16 August 2021

Điều gì giúp Taliban thắng như chẻ tre ở Afghanistan?

Nguồn: “The Taliban’s terrifying triumph in Afghanistan”, The Economist, 15/8/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên

Trong những năm gần đây, dinh tổng thống ở Kabul, được gọi là Arg, hay tòa thành, đã là một ốc đảo yên bình trong một thành phố nhộn nhịp, căng thẳng. Để đến được nó, du khách phải đi một dặm qua các trạm kiểm soát, được biên chế bởi các đội biệt kích quân đội Afghanistan được trang bị ngày càng tốt. Bên trong tòa nhà được xây từ thế kỷ 19, các quan chức chính phủ Afghanistan nhâm nhi ly latte tại một quán cà phê thông minh, được bao quanh bởi những khu vườn được chăm sóc tốt, và thảo luận về tình hình chính trị bên ngoài, ở một đất nước Afghanistan thực tế.

Khi phóng viên chúng tôi đến thăm lần gần đây nhất, các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia giải thích rằng theo quan điểm của họ, Taliban rất yếu. Theo các quan chức này, lý do duy nhất khiến họ không bị quân đội chính phủ Afghanistan được Mỹ hỗ trợ đánh bại, là vì chính phủ Afghanistan không muốn gây nguy hiểm cho dân thường bằng cách tiến hành các cuộc tấn công. “Họ không thể giành chiến thắng quân sự,” một quan chức nói. “Lực lượng đặc biệt của chúng tôi rất mạnh. Taliban chỉ có thể đánh kiểu du kích”.

Vào ngày 15 tháng 8, máy bay trực thăng đã bay qua bay lại dinh tổng thống để sơ tán những vị quan chức đó. Một đám khói bốc lên từ tòa nhà đại sứ quán của Mỹ, vốn trông giống như một pháo đài, khi nhân viên đốt các tài liệu nhạy cảm. Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố “sẽ không có trường hợp nào bạn phải chứng kiến người dân được bốc lên khỏi mái nhà” của tòa đại sứ quán Mỹ, như ở Sài Gòn năm 1975, đã xuất hiện hình ảnh các máy bay trực thăng bay lượn trên khu nhà này, đưa các nhà ngoại giao Mỹ đến sân bay.

Trong khi đó, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban ở Doha, thủ đô Qatar, nơi lực lượng này có đại diện ngoại giao và chính trị, đã hùng hồn tuyên bố rằng lực lượng Taliban sẽ ngừng tiến quân ngay cửa ngõ thành phố trong khi tiến hành các cuộc đàm phán về việc đầu hàng của chính phủ. Ashraf Ghani, tổng thống Afghanistan từ năm 2014, được cho là đã tháo chạy khỏi đất nước cùng với các phụ tá thân cận nhất của mình. Nhà nước Afghanistan, được xây dựng trong hơn hai thập niên với hàng nghìn tỷ đô la, dường như đã biến mất vào hư không.

Làm thế nào mà một chính phủ với 350.000 binh sĩ, được huấn luyện và trang bị bởi những quân đội tốt nhất trên thế giới, lại sụp đổ nhanh chóng như vậy? Năm 1975, quân đội Bắc Việt Nam, được hậu thuẫn bởi một siêu cường, vẫn phải mất nhiều tháng để tiến quân qua miền Nam Việt Nam, chiến đấu khốc liệt để giành lãnh thổ. Taliban, được cho là có quân số không quá 200.000 người, được trang bị phần lớn bằng các thiết bị mà họ thu được từ kẻ thù, đã chiếm tất cả các trung tâm đô thị của Afghanistan trong vòng chưa đầy một tuần, mà nhìn chung hầu như không gặp phải nhiều kháng cự (xem bản đồ). Câu trả lời dường như là các hạn chế về sức mạnh quân sự của họ đã được bù đắp bởi sự mưu trí, quyết tâm, và khôn ngoan chính trị. Trong năm qua, các nhà ngoại giao ở Doha đã hy vọng rằng Taliban có thể bị buộc phải đàm phán với chính phủ của ông Ghani để chấp nhận một loại thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào đó. Taliban rõ ràng nhận ra rằng sẽ có lợi hơn cho họ nếu thương lượng với cấp dưới của ông Ghani, qua từng thành phố một, từ đó làm mất vị thế của chính phủ trung ương.

