14 May 2020

Tiếng Việt chán chết

Nguyễn Tài Ngọc

Tôi có lẽ đã già nên ngày càng khó chịu như phụ nữ mất kinh nguyệt khi đọc lối hành văn của báo chí ở Việt Nam (và ngay cả ở bên Mỹ vì nhiều người viết cho báo chí ở Mỹ bây giờ là từ Việt Nam sang nên ảnh hưởng văn học của người miền Bắc sau 1975).
         
Ngày hui nhị tỳ có hai điều tôi hối hận: thứ nhất, tôi không thực hiện được lời mơ ước có ba vợ khi còn sống; và thứ hai, tiếng Việt mẹ đẻ của tôi sau khi Cộng Sản chiếm đóng miền Nam tháng 4 năm 1975 nay đã trở thành quái thai không còn nhận diện được nữa.

Cái nguy hiểm mà tôi bị thắt lưng buộc bụng không làm gì được là trái với những sự kiện khác trên đời những gì phẩm chất xấu xa sẽ bị đào thải không tồn tại: hãng xe nào làm xe không bền sẽ chẳng ai mua, tiệm ăn nào nấu dở ẹc khách sẽ không đến, phim không hay chẳng ai mua vé vào xem..., tiếng Việt của Cộng Sản sau 1975 rất nhiều chỗ dùng không đúng văn phạm, câu văn lủng củng trình độ tiểu học... nay đã truyền bá rộng rãi khắp nơi trong nhân gian, trở thành chính thức cho hơn 95 triệu người Việt, đồng hóa hoàn toàn văn chương của người dân ngày xưa sống dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi đọc một bản tin từ trang mạng "Lao động" ngày 22/02/2020. Đọc xong tôi bị nhồi máu cơ tim, may mà vợ đưa tôi vào nhà thương chữa trị kịp thời:

https://laodong.vn/phap-luat/thu-gom-hon-600kg-khau-trang-da-qua-su-dung-o-vinh-phuc-mang-ve-ha-noi-786133.ldo

Tôi chỉ chép lại tựa đề và hai đoạn đầu ở đây, mầu đỏ. Câu văn nên sửa lại theo ý tôi, mầu xanh. Lời tôi bình phẩm mầu đen (Nếu phân tích cả bản tin thì chắc chắn tôi phải vào nhà thương điên Chợ Quán. Tôi không muốn hy sinh tính mạng của tôi). 

- Nguyên văn bản tin:

(Tựa đề bản tin tôi gạch dưới thêm vào): Công an huyện Sóc Sơn vừa kiểm tra, phát hiện bên trong một ngôi nhà trên địa bàn cất giấu 620kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng. Đáng chú ý, đây là số khẩu trang được thu mua từ khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc rồi mang về tập kết tại Hà Nội.

Chiều 22.2, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, mới đây đơn vị đã kiểm tra, phát hiện đối tượng thu gom hơn 600kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng ở Vĩnh Phúc để mang về Hà Nội tập kết.

Theo đó, chiều 19.2, Công an huyện Sóc Sơn đã tiến hành kiểm tra một ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong ngồi nhà cất giấu 620 kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng.

         ......

- Tôi nghĩ nên viết:

         (Tựa đề bản tin) Khám phá 620kg khẩu trang y tế đã dùng rồi tích trữ bất hợp pháp .

         22-02-2020:  Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) loan báo chiều ngày 19-02, Công an đã khám xét  một ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, nhà chức trách khám phá nơi này tích trữ bất hợp pháp hơn 600kg khẩu trang y tế đã dùng rồi với mục đích mang về Hà Nội tập kết.

- Thiển ý ba xu của tôi về đoạn văn này:

         Bản tin mầu đỏ viết luộm thuộm dài dòng gồm 151 chữ. Tôi sửa lại mầu xanh chỉ có 84 chữ. Câu văn ngắn gọn, dễ hiểu, ý không khác gì bản chính. 

         1. Tựa đề bản tin này dài hơn quốc lộ số 1. Tựa đề cần viết ngắn gọn, không cần giải thích dài dòng vì phần tin viết  sẽ giải thích cho người đọc hiểu biết.

         2.  Trong tựa đề và hai câu văn kế tiếp, những chữ "Công an huyện Sóc Sơn", "khẩu trang y tế", "kiểm tra" lập đến ba lần, đọc nhàm chán như con nít viết.

         3. "Lực lượng chức năng": Đây là một từ ngữ của văn hóa Cộng Sản "nhập cảng" vào miền Nam sau 1975, phần đông tôi thấy dùng với tác dụng thừa thãi. Công an là một phần của "lực lượng chức năng", không cần viết ai đọc cũng hiểu.

         4. Chữ "đối tượng": Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa "đối tượng" là: "cái vật mục đích của tư tưởng hoặc hành động của mình -mục tiêu- objet ".

         Để ý tự điển Hán Việt Đào Duy Anh định nghĩa rõ "đối tượng" là "cái vật...", không nói "con người", thế nhưng bây giờ văn hóa Cộng Sản áp dụng chữ "đối tượng" cho con người, và thường thì dùng để chỉ những người bị công an bắt hay truy nã. Thí dụ:

         - Cô có đối tượng chưa?

         - Nhiều đối tượng thuê căn hộ chung cư hoạt động mại dâm, ma túy.

         - Đối tượng đi xe con cướp táo tợn ở Đà Lạt.

