21 August 2020

Hai bước đi sai lầm của Tập Cận Bình trong việc xử lý quan hệ Mỹ-Trung

Thùy Linh  

Tập Cận Bình (trái) và Donald Trump
tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh qua SCMP)
Gần đây, mối quan hệ Mỹ – Trung đã rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Chính quyền Tổng thống Trump liên tục giáng những đòn mạnh mẽ lên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo phân tích của một chuyên gia về Trung Quốc, 2 bước đi sai lầm của ông Tập Cận Bình đã dẫn đến kết cục bi đát này.

Trong tháng qua, Mỹ đã thi hành một loạt biện pháp khắc nghiệt với Trung Quốc mà nước này khó có thể ứng phó. Tuy nhiên, phải đến khi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston bị đóng cửa, Bắc Kinh mới nhận ra mối quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi đến mức không thể cứu vãn.

Những người Trung Quốc có mong muốn lớn nhất là nhập cư vào Mỹ hay cho con du học Mỹ cũng nhận ra căng thẳng leo thang giữa 2 nước đã đặt dấu chấm hết cho giấc mơ của họ. Ở Trung Quốc những ngày này, rõ ràng có rất nhiều lời phàn nàn chỉ trích các nhà hoạch định chính sách của chính quyền.

Người Trung Quốc có câu: “Nhân cách quyết định số phận”. Tương tự vậy, nhân cách của người lãnh đạo đất nước sẽ quyết định vận mệnh của đất nước đó.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã diễn ra 2 năm qua, nhưng mối quan hệ 2 nước chỉ mới thực sự xuống dốc trầm trọng trong thời gian gần đây. Bằng cách truy tìm nguyên nhân gốc rễ, chúng ta sẽ thấy ông Tập đã thực hiện 2 bước đi sai lầm trong các vấn đề quan trọng. 2 sai lầm đó đã dẫn đến những sai lầm khác, như một phản ứng dây chuyền khiến mối quan hệ rớt xuống thảm hại.

Bắc Kinh nghĩ cuộc chiến thương mại chỉ là cuộc chiến với ông Trump
Sai lầm đầu tiên của ông Tập là cố gắng can thiệp bầu cử Mỹ. Đây không phải là ý tưởng ngẫu hứng của các lãnh đạo hàng đầu Bắc Kinh, mà là quyết định dựa trên kế hoạch cẩn thận.

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào cuối tháng 3/2018, Viện nghiên cứu Brookings của Mỹ đã xuất bản một bài nghiên cứu có tiêu đề: “Mức thuế đề xuất của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến công nhân và các ngành công nghiệp của Mỹ như thế nào”.

Các tác giả nghiên cứu đã phân tích tác động cục bộ của 2 danh sách thuế quan trả đũa của Trung Quốc, chi tiết đến cấp quận. “Danh sách thuế quan của Trung Quốc dường như được thiết kế tối ưu để đặc biệt nhắm đến các bang màu đỏ của Tổng thống Trump. Xét cho cùng, trong 2.742 quận có việc làm trong các ngành có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Trung Quốc, 2.247 quận (82%) đã bầu cho ông Trump vào năm 2016. Trong khi chỉ 439 quận (18%) ủng hộ bà Clinton”.

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy rõ việc tăng thuế chỉ với thịt lợn và sản phẩm từ đậu nành sẽ có tác động rất lớn đến các bang màu đỏ ở miền Trung Tây. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, trong 10 tiểu bang xuất khẩu đậu nành và thịt lợn hàng đầu, 8 bang đã bỏ phiếu cho ông Trump. Tám tiểu bang đó là Indiana, Iowa, Kansas, Missouri, Nebraska, North Carolina, Ohio và Oklahoma. (Bang Illinois và Minnesota bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton).

Mặc dù chúng tôi không biết động cơ đằng sau việc Viện Brookings phát hành bài báo trên, nhưng nó thực sự đã tạo cơ sở vững chắc để Bắc Kinh đưa ra chiến lược “chờ đợi sự thay đổi thuận lợi”. Ngoài ra, giới tinh hoa thân Trung Quốc trong giới chính trị, kinh doanh, học thuật và truyền thông Mỹ chắc chắn sẽ nói với Bắc Kinh rằng, miễn là Trump thua cuộc tái bầu cử, quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục theo hướng ban đầu.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã cảm thấy rất tự tin với chiến lược chiến tranh thương mại của mình. Ngoài ra, truyền thông chính thống của Mỹ và Đảng Dân chủ cũng khiến Trung Quốc tự tin hơn bằng các động thái ủng hộ của họ.

Các chính trị gia đảng Dân chủ thường xuyên phát biểu thể hiện sự ủng hộ Trung Quốc. Trước khi giành được đề cử, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden từng nói Trung Quốc không phải đối thủ mà là đối tác. Vào ngày 5/8, ông Biden công khai tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với National Public Radio rằng, nếu đắc cử, ông sẽ đảo ngược mức thuế của chính quyền Trump đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông giải thích theo quan điểm của ông, việc áp thuế hàng Trung Quốc cũng tương đương áp thuế các công ty và người tiêu dùng Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN ngày 7/8 về can thiệp bầu cử, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng tuyên bố rõ, “người Trung Quốc … thích Biden hơn”.

