17 December 2014

Viện Khổng tử và quyền lực mềm của TQ

TTR: "China" phiên âm thành "Trung Hoa", nhưng dân ta gọi là Nước Tầu, một nước có diện tích lớn ở phía bắc. Trong bài, tác giả viết là Trung Quốc, một danh xưng lớn lối Bắc Kinh muốn người ta chấp nhận. Để tôn trọng nguyên văn, chúng tôi không sửa đổi. TTR xin quí thân hữu và bạn đọc thông cảm.

Ts Nguyễn Hưng Quốc

Ở Việt Nam, trong suốt mấy tuần vừa qua, dư luận, ít nhất là trong giới trí thức, khá xôn xao về quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép thành lập Viện Khổng Tử tại trường Đại Học Hà Nội. Tất cả đều đồng thanh bày tỏ sự lo ngại và bất bình: Họ cho đó là dấu hiệu của cuộc xâm lược Văn hóa, từ phía Trung Quốc, và của sự đầu hàng trước cuộc xâm lược ấy, từ phía Việt Nam.

Trước khi bình luận, có mấy điều chúng ta cần lưu ý:

Thứ nhất, Viện Khổng Tử được chính phủ Trung Quốc thành lập vào tháng 6 năm 2004 với số tiền trên 500 triệu Mỹ kim, hiện nay đã có trên 400 cơ sở trên khoảng hơn 100 quốc gia (chưa kể khoảng 400 viện khác đang nằm trong dự án và cũng không tính các Lớp học Khổng Tử, Confucius Classrooms, thường là một bộ phận của Viện Khổng Tử, Confucius Institute, nhưng cũng có khi tồn tại riêng rẽ ở những nơi Viện Khổng Tử chưa được thành lập). Ở Mỹ có trên 70 viện; ở Anh, trên 20 viện; ở Úc, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, mỗi nước trên 10 viện; v.v..Về số lượng, các Viện Khổng Tử hiện nay đã gần ngang ngửa với Aliances Françaises của Pháp và bằng tổng số các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa của cả ba học viện British Council của Anh, Instituto Cervantes của Tây Ban Nha, và Goethe-Institut của Đức cộng lại dù cả ba đều có một lịch sử khá lâu đời, trên nửa thế kỷ.

Về tốc độ, đó là học viện phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Thứ hai, trên nguyên tắc, Viện Khổng Tử hoạt động với ba mục tiêu chính: Một, truyền bá tiếng Hoa (và chữ Hán theo lối giản thể được sử dụng tại Trung Quốc từ sau năm 1949); hai, truyền bá văn hóa Trung Quốc; và ba, thúc đẩy các chương trình hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và các nước. Đằng sau ba mục tiêu này là một mục tiêu khác, lớn và quan trọng hơn: Tuyên truyền cho hình ảnh một nước Trung Quốc có truyền thống văn hóa lâu đời, hiền lành, yêu chuộng hòa bình, không hề là một đe dọa đối với bất cứ một nước nào khác.

Nhìn vào các mục tiêu ở trên, Viện Khổng Tử không khác mấy với các học viện ngôn ngữ và văn hóa nổi tiếng trên thế giới, từ British Council của Anh, Aliances Françaises của Pháp, Instituto Cervantes của Tây Ban Nha, hay Goethe-Institut của Đức. Tất cả đều nhằm, qua việc dạy ngôn ngữ và văn hóa của nước mình, tạo sự thông cảm và thắt chặt các quan hệ quốc tế với các nước khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, Viện Khổng Tử có nhiều đặc điểm khiến giới quan sát phải nghi ngờ và e ngại.

Một, Viện Khổng Tử không phải chỉ giới hạn trong lãnh vực ngôn ngữ hay văn hóa. Ví dụ tại Úc, Viện Khổng Tử tại trường Đại học RMIT dạy cả về Đông Y, tại trường Đại học Queensland dạy cả về khoa học kỹ thuật. Ở tất cả các nơi, khi dạy về ngôn ngữ và văn hóa, các bài giảng đều ít nhiều liên hệ đến chính trị của Trung Quốc hiện nay. Hơn nữa, theo nhiều nguồn tin, Viện Không Tử có những chính sách hoàn toàn mang màu sắc chính trị, ví dụ, về tuyển dụng nhân viên, họ cấm tuyệt đối những người từng tham gia vào Pháp Luân Công hoặc những tổ chức chống lại chính phủ Trung Quốc; về hoạt động, họ cũng cấm mời Đức Đà Lai Lạt Ma cũng như bất cứ một viên chức nào từ Tibet và Đài Loan đến nói chuyện ở các Viện Khổng Tử. Thậm chí cấm cả việc bàn luận về Tibet trong viện.