         - Sau khi ra tay sát hại và cướp tài sản của nữ giáo viên, đối tượng Nguyễn Thành Hưng đã vô hiệu hoá camera trong nhà.

         - Vụ Đồng Tâm: 20 đối tượng bị khởi tố tội "Giết người"

         - Tây Ninh bắt 2 đối tượng giả danh công an

         - và trong bản tin này:  Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, mới đây đơn vị đã kiểm tra, phát hiện đối tượng...

Đối với tôi, chữ "đối tượng" như chữ "sự cố", không cần dùng vì dư thừa và không chính xác.

Trong câu  "Cô có đối tượng chưa?", tôi nghĩ người viết ý nói "Cô có người yêu chưa?". Nhưng nhỡ cô ta đang nghĩ đến một người nào cô ta muốn giết thì câu "Cô có đối tượng chưa?" có phải là cũng đúng nghĩa như thế không? Như thế thì dùng chữ "đối tượng" không chính xác làm gì, dùng thẳng chữ "người yêu" ai đọc cũng hiểu: "Cô có người yêu chưa?".

Trong những thí dụ tôi đưa trên dùng chữ "đối tượng" chỉ người bị công an bắt, tại sao lại rườm rà dùng chữ Hán Việt mà không dùng chữ "người"? : "Tây Ninh bắt 2 người giả danh công an". "Vụ Đồng Tâm: 20 người bị khởi tố tội "Giết người"...

Chữ "đối tượng" nghĩa bao quát, không cho biết người bị bắt là loại người nào. Tiếng Việt trước 1975 đã có những chữ đặc biệt chi tiết nếu muốn biết người bị bắt là ai: "nghi phạm", "thủ phạm". Trong câu "Cảnh sát bắt hai thủ phạm trốn dưới gầm xe hơi", có phải người đọc biết ngay hai người cảnh sát bắt đã phạm tội ở đâu rồi hay không, thay vì dùng chữ "đối tượng"?

Thí dụ công an đến bắt một nhà tình nghi là buôn bán ma túy. Ngày hôm đó một ông trong xóm nhà không có cầu tiêu nên xin qua nhà đó dùng toilette. Đang dùng toilette thì xui cho ông ta công an ập vào, giải về bót vì không biết ai là ai. Ngày hôm sau báo đăng "Công an bắt một đối tượng ở xóm Cầu Muối". Chữ đối tượng ở đây là sai vì ông ta không phải là người trong mục đích Công an đến bắt. Thành ra để tránh cho người tường trình phải điều tra mất thì giờ xem người bị bắt như thế nào, tại sao không dẹp bỏ chữ "đối tượng" mà dùng chữ "người" rất bình thường như văn chương Việt Nam Cộng Hòa cũng như Âu Mỹ:   "Công an bắt một người ở xóm Cầu Muối"?

Tôi là người Bắc nên cổ võ sự học hỏi và sử dụng tiếng Hán Việt cho văn chương Việt Nam súc tích. Chẳng hạn như dùng chữ "bảo sanh viện", "điêu luyện", "thảo cầm viên"... hay hơn là "xưởng đẻ", "nhà nghề", "sở thú" (thảo cầm viên có cả thú và cây cỏ).  Thế nhưng khi truyền thông tin tức thì phải đơn giản hóa cú pháp để cho mọi tầng lớp người hiểu, và nếu dùng chữ Hán Việt thì nghĩa phải đích xác và cần thiết. Chữ "đối tượng" dư thừa không cần thiết như chữ "sự cố" của văn hóa Cộng Sản. Thí dụ "Tôi không đi làm hôm nay vì xe tôi có sự cố". Tại sao không nói xe tôi bị bể bánh, bị đứt dây sên, bị đụng, bị hết xăng...?   .

         5. "600kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng" : Tiếng Việt Nam tĩnh từ và trạng từ luôn luôn đi sau danh từ hay động từ: "Căn nhà đỏ", "Cô ta múa đẹp mắt". Chẳng ai nói "Cô ta đẹp mắt múa" . Thành thử, nói:  "600kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng" là sai. Nói đúng phải là: "600kg khẩu trang y tế đã sử dụng qua" (sử dụng rồi nghe hay hơn)

Tôi muốn nêu ra một điểm là khi rời Sài-Gòn tháng 4/1975, tôi chỉ là một thanh niên học hết lớp 11. Từ lúc sang Mỹ cho đến giờ tôi sống trong môi trường xã hội Mỹ, ít khi tham gia hay giao thiệp với cộng đồng Việt Nam, không đọc sách báo tiếng Việt nên vốn liếng tiếng Việt của tôi không tiến triển mà chỉ có suy thoái.

Ấy thế mà kiến thức tiếng Việt của tôi ở Mỹ giảm thiểu không bằng tiếng Việt xuống dốc không thắng ở Việt Nam.

Tôi nghĩ trang mạng "Lao động" là một cơ quan chính thức của chính quyền. Chính quyền viết văn như thế thì không còn hy vọng gì cho văn phạm cú pháp tiếng Việt trong học đường, trong xã hội, trong cơ sở, trong văn chương Việt Nam.

Giống như ngày xưa khi sang Mỹ tôi không ước đoán được là tôi sẽ chôn thân trên xứ sở này, tôi cũng đã không bao giờ nghĩ văn chương Việt Nam sẽ có ngày cái xấu thay cái tốt, cái dở thay cái hay, cái sai thay cái đúng.

Điều đáng buồn là ngày đó đã đến trong khi tôi còn sống.

Nguyễn Tài Ngọc
March 2020

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...