30 December 2022

Âu Châu Chống Đỡ Nga

Mark Leonard, “Russia-proofing Europe“, PS
Chuyển ngữ: Lương Định Văn

Ukraine sẽ bước vào năm 2023 với những cánh buồm lộng gió. Mặc cho những nỗi khó khăn vượt bậc, họ đã đẩy lùi nỗ lực ban đầu của Nga nhằm chiếm đóng Kyiv, sau đó tái chiếm vùng lãnh thổ rộng lớn xung quanh Kharkiv và Kherson, đồng thời gây tổn thất nặng nề cho lực lượng xâm lược. Phát biểu ngay sau khi tờ báo Politico vinh danh ông là người có quyền lực nhất ở Âu Châu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ vẻ lạc quan về mùa đông, dự đoán rằng người dân Ukraine sẽ được hưởng ‘ hòa bình’ vào năm tới.

Photo: The Strategist

Tuy nhiên, như cựu ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski đã trình bày, thật khó tưởng tượng sẽ có được một sự thỏa hiệp đem lại nền hòa bình. Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn một Ukraine tiếp tục ‘không liên kết’, ông ta sẽ phải triệt thoái khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, trên thực tế có nghĩa là thừa nhận sự thất bại. Điều đó sẽ không thể chấp nhận được đối với Putin. Tương tự như thế, Zelensky khó có thể xem xét việc nhượng bộ bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Ukraine trừ khi Ukraine cũng được đề nghị là một thành viên của NATO. Bởi vì những tình huống này khó có thể xảy ra, nên có mọi lý do để dự đoán rằng cuộc xung đột sẽ kéo dài.

Trước triển vọng về một chiến thắng quân sự của Nga ngày càng giảm dần, Putin đã tập trung vào việc phá vỡ sự đoàn kết của Liên Minh Tây Phương (EU) trong việc hỗ trợ và cung cấp cho Ukraine. Do đó, ông ta đang can dự vào một ‘cuộc xung đột toàn diện’ vượt ra ngoài chiến trường để bao gồm một cuộc tấn công đa diện chống lại Liên minh Âu Châu.

Chẳng hạn các chiến thuật khủng bố của Nga ở Ukraine, bao gồm các cuộc tấn công dai dẳng gần đây vào hạ tầng cơ sở dân sự như các nhà máy điện, rõ ràng nhằm mục đích làm cho cuộc sống của Ukraine ngày càng trở nên không thể chịu đựng được và tạo thêm một làn sóng người tỵ nạn đến các nước EU. Hiện đã có 30% người Ukraine đang thất nghiệp và Zelensky đã yêu cầu những người tị nạn đừng quay trở về vào mùa đông này – một dấu hiệu đáng quan ngại.

Con số 14 triệu người Ukraine đã phải di tản trong năm nay là số lượng người tị nạn lớn nhất ở Âu Châu kể từ khi kết thúc cuộc Thế chiến thứ II, và tám triệu người đã phải trốn sang EU khiến cho ‘cuộc khủng hoảng người tị nạn’ vào năm 2015 giống như một giai đoạn khởi đầu. Sự hào hiệp của Âu Châu đối với người tị nạn Ukraine là điều đáng phấn khởi. Nhưng liệu nó sẽ kéo dài được bao lâu?

Con số người tị nạn ở Ba Lan hiện quá cao—8% cư dân của nước này được sinh ra bên ngoài lãnh thổ Ba Lan—đến nỗi một số nhà bình luận hiện gọi nước này là ‘quốc gia có hai quốc tịch’. Sự biến đổi từ một quốc gia di cư trở thành một quốc gia nhập cư sẽ có những hậu quả sâu xa. Ba Lan đã chi gấp đôi số tiền dành cho việc tiếp nhận người tị nạn so với số chi về viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine. Họ cũng không phải là một quốc gia duy nhất. Riêng về nước Đức hiện đã tiếp nhận hơn một triệu người Ukraine.

Ngoài việc vũ khí hóa vấn đề di dân, Putin cũng sẽ tiếp tục sử dụng nguồn cung cấp năng lượng để làm suy yếu quyết tâm của Tây Phương, sử dụng nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón để đạt được lợi thế chính trị trên trường quốc tế. Một phân tích gần đây của tờ The Economist cho thấy việc gia tăng giá cả do cuộc chiến năng lượng của Putin gây ra có thể đưa đến sự tử vong của hơn 100.000 người trên khắp Âu Châu trong mùa đông này, có thể vượt quá tổng số tử vong trên chiến trường cho đến nay.

