14 November 2019

Ngụy biện về Phật giáo đấu tranh

Thomas J. Dodd
Trần Quốc Việt dịch

Lời người dịch: Thượng nghị sĩ Thomas J. Dodd (1907-1971) là chính khách Mỹ rất nổi tiếng. Trong bài diễn văn nổi tiếng tựa đề "Việt Nam và Chính sách Biệt lập mới" vào ngày 23 tháng Hai. 1965 ông kêu gọi Hoa Kỳ nên tham chiến tích cực hơn ở Việt Nam để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và giúp đỡ nhân dân Việt Nam yêu chuộng tự do ở miền Nam Việt Nam. Đây là bài diễn văn thay đổi chính sách của Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn này ông chỉ ra những ngụy biện về cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt trong đó có ngụy biện về cái gọi là phong trào Phật giáo đấu tranh ở các các thành phố ở miền Nam.

Tưởng cũng nên nhắc rằng ông là công tố viên chính của Hoa Kỳ ở tòa án Nuremberg nhằm kết tội và xét xử các tội phạm Đức Quốc Xã. Chính từ kinh nghiệm này ông nhận thức rất rõ ràng mối hiểm nguy và tác hại của chủ nghĩa cộng sản-bạn đường của chủ nghĩa Quốc Xã, và về sau nhận thức sâu sắc về cái gọi là "phong trào Phật giáo đấu tranh" đưa đến cái chết bi thảm của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu cách đây 55 năm, và từ đấy đưa đến cái chết của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và mở đường cho tất cả bao đau thương, khổ nạn và thảm cảnh và tang tóc cho cá nhân và dân tộc Việt Nam dưới chế độ cộng sản.

* * *
Ngày 23 tháng Hai, 1965

Bây giờ tôi muốn thảo luận về tình hình Phật giáo, mà trong vài năm qua chúng ta đã nghe nói đến rất nhiều.

Do cái gọi là phong trào Phật giáo đấu tranh nên câu chuyện bịa đặt về đàn áp Phật giáo và câu chuyện bịa đặt tương tự là Phật tử chống lại Chính quyền đã trở thành những yếu tố chính trị quan trọng ở Việt Nam. Vì thế điều quan trọng là chúng ta nên tìm cách hiểu bản chất của phong trào này, động cơ của những người lãnh đạo phong trào, và mức độ ảnh hưởng thật sự phong trào có với người Việt.

Thật sự chẳng đáng tranh luận về chủ đề Việt Nam và chính sách của chúng ta ở đấy mà không hiểu cái gọi là vấn đề Phật giáo. Đã có nhiều cuộc nói chuyện vô trách nhiệm về vấn đề này, nhưng cho đến nay có rất ít thông tin không thể phủ nhận và dựa trên sự thật.

Đặc trưng của phong trào đưa đến sự lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm là tố cáo ông đã đàn áp Phật giáo tàn bạo; và, để phản đối cái gọi là sự đàn áp này, như thường lệ một vài nhà sư đã thực hiện những cuộc tự thiêu ghê sợ.

Hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới thấy tràn ngập các tin tức chứng thực lời tố cáo rằng ông Diệm đang đàn áp Phật giáo. Có một vài phóng viên giàu kinh nghiệm có danh tiếng trong cả nước đã nghi ngờ sự xác thật của những tin tức này. Nhưng tiếng nói của họ bị đắm chìm dưới biết bao lời cáo buộc và tố cáo liên tục xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn của chúng ta, và càng khiến người ta tin tưởng hơn khi các sở thông tin chính thức của chúng ta lặp lại.

Theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định gởi phái đoàn đi tìm hiểu sự thật đến Nam Việt Nam để điều tra tình hình. Tôi thấy điều này hiếm khi được đề cập đến trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề Phật giáo, nhưng thật sự Liên Hiệp Quốc đã gởi phái đoàn đến đấy.

Trong khi phái đoàn vẫn còn ở trong nước, Tổng thống Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, bị lật đổ và sát hại.

Phái đoàn quyết định không cần thiết phải công bố chính thức kết quả tìm thấy do ông Diệm đã bị lật đổ. Tôi tin điều ấy thật là vô cùng đáng tiếc. Nhưng bản tóm tắt những lời khai của nhân chứng mà phái đoàn ghi chép ở Việt Nam rõ ràng đều hướng đến kết luận là sự đàn áp Phật giáo hoặc là không có hay là bị phóng đại lên rất nhiều và cuộc biến động Phật giáo cơ bản là chính trị. Đây là chủ yếu những gì tôi được bảo trong cuộc trò chuyện riêng với Đại sứ FernandoVolio Jiminez của Costa Rica, người mà đã trình một kiến nghị kêu gọi thành lập phái đoàn Liên Hiệp Quốc và cũng là một thành viên trong phái đoàn.

