07 December 2014

Ác Mộng

Đôi giòng: Sống gần những khu có người nghiện ma tuý là một kinh nghiệm cực kỳ tệ hại. Tại VN ngay sau 75, người viết những giòng này kinh hoàng nhận thấy là một khu gia cư (nằm trong hẻm 45 đường Ngô Tùng Châu, GĐ) trong đó có nhiều gia đình quân nhân và công chức mà gần nửa số gia đình trong cư xá này có con, em bị dính xì ke! Việt Nam ngày nay, từ Bắc chí Nam, tệ nạn xì ke hoành hành còn nặng nề hơn những gì ta có thể thấy trong giai đoạn chiến tranh trước 1975!! (Sau Dong). 
Dưới đâ là toàn văn bài của t/g Nguyễn Đạt Thịnh trên Nhật báo Viễn Đông mô tả một cơn ác mộng ở New York.
**

Nguyễn đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 03/12/2014)

Nạn nhân của ác mộng là bà Laurie Sperring, ác mộng dài 5 năm, xẩy ra tại một căn phố mang số 19 đường Wood Court, vùng Rossville, New York City, vào năm 2009. Ác mộng bắt đầu bằng cảnh dọn nhà của một gia đình gồm một ông cha, một bà mẹ và 3 đứa con, 2 gái một trai.

Chồng là ông Steven Sperring, 48 tuổi, một technician, làm việc cho hãng Verizon, tính tình điềm đạm, ít nói; vợ là bà Laurie Sperring vui vẻ, cởi mở; vợ chồng chắp nối năm 2003, cả 2 cùng đã một lần dang dở. Trước khi dọn về Rossville, họ ở nhà mướn tại hạt Arden Heights; nhưng ông muốn mua một căn nhà, để có chỗ ở lâu dài cho gia đình.

Căn phố mang số 19 đường Wood Court, 
vùng Rossville.

Vợ chồng chọn mua một căn phố tại khu Wood Court, một khu cư trú của giới trung lưu, giữa cảnh đồng quê thanh tịnh; Wood Court có hồ tắm, có nhà hội họp, có tư gia của một vài cảnh sát viên.
Ông chồng bảo bà vợ, “nhà cửa khang trang, đường sá sạch sẽ, bồn cỏ cắt xén gọn gàng, khu này có thể là chỗ mình cư trú lâu dài.”

Bà vợ đồng ý, họ làm thủ tục mua nhà và dọn về khu Wood Court; cư dân tại đây niềm nở đón nhận họ, tuần nào cũng có người đến thăm hỏi, tự giới thiệu với họ, để gây tình giao hảo. Cuộc sống xóm giềng rất thân thiện - dẫy phố có lối đi chung phía sau nhà, vì mỗi căn apartment đều có một căn hầm nằm dưới mặt đường -basement- cửa mở ra con đường này.

Khu sân sau -do đó- trở thành chỗ họ thường nướng thịt, ăn uống chung vui với nhau. Họ dựng lên một hàng rào để ngăn ngừa trộm lẻn vào sân sau đánh cắp bàn ghế, lò nướng họ bỏ ngoài sân, nhưng trộm cắp chưa bao giờ xẩy ra trong địa phương yên ổn của họ.

Gia đình Sperring vui sống giữa cảnh trong nhà hạnh phúc, ngoài xóm thân thiện, cho đến ngày cô con gái riêng của bà Sperring -cô Christina Potter- 15 tuổi, nhận ra có nhiều dấu tích sử dụng bạch phiến.

“Chị tôi và tôi cũng đã đủ lớn để nhận xét,” cô Potter nói cô đem những dấu tích đó ra hỏi mẹ, thì bà Sperring nhìn nhận, nhưng bảo con là thỉnh thoảng bà mới hút, và chỉ “hút chơi vậy thôi, chứ không nghiện ngập gì.”

Bà nói bà chỉ "hút chơi", nhưng ác mộng bắt đầu từ đó.

Nhiều người lạ tìm đến căn phố số 19 đường Wood Court, và người trong gia đình dọn đi, bắt đầu là ông chồng, rồi đến các con; bà vợ ở lại, nhưng không ở một mình; nhiều người tới, lui, có người ở lại, có thêm cả 2 con chó nữa.

Một người hàng xóm mô tả, “2 con pit bulls, loại chó lớn; ông bố vợ tôi suýt bị chó cắn; họ thả chó đi xả xú uế mà không xích cổ chó.” Người khác than phiền, "họ vứt kim chích ra đường, họ nôn mửa thốc tháo trên mặt đường; thiệt là dơ dáy."

Dân trong xóm họp nhau lại, khiếu nại với cảnh sát, thay phiên gọi số 311 than phiền; và cuối cùng, hôm mùng 5 tháng Sáu 2014, họ đổ ra đường đứng vỗ tay hoan nghênh toán cảnh sát võ trang, trong lúc cảnh sát ập vào căn nhà số 19 đường Wood Court khám xét. Một bà mẹ bảo con, "Cảnh sát bắt họ vì họ hút cần sa, chích ma túy; con phải tránh xa những thứ đó."

Uy tín làm mẹ, làm vợ của bà Sperring rơi tự do vào khoảng không; người ta nhắc đến tên bà với những tĩnh từ điếm nhục như hút xách, sống bung thùa, làm bất cứ việc gì để đổi lấy tiền mua ma túy.

