20 May 2023

Năm hiệu quả của động tác phất thủ "Dịch Cân Kinh"

Dương Thành Tân

‘…Sự yên tâm chờ đợi tuổi già bước đến làm cho dễ chịu hơn với chính mình và mọi người xung quanh. Những chuyện vui buồn trong đời, thành công lẫn thất bại đều được xem như là những chuyện bình thường. Dù muốn hay không, bản thân bỗng dưng trầm tính dễ chịu hẳn ra…’
**

Tôi bất lực thấy sức khỏe dần dần hao hụt khi qua 45 tuổi. Những cố gắng lấy lại phong độ của thời trai trẻ đều bị thất bại vì bị chấn thương. Riết rồi những công việc tầm thường như làm vườn, rửa chén đều trở thành những công việc nặng nhọc cần cân nhắc tính toán từ tư thế lẫn động tác!

Nhờ nhân duyên mà tôi học được phương pháp dưỡng sinh gọi là Khí Lực do chú Huỳnh Tâm chỉ dạy. Vì được chỉ dạy bài bản, sau một thời gian ngắn tập luyện, dù chỉ ở mức nhập môn, tôi có cảm giác là hồi sinh lại như thời trai trẻ,  gân cốt chắc chắn không còn lo bị chấn thương, hết còn đau lưng lẫn thốn đầu gối. Tinh thần sáng suốt lẫn ngũ giác tinh tường. Điều lạ lùng nữa là trước đây tôi dị ứng phấn hoa, mỗi mùa xuân đến là nước mắt lẫn nước mũi chảy đầm đìa, giờ lại biến mất không cần thuốc men chi cả !

Phương pháp này có nhiều chi tiết như bấm huyệt, xoa mặt, hớp không khí... Nhưng động tác quan trọng nhất và tốn hết 75 % thời gian của bài tập  trên dưới 30 phút) là đứng thẳng và vẫy tay từ trước ra sau, giống như phương pháp dưỡng sinh gọi là "Phất Thủ Dịch Cân Kinh" .

Động tác tập này trông chừng như đơn giản, vì chỉ có việc đứng một chỗ và vẫy tay từ trước ra sau. Nhưng những biến hóa ly kì đều ở trong cơ thể. Xin diễn tả chi tiết hơn:

· Chân dang ra rộng bằng vai. Tư thế đứng thoải mái.

· Nhíu hậu môn và thót lên. Để việc nhíu hậu môn được duy trì trong suốt buổi tập thì bạn cần gồng cứng hai chân, và bấm các đầu ngón chân xuống.

· Suốt buổi tập hai chân như trồng cây xuống đất, từ thắt lưng trở xuống luôn luôn cứng chắc, không suy chuyển.

· Co đầu lưỡi chạm nhẹ vào nướu và chân răng hàm trên, răng khép lại và miệng ngậm.

· Mặt nhìn thẳng về phía trước

· Bàn tay khép các ngón tay lại.

· Giơ hai tay ra đằng trước cao bằng vai.

· Dùng lực của vai và tay (lực của vai nhiều hơn) vẫy hai tay song song ra đằng sau. 

· Nhờ có lực đẩy này mà tay sẽ có quán tính hất trở lại phía trước. Lúc này tùy vào lực mạnh hay yếu, đánh vòng hẹp hay vòng to mà tay có thể cao bằng hoặc thấp hơn vai.

· Sau đó lại dùng lực của vai để đẩy tay ra đằng sau. Lặp lại động tác trên.

Tôi nghiên cứu về hiệu quả không ngờ về động tác xem chừng như thô sơ này. Nhưng càng tìm thì lại càng bị lạc vào nhiều cách giải thích tối nghĩa, đôi khi mâu thuẫn với nhau. Có lẽ nhiều người tập luyện khác cũng bị bỡ ngỡ. Nay xin giải thích 5 hiệu quả với kinh nghiệm và hiểu biết của một người "tiêu dùng". Hy vọng sẽ làm sáng tỏ được vài thắc mắc cho người luyện tập lẫn độc giả.

Gót chân Achille, huyền thoại có thật

Theo lý thuyết tiến hóa, loài người có gốc gác từ loài thú 4 chân, từ từ đứng thẳng và đi bằng 2 chân, thì phần dưới phải gánh chịu trọn vẹn sức nặng của thân thể. Chổ yếu bẩm sinh là cổ chân, càng lớn tuổi thì càng trầm trọng đưa đến đi đứng không vững vàng, thân thể bị lắc lư, rồi từ đó bị ảnh hưởng dây chuyền làm tổn hại từ gót chân, đầu gối, xương cụt, lưng...

