Việc đầu tiên như thường lệ là mở laptop, xem email, xem FB, xem những liên hệ với thân nhân bạn hữu bên ngoài đất nước nhỏ bé này. Vào lúc lớn tuổi, gặp thời dịch bệnh, thỉnh thoảng cũng lo mỗi khi thấy những ông bà bạn bỗng dưng im tiếng.
Nhưng email sáng nay tôi đọc không phải là của các bạn già. Mà là của những bạn trẻ không quen biết, tuổi chỉ ngoài ba, bốn chục. Họ nhắn tin. Họ viết những câu bình phẩm sau khi xem một trong hai cái video tôi làm về hòn đảo Pulau Bidong ở Mã Lai với hình ảnh những con tầu vượt biên và hình ảnh sinh hoạt trong ngôi trại tỵ nạn. Đây là nơi tôi đã đến làm công tác xã hội lúc 45 tuổi, 34 năm về trước.
Dĩ vãng lại ùa về.
Tôi mở ra cái video cũ trên YouTube, để ý ngay phía dưới có một bạn ký tên "Johnny Tran" viết từ 6 năm trước, sau khi xem video "Vietnamese Boat People & Pulau Bidong Refugees Camp” tôi làm vào năm 2012)
Anh Johnny viết bằng Anh ngữ. Chuyển dịch qua Google, nguyên văn như sau:
"Chà. Tôi không thể tin rằng tôi chưa bao giờ bận tâm tìm kiếm bất cứ điều gì như thế này cho đến bây giờ. Tôi 36 tuổi và đã ở Bidong cách đây đúng 35 năm. Tôi không có ký ức gì về hòn đảo này nhưng nhìn những bức ảnh này thực sự khiến tôi rung động và rung động về mặt cảm xúc. Tôi không thể tin rằng cha mẹ già 25 tuổi của tôi đã thực hiện cuộc hành trình này với một đứa trẻ 1 tuổi trong vòng tay của họ. Giờ tôi sẽ ôm mẹ thật chặt."
Dĩ vãng lại ùa về
với những con tầu vỡ vụn,
nhiều chiếc nằm trơ xương trên đảo.
Những nấm mồ chôn vội ở khu F, trên núi.
Những thảm kích bão tố, đắm tầu, cưóp biển giết chóc, hãm hiếp.
Hàng ngàn cô nhi lang thang trên đảo vào thời gian tôi có mặt tại đây.
Hàng trăm ngàn người bỏ xác dưới đại dương.
Trong hoàn cảnh đau thương, con người gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Nhiều tình bạn, tình yêu nở ra. Nhiều đứa trẻ chào đời trên đảo. Rồi có người được nhận đi định cư. Hàng chục ngàn người khác ở lại.
Cảnh tượng chia tay cứ nghĩ đến là có thể ứa nước mắt:
"Giờ này còn nhìn nhau"Nhìn đắm đuối như suối bền"Nhìn suốt kiếp như chết mòn"Nhìn hấp hối thương đau"Ngày mai ta không còn thấy nhau...
Theo truyền thống, cái loa trên đảo luôn luôn phóng thanh bài hát "Cho Lần Cuối" mỗi khi có tầu đến chở những người được các nước nhận đi định cư.
Bấy giờ trên bãi biển khu C, gần chiếc cầu "jetty" nơi tầu đậu, hàng ngàn người tràn ngập. Vài chục người đi vai ôm tay nải, tay xách va li. Người ở lại, tay cầm gói kẹo, hay bao thuốc lá, những món xa xỉ trên đảo, để tiễn người đi.
Dẫu không biết hút thuốc, nhưng khi người ở lại hai tay nâng gói thuốc, một điếu chìa ra, thì người ra đi trân trọng mà rút lấy một điếu.
Vì ngày mai ta không còn thấy nhau.
*
Sáng nay ở Phần Lan trời đã vào xuân, nhưng mấy lần tôi ứa nước mắt khi ngồi xem lại cái video cũ trên YouTube.
Mà lẩn thẩn tự nghĩ: Con hãy ôm mẹ thật chặt - Hãy nhận cái kẹo bạn mời. Hãy trân trọng rút lấy một điếu dù không biết hút thuốc lá.
Hãy sống mỗi ngày
như ngày mai ta không còn thấy nhau.
No comments:
Post a Comment