Hơn nữa, nạn lạm phát, hậu quả trực tiếp của cuộc chiến năng lượng của Putin ở Âu Châu, có thể góp phần gây ra tình trạng bất ổn chính trị trên toàn thế giới bằng cách tạo thêm áp lực cho các nền kinh tế vốn đã bị đè nặng bởi mức tăng trưởng thấp, tình trạng khan hiếm lao động và ảnh hưởng của các mối tranh chấp về mậu dịch đang diễn ra.

Nhằm gia tăng mức độ trầm trọng của các hệ quả do cuộc chiến năng lượng gây ra, Putin sẽ tiếp tục dùng các vụ phá hoại và tấn công mạng để gây suy yếu cho hạ tầng cơ sở quan trọng như các đường ống dẫn, dây cáp đặt dưới biển, thiết lộ và mạng lưới thông tin liên lạc. Ông ta cũng sẽ tăng cường nỗ lực tranh giành ảnh hưởng và đánh lạc hướng các nhà hoạch định chính sách của Tây Phương ở các khu vực đầy rủi ro như Tây Ba Nhĩ Cán, Trung Đông và Phi Châu.

Mục tiêu của tất cả các đòn phép này có mục đích chính trị hơn là kinh tế. Putin tin rằng con đường tốt nhất—và có lẽ duy nhất—để dẫn đến chiến thắng là nhằm gây chia rẽ Tây Phương. Bằng những thông tin sai lệch trên mạng xã hội và các thủ đoạn gian dối khác, Điện Cẩm Linh đang sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để can thiệp vào nền chính trị của Âu Châu, khai thác những mối rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Sự đoàn kết của Xuyên Đại Tây Dương đã, đang và sẽ vẫn là yếu tố quan trọng đối với sự sống còn của Ukraine và nền an ninh của Âu Châu nói chung. Nhưng nó sẽ phải chịu những áp lực ngày càng gia tăng. Tại Hoa Kỳ, các lực lượng chính trị ở cả cánh hữu và cánh tả đang phàn nàn về những cam kết tài chính lớn không cân xứng của đất nước họ đối với nền an ninh Âu Châu và của Ukraine. Và có sự bất đồng sâu xa về những gì sẽ cần phải làm sau đó – kết thúc của ván cờ – từ những thành công trên chiến trường của Ukraine.

Để đối phó với cuộc tấn công từ nhiều phía của Điện Cẩm Linh, EU không những phải duy trì sự đoàn kết của riêng mình mà còn phải tăng cường sự hỗ trợ cho Ukraine để chứng minh rằng Âu Châu không phải là kẻ ăn bám, và phải bắt đầu xây dựng một chính sách chung đối với nước Nga trong dài hạn. Điều đó sẽ không dễ dàng, do sự mất tin cậy giữa các quốc gia thành viên về vấn đề này.

Ít nhất, các nước Tây Âu sẽ phải từ bỏ giấc mơ xây dựng một cấu trúc an ninh Âu Châu bao gồm nước Nga. Vào lúc này, một trật tự ổn định của Âu Châu chỉ có thể đạt được nhằm đối phó với Putin, thay vì hợp tác với ông ta. Đồng thời, các quốc gia ở tuyến đầu như Ba Lan sẽ cần phải chấp nhận rằng ngoài một trật tự an ninh Âu Châu với khuynh hướng chống lại Nga, cũng cần phải duy trì các đường lối ngoại giao để đàm phán về một số vấn đề.

Biện pháp leo thang và ngoại giao đều có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với việc viện trợ cho Ukraine và các biện pháp chế tài nước Nga, đặc biệt là ở những quốc gia cảm thấy ít bị đe dọa trực tiếp bởi Điện Cẩm Linh. EU cần có một bộ chính sách toàn diện—giải quyết mọi vấn đề, từ năng lượng và di cư đến cơ sở hạ tầng quan trọng và hệ thống chính trị trong nước—để tự bảo vệ mình trước cuộc xung đột toàn diện của Putin.

Người Âu Châu đã cùng nhau hợp tác bằng những phương cách mới để đối phó với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19. Bây giờ, một lần nữa, họ phải làm như vậy để phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng để chống lại sự xâm lược, áp lực và hành vi lừa đảo của Nga.

**
Mark Leonard, Giám đốc của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu và là tác giả của cuốn sách “The age of unpeace: how connectivity causes conflict.”

No comments:

Post a Comment