TRỐN
(Biến cố Ban mê Thuột: 10/3/1975)
Riêng cho Mai, các con, cháu và bạn hữu.
nguyễn ngọc vỵ
Tác giả là cựu Phó Tỉnh trưởng Hành Chánh tỉnh Darlac vào thời gian quân cộng sản tấn công Ban Mê Thuột, tháng 3 năm 1975. Trước đó Ông từng giữ các chức vụ: Quân trưởng Bình Khê, Bình Định 1966, Phó Tỉnh trưởng Quảng Đức 1967, Phó Thị trưởng Cam Ranh 1968-1971, và cuối cùng là Phó Tỉnh trưởng Darlac 1972-1975.
Ông là người làng Bác Trạch, Kiến Xương, Thái Bình. Di cư vào Nam 1954, theo học các trường Chu Văn An, Luật và Quốc Gia Hành Chánh. Ông tốt nghiệp khóa 3 sĩ quan hiện dịch Đồng Đế, Nha Trang. Cha Ông bị đấu tố chết trong tù năm 1955. Một năm sau Mẹ chết vì buồn khổ và bệnh, nhưng mãi 25 năm sau Ông mới biết.
Ông cho biết nội dung bài viết của Ông hoàn toàn thực 100%: “không phải là nhà văn, càng không phải là sử gia, tôi không coi đây là một tài liệu quan trọng hay một bài viết có tính cách văn chương mà thực tế chỉ là một bài viết ghi lại những gì thực sự tôi biết, tôi nghe, tôi chứng kiến, đúng nhất là tôi đã… lãnh, đã gánh chịu. Tôi viết để sau này cho con cháu biết chuyện mà thôi”.
Sau 35 năm ra khỏi nước, giờ đây, ngồi trên đất Hoa Kỳ...ghi lại đôi giòng về biến cố “Ban mê Thuột” (3/75), khởi sự cho cái nhục: 'thất thủ Miền Nam', nghĩ tới lời ai đó: “Cao nguyên là miền đất chiến lược, ai chiếm được 'Cao nguyên' sẽ … kiểm soát cả Việt Nam”, thấy không sai!
Không biết ba chữ 'Buồn muôn thuở' (BMT) nó có trực tiếp vận vào người dân xứ Ban mê Thuột (BMT) hay không mà …Giữa lúc mọi người đang vui hưởng cuộc sống thanh bình, yên vui, điển hình là trong thành phố, những nơi thờ phượng như Nhà thờ, Đền đài, Chùa, Miếu, lúc nào cũng đông đảo tín hữu lui tới cầu nguyện, cúng bái. Chợ búa, trường học, tấp nập người lớn, trẻ con, ngày đêm chen chân buôn bán, làm ăn, học hành hăng say, tích cực, xa xa ngoài buôn, ấp, nương rẫy, những đoàn người xả sức cày sâu, cuốc bẫm, liên tục vun xới, tưới trồng, háo hức trông đợi một mùa mới thành công, gia đình quây quần quanh bữa cơm chiều, bên ngọn đèn ấm cúng, chan hoà hạnh phúc, thì hung tín tràn về: Việt cộng sắp đánh … Ban mê Thuột!
BMT sẽ khốn khổ ...? Đời...BMT vốn chỉ 'ẩm áo bởi mưa phùn, sương sa', không lẽ...sẽ 'ướt đẫm, tơi tả vì cuồng phong, bão tố'? Phải chăng: 'Hoà bình sẽ đi và chiến tranh sắp...đến' ?
Ngày 9 tháng 3 năm 1975 là ngày Chúa nhật, chuông nhà thờ vẫn đổ như mọi Chúa nhật quanh năm, nhưng...không biết có phải vì tâm hồn xao động mà tiếng chuông vang nghe khác hẳn: Chậm rãi, yếu ớt! Không mạnh mẽ như mọi khi!
Thật ra, liên tiếp những ngày trước đó, nhiều tin xấu đã dồn dập lan tràn trong dân chúng, khiến lòng người hoang mang, lo sợ. Hình ảnh sống động của Thị xã Ban mê Thuột, một đơn vị xã hội đầy sức sống, đang vươn lên bằng chính tâm, sức của mình, bỗng một sớm một chiều, tan biến đi một cách nhanh chóng, oan uổng! Tâm trạng người dân lúc ấy, sao mà … nhìn đâu cũng thấy kẻ thù!
Đã thế, còn như lửa thêm dầu, suốt mấy ngày liền, chứng kiến cảnh người dân tỉnh Quảng Đức, hối hả tìm đường lánh nạn qua Darlac, trên quốc lộ 14, đủ mọi loại xe lớn nhỏ, đặc biệt là những chiếc xe đò già nua, cũ kỹ, trong lòng xe và cả trên mui, chật ních người và đồ đạc, phóng như bay qua cầu 14 vào hướng Thị xã Ban mê Thuột, với hy vọng thoát khỏi vùng lửa đạn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào như lời xác nhận của Ông Nguyễn thế Chu,(1) Phó Tỉnh Trưởng HC Quảng Đức (liên lạc qua điện thoại). Xe ngừng, từ lòng xe chui ra, những thân hình đi đứng xiêu vẹo, mặt mày hốc hác, đôi mắt láo liên, chứng tỏ những thân xác này đã lao đao, mệt mỏi quá nhiều ngày, cộng với lệnh giới nghiêm từ 7 giờ chiều đến 5 giờ sáng mà Quân trấn Ban mê Thuột vừa mới ban hành, càng khiến dân chúng tin rằng tình trạng an ninh quả thật đã trở nên nguy hiểm, tồi tệ lắm rồi!
Qua tin tức (nội bộ và tin đồn ngoài phố), cộng với những biện pháp đề phòng (giới nghiêm, hạn chế lưu thông một số khu vực và những biểu ngữ căng trên đường phố, kêu gọi dân chúng bình tĩnh và tuân theo hướng dẫn của nhà cầm quyền...) của các cơ quan anh ninh như Sư đoàn, tiểu khu, kho đạn, phi trường, cảnh sát, các cơ sở Hc và quân sự biệt lập.v.v.v. Có thể nói: Không khí chiến tranh hầu như đã bao trùm toàn thị xã. Cảnh nhà cửa bị thiêu rụi, các công trình kiến trúc bị tàn phá, đổ nát, xác người chết trên đường phố, làm mồi cho thú hoang,(nhìn cái gương của tỉnh Phước Long mới xảy ra trước đó hơn 1 tháng!), tất cả đang ám ảnh dân chúng ngày đêm, khiến đầu óc căng thẳng, tâm hồn bất an, nhất là lúc màn đêm buông xuống, cửa nhà đóng kín, đưởng phố vắng tanh, mọi sinh hoạt đều ngưng đọng. Trên những con đường quen thuộc, rợp bóng cây xanh tươi, đông người qua lại trước đây, bây giờ, dưới ánh đèn vàng nhoè nhoẹt, cái còn cái tắt, thỉnh thoảng mới thấy một vài chiếc xe của ai đó, chạy như ma đuổi, biến nhanh vào bóng đêm!
