nam nữa không? Mà cầm súng để làm gì? Kết quả của gần 40 năm độc lập, ai cũng thấy cả rồi, không cần nói nữa.

Và cả bọn hèn hạ chúng ta đang ôm lấy nhau, hồi hộp chờ đợi hồi chuông báo tử.”

Hân Phan thố lộ với chúng tôi bài viết đã xuất hiện cách đây nhiều năm, và mỗi lần nó ồn ào trở lại thì một lần gây tranh cãi. Cô cũng có ý định sửa lại nó nhưng sau vài năm sự mong muốn ngày một nhạt dần vì không có một dấu hiệu nào cho thấy một chút hy vọng, dù mong manh có thể thay đổi xã hội và con người Việt Nam.

“Thật ra nếu mà cháu sửa thì cái ý nó sẽ khác đi một chút chứ không phải là sửa từ ngữ, vì bài đó rất dài mà lúc đó còn lãng mạn, còn kỳ vọng nhiều thứ lắm nhưng bây giờ thực sự nó khó làm cho người ta hy vọng. Khi viết thì ý tứ bài đó nó có thể khác đi một chút.”

Khi được hỏi phản ứng của người đọc ra sao trước bài viết nặng ký như vậy, Hân cho biết:

“Trời ơi, người ta khen thì cũng có khen nhưng người ta vào người ta chửi cháu không còn gì hết! Nhưng cháu không có phản hồi ai hết vì những gì muốn nói thì mình đã nói hết rồi. Mình viết bài đó không phải để tranh luận, nếu có người suy nghĩ khác người ta không đồng ý họ chửi mình là thiếu giáo dục, không có tinh thần dân tộc…nhưng cháu nghĩ không cần thiết tranh luận với những người đó. Chuyện người ta nghĩ khác mình thì cũng là chuyện bình thường.

Hơn nữa thực ra cháu nghĩ là mình bị theo dõi lâu rồi, trong inbox hay trong mail cháu vẫn để đó cho họ đọc vì họ càng đọc thì càng thấy mình không có động cơ gì xấu hết mà mình chỉ muốn cho xã hội tốt hơn thôi nên kệ họ. Cháu có rất nhiều bạn bè làm an ninh làm này làm kia nhưng cháu vẫn coi mỗi người một con đường, mỗi người một chí hướng thì họ làm gì họ làm còn mình cũng không có ý nghĩ hằn học hay cái gì cũng đổ cho cộng sản…cho nên cháu không sợ.  Việc gì phải sợ, sợ thì mình đã không viết rồi.”

Đóng bài giới thiệu này lại tôi nhận ra thêm một điều nữa về mình: Suốt cả bài viết mặc dù tác giả không hể viết hoa hai chữ Việt Nam, nhưng tôi lại thiếu can đảm để làm điều ấy. Có một cảm giác mong manh nào đó vẫn thiêng liêng lắm trong tiềm thức của tôi mặc dù biết rằng chính mình không xứng đáng để viết hoa hai chữ Việt Nam nữa.

08 June 2021

Quý anh chị có biết?

Ngắm ngực phụ nữ giúp quý ông "tăng lực"

Nếu người đàn ông (nhất là những người có mức độ làm việc trí óc căng thẳng) cứ nhìn ngắm cặp ngực của phụ nữ thì sức khỏe của họ sẽ tốt hơn và tuổi thọ của họ sẽ tăng lên. Đây là kết quả cuộc nghiên cứu xem ra khá kỳ lạ do các nhà nghiên cứu người Ðức thực hiện.

Theo nữ Bác Sĩ Karen Weatherby, chuyên khoa tuổi già và là tác giả của cuộc nghiên cứu này, thì nhìn ngắm cặp nhũ hoa của phụ nữ là một thói quen lành mạnh và bổ ích, hầu như chẳng thua kém gì với việc theo đúng một chương trình thể dục vậy. Và hành động này lại có thể kéo dài tuổi thọ của người đàn ông lên thêm 5 tuổi nữa chứ chẳng phải đùa đâu. Vị nữ bác sĩ nói thêm: “Chỉ cần 10 phút nhìn chăm chú vào bộ phận trời cho đẹp kia của người phụ nữ thì cũng tương đương với cả 30 phút tập thể dục nhịp điệu đấy.”

Các nhà khảo cứu từ 3 bệnh viện tại Frankfurt bên Ðức đã thực hiện một cuộc thí nghiệm và phân tích thấu đáo 200 người đàn ông khỏe mạnh trong một thời gian là 5 năm.

Phân nửa số đàn ông tự nguyện tham gia cuộc khảo cứu này được lệnh ngày nào cũng phải nhìn ngắm cặp nhũ hoa của các phụ nữ trong khi những người còn lại thì bị cấm không được làm theo như vậy.