Tôi đi đến New York để gặp Đại sứ Volio. Tôi nói, "Thưa ông Đại sứ, tôi biết ông đã là thành viên trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam. Tôi muốn hỏi ông sự thật là như thế nào." Đại sứ Volio đã cung cấp cho tôi sự thật như sự thật tôi cung cấp cho quý vị ở đây.

Đại sứ Pinto, của Dahomey, một thành viên khác trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc, cũng đã nói công khai những lời như vậy.

Toàn bộ câu chuyện bi kịch chứng tỏ rằng thế giới tự do đã bị biến thành nạn nhân của trò lừa bịp tuyên truyền cực kỳ lớn khiến cho chính quyền hợp pháp của Tổng thống Diệm bị tiêu diệt và gây ra tình hình hỗn loạn mà tất yếu vô tình tiếp tay cho cộng sản.

Nếu các vị Thượng nghị sĩ chưa có thời gian đọc bản báo cáo của phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam để tìm hiểu sự thật thì tôi thúc giục họ nên đọc vì nó giúp cho họ hiểu được bản chất của những hoạt động hiện nay của giới Phật giáo đấu tranh. Tôi đang chuẩn bị cho gởi bản báo cáo đến từng vị Thượng nghị sĩ, và tôi hy vọng tất cả các vị Thượng nghị sĩ sẽ đọc bản báo cáo, vì từ nó họ sẽ biết được rất nhiều điều về tình hình Phật giáo hiện nay.

Sự thật đầu tiên cần phải được xác định để đánh giá phong trào Phật giáo đấu tranh là người theo đạo Phật không chiếm đến 80 hay 85 phần trăm dân số, như đã được công bố rộng rãi vào lúc khủng hoảng Phật giáo. Theo cư sĩ Mai Thọ Truyền, một trong những học giả uyên bác nhất về Phật giáo Việt Nam, Phật tử người Việt ước chừng có 4 triệu người, hay độ 30 phần trăm dân số.

Điểm thứ hai cần phải xác định là những người Phật giáo đấu tranh chỉ là một phần rất nhỏ của toàn bộ dân số Phật giáo. Hàng triệu nông dân theo đạo Phật, đại đa số họ, không tán thành những hành động đấu tranh chính trị và những âm mưu lật đổ chính quyền của giới Phật giáo đấu tranh ở Sài Gòn. Hành động của họ, thực ra, hoàn toàn đi ngược lại truyền thống hòa bình của Phật giáo.

Ta hoài nghi chuyện những người Phật giáo đấu tranh đã có thể huy động đến 50.000 người ủng hộ tích cực trong các cuộc biểu tình họ đã tổ chức ở Sài Gòn và Huế và các thành phố khác. Nhưng vì quyền lực chính trị tập trung ở thành phố cho nên hàng chục ngàn người Phật giáo đấu tranh, qua những tiếng hô to của họ và qua những cuộc biểu tình liên tục của họ cùng với sự tuyên truyền khéo léo của họ, đã tạo ra cảm tưởng rằng họ đang nói thay cho nhân dân ở các thành phố và nói thay cho nhân dân Việt Nam.

Những người Phật giáo đấu tranh muốn gì? Trước khi lật đổ Tổng thống Diệm Thích Trí Quang nói thật với Marguerite Higgins: "Chúng tôi không thể nào điều đình với miền Bắc cho tới khi chúng tôi loại trừ được Diệm và Nhu."

Bằng chứng rõ ràng là Thích Trí Quang và một số kẻ tranh đấu khác của ông vẫn đang nhất định thỏa thuận với miền Bắc. Thật vậy, chỉ mới thứ Sáu vừa qua, Quang kêu gọi Mỹ thương lượng với Hồ Chí Minh.

Nếu có lý do để tin rằng Thích Trí Quang là một người trung lập, thì càng có nhiều lý do để sợ rằng nhiều thành viên khác của phong trào đối lập Phật giáo công khai thân cộng hay sợ rằng họ đã trở thành công cụ thâm nhập khá sâu rộng của cộng sản mà được biết tồn tại trong giới tu sĩ Phật giáo ở tại nhiều nước ở Châu Á.