Tại sao bỗng nhiên nên cớ sự này? Nhân danh cái gì mà người ta đang tâm...cướp đi sự sống yên lành của nhau?
Phải nhận rằng: Tất cả những sự kiện trên, đã liên kết với nhau tạo thành một sức ép, mạnh đến ngộp thở, hậu quả là hỗn loạn, vô trật tự đã xảy ra ngay trong lòng Thị xã, như tại bến xe đò liên tỉnh, văn phòng Đại lý hàng không Việt Nam, tại phi trường v.v... Sự sợ hãi khiến con ngưởi trở nên hẹp hòi, ích kỷ, khi mất bình tĩnh rồi, con người không còn biết trắng đen, phải trái! Bởi vậy, không ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tranh dành, trấn áp nhau diễn ra rất oái oăm, kỳ quặc, đôi khi gần như bất nhẫn, thiếu hẳn tình người! Tính tự trọng, lòng Nhân, đức Bác ái, phút chốc...biến mất luôn! Giải thích sự kiện này, người ta đổ thừa cho 'bản năng sinh tồn'! Họ công khai áp dụng luật rừng: Mạnh được, yếu thua! Ỷ quen thân, cậy quyền thế, cái gì có lợi cho bản thân, cho gia đình là nhất định họ làm, phải chiếm đoạt cho được!
Trước thực tại đó, đã có lúc tự hỏi: Lòng người hoảng sợ, đời sống xã hội lâm cảnh xáo trộn mau vậy, có phải vì không ngờ là chiến tranh lại có thể xảy ra giữa lúc cuộc sống sung túc đang tốt lành, yên ổn? Hay bởi lập trường không chấp nhận cộng sản mà người ta vội vàng phản ứng như thế? Hay sự khủng hoảng tinh thần này là kết quả của một xảo thuật tuyên truyền của cộng sản với chủ đích làm rối loạn hậu phương đối phương trước khi tấn công?
Thứ bảy, ngày 8 tháng 3, từ sáng sớm, Đại tá Nguyễn trọng Luật,(2) Tỉnh Trưởng, cho tôi biết, các Trưởng Ty Sở phải sẵn sàng tham dự buổi họp về an ninh do Thiếu Tướng Nguyễn văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II kiêm Đại Biểu Chính Phủ vùng II chủ toa. Được chỉ thị, tôi vội tin cho Trung Uý Khải, Sĩ Quan đặc trách NDTV, chuẩn bị tài liệu thuyết trình, đồng thời thông báo cho các anh em trưởng cơ quan HC tham dự. Ngay khi được tin, anh em Trưởng Ty Sở đã mau lẹ có mặt tại toà tỉnh, phần vì đã sẵn trực tại cơ quan, phần khác cũng vì nóng lòng muốn tham dự họp để xem tình hình an ninh chung thế nào, quân ta chuẩn bị ra sao. Nhưng...chờ đến chiều, lại được thông báo hoãn.
Hôm sau, ngày 9/3/75, Đại Tá lại cho biết...Thiếu Tướng Tư Lệnh (Nguyễn văn Phú) sẽ đến tỉnh, nhưng khối công chức được miễn họp. Sau khi thông báo cho các trưởng cơ quan tin miễn họp, tôi và Trung Uý Khải, Sĩ quan đặc trách NDTV, đi một vòng qua các Ty, Sở ngoại thuộc, Trung học Tổng hợp, Trung học bán công, xã Lạc Giao (xã tỉnh lỵ) rồi trở về tòa tỉnh, tới phòng trực, phòng hội, có rất đông anh em công chức, cán bộ tập trung nơi đây, tất cả đang quây quần đấu khan với nhau.
Đúng là 'ngưu tầm ngưu, mã tầm mã', đa số anh em trẻ, độc thân, vui tính, tụ lại với nhau một chỗ, nói cười vô tư, xem chừng như tinh thần họ không quá xao động về tình hình an ninh như những vị có gia đình, lớn tuổi. Trong khi đó, nơi cuối hội trường, các Ông...Khán (Chánh văn phòng), Ông Phong (Trưởng ty Nội An), Ông Khèn (Trưởng phòng Kinh tế), Ông Kế (Trưởng ty Tài chánh), Đại uý Định(Trung tâm trưởng XDNT) (3) đang ngồi thảo luận thời cuộc với nhau một cách khá nghiêm túc, có điều, gương mặt ông nào cũng nặng trĩu bi quan!
Chợt...Ông Khèn, vị công chức đứng tuổi, rời chỗ ngồi, đến đứng gần, nghiêm nghị nói:
- Ông Phó cũng biết, với những vũ khí chúng ta có (carbine & lựu đạn), tự vệ cũng không nổi, nói chi đến chống cự và tiêu diệt phải không ông? Chúng vào thì anh em xử trí làm sao?
Tôi chưa kịp trả lời thì nghe một lời than khá nghiêm chỉnh, dõng dạc, xin được ghi lại nguyên văn: “Không biết ở nơi kia, có ai hiểu được hoàn cảnh, tâm trạng của những kẻ vì bổn phận và tinh thần trách nhiệm, giờ này ngồi đây, chờ đợi một biến cố, dữ nhiều hơn lành! Biết mà bó tay! Số phận...đêm nay, ngày mai có thể chết hay tù tội! Họ được cứu hay thân phận họ sẽ lại lâm cảnh...đem con bỏ chợ”?
Cay đắng! Thấm thía! Chân thành! Ai là người hiểu được cảm xúc, tâm trạng họ? Họa chăng...'Con tim' thì may ra, chứ 'lý trí' thì … khó!
Không nghe lời nào thêm, tôi trở về nhà (trong khuôn viên toà tỉnh), sau một ngày dài đầu óc căng thẳng, tắm rửa, ăn uống xong, định nằm nghỉ giây lát, sẽ trở lại văn phòng, không ngờ thiếp đi vì quá mệt. Thật bất hạnh! Giấc ngủ đang ngon thì tiếng gọi trong trạng thái hoảng loạn của nhà tôi:
- Dậy mau, nó pháo kìa, Chúa tôi!
Nghe la...pháo, choàng dậy, chụp vội khẩu súng chạy ra cửa, vừa chạy vừa hối vợ con nằm xuống sàn nhà tránh pháo!
Chạy lên văn phòng, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện thoại cho Đại tá Tỉnh Trưởng, mục đích muốn biết xem tình hình an ninh thế nào, thứ đến là số anh em cán bộ, công chức ứng trực nơi toà tỉnh, phải xử trí thế nào, nếu như...? Với vũ khí khiêm nhượng như vậy chỉ có thể sử dụng để bảo vệ an ninh trong thời bình chứ làm sao chống cự lại lực lượng tấn công! Liên lạc không được, chạy tới phòng viễn thông, gọi máy qua Tiểu khu, cũng không kết quả! Tình hình này dễ gì biết được Đại Tá ở đâu. Đành tự xoay xở theo khả năng hiểu biết với phương tiện sẵn có của mình!
