11 November 2024

Câu Chuyện Yếu Lòng

Câu chuyện dưới đây xẩy ra đã lâu và bài viết đã đăng trên TTR. 

Nhưng khi đọc lại người ta thấy như sự việc mới xẩy ra hôm qua, rất mới, rất gần gũi, trong đó những rắc rối gây phiền toái rất khó chịu mà một nam nhân yếu lòng rất dễ vướng mắc. Nói khác đi, đó là một tai vạ mà hễ có đàn ông là có nó. Xin mời đọc, nhất là giới mày râu để hy vọng mỏng manh rằng khi gặp phải sẽ chạy thoát được. (TTR)


Báo chí và giới truyền thông Pháp từ lâu vẫn gọi Ông Dominique Strauss-Kaln tắt là DSK – cựu Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI. Câu chuyện tuy xảy ra ở thành phố New York, Hoa Kỳ, nhưng có liên quan tới Paris, vì ông DSK là một người Pháp. DSK, 62 tuổi, là chính khách thuộc đảng Xã Hội Pháp, từng giữ chức Bộ Trưởng liên quan đến kinh tế, tài chánh vào những năm 1991-1993 và 1997-1999 và được chọn làm Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế từ tháng 11-2007. Ông là một người được dư luận Pháp coi là sáng giá, nếu ra tranh cử Tổng Thống Pháp vào tháng 5.2012, sẽ đánh bại được ông Sarkozy, Tổng Thống đương nhiệm. Nhiều người thân cận đều tin là DSK sẽ từ chức TGĐ/FMI trở về Pháp chuẩn bị ra tranh cử Tổng Thống với danh nghĩa đảng Xã Hội.

Nhiều người đang chuẩn bị và chờ ông thì đột nhiên một biến cố lớn xảy ra cho ông. Vào lúc 4:30 pm ngày 14.5.2011 tại phi trường J F Kennedy, New York, ngay trước lúc chiếc máy bay Air France cất cánh bay về Paris, DSK bị cảnh sát Hoa Kỳ lên máy bay bắt ông và đưa về cơ quan cảnh sát. Lý do là một phụ nữ da đen tên Nafissatou Diallo, 32 tuổi, người gốc xứ Guinée, Phi Châu, nhân viên dọn phòng ở khách sạn Sofitel, NY báo với cảnh sát là trưa hôm đó bà bị DSK cưỡng hiếp trong phòng của ông. Hai tờ báo lớn New York Times và New York Post đưa lên trang nhứt những tin tức có tính cách cáo buộc DSK. Ông biện lý Cyrus Vance Jr. Cũng có những lời lẽ nặng nề đối với DSK.

Ngày thứ hai 16.5, DSK bị giải ra trước tòa án quận hạt Manhattan NY. Mặc dù luật sư của ông DSK xin đóng tiền ký quỹ một triệu đô la, xin giao hộ chiếu, để xin cho ông được tại ngoại hầu tra, nhưng bà chánh án M.C. Jackson từ chối, cho biết DSK bị cáo buộc về 7 tội danh và cho lệnh tạm giam DSK ở nhà tù Rikers Island NY. Công luận Pháp xúc động trước cảnh ông DSK bị còng tay với bộ mặt phờ phạc, râu lởm chởm, trước công chúng và ống kính của các ký giả Mỹ, và cho rằng luật pháp Hoa Kỳ không tôn trọng quyền được coi là vô tội của một người mới chỉ bị nghi ngờ phạm tội, nhưng chưa có án xử.

Ngày 18.5, đại bồi thẩm đoàn gồm 23 người họp kín để nghe nguyên cáo N. Diallo kể lại nội vụ. Cũng hôm nay, ông DSK gởi thư xin từ chức TGĐ cơ quan FMI.

Ngày 19.5, DSK ra trước Toán Án Tối Cao của Liên Bang NYork, các luật sư lại xin cho ông được tại ngoại hầu tra. Ông chánh án M. Obus chấp thuận với điều kiện đương sự phải đóng số tiền thế chân một triệu đô la, cộng với số tiền ký quỹ bảo đảm 5 triệu đô la, bị chỉ định cư trú, phải mang vòng kiểm soát bằng điện tử, phải tự trả tiền thuê một nhân viên an ninh trông chừng thường trực có võ trang. DSK được đưa ra khỏi nhà tù Rikers Island ngày 20.5.

DSK trước sau đều không nhận tội cưỡng hiếp N. Diallo, chỉ nhận có sự giao hợp nhưng với sự thuận tình của nguyên cáo.

Văn phòng biện lý Cyrus Vance Jr vẫn tiếp tục cuộc điều tra. Mỗi lần DSK xuất hiện ngoài đường, những phụ nữ trong Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ, những nữ nhân viên trong công đoàn về khách sạn dàn chào và đả đảo ông ta.

Sau khi thu thập những tin tức điểu tra, báo NYTimes bắt đầu dịu giọng với DSK và đưa ra những bằng chứng bất lợi cho bà N.Diallo.

