17 June 2021

Bốn Năm Trong Tù Cải Tạo Long Thành

Lê Văn Bỉnh

Tôi xin ghi lại đây một số hồi ức và cảm nghĩ về bốn năm ở trại tù cải tạo Long Thành, nơi tập trung hầu hết công chức, tình báo, cảnh sát và đảng viên cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa trước khi họ được di chuyển ra miền Bắc. 

Đây chỉ là những điều tôi nhớ lại.  Trong các tù trại cải tạo, nhật ký chỉ gây phiền phức, thậm chí nguy hiểm cho người ghi.  Vả lại, nếu các trại viên có cất giấu được đi nữa, thì về sau qua những cuộc lục soát bất thần đối với cá nhân hay toàn trại, những trang nhật kỳ đó cũng sẽ bị tịch thu và người viết sẽ bị trừng phạt nặng nhẹ tùy theo những gì đã ghi. Tuy cố gắng trung thực, nhưng ký ức của tôi về những gì đã xảy ra trên 30 năm qua cũng khó mà chính xác hoàn toàn được. 

Trình Diện Hay Bị Bắt? 

Nhiều người khi cầm trong tay "giấy ra trại" cảm thấy chút ít "ngỡ ngàng." Ngỡ ngàng vì tờ giấy này ghi "ngày bị bắt", chứ không ghi "ngày trình diện" -- tiếng chính thức dùng trong lệnh gọi được đọc nhiều lần trên các đài truyền thanh và truyền hình.  Người ta kết tội nhà cầm quyền cộng sản "lừa gạt" dân chúng chỉ vì họ đã ra lệnh những người đi cải tạo phải mang theo tiền để đài thọ 15 hay 30 ngày ăn, nhưng sau thời hạn đó thì không thấy ai về!  Gọi là "lừa gạt" thì cũng đúng.  Tuy nhiên, nếu không dùng lối chơi chữ lững lờ như vậy, thì làm sao họ "bắt" được hàng chục, hàng trăm ngàn người. 

Những ai đã từng làm việc trong ngành cảnh sát hay tư pháp đều biết rằng trình diện cũng là hình thức bị bắt. Giọng nói đanh thép của người xướng ngôn viên đài truyền hình Saigon khi đọc tuyên bố về trách nhiệm của những người phải trình diện học tập cải tạo và trách nhiệm liên đới của gia đình, rõ ràng là một lệnh bắt. Không ai có thể nghi ngờ về sự thực này. Nhiều người muốn trốn.  Nhưng trốn ở đâu để đừng làm phương hại tới gia đình hay những người chứa chấp mình?  

Thật ra, khi đi trình diện người ta viện ra nhiều lý do để hy vọng sẽ không có tù đày.  Nước nhà đã thống nhất, chánh quyền mới đã “long trọng” ban hành lệnh khoan hồng. Hoặc phải đi "học tập" để biết chính sách và đường lối của chính quyền mới; thời gian sẽ từ "vừa phải", tức chừng 3-6 tháng cho tới "coi được", tức 1-2 năm. Đó cũng là suy nghĩ của riêng tôi trước khi "cũng liều nhắm mắt đưa chân." Và đó cũng có thể là suy nghĩ của những người đã từng sống và làm việc với Cộng Sản.  Cụ Vũ Hồng Khanh, từng làm Phó Chủ Tịch Nước VNDCCH, hồi 1945 dưới Hồ Chí Minh cũng có mặt tại trại ngay từ những ngày đầu, nghĩa là cụ không phải do phường, khóm bắt giải đến.

Hành Trang Đi Cải Tạo

Trong thời gian 1965-67 khi còn làm việc ở tỉnh Long An, tôi đã đọc một vài phúc trình an ninh có đề cập tới việc Việt Cộng bắt một số gia đình có liên hệ đến chính quyền quốc gia để đưa vào bưng "học tập", thời gian 10 ngày đến 6 tháng. Tôi biết "học tập" dành cho họ là đào giao thông hào, hầm ẩn trú, đấp mô, đào lộ đê cản trở lưu thông, thâm chí bị giết nếu chống đối.  Nó khác với học tập về lý thuyết Mác-Lê dành cho du kích, điạ phương quân của họ.  

