Hoàng Thanh Loan
Theo FB Hoàng Thanh Loan
Tôi viết những dòng này khi đang trên đường từ Athens trở về London. Đất nước tôi đang có quá nhiều những vấn đề nhức nhối, mà đỉnh điểm là việc xả nước thải công nghiệp ra biển Vũng Áng, khiến một người xa xứ như tôi nhìn về, không sao kìm được nước mắt.
Một người chị của tôi vừa chia sẻ trong bài viết mới đây, tôi xin trích một ý rất nhỏ: khi chị sống ở một đất nước phát triển, không phải lo cơm ăn áo mặc thường ngày, rất dễ để chị có thể quan tâm tới bảo vệ môi trường. Chi thêm 7 đô để mua giấy vệ sinh “không làm từ gỗ rừng” với cá nhân chị là một việc không cần phải suy nghĩ.
Tôi đồng ý với chị. “Có thực mới vực được đạo”. Bảo vệ môi trường, giữ gìn tự nhiên, giữ gìn di tích lịch sử,... tất cả nghe còn quá xa rời ở một đất nước đang trong nỗ lực phát triển kinh tế vĩ mô, tăng cường hội nhập kinh tế thế giới và gia tăng công ăn việc làm cho người dân như Việt Nam. Thế nhưng, những lợi ích mà Việt Nam đã, đang và sẽ có được liệu có bền vững về dài hạn? Đó là câu hỏi mà tôi và những người không có quyền quyết định đang bức xúc chờ đợi câu trả lời trong những ngày qua.
Tôi vẫn nhớ những ngày tháng làm việc cho bản tin tiếng Anh của VTC10, với mỗi tin kinh tế, chúng tôi có 1,5 phút để nói về quyết định thành lập nhà máy ở một tỉnh nọ, tổng vốn đầu tư nước ngoài bao nhiêu tỉ, quy mô bao nhiêu hecta, tiềm năng việc làm cho bao nhiêu nghìn nhân công. Đó là một tin tức đầy hứng khởi cho bức tranh kinh tế nước nhà. Thế nhưng, có những chi tiết hậu trường đã vô tình không được nhắc tới. Ví dụ như: giấy phép đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê đất và những quy định bắt buộc liên quan đến hệ thống xả thải, mức phạt và mức đền bù mà Việt Nam có thể đặt ra nếu như phía nhà máy không thực hiện được những cam kết kể trên.
Trở lại trường hợp của Formosa Hà Tĩnh. Những nạn nhân đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những cư dân sinh sống dọc eo biển miền Trung. Không rõ có bao nhiêu người dân địa phương được tuyển vào làm tại nhà máy này, nhưng đại đa số ngư dân vẫn tiếp tục làm nghề truyền thống và tài nguyên biển là sinh kế hàng ngày của họ. Nếu nước thải của Formosa là thủ phạm gây chết cá hàng loạt, thì nhà máy này có thể đền bù bao nhiêu và đền bù như thế nào cho ngư dân, gia đình và con cái của họ?
Theo diễn đàn của Formosa Hà Tĩnh, nhà máy này có 5000 nhân viên quốc tịch Việt Nam và 2000 nhân viên quốc tịch Đài Loan. Xả thải 12 nghìn mét khối nước mỗi ngày (mà nói theo Formosa là đạt chuẩn do CHÍNH nhà máy này KIỂM ĐỊNH), không biết nhà máy này có tự đặt chuẩn cho môi trường làm việc và an toàn lao động của công nhân hay không. Theo báo Giao Thông, 17h ngày 24/4, một thợ lặn dưới biển thi công xây dựng đê chắn sóng cảng Sơn Dương, Formosa đã tử vong sau khi đi làm về từ dự án Formosa. Những người công nhân của Formosa Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài rủi ro sức khoẻ và tính mạng kể trên.