Chạy trở về nhà...Tháng 3 là thời gian thơm ngát mùi hoa càfe' quyện với hơi sương thoảng về trong đêm lạnh, thường tạo cho con người cảm giác thanh bình, ấm cúng, nhưng giờ này thì không! Ôm súng (carbine) ngồi trong hố cá nhân, hình ảnh Ban mê Thuột hệt như một thiếu nữ xinh đẹp đang bị đe doạ, đang bị trọng thương nằm đó, liệu có được ai che chở, cứu vớt chăng? Cú điện thoại mà Đại Tá Vũ thế Quang,(4) Tư lệnh phó Sư Đoàn 23, Chef cũ của tôi khi anh là Thị Trưởng Cam Ranh thì tôi làm việc dưới quyền anh nhiều năm, gọi chiều hôm qua:
- Nè ông phó, nhiều phần trăm chúng làm ăn đêm nay đấy, Quận Đức Lập, Quảng Đức thất thủ rồi, thận trọng nghe, thôi nhá. Bye.
Lời lưu ý này giờ thấy đã linh, còn mình...đơn độc!
Thật khó phân biệt nổi là đạn từ hướng nào pháo tới bởi cùng lúc có quá nhiều tiếng nổ, từ phía bản doanh Sư đoàn, từ kho đạn, từ hướng đồi Lasan cũng như phía phi trường trực thăng, L19, lửa cháy rực trời, đặc biệt là kho đạn và phi trường trực thăng, từng khối cầu lửa bùng lên sau mỗi tiếng nổ kinh hồn!
Nhờ ánh sáng của chiếc đèn 'pin' nhỏ, nhìn rõ đồng hồ chỉ 3 giờ 15 phút. Thời gian chúng pháo kéo dài ít cũng đã 15 phút. Như vậy là chúng(VC) khởi sự pháo Thị xã Ban Mê Thuột đúng vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975.
Sau những đợt pháo lúc dầy lúc thưa, rồi ngưng vào khoảng 6 giờ sáng, tin rằng tình hình này chưa phải là ngưng hẳn, nhảy ra khỏi hố, tôi kêu bác tài chở vợ con và cậu em ra trú tạm nhà người quen ngoài phố, khu đông dân cư, hy vọng an toàn hơn, sợ đợt pháo kế tiếp, toà hành chánh tỉnh sẽ là mục tiêu của chúng.
Đứng dưới chân cột cờ (giữa sân toà tỉnh), chứng kiến cảnh anh em cán bộ, công chức, lặng lẽ ra khỏi toà tỉnh sau một đêm dài chịu trận, tất cả nằm ngồi nơi đây mà đầu óc cứ xóay vòng nơi tổ ấm gia đình, sự chết bao trùm khắp nơi mà tất cả đành bó tay đứng, ngồi ngó nhau!
Anh em đi rồi, thấy mình lơ láo! Đã vậy, ngoài đường xuất hiện nhiều toán người đông đảo đang tiến vào hướng trung tâm thị xã...Hoảng hồn, không biết chuyện gì nữa đây? Lúc đó khoảng 6 giờ 25, quan sát kỹ, tất cả đều là đồng bào thiểu số, chắc họ từ những buôn ấp không xa, kẻ đeo gù, người cõng con, giắt chó, âm thầm bước đi vội vã! Phải chăng họ rời buôn ấp đi tìm chỗ an toàn cho bản thân và gia đình? Họ kéo vào đây vì sợ cộng sản hay họ bị cộng sản lùa vào làm bia đỡ đạn? Chẳng hiểu! Luận cách nào đi nữa thì sự kiện này nếu không phải VC đẩy họ vào với mục đích gây rối loạn hậu phương phòng tuyến Quốc gia thì ít ra cũng là dịp cho chúng trà trộn, xâm nhập vào thị xã một cách dễ dàng và an toàn! Nghĩ tới đó, lạnh cả người!
Trong khu vực toà HC tỉnh, giờ phút này,(khoảng 6 giờ 30) không còn ai ngoài gia đình ông Phúc, trưởng ban công xa, ngụ ngay phía sau toà tỉnh. Thấy nguy hiểm, tôi khuyên ông nên đem gia đình ra phố hay nhà thờ tránh pháo, rất có thể đây sẽ là mục tiêu kế tiếp của chúng. Nghe chưa hết câu, ông đã chạy vô nhà hối vợ con, vội vã ra đi.
Trở về tư thất, hy vọng có ai gọi, để lại tin nhắn cho mình, nhưng không có. Rất có thể Đại Tá đã gọi tới văn phòng, nhưng mình đâu có ở đó! Đứng cạnh những thùng đồ, đã dán, đã gói, cột chặt chẽ, sẵn sàng di chuyển theo vợ con tôi trong chuyến bay 10 giờ sáng hôm nay, thứ hai, ngày 10/3/75 về Sài Gòn. Lý do tôi cho vợ con về Sài Gòn vì cả tháng trước đây, tôi đã có lệnh thuyên chuyển, tôi ở lại và sẽ rời Ban mê Thuột ngay sau khi Bộ (Nội vụ) cử người lên thay thế.(tới ngày 9/3/75, Bộ vẫn chưa cử ai, sau này được biết, khi BMT bị tấn công, Bộ hoàn toàn mất liên lạc với Tỉnh thì Ông Lê hữu Phước, phó Thị Cam Ranh được cử thay thế tôi nhưng vì tình hình chiến cuộc, cũng không thể đến BMT.).
Đúng là mình tính không bằng Trời tính, lần này rõ ràng là kẹt! VC tấn công đúng ngay vào ngày vợ con tôi có chuyến bay về Sài Gòn!
Thẫn thờ, ngó ông (Kiệm) tài xế và chú (Hảo) cảnh sát viên biệt phái, cả hai yên lặng ngồi theo dõi từng cử chỉ của tôi. Dứt lời thăm hỏi nhau, chợt thấy mình buồn vui lẫn lộn. Buồn vì với tình huống này, liệu tương lai còn có cơ hội sống và làm việc với nhau không, còn vui là với thực tế nguy ngập thế này, sao họ vẫn một lòng sống chết với mình, không tìm cách ra đi mặc dù mình đã cho phép.
