04 December 2022

Tâm Sự Người Thích Vẽ Biển

Càng về sau này tôi càng nhận ra rằng họa sĩ chuyên vẽ biển nổi tiếng rất hiếm, nên sách dậy vẽ biển hiếm là phải. Nếu có ai trong số những họa sĩ này muốn truyền đạt cái sở trường của mình cho người khác, thì cũng chỉ dùng những DVD chỉ dẫn vẽ sóng biển; học viên nhìn đương sự vẽ và nghe giải thích, nghĩa là rất khó gom những kinh nghiệm on-hand để cô đọng vào những nguyên tắc căn bản để cho người học dễ nhớ. Có lắm cũng chỉ dăm ba điều nhưng cũng không phải hoàn toàn là nhưng nguyên tắc bất di bất dịch.

Thế cho nên nếu có ai hỏi trong hội họa cái gì khó vẽ nhất, tôi sẽ trả lời ngay: Ngoài nhân dạng ra - nét mặt và cử động của con người - thì không còn gì khó hơn vẽ biển động - sóng biển.

Những họa sĩ vẽ chân dung thành công dễ hội nhập vào một điểm đồng quy. Những họa phẩm của họ vẽ nhiều khi không phân biệt được là của ai nếu không nhìn vào chữ ký trên họa phẩm. Trong cùng một trường phái họ học cùng một mớ nguyên tắc giống nhau, nên những bức chân dung vẽ đạt có những nét giống nhau.

Nhưng cách diễn tả sóng biển tùy thuộc phần lớn vào năng khiếu và cảm nhận riêng của cá nhân. Bởi như đã trình bày, người vẽ biển không có nhiều nguyên tắc chi phối họ. Khi nhìn những bức tranh biển nổi sóng của những danh họa, chúng ta dễ dàng nhìn ra những lối vẽ cá biệt của từng người.

Những người để ý tìm hiểu về hội họa đều biết rằng ánh sáng là điều quan trọng nhất tạo nên một bức tranh. Ánh sáng biến một vật "mầu đen" thành trắng,. Không ánh sáng một vật "mầu trắng" trở nên đen. Giữa đen và trắng là những sắc độ khác nhau. Những sắc độ này tăng giảm nhẹ nhàng như nơi bề mặt của một trái bầu, hay đột biến như trên một viên kim cương đã gọt dũa.

Quan sát khuôn mặt một người hay một con sóng, chúng ta thấy có nhiều mặt (plane) khác nhau. Những mặt này thay đổi liên tục theo đủ mọi chiều. Chỉ riêng một bên má thôi làn da đã hướng ra nhiều hướng khác nhau và từ đó nhận ánh sánh theo những góc độ khác nhau. Rồi chiếc mũi, đôi mắt, là cả một công trình kiến trúc độc đáo tạo hóa đã uốn nắn trên con người. Quan sát một con sóng ta cũng thấy sự phức tạp này.

Nguồn sáng chiếu vào một khuôn mặt không phải chỉ là một ngọn đèn và ánh mặt trời lọt qua khung cửa mở. Nguồn sáng rọi trên một con sóng không phải chỉ là ánh tà dương và bầu trời thiên thanh. Ngoài những nguồn sáng chính ấy, còn nhiều nguồn sáng phụ cần quan sát và nhận ra.

Bạn còn muốn nghe thêm không, hay đã ngán rồi? Da một người không phải là đồng nhất đâu. Nơi này nhiều sắc hồng vì những vi động mạch nằm sát trên làn da. Chỗ kia có màu xanh xanh vì những tĩnh mạch không có chỗ chìm xuống! Sóng biển cũng vậy. Mầu sắc đến với mắt chúng ta có thể là do ánh sáng phản chiếu mà cũng có thể do ánh sáng xuyên suốt. Chắc cũng không cần nhắc lại là sóng có bao nhiêu mặt cùng góc độ, thì sẽ có bấy nhiêu màu và sắc độ.

Tuy có nhiều đìểm giống nhau về kỹ thuật khi vẽ, nhưng giữa nhân dạng và sóng biển cũng có những điểm khác biệt mà quan trọng nhất là: Người ta bỏ tiền ra thuê được người mẫu. Nhưng người ta không thuê mướn được "con sóng mẫu" ngồi yên để ta phác họa. Sóng luôn luôn chuyển động không khi nào ngừng nghỉ. Hết gió thì sóng cũng biến mất. Thi nhân có thể van nài gió yên để được ngắm sóng. Họa sĩ không thể mơ chuyện đó được!

Sao không dùng máy ảnh? Phải rồi, hình chụp giúp rất nhiều cho hội họa, nhưng khi vẽ sóng biển  nhiếp ảnh không giúp tới nơi tới chốn cho họa sĩ. Không mấy ai đìên chèo thuyền ra giữa trùng khơi gió bão để chụp hình. Mà có chụp được thì đó cũng chỉ là những tấm hình mờ mịt hơi nước, không rõ nét như khi nhìn bằng mắt thật.Trớ trêu thay nhiều họa sĩ và người thưởng lãm mong muốn được ngắm nhìn sóng to gió lớn ngoài biển khơi ngay tại căn phòng khách này!

Nhưng nghề chơi nào cũng lắm công phu. Không công phu, nhất định không vui!

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...