Vào lúc kết thúc cuộc nghiên cứu, các nhà khảo cứu ghi nhận rằng những ông nào cứ thấy ngực phụ nữ là nhìn vào thật đều đặn thì áp lực máu của họ thấp hơn, nhịp đập con tim khoan thai hơn và ít khi bị các trở ngại về vành động mạch.

Nhà khảo cứu này tuyên bố rằng ham muốn tình dục làm cho máu lưu thông tốt hơn, dẫn tới sức khỏe tổng quát được được cải thiện nhiều hơn.

Ðể giải thích ý niệm này, Bác Sĩ Weatherby nói: “Tình trạng hứng khởi tình dục khiến cho trái tim bơm máu lên nhiều hơn và gia tăng sự tuần hoàn của máu. Vậy thì chẳng ai chối cãi được rằng ‘động tác ngắm nhìn bộ ngực của phụ nữ làm cho đàn ông thêm khỏe mạnh.’”

Bà nói tiếp: “Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng hoạt động đó, nếu được thực hiện mấy phút mỗi ngày, sẽ cắt giảm phân nửa nguy cơ bị đột quỵ và trụy tim bất thình lình. Chúng tôi tin rằng nếu cứ làm như thế đều đều thì một người đàn ông bình thường có thể kéo dài tuổi thọ của mình lên tới 5 năm cho mà coi.”
 ____________

Lời bàn của Ham-Tân:  Hèn chi các thầy tu hay bị chết vì đột quỵ và trụy tim!

Tôi sợ một Thủ đô ngàn năm văn vật

Cao Huy Huân


Hôm rồi tôi ghé về thăm Hà Nội, đi dạo trên những con phố nửa quen thuộc, nửa xa lạ. Hà Nội vẫn cổ kính, vẫn thơ mộng, quyến rũ, nhưng cũng khiến người ta đôi lúc hụt hẫng đến đau lòng.

Tôi đặt chân đến Hà Nội, hình ảnh Hà Nội trong các bài hát đẹp như thơ, cảm xúc đến nao lòng cứ hiện về trong tâm trí. Từ hàng cây, quán cóc, con đường, ngỏ vắng, và cả những cụ già móm mém yêu thương. Từ những hàng quán mộc mạc, chân chất đến những con người bình dân, hiếu khách, hết mình. Đó là một Hà Nội mà ngày xưa tôi đọc vanh vách trong sách vở, và cảm nhận được qua tâm trí của một gã trai đất “Thủ đô ngàn năm văn vật”, ngàn năm vững chải trước không ít gió sương.

Thế nhưng bỗng chốc giật mình về những gì hiện ra trước mắt, một Hà Nội khiến tôi lắm khi thấy sợ hãi đến ám ảnh trong cả những cơn mơ. Một Hà Nội đã mất đi những hàng cây trăm tuổi, thay bằng những hàng cây xác xơ, èo uột và ốm yếu. Một Hà Nội đã mất đi màu xanh mát mắt, mát lòng, thay bằng khói bụi và những ngày nắng chói chang khiến người ta chỉ cảm thấy sự khó chịu và bực bội.

Ghé thăm phố cổ, những dòng xe ngược xuôi qua lại, càng khiến người ta thấy bất ngờ về nếp sống của người dân thủ đô. Phần đông, họ không đội mũ bảo hiểm. Anh tài xế taxi bảo tôi, ở phố cổ, người ta không đội mũ bảo hiểm nhiều, nhất là các anh chạy xe tay ga, xe càng xịn, như xe SH chẳng hạn, thì tỷ lệ đội mũ bảo hiểm càng thấp, và nó trở thành một nếp sống trên luật. May mắn lắm mới tìm thấy vài ba anh đội mũ bảo hiểm, nhưng nhìn kỹ thì cũng là mũ “thời trang”, kém chất lượng, không đúng yêu cầu luật pháp. Anh tài xế taxi gạt tay “họ đội là quý lắm rồi bác ạ, chứ kỳ kèo mũ thật mũ giả có mà thừa”. Tôi cười nhạt.

Đã không dung mũ bảo hiểm hay đai an toàn đã đành, đằng này người lưu thông cũng không dừng đèn đỏ. Xe chạy tốc độ cao, nhưng đèn đỏ cũng như đèn xanh, đã phóng đi thì không có ý định dừng, thế nên mấy lần tôi suýt gặp nạn vì đèn xanh tôi qua đường mà không để ý phía bên kia chẳng ai chịu dừng đèn đỏ, thậm chí họ còn phóng nhanh hơn. Người bạn Hà Nội bảo tôi rằng, phố cổ bé xíu, người người nhường nhịn nhau mà đi, dừng đèn đỏ làm gì. Rồi anh chỉ tay phía bên kia đường, nơi có vài ba thanh niên chất lên một chiếc xe tay ga, vượt đèn đỏ và lướt ngang qua vài viên cảnh sát giao thông đang đứng chốt. Trông cứ như trong phim, hay như kiểu thủ đô đang dùng một bộ luật giao thông nào khác.