Đến nước này, không lẽ ở yên để mặc cho số mệnh, sực nhớ tới câu nói của Vị Thánh Nhân nào đó: “Nếu mỗi ngày bạn đều sống như ngày cuối đời, suy nghĩ, hành động của bạn, chắc chắn sẽ khác!”. Nếu hôm nay cũng là ngày cuối của đời tôi, chắc chắn tôi phải có ý tưởng khác hôm qua. Thật đúng, chưa bao giờ tôi cảm nghiệm được rõ thân phận mình bằng lúc này, không sống trong vọng tưởng, tôi biết phải làm gì, tôi hỏi ông Kiệm lấy chìa khóa xe, mặc dù ông và chú Hảo đều khuyên tôi không nên đi đâu, nguy hiểm lắm. Tôi vẫn quyết định lái xe ra phố, nơi vợ con tá túc tránh pháo xem tình hình thế nào, còn an toàn ở đó hay không. Tới nơi, biết được tất cả bằng yên, trên đường trở về toà Tỉnh, khi xe vừa trờ tới khúc đường trước cổng chính Tiểu khu Darlac, bất hạnh cho tôi, một trái pháo nổ ngay phía trước xe!
Phúc đức...May mắn...khi tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong hầm truyền tin của Tiểu khu Darlac! Chắc là bà con, đồng bào...ai đó nhận ra xe của tôi bị hư, bỏ trên đường phố nên đã tin về Bộ Nội vụ, vì thế, Bộ Nội Vụ đã báo cho Mẹ và anh tôi ở Sài Gòn biết là tôi đã tử nạn trong ngày 10/3/1975 tại Thị xã Ban mê Thuột. Thánh Lễ Cầu Hồn được tổ chức tại nhà thờ Thăng Long, Phú Thọ (trường đua), nhưng...chỉ mấy phút trước khi Thánh Lễ bắt đầu thì lại được tin tôi chưa...chết nên Thánh Lễ Cầu Hồn được đổi ra là Thánh Lễ Cần An. (một số các bạn đồng môn HC ở Sài Gòn có tham dự). Báo Chính Luận có đăng “Cáo phó” vụ tôi chết (hụt) này và tôi là người được đọc “Cáo phó” của mình khi trốn được về tới Vũng Tàu cuối tháng 4/75, từ đó đến nay, thỉnh thoảng ngày 10 tháng 3 lại lấy mẩu 'Cáo phó' này ra...ngắm!
Ở Tiểu khu, khoảng 8:15, tôi đã nói chuyện với Đại Tá Tỉnh Trưởng, qua máy truyền tin, sau khi biết lý do tôi có mặt ở Tiểu khu. An ủi đôi lời, Đại Tá bảo:
- Anh cứ ở đó để tiện liên lạc khi cần.
Yên trí. Nhưng rồi không biết là mình có thể chấp hành lời căn dặn của Đại Tá được bao lâu vì chỉ thời gian ngắn sau đó, Tiểu khu bị pháo trở lại.
Ngồi ngay giữa lòng Bộ chỉ huy Tiểu khu mà sao vẫn thấy mình lạc lõng, cô đơn! Bất ngờ, Trung tá Vĩnh,(5) Chỉ huy Trưởng CSQG Darlac xuất hiện, sau khi nói chuyện với Đại Tá qua máy truyền tin, trở ra, ông lại chỗ tôi ngồi, với thái độ nghiêm trọng, hỏi một câu, nặng tình cảm nhưng tôi không muốn nghe tí nào: Tình hình nguy ngập, khẩn cấp thế này, sao ông lại ở đây? Đã lo càng bối rối thêm....sao...ông...lại...ở đây? Hai chúng tôi cùng ra khỏi hầm truyền tin, trước khi chia tay, Trung Tá Vĩnh quay sang hỏi:
- Ông đi với tôi không?
- Không, tôi không đi đâu, cám ơn ông.
Lý do Ông hỏi thế vì về phương diện tình cảm, tôi và Ông cùng quê Thái Bình, khá thân, cũng có thể vì ông thấy tôi là người dân sự duy nhất, lạc lõng ở Tiểu khu, lỡ có chuyện lớn thì xoay xở cách nào?
Tôi biết: 'Chọn là từ bỏ, là mất! Chọn A thì phải bỏ B, không thể có cả 2! Rất...khổ tâm! Chọn ở lại không đi là bỏ mất cơ hội thoát khỏi lạc lõng, cô đơn. Tôi không đi là vì tinh thần trách nhiệm, cũng như kinh nghiệm đời đã dạy, bất cứ hoàn cảnh nào, phải trung thành, sống chết với hệ thống của mình.
Trung tá Vĩnh rất ngạc nhiên khi nghe tôi trả lời, không 1 giây suy nghĩ. Sở dĩ tôi trả lời nhanh như vậy vì sợ ngần ngừ, có thể tôi sẽ đi với ông, bởi lẽ, tâm trạng tôi khi ấy quá cô đơn, một người dân sự, tay không, giữa đám quân nhân vũ khí đầy mình, mai phục dầy đặc nơi giao thông hào, hầm hố. sẵn sàng tác chiến.
Sau khi biết ý định của tôi, Trung Tá Vĩnh từ giã, trở về Bộ Chỉ Huy CSQG.
Vừa chia tay với Trung Tá Vĩnh, trở lại phòng truyền tin được một lúc thì Thiếu Tá T... từ ngoài vô, hối tôi chạy theo ông vì ngoài kia người ta...rồi! Vội vã chạy theo T, thoát khỏi vòng đai Tiểu khu, băng qua đường, men theo bức tường Biệt Điện (Bảo Đại), chạy tới công viên trước Sư đoàn, cả hai đứng lại tìm hướng chạy tiếp. Thiếu Tá T, ôm ngực hỏi:
--Chạy đâu bây giờ ?
- Ông muốn chạy...?
- Tùy ông, chạy đâu thì chạy chứ không đứng đây lâu được đâu.
- Ông tính bộ binh nó vào chưa hay mới chỉ pháo?
- Tôi nghĩ là chưa, nó vào rồi sao mình đứng đây được.
- Vào Sư đoàn nhá?
- Giờ này nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai cho mình vào!
Tôi quyết định xin vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, vì nghĩ là có quen biết cấp chỉ huy hiện giờ. (Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lê trung Tường nguyên là Tỉnh Trưởng Bình Định khi tôi phục vụ ở đó, tiếc là giờ này Chuẩn Tướng lại ở Pleiku. Nhưng có Tư Lệnh phó Sư Đoàn là Đại Tá Vũ Thế Quang, quen thân là khác, ông nguyên là Thị Trưởng Cam Ranh khi tôi là Phó).
Giờ đây nghĩ lại vẫn còn thấy ớn! Giữa lúc VC pháo tứ tung, chẳng biết địch ở đâu, vậy mà tôi và Thiếu Tá T lại đứng ngay giữa công viên trước cổng chính Sư đoàn mà la lớn đòi cho vào. Không la lớn thì ở trong người ta không nghe, mà la lớn thì lại sợ du kích hay bộ đội ở đâu đó phát hiện cũng nguy, đã thế, chẳng những phải hài rõ tện, chức vụ của mình mà còn phải hài rõ cả tên, cấp bậc của người mình muốn gặp nữa, có thế mới hy vọng họ trình báo cho.