Hai, cấu trúc của các Viện Khổng Tử cũng khá đặc biệt: Bao giờ nó cũng có hai giám đốc, một là người địa phương và một là người từ Trung Quốc sang. Theo Michael Kahn-Ackermann, cựu giám đốc của Viện Goethe, đó chính là điểm khác biệt lớn giữa Viện Khổng Tử so với tất cả các học viện về ngôn ngữ và văn hóa khác trên thế giới.

Ba, về phương diện tổ chức, một mặt, trong khi các học viện về ngôn ngữ và văn hóa khác khá độc lập với chính phủ, Viện Khổng Tử hoàn toàn nằm trong tay chính phủ Trung Quốc; mặt khác, trong khi các học viện khác tồn tại như một cơ sở giáo dục hay văn hóa độc lập ở ngoại quốc, Viện Khổng Tử bao giờ cũng liên kết và nằm TRONG một trường đại học hoặc trung học nào đó ở địa phương. Ví dụ, ở Việt Nam, sắp tới, Viện Khổng Tử sẽ nằm trong hệ thống Đại học Hà Nội. Ở các nước khác cũng vậy. Có điều, tuy là một bộ phận của các cơ sở giáo dục địa phương, khoảng một nửa ngân sách và phần lớn giáo viên cũng như toàn bộ tài liệu giảng dạy lại do chính phủ Trung Quốc cung cấp.

Chính điều này gợi lên nhiều nghi ngại cho thế giới. Nghi ngại về ba chuyện: Về phương diện học thuật, dưới ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc, người ta không còn tự do và độc lập trong tư tưởng; về phương diện chính trị, các viện ấy chỉ đóng vai trò tuyên truyền cho chính phủ; và đặc biệt, về phương diện an ninh, rất có khả năng những cán bộ hoặc giáo viên trong các viện ấy làm công tác tình báo kỹ nghệ để ăn cắp các phát kiến về khoa học kỹ thuật và kinh tế trong các trường đại học.

Ba đặc điểm nêu trên cho thấy Viện Khổng Tử không đơn giản là một cơ sở giáo dục về ngôn ngữ hay văn hóa. Nó còn nhắm đến các mục tiêu kinh tế (khuyến khích làm ăn với Trung Quốc – chưa kể chuyện làm gián điệp) và cả các mục tiêu chính trị, trong đó có những cuộc vận động liên quan đến quyền lực mềm (soft power). Trong cái gọi là “quyền lực mềm” ấy, nội dung quan trọng nhất mà Trung Quốc nhắm tới là tạo nên một hình ảnh hiền lành, yêu chuộng hòa bình và công lý của Trung Quốc, nhằm xóa tan những nỗi sợ của mọi người đối với tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Tất cả những điều ấy, hầu như ai cũng biết. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã đổ ra hàng nhiều tỉ đô la cho chiến dịch củng cố quyền lực mềm như thế. Họ viện trợ một cách cực kỳ hào phóng cho nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ La Tinh và châu Á. Họ tổ chức Olympics 2008 và Sanghai Expo năm 2010. Trong hai năm 2009 và 2010, họ bỏ ra 8 tỉ 9 Mỹ kim cho lãnh vực truyền thông đại chúng, trong đó có những kênh truyền thanh và truyền hình phát 24 giờ một ngày nhắm vào khán thính giả Tây phương. Chương trình phát thanh quốc tế bằng tiếng Anh cũng làm việc liên tục ngày và đêm.
Các Viện Khổng Tử chỉ là một trong cả một chiến dịch rộng lớn và rầm rộ ấy.

Vấn đề là: chiến dịch củng cố quyền lực mềm ấy có thành công hay không?

Giáo sư Joseph S. Nye Jr, chuyên gia hàng đầu về quyền lực mềm trên thế giới, trả lời một cách dứt khoát: Không.

Trong bài “China's Soft Power Deficit”, viết vào năm 2012, Nye cho quyền lực mềm của một nước chỉ phát huy tác dụng với một số điều kiện:

Thứ nhất, nó không gây tâm lý lo ngại và, từ đó, nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng ở các nước láng giềng (ví dụ: những điều đó không hề xảy ra ở Canada và Mexico trước quyền lực mềm của Mỹ).

Thứ hai, phải có sự nhất quán giữa lời nói và việc làm: khi hiện thực trong nước khác hẳn với những lời lẽ tuyên truyền trên mặt trận truyền thông quốc tế, quyền lực mềm sẽ mất hết tác dụng.

Olympics năm 2008 ở Bắc Kinh có vẻ như thành công rực rỡ, nhưng sự thành công ấy tan vỡ ngay tức khắc sau đó khi chính quyền Trung Quốc ra lệnh bắt bớ những người bất đồng chính kiến.

