31 March 2019

Đà Lạt Sao Anh Không Muốn Nhớ ?

Tháng tư đen một lần nữa đang ùa về. Mỗi người dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng tự do trên toàn thế giới không thể không ngậm ngùi, đau xót mỗi khi tháng tư lại về. Từ cuối tháng 3 cho đến hết tháng tư, năm, hay sáu… các gia đình Việt nam trên khắp non sông từ cầu Hiền Lương đến tận mũi Cà Mau luôn có đám giỗ người thân của mình luôn trùng với nhiều người dân miền Nam khác trên cùng mảnh giang sơn gấm vóc nầy. Vì vậy hai câu thơ tôi từng viết trong một bài thơ về ngày quốc hận của dân tộc như sau: 
Tháng tư nước mắt mờ oan khuất
Giỗ quải mịt trời non nước Nam.
(Chu Thụy Nguyên)
Trước khi hân hạnh đặt chân vào Học Viện Quốc Gia Hánh Chánh, tôi đã là một sinh viên dưới mái trường Luật Khoa Sài Gòn. Đang còn mỗi ngày cắp sách đến giảng đường nghe nghe, chép chép như vậy, chiến tranh bỗng không còn đóng khung hằng ngày trong bản tin chiến sự trên các nhật báo Sài Gòn nữa. Hình ảnh giết chóc tang thương bỗng tràn về qua các thành thị bởi hàng loạt cái chết của học sinh, của người dân vô tội miền Nam bằng pháo kích, đấp mô, tấn công, ban đêm mò vô làng cướp của , giết chóc dân lành. Và trên các màn hình ti vi Sài Gòn hàng đêm là máu, là nước mắt, là chia lìa, là tang tóc ngày càng leo thang. Thế hệ chúng tôi bắt đầu không thể tiếp tục trụ lại ghế nhà trường nữa rồi, dù chúng tôi vẫn được hoãn dịch vì học vấn. Tôi đã tự nguyện thi và trúng tuyển vào một trong những trường quân sự hàng đầu của Á Châu thời bấy giờ, và là trường sĩ quan Võ Bị hiện đại hàng đầu của Đông Nam Á. Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Chương trình đào tạo toán và khoa học 4 năm ở đó cao hơn MGP của Đại Học Khoa Học, ngoài ra còn bắt buộc phải học nhiều ngành khác suốt 4 năm như: Kinh tế, Công Chánh, Lưu Chất, Hóa học, Sinh học, Sử Địa, Quân Sử, Luật, Văn Chương, Ngoại Ngữ, Phong Thái giao tiếp, và Kinh Tế Hậu Chiến…Về quân sự, đào tạo kỹ năng lãnh đạo chỉ huy và tham mưu ngang cấp Đại Đội trưởng chiến trường.

Bốn năm ở trường Mẹ, đối với tôi là một dấu ấn sâu đậm. Khóa chúng tôi cuối 1971 ra trường và lao vào các chão lửa đang rực cháy của miền Nam. Tin tức đền nợ nước của khóa tôi mỗi ngày từ các chiến trường bay dồn dập trở về trường Mẹ. Hầu như trước bữa cơm trưa nào, các khóa đàn em đều phải đứng lên mặc niệm khóa chúng tôi ngay sau vỏn vẹn chỉ một tháng ra trường. Tôi cũng nằm trong số phận của một thương binh được đặt lên băng ca chuyển về phía sau. Một va đập bởi pháo xé rách nón sắt,  cắt khuyết da đầu tôi từ đỉnh đầu gọt sát gáo xuống đến khỏi chân mày dừng lại, không khác gì bà nội trợ gọt vỏ khoai tây. Tôi giải ngũ. Sau khi đã thật sự bình phục, tôi đã trở lại đại học, và quyết định thi vào Học Viện QGHC, lúc đó tôi mới cưới vợ, và tôi nhìn thấy ông anh vợ tôi đã tốt nghiệp khóa Đốc Sự 16, đã nên danh nên phận, do vậy tôi không bỏ cuộc. Rốt cuộc tôi cũng đã được chọn vào lớp ĐS 22, nhưng rồi duyên lại không trọn vẹn. Tôi lại vô tù để được những người trong rừng ra dạy chúng tôi cách làm thế nào để yêu nước và nhất là để trở thành phó thường dân Nam Bộ. Rồi ra tù. Rồi bị buộc đi kinh tế mới. Rồi vượt biên. Rồi lại ở tù. Hết cách sống buộc bỏ kinh tế mới trốn về Sài Gòn đạp xích lô trong 2 năm rưởi trời. Hằng ngày loanh quanh Bà Chiểu, Phú Nhuận, Chợ Lớn, Sài Gòn… Có khách thì đạp, không khách thì giương mui chui vô xe viết văn, làm thơ trong cuốn tập xích lô máy nhàu nhăn. Viết chỉ để mình đọc và chỉ để tạm quên đời. Đêm gác xích lô tựa vào vách chợ, ngủ ở chợ để khỏi bị xét cái thứ gọi là hộ khẩu.

Rốt cuộc cũng qua đến Mỹ. Lại làm thơ viết văn, lúc đó quen bạn bè trên Yahoo 360 độ. Một hôm, một cô gái nhỏ sống trên Đà Lạt nhắn nói chuyện, tôi có hỏi nhiều về Đà Lạt nơi tôi đã in dấu suốt 4 năm. Chuyện dông dài xong cô bé chốt lại thành một câu hỏi cho tôi: - Bây giờ đã xa xứ rồi, liệu anh có còn nhớ Đà Lạt không anh ? Hôm đó tôi lặng thinh, không trả lời. Hôm sau trên đất Mỹ, nhớ lại câu hỏi của cô em, bỗng dưng  tôi như bị nhói đau trong tim khi ai đó vừa đâm trúng huyệt. Mở tập giấy ra, tôi viết một lèo bài thơ có tựa đề là:

"Đà Lạt Sao Anh Không Muốn Nhớ ?"

Tôi gửi đăng bài thơ đó đầu tiên trên trang web văn học nghệ thuật Hồn Việt ở Mỹ. Về sau, không ngờ bài thơ đã được vợ chồng anh chị nhạc sĩ kiêm ca sĩ  Nguyễn Hải – Hà Lan Phương ở Dallas, Texas thích, anh chị đã phổ nhạc và trình bày ở dạng mp3 thôi. Sau đó, một cô bạn thi sĩ của tôi ở Phan Thiết, Việt Nam đã liền giúp thực hiện bài hát đó thành Video và gửi tặng tôi.  Qua đây, nhân tháng tư đen để nhớ về đất nước, mời quý anh chị nghe cảm xúc của tôi về thành phố Đà Lạt, về ngôi trường Mẹ thân yêu, nơi tôi đã thụ huấn ở đó suốt 4 năm./

Chu Thụy Nguyên
Huỳnh thiện Lộc (Cựu SV ĐS 22).


No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...