Tất cả những điều này đã khiến các lãnh đạo hàng đầu Bắc Kinh đi đến kết luận cuộc chiến thương mại chỉ là ý muốn của ông Trump, vốn thù địch Trung Quốc. Họ tin rằng khi Nhà Trắng đổi chủ, quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở lại trạng thái trước khi ông Trump nắm quyền.

Tuy nhiên, nhận định của ông Tập chỉ dựa trên thông tin và đề xuất do phe ủng hộ Bắc Kinh ở Mỹ cung cấp, cũng như phân tích của các nhà tư vấn Trung Quốc về truyền thông Mỹ. Nói cách khác, ông Tập không hiểu rõ giới chính trị ngầm ở Mỹ, vốn đa số im lặng vì bị Đảng Dân chủ và truyền thông dòng chính cố tình phớt lờ và chèn ép.

Kết quả là, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện 2 động thái sai lầm: một là can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ, hai là cố tình che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch virus corona.

Trung Quốc sử dụng nhiều cách thức để can thiệp các cuộc bầu cử Mỹ

Ngoài việc gây tổn hại kinh tế của các bang ủng hộ ông Trump, Bắc Kinh còn can thiệp bầu cử của Mỹ theo những cách khác. Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã điều tra việc Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ trong vài tháng qua và đang đẩy nhanh tiến độ khi cuộc bầu cử 2020 đang đến gần.

Vào ngày 28/7, ủy ban đã tổ chức một phiên điều trần về vấn đề này. Một số quan chức tình báo Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang gia tăng khả năng can thiệp vào chính trị Mỹ. Một số mối quan tâm chính là: Trung Quốc đang tăng cường khả năng can thiệp các hệ thống bầu cử địa phương ở Mỹ và gây ảnh hưởng đến các thành viên Quốc hội tham gia hoạch định chính sách về Trung Quốc; Trung Quốc còn cố gắng gây gián đoạn liên hệ cá nhân giữa các chính trị gia Mỹ và tất cả ứng cử viên liên quan. Trung Quốc cũng đã cho thấy họ có đủ năng lực kỹ thuật để thiết lập các mạng lưới tuyên truyền chính trị trên nền tảng truyền thông xã hội Mỹ, thậm chí phổ biến thông tin sai lệch.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố “chương trình Khen thưởng Công lý của Bộ Ngoại giao đang đưa ra phần thưởng lên tới 10 triệu đô cho người cung cấp thông tin về đặc điểm nhận dạng hoặc vị trí của bất kỳ ai hành động theo chỉ đạo hoặc kiểm soát của chính phủ nước ngoài, can thiệp bầu cử Mỹ bằng cách tham gia các hoạt động tội phạm mạng nhất định”.

Cố tình che giấu đại dịch, đình trệ kinh tế ở Mỹ

Có rất nhiều phân tích theo dõi sự lây lan của đại dịch corona trên thế giới. Trong đó theo quan điểm của Mỹ, các mối quan tâm chính là:

Trung Quốc che giấu thông tin và mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Vũ Hán, thậm chí thuyết phục ông Trump rằng họ đã kiểm soát được dịch bệnh. Ông Tập có thể đã thuyết phục ông Trump vì tin rằng mình có mối quan hệ cá nhân tốt với vị Tổng thống Mỹ.

Sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh, Trung Quốc đã tung ra chính sách ngoại giao “chiến lang”, và thúc đẩy một tuyên bố vô căn cứ rằng nguồn gốc đại dịch là ở Mỹ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tỏ ra hả hê về mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở Mỹ, cho rằng nó có thể phá hủy nền kinh tế Mỹ và giúp Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020.

Thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ đã giảm 4,8% trong quý I năm 2020, đây là mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ quý I năm 2014. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ mức giảm 8,4% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào quý 4 năm 2008. Theo Bộ Thương mại Mỹ, báo cáo này chưa phản ánh đầy đủ tác động của đại dịch đối với nền kinh tế Mỹ, ngụ ý rằng sự sụt giảm kinh tế trên thực tế còn tồi tệ hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình Fox News “Sunday Morning Futures” ngày 10/5, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố Tổng thống Trump “đã xây dựng nền kinh tế hùng mạnh và tốt nhất thế giới trong 3 năm”, nhưng “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy nó trong 60 ngày”.

Người Mỹ coi trọng nhất là mạng sống của con người, và một nền kinh tế vững mạnh sẽ là sự đảm bảo lớn nhất cho thành công của ông Trump trong cuộc bầu cử 2020. Do đó khi cố tình che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch, Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ dữ dội từ công chúng Mỹ và khiến ông Trump vô cùng tức giận.

