Lời Giới Thiệu
Thưa quí vị,
Đây không phải là một tập hợp nhiều truyện ngắn, mặc dầu mỗi bài đều có một cái tên. Có thể coi đây là một “hồi ký” hay “tự thuật” vì trong 33 đoản thiên, tác giả đã “vẽ” được chính mình qua từng giai đoạn cuộc đời, khi thơ ấu, tuổi thiếu niên, học hành rồi ra trường làm việc cho đến khi sẩy đàn tan nghé để cùng với mấy mươi triệu người miền nam chịu cảnh dâu bể tang thương.
Một trong những đặc tính chúng ta dễ nhận ra là tác giả không đằng đằng sát khí, cũng không tự đề cao như phần đông các sách viết về một thời vàng son mà chúng ta thường đọc thấy ở hải ngoại. Trần Bạch Thu có lối kể rỉ rả, tả việc mà ít tả cảnh, tả tình. Xuyên qua lối văn không đẽo gọt, chúng ta có thể hình dung được những gì tác giả đang trải qua mà nếu đi xa thêm một chút, người đọc cũng có thể sống như tác giả đã sống. Đối với những ai cũng đã từng trải nghiệm ít nhiều, nhất là bạn đồng môn, đồng cảnh thì thấy Trần Bạch Thu viết rất thật. Như chính tác giả đã tự thú trong những dòng tâm sự từ trước “bài thô mà đậm tính mộc mạc. Để nguyên như vậy mà chân tình. Cũng như ngày xưa đi học ra sao mà còn nhớ đến ngày hôm nay thì cứ viết y như vậy”, anh đã giữ được tính chất “miệt vườn” mà người thành thị đã đánh mất.
Ở vào thời đại mà việc viết văn, làm thơ nhiều khi được coi như trang sức để làm tăng thêm vẻ dáng bề ngoài, chúng ta đã gặp lại một lối viết dễ đọc, không phải để nghiền ngẫm tìm về một triết lý nhân sinh, cũng không phải để tán thưởng lối dùng chữ mượt mà, bay bướm mà như cùng một người bạn ôn lại chuyện xưa, một tuổi thơ sống nơi đồng quê, thôn dã. Rõ ràng anh không gợi cho người đọc sự tiếc nuối, sự ray rứt của một thuở điêu linh, tác giả chỉ kể cho chúng ta những gì anh chứng kiến – mà phần lớn cũng chính anh là một người trong cuộc.
Trên những mạng thông tin hôm nay, sự bùng nổ của hồi ức cho chúng ta rất nhiều điều chúng ta tưởng như không hề hiện diện. Có người tìm về những kỷ niệm “đô thị” như các tiệm ăn, những quán cà phê, những vũ trường, rạp hát … vốn xa lạ với những “con nhà nghèo”. Cũng có người thì ghi lại kỷ niệm học đường, kỷ niệm yêu đương, kỷ niệm chiến đấu đôi khi thậm ngôn khiến người đọc phải ngỡ ngàng về những điều mình không biết. Những món ăn ngon, để tăng thêm khoái khẩu phải bỏ thêm gia vị thật nhiều.
Chính vì thế, khi đã đến tuổi “gió heo may” chúng ta lại tìm về những gì mình quen thuộc và đến một lúc nào đó, chúng ta lại thấy thích thú với những bản nhạc “sến”, có khi lại mê nghe “cải lương”, “hát chèo” … như ngày nào cha mẹ chúng ta nói về chuyện cũ ở dưới quê. Hóa ra, ngày hôm nay chúng ta cũng giống như các cụ, thích ôn lại những gì ở thuở xa xưa.
Khi đọc “Tuyển Tập Trần Bạch Thu” độc giả đừng mong tác giả đưa chúng ta vào những bữa tiệc đầy cao lương mỹ vị mà chỉ là những bữa cơm nhà quê lâu nay chưa nếm lại. Đây là những đoản thiên cho những ai có thể ngồi dưới tàn cây, đọc một chút để “kỷ niệm xưa len lén trở về tâm tư” rồi thả hồn về dĩ vãng. Mỗi câu truyện là một mẩu đời vừa đủ cho chúng ta đọc một lần từ đầu đến cuối.
