27 March 2021

Tưởng Nhớ Anh Nguyễn Liên Lực

Nguyễn Nhật Ngọ


Anh Nguyễn Liên Lực vừa được Chúa gọi về ngày 17 tháng 3 năm 2021, một ngày mưa tầm tả tại miền Nam California, Hoa Kỳ.

Nhận được tin buồn này, lòng tôi bồi hồi xúc động, nhớ đến một người bạn (bạn tù cải tạo, bạn đồng môn cùng trường QGHC) nên nay tôi ngồi viết lại những dòng này để gọi là tưởng nhớ đến một người bạn đáng quý.

Anh Nguyễn Liên Lực lớn hơn tôi một tuổi. Tôi có dịp quen biết với gia đình anh Lực từ hồi còn ở Việt Nam. Gia đình anh Lực và gia đình bên vợ tôi là chỗ thông gia (em trai vợ tôi kết hôn với em gái anh Lực).

Gia đình anh là tín đồ ngoan đạo, một lòng thờ Chúa. Ông Cụ thân sinh của anh Lực là một Mục Sư. Anh Lực và 2 chàng rễ trong gia đình cũng là Mục Sư luôn.

Khi anh khoảng 6 tuổi, vì gia đình anh theo đạo Chúa, lại sống trong vùng xôi đậu, Cụ thân sinh lại là Mục Sư, nên bị Việt Minh dọa thủ tiêu. Ông Bà Cụ sợ quá, cùng gia đình đã trốn chạy sang Cam Bốt để lánh nạn.  Tạm trú ở Nam Vang một thời gian, khi tình hình tạm ổn định, gia đình anh mới trở về Việt Nam sinh sống.

Khi di chuyển lên sinh sống tại Đà Lạt, lúc đó cuộc chiến đang hồi sôi động, anh Lực đã tình nguyện gia nhập vào binh chủng Biệt Kích Mũ Xanh với vai trò thông dịch viên cho các cố vấn Hoa Kỳ, cũng cùng xông pha trận mạc khắp vùng đồi núi heo hút ở cao nguyên Trung Phần.

Anh Lực là người có chí tự học. Trong thời gian phục vụ quân ngũ, anh đã nhờ bạn bè mua sách về tự học. Những đêm dưới hầm trú ẩn, anh đã miệt mài học bài. Sau này, khi tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Thủ Đức, anh có dịp làm việc tại Saigon, nên anh tiếp tục tự học, lần lượt anh thi đậu bằng Tú Tài 2, kế đó là bằng Cử Nhân Luật và sau cùng năm 1974, anh thi đậu vào Ban Cao Học Ngoại Giao của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Tiếc thay, chưa kịp ra trường thì “sập tiệm” năm 1975.

Khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, anh Lực cũng như hàng vạn quân các chánh VNCH bị bắt đi tù cải tạo.  Anh Lực và tôi cùng vào trại tù Trảng Lớn, cùng chung một nhà (mỗi nhà nhốt 12-15 tù nhân)  Đây là trại gia binh cũ của quân đội VNCH, được chế biến thành trại tù, gồm nhiều dãy nhà, mỗi dãy khoảng hơn chục căn nhà. Trong các buổi họp tổ hằng đêm để kiểm điểm, anh Lực đã mạnh dạn và thắng thắn tố cáo tổ trưởng đã gian dối cắt xén phần ăn của các tổ viên. Tính ngay thẳng cương trực của anh Lực đã được các tổ viên khác khâm phục.

Sau đó, qua đợt biên chế (dời đổi các trại tù) anh Lực bị chuyển về trại giam ở đảo Phú Quốc, còn tôi thì bị lưu đày đến trại giam Hàm Tân, Xuân Lộc. Tại Phú Quốc, anh Lực có dịp chia sẻ “vá cháo heo” với người bạn tù mà cũng là đồng môn QGHC, bạn Ngô Đình Nhung.

Nghe nói lúc ở Phú Quốc, anh Lực đi lao động bị té nặng, chân phải của anh bị liệt, đi đứng khó khăn, phải dùng nạng gỗ tự chế để di chuyển.

Sau 75, khi vượt biên đến đảo Galang (Indonesia) tạm trú, tôi (vượt biên một mình) cũng có dịp sinh hoạt chung với gia đình Ông Cụ thân sinh của anh Lực  cùng với 2 ái nữ của Cụ. Đồng thời lúc đó anh Lực cũng vượt biên và đang tạm trú tại đảo Sikhiu - Thái Lan, (nghe nói) anh làm thông dịch viên cho phái đoàn phỏng vấn Hoa Kỳ thuộc Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ.