La xong, làm dấu. đứng đợi...Thượng Đế còn thương. Chỉ ít phút sau, nghe rõ tiếng Đại Tá Quang, Tư Lệnh phó:
- Phó Vỵ phải không?
- Dạ, Vỵ đây anh.
- Đợi đó nghe.
- Dạ.
Đời người, có những niềm vui, cười nói đủ diễn tả, riêng trường hợp này, không cười nói được, âm thầm chiêm nghiệm thân phận mình mà thôi. Anh Quang à, Anh có đồng ý là: Không Ơn nào trọng bằng Ơn cứu sống, phải không Anh?
Có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được mẩu đối thoại ngắn ngủi này.
Thời gian mở lối cho chúng tôi vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 mất khoảng 15 phút. Theo sự hướng dẫn của một Sĩ quan, tới cửa hầm, thấy anh Quang đứng chờ ở đó. Mừng...tủi, không nói được gì. Xiết chặt tay anh và theo vào phòng chỉ huy. Mừng hơn nữa là không ngờ chạy vào đây lại gặp được cả anh Luật. Thật là may mắn cho tôi, ngay từ lúc khởi sự bị pháo, nhất là lúc ở Tiểu Khu, anh bảo tôi cứ ở yên đó, nhưng rồi do tình hình chiến sự, phải di dời, luôn thắc mắc là không biết làm cách nào mà gặp được anh, giờ thì yên trí.
Qua một đêm gần như thức trắng, nằm theo dõi hoạt động của phòng truyền tin Sư đoàn, phải nói là ...nhức đầu vô cùng, không cách nào phân tích và hiểu được tình hình chiến sự nó ra làm sao!
Khoảng mươi phút trước 7 giờ sáng thứ ba, ngày 11 tháng 3/75, Trung Uý Di (tuỳ viên Đại Tá Tỉnh Trưởng) và Thiếu Tá Phúc (Quân cụ), cùng tỵ nạn ở Sư Đoàn như tôi, rủ ra khỏi hầm truyền tin quan sát máy bay ta lên không yểm. Đã ngại không muốn đi, (đói và mệt) nhưng anh em nài nỉ quá nên đành nghe theo. Hầm không được sáng, rẽ phải, rẽ trái, vì khá nhiều thương bệnh binh nằm dài dọc hai bên chân tường, phải thận trọng bước đi từng bước. Có lẽ là cũng gần tới cửa hầm nên đã nghe được tiếng gầm thét của phản lực cơ. Lòng phấn khởi hẳn lên, hăm hở đi nhanh hơn, bỗng nghe một tiếng rít như xé không gian, liền sau đó là một tiếng nổ long trời lở đất!
Đường hầm bỗng tối đen và sặc mùi khói bom cùng bụi đất (đỏ) khét lẹt! Đám đông hoảng hốt, gào thét, kêu la, xô lấn, dẵm đạp lên nhau, cố tìm lối thoát, rùng mình khi nghe những tiếng thét của một số thương binh nằm dọc hai bên chân tường, tru tréo lên rồi nhỏ dần ... im bặt! Bản thân tôi, cố gồng mình đứng thẳng, gắng làm theo lời Di ghé sát tai bảo: Ông ráng nắm chặt áo tôi, cố đứng vững, vô phúc mà té xuống là người ta đạp chết đó!
Sự sợ hãi cộng với không khí ngột ngạt trong hầm kéo dài khá lâu, khiến nhiều người cảm thấy tinh thần, thể xác, bắt đầu suy nhược, đầu óc, sức lực, xem ra vô dụng rồi, thấy chết mà không làm gì được! Ranh giới giữa 'Hy vọng và Tuyệt vọng' đã kề sát nhau! Hàng trăm thân xác, đứng chật ních trong căn hầm tối, hình như lúc này chỉ còn biết cầu mong phép lạ. Thậm chí nghe được cả những lời than hầu như tuyệt vọng: Tất cả đứng đây chờ nó vào, nó moi lên giết hay trói giải đi thôi!
Đang khi bất động đứng thở thì nghe được tin chuyền tai nhau: Đã có lối ra...Nghe thì mừng nhưng lại sợ là tin vịt. Và rồi...đúng là sự thật vì có tiếng ai đó, la thật lớn nơi cuối đường hầm: 'Tất cả mọi người hãy bình tĩnh, đã có lối thoát ra khỏi hầm'. Trung úy Di buột miệng: Cám ơn Trời Phật! Mừng muốn chết! Văn hoá mình thật là hay, mừng mà lại muốn chết!
Quả thật là may mắn, nhờ một số quân nhân làm việc lâu ngày tại hầm chỉ huy nên mới biết chỗ nào có thể đập phá làm lối thoát. Trong trường hợp này, câu nói...'Ánh sáng le lói cuối đường hầm' quá đúng. Đám đông chen chúc nhau, nhích từng chút, tới khi chính mắt thấy được ánh sáng rọi xuống thì nhiều người la lớn, cười, nói, vô cùng hạnh phúc.
Vì bom nổ (ngay cửa hầm) sập hầm nên hệ thống truyền tin cùng cơ sở bị hư hại nặng, không còn sử dụng được, do đó, khi tất cả đã ra khỏi hầm, Đại Tá Vũ thế Quang, với tư cách Quân Trấn Trưởng, quyết định di chuyển đến một địa điểm khác, thiết lập bộ chỉ huy (BCH) hành quân mới.
Cuộc rút khỏi Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 ra rừng (phía sau bệnh viện), không gặp trở ngại nào, nhưng khi tới nơi tạm dừng chân thì tình hình thay đổi. Từ điểm xuất phát này, lực lượng còn lại chia thành hai cánh quân. Một...dưới quyền Đại Tá Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23, một...do Đại Tá Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng Darlac chỉ huy, dĩ nhiên là tôi đi theo cánh quân của Đại Tá Tỉnh Trưởng.(lý do đưa đến quyết định chia thành 2 cánh quân, có nhiều chi tiết quan trọng, nếu có dịp, tôi xin kể hầu sau).
Diễn tiến của đoạn đường đến điểm hẹn lập BCH mới, có rất nhiều chuyện xảy ra. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin kể về......cánh quân của Đại Tá Tỉnh Trưởng chỉ huy.