Gót chân Achille quả đúng là nơi dễ bị trặc gân nhất trong cơ thể con người. Phần đông những người tập thể dục thể thao đều bị thương ở đây. Mang giày thì bàn chân lại càng thêm bị gò bó nên không cử động được bình thường. Làm đàn bà còn khổ hơn vì tiêu chuẩn về cái đẹp bắt phụ nữ phải có bàn chân nhỏ, lại thêm mang giày cao gót để có ảo giác là bàn chân nhỏ thêm lại bị càng thêm gò bó hơn!

1) Lợi ích đầu tiên : Làm gót chân cứng cáp để khỏi bị bong gân

Khi 10 ngón chân bấu xuống, lòng bàn chân cong lên rời khỏi mặt đất. Người luyện tập chỉ cần đong đưa thân thể theo trục trước sau là tự dùng trọng lượng của cơ thể  để "gia cố" những gân cốt lẫn bắp thịt từ cổ chân đi xuống. Những người đã từng học võ đều biết thế nào là đứng tấn để cho bắp đùi cứng cáp. Bấu những ngón chân xuống mặt đất và đong đưa cũng là một cách đứng tấn để "gia cố" bàn chân và cổ chân.

Những người tập thể dục bằng cách chạy bộ, dù trái tim mạnh khỏe dẻo dai, nhưng lại có nguy cơ bị chấn thương. Vì tùy theo cách đi đứng hay chạy nhảy, phần dưới của cơ thể phải gánh chịu từ 2 đến 4 lần trọng lượng của cơ thể. Ví dụ như một người cân 80 kg, trong một giai đoạn nào đó khi chạy nhảy, một chân phải chịu sức nặng lên đến 420 k!  Những khớp sụn bọc đầu xương liên tục va chạm vào nhau. Sau một thời gian sẽ bị mòn và rạn nứt. Đó là chưa nói đến trường hợp người chạy bộ không đúng cách, mang giày kém phẩm chất, chạm đất không nhẹ nhàng thì các gót chân, đầu gối, háng, lưng, cổ... sẽ bị tốn thương.

Đây là tình trạng mà bản thân tôi đã từng gặp. Vốn là gót chân đã bị bong gân khi chơi bóng chuyền, sau này lành rồi nhưng mỗi lần nhảy cao lên đập bóng, rồi chạm đất không đúng cách là bị trặc chân tiếp. Ba bốn lần như thế nên tôi đành phải bỏ môn thể thao này. Nhưng nhờ luyện tập động tác bấu ngón chân xuống đất, cả bàn chân và gót chân được phát triển mạnh khỏe chắc chắn. Sau này, tôi chạy bộ bị thất lạc vào đồi cát lồi lõm lẫn hầm hố ngoài bờ biển, vì đêm tối nên không thấy mình đặt chân ở đâu, thế mà vẫn về chổ ở êm xuôi.

2. Lợi ích thứ hai: Xoa bóp, sắp xếp và điều hòa lại lục phủ ngũ tạng.

Thời điểm lý tưởng nhất để tập mọi môn dưỡng sinh tốt nhất là vào buổi sáng, tuy  đầu óc đã nghĩ ngơi thư thái qua đêm, nhưng  hệ thống tiêu hóa, tim mạch, máu huyết ... thì lại bị trì trệ vì cơ thể không cử động.

Khi chúng ta ngủ, chỉ có đầu óc và bắp thịt được nghĩ ngơi thư giản, những bộ phận khác trong cơ thể vẫn hoạt động. Nhưng vì nằm im, nên ở bất cứ tư thế nào, vẫn không thể cho cho phép tim gan ruột phổi hoạt động bình thường. Nếu nằm sấp thì phổi đè lên tim. Nằm nghiêng thì cái này lại đè lên cái khác. Hệ thống tuần hoàn của máu và đường ruột không lưu thông suông sẻ. Chúng ta thường có động tác tự nhiên là vươn vai vào buổi sáng để thấy mình khỏe hơn. Vẫy tay Dịch Cân Kinh cũng là một cách vươn vai trong suốt 20 đến 30 phút!

Giả tỷ như chúng ta muốn làm xì hơi một quả bóng. Chúng ta dùng hai tay ép quả bóng này vào một vật cứng như mặt đất hay bức tường. Bụng và ngực chúng ta có thể ví như là một quả bóng có nhiều hơi độc. Người luyện tập dùng ba lực này để đẩy vào vật cứng là xương sống để tống khứ khí độc ra ngoài.

Vẫy tay đong đưa, nhíu hậu môn, đặt lưỡi lên vòm họng và thở ra là một hành động rất nhẹ, để lắc lắc, rung rinh, bóp vào lẫn buông ra để nội tạng tống khí chất độc ra ngoài (Hơi ợ và khí thải từ trung tiện là hơi độc). Song song đó chúng ta cũng vận hành cơ thể cho máu huyết lưu thông. Chuyện dễ ăn, dễ ngủ, dễ tiêu hóa, dễ bài tiết là vì nhờ nội tạng sạch sẽ nằm đúng ngay ngắn vào vị trí.