Tôi bàn với Lưu Trường Khương (cùng lớp Đốc Sự 10 và Cao Học 2) chuẩn bị.  Khương và tôi đã từng ở chung phòng Ký Túc Xá Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cùng hoạt động trong Phong Trào Phục Hưng Miền Nam. Khương rủ tôi cùng nhau đến gặp Lý Quý Chung (cựu sinh viên ĐS 10, nhưng rời trường sau năm thứ nhất), dân biểu và Tổng Trưởng Thông Tin dưới chính phủ Dương Văn Minh, bổ Khương làm Tổng Giám Đốc Báo Chí. Chung nói trước 30/4 anh đã gặp Đại Sứ Pháp Mérillon và nay hình như ông ta đã bị đuổi về Pháp rồì.  Khương hỏi ai đuổi và vì sao. Chung nhìn chúng tôi: "Moi chỉ nghe đồn vậy thôi." (Sau này khi sang Hoa Kỳ định cư, đọc quyển Nước Việt Nam Cộng Hòa Bị Bức Tử do Dương Hiếu Nghĩa dịch từ quyển La Mort du Vietnam của Tướng Vanuxem, Đại Nam xuất bản 1997, tôi mới biết chính Lê Đức Thọ khi tiến quân vào Saigon đã buộc Merillon rời VN lấy lý do vị đại sứ này đã tiếp tay với Trung Cộng dàn xếp để đình chiến, ngăn cản cuộc tổng tấn công) Khương chợt buột miệng: "Không biết có chuyện gì mà người ta lại cấm treo cờ Trung Cộng!"  Chung im lặng một lúc rồi nói:  "Mấy tuần nay bọn mình trở thành phó thường dân Nam Bộ rồi! Chắc sẽ có nhiều điều bất lợi cho anh em mình."  Anh tỏ ý bi quan cho thân phận hai đứa chúng tôi.  Anh cũng nói rồi đây anh chẳng biết ra sao, nhưng Khương và tôi hiểu anh sẽ không đi trình diện.  Anh không cười như mọi khi chúng tôi gặp nhau mặc dù giọng nói của anh vẫn trầm tĩnh.  Trên đường về, Khương bảo anh sẽ đem theo một cái võng và muối ớt ăn trong 6 tháng.  Anh cũng hỏi tôi “có cái gì hay hay để equiper cho tinh thần không."  Tôi đưa ra hai điều.  Điều thứ nhất là: Nhà cầm quyền mới nói "Lao động là vinh quang", nhưng có thể đưa đến cái chết. Tôi thuật lại cho Khương nghe rằng tôi vừa đọc trong một số Digest Reader's nhập cảng vài tháng trước thấy trước cổng trại tập trung dân Do Thái ở Auschwitz, có một khẩu hiệu viết bằng tiếng Đức, được dịch sang tiếng Anh là "Work Frees Men." Khương cười: "Vậy thì đừng có dại mà lao động hết mình, để còn sống mà về với vợ con. Còn điều thứ hai?"  Tôi nói: "Cái nầy chắc chắn "toi" sẽ khoái. Họ sẽ không tẩy não bọn mình nổi đâu. Liên Xô tưởng đã tẩy não được tù binh Nhật sau khi biến một số nhỏ làm tay sai.  Nhưng khi trở về nước, sống với gia đình và xã hội, thì tinh thần và lối suy nghĩ của cựu tù binh Nhật trở lại như cũ." Khương nhìn tôi:"Thật hả?" Tôi biết đây là thói quen hay hỏi của anh dù anh không nghi ngờ, tôi vẫn trấn an Khương: "Moi đọc research hẵn hoi đấy."  Khương khoái chí cười ha hả: "Phong cách của bọn mình cũng chẳng ngon lành gì, nhưng mất đi thì moi thấy tiếc."  Tôi ngồi sau xe Honda, thấy lưng Khương thẳng lên. Tôi chợt nghĩ đến chiếc xe Volkswagon mà anh thường mơ ước -- môt chiếc Volkswagon nhỏ với màu sơn tím và cành hoa phong lan trắng vẽ trên cửa passenger (Vợ Khương tên Lan). Thấy thương anh lạ thường.

Trước khi chia tay, Khương còn hỏi tôi nên đem theo bao nhiêu tiền.  Tôi nói nếu dư dã, thì đem theo kha khá để tùy còn cơ ứng biến.  Riêng tôi, sau khi mua sữa đặc có đường đủ 6 tháng cho hai thằng con 3 và 4 tuổi --vẫn chưa dứt sữa -- và sữa bột 6 tháng Similac đứa út mới sinh ngày 1/4, thì tôi sẽ chia 2/3 tiền còn lại cho vợ tôi.  Phần tôi, sẽ đủ "tiền cơm 30 ngày" như lệnh "trình diện" đòi hỏi, và vài ba gói thuốc lá. Khương cũng buồn bã lắc đầu: "Moi cũng không hơn gì.  Trời sinh voi, trời sinh cỏ." Nghe Khương nói, tôi nhìn các bồn cỏ nhỏ bên lề đường, nghĩ: Có lẽ rồi sẽ không có đủ cỏ.  Chúng tôi hẹn gặp nhau ở trường nữ trung học Gia Long.

Một ẢoTưởng 

Có một điều tôi không nói ra với Khương cũng như với gia đình tôi. Đó là cái ảo tưởng mong manh tôi mang theo trước khi rời nhà đi cải tạo. Ít ra cái ảo tưởng đó trong mấy tuần qua đã âm thầm giúp tôi sống, hay ít ra cũng ngăn không cho tôi nhảy xuống sông tự tử.   Tôi vốn sinh ra từ một gia đình nghèo, cực khổ lúc nhỏ, nhưng khi lớn lên thì không phải bương chải để sống.  Năm đệ nhị và đệ nhất, tôi lên trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu ở nhà trọ đi học. Ở quê nhà, cha tôi vất vả chăn nuôi, trồng trọt để giúp lo cho tôi tiền ăn ở, sách vở, xôi bắp mỗi buổi sáng. Muốn ăn tô hủ tiếu, hay đi xi nê, thì phải nhịn ăn sáng hai ba ngày. May mắn, tôi đậu kỳ thi tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, học bổng 1500 đồng mỗi tháng, đủ sống.  Khi được học bổng sang Hoa Kỳ tu nghiệp, tôi được nuôi như "con gà kỹ nghệ". Suốt thời gian gần 2 năm ở Los Angeles, chỉ loanh quanh trong campus và các thư viện, không biết trên thực tế, người ta phải vật lộn với cuộc sống như thế nào.  Chỉ biết các em du học tự túc phải đứng bán xăng được trả $1.75 mỗi giờ.  Cho nên trước ngày 30 tháng tư, trong khi thiên hạ tìm cách ra khỏi Việt Nam, tôi cũng tìm một mảnh giấy chứng nhận là cựu sinh viên đại học Mỹ, nhưng không làm sao xuống tàu hay lên máy bay được. Lòng cứ tự hỏi khi sang Mỹ thì làm cách nào để sống, với vợ và 3 con còn bé. Tôi nào có biết gì về welfare, food stamps đâu!  Và cái ảo tưởng đó là sau thời gian cải tạo, khi trở về, tôi sẽ có việc làm hợp khả năng để nuôi nấng gia đình.  Cũng may, cái ảo tưởng này sớm tan biến chỉ mấy ngày sau đó, khi bước chân vào địa điểm tập trung.