Người Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam liệu có không bị ảnh hưởng? Theo VTC News, ngày 22/4: 15 tấn cá chết thu gom tải cảng cá xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An đã có thể bị chế biến thành mắm tại Nha Trang nếu không bị công an Nghệ An thu giữ. Theo The Guardian, ngư dân phải chôn hàng trăm kí cá mỗi ngày. Chôn ở đâu và xử lý trước khi chôn như thế nào, có lẽ, cũng là một dấu hỏi về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngọt và ô nhiễm đất? Cũng chưa có số liệu nào thống kê: đã có bao nhiêu kí muối biển được sản xuất và phân phối trên thị trường kể từ ngày nước biển bị nhiễm độc.
Đến đây, tôi không bàn tới việc “có thực mới vực được đạo” hay không nữa, tôi nóng ruột, tôi bức xúc khi nghĩ tới sức khoẻ của những người ngư dân, cư dân địa phương, những người công nhân và của tất cả những người dân sinh sống trên đất nước tôi. Tai hại ở chỗ, những hệ luỵ về sức khoẻ này không diễn ra một sớm một chiều, nó giết dần giết mòn, và thủ phạm xả độc có thể phủi tay không chịu trách nhiệm trong khi đàng hoàng nhân danh những lợi ích kinh tế mà nó mang đến cho Việt Nam để muốn làm gì thì làm.
Trả lời phỏng vấn của VTC14, Giám đốc Đối ngoại Formosa người Đài Loan phát biểu bằng tiếng Việt:
1/ “đương nhiên, mình cố gắng trên một phương pháp, làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn, quy định của nhà nước, của cảng.”
2/ “tại sao em không hỏi anh chỗ ngày ngày xưa trồng được một vụ lúa, sao giờ không trồng được một vụ nào nữa. Đã xây thành nhà máy rồi mà, còn trồng lúa chi nữa.”
Tôi không đủ am hiểu về pháp luật để có thể bàn luận về vấn đề này. Nhưng quy định hiện hành, tiêu chuẩn, quy định của nhà nước, của cảng đã rõ ràng hay chưa, rõ ràng ở mức định tính hay định lượng, quy chế giám sát và xử phạt như thế nào? Hợp đồng thuê đất đã kí rồi, nhà máy đã thành lập và hoạt động rồi, nhưng có hay không chế tài để Việt Nam có quyền kiểm soát và đình chỉ hoạt động của nhà máy này? Tôi mong những nhà làm luật, luật sư và kiểm sát viên bắt tay để giải quyết triệt để grey area này. Việt Nam vốn đã chịu thiệt trên trường quốc tế về thương thảo các điều kiện hội nhập nhưng đừng nên chịu thiệt trên chính mảnh đất của mình khi luật chơi là do mình đặt ra.
Ở London, một tổ chức phi chính phủ có tên gọi ClientEarth đã kiện chính phủ Anh ra Toà án châu Âu vì không thực hiện được cam kết giữ mức NO2 (có trong khí thải từ các phương tiện dùng dầu diesel, thủ phạm chính gây bệnh về tim mạch và hô hấp) trong quy định cho phép của khối châu Âu tại 40/43 khu hành chính của Anh kể từ năm 2010. Theo phán quyết của Toà, chính phủ Anh đứng trước mức phạt lên tới 300 triệu bảng và buộc phải thiết lập kế hoạch chi tiết nhằm giảm lượng NO2 về mức quy định của khối châu Âu và đệ trình kế hoạch này trước 31/12/2015.
Hiện trên thế giới chưa có Toà án quốc tế về môi trường. Nhưng người dân Việt Nam nói chung mà cụ thể là những người dân ven biển miền Trung hoàn toàn có thể kiện Formosa Hà Tĩnh ra toà án Việt Nam với những bằng chứng xác thực về tổn thất sinh kế/ sức khoẻ/ môi trường mà nhà máy này đã gây ra. Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là sự hợp tác chặt chẽ của Bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Viện Hoá học, Viện Nhà nước và Pháp luật, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng... và tất cả cá nhân những nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia hoá học, các y bác sỹ, các luật sư, các phóng viên điều tra có tâm với đất nước...