Xin lưu ý 3 động tác này nên làm một cách nhẹ nhàng không cấp bách, thậm chí cũng không dùng lực hết sức mình.

3. Lợi ích thứ ba: Sinh lý sung mãn.

Tác giả xin lỗi với độc giả trước khi trình bày chuyện phòng the, vốn là khó nói theo tiêu chuẩn đạo đức Á Đông. Vì nhạy cảm cho nên học viên chỉ được giải thích qua loa là phải nhíu hậu môn. Sau một thời gian luyện tập và trao đổi với những bạn đồng môn, tôi xin viết lại cho chính xác là:

Đàn ông thì nhíu cả một vùng hạ bộ là ruột già, hậu môn và bìu dái. (scrotum)

Đàn bà thì nhíu cả ruột già, hậu môn và cửa mình.

Ban đầu thì hơi khó tập, cần phải trí tưởng tượng vì những bắp thịt này không hoạt động trong cuộc sống thường nhật. Khi luyện tập quen rồi thi phái nam sẽ thấy bìu dái của mình thót lại theo ý muốn. Phái nữ thì thắt cửa mình. Vì vùng "nhạy cảm" này được kích động hàng ngày, hậu quả kèm theo là chuyện chăn gối được suông sẻ, những người tập luyện có thể điều khiển cuộc "mây mưa" theo ý của mình, đồng thời khám phá ra nhiều cảm giác lạ chưa hề có. Những ai bị yếu sinh lý thì thấy cuộc đời bỗng thay đổi, từ sự thấp thỏm lo lắng đi chợ thiếu tiền bỗng chuyễn sang trạng thái dư ăn dư để! Thật là:
Trong tay muôn vạn tinh binh 
Kéo về đóng chật một thành Lâm Truy
4. Lợi ích thứ tư:  Phòng ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe.

Một môn dưỡng sinh đúng nghĩa như Yoga, Thái Cực Quyền, Thiền Định ... đều có chức năng hồi sinh những tế bào cần thiết cho cơ thể.  Được may mắn lớn là tập luyện môn này trước khi già yếu bệnh tật. Tôi có cảm giác rõ rệt là có thể sống mạnh khỏe đến hơn 80 tuổi trong một cơ thể ở lứa tuổi ...  36.  Chấm dứt những tai nạn khó chịu trong cuộc sống hàng ngày như trẹo cổ, đau lưng, chóng mặt... Ngoài việc phải ngủ nghê và nghĩ ngơi lâu hơn khi mệt mỏi, so ra tôi còn cường tráng hơn thời trai trẻ! Những bạn cùng luyện tập môn này cũng thay đổi tướng bộ, miệng lưỡi hồng hào, sắc mặt tươi tắn, đi đứng vững chãi... Họ quả quyết rằng họ đã chữa được nhiều thứ bệnh. Bản thân tôi không hề bị bệnh gì, nên không dám ngụy tạo những bằng chứng không thật để thổi phồng sự thật.

Sự yên tâm chờ đợi tuổi già bước đến làm cho dễ chịu hơn với chính mình và mọi người xung quanh. Những chuyện vui buồn trong đời, thành công lẫn thất bại đều được xem như là những chuyện bình thường. Dù muốn hay không, bản thân bỗng dưng trầm tĩnh dễ chịu hẳn ra.

Không biết những tế bào trong cơ thể đã tái tạo được gì, nhưng bản thân tôi lại có cảm giác rõ rệt rằng, nhờ động tác dưỡng sinh đơn giản này, tôi được hồi sinh lần nữa!

5. Lợi ích thứ năm: Lạc quan sắp xếp lại công việc trong ngày và hơn thế nữa.

Các đạo giáo thịnh hành trên thế giới thường hay kèm những quyết định có ích cho sức khỏe thành những giáo điều. Chẳng hạn như Hồi Giáo có quy luật là mỗi năm phải kiêng ăn uống một tháng từ khi mặt trời mọc đến khi lặn (Ramadan). Nhưng kiêng ăn hơn 12 giờ trong ngày là một hành động rất tốt cho sức khỏe và phát triển kháng thể. Bởi vậy những người theo đạo Hồi có tỷ lệ ung thư ít hơn những người theo đạo khác. Đạo Phật thì ăn chay lẫn ngồi thiền... Nếu chúng ta tách ra những gì có ích thật sự cho cơ thể và cái nào thuộc về tâm linh, thì chúng ta cũng gặt hái được nhiều điều hay, mặc dù không cần theo đạo nào!