Bà Sperring -năm nay 45- bị bắt, trong lúc bị giam tại khám đường Rikers Island, bà nhận trả lời vài cuộc phỏng vấn; có lần bà nói, “Lúc đầu tôi quá ngu nên mới 'thử chơi cho biết' ma túy nó khiếp đảm đến mức nào; đến lúc biết là nó quá khiếp đảm thì đã muộn.”

Cảnh ma túy tàn phá thân xác người nghiện ma túy, và gia đình người này, nhan nhản diễn ra, trường hợp của riêng gia đình Sperring cũng không có nét nào khác biệt, ngoài việc phóng viên tờ The New York Times vẫn còn đang theo sát từng chi tiết để tường trình với độc giả về một lối thoát mà cả bà Sperring, gia đình bà, và chính quyền Hoa Kỳ cùng thật lòng mưu cầu.

Bà Sperring sinh trưởng tại Staten Island; học không hết trung học, bỏ nhà đi mưu sinh tại Florida; tại đây bà lấy chồng và có một bé gái. Năm 1999, gia đình bà tan vỡ, bà đem con trở về Staten Island, xin làm việc với một bà dì.

Bà dì này -bà Marian và ông chồng Arthur Bellucci- là chủ một doanh nghiệp y tế chăm sóc tại gia; bà cho cô cháu việc chăm sóc những ông già, bà lão thân chủ của doanh nghiệp. Bốn năm sau cô tái hôn với ông Steven Sperring; ông này cũng một lần gẫy gánh, và đang trong cảnh độc thân, nuôi 2 đứa con, một trai, một gái.

Bà Marian Bellucci yêu thương cô cháu gái như con ruột của mình; nhưng năm 2010 hai vợ chồng bà bị đâm chết; thủ phạm là đứa con trai của họ -cậu Eric- mắc chứng điên schizophrenia, chứng không phân biệt được đâu là sự thật, đâu là giả tưởng.

Giết bố, mẹ rồi, cậu Eric xách va li đi Do Thái du lịch; cậu bị bắt tại Do Thái, được dẫn độ về Hoa Kỳ, nhưng các bác sĩ pháp y xác nhận cậu điên đến mức không chịu trách nhiệm về việc cậu làm.

Bà Sperring nói bà bị ảnh hưởng vì cái chết của bà dì, và vì tình trạng vô tội của cậu em họ, bà nghĩ là cậu ta không điên đến mức giết người. Giá trị của mọi việc như đảo lộn trong đời bà.

“Tôi mất phương hướng,” bà Sperring nói, “không mắc chứng schizophrenia, nhưng tôi cũng không còn biết điều gì là thật, điều gì không thật. Tôi không tin là dì Marian đã chết, tôi không tin cậu Eric điên; tôi mua rượu uống, tôi muốn say.”

Cùng với rượu là bạch phiến; bà bán nữ trang để có tiền mua bạch phiến, đánh cắp cả nữ trang của cô Potter -con gái bà- đem đi bán. Có lần bà đi với một tên bán bạch phiến đến tiệm P. C. Richard & Sons electronics store mua bằng credit card một cái computer và một máy quay phim mới cho tên này, để đánh đổi một gói bạch phiến trị giá khoảng $500.

Tháng Ba 2013 bà bị bắt về tội đánh cắp căn cước, và lãnh án 8 tháng tù. Tám tháng không hút cần sa, không chích bạch phiến giúp bà mạnh khỏe hơn; và bà nôn nóng chờ ngày mãn tù -tháng 11/2013 để làm lại cuộc đời.

Sperring điện thoại cho con, và cô Potter bảo mẹ, “Má cần thận trọng lắm mới được; ở Staten Island, quê hương mình họ kỵ bạch phiến lắm.”

Sperring không về Staten Island, bà về căn phố nhỏ ngày xưa ở đường Wood Court; căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, nhưng đồ đạc chỉ còn một cái giường. Ông chồng cũ cho bà ở free, không phải trả tiền; không còn yêu thương bà nữa, nhưng ông vẫn tử tế giúp đỡ bà.

Nhưng chỉ 10 tháng sau, tháng Tám 2014 bà Sperring lại bị bắt về tội mua bán bạch phiến; bà sẽ ra tòa để bị xét xử vào tháng Chạp này.

Được hỏi sau vài tháng tù bà trở lại cuộc sống tự do, bà sẽ làm gì sau lần thứ nhì ngồi tù này, bà Sperring chán nản nói, “Tôi không muốn chết trong khách sạn, với một mũi kim chích còn cắm trên tay.”

Chỉ hút thử ma túy thôi, mà bà Sperring đã mất nhà, mất chồng, mất con mà cơn ác mộng vẫn chưa dứt. Bà sợ cái cảnh nằm một mình, chết lạnh trong phòng khách sạn, nhưng bà lại không có cách nào tránh khỏi.

Phương cách duy nhất là bỏ hút, trở lại cuộc sống lành mạnh bình thường, nhưng phương cách đó đòi hỏi quá nhiều nghị lực -thứ sức mạnh tinh thần mà bà không còn nữa.

(nđt)
__________________

Bài đọc thêm: "Hoảng loạn vì người nghiện ở Sài Gòn"

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...