Do đó, tại Herat, một thành phố chiến lược gần biên giới Iran, Ismail Khan, vị lãnh chúa đã giành lại thành phố từ tay Taliban vào năm 2001 sau nhiều ngày chiến đấu, đã đầu hàng và được quay phim cảnh đang bị giam giữ, cầu xin “một môi trường hòa bình”. Tại Kandahar, thành phố nằm ở trung tâm kinh tế phía nam Afghanistan và là nơi khởi nguồn của lực lượng Taliban trước đây, xuất hiện hình ảnh vị thống đốc bàn giao chính quyền cho người đồng cấp Taliban của mình. Ở Jalalabad, nằm ở phía đông, Taliban tiến vào mà không phải bắn một phát súng nào, sau khi những người lớn tuổi trong thành phố thương lượng về việc đầu hàng. Mazar-i-Sharif, một thành phố phía bắc từng là pháo đài của quân kháng chiến chống Taliban vào những năm 1990, cũng đầu hàng theo kiểu tương tự.

Trong mỗi trường hợp như vậy, phía Taliban đã đưa ra những lời hứa rộng rãi, là sẽ “tha thứ” cho những người từng phục vụ trong chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, để đổi lại sự đầu hàng. Tại Kandahar, những cựu binh đầu hàng đã được cấp giấy thông hành mà họ có thể xuất trình tại các trạm kiểm soát của Taliban. Ở đó, suốt đêm thứ sáu, tiếng súng vang vọng khắp thành phố. Theo người dân, đây chủ yếu là súng bắn chỉ thiên để ăn mừng.

Quân đội Afghanistan, với tất cả sức mạnh rõ ràng của mình, dường như đã rơi vào cái gọi là hội chứng Yossarian, đặt theo tên một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết về chiến tranh thế giới thứ hai của Joseph Heller, có tựa đề “Bẫy 22”. Yossarian được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều nghĩ như anh ta, rằng chiến đấu là điều vô nghĩa, và anh ta trả lời rằng anh ta sẽ “là một kẻ ngu ngốc nếu nghĩ theo bất kỳ một cách nào khác”. Tương tự, tờ Washington Post dẫn lời một sĩ quan Afghanistan giải thích lý do tại sao các binh sĩ của anh ta không ngăn chặn Taliban: “Này anh, nếu không có ai khác chiến đấu, thì tại sao tôi phải làm như vậy?” Tinh thần quân đội Afghanistan bị xuống thấp bởi cuộc khủng hoảng ngân sách của chính phủ, dẫn đến việc nhân viên chính phủ và quân đội không được trả lương trong nhiều tháng.

Vậy sự tiếp quản của Taliban có nghĩa là gì? Về tất cả những hứa hẹn của họ là sẽ thể hiện lòng khoan dung sau chiến thắng, rất ít người trong giới tinh hoa trí thức của Afghanistan cảm thấy yên tâm về điều đó. Sau khi các chiến binh chiếm Spin Boldak, một thị trấn trên biên giới với Pakistan, vốn nằm trong số những địa phương đầu tiên thất thủ vào cuối tháng Bảy, các báo cáo đáng tin cậy xuất hiện nhanh chóng sau đó cho thấy hàng chục người ủng hộ chính phủ đã bị thảm sát. Ở Kandahar vào cuối tháng 7, khi các chiến binh bắt đầu chiếm vùng ngoại ô thành phố, họ đã bắt cóc Nazar Mohammad, một diễn viên hài nổi tiếng, và sát hại anh ta. Các báo cáo từ Kandahar nói rằng các lính Taliban có vũ trang đã đi từng nhà để tìm kiếm những người làm việc cho các chính phủ phương Tây. Trong những tuần gần đây, hàng nghìn người tị nạn đã tập trung tại các công viên của Kabul. Hàng trăm người đã dồn vào các trung tâm xử lý thị thực, hy vọng giành được một chỗ trong các cuộc di tản vào phút chót do các cường quốc phương Tây tổ chức.