Bản thân tôi ngờ ngợ rằng môn Dịch Cân Kinh là do nhân vật huyền thoại Đạt Ma Tổ Sư truyền lại. (Đạt Ma người Ấn Độ mà Yoga lại không có động tác này). Trong những quốc gia không được công nhận bản quyền, lạng quạng còn mang thêm tội vào thân mà Pháp Luân Công là bằng chứng sờ sờ trước mắt. Có thể ai đó, một cá nhân hay một nhóm người, vô tình tìm ra trong lúc tập luyện rồi gán cho là của Đạt Ma Tổ Sư cho thêm phần ly kì huyền ảo như một ân huệ của đấng thiêng liêng. Thêm những lời căn dặn rằng không đúng bài bản sẽ bị hỏa tẩu nhập ma, sinh bệnh, liệt dương, vân vân. 

Theo thiển ý của tác giả, một trong những lý do mà động tác Dịch Cân Kinh không được truyền bá rộng rãi là vì bài tập được giải thích lẫn thực hành theo kiểu Á Đông. Nào là phải tập trung cao độ vào từng cử chỉ, đếm lượt vẫy tay, canh đúng thời gian, nhìn đúng hướng, không được nghĩ ngợi mông lung... 

Riết rồi người tập luyện có cảm giác là bị hành hạ. Có nhiều người bỏ ngang sau một thời gian vì chán nản. Thật tình mà nói, nếu tôi tuân thủ cách luyện tập một cách máy móc thì tôi cũng là người bỏ cuộc đầu tiên.

Sự việc sẽ khác nếu chúng ta xem nó là một sự (tự) đấm bóp cho cơ thể lẫn một lúc thư giãn nghe nhạc thính phòng cho tâm hồn!

Thay vì đếm từ một đến vài ngàn lần, sau vài ngày tập luyện thuần thục, tôi vừa vẫy tay và vừa nghe những bản nhạc mà tôi yêu thích nhất trong youtube từ smartphone. Căn cứ vào  thời gian của mỗi bài hát, tôi có thể canh giờ đến lúc nào thì sẽ ngưng. Không biết đây cũng là một phương pháp chữa bệnh bằng âm nhạc, (Music Therapy)?

Sách vở dạy chúng ta nên nhìn về hướng mặt trời khi luyện tập, nhưng vì có lịch làm việc dài đăng đẳng, nhiều khi hơn 16 tiếng đồng hồ, hằng ngày tôi phải thức rất sớm và tập luyện trước khi mặt trời mọc. Tôi vừa luyện tập vừa xem bể cá thủy sinh. Nhìn những con cá vô tư nhởn nhơ đem lại cho tâm hồn những giây phút thơ thới thanh thản. Những người không có hồ cá thì có thể nhìn những cảnh vật gì mà họ yêu thích. Không biết cách chữa bệnh bằng cách nhìn những cảnh vật tươi đẹp là gì?

Vừa nghe nhạc, vừa xem cá, vừa vẫy tay cũng chưa đủ. Tôi còn lợi dụng thời gian này để sắp xếp lại lịch trình làm việc, sẵn đó giải quyết luôn những vấn đề có thể xảy ra trong ngày. Chắc chúng ta còn hình ảnh của nhiều nhân vật quan trọng chắp tay sau lưng đi qua đi lại khi quyết định một công việc quan trọng và khó khăn. Vô tình, họ đang vô tình đặt cơ thể vào một trạng thái tốt nhất để quyết định sáng suốt. Lúc đó tim hoạt động mau hơn, mọi giác quan đều mở ra và dễ cho họ quyết định sáng suốt và nhanh chóng hơn là ngồi yên. Công vệc của tôi lại trôi chảy vì đã biết cái gì làm trước và cái gì làm sau. Với dòng thời gian nhìn lại, những quyết định sáng suốt lẫn ý tưởng đột phá nhất trong ngày, đều được hiện ra trong thời gian vẫy tay này.

Nhiều sách vở chỉ răn đe là phải tập luyện thường xuyên để có kết quả. Nhưng họ quên yếu tố hữu ích của nó, làm nhiều người bị ghiền môn này vì tập luyện xong là thấy tinh thần phấn chấn, ăn được ngủ được, làm việc cũng sáng suốt hơn bình thường. Không tập luyện vài ngày là tôi thấy đầu óc bần thần, thân thể khó chịu vì bị bí hơi, đâm ra dễ bực bội vì những chuyện không đáng quan tâm!