Từ Trường Trung Học Gia Long Đến Làng Cô Nhi Long Thành

Tôi nhớ lại trong quyển hồi ký được dịch sang tiếng Anh của Aleksandr I. Solzhenitsyn với tựa đề The Gulag Archipelago, Solzhenitsyn có viết rằng hồi 1918 Lenin ra lệnh nhốt trong tại tập trung tất cả mọi người bị nghi ngờ có tội (Có phải chăng từ đó người ta mới có câu "Cộng Sản chủ trương thà bắt/giết lầm hơn tha lầm" chăng?)  Khi làm thủ tục giản dị để vào Trường Gia Long, tôi cảm thấy một màn đen buông xuống đời mình. Nghi ngờ, còn bị giam.  Huống hồ mình đã tự dẫn mình vào đây, nghĩa là tự thấy là có tội, thì làm sao được thả ra? Mang tâm trạng của một cựu sinh viên tốt nghiệp HVQGHC --bị xem là một trong hai trường phản động nhất miền Nam, trường kia là Cao Đẳng Quốc Phòng -- và một cựu công chức Phủ Tổng Thống du học Hoa Kỳ, tôi hiểu định mệnh sẽ khắc nghiệt với tôi nhiều hơn đối với nhiều người khác.  

Khi đã bước vào trong vòng rào rồi, mọi người trông rất lo âu. Tôi không được xếp cùng tổ đội hay phòng với những bạn cùng vào một lượt.  Nhưng thôi, trước lạ, sau quen.  Vả chăng, tất cả đều là người đồng cảnh: có chung một tâm trạng: đau buồn cho một cái gì đã, đang và sẽ mất. Đêm đêm, tôi nghĩ lại dòng sông Tân Thuận chảy siết mà mỗi ngày tôi đi qua. Tôi tự hỏi tại sao mấy tuần trước đây sao mình kết liễu đời mình cho rồi. Tôi lại nghĩ đến đôi mắt buồn của vợ tôi, những gương mặt vô tội của các con. Không thể nào ngủ được. Trong thời gian mấy ngày tạm giam trong trường học này, chúng tôi được cho ăn cơm do một nhà hàng nấu mang tới. Dĩ nhiên, phải trả bằng số tiền mang theo theo lệnh tập trung trên đài truyền hình.

Rồi nửa đêm hôm ấy, sau giờ giới nghiêm, tất cả được lệnh tập trung, lần lượt lên xe đậu trước cửa trường, trực chỉ về phía xa lộ.  Trên mỗi xe đều có hai bộ đội ghìm súng AK, lặng lẽ quan sát mọi người. Dù có lạc quan thế nào đi nữa, ai nấy đều biết được rằng mình sẽ không đi "học tập" như đi tu nghiệp hay huấn luyện quân sự mà mình đã trải qua!  

Nơi đến là Làng Cô Nhi Long Thành, Biên Hòa, mà nhiều người đã nhận ra. Đối với tôi, Long Thành không phải là một địa danh xa lạ.  Hồi còn là sinh viên QGHC, tôi đã đến thực tập nhiều tháng ở quận Long Thành. Đã đi hành quân với nghĩa quân và cảnh sát, và bị phục kích ở Dốc 47. Đã ngồi trên xe với cán bộ xây dựng nông thôn vào rừng cao su Xuân Lộc, xe bị giật mìn bể cửa kiếng nhưng may là không ai thương tích.

Nhưng Làng Cô Nhi này quả là mới lạ đối với tôi.  Có người bảo đây là một cơ sở do một VC nằm vùng lập ra với danh nghĩa một cơ sở từ thiện, nhưng cũng nhằm mục đích nhận trợ giúp để cung cấp cho VC. Có lẽ cơ sở đã hoạt động chưa được bao lâu, vì các kiến trúc còn khá mới.  Ngoài hai dãy nhà dùng để ở mỗi dãy gồm 6 căn bằng gạch, lợp tôn, còn có một nhà bếp nhỏ và một bệnh xá. Đặc biệt gần cổng ra vào, có một nhà cầu nguyện thật to kiến trúc thô sơ, với một tượng Phật đồ sộ.  Nhiều năm sau, cụ trại viên Đặng Hiếu Khẩn, một cựu viên chức cao cấp Bộ Canh Nông tiết lộ với người viết là chính cụ cùng vài người khác trong nhiều ngày bị cán bộ tên Hai Trung, phụ trách nhà 4 dẫn đến đây, dùng búa đập tan bức tượng Phật này, xóa đi dấu tích tôn giáo, để biến nhà cầu nguyện thành "giảng đường" có sức chứa toàn trại, tổng cộng khoảng 3000 người.