Thật không may, cánh quân chúng tôi di chuyển theo một con suối nhỏ, nước, sình, ngập gối, lội một hồi, đến gần một đồi càfe' thì suối cụt. Tất cả được lệnh ẩn núp tại vườn càfe' này, không ngờ, khi anh em tràn lên chiếm các gốc càfe' (cây càfe' có tàn lớn, dễ núp) thì địch phát hiện! Tăng và súng địch phía đồi bên hông, bắn xối xả, cây cối gẫy đổ, cành, hoa lá càfe' cùng đất đỏ, tung toé, mù trời! Chạy một hồi, thấy Đại Tá té cái bịch...Trực giác bảo tôi: Đại Tá...trúng đạn rồi! Mình còn chạy được là chưa, cố chạy nhanh hơn. Qua đồi, chạy tới khi không còn nghe tiếng súng mới ngừng, ngó quanh, chỉ còn 3 mạng! Một trong 3 là Thiếu Tá Phúc,(Quân cụ), người cùng tỵ nạn bất đắc dĩ với tôi ở Sư đoàn. Phúc hiền, vui tính, Phúc thường đi săn nên thạo đường rừng, tôi thì chưa bao giờ vào rừng nên rất sợ. Bạn có bao giờ nghĩ rằng: Trong tình trạng 'thập tử, nhất sinh' như vậy, chân chạy mà chỉ sợ lạc chứ không sợ chết không?
Sau này kể cho nhà tôi nghe chi tiết này, nàng nghiêm nghị phán: Vậy là không được! Phải...phó Linh hồn. Không sợ chết là sao? Im lặng mấy giây rồi mới thưa: Chết thì xong rồi, đâu sợ gì nữa, không chết mà lạc trong rừng mới...khốn nạn, thưa ...em!
Một chuyện nữa cũng xin kể luôn: Đúng là 'Phúc bất trùng lai'... Lúc đầu, Phúc và tôi, mỗi người núp một bụi, mươi phút sau, tôi bò sang chỗ Phúc nằm, tránh trường hợp Phúc lủi đi đâu mình không biết. Rồi...chỉ ít phút sau, có lẽ thấy tôi không còn nằm chỗ cũ, 2 quân nhân kia cũng hoảng...bò luôn sang chỗ Phúc, thế là cả 4 cùng nằm chung một bụi. Có lẽ nhờ thế mà tinh thần bớt căng thẳng, cộng thêm phần thể xác quá mệt, nên tất cả ngủ lúc nào không hay. Giật mình vì những tiếng hét kinh hồn bên tai, chưa kịp bò dậy thì mũi súng đã chĩa ngay đầu, chỉ cách gang tay! Lần lượt chui ra khỏi bụi, liền bị trói và giải đi bởi những cán binh cộng sản còn quá trẻ, 16, 17, chưa tới tuổi uống rượu. Chúng giải tới một địa điểm đã có nhiều trăm người bị giữ ở đó. Trước khi di chuyển tất cả, chúng trói cứ 10 người 1 dây, ban đêm, lệnh phải đi hàng một (chữ nhất), đi trệch hàng là báng súng chúng 'zộng'. Cảnh ngộ thế chưa đủ, còn phải nghe những tiếng la...khẩn trương với triển khai (lạ tai vì lần đầu nghe), lải nhải cả đêm, chịu không nổi! Ròng rã 3 ngày đêm lầm lũi đi trong rừng, không một miếng ăn, nước thì 2 lần lội qua suối nhỏ, gục mặt xuống mà uống! Quả thật chưa bao giờ thấy câu nói...'bụng đói, cật rét' nó hiện hình nguyên si như vậy, đã thế, khoảng cách dây trói giữa người đi trước và người đi sau lại ngắn, không đủ dài, nên đạp chân nhau, té lên té xuống cả đêm! Trong khi di chuyển, có tin một số người lợi dụng trời tối, cởi trói cho nhau, lủi vào rừng, nhưng thoát hay không thì không rõ, mỗi lần nghe những loạt đạn nổ, VC bảo...có người trốn nhưng đã bị bắt lại hoặc bắn chết tại chỗ!
Tới trại giam vào khoảng nửa đêm, sáng thức dậy, thấy Đại Tá Luật nằm cách chỗ tôi ngồi không xa. Ông vẫn còn ngủ. Khi ông thức, hắng giọng cốt ý cho ông biết tôi cũng có mặt ở đây. Nhận ra nhau nhưng phải đợi tới lúc dẫn đi lấy cơm trưa mới gặp ông, tôi kể ông nghe, ông cười, vui vẻ, khoe:
- Ông phó xui chứ tôi là dân thiết giáp, bị bắt, chúng lại cho ngồi T54 vào đây, chẳng phải đi bộ bước nào.
- Vậy là anh hên quá! Thế còn vụ... anh té lúc VC phát giác, tại sao vậy? Có phải anh bị đạn chúng không?
- Không, vọp bẻ...chạy không được, chúng ập tới, nhìn cổ áo và bảng tên trên miệng túi, biết là ai, cho vào T54 ngồi ngay.
- Anh hên hết nói...Còn chuyện khai báo, nó đã hỏi anh chưa?
- Rồi, ngay khi vào đây.
- Khai báo thế nào? Có gì anh cần lưu ý không?
- Ưm......Không đâu, tôi thấy có sao nói vậy là được, riêng cái gì...dính tới chính trị thì...thận trọng.
Mấy ngày sau, chúng kêu tôi đi làm việc, khi đó tôi mới khai chức vụ của mình. Khi biết chức vụ rồi, chúng đem nhốt tôi cùng chỗ với anh Luật. Quanh chỗ tôi và anh Luật nằm, 4 góc cắm 4 cái cọc, căng giây điện thoại mầu đen chung quanh để phân định ranh giới. Chẳng biết chúng làm thế để làm gì, (dễ canh chừng, theo dõi?), riêng anh em quân nhân, công chức nằm chung quanh thì cười (...mỉa mai) bảo: Đại tá và ông ở khu 'Danh dự! Thực ra nằm riêng như vậy thì rộng rãi hơn chỗ mấy trăm người nằm chen chúc chung quanh, nhưng đừng quên, nằm đất rừng về đêm giá lạnh vô cùng, những đêm trước, nằm chung với anh em, tuy chật chội (đâu lưng vào nhau) nhưng lại ấm, ngủ ngon hơn.
Liên tiếp những ngày sau đó, chúng kêu đi làm việc nhiều lần và những lần sau này, tôi phải viết thành tờ khai.
Thật là nhớ đời, đêm hôm ấy, vào lúc 1 giờ sáng, chúng dựng dậy, 2 tên bộ đội, súng cầm tay trong tư thế sẵn sàng tác chiến, kèm hai bên, dẫn đi.(tưởng là chúng dẫn đi luôn khỏi khu trại giam như ông Tỉnh). Tới một lùm cây rậm, trong có một cái bàn làm bằng tre rừng bổ ra, 4 người đã ngồi sẵn, ngay trên mặt đất, họ bảo tôi ngồi đối diện. Một trong 4 người, giọng gay gắt:
- Anh ngoan cố. Khai báo láo lếu, không khai thác được gì hết!
- Tôi...
- Mặt trận đã khoan hồng, cứu anh, đem anh vào đây là tránh cho anh khỏi bị bom nguỵ tàn sát sau khi thất thủ, vậy mà không hiểu, còn man trá, ngoan cố.