Vất vả rời khỏi những con phố đông đúc và nguy hiểm, tôi ghé vào quán cháo ngan bên đường. Một lần nữa bất ngờ khi cô chủ quán thách giá 80 nghìn một tô, trong khi một tô phở đặc biệt tôi ăn ở Sài Gòn cũng chỉ 50 ngàn; đằng này quán hàng rong nhưng giá lại trên mây. Chuyện trớ trêu là khi thanh toán tiền, nhận tiền thừa, tôi thuận miệng cảm ơn, thì bị trách “cái quái gì cũng cảm ơn” – thế là cảm ơn cũng bị... chửi. Có đứa bạn bảo Hà Nội đang tính chi tiền tỷ để giải quyết nạn nói tục vô thưởng vô phạt tại đất thủ đô, tôi bật cười: “dân mình ngày càng chửi nhau điêu luyện đến mức đau lòng”.

Các hàng quán, cửa hiệu của Hà Nội cũng “kén” khách đáo để. Khách đến mà mặc quần lửng, đi xe cùi (vì tôi ghé chơi nên lấy chiếc xe cà tàng của đứa bạn phóng đi) thì nhân viên chẳng màng cười hay chào nhiệt tình lấy một câu. Bên Tây, người ta quan tâm khách đến quán hay cửa hiệu sẽ chi bao nhiêu tiền, ấy thế mà nhà ta lại theo cái cách khách đến quán mặc đồ hiệu hay không. Đã thế, các nhân viên rất thích tranh luận, thậm chí cãi nhau, chửi luôn cả khách hàng dù cho khách có sai hay có đúng. Thế mà bảo “làm ăn”!

Những ngày lễ tết, Hà Nội như sống trong cực hình của lễ hội. Trong khi Tây chỉ có vài ba ngày tết, hay như Sài Gòn cũng chỉ đến 10 ngày, thì Hà Nội vẫn bảo “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Người ta vẫn miệt mài rượu chè từ sáng đến tối; vẫn rủ nhau cờ bạc, ăn uống, hội hè. Các cung đường lễ hội đông đến ngột ngạt. Những ngày hội “cướp” thi nhau tổ chức, trong đó nổi tiếng nhất là cướp ấn, cướp lộc, cướp tài... Tất nhiên, “cướp” theo nghĩa bóng, nhưng hiện trường các vụ cướp này hỗn độn, kinh hoàng không khác nào các vụ cướp được hiểu theo đúng nghĩa đen. Có anh chàng bon chép cướp lộc, bị bầm mặt bầm đầu vẫn cứ ráng cười vì có miếng giấy đỏ - lộc may mắn đầu năm; có cô vì chen cướp lộc mà rách cả váy, cũng cười vì năm nay chắc sẽ được nhiều may mắn, hay ít nhất là không gặp chuyện chẳng lành.

Các tuyến phố Hà Nội, có lẽ không đâu bằng, gắn chi chít các bảng khẩu hiệu. Nào là xây dựng thành phố văn minh, tuyến đường văn minh, tuyến đường an toàn giao thông, tuyến đường văn hóa... Câu nào nghe cũng hào hứng, hùng hồn, nhưng những gì diễn ra thực tại lại khiến người ta thấy sợ hơn là thấy thích. Một Hà Nội văn mình, cổ kính nay trở thành một Hà Nội với quá nhiều tiêu cực: từ quản lý đô thị, thị trường, hàng quán, nếp sống sinh hoạt, và cả những hình ảnh cùng thói quen tiểu nông.

Đi xa thì nhớ về Hà Nội, về rồi sao tự dưng thấy trong người hiện lên một nỗi sợ vô hình. Sợ rằng bất chợt, một người nước ngoài chỉ vào Hà Nội và hỏi rằng, Hà Nội có thật sự đẹp như trong thơ, trong những bài hát hay không?

(VOA)

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

03 June 2021

Vấn Vương Buồn, thơ Võ Ngô


Vấn Vương Buồn

Đêm nay lạnh đèn trời không sáng
Cánh đồng Troy im ắng lạ lùng
Ngoài xa sương chắp thành khung
Chếch trăng mưa lẻ nối từng giọt rơi .

Tay cô đơn quê người xe nắn
Mắt trông buồn Quốc Hận suông qua
Gẫm suy mất trẻ còn gìa
Luống sầu bên gối trời xa đất gần .

Bóng thời gian lần khân đi đến
Thuyền chinh nhân không bến không bờ
Buồn thì xé ruột dán thơ
Để nghe da diết ngày hờ hững trôi .

Lắng đêm sâu cuộc đời trĩu nặng
Chiếc gánh sầu lủng lẳng trên vai
" Trần gian tri kỷ là ai " ?
Có ai vị nước , có ai vì đời .

Bao nhiêu năm xứ người sinh sống
Hết nửa rồi giấc mộng hoàn hương
Mỗi lần phố nhỏ đan sương
Mỗi lần tôi thấy buồn vương vấn buồn .

VN

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...