Để phản ứng, bà N.Diallo mở cuộc họp báo, chắc hẳn là theo lời cố vấn của các luật sư của mình, diễn tả lại với cử chỉ lúc mà bà cho là bị ông DSK cưỡng hiếp trong phòng số 2806, khách sạn Sofitel. Nhưng người ta thấy sự xúc động của bà có nét giả tạo, cách diễn tả của bà như đóng kịch, nên không có hiệu quả thuyết phục.

Ngày 22.8, ông biện lý C.Vance Jr gọi bà N.Diallo tới văn phòng thông báo, theo kết quả điều tra, bà đã nói láo trong những lần cung khai bất nhứt về việc tố cáo ông DSK cưỡng hiếp bà, bà đã khai gian trong lý lịch để xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ, bà có tới 6 đường dây điện thoại chứ không phải một như bà đã khai, có bằng chứng cho thấy bà là thành phần trong một đường dây buôn ma tuý. Do những lẽ đó, văn phòng biện lý của ông sẽ đề nghị toà án huỷ bỏ lệnh truy tố ông DSK.

Ngày 23.8, toà án New York triệu tập phiên họp, có mặt hai bên nguyên và bị cáo cùng luật sư của hai phía. Sau khi nghe phó biện lý trình bày kết quả điều tra, ông chánh án M.Obus đã tuyên bố chấp thuận lời yêu cầu của công tố viện, huỷ bỏ lệnh truy tố hình sự ông DSK về 7 tội danh đã báo cho ông trước đây và tha bổng ông.

Ngay sau đó luật sư của bà Diallo đưa đơn lên tòa Thượng Thẩm xin huỷ đề nghị tha DSK của biện lý, nhưng tòa Thượng Thẩm bác đơn.

Trước đó, qua những tin tức điều tra về nội vụ, luật sư của bà N.Diallo biết là vụ án về phần hình sự sẽ bị huỷ bỏ, ngày 4.8 đã đưa đơn kiện ông DSK về phần dân sự để đòi bồi thường thiệt hại. Theo luật pháp của Hoa Kỳ, một vụ án có thể đem kiện về hai phần hính sự và dân sự riêng biệt. Toà đã nhận đơn. Nhưng vụ kiện về dân sự thường kéo dài một hai năm.

Được trả tự do, ông DSK cùng bà vợ đã về Pháp ngày 4.9.

Nhưng cái nạn của ông DSK vẫn chưa dứt. Song song và cùng thời với vụ án Diallo ở Mỹ, bên Pháp cô Tristane Banon, một nữ ký giả và văn sĩ, đâm đơn kiện ông DSK ở Pháp đã toan cưỡng hiếp cô trong một buổi phỏng vấn DSK dành cho cô năm 2003. Thẩm phán đã đòi và nghe lời khai của cả hai bên và đã cho đối chất, sau đó đã tuyên bố không có bằng chứng rõ rệt về việc DSK toan cưỡng hiếp, nhưng xác nhận ông DSK có xâm phạm tình dục cô T.Banon; tuy nhiên theo luật của Pháp sự việc xảy ra đã 8 năm, tội danh nầy đã bị thời tiêu, và tuyên bố xếp hồ sơ.

Vẫn chưa hết. Theo tin tức gần đây, ông DSK bị nghi ngờ, trong thời gian một, hai năm gần đây, có dính líu vào một đường dây cung cấp gái mại dâm hạng sang ở một khách sạn ở Lille, một thành phố miền bắc nước Pháp, với tư cách của một người thụ hưởng. Nhiều người trong đó có một số giới chức công quyền đã bị bắt giữ để điều tra. Có lẽ ông DSK cũng sẽ được cảnh sát mời để lấy lời khai.

Sau vụ Diallo bên Mỹ, tuy DSK được tha bổng về phần hình sự, nhưng qua tin tức báo chi về đời sống tình dục của DSK (cũng nên biết bà vợ hiện tại của ông là người thứ ba, sau khi ông đã lần lượt ly dị với hai người vợ trước), uy tín chính trị của ông xuống rất thấp, có người còn cho là sự nghiệp chính trị của ông coi như tiêu tan. Chính DSK có lần đã tự nhận ông có một điểm yếu về phía phụ nữ.

Câu chuyện bổn phận vợ chồng

Tháng 5.2011 vừa qua, Toà Thượng Thẩm Aix-en-Provence ở miền nam nước Pháp đã xử y án của Toà Sơ Thẩm cho ly dị một cặp vợ chồng và buộc người chồng phải bồi thường thiệt hại cho người vợ 10.000 euros. Lý do là hai người đã cưới và ăn ở với nhau đã 21 năm, có hai đứa con, nhưng người chồng không mặn mòi lắm với chuyện chăn gối. Mặc cho những cố gắng hâm nóng của chị vợ, anh chồng vẫn không tha thiết, không tích cực và thú nhận lửa tình trong anh đã nguội với thời gian, vì sức khoẻ, vì công việc, vì mệt nhọc... Nhưng luật về hôn nhân lại qui định chuyện tình dục là một yếu tố quan trọng, một bổn phận để duy trì đời sống chung của vợ chồng.

Thế mới biết, trong chuyện đó, các đấng mày râu thuộc hạng tả xung hữu đột hoặc ngược lại xuội lơ đều dể mắc nạn thằng nhỏ hại thằng lớn.

NQMinh

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...