05 November 2019

Cộng sản Việt Nam đã chọn ô nhục, rồi họ sẽ nhận chiến tranh

Trung Nguyễn

Các “đại biểu quốc hội”, các “tướng quân” do giới lãnh đạo cộng sản “cơ cấu”, “quy hoạch” vẫn tiếp tục là đề tài đàm tiếu và phẫn nộ của người dân khi không dám nhắc tên kẻ xâm lược là Cộng sản Trung Quốc tại diễn đàn Quốc hội.

Trung Quốc là cha mẹ của lãnh đạo cộng sản hay sao mà phải kị húy?

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nói chung chung y như Tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là không nhân nhượng về chủ quyền lãnh thổ. Dân Việt Nam không hiểu được là “thế lực thù địch” nào đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Còn Cộng sản Trung Quốc và người dân Trung Quốc cũng không hiểu chuyện gì.

Trung tướng Trần Việt Khoa còn gây phẫn nộ hơn khi chỉ dám nói “nước ngoài” mang tàu thăm dò và hàng chục tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam. Có lẽ từ “Trung Quốc” đã trở thành một từ cấm kị đối với giới lãnh đạo cộng sản?

Còn nhớ mục 4 điều 54 của dự thảo Luật Đặc khu, viết: “Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định.”

Ngay cả một dự luật cực kì quan trọng, toàn dân chú ý, mà giới lãnh đạo cộng sản cũng không dám viết thẳng tên Trung Quốc, cũng cho thấy họ vừa sợ Cộng sản Trung Quốc, lại vừa sợ lòng dân căm ghét Cộng sản Trung Quốc như thế nào.

Vẫn còn những “đại biểu quốc hội” biết sợ lòng dân

Cũng may là có đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề xuất công khai vi phạm của Cộng sản Trung Quốc ở biển Đông và kiện Cộng sản Trung Quốc xâm phạm lãnh hải ra tòa quốc tế. Còn đại biểu Dương Trung Quốc cũng đã đặt câu hỏi thẳng thừng là tại sao báo cáo trước Quốc hội lại phải né tránh gọi tên Trung Quốc.

Có lẽ hai đại biểu Quốc hội trên cũng biết là họ cũng sẽ nằm trên bia miệng của nhân dân muôn đời cùng với giới lãnh đạo cộng sản khi hèn nhát không dám nêu tên kẻ thù là Cộng sản Trung Quốc, do đó họ đã phải lên tiếng để người dân hiểu rằng, họ không nằm trong nhóm Việt gian bán nước.

“Coi chừng chúng nó bán rẻ Tổ quốc ta cho phương Bắc”

Đọc bài viết “Trao đổi tiếp về chuyện biển Đông” của ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản, cựu Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản, người dân cũng có thể thấy có “một bộ