Nghe lạnh xương sống! Man trá...ngoan cố...! Tội lớn vậy sao? Phải giải thích cách nào cho họ hiểu bây giờ? Hành chánh có gì đâu mà phải dấu diếm, khai man. Trách nhiệm, phần vụ, từ thư ký đến ông Tỉnh, ai sao khai vậy, liệt kê thế là rõ ràng, đầy đủ, sao lại khai thác không được? Khai thác không được, nhất định không phải là tại lời khai mà bởi nhiều nguyên do khác?
Tôi dơ tay xin nói, chúng không cho, mãi sau khi cả 4 tên lần lượt trình bày công tác khai thác (mỗi người phụ trách một lãnh vực như hành chánh, xã hội, chính trị, tôn giáo...), tất cả đều cho là tôi man trá trong lời khai, khiến họ không tìm kiếm được gì, cuối cùng mới cho tôi nói.
- Thưa các anh, khi đặt bút viết tờ khai, tôi đã tự hỏi nhiều lần: Mình phải trình bày cách nào...? Liệu cách trình bày của mình có dễ dàng cho người có nhiệm vụ khai thác nó hay không? Suy nghĩ, đắn đo, cuối cùng, tôi quyết định chọn cách khai báo mà tôi đã từng làm trong chế độ trước, đó là lối làm việc khoa học, rõ ràng và quen thuộc, tôi làm theo những gì mà tôi đã được hướng dẫn, dạy dỗ. Một điểm nữa không thể quên, chắc chắn không ai rõ bằng các anh, đây là một biến cố quan trọng, quá lớn, chỉ trong vài chục tiếng đồng hồ, bao nhiêu bom đạn rớt xuống một thị trấn nhỏ bé như vậy, tránh sao khỏi đổ nát, tan hoang! Nếu như một số cơ sở, hồ sơ, khí mãnh bị thất lạc hay bị huỷ hoại, đâu có gì lạ. Ngoài ra cũng có thể là do một vài yếu tố khác cũng rất quan trọng mà thông thường con người ta hay vấp phải mỗi khi nghiên cứu hay khai thác một tài liệu, một dự án nào đó, đặc biệt đây lại là một tài liệu liên quan đến một thể chế, cơ cấu tổ chức một chính quyền với hàng trăm, hàng ngàn nhân viên các cấp, đủ mọi giai tầng, trình độ kiến thức, chưa kể tuổi tác, màu sắc, thời gian, thêm vào đó Darlac còn có nét đặc thù về dân số là Kinh & Thượng. Chính vì những yếu tố này mà nhiệm vụ của mỗi người, mỗi giới khác nhau, vô cùng phức tạp.
Theo tôi, muốn khai thác tài liệu về tổ chức của chính quyền này cho có kết quả, người lãnh trách nhiệm khai thác phải hội đủ tối thiểu mấy yếu tố sau đây:
Thứ nhất: Tinh thần làm việc của người được trao nhiệm vụ khai thác.
Thứ hai: Kiến thức, khả năng hiểu biết của người lãnh nhiệm vụ khai thác.
Thứ ba: Thời gian cần có để khai thác.
Xin cho tôi giải thích:
Yếu tố thứ nhất:'Tinh thần làm việc'. Yếu tố này không thành vấn đề vì những người được trao cho nhiệm vụ khai thác tài liệu của tôi, chắc chắn phải là những người có tinh thần làm việc cao, sẵn sàng hy sinh phục vụ, không ngại khó.
Yếu tố thứ hai. Khả năng. Yếu tố này quan trọng. Như tôi đã thưa, tài liệu này liên quan đến tổ chức của một chính quyền hoàn toàn khác với chính quyền các anh. Chế độ miền Nam là một chế độ dân chủ, tự do, hoàn toàn khác với chế độ Xã hội chủ nghĩa miền Bắc, khác về hình thức và cả nội dung. Vì thế, tối thiểu người được trao cho nhiệm vụ khai thác, phải có sự hiểu biết về cơ cấu, về tổ chức chính quyền cũng như thể chế đó. Có hiểu biết mới có thể phân tích, tổng hợp, mới có được những nhận xét đứng đắn, khách quan, mới có được những phán đoán vô tư, từ đó mới rút ra được những kết luận chính xác. Có hiểu biết mới thấy được vai trò, nhiệm vụ của từng nhân viên, trực tiếp hay gián tiếp trách nhiệm khi thi hành công vụ. Cùng làm việc ở một địa phương, nhưng không phải nhiệm vụ và trách nhiệm cơ quan nào cũng giống nhau. Trong cùng một cơ quan, Ty, Phòng, nhiệm vụ và trách nhiệm mỗi người cũng khác nhau. Từ đó suy ra, tiền bạc, khí mãnh, nói chung là tài sản của tỉnh, ai là người quản thủ, ai là người trách nhiệm. Mức độ trách nhiệm chắc chắn phải khác nhau. Tôi xin các anh đặc biệt lưu ý yếu tố này để công việc khai thác có kết quả tốt.
Cuối cùng là yếu tố thời gian. Yếu tố này cũng quan trong không kém. Tôi nhớ là mới nạp tờ khai 5, 6 ngày, một tài liệu liên quan đến nhiều lãnh vực, tình trạng cơ sở lại vừa qua sự tàn phá của bom đạn, đổ vỡ, tan nát như thế mà chỉ mấy ngày sau, không hiểu làm việc cách nào mà bây giờ kết luận là tôi...man trá, ngoan cố! Tôi cho là cần phải có thêm thời gian.
Giận quá, tôi nói một hơi như vậy, không rụt rè, không sợ hãi...đàng nào thì cọp cũng cỡi rồi, xuống đâu được! Cả 4 người ngồi nghe một cách chăm chú. Khi tôi ngừng nói, họ cứ nhìn nhau, không ai nói gì, được thể, tôi nói nữa:
- Thưa các anh, tôi biết tôi phải làm gì. Tôi không man trá, không ngoan cố! Để chứng minh tôi là người thành khẩn, tôi có một đề nghị...
Vừa nghe nói có đề nghị, 2 trong 4 người cùng nói:
- Có đề nghị gì, anh nói đi.
Qua phản ứng của họ, tôi thấy vững tin vào đề nghị của mình, tôi có cảm tưởng đây là cách gỡ bí cho họ? Điều tôi sắp đề nghị với họ chính là điều tôi đã âm thầm mơ ước ngay từ ngày bị bắt.(11/3/75). Vợ con, người thân của tôi lưu lạc tại thị xã Ban mê Thuột từ ngày đó, không biết sống chết ra sao, tôi chỉ muốn có cơ hội....về lại đó.
- Để chứng tỏ là tôi không ngoan cố, chứng tỏ là tôi đã chân thành khai báo, cũng như để bổ khuyết cho những thiếu sót của người khai thác tài liệu trước đây, nếu có, tôi xin tình nguyện hướng dẫn cán bộ về khai thác tại chỗ,(tại thị xã BMT), nếu có điều chi không đúng với lời khai, tôi xin hoàn toản chịu trách nhiệm, chịu tội ngay tại chỗ.