Ngoài việc lưu loát 2 thứ tiếng Anh và Pháp, anh Lực nói chuyện rất hấp dẫn, lại có tài viết văn. Năm 2018, anh đã viết xong một quyển tự truyện “Chút Thân Phận Trên Dòng Chiến” dầy 228 trang.
Sách mô tả một cách chân thật chàng thanh niên sống trong thời loạn lạc chinh chiến, đã trôi giạt theo dòng đời và dòng chiến, với bao mối tình: tình yêu cho gia đình, tình yêu cho quê hương, tình yêu cho bạn bè, và tình yêu vụn vặt với vài cô bạn gái, đã được mô tả đầy đủ trong truyện.

Ngày 19 tháng 1 năm 2019, Hội Cựu Sinh Viên QGHC Nam Cali đã bảo trợ tổ chức Buổi Ra Mắt Sách của anh Lực, đông đảo các đồng môn và thân hữu tham dự.

Ít lâu sau, Mục Sư Trần Nhựt Thăng (Virginia) khi xem video do Hội CSV/QGHC Nam Cali phổ biến, đã liên lạc với anh Lực để mời anh qua Virginia “ra mắt sách” lần nữa trong một cuộc Họp Mặt Tân Niên của Hội QGHC Miền Đông Hoa Kỳ.

Cách nay hơn 2 năm, lúc về Việt Nam thăm nhà, anh Lực than thường hay đau nhức 2 vai. Anh cứ tưởng mình vác máy ảnh nặng nên gây ra cớ sự. Khi về lại Mỹ, một hôm vừa ăn uống xong anh nôn thốc tháo ra máu, phải đưa cấp cứu vào điều trị tại Bệnh Viện, rồi qua nhiều xét nghiệm, anh Lực nhận được tin sét đánh ngang tai: anh bị “ung thư xương”!

Sau một thời gian dài chữa trị, nào hóa trị, nào xạ trị, anh bị vật vả, người mệt nhoài, xuống cân, mất ngủ. Mấy tháng trước, Mục Sư Trần Nhựt Thăng (Virginia) có điện thoại yêu cầu tôi có dịp đến thăm anh Lực và chụp vài tấm ảnh. Nhưng thú thực, lúc đó đang mùa đại dịch covid, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vả lại, chỗ tôi ở đến nhà anh Lực cũng mất một tiếng đồng hồ lái xe, cho nên tôi đành gọi điện thoại nói chuyện với anh Lực mà thôi. Lúc đó, anh Lực than 2 chân anh bắt đầu đau nhức, tê liệt, không đi đứng được, anh phải ngồi xe lăn để di chuyển.

Cách nay hơn một tuần (ngày 5-3-2021) anh Lực bị hôn mê, phải nhập viện cấp cứu. Anh không ăn được, không uống thuốc được, không nói thành tiếng, chỉ thều thào, người mê man, không nhớ mặt người đối diện (là hiền thê của anh). Xem như anh đang trải qua một “đời sống thực vật”. Thương thay cho một con người năng động như anh Lực, nay nằm bất động một chỗ, quên hết mọi sự trên đời!
Hôm 15-3, bệnh viện cho biết tình trạng của anh Lực “thập tử nhất sinh”, người nhà có 2 lựa chọn: hoặc là đưa anh Lực về nhà, hoặc là cứ để nằm trong bệnh viện rồi “ra đi”. Người nhà anh Lực đã quyết định để anh Lực nằm bệnh viện để được chăm sóc đầy đủ hơn. Ngày 17-3, anh Lực đã về hầu Chúa.
. . . .
Trong các trận chiến đấu dũng cảm tại Trường Sơn, anh Lực đã không gục ngã trước lằn tên mũi đạn của quân thù;

Trong trại tù Cộng Sản, bị bỏ đói, bị lao động khổ sai, anh Lực đã không gục ngã vì bị hành hạ dã man;
Nhưng anh Lực đã gục ngã, xuôi tay khi anh phải vật lộn với căn bệnh nan y ngặt nghèo trong mấy năm nay.

Bây giờ, anh đã nằm xuống, trụ lại một chỗ, không còn trôi theo dòng đời, “trôi theo dòng chiến” (tựa đề quyển tự truyện của anh) để về hầu Chúa.

Anh ra đi với niềm thương tiếc vô vàn của gia đình anh, của bạn bè anh, của đồng môn anh.
. . . . .
Chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa sớm đưa linh hồn anh Nguyễn Liên Lực về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.

Đồng  thời cũng xin cầu nguyện cho Chị Nguyễn Liên Lực và tang quyến sớm vượt qua khó khăn, đau buồn và mất mát to lớn này.
 
Nguyễn Nhật Ngọ

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...