Tại sao Trung Quốc quyết định can thiệp các vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống? Có 2 lý do:

Thứ nhất, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác là truyền thống chính trị của ĐCSTQ.

Bằng cách xuất khẩu các cuộc cách mạng ra thế giới, ĐCSTQ sẽ hỗ trợ lực lượng chính trị đối lập và giúp họ lật đổ đảng cầm quyền. Đây là một truyền thống chính trị được hình thành từ thời Mao Trạch Đông. Điều này đặc biệt rõ ràng ở các nước Đông Nam Á, nơi Bắc Kinh khai thác các tổ chức, trường học và hiệp hội Hoa kiều để đạt được mục đích mình. Những hành động này đã gây ra chiến dịch chống Trung Quốc ở các nước Đông Nam Á vài thập kỷ trước.

Thứ hai, ngay từ những năm 1950, Mao đã rất cảnh giác và chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ.

Cụ thể vào những năm 1950, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles chính thức đề xuất chiến lược “diễn biến hòa bình” nhắm vào Liên Xô. Ông cho rằng “có thể giải phóng [người dân ở các nước xã hội chủ nghĩa] thông qua các phương thức khác ngoài chiến tranh”. Ông bày tỏ sự hài lòng với “các lực lượng đòi tự do” nổi lên ở một số nước xã hội chủ nghĩa, và đặt hy vọng vào thế hệ thứ 3, thứ 4 ở các nước này.

Mao Trạch Đông đã chế giễu chiến lược của ông Dulles. Kể từ đó, ĐCSTQ chú ý đến mọi nỗ lực và động thái hướng đến “diễn biến hòa bình” của các nước phương Tây. Việc phát động phong trào cải cách kinh tế những năm 1980 không đồng nghĩa ĐCSTQ đã chùn bước về mặt này. Điểm khác biệt duy nhất là ĐCSTQ đã ngừng sử dụng thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh”. Thay vào đó, họ thường xuyên cáo buộc Mỹ và các nước khác kích động “các cuộc cách mạng màu” (phong trào chính trị phản đối chính quyền trong một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ).

Cùng lúc đó, nội bộ chính trị Mỹ đã trải qua những thay đổi sâu sắc sau Chiến tranh Lạnh. Cánh tả thâm nhập vào lĩnh vực giáo dục trong thời gian dài và gần như đã thành công trong “cuộc cách mạng màu” ở chính nước Mỹ. Trong quá trình này, sự thâm nhập toàn diện của Trung Quốc vào Mỹ đóng vai trò gì? Sự xâm nhập này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, nhưng gần đây người Mỹ mới bắt đầu xem xét nó. Để tóm tắt, tôi muốn nhấn mạnh 3 điểm chính.

Một: Danh tướng vĩ đại Tôn Tử từng nói trong cuốn “Binh Pháp Tôn Tử”: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Về phương diện ‘biết người biết ta’, Trung Quốc hiểu Mỹ hơn Mỹ hiểu Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có thể dùng đủ mọi thủ đoạn trong cuộc chiến chống Mỹ và đã gây dựng được lực lượng thân Bắc Kinh khổng lồ trong lòng nước Mỹ.

Hai: Về khả năng phòng thủ hệ thống, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc, và thường phòng thủ quá mức. Trong khi Mỹ như một sân chơi không hàng rào, nên dễ bị tấn công từ mọi phía.

Ba: Đối với Trung Quốc, thâm nhập vào Mỹ và can thiệp chính trường Mỹ là một việc khá dễ dàng, vì hầu như không có cuộc phản công nào từ Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc thậm chí còn không bận tâm đặt ra giới hạn cho mình.

Ví dụ, Trung Quốc không quan tâm bất kỳ phản ứng nào của Mỹ về việc họ can thiệp bầu cử. Vì Bắc Kinh cho rằng Mỹ không thể chống lại sự can thiệp của họ. Tại sao Trung Quốc dám coi thường Mỹ? Đó là vì các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng với việc Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, Trump sẽ không thể hoàn tất công việc hiệu quả và thực hiện các chính sách đối phó Trung Quốc.

Tuy nhiên, giờ đây hai động thái này đã được chứng minh là sai, thách thức lớn nhất mà ĐCSTQ đang đối mặt là gì? ĐCSTQ đang đặt mọi hy vọng vào Đảng Dân chủ và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, tôi tin rằng đảng Dân chủ chỉ có thể thắng trong các cuộc thăm dò trước bầu cử. Họ không có cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử thực sự.

Tác giả: Hà Thanh Liên

Hà Thanh Liên (He Qinglian) là tác giả và nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc, hiện đang sống tại Mỹ. Bà là tác giả cuốn “China’s Pitfalls” (Tạm dịch: Những cạm bẫy của Trung Quốc) và “The Fog of Censorship: Media Control in China” (Tạm dịch: Sương mù kiểm duyệt: Kiểm soát truyền thông ở Trung Quốc). Bà thường xuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội đương đại của Trung Quốc.

Thùy Linh (Theo The Epoch Times)
via Blog Ba Sàm

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...