Tuy nhiên, muốn thưởng thức cho trọn vẹn thì trước hết, người đọc phải trải qua một tuổi thơ ở miền nam. Tác giả đưa trở về như xem một cuốn phim quay chậm, từ khi là một đứa trẻ ở Cai Lậy cho đến khi chiến tranh lan rộng đưa đẩy qua các trường trung học, đại học và ra trường làm việc ở một tỉnh cao nguyên, từ thuở miền nam thanh bình đến khi loạn lạc, cuộc thất trận ngỡ ngàng, bị tù đày để rồi tha hương lập nghiệp. Tác giả bình thản kể cho chúng ta nghe những thay đổi, lên voi xuống chó của cuộc đời, của chính mình mà cũng là số phận chung của cả đất nước, những chi tiết mà chúng ta gần như ai ai cũng ít nhiều đã gặp nên dễ dàng đón nhận, không tô hồng mà cũng không bôi đen.
“Tuyển Tập Trần Bạch Thu” chính là một bức tranh xuyên suốt của thế hệ chúng ta, thế hệ chứng nhân của 20 năm miền nam và 40 năm sau cuộc đổi đời nghiệt ngã. Đọc Trần Bạch Thu, trong chốc lát chúng ta đã hóa thân thành chính tác giả để có thể khóc cười theo vận nước, nhất là những ai có ít nhiều liên quan đến đời hành chánh.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính
Từ Nhà Hành Chánh Thành Nhà Văn
Nhận được bản thảo “Tập Truyện” của anh Trần Bạch Thu, đương kim chủ tịch Hội Cựu Sinh viên Quốc Gia Hành Chánh Nam California, bỗng nhiên tôi nhớ lại câu chuyện cũ. Một bạn học lớp Đệ Nhất Chu Văn An, sau theo học Đại học Sư Phạm, nay cùng ở Nam Cali, một hôm anh hỏi: “Này, hải ngoại có biết bao nhiêu hội đoàn mà sao hình như, dân Hành chánh các cậu tổ chức ca hát, viết văn làm thơ, viết tham luận chính trị, ra sách nghiên cứu lịch sử có vẻ xôm tụ nhất thì phải”.
Hình như tôi đã quên trả lời bạn tôi. Nay thì tập bản thảo của anh Trần Bạch Thu khiến tôi sực nhớ lại câu hỏi ấy.
Trước hết, xin thưa ngay, Trường Quốc Gia Hành Chánh khi thi nhập học không có môn viết luận văn. Và trong chương trình học cũng chẳng có giờ nào dạy về sáng tác văn học nghệ thuật, chỉ có môn “soạn thảo công văn” với công thức “tham chiếu”, “trích yếu” khô khan, rặc mùi hành chánh, nghĩa là viết sao cho ngắn, gọn, không hoa lá cành, không bóng bẩy khiến người đọc có thể hiểu lầm chuyện nhà nước.
Sau khi ra trường, dân Hành chánh hầu hết phải đi địa phương cũng như đa số dân sư phạm, dân kỹ sư. Nhưng dân Hành chánh bươm chải từ tỉnh xuống quận, lặn lội tới xã ấp thăm gặp người dân, nghe hàng trăm chuyện oan sai bi hài hậu quả của chiến tranh mà không có quyền hạn và khả năng giải quyết.
Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, dân Hành chánh bị lùa vào trại tập trung cải tạo cho phe thắng trận trả thù. Nhiều anh hơn chục năm chưa được thả vì “nợ máu”. Rồi khi được thả, dân Hành chánh bị gạt ra ngoài lề xã hội, ngụp lặn mưu sinh trên lề đường như người chưa bao giờ đi học, ngày đêm đổ mồ hôi kiếm miếng ăn cho bản thân và vợ con.
Cho đến khi đi tị nạn ở hải ngoại thì sở học của dân Hành chánh không còn giúp gì cho bản thân. Nhưng khi lập hội ái hữu, dân Hành chánh chọn “logo” là một chàng trai tay kiếm tay đàn như câu thơ “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” của nhà nho Nguyễn Du. Tuy thế dân Hành chánh có vẻ thích cụ Kinh lược sứ Nguyễn Công Trứ hơn vì thơ của cụ ca ngợi chí khí của bậc sĩ phu cũng là ước mộng của tuổi trẻ Việt Nam.
Như thế thì đã có thể hiểu vì sao các ông bà cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh ở hải ngoại lại làm nhạc, làm thơ, viết văn nhiều thế. Hàng chục bạn có tuyển tập xuất bản và đăng báo hay website, youtube… Riêng anh Trần Bạch Thu cứ vài ba tuần lại có một truyện ngắn xuất hiện trên trang web Quốc gia Hành chánh. Vào dịp Tết, quốc hận, trang web này tràn ngập thơ, văn, hồi ký, nhạc của các đồng môn tập trung vào chủ đề thời sự.
