Thụy My
Một thủy quân lục chiến Mỹ hướng dẫn một trẻ em đến với gia đình trong cuộc di tản tại phi trường quốc tế Hamid Karzaiở Kabul, ngày 24/08/2021. via REUTERS |
Bóng tối đã chiến thắng ánh sáng, đêm dài Trung Cổ hứa hẹn sẽ xóa nhòa những tia sáng tự do còn le lói trên vùng đất Afghanistan sau 20 năm chiến tranh. Chén đắng này khó thể nuốt trôi, và các tuần báo Pháp lại tiếp tục bàn luận về thời kỳ hậu Afghanistan, tuy lúc lên khuôn chưa xảy ra vụ khủng bố đẫm máu ở phi trường Kabul.
Cụ già lãnh đạo đại cường trước khủng bố quốc tế
Le Figaro số cuối tuần kịp cập nhật thời sự, trong bài «Ông già và bọn khủng bố», đã gay gắt chỉ trích, khi ra lệnh cuốn lá cờ sao trên căn cứ quan trọng Bagram, ra đi không kèn không trống vào đầu tháng Bảy mà chẳng buồn báo cho chỉ huy trưởng quân đội Afghanistan, Joe Biden đã khởi đầu một vòng xoáy bi thảm. Biden «nhận trách nhiệm những sự kiện vừa qua», vì cái chết của cả trăm người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ trong vụ khủng bố ở phi trường Kabul là do những sai lầm của ông.
Dù đã có bốn thập niên kinh nghiệm ngoại giao, Biden ấn định trước thời điểm rút quân vô điều kiện, triệt thoái quân đội trước khi di tản thường dân và khí tài, đi ngược với nguyên tắc quân sự. Làm như thế, Joe Biden đã đưa nước Mỹ xuống hố. Nhìn cảnh tối thứ Năm ông hứa hẹn «truy lùng và buộc bọn khủng bố phải trả giá», khó thể tin rằng ông cụ có bàn tay đủ cứng rắn để lãnh đạo một đại cường.
Cuộc tháo chạy khỏi Kabul sẽ đi vào biên niên sử như một thảm bại đẫm máu. «Thành công» của cuộc di tản hỗn loạn 100.000 thường dân chẳng bao lâu không còn che giấu được hai thất bại: bỏ rơi những trợ thủ của phương Tây và làn sóng nửa triệu người Afghanistan mà theo Liên Hiệp Quốc sẵn sàng ra khỏi nước bằng phương tiện của mình. Taliban hứa bảo đảm an ninh, nhưng quá tải và bất lực, cho thấy an ninh – ngỡ rằng là điểm mạnh của Taliban – nhưng rốt cuộc phe này không hơn gì các chế độ Hồi giáo khác.
Ngày 11 tháng Chín 20 năm sau: Mèo lại hoàn mèo
Kết quả đã được nhìn thấy: một Afghanistan lại trở thành tâm điểm của quân thánh chiến, và phải có cả một luận án tiến sĩ để phân biệt được các đồng minh và các đối thủ của chính quyền mới! Sau sự kiện ngày 11 tháng Chín, tổng thống George W. Bush đã biện minh cho việc tham chiến nơi xa bằng sự cần thiết phải «chiến đấu với bọn khủng bố ở nơi đó để khỏi phải đối đầu tại đây». Sau 20 năm, 2.300 người lính Mỹ đã hy sinh ở Afghanistan, phải chăng mọi sự lại trở về vạch xuất phát?
Le Point cho rằng «11 tháng Chín, di sản rắc rối cho Joe Biden». Rất thích những thời điểm mang tính biểu tượng, Biden đặt ra mục tiêu đến ngày Quốc khánh 04/07 đạt tỉ lệ tiêm chủng 70% người trưởng thành ở Mỹ, nhưng thất bại.
Một dịp kỷ niệm quan trọng là 20 năm các vụ khủng bố ngày 11/09 làm 2.977 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương, Biden nhất định cho triệt thoái quân Mỹ để trở thành tổng thống kết thúc cuộc chiến tranh 20 năm, dài nhất trong lịch sử Mỹ. Hậu quả là quân đội Afghanistan không còn được không lực yểm trợ, đã nhanh chóng tan rã. «Thế hệ Z» (sinh ra từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) không có kỷ niệm gì về vụ tòa tháp đôi bị sụp đổ, ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan, nhưng bức xúc trước những hình ảnh hỗn loạn của cuộc rút chạy.
«Sen đầm» Mỹ không can thiệp vào mọi nơi
Trong bài «Biden, Afghanistan và chúng ta», tác giả Pierre Haski trên L’Obs khẳng định mặc cho những hình ảnh thảm hại ấy, Hoa Kỳ vẫn là đại cường kinh tế và quân sự đứng đầu thế giới. Ngược lại, một nước Mỹ «sen đầm quốc tế» đã kết thúc: vị hiến binh này sẽ chọn lọc các cuộc khủng hoảng để can thiệp. Biden rút khỏi Afghanistan để đối phó với Trung Quốc, trong một thế giới bất định với nhiều xung đột. Washington giờ đây chỉ có tiêu chí duy nhất là lợi ích trực tiếp của Mỹ.
Nhiều đồng minh Châu âu từng hy vọng vào Biden, vào sự trở lại của một siêu cường hào hiệp thời hậu chiến tranh lạnh, thấy rằng họ đã lầm. Donald Trump không phải là một «sự cố của lịch sử», một hiện tượng nhất thời, mà là biểu tượng cho một sự thay đổi sâu sắc của nước Mỹ. Chịu cú sốc lớn nhất có lẽ là Anh, vừa ra khỏi Liên Hiệp Châu âu, nhận ra «mối quan hệ đặc biệt» với Mỹ chỉ là lời nói suông. Luân Đôn cũng bị đặt trước «việc đã rồi» ở Kabul như các nước khác.
Tương tự, khi nhận định «Thất bại ở Afghanistan khiến NATO hụt hơi», Le Point cảnh báo tình hình Afghanistan có thể dẫn đến hai xu hướng nguy hại. Hoặc tìm cách đứng giữa các phe, một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Trung Quốc, Nga và các nước độc tài, nhưng như thế là từ bỏ việc bảo vệ các giá trị của mình. Xu hướng thứ hai là cho rằng quân sự không còn quan trọng vì Mỹ cũng thua trước quân Hồi giáo, nên chọn con đường quy phục. Vào lúc các thế lực xét lại do Tập Cận Bình, Putin, Erdogan dẫn đầu tìm cách thay đổi trật tự thế giới, Châu âu cần phải tham gia gầy dựng một NATO vững mạnh, không dựa dẫm vào Mỹ.
Ai sẽ đối thoại được với Taliban ?
Hồ sơ của Courrier International xoay quanh vấn đề «Ai sẽ nói chuyện được với Taliban?». Tuần báo trích dịch tờ báo cánh tả Mỹ The Nation cho rằng «Cần phải tìm ra phương cách hợp tác».
Nếu tính đơn thuần về địa lý, nhiều nước chịu tác động về những gì diễn ra ở Afghanistan và có ý định can dự, nhất là Trung Quốc, Iran, Pakistan, Nga và Ấn Độ. Ba nước đầu có biên giới chung với Afghanistan, còn Nga tuy không trực tiếp, nhưng luôn quan tâm đến sự ổn định ở Trung Á, trong khi Tadjikistan, Turkmenistan và Uzbekistan có đến 2.000 km đường biên giới với Afghanistan. Không nước nào muốn thấy một Afghanistan loạn lạc.
Tờ Nezavissimaia Gazetta ở Matxcơva nhận xét, Trung Quốc và Nga có thể thay chân Mỹ, còn tờ HK01 ở Hồng Kông cho rằng đây là dịp để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng. Tuy dòm ngó các tài nguyên, nhưng từ mười năm qua Trung Quốc không tham gia dự án lớn nào tại Afghanistan. Không phải vì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này, mà do an ninh không được cải thiện.
Bạn cũ Pakistan và «bạn» mới Trung Quốc
L’Obs nói về «Những người ‘bạn’ mới của Taliban», với tấm ảnh Vương Nghị bên cạnh giáo chủ Baradar, người đồng sáng lập Taliban.
Tuần báo nhận xét báo chí Mỹ đua nhau đả kích tổng thống, ngay cả những tờ báo thân Biden, đồng thời không quên Pakistan. Wall Streert Journal tố cáo nếu Pakistan không hỗ trợ, chứa chấp, thì Taliban không thể nào sống sót. Theo L’Obs, Pakistan không chỉ ủng hộ, mà còn «sáng tạo» ra Taliban. Trong thập niên 1980, tình báo Pakistan (ISI) đã chuyển giao viện trợ quốc tế cho quân nổi dậy Afghanistan, là người Hồi giáo thuộc nhiều sắc tộc chống quân Liên Xô chiếm đóng. Khi Hồng quân ra đi năm 1989, Pakistan muốn có một chế độ Hồi giáo «bạn bè». ISI tuyển lựa và huấn luyện một lớp trẻ người Pachtoune theo đạo Hồi cứng rắn, khai sinh phong trào Taliban (chủng sinh, môn đồ).
Sự hai mặt của Islamabad: liên minh với Mỹ nhưng lại ủng hộ quân khủng bố khiến Washington lạnh nhạt dần, và đến 2011 khi đặc nhiệm Mỹ phát hiện Ben Laden sống an nhàn tại một thành phố Pakistan và trừ khử được, thì quan hệ càng lạnh giá. Do muốn xây dựng một Nhà nước tại Afghanistan không có lối ra biển, Washington đành phải chấp nhận, nhưng với việc triệt thoái khỏi nước này, đồng minh Pakistan nay đã mất đi ưu thế.
Về ông «bạn» mới Trung Quốc của Taliban, đã bỏ một số tiền lớn mua một mỏ đồng và một giếng dầu ở Afghanistan nhưng chưa khai thác vì mất an ninh, nay trở nên nhân tố cần thiết khi Mỹ rút quân. Đây là món quà được Joe Biden «kính tặng» hay là một cái bẫy? Một think tank Đài Loan tự hỏi. Liệu những người «Taliban mới» có để mặc cho các đồng đạo Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc đàn áp? Bắc Kinh có thể mất ngủ với câu hỏi này. Về phần Washington, thoát khỏi «cuộc chiến bất tận» ở Afghanistan, có thể tập trung cho việc đối phó với Trung Quốc ở châu Á.
Tương lai của thánh chiến quốc tế
The Economist quan tâm đến «Sau Afghanistan, giai đoạn mới của thánh chiến quốc tế là gì?». Các phe thánh chiến không giống nhau, không đồng nhất về lý tưởng, có những phe kình địch lẫn nhau. Tuy nhiên thắng lợi ở Afghanistan sẽ mang lại phấn chấn cho họ.
Một khi quân thánh chiến giành được quyền lực, họ nhận ra rằng chủ thuyết của mình khiến lãnh đạo khó khăn hơn. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) chỉ ngự trị được tại Irak và Syria ba năm, hoạt động kinh tế không có gì khác hơn là cướp phá, bắc cóc, làm các nước và Irak theo Shia ghê sợ, liên kết lại để đánh bại. Đối với phe Taliban từng gây sợ hãi lúc thống trị trước đây, các khó khăn đang chờ đợi: cạn tiền vì dự trữ ngoại hối bị Mỹ phong tỏa, kinh tế tê liệt, vật giá gia tăng.
Thất bại của tình báo Mỹ, hay do Washington chủ quan?
L’Express nhận định «Sau thất bại Afghanistan, tình báo Mỹ trong tầm ngắm». Tại Washington, người ta đổ lỗi cho nhau. Tình báo - bị bất ngờ trước đà tiến của Taliban - bị chỉ trích dữ dội, nhưng thật ra Joe Biden không muốn nghe những cảnh báo của họ.
Một giám đốc CIA bị bất ngờ không bao giờ là dấu hiệu tốt cho Hoa Kỳ. Hôm Chủ nhật 15/08, Bill Burns phải vội vã gọi qua video với Joe Biden từ…Dinh tổng thống Ai Cập. Kabul đã thất thủ, mà CIA không thể ngờ. Dân biểu Dân Chủ Jackie Speier cho đây là thất bại của tình báo. Tại Lầu Năm Góc, tổng tham mưu trưởng nói rằng chưa bao giờ đọc được «một báo cáo nào dự báo lực lượng 300.000 quân tan rã trong vòng 11 ngày». Rồi Nhà Trắng nhấn mạnh, Joe Biden không có thông tin gì.
