31 July 2018

Mẩu hồi ký chiến tranh của một cựu bác sĩ quân y

Thi trấn Ái Nghĩa năm 2009 khi tôi về VN lần đầu. Người chở honda quê cũng ở trong đó hỏi "vô lờm chi rứa chú,
thì bảo rằng "trước tao có con bồ ("người yêu") trong nớ, muốn vô coi cảnh cũ người xưa thử chừ ra reng." 
Dĩ nhiên là ở tuổi độ 30 cậu ta không có một  khái niệm gì về Quảng Nam 34 năm về trước.

Thomas Nguyễn

Có lẽ tôi có nghe qua thanh ngữ "ăn Tết Quang Trung" vài lần, nhưng lần đầu và lần nhớ mãi là lần nghe các cô chính huấn gọi như vậy trong buổi khao quân Tât Niên tháng 2 năm 1975, trước Tết hình như chừng một tuần - khao quân tại nơi đóng quân an toàn một bên liên tỉnh lộ 4.

Ăn Têt Quang Trung là ăn Têt trước ngày Tết đặng sửa soạn tác chiến ngày đầu năm. Tức nhiên lúc này chẳng có ai nghĩ đến sẽ có hành quân trong mấy ngày tới, quân số thì đã tiêu hao, đạn dược thì bị hạn chế tối đa, các cô chỉ nói cho khí thế vậy thôi.

Chuyện là, Tết năm đó chúng tôi phải xuất quân thiệt. Đúng hơn là lại phải xuất quân, vì mới vừa xuống núi sau 106 ngày đêm chạm tuyến trên đồi 1062 và mới đang nằm liếm thương tích, dưỡng quân dưới chân dãy Sơn Gà trong quận Đại Lộc, Quảng Nam vài ngày. Đúng là bị nói quở.

Có một đêm xuân dễ nhớ, đó là đêm 28 tháng Chạp năm Giáp Dần. Vì đêm đó là một hôm hành quân đêm. Ngồi bấm lại sự đời thì đếm được 5 lần hành quân đêm, lần đó là lần thứ tư, trước lần đổ xuống tái chiếm phi trường Phan Rang trong một đêm nữa vài tháng sau giữa tháng 4-1975. Ba lần trước chỉ là di chuyễn trong núi, tí mưa tí bùn nhưng không phải là xuất kích.

Lúc này là thượng tuần tháng 2 Tây, tiểu đoàn có được mấy ngày dưỡng quân sau khi xuống núi, bên con đường tỉnh lộ vào Thường Đức, Quảng Nam. Trên núi có cây mai vàng lẻ loi đã báo hiệu mùa xuân đến, xuống đây từ trên khu đồi trọc nhìn ra con đường tỉnh lộ xe cộ lên xuống tấp nập, lần đầu tiên nhìn thấy thường dân sau 3 tháng ròng trong rừng tự nhiên nao nao nhớ Tết Sài Gòn. Tất nhiên nhớ Tết là nhớ người chớ tờ lịch Tam Tông Miếu là gì mà phải nhớ. Còn hai ngày nữa là Tết.

Lúc ăn trưa có báo động xanh, hành quân trong vòng 12 tiếng. Báo động vàng lúc về chiều. Buổi ăn chiều vừa là họp tham mưu: quân lỵ Đại Lộc vừa mới bị mất vào tay 1 trung đoàn Chủ lực Miền của Quảng Nam, đêm nay mình vào lấy lại. "Mình" là 1 tiểu đoàn tăng phái 2 đại đội Đặc công Đa năng. Chỉ tại vì "mình" đang dưỡng quân ngay cách đó chỉ dưới 10 cây số. Khỏe quá mà.

Thế là đã ăn Tết Quang Trung thiệt! Mẹ kiếp. Mấy cô chính huấn đúng là nói gở!