Thay lời kết, tốt cho cơ thể lẫn tâm hồn và hơn thế nữa

Những thành quả tôi trình bày trên đây nằm trong phương pháp Sức Mạnh - Tĩnh Lặng do người sáng lập ra đạo Cao Đài Phạm Hộ Pháp sáng lập vào năm 1927, mà chú Huỳnh Tâm đệ tử đời thứ hai. Động tác vẫy tay chỉ là một mảnh vụn của phương pháp này. Vì không có nhu cầu tu luyện hay tìm đạo, tôi chỉ lấy những gì có ích cho cơ thể để phòng bệnh và tự chữa bệnh. Thấy bao nhiêu cũng quá đủ nên tôi chỉ tập luyện ở mức thấp nhất. Những ai muốn tập luyện nghiêm túc hơn thì xin liên hệ với chú Huỳnh Tâm hay Nguyễn Gia Thưởng để được giải thích lý thuyết và hướng dẫn thực hành tỉ mỉ hơn. 

So với động tác "Dịch Cân Kinh" trong youtube hay sách vở, chúng tôi cũng có một số chi tiết  khác:

1 - Hai bàn chân không đứng song song mà đứng thành chữ A hoặc chữ V ngược. (theo như tấn của phái Vĩnh Xuân mà Lý Tiểu Long đã học)

2- Hai đầu gối đưa về phía sau, khiến cho nửa thân trên ngả về phía trước một chút với một góc 5 độ.

3- 400 cái đánh tay trước, (hay phân nửa thời gian làm động tác này), lưỡi để lên trên răng phía nóc vọng làm cầu nối cho Đốc mạch.

4- 400 cái đánh tay sau, lưỡi để xuống dưới răng làm cầu nối cho Nhâm mạch.

5- Hơi thở nên để bình thường không cần phải theo nhịp đánh tay trước sau, không gượng ép.

Nói về những môn dưỡng sinh, riêng về Á Đông thì có nào là Nội Công, Khí Công, Thiền, Yoga, Zen ... Dù hướng về một mục đính là sức khỏe và tâm linh, người luyện tập thường bị vướng vào một "rừng" lý thuyết lẫn thực hành khác nhau. Mà ngay trong lúc học tập, dù được một thầy chỉ dẫn một bài học, thì mỗi người cũng có thể hiểu biết khác nhau. Đây không phải là một điều đáng phàn nàn mà là một sự thật nên chấp nhận.

Vì ngay cả mỗi cơ thể chúng ta là tuy giống nhau nhưng rất khác nhau, độc giả có biết rằng vị trí ruột thừa có thể nằm trong sáu bảy nơi trong bụng của mỗi người!

Có người dẽo dai có thể đánh tay giơ cao, người khác thì thấp . Ngay cả tôi có ngày mệt mõi thì vẫy tay chậm, ngày khác thấy hưng phấn thì làm nhanh. Rồi khi mới luyện tập thì bấu 10 ngón chân xuống đất, nhưng bây giờ thành thục thì lại chỉ bấu 2 ngón chân cái xuống đất để chữa chứng bàn chân bị lật vào trong (pronation) khi chạy bộ. Vậy phải làm sao?

Theo thiển ý là nên chấp nhận những khác biệt và bỏ qua khái niệm Đúng - Sai ! Người luyện tập nên lắng nghe mọi cách chỉ dẫn, sau đó gạn lọc và làm theo những gì họ thấy có lý, và đạt hiệu quả sau khi thử nghiệm. Chúng ta cũng nên phóng khoáng hơn, nghiên cứu thêm những môn dưỡng sinh khác như Thái Cực Quyền, Khí Công, Yoga... Không ít thì nhiều, môn nào cũng có hiệu nghiệm của nó. Đạt yêu cầu là càng tập luyện thì càng mạnh khỏe và hồng hào. Trái lại thì lại càng đau nhức mệt mõi chán chường.

Là người bình thường, tôi cố gắng trình bày kinh nghiệm và hiểu biết của mình bằng những chữ nghĩa bình thường. Nếu không khoa học thì cũng có lý. Mà không có lý thì các người tinh tường hơn biết ngay và phản bác được. Vậy vị nào có ý kiến khác thì xin phản ảnh để những người luyện tập mở thêm tầm hiểu biết. Bản thân tôi xin cảm ơn trước.

Dương Thành Tân

* Trong Yoga cũng có một môn chuyên luyện tập về chuyện phòng the, Yoga Tantra. Theo họ, chuyện sinh lý là chuyện thiêng liêng lúc Trời và Đất, Nam và Nữ giao hợp với nhau mà tạo ra phép màu của sự sống. Quyển Kamasutra có gốc gác từ lý thuyết này. Tiếc thay, về sau người đời chỉ nhìn về những tư thế tình dục mà bỏ sót những quan niệm nhân sinh khác người của triết lý Ấn Độ.