Thế nhưng từ nhiều tháng qua, những văn bản cảnh báo chồng chất tại các văn phòng ở Washington. Trên thực địa, báo động đến từ khắp nơi nhưng không được cấp cao nhất ngó ngàng. Gordon Adams, giáo sư American University, từng tham gia chính quyền Clinton nhớ lại vụ 11 tháng Chín. Đã biết rằng Al Qaida chuẩn bị tấn công, nhưng báo cáo chưa hoàn chỉnh và rất vất vả để đến được Washington.
Marc Polymeropoulos, cựu giám đốc văn phòng CIA ở Afghanistan bất bình cho biết, công việc của ngành tình báo không phải là đoán được sự kiện sẽ xảy ra vào ngày nào, ở đâu…mà khi cảnh báo Taliban có thể nắm quyền 30 ngày sau khi rút quân, có nghĩa là báo động đỏ. Nhà nghiên cứu Steph Shample nhắc lại khi Mỹ rút khỏi Irak, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) nhanh chóng phát triển, và giờ đây Taliban cũng như IS đều phấn chấn trước thất bại của Washington. Khó khăn nhất cho tình báo Mỹ là không còn tai mắt tại chỗ, và điều mỉa mai là các gián điệp Mỹ cần thiết hơn bao giờ hết trong những tháng tới.
Guantanamo : Obama thả cọp Taliban về rừng
Nói về «Sự tái sinh của Taliban từ Guantanamo», Le Point cho biết nhiều tù nhân được Barack Obama phóng thích từ nhà tù nổi tiếng này, bất chấp khuyến cáo của tình báo, nay nằm trong số các lãnh đạo Taliban.
Khairullah Khairkhwah, 54 tuổi, cựu bộ trưởng Nội Vụ Taliban thời trước, thân cận với Oussama Ben Laden và giáo chủ Omar, từ sống 13 năm trong nhà tù Guantanamo. Ông ta cùng với bốn tù nhân nguy hiểm khác được Obama trả tự do hồi tháng 5/2014, đưa sang Qatar dưới chế độ quản thúc và đoàn tụ với gia đình. Nhóm này là phôi thai của một chính quyền Taliban lưu vong, và khi thương lượng với Washington, cả năm cựu tù nhân nằm trong phái đoàn chính thức, đường hoàng đối diện với các tướng lãnh và nhà ngoại giao Mỹ.
Giới tình báo hồi đó hết sức kinh ngạc trước quyết định của Obama. Cả bộ Ngoại Giao lẫn Quốc Phòng đều xếp năm người này vào loại «cực kỳ nguy hiểm», thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain đánh giá «cực đoan nhất trong số những kẻ cực đoan», và đặc biệt là nhóm duy nhất không hề được ủy ban trả tự do có điều kiện bật đèn xanh. Tuy nhiên ông Obama muốn đổi lấy Bowe Bergdahl, một trung sĩ đào ngũ bị Taliban bắt làm con tin.
Tại Guantanamo, Khairullah Khairkhwah đã làm cho các quản giáo phải «lên bờ xuống ruộng». Từ chối tắm rửa, ăn uống, phá hoại đệm nằm, gây ồn ào suốt ngày, quẳng gà-mên (cà-mèn) sữa vào mặt quản giáo…thậm chí xúi giục bạn tù tự sát. Bốn người còn lại cũng có bảng thành tích dày cộm, như Mohammed Fazl Mazloom, 54 tuổi. Bị cáo buộc tội phạm chiến tranh, ông ta từng nhiều lần ra lệnh tàn sát hàng loạt trong đó có 170 thường dân vào tháng Giêng năm 2001. Hoặc Abdul Haq Wasiq, một trong những người từng lãnh đạo tình báo của Taliban, rất thân với Al Qaida.
Tất cả đang chờ đợi quay lại Afghanistan với chức vụ cao cấp. Đã có một cựu tù nhân Guantanamo vừa được bổ nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng lâm thời của Taliban : Abdul Qayyum Zakir, 48 tuổi, được Mỹ thả năm 2007 và lập tức quay lại chiến trường.
Nguồn: rfi (https://www.rfi.fr/vi)