Shanghai Expo năm 2010 cũng thành công rực rỡ nhưng sự thành công ấy cũng bị dập tắt ngay tức khắc khi Trung Quốc bắt nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba. Hình ảnh chiếc ghế trống trong buổi trao giải Nobel hòa bình cho Lưu Hiểu Ba trở thành một biểu tượng đầy quyền lực làm xóa nhòa tất cả các hoạt động tuyên truyền tốn hàng tỉ đô la trước đó.

Viện Khổng Tử được thành lập ở Philippines nhằm gây thiện cảm với người dân địa phương nhưng tất cả những tình cảm ấy, nếu có, đều biến mất khi Trung Quốc quấy nhiễu bãi đá cạn Scarborough vốn thuộc chủ quyền của Philippines.

Đánh giá một cách tổng quát, Nye cho các nỗ lực củng cố quyền lực mềm của Trung Quốc đã thất bại. Bằng chứng rõ rệt nhất là qua các cuộc thăm dò dân luận, cách nhìn về Trung Quốc chỉ tương đối mang màu sắc tích cực ở châu Phi và châu Mỹ La Tinh; còn ở Mỹ, châu Âu cũng như nhiều nước ở châu Á, đặc biệt Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nó hoàn toàn có tính chất tiêu cực. Điều đó, với Nye, hoàn toàn chính đáng: ở Trung Quốc hiện nay, dưới ách kiểm duyệt ngặt nghèo của chính phủ, ở đâu người ta cũng thấy sự nghèo nàn về tư tưởng. Không có nước nào có thể làm cho người khác yêu mến, tin cậy và ngưỡng mộ với sự nghèo nàn, chật chội và giả dối như thế cả. Đó là lý do tại sao các nước Tây phương, kể cả Mỹ, dù biết rõ âm mưu của Trung Quốc, vẫn cứ cho phép mở các Viện Khổng Tử ngay trên đất nước của họ. Không phải là một. Mà là nhiều viện. Xum xuê như trăm hoa đua nở.

Nhưng đó là ở Tây phương, còn ở các nước khác thì sao?

Theo Trefor Moss, trên The Diplomat ngày 4 tháng 6, 2013, chúng ta không nên vội vã đánh giá thấp các nỗ lực vận động quyền lực mềm của Trung Quốc. Kể từ năm 2000, Trung Quốc bỏ ra 74 tỉ đô la để xây dựng các dự án hợp tác và viện trợ ở 50 trên tổng số 54 quốc gia châu Phi. Kết quả là ở châu Phi, rất nhiều người nhìn Trung Quốc một cách đầy thiện cảm: Họ xem Trung Quốc như một đối tác tốt, một kẻ đến để cứu vớt họ và là một mẫu mực mà họ nên bắt chước. Dĩ nhiên, tất cả những thiện cảm này đều dễ dàng biến mất nếu Trung Quốc sử dụng bạo lực với họ. Nhưng khi điều này chưa xảy ra thì nỗ lực của Trung Quốc rõ ràng là có kết quả.

Riêng trong trường hợp của Việt Nam thì sao? Theo tôi, sự hiện diện của Viện Khổng Tử tại Đại Học Hà Nội, tự bản thân nó, không đáng lo ngại cho bằng thái độ của nhà cầm quyền cũng như của cán bộ Việt Nam nói chung.

Trung Quốc sử dụng Viện Khổng Tử để làm gián điệp kỹ nghệ ư? Âm mưu này có thành công hay không là tùy thuộc mức độ cảnh giác cũng như khả năng tổ chức của các đại học Việt Nam. Nhưng ở cả hai khía cạnh này, qua kinh nghiệm lâu nay, chúng ta đều thấy rõ: hoàn toàn không đáng tin cậy.

Trung Quốc sử dụng Viện Khổng Tử để tuyên truyền cho Trung Quốc ư? Âm mưu này có thành công hay không là tùy thuộc vào mức độ phản tuyên truyền và công khai hóa thông tin từ phía Việt Nam. Ở Philippines, sự tuyên truyền của Trung Quốc qua Viện Khổng Tử mất hết tác dụng vì dân chúng biết rõ, rất rõ tham vọng bành trướng lãnh hải và các hành động quấy nhiễu của Trung Quốc ở bãi đá cạn Scarborough. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam, nếu chính phủ cứ giấu giếm hết những chuyện như thế, cứ leo lẻo phụ họa với bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc về cái gọi là 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” thì đương nhiên Trung Quốc sẽ thành công. Thành thực mà nói, trong cả hai âm mưu gián điệp và tuyên truyền, Trung Quốc đã thành công ngay cả trước khi thành lập Viện Khổng Tử. Cái Viện ấy có nằm chình ình ngay giữa Hà Nội hay không thì cũng vậy. Có khi, với những người còn yêu nước, đó lại là điều hay: Nó hiện diện như một thách thức.

No comments:

Post a Comment