**
Sẵn đây xin gửi đến đọc giả một bài viết khá mạch lạc nói về Dịch Cân Kinh của ông Huỳnh Bửu Khương, một cựu tù nhân trong trại cải tạo. Nhờ luyện tập mà ông đã vượt qua những nhục hình để về được với gia đình:

Kinh nghiệm tập Dịch Cân Kinh

Tác giả: Huỳnh Bửu Khương
Nguồn: Trích Báo Người Việt

Nhân đọc bài Ðạt Ma Dịch Cân Kinh của Bác sĩ Lê Quốc Khánh đăng trên nhật báo Người Việt số ra ngày 17 và 18 tháng 11 năm 2000 và thấy rất vui mừng khi biết tập Ðạt Ma Dịch Cân Kinh có thể chữa được nhiều bịnh nan y, trong đó có cả bịnh ung thư. Do đó tôi muốn góp thêm ý kiến bằng cách nói lên kinh nghiệm bản thân về việc tập Ðạt Ma Dịch Cân Kinh để giúp quý độc giả hiểu rõ hơn cách luyện tập và củng cố lòng tin vào phương pháp tập luyện này.

Vào năm 1974, anh Nguyễn Kim Tri, Thiếu tá ở Võ Phòng phủ Tổng Thống cho chúng tôi bản phóng ảnh của quyển Ðạt Ma Dịch Cân Kinh bằng chữ Tàu và khuyên chúng tôi nên tập luyện theo sách ấy, rất tốt cho sức khỏe, vì đây là cách luyện tập của chùa Thiếu Lâm dành cho môn sinh luyện trước khi học võ. Sau đó chúng tôi nhờ người dịch đại ý của quyển sách và tập luyện. Sau bốn tháng luyện tập, mọi người trong phòng của tôi (Khối Ðặc Biệt, Trung Tâm Phối Hợp thi hành Hiệp Ðịnh Ba Lê, Phủ Tổng Thống) đều đạt kết quả tốt. Người nào không có bịnh thì đều lên cân, da dẻ hồng hào thấy rõ. Người nào có bịnh thì bớt bịnh. Ông Long, thư ký đánh máy, bị huyết áp cao, thì sau bốn tháng tập, huyết áp xuống mức bình thường. mặc dầu ông không có uống thuốc. Lúc ấy ngày nào tôi cũng tập 1200 cái đánh tay. (Lúc mới khởi sự tập 200, rồi sau tăng dần).

Sau tháng 4 năm 1975, suốt thời gian ở trong các trại cải tạo từ miền Nam ra tới miền Bắc, ngày nào tôi cũng tập Dịch Cân Kinh một lần, và vẫn giữ mức 1200 cái vẫy tay. Nhờ vậy mặc dầu ăn đói và rất ốm yếu, tôi vẫn có thể chịu được và ít bị bịnh. Anh em nói vì tôi là “quan văn” trong ngành võ (Luật sư tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, Thiếu Tá) nên không có sức chịu đựng bằng các anh em khác, phần đông là Tiểu Ðoàn trưởng tác chiến, Quận Trưởng hoặc Hạm trưởng Hải quân, cấp chỉ huy Biệt Kích Dù, An Ninh Quân đội v.v...

Hồi mới ra Hoàng Liên Sơn ở huyện Văn Chấn, thuộc tỉnh Nghĩa Lộ cũ, vào tháng 7 năm 1976, mỗi lần đi lấy gạo, tôi cùng một anh nữa khiêng lối 20 hay 25 kí lô và đi lối 7 hay 8 cây số đường rừng. Khi về gần đến trại có đèo 19 tháng 5 rất cao, thường tôi yêu cầu anh cùng khiêng với tôi ngồi nghỉ một chút rồi mới đi tiếp. Sau đó tôi nói với Thầy Thuần, một Ðại Ðức, Thiếu tá Tuyên úy Phật Giáo, người ở cùng một láng và cùng tập Dịch Cân Kinh với tôi mỗi ngày, về việc tôi qua không nổi Ðèo 19 tháng 5 rất cao. Thầy nói “Bác cứ tập lên 2000 cái cho tôi, bác sẽ qua nổi đèo ấy”. Nghe lời Thầy Thuần, tôi tập lên đến 2200 cái đánh tay mỗi ngày. Và lối nửa tháng sau, khi đi lấy gạo, tôi được giao phải vác một mình 20 kí. (Vì họ cho rằng chúng tôi đã ra Bắc một thời gian lâu rồi nên đủ sức để vác 20 kí đi xa), nặng gấp đôi lần trước, thế mà khi qua đèo 19 tháng 5, tôi qua luôn, không phải ngừng lại để nghỉ như trước. Tôi biết ngay là nhờ tập Dịch Cân Kinh theo lối Thầy Thuần chỉ, nên mới đạt được kết quả ấy. Chớ việc ăn uống thì chúng tôi vẫn bị đói dài dài. (Ở miền Bắc, trong 3 năm đầu, gia đình không được gởi thực phẩm cho chúng tôi). Hồi đó tôi tập nổi 2200 cái đánh tay cho mỗi lần và nhờ hàng ngày tôi phải leo núi, đồi, phải làm việc nặng nên chân mạnh hơn lúc ở Sài Gòn. Chân phải mạnh, rắn chắc thì tập mới được, vì suốt buổi tập mình phải đứng tấn.