Có thể nói dân Hành Chánh làm thơ, văn, nhạc hầu như không mong mình trở thành văn nhân tài tử. Nếu không mất nước thì có thể số đông những văn nghệ sĩ gốc Hành chánh này sẽ không làm thơ, viết văn vì họ bận chăm lo nhiệm vụ thực thi hoài bão giúp dân giúp nước. Nay, vì không còn cơ hội phục vụ đất nước nữa nên họ vừa giải khuây vừa muốn giãi bầy qua thơ văn cho đồng môn, đồng bào và thế hệ mai sau biết những gì đã xẩy ra trên quê hương ngày trước và những hy vọng về quê hương ngày sau.
Anh Trần Bạch Thu là một trong số những dân Hành Chánh như thế đấy. Năm 1975 khi Miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, Trần Bạch Thu đi tù gần 10 năm qua các trại cải tạo từ Nam ra Bắc như Long Thành, Phú Sơn, Nam Hà và Hàm Tân. Năm 1993 anh và gia đình tới định cư tại Long Beach, California theo diện HO cho đến ngày hôm nay. Cuộc đời anh như thế đã tự nó thành một “bộ phim nhiều tập” dồn dập những kịch tính mà một người sống ở xứ thanh bình như Mỹ, Pháp sẽ tin ngay đó chỉ là sản phẩm “giả tưởng”.
Khi viết tác phẩm đầu tay là tuyển tập “Trăng Rọi Sông Dài”, Trần Bạch Thu tâm sự:
“Từ lâu lắm trong những năm tháng còn lưu đày trên đất Bắc, tôi có một mong ước là sau này nếu có dịp sẽ cố gắng ghi lại những mẫu chuyện những cảnh đời mà mình đã trải qua để làm kỷ niệm. Dần dà theo thời gian lại quên mất cho đến khi nhận ra… Lão niên đã tới trước ngõ. Ngoảnh lại buồn cho thân thế. Có những hôm dậy sớm sực nhớ bèn viết ít dòng, chỉ để vậy. Thực ra viết về những hồi tưởng hay ký ức mà tuổi của mình còn nhớ được là một điều may mắn. Rồi sau khi mỗi lần gửi bài viết đi, may mắn hơn nữa khi được bạn bè anh em thân tình hồi đáp với những xúc cảm chân thành qua những điều mình viết khiến mình xúc động không kém để tiếp tục cho đến ngày hôm nay…”.
Đúng như Trần Bạch Thu nói, truyện của anh cũng như của hầu hết dân Hành Chánh là hồi ức, là những kỷ niệm của cuộc sống vì thế truyện nào cũng mới lạ với người đọc, làm người đọc xúc động, hoàn toàn khác với tác phẩm hư cấu của nhà văn chuyên nghiệp. Trần Bạch Thu không tạo dựng những cảnh đời “lâm ly bi đát”, “ngang trái” để hấp dẫn độc giả bởi vì những gì anh chứng kiến khi làm Phó Quận, Phó Tỉnh đã quá lâm ly bi đát, đã quá ngang trái đã từng làm nát lòng anh thì nay anh chỉ cần viết lên trang giấy cũng đủ làm nát lòng người đọc.
Trong những buổi hội họp của Hội Cựu Sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, chúng tôi thường khuyến khích nhau viết sách. Viết không để trở thành nhà văn, nhà thơ có tên trong tủ sách văn chương Việt Nam mà mục đích chính là cung cấp cho hậu thế những tài liệu chính xác nhất về một giai đoạn đau thương của đất nước để giải ảo những sách vở bịa đặt của bên thắng trận.
Trần Bạch Thu là con chim đầu đàn của Hội Cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh Nam Cali đã nhanh chóng hoàn thành hai tác phẩm ở hải ngoại. Trước kia anh đã được ca ngợi vì làm Phó Tỉnh Trưởng ở tuổi mới chỉ 25 dù anh không phải “hạt giống” đỏ hay vàng mà chỉ vì năng lực làm việc đã đẩy anh thăng tiến. Nếu Miền Nam không sụp đổ, tôi nghĩ chắc chắn con đường công danh của Trần Bạch Thu sẽ theo chân tiền nhân Nguyễn Công Trứ “trước là sĩ sau là khanh tướng”. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có ông “Thượng Thư, Tổng Đốc” Trần Bạch Thu thì bù lại Việt Nam có thêm nhà văn Trần Bạch Thu.
Nhà Văn Đỗ Tiến Đức
_________________________________
No comments:
Post a Comment