Trại được chia ra làm 4 khối.  Khối 1 là thành phần hành chánh, chức vụ thấp nhất là Trưởng Ty, Phó Quận; cao cấp nhất là Phó Thủ Tướng; là khối đông nhất, ở từ nhà 1 đến nhà 6.  Khối 2 là tình báo, từ trung cấp tới Đặc Ủy Trưởng.  Khối 3 là thành phần cảnh sát, từ Thiếu Tá đến Chuẩn Tướng.  Và khối 4 là thành phần các đảng phái chính trị, từ cấp tỉnh bộ đến trung ương. Nữ trại viên không quá 20 người ở riêng; mấy tháng sau thì được thả về hết. Mỗi nhà do một "cán bộ" phụ trách.  Họ không cho biết cấp bậc, nhưng ai cũng biết đó là các sĩ quan công an, mặc dù họ không mặc đồng phục và mang quân hàm trong năm đầu tiên khi chưa tuyên "án tập trung cải tạo 3 năm." 

Tiếng gọi chính thức là Trường 15-NV.  Sau đó đổi thành Trại Học Tập Cải Tạo Long Thành.  Quần áo chúng tôi đều bị đóng dấu “CTLT” để phòng ngừa trốn trại.  Họ không bao giờ gọi là trại tù, vì "trại tù là sản phẩm của bọn phong kiến, thực dân, tư bản." Họ giải thích như vậy.

Tinh Thần & Bệnh Hoạn

Khoảng một vài ba tuần sau khi đến trại, thì có một số cựu công chức bị công an một tỉnh miền Trung đến trại áp tải đưa về ngoài đó để ra tòa án nhân dân.  Sau đó chừng vài tháng lại thêm một số được lệnh chuyển trại vào ban ngày, trong số đó có Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, và nhiều cựu Sinh viên QGHC, đưa tạm giam ở Thủ Đức, rồi đưa ra Bắc.  Đồng thời, cũng có mấy đợt được cho về, mỗi đợt không quá 20 người, trong đó có một số làm ở Bộ Tài Chánh, để làm công tác đòi thuế mà người ta còn "mắc nợ nhân dân." (Chính quyền mới không trả tiền cho bất cứ ai đã gửi ở các ngân hàng trước 30/4/75 viện lẽ đó là tiền "bốc lột nhân dân", bây giờ phải thuộc về ngân hàng nhà nước; còn nợ ngân hàng, thuế thì phải trả viện lẽ đó là tiền của nhân dân). Cứ mỗi lần có một đợt về, thì ngày hôm sau hàng người chờ đợi khám bệnh ở bệnh xá, do một cán bộ quản lý và các bác sĩ trại viên phụ trách khám bệnh, lại dài hơn mọi khi.  Tôi được một người bạn cho mượn quyển La Rivière Kwai, mà hồi còn đi học tôi đã xem phim nói tiếng Anh có phụ đề Việt Ngữ. Đến nay đã hơn 30 năm, tôi vẫn còn nhớ lời của Đại Tá Nicholson, đại diện tù binh Đồng Minh, nhắc nhở những người bạn đồng cảnh. Đại ý là trong trại tù, xuống tinh thần dễ đưa đến bệnh họan. Đọc lời dặn này, rồi quan sát các hàng dài chờ đợi, tôi tự bảo mình phải phấn đấu, không được đầu hàng hay bỏ cuộc.  Tôi cũng khám phá ra một điều thú vị là các bạn đồng cảnh của tôi đang hút thuốc lào, giống y hệt các thổ dân vùng sông Kwai đó.  Và trong khoảnh khắc, nhớ lại một bài báo đăng trong tờ Los Angeles Times năm 1973, tôi tự hỏi nếu không may chúng tôi chết ở đây, thì sau này thân nhân có được phép tới viếng khu mộ, như thân nhân của các tử sĩ Đồng Minh đã đến vùng sông Kwai vào mỗi dịp Giáng Sinh hay không.

Nhưng bằng tinh thần không thôi, dù dũng cảm đến đâu đi nữa, thì người ta cũng không thể chống lại nổi bệnh hoạn.  Sau 4-5 tháng ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu thuốc men, bệnh hoạn tràn lan.  Nhiều nhất là phù thủng (beriberi): ấn ngón tay xuống da thịt trên xương ống quyển, da thịt lún xuống thật lâu rồi mới trở về vị trí cũ.  Nhiều người mua cám để ăn cho có Vitamin B1, nhưng chẳng thấm vào đâu cả.  Người ra đi sớm nhất là anh Phạm Văn Long (CH2, thuộc khối TƯTB), chỉ vài tháng sau khi nhập trại.  Anh bị bệnh huyết áp.  Không rõ anh không mang đủ thuốc, hay là anh bỏ cuộc bằng cách không uống thuốc.  Người kết tiếp là cựu dân biểu Bành Ngọc Quí, chung tổ với các anh bác sĩ và dược sĩ.  Có người nói nếu anh được chở lên bệnh viện Biên Hòa sớm chừng 2 tiếng đồng hồ, thì bệnh xoắn ruột của anh có thể cứu được. Vào cuối tháng thứ sáu, nhờ gia đình được phép gửi thuốc vào, nhiều người đã lành bệnh rất nhanh chóng.  Anh Lê Văn Cẩn (ĐS 10), vốn đã nhỏ con lại bị kiết lỵ nhiều ngày, trông giống như em bé 13-14 tuổi thiếu ăn. Phải nhiều tháng sau, nhờ thuốc men và thực phẩm tiếp tế, anh hết bệnh nhưng sức vóc vẫn chưa trở lại bình thường. 