Tôi còn nhớ có một hôm chúng tôi phải khiêng một khúc cây to. Anh bộ đội nói “chỉ cần mười người khiêng cây này, anh nào yếu cho khỏi khiêng”. Tôi đưa tay lên xin khỏi khiêng vì tôi biết là tôi yếu nhất trong các anh em. Ðồng thời có một anh nữa, anh Duyệt, cũng đưa tay. Anh bộ đội ngó tôi và nói: “Anh không yếu bằng anh này”, vừa chỉ anh Duyệt. Sau đó tôi nhìn lại thì thấy anh Duyệt mặt mày xanh xao mặc dầu thật sự anh mạnh hơn tôi. Nhờ tập Dịch Cân Kinh mỗi ngày, nên dầu ăn đói, nhưng da tôi không xanh mét như một số anh em khác. Tập Dịch Cân Kinh giúp mình luôn luôn ngủ ngon và không bao giờ bị táo bón, máu huyết được lưu thông mạnh trong thời gian tập, nhờ đó da dẻ chúng ta luôn được hồng hào và bệnh tật tan biến đi.

Sau đây tôi xin nói về cách tập thế nào cho đúng. Khi chúng tôi mới có cuốn Ðạt Ma Dịch Cân Kinh, chúng tôi coi theo hình vẽ trong đó mà tập theo. Sau lối hai tuần tập luyện, chúng tôi thấy không có kết quả gì cả. Do đó chúng tôi phải nhờ người dịch cuốn sách ấy. Và khi tập đúng cách rồi thì kết quả thấy rất rõ. 

Tôi xin diễn tả tư thế và việc phải làm của một người tập Dịch Cân Kinh:

Người tập Dịch Cân Kinh nên đi giày hay dép, không nên đi chân đất. Hai chân dang ra, khoảng cách giữa hai ngón chân bằng khoảng cách của hai vai. Hai bàn chân đứng song song với nhau.

Mười ngón chân bấm chặt xuống giày hay dép.

1. Gồng cứng (lên chân) bắp chuối và bắp vế chân, hậu môn nhíu lại và thót lên. Suốt buổi tập hai chân như trồng cây xuống đất, từ thắt lưng trở xuống luôn luôn cứng nhắc, không suy chuyển. Tóm lại đó là thế đứng tấn của người luyện võ. Suốt buổi tập phải làm đúng như thế. Nếu không, công phu luyện tập sẽ mất gần hết, không mang lại kết quả mong muốn.

2. Đầu như dây treo để cổ được thẳng, mặt ngó về phía trước, nhìn một điểm cao hơn mình một tí để cổ không rùng xuống.

3. Ở miệng hai môi chạm nhẹ vào nhau, không mím môi cũng không hở môi. Hai hàm răng chạm nhẹ vào nhau, đầu chót lưỡi để trên nướu răng trên (để luồng điện được lưu thông).

Ở mỗi bàn tay, năm ngón luôn dính vào nhau (chứ không xòe ra, sách có vẽ hình rất rõ điểm này). Khi đánh tay, lòng bàn tay hướng về phía sau (tức là mu bàn tay đưa ra phía trước).

Động tác duy nhất là đánh hai tay từ phía trước ra phía sau. Khi đưa hai tay ra phía trước, hai cánh tay sẽ hợp với thân người thành một góc 30 độ, khi đánh tay ra phía sau, một góc 60 độ. Tóm lại, khi đánh tay ra phía sau, đánh hết tay. Khi đưa hai tay về phía trước chỉ là một cái trớn, không dùng sức, chỉ do quán tính của việc đánh tay phía sau còn lại mà thôi, do đó chỉ có 30 độ. Mỗi lần đánh tay từ phía trước ra sau thì kể một cái đánh tay (thời gian là 1 giây).

Nếu muốn mau có kết quả thì mỗi ngày tập 2 lần, sáng và chiều. Còn nếu có ý chí lớn hơn nữa thì tập ba lần mỗi ngày (sáng, trưa, chiều) càng tốt. Tập ở ngoài sân hay ở trong nhà đều được, miễn là nơi thoáng khí và yên tĩnh. Không nên tập sau khi ăn cơm no, khi thấy mệt là nghỉ ngay, không nên tập quá sức, và khi còn có thể tập nữa mà không mệt thì nên tiếp tục tập cho đúng sức mình.