**

Thay vì trực thăng một đoàn xe quân vận Quân Đoàn gửi xuống nằm chờ ngoải tỉnh lộ. Các đại đội lần lượt bỏ vòng đai căn cứ và  xuống 2 bên đường chờ trời tối. 'Hành quân' có nhiều nghĩa nhưng đêm hôm nay là một trận tập kích vào một vị trí mà địch đang chiếm đóng và khả năng cao là đang chờ đợi mình. Vị trí đó là chợ Ái Nghĩa chỉ cách làng Thường Đức 10 cây số. Thường Đức mất tháng 8 năm 1974 mà không lấy lại được. Có nghĩa là Ái Nghĩa là tuyến đầu rồi.

Trường hợp cả tiểu đoàn lên tuyến xung phong một lúc cũng hiếm, thường tập kích là cấp trung đội hay đại đội, nên không khí hơi khác thường nhưng cũng bình thản và chuyên nghiệp. Khác thường nữa là chỉ mấy ngày trước mới liên hoan đón xuân vui về, nay phải nặng nề ưu tư hơn mọi khi. Tuy vậy cũng như mọi khi thì trào phúng là nơi nương tựa:

- "Còn đêm nào vui bằng đêm 30!", bác sĩ!
- "Chúc người chiến sĩ lên đường!"
- "Xuân này con không về!"

Ờ phải. Rồi cũng sẽ có một số tụi bây không về thôi, chưa biết ai. Khi đêm đen đã buông xuống một thời gian thì lệnh xuống "Nai nịt gọn gàng! ba-lô lên vai!" vá chúng tôi đồng đứng dậy leo lên đoàn xe GMC.

Di chuyển. Chuyến xe đi chỉ được khoảng 20 phút thì đoàn quân xa dừng lại và chúng tôi xuống đi bộ. Từ chỗ này các đại đội dạt ra 2 bên ruộng và biến vào đêm tối, còn lại đại đội chỉ huy/súng nặng chúng tôi thì chờ trên đường. Khi 4 đại đội đã vào xa trong ruộng và thành đội hình thì tiểu đoàn bắt đầu đi lên, chúng tôi thì đi 2 bên đường nhựa, là chính giữa 1 tuyến có bề ngang chừng trên 1 cây số. Trong đêm đen khi chỉ thấy bóng người xa nhất là 10 thước, trong một đơn vị trên 500 người di chuyễn đồng bộ mỗi cá nhân chỉ có tin vào người chỉ huy gần mình nhất, ngoài ra là gần như hoàn toàn không biết gì về tình hình và địa thế chung quanh. Đây nói lên lòng tin tưởng vào chỉ huy, vào đồng đội, kỷ luật và lòng quả cảm của người chiến binh chuyên nghiệp có truyền thống từ những năm trước 54.
                                                                                              
Trong đêm 28 tối đen như mực ánh sao soi đường đoàn quân lặng lẽ đi vào tử địa - người thị thành không có dịp thì không làm sao biết được ánh sao trời có thể sáng đến là dường nào. Tuy vậy áo ngụy trang ban đêm rất khó thấy, chỉ nhờ ngũ giác con người lúc này tự nhiên bén nhạy gấp bội phần mà theo nhau giữ đội hình được thôi. Thằng tôi thì nhờ theo sau con chó màu vàng sáng của nhà bếp tiều đoàn trưởng - con chó này hành quân với chúng tôi từ trên 6 tháng nay từ khi còn nhỏ nằm gọn trong nón sắt được, rất khôn và không bao giờ biết sủa. Khi màu vàng của nó biến mất thì tôi gọi nhỏ, nó đứng lại chờ dắt đi tiếp.