Ngôn Ngữ và Giai Cấp

Khi bộ đội CS vào Saigon, họ gọi Bệnh Viện Từ Dũ là xưởng đẻ, đồng hồ có ngày tháng là đồng  hồ có cửa sổ vv. thì nhiều người cho là họ ngô nghê, nhà quê.  Cho nên lúc vào trại, khi bị bắt buộc phải dùng tiếng "ỉa, đái" thì một số anh em coi đây là chuyện bình thường, không có gì đáng để ý.  Cầu tiêu được viết là "chỗ ỉa", cầu tiểu được gọi là "chỗ đái". Trong năm đầu tiên, khi chưa bị khoá nhốt trong phòng vào ban đêm, trước khi ra ngoài tiêu tiểu, các trại viên phải hô to: "Báo cáo cán bộ, tôi đi ỉa" hoặc "Báo cáo cán bộ, tôi đi đái."  Riêng tôi, tôi không nghĩ đó là ngôn ngữ của Hà Nội ngàn năm văn vật, và nghĩ là họ chủ ý hạ nhục chúng tôi.  Văn chương xã hội chủ nghĩa là văn chương đầy rẫy mỹ từ, nông nghiệp xã hội đầy rẫy những rừng mơ.  Tại sao lại dùng những tiếng "dơ" như vậy? Một anh bạn canh nông đưa ra một đề nghị rất "phản động": nên gọi cầu tiêu, cầu tiểu là "nguồn hạnh phúc của rau xanh!"  Mấy tháng sau, khi đi lao động tôi thấy các chữ "chỗ tiêu", "chỗ tiểu" được dùng cho họ. Đêm hôm đó, tôi nằm không ngủ được, cảm thấy tủi nhục, đau đớn, và nước mắt chảy dài. Vâng, ngôn ngữ cũng có giai cấp. Trên hành tinh này, số người đau khổ vì lời nói chắc là không ít. Tôi không muốn các bạn đồng cảnh thêm niềm đau này, nên không nói cho họ biết "khám phá" của tôi. Giờ đây, ngồi đánh máy những
dòng chữ này, tôi vẫn còn cảm thấy chua xót.

Một điều thú vị là trong ngay những bài giảng đầu tiên về sự "ưu việt" của chủ nghĩa xã hội, một giảng viên đã nói: "Trong xã hội xã hội chủ nghĩa không có nhà tù, chỉ có các trại cải tạo mà thôi."  Vì vậy xin độc giả vui lòng tha thứ khi tôi dùng cả hai từ để chỉ cùng một ý nghĩa.  Cũng trong sự ưu việt đó, diễn giả Hoài Thanh (viết quyển Thi Nhân Việt Nam chung với Hoà Chân) trong lúc giảng bài đã giải khát bằng bia thay vì bằng nước lã, mặt đỏ gay, khiến một cán bộ phải giải thích: "Hồi Bác (HCM) còn sống, Bác quá chiều các nghệ sĩ làm hư họ đi!"

Tuy nhiên tôi vui mừng về một nhận xét thú vị khác. Đó là ngôn ngữ mới, mà tôi hay gọi là "tiếng Việt Việt Cộng" rất khó xâm nhập vào chúng tôi. Đa số anh em vô cùng ngượng miệng khi phải dùng "sau ngày giải phóng", "hồ hỡi phấn khởi", "trước sau như một", "nhuần nhuyễn" vv. cũng như ngay cả các nhóm từ rõ ràng dịch từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, chẳng hạn "mang dấu ấn thời đại", "trang bị tận răng", ""sô-vanh nước lớn" vv.  Về sau này, khi tù hình sự được chuyển về, thỉnh thoảng đi ngang qua các phòng trong giờ học tập, nghe họ "thảo luận", tôi thấy họ sử dụng những từ mới du nhập trơn tru, suông sẻ hơn nhiều người trong chúng tôi. Đây cũng đáng là một đề tài ngữ học đáng nghiên cứu.