Đó là biện pháp ở tầm vĩ mô, vốn đòi hỏi nhiều công đoạn và thời gian để đi đến kết quả cuối cùng. Trong khi chờ các nhà chức trách hành động, các công nhân Formosa Hà Tĩnh - 5000 người Việt Nam có thể chặn đứng hoạt động của nhà máy này bằng cách đình công và bỏ việc cho tới khi nhà máy này dừng xả thải ra biển và hợp tác với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ việc. Nhưng ai sẽ giải quyết vấn đề sinh kế của 5000 người này trong thời gian đình công? Ai sẽ giải thích cho họ hiểu: đình công và bỏ việc là điều có lợi cho sức khoẻ và kinh tế của gia đình họ về lâu dài?
Formosa Hà Tĩnh được cấp giấy phép 70 năm và đến nay đã hoạt động ở Việt Nam được 10 năm với không ít scandal về an toàn lao động và môi trường.
Đây không phải chỉ là vấn đề chung mà chỉ những nhà chức trách mới có thể giải quyết. Đây cũng không phải là vấn đề của ngư dân miền Trung nói riêng. Đây là muối, là mắm, là cá tôm mà mỗi gia đình Việt Nam tiêu thụ hàng ngày.
Việt Nam sẽ ra sao 60 năm tới? Đó là câu hỏi mà một cá nhân nhỏ bé với kiến thức hạn hẹp như tôi không dám trả lời. Nhưng tôi chắc chắn, không ai trong số chúng ta mong muốn một Việt Nam với eo biển chết và những làng chài biến thành làng ung thư.
Bài viết có tham khảo thông tin từ:
1/ Linh Phuong Nguyen - Talking about the Environment, and Democracy - https://www.linkedin.com/pulse/talking-environment-democracy-nguyen-phuong-linh
2/ Lang Anh - Thảm họa biển miền Trung - Một cái nhìn toàn cảnh - https://www.facebook.com/notes/lang-anh/th%E1%BA%A3m-h%E1%BB%8Da-bi%E1%BB%83n-mi%E1%BB%81n-trung-m%E1%BB%99t-c%C3%A1i-nh%C3%ACn-to%C3%A0n-c%E1%BA%A3nh/10204740643275998
3/ Khoá học Mùa thu về Phát triển – Diễn biến vụ cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung - https://www.facebook.com/khoahocmuathu/?fref=ts
4/ Agence France-Presse, The Guardian, Vietnam investigates mass fish deaths, http://www.theguardian.com/environment/2016/apr/21/vietnam-investigates-mass-fish-deaths-pollution
5/ Tô Mạn, CafeF, Formosa Hà Tĩnh và 5 tai tiếng để đời ở Việt Nam, http://cafef.vn/formosa-ha-tinh-va-5-tai-tieng-de-doi-o-viet-nam-20160425171839753.chn
6/ Tổng quan công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, http://formosahatinh.com/threads/tong-quan-cong-ty-tnhh-gang-thep-hung-nghiep-formosa-ha-tinh.100.html
7/ Trần Lộc, Báo Giao Thông, Một Thợ Lặn ở Vũng Áng tử vong, http://www.baogiaothong.vn/mot-tho-lan-o-vung-ang-tu-vong-d147470.html
8/ Jessica Shankleman, Business Green, Supreme Court orders UK to clean up air pollution in landmark ruling, http://www.businessgreen.com/bg/news/2406257/supreme-court-orders-uk-to-clean-up-air-pollution-in-landmark-ruling
9/ Chia sẻ, bình luận của cộng đồng Diễn đàn Nhà báo trẻ, https://www.facebook.com/groups/nhabaotre/
10/ Kênh truyền hình VTC14, https://www.facebook.com/kenhvtc14/
***
https://www.danluan.org/tin-tuc/20160426/viet-nam-60-nam-nua
No comments:
Post a Comment