Khi mới tập, khởi sự bằng 200 cái đánh tay mỗi lần tập, về sau khi thấy còn có thể tập thêm thì tăng lên dần, thí dụ 250, 300, 350 … Hồi tôi mới tập, một thời gian ngắn sau là tôi lên đến 1.200 cái đánh tay cho mỗi lần tập (trong 15 phút). Hồi đó còn trẻ nên tôi đánh rất nhanh, và mỗi ngày tôi chỉ tập một lần. Sau khi tập xong ta thấy khát nước (nên uống nước ngay), đó là tập vừa sức. Sau khi tập tôi thường đi chậm bằng cách giơ chân lên cao, vừa co giãn hai cánh tay. Có người mới khởi sự đã tập trên 1000 cái thì mặt bị nổi mụn ngay. Nếu tập đúng cách, tôi thấy không có bị phản ứng gì cả, mà càng ngày ta càng thấy khỏe ra. Mình tập được nhiều hay ít là do mình có thể đứng tấn được bao lâu, chứ không phải ai muốn tập bao nhiêu lần cũng được. Còn nếu đánh tay để đếm số lần cho được nhiều mà không gồng (lên gân) hai chân cho thật cứng chắc và nhíu hậu môn lại, thót lên, thì sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Về tốc độ đánh tay thì sách nói đánh tay nhanh như người đi đánh đồng xa. Đánh tay càng nhanh thì máu huyết lưu thông càng mạnh trong thời gian ấy, và sẽ cuốn theo mọi bệnh tật. Sách nói muốn tập để trị bệnh thì nên tập từ 2.000 đến 3.000 cái mỗi ngày trong vòng lối 30 phút.

Và sau đây là hai nguyên tắc quan trọng cần phải áp dụng trong lúc tập:

1. Thượng tam hạ thất: Nếu trong thời gian tập mình dùng 10 phần sức lực thì từ thắt lưng trở xuống mình dùng đúng 7 phần và phải luôn luôn chú ý đến việc gồng cứng (lên gân) hai chân, nhíu hậu môn lại và thót lên. Đó gọi là thượng tam hạ thất là thượng hư hạ thực, trên ba dưới bãy hay trên hư dưới thực. Trong việc đánh tay cũng thế. Khi đưa tay ra phía sau dùng 7 phần sức lực, đưa ra trước thì chỉ dùng 3 phần. Trước ba sau bảy hay trước hư sau thực, đánh tay ra phía sau mới là thực sự cần thiết và phải đánh cho hết tay.

2. Tâm bình khí tịnh: Trong suốt thời gian tập ta không được suy nghĩ điều gì (điều này hơi khó) ngoại trừ việc nhẩm đếm số lần đánh tay. Đó là tâm bình. Còn khí tịnh là trong thời gian tập ta thở bình thường, chứ không phải thở theo nhịp tay. Có một môn phái thở theo nhịp tay, nghe nói là phái Võ Đang. Nhưng phái Thiếu Lâm Tự thì không thở theo nhịp tay. Hồi tôi ở Hoàng Liên Sơn, tôi tập không thở theo nhịp tay. Thầy Thuần thở theo nhịp tay, cả hai chúng tôi đều đạt kết quả tốt.

Sau cùng tôi xin nói một vài kinh nghiệm trong khi tập:

Nếu đánh tay nhanh mà ta thấy tê mười đầu ngón tay thì đó là vì ta không nhíu hậu môn và thót lên, hoặc là vì ta để hở mười ngón tay (bàn tay năm ngón phải dính với nhau, không được hở, điều này trong sách có vẽ hình rõ lắm).

Nếu lúc tập mà thấy đầu hơi nặng là vì cổ ta không thẳng, đầu không như dây treo. Hồi ở Hoàng Liên Sơn, tối nào tôi cũng ra sân tập và đeo bao tay vì trời lạnh. Khi đánh tay được tới 1.500 cái trở lên là tôi thấy ấm người, khỏi mang bao tay nữa. Bây giờ tuổi đã lớn, tôi chỉ tập tối đa là trên dưới 800 cái đánh tay mỗi lần mà thôi.

Thêm vào đó, ngày nào tôi cũng đi bộ ít nhất nữa giờ và thấy rất tốt cho sức khỏe, rất tốt cho việc tập Dịch Cân Kinh. Trong tất cả các môn tôi đã tập, tôi nhận thấy môn Dịch Cân Kinh của Đạt Ma Tổ sư là hữu hiệu hơn cả. Nhưng điều cần yếu là phải tin tưởng và kiên nhẫn tập đều đặn thì mới có kết quả.

No comments:

Post a Comment