Đọc Giữa Những Dòng Chữ

Hằng đêm, sau giờ lao động, các đội cùng nhà phải họp lại để tập hát, nghe đọc báo.  Nhà thơ Trần Đại, tốt nghiệp Cử Nhân và Cao Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, phục vụ trong ngành báo chí, khuyên tôi nhận trách nhiệm đọc báo cho anh em nghe.  Tôi nói" "Làm cái loa tuyên truyền, tôi xấu hổ lắm. Sao anh không nhận việc này? Anh nói cười: "Nếu không bị suyển nặng, tôi xung phong hai tay.  Anh có tờ báo trong tay trước thiên hạ, lâu hơn thiên hạ là nhất rồi. Anh đọc trước và chọn tin cho anh em là cả trách nhiệm.  Khi anh đọc, anh sẽ hiểu giữa hai dòng chữ. Cách anh đọc cũng có thể sẽ giúp cho anh em hiểu ít nhiều ẩn ý của bản tin đó."  Một hôm khi đưa tin Thủ Tướng Phạm Văn Đồng sang Pháp, báo Nhân Dân nói là ông ta được chính phủ Pháp trải thảm đỏ chào đón, chẳng thấy nói gì tới viện trợ văn hóa kỹ thuật cả.  Tôi hỏi Đại: "Sao họ đăng tin ngớ ngẩn như vầy?  Nguyên thủ quốc gia nào chẳng được chào đón bằng thảm đỏ!" Đại cười với nụ cười rất duyên dáng: "Tốt khoe, xấu che. Vậy thì Hà Nội chẳng được cái con mẹ gì cả!" Tối hôm đó tôi đọc bản tin này với giọng rất "nghiêm túc." Khi hết bản tin, tôi ngừng lại lúc, làm bộ xem có còn tiếp chỗ nào không, rồi tỉnh bơ nói: "Tin này chỉ có thế.  Và đây là một tin khác." Hôm sau gặp tôi, Đại cười: "Anh đọc tin và đóng kịch khá lắm. Anh em họ hiểu.  Nhưng nếu tôi là ăng-ten thì hôm nay anh phải đi làm việc với cán bộ rồi đấy!" 

Một hôm thấy trên báo Quân Đội Nhân Dân có cái tin rất ngắn, tôi hỏi Đại và vài anh em khác có nên đọc hay không. Mọi người đề nghị nên đọc, để ai nấy đều biết, vả lại nếu nhà này không đọc thì nhà khác cũng đọc lên mà thôi.  Cái tin đó là: Một vị tướng của Tưởng Giới Thạch bị quân Mao Trạch Đông bắt giam 26-27 năm thì được tha (1975), ông ta xin bay về Đài Loan.  Nghe tin đó, một anh nói nhỏ:  "Bọn mình sẽ xin đi Mỹ sau khi ra khỏi trại. Nhưng chắc lúc đó phải có người cõng." Tôi cũng cảm thấy vui lây.  Trong cái buồn, anh em đã ráng tìm ra được nguồn vui.  Và tối hôm đó, rồi nhiều hôm sau đó nữa, nằm chiêm bao, thỉnh thoảng tôi thấy mình trở lại campus của trường đại học cũ bên California.  Có lẽ đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời của tôi, giữa 30/4/75 và khi trở lại Hoa Kỳ theo chương trình HO.   

Về sau, nhờ làm "loa" mà tôi đọc được nhiều tin thêm và suy nghĩ khá đúng về những gì đã xảy ra bên ngoài trại cải tạo.  Chẳng hạn khi đọc tin "Thầy Trò Trường Thủy Lợi " ngoài Bắc vào Nam chỉ sau một hai tháng đã thiết kế xong một số chương trình thủy lợi địa phương, thì tôi nói với Đại đó những chương trình "thủy hại"!  Đại hỏi vì sao? Tôi cười: "Các kỹ sư Đại Hàn mất 18 tháng nghiên cứu để đào kênh dẫn nước ngọt, cuối cùng kênh đào vào một xã quê tôi (Gò Công) cũng bị thẩm thấu nước mặn.  Không là kỹ sư thủy lâm, tôi cũng biết là bọn họ làm ăn cẩu thả và sẽ đưa nhiều dự án nông nghiệp cuả các tỉnh miền Nam đến chỗ thảm bại. 

Chủ Nghĩa Không Tưởng và  Lý Kẻ Mạnh

Chủ nghĩa cộng sản vốn là một chủ nghĩa không tưởng, nghĩa là không dựa vào thực tế.  Mà bất cứ một thứ không tưởng nào ngay từ đầu đã là một bi thảm. Nhưng khổ nổi là biết trật, ngưòi ta vẫn tiếp tục làm.  Biết sai, người vẫn tiếp tục nói. Để cuối cùng đổ lỗi cho những người thừa hành thiếu khả năng thực hiện, người nghe thiếu khả năng hiểu biết.  Bên ngoài, thì các "mô thức" nông trường tập thể, các hợp tác xã nông nghiệp và thương nghiệp đã thất bại thê thảm ngoài Bắc lại được đưa vào phương Nam.  Bên trong, thì người ta nhai lại các bài giảng không được mấy ai nghe ngoài Bắc.  Nhưng tù cải tạo có ai dại gì mà đi nói khác đi.  Một người bạn cho tôi biết, khi Tố Hữu vào Huế gặp bạn bè thân nhân, ông dặn dò:  "Người trí thức phải biết tự kiềm chế."   Kể ra, thì ông ta cũng tốt bụng đấy, mặc dù đó cũng là một lối đe doạ! Có lẽ chỉ vì say men chiến thắng và say men rượu do dân Huế "chiêu đãi."  Các lý luận biện chứng bắt đầu từ sự rút lui của Hoa Kỳ đã đưa ra không biết bao nhiêu nguyên nhân.  Nguyên nhân nào chẳng đúng; bởi lẽ có ai dám cải lại. Ngày nay những nhà lý luận đã soạn bài "ba dòng thác cách mạng" đã tìm ra dòng thác nào đã làm tan rã khối Cộng có 60 năm lịch sử?  