Không ngạc nhiên khi có sự xâm nhập như thế vì không có gì cản trở nó.

Người muốn trở thành nhà sư Phật giáo không cần phải học đạo để chuẩn bị bản thân cho hoằng pháp, họ cũng không cần phải thọ giới, họ cũng không cần phát nguyện.

Họ chỉ cạo đầu và mặc áo cà sa và vào tịnh xá- rồi họ mau chóng trở thành bậc cao tăng.

Khi họ muốn hoàn tục, họ cởi áo ra và lìa xa nó; nếu họ muốn trở lại, họ mặc lại áo cà sa và đi tu trở lại. Chỉ có thế thôi.

Tôi không muốn chỉ trích thủ tục này trên cơ sở tôn giáo.

Đạo Phật là một trong những tôn giáo vĩ đại của nhân loại và ta có thể bàn nhiều đến sự sắp đặt giúp mỗi người có khuynh hướng tôn giáo sống ít nhất một phần đời của mình theo giới tu hành tự nguyện đặc trưng của đạo Phật.

Nhưng, tiếc thay, đây là thủ tục mở toang cánh cửa ra cho cộng sản xâm nhập.

Tôi nhớ khi chúng tôi đào sâu vào hồ sơ của Quốc xã Đức ở Nuremberg, chúng tôi thấy Hitler đang xem xét chương trình xâm nhập vào các nhà thờ bằng cách xúi giục những người trẻ vào các chủng viện, để y có thể tùy ý xử dụng họ sau này.

Đầu tiên khi tôi bắt đầu nghe về tình hình Phật giáo, tôi chợt nghĩ rất có thể là có sự xâm nhập tôn giáo tương tự đang diễn ra.

Những người Phật giáo đấu tranh đã lợi dụng ảnh hưởng và uy tín mà họ có được từ việc lật đổ Tổng thống Diệm cho mục đích quan trọng nhất là phải làm cho chính quyền ổn định không thể nào tồn tại: theo cách hiểu này, cho dù ý định của những người lãnh đạo của họ là gì chăng nữa thì họ cũng đang phục vụ cho tham vọng của Việt cộng cộng sản.

Họ đã tổ chức những cuộc biểu tình, khiêu kích những cuộc bạo động, châm ngòi cho bao phẫn nộ bằng những cuộc tự thiêu và tuyệt thực tạo ra được nhiều sự chú ý, và không ngừng chỉ trích và tuyên truyền dồn dập chống lại chính quyền. Họ đã lật đổ chính phủ của Nguyễn Khánh. Rồi họ lật đổ tiếp chính phủ của Trần Văn Hương lên thay chính phủ của Nguyễn Khánh. Và họ dường như quyết tâm làm cho bất kỳ chính phủ nào lên nắm quyền cũng không làm được gì cả.

Tất nhiên thật khó đối phó với một âm mưu chính trị ngụy trang dưới lớp áo tôn giáo. Dù sao đi nữa, đây là vấn đề cho Chính quyền Việt Nam chứ không phải cho Chính quyền chúng ta. Nhưng vấn đề này sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều cho chính quyền Việt Nam nếu như những sự thật về Phật giáo ở Việt Nam được cung cấp cho nhân dân Mỹ và nếu họ có thể được giúp đỡ để hiểu rằng giới Phật giáo đấu tranh thật sự hầu như không đại diện cho ai, những hoạt động chính trị của họ thật sự rất nham hiểm, và họ đã gây ra biết bao nhiêu chuyện để phá hoại công cuộc đấu tranh chống cộng sản.

Không có chính phủ ổn định nào có thể được lập nên ở Việt Nam nếu không có sự tham gia và ủng hộ của giới lãnh đạo Phật giáo có trách nhiệm. Nhưng giới lãnh đạo Phật giáo có trách nhiệm này không thể nào được tìm thấy trong một số ít những nhà sư có lai lịch bất minh là những kẻ đã và đang dẫn dắt phong trào Phật giáo đấu tranh ở các thành phố Việt Nam vào con đường sai lầm.

Đã đến lúc phải nói thẳng về vấn đề này.

**
Trần Quốc Việt 
Dịch từ bài diễn văn tựa đề "Vietnam and the New Isolationism" của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Thomas J. Dodd đọc trước Thượng Viện Hoa Kỳ vào Thứ Ba, ngày 23 tháng Hai, 1965.Bạn đọc có thể đọc nguyên bản ở trang 3354 và 3355 ở đường dẫn sau:

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...