Nhánh chính trị của Taliban ở Doha tuyên bố rằng họ không còn là những nhà cầm quyền đẫm máu từng cai trị Afghanistan giai đoạn 1996 – 2001, khi những người bị cáo buộc là tội phạm bị hành quyết công khai tại sân vận động Kabul, bao gồm cả những phụ nữ bị ném đá đến chết vì tội ngoại tình. Ví dụ, các nhà đàm phán của họ đã nhấn mạnh rằng không có quy định nào trong đạo Hồi chống lại việc giáo dục phụ nữ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các tuyên bố từ Qatar và những gì đang được thực hiện bởi các chỉ huy Taliban ở Afghanistan là rất lớn. Ở Herat, nơi 60% sinh viên đại học là phụ nữ, họ được cho là đã được yêu cầu trở về nhà. Các nhân viên nữ đã được yêu cầu bàn giao công việc cho những người thân là nam giới. Một chỉ huy Taliban được BBC phỏng vấn đã nói rõ về vấn đề giáo dục trẻ em gái. “Không một bé gái nào đi học trong làng và huyện của chúng tôi… Các trường học như vậy không tồn tại, và chúng tôi cũng sẽ không cho phép điều đó.”

Ngay cả triển vọng tốt nhất có thể, theo đó ban lãnh đạo Taliban quyết định thể hiện rằng họ nghiêm túc trong việc cải cách, cũng có vẻ ảm đạm. Một điều rõ ràng là chính phủ Afghanistan mới chỉ đạt được tiến bộ khiêm tốn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Afghanistan bình thường, ngay cả ở các thành phố, nơi họ có nhiều quyền kiểm soát hơn so với vùng nông thôn. Tình trạng tham nhũng của nó ngày càng sâu rộng, và chắc chắn đây là một phần lý do khiến Taliban có thể chinh phục đất nước một cách nhanh chóng như vậy. Đoạn phim về những binh sĩ Taliban đi qua những nội thất sang trọng trong ngôi nhà bị chiếm của Abdul Rashid Dostum, một lãnh chúa và cựu phó tổng thống, người được cho là đã trốn sang Uzbekistan, thể hiện sự thối nát của nhà nước này. Tuy nhiên, được hỗ trợ bởi rất nhiều viện trợ, chính phủ đã có thể cung cấp giáo dục cho người dân, và rất ít người Afghanistan bị chết đói. Nay khi các đại sứ quán đóng cửa và người nước ngoài tháo chạy, các khoản viện trợ từng giúp duy trì nền kinh tế và giáo dục trẻ em, bao gồm cả các trẻ em gái, chắc chắn sẽ cạn kiệt. Một thảm họa nhân đạo có thể nhanh chóng xảy ra sau đó.

Sự sỉ nhục đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây khó có thể nặng nề hơn. Một khi quá trình sơ tán công dân của họ — và một số ít nhân viên người Afghanistan may mắn giành được chỗ — kết thúc, các chính phủ phương Tây sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rằng Taliban đang nắm quyền. Vào cuối những năm 1990, chính quyền Taliban chỉ được một số quốc gia công nhận, đáng kể nhất là Pakistan và Saudi Arabia. Hồi đó, Liên minh phương Bắc, một tập hợp các nhóm dân quân tập trung ở phía bắc Afghanistan, đã tổ chức chống lại Taliban. Lần này, Taliban đủ thông minh để quyết định chinh phục miền bắc trước. Hôm nay, các quan chức Taliban đã gặp gỡ các nhà ngoại giao từ một số cường quốc khác. Vào cuối tháng 7, một phái đoàn của Taliban đã gặp ngoại trưởng Trung Quốc. Đại sứ quán Nga đã tuyên bố rằng họ sẽ không sơ tán khỏi Kabul. Liên minh châu Âu đã hứa sẽ “cô lập” chính phủ mới nếu họ nắm quyền thông qua bạo lực, một điều dường như ngày càng khó tin hơn.

Biên dịch: Phan Nguyên 
(Nguồn:: Nghiên Cứu Quốc Tế,16/8/021 )

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...