Đối với độc giả muốn thẩm định giá trị của những bài giảng chính trị trong và ngoài trại cải tạo, người viết chỉ xin đưa ra thông tin này:  Khi viết Lời Mở Đầu cho quyển From Enemy to Friend  của cựu Đại Tá Bùi Tín (hy vọng rằng ông Tín tự đào tỵ chứ không phải được đảng CS sắp xếp!) do Naval Institute Press xuất bản năm 2002, nghĩa là sau hơn 10 năm ông Tín đã sống ở hải ngoại nghiên cứu, cựu Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ (U.S. Secretary of the Navy) James Webb, đã từng phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Việt Nam, sau khi cho biết Bùi Tín thiếu hiểu biết về sự thành công chiến thuật của Mỹ trên chiến trường đã gây thương vong cho cộng quân lên đến 1 triệu 400 ngàn người so với Hoa Kỳ 58 ngàn và VNCH 245 ngàn, viết như sau: "Similarly, Tin seems to have little understanding of the potential of American airpower, had it been fully unleashed." Những người ít nghiên cứu hơn ông Tín, muốn "nói thánh nói tướng" gì chẳng được, có ai kiểm soát, kiểm duyệt đâu mà sợ!

Những Đợt Ra Đi

Đúng một năm sau ngày vào trại, tất cả được lệnh lên hội trường để nghe đọc "Án Phạt: Tập Trung Cải Tạo". Tất cả đều bị tuyên án "Ba Năm Tập Trung Cải Tạo", tính từ lúc tuyên án.  Người đọc án còn nhấn mạnh rằng án có thể tăng lên mỗi lần 3 năm nếu không "học tập tốt." Trong các câu hỏi để thảo luận, có câu hỏi vì sao lại 3 năm, mà không là 2 hay 4 hoặc 5 năm.  Trại viên mỗi người mỗi ý.  Cán bộ cũng chẳng có lý do rõ ràng, khoa học. Mấy tuần sau, khi đọc quyển sách của nhà văn Nga Sông Đông Êm Đềm dịch từ bản dịch tiếng Anh The Quiet Don, tôi mới vỡ lẽ ra rằng bọn bôn-sơ-vich cũng đã từng giam những người lính cũ của Nga Hoàng 3 năm, sĩ quan thì giết đi.  Giữa lúc mọi ngưòi đang xuống tinh thần, thì có tin tung ra rằng vài anh em lúc đi lao động đã thấy văn bản phân loại những người một năm, một năm, hai năm, hai năm và ba năm. Lại có tin chính quyền Mỹ sẽ trao đổi tù binh bằng một số hàng hoá, thuốc men, thực phẩm. Các tin đồn đó cũng giúp lên tinh thần được nhiều người. Ít hôm sau, tất cả được lệnh viết thư cho gia đình lên thăm nuôi. Đây là lần đầu tiên hơn một năm xa cách, chúng tôi mới được gặp gia đình. Cũng là dịp để chúng tôi báo tin buồn ba năm tập trung cải tạo, và có thể tăng thêm nữa.  Tôi gặp nhà tôi, cùng ba đứa con trai nhỏ, trong 30 phút.  Hai đứa lớn, 4 và 5 tuổi, nhận ra tôi. Còn đứa con trai út thì chẳng biết tôi là ai vì lúc chúng tôi xa nhau, nó chỉ mới sinh 2 tháng rưỡi.  Nhà tôi buồn, nhưng không hề mở miệng khuyên tôi "học tập tốt", chỉ bảo tôi hãy giữ gìn sức khoẻ; còn con cái thì nhà tôi và bên ngoại sẽ lo.  

Ngay tối hôm đó, một số đông được lệnh lên đường, trong đó có Khương.  Hồi chiều sau khi được gia đình thăm nuôi, chúng tôi có đến gặp nhau.  Khương nói về hai đứa con kháu khỉnh của anh, một gái một trai.  Tôi khoe thằng bé út trên một tuổi của tôi, nói tóc nó vàng hoe giống Mỹ quá. Khương cười: "Chắc toi còn giữ lại hương vị Mỹ." Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau.  Ra trại cuối năm 1980, tôi gặp anh Lưu Trường Ninh  (ĐS 8), anh ruột của Khương và được biết Khương chết ở miền Bắc, mấy năm trước đó.   Đã có nhiều anh em QGHC viết về tài ba (đàn hay, chơi thể thao giỏi) cũng như tính tình rất dễ thưong của anh.  Tôi không những mất đi một người bạn tài hoa đó, mà còn mất Khương như một người để chia xẻ những quan điểm về chính tri, và triết lý sống.

Sau đêm đó, trại viên còn lại, mỗi người được phát một chiếc bao bố, ở tư thế chuẩn bị bỏ đồ đạc vào chuẩn bị lên đường mà ai cũng biết nơi lưu đày là miền Bắc.  Lạnh, đói và dễ chết hơn hơn.  Gia đình dễ tan vỡ hơn.  Trong thành tích của đảng cộng sản Việt Nam, họ hy vọng sẽ thêm một thành tích diệt trừ bọn tai sai một cách khoa học hơn, ít đẩm máu hơn.  

Sau hai đợt Bao Bố 1 và Bao Bố 2, trại chỉ còn lại không tới 200 người.  Chúng tôi chờ đợi đợt Bao Bố 3. Lòng thật dững dưng, không còn lo âu gì nữa.  Bởi lẽ lo âu cũng chẳng giúp ích được gì.  Lại còn muốn ra đi cùng bạn bè, sống chết có nhau.  

Thuyết Tiến Hóa

Trong khi chúng tôi chờ đợi đến lượt mình, thì hằng ngàn tù hình sự đưọc chuyển đến.  Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau: trộm cắp, xì ke ma túy, gái điếm đã bị phường khóm ruồng bắt từ nhiều thángng trrước, đưa đi tập trung ở Long Giao, Long Khánh, Bùi Gia Mập vv. Trẻ nhất là em bé 8 tuổi, nghe nói bị công an khu vực tống đi để tiện bề ve vãn mẹ em.  Vậy là trại cải tạo Long Thành chúng tôi có cụ Nguyễn Bá Lương, cựu Chủ Tịch Hạ Viện lớn tuổi nhất, lúc đó trên 80 tuổi và em bé 8 tuổi này.  

Thiếu ăn, thiếu thuốc, bệnh hoạn cùng lối sống buông thả, mạnh được yếu thua vv. Tù hình sự rất gần gũi với thần chết.  Mỗi ngày đều có 4-5 người chết đưa đi chôn ngoài vòng rào.  Hằng chục em, không đứng thẳng lên được, di chuyển giống hệt như các con vượn lom khom.  Trong đám "tù chính trị" --tiếng họ gọi chúng tôi -- còn lại vài bác sĩ được điều động xuống bệnh xá để trị liệu cho họ.  Ban chỉ huy trại đưa một toán hình sự xuống bếp thay thế tù chính trị.   Chỉ trong vài ngày đầu, họ đã "ăn" gần hết kho!  Vì vậy mà tù chính trị được lệnh trở lại nhà bếp. Giáo Sư Trần Văn Binh, đi cải tạo với tư cách Giám Sát Viên, tiếp tục làm kế toán nhà bếp.  Sau này khi GS được thả về thì anh Toàn (ĐS 9) thay thế. Anh Trần Văn Thái (ĐS 14) đội trưởng nhà bếp đề nghị dùng gạo (chiếm tỷ lệ 10% thực phẩm) để nấu cơm cháo cho những người già yếu bệnh hoạn, còn những người khác thì phải ăn bo bo, khoai sắn vv.  Các chú vượn lom khom được cho ăn cháo gạo pha sữa đặc có đường, rau dền, con ruốc phơi khô.  Và chỉ một thời gian sau các em đứng thẳng dậy, trong đó có một em tên Tiến được cử sang khiêng phân với tổ vệ sinh chúng tôi.  Các bạn của em đùa là em đã từ người vượn biến thành người thật, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, đâu cần phải chờ đợi mấy ngàn năm như thuyết Darwin.  Thời đại XHCH có khác, cái gì cũng tiến bộ vượt bực.  Không biết có bao nhiêu em không được may mắn như Tiến. Đến nay tôi cũng không biết số phận của một em có ruột lòi ra ngoài, phải dùng bao nylon bọc lại để bớt nhiễm trùng. Tôi thấy em làm như vậy trong mấy tuần lễ mà vẫn chưa được đi bệnh viện chữa trị.

Theo sự tiết lộ của một cán bộ tên Hai Sự, ban chỉ huy trại đã xin Bộ Nội Vụ giữ chúng tôi lại để "phục vụ" tù hình sự.  Như vậy, nhờ đám nhà bếp hình sự quậy phá, cũng như nhờ chuyên môn của các Bác Sĩ Tùng (cựu Trưởng Ty Y Tế Phú Yên), Bác Sĩ Hạnh (Viện Pasteur) vv. mà chúng tôi không phải ra Bắc.

Đến hết năm thứ tư, trừ anh Thái Quang Chung (ĐS11) được về vào dịp Tết trước đó, tất cả còn lại từng đôi một bị còng tay chở lên rừng Xuyên Mộc. Tôi ở đây thêm một năm nữa.  Được thả vào cuối tháng 8 năm 1980.  Giấy ra trại mà hiện nay tôi còn bản copy có ghi: "Can tội: Chánh Sự Vụ Sở Thương Mại Khu Chế Xuất, Bị Bắt ngày 14/6/1975. Án phạt: TTCT"

Thay Cho Lời Kết

Tom Paine, tác giả quyển Common Sense xuất bản năm 1776 khơi màu cho cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ về sau có viết:"There are the times that try men's souls/ What we obtain too cheap, we esteem too lightly/ Virtue is not heredity."

Quả thật những tháng năm cải tạo là thời gian dài đầy thử thách. Nhân cách con người hình như thể hiện rõ ràng hơn khi người ta phải đối phó với nghịch cảnh lớn lao.  Những gì tôi có được từ các trại cải tạo này dù đáng giá hay là không đáng giá, tôi không hề coi nhẹ.  Khi bước vào trại, cũng như khi ra khỏi tại, hành trang tôi mang theo là những mối lo âu nặng nề.

Giờ đây khi ghi lại những hồi ức nầy, tôi cũng còn e sợ lịch sử có thể tái diễn.  Bằng những ngôn từ trau chuốt và thuyết phục hơn.  Và cho một số nhỏ người ...không may nào đó.

Xin cầu chúc may mắn đến với mọi người.

Lê Văn Bỉnh
Virginia, Năm 2006

No comments:

Post a Comment