Có một lúc chợt bên cánh trái con đường nghe một loạt chừng trên 20 tiếng lựu đạn nổ, trong vòng nửa phút rồi im bặt. Không một tiếng súng nhỏ. Bình thường sau khi lựu đạn nổ thì nghe hò reo và vài tiếng súng nhỏ lác đác nhưng lần này thì không. Dừng lại chừng 10 phút, máy truyền tin lao xao qua lại, rồi lại đi lên. Đi lên phía trước chừng 1 cây số thì xuất hiện bóng làng Ái Nghĩa giữa những lùm cây và nóc gia mà vẫn không chạm địch. Các toán cận thám báo về là không có địch, chúng tôi đi thẳng con đường tỉnh lộ vào trung tâm quận lỵ luôn.

Đến khi đại đội chỉ huy vào hẳn trong làng rồi thì mới bắt đầu bị pháo nhẹ bắn vào, không nhiều nhưng cũng đáng ngại vì trong làng toàn là mặt cứng như sân xi măng, đường nhựa và nóc nhà ngói. Đại đội tản mác trong làng - đường tỉnh lộ xuyên qua từ đầu làng đến cuối làng chừng 300 thước - phía ngoài lập phòng tuyến và phía trong bộ chỉ huy chúng tôi vào một ngôi trường nhỏ đặt bản doanh. Vì là nửa đêm không ai mở cửa nên chúng tôi ở ngoài, nép theo các lớp học đặt ba lô xuống mà nghỉ.

Ông đại úy Ban Ba đi 1 vòng bảo ai nấy đào hố cá nhân vì làng vẫn còn bị pháo cối cầm canh lai rai, nhưng chắc không có chỉ điểm nên cũng không mấy chính xác. Vài trái rơi gần bắn đất đá và mảnh thép lên mái ngói trường, lăn lóc cóc xuống đầu thấy cũng không ổn. Ai nấy cũng lấy xẻng thử làm vài nhát nhưng gặp đất trường là đất đỏ pha sạn đá nên thôi, cứ đặt đầu lên ba lô nép sát tường  mà nằm chờ sáng.

Thế là chúng tôi "chiếm" được làng mà không nổ 1 phát súng, vì nguyên trung đoàn địch đã rút lui từ hồi nào, pháo nhỏ chỉ bắn quấy rối chặn hậu mà thôi.

Hú hồn chứ đêm hôm đó mà nó quyết ở lại thì đã đổ máu lớn vì làng xây gạch ngói mà không nhỏ tí nào, và dân chúng hầu hết bị kẹt trong làng vì địch tấn chiếm đột ngột hôm qua.

Chú thích:

- Chủ lực miền là quân du kích địa phương trang bị và lập thành đơn vị chính quy cho đến cấp trung đoàn, chỉ huy là cán bộ miền Bắc, nhưng dù đông hơn chúng cũng tự biết là không phải địch thủ của chúng tôi. Chém vè cho nó lành.

- Quận lỵ là thủ phủ của 1 quận, dạo đó về quân sự gọi là chi khu - xã là phân chi khu - và bản doanh có tấm bảng là Cơ quan Chi khu, chỉ là 1 cái nhà chứ không phải 1 đồn bót. Quận trưởng và phân chi khu trưởng thì chiều về là xách honda về Phước Tường hay Hòa Cầm mà ngủ cho nó lành, cho nên khi địch vào thì không bị bắt. Địa phương quân và nd tự vệ thì xem như không có lúc đó, quăng súng đi đâu ăn Tết rồi.

- Đại đội Đa Năng và Đặc công: năm 1974 mỗi tiểu đoàn thành lập thêm 1 đại dội gọi là Đa Năng, vị chi tổng cộng là 6 đại đội so với 1 tiểu đoàn chính quy là 4 đại đội. Các đại đội đa năng hành quân thì lại do 1 Liên đội đa năng chỉ huy, cho nên 2 đđ đa năng đã vào trước và khi chúng tôi vào thì 1 toán quân bị lọt ổ phúc kích của chính đa năng của mình, vì đêm tháng chạp tối quá, tử thương 6 người là 6 người duy nhât xấu số Tết năm đó. Sẽ nói thêm trong đoạn cuối.

Thomas Nguyễn
(Nhóm AFAR)

No comments:

Post a Comment