Đúng một tuần lễ sau, 5 giờ sáng ngày 2/4/75, hai tên bộ đội giải tôi đi khoảng 20 phút, gặp một toán 4, 5 người, sau khi họ trao đổi công tác với nhau, 1 trong số họ tiếp nhận tôi và bảo vào ngồi trong chiếc xe Jeep(dân sự) bít bùng, tôi nghĩ...chắc chuyến này là ra Bắc?. Xe rời vùng trại giam cỡ...6 giờ sáng, chạy khoảng ba tiếng đồng hồ, bất ngờ, người này quay lại nói với tôi:
- Đề nghị của anh được chấp thuận, tôi sẽ cùng anh làm việc tại chỗ.
Tới thị xã Ban mê Thuột, tôi được dẫn vào một ngôi nhà trong xóm nhà dân ngay phía trước chùa Tỉnh hội Phật Giáo Darlac, đây là bước đầu cho hy vọng tìm kiếm tin tức vợ con tôi. Mừng lo lẫn lộn, tâm trạng nôn nóng nhưng thực tế bị nhốt ngồi đây, sao có thể gặp ai hay đi đâu được mà tìm! Thấp thỏm, mong...chờ...cuối cùng tự an ủi: Phải kiên nhẫn và cầu nguyện. Tôi cầu liên tục. Bỗng nghe tiếng tên bộ đội gọi:
- Đồng chí cán bộ(người đưa tôi về lại BMT) bảo anh ra ăn cơm.
Nghi ngờ thính giác của mình, tôi hỏi lại:
- Anh bảo tôi?
- Phải, anh chứ ai.
Theo viên bộ đội ra sân, tưởng là họ dẫn đi ăn ở đâu, không ngờ, anh ta lại dẫn ngay vào căn buồng chỗ cán bộ ở.(nhà này có 5 gian, họ cho tôi ở gian đầu, 3 gian giữa dành cho cán bộ, gian đầu kia có lẽ là ban an ninh ở?). Bước vào phòng, theo phép lịch sự, tôi ngừng lại cách xa bàn ăn vài thước, vừa nói được hai tiếng 'chào anh' thì anh ta bảo:
- Anh ngồi ăn cơm.
Tôi thật sự bất ngờ, ngần ngừ...trả lời:
- Xin mời anh...
Anh này cũng khá thông minh, biết là tôi ngại, nói ngay:
- Từ hôm nay trở đi, anh và tôi sẽ cùng làm việc với nhau theo đề nghị của anh mà, vì thế, sẽ cùng ăn và ở đây.
Trong khi ăn, nhờ nói chuyện, tôi biết tên anh ta là Quân, còn được biết thêm: Quân là người tỉnh Thái Bình, thoát ly theo Cộng sản khi vừa học hết trung học. Ăn xong, trở về căn buồng được chỉ định, nằm vật ra giường, nhiều muỗi quá, bò dậy thả cái mùng nâu xuống, nằm một hồi, lại nhớ tới vợ con, không lẽ về tới đây cũng lại nằm tại chỗ. Suy nghĩ thật lâu, dậy ra cửa...làm gì bây giở? Nhờ ai? Ngoài Quân ra...? Chắc gì anh ta giúp? Không anh ta thì ai? Nghĩ tới nghĩ lui...chẳng thấy ai khác...Lúc này chỉ có anh ta mới giúp được mình. Câu trả lời rõ như thế mà sao vẫn băn khoăn! Cuối cùng, tôi quyết định nhờ... Mở cửa ra ngoài, tiến lại trước cửa buồng nơi Quân ở, thận trọng, không biết là anh ta có trong đó không, tự nhiên mở cửa vào nơi cán bộ ở cũng nguy hiểm, nhìn qua khe cửa, may quá, Quân đang nằm võng đọc báo. Mạnh dạn mở cửa bước vào:
- Anh Quân...không biết bây giờ anh có bận gì không?
- Nghỉ thôi chứ anh, Có việc chi vậy?
- Nếu anh không bận, như đã thưa với anh trong lúc ăn cơm, hiện nhà tôi, 6 đứa con và cậu em đang sống quanh quẩn đâu đó trong thị xã này mà không có tin tức gì cả, tôi muốn kiếm nhưng biết nhờ ai bây giờ, nghĩ mãi, thấy chỉ có anh mới giúp được, nếu không gì trở ngại, xin anh giúp cho tôi đến một vài nơi quen biết trước đây xem có ai biết vợ con tôi ở đâu không, cám ơn anh trước...
Nói xong, đứng chờ tại chỗ.
Quân ra khỏi võng, nhìn tôi, buông tờ báo xuống giường bên cạnh, không nói gì cả, đi thẳng tới chỗ để chiếc xe jeep ngay đầu ngõ, tìm kiếm gì đó (tôi nghĩ là anh ta coi lại xăng), vài phút sau, Quân quay lại phía tôi đứng, vẫy ra xe.
- Tôi đưa anh xuống phố.
Quân lái và tôi ngồi bên phải, chỗ dành cho hành khách. Nhà người quen đầu tiên tôi hướng dẫn Quân đến là nhà ông bà Đồng Thạnh (6), tới nhà anh Nguyễn đình Thuyên (7) kế đó là nhà ông bà Trần hữu Văn (8), chẳng gặp ai quen biết, đến cả Trung Tâm tình thương, buôn Kotam...hỏi ai cũng đều ngơ ngác, lắc đầu! Một vài người nói có thấy trong mấy ngày đầu cuộc chiến chứ sau này thì không! Thú thật, lòng đã quá nản, gần hai tiếng đồng hồ chạy khắp nơi mà chẳng có được chút tin tức nào đáng khích lệ! Biết rằng không thể kéo dài mãi chuyện tìm kiếm này nên trước khi trở về chỗ nghỉ của Quân, một chút hy vọng cuối cùng trong dịp may duy nhất, làm sao có thể nhờ người ta lần nữa được, tôi nói với anh ta:
- Phiền anh nhiều rồi, vậy trước khi về, anh cho tôi ghé qua nhà bà Tiểng (phu nhân cựu Tỉnh Trưởng Darlac) (9), nếu cũng không có nữa thì thôi anh Quân à.
Quân đồng ý, trên đường đi tới đó, lại nghĩ...không chừng nhà này bị tịch thâu rồi cũng nên. Lại nản! Tới nơi, cổng vẫn mở, xe chạy thẳng vào trong sân, lòng hơi nghi ngại: Chẳng biết còn chủ cũ hay là chủ mới? Sao vắng vẻ thế này? Gõ cửa mãi cũng chẳng thấy động tĩnh gì, định quay ra, chợt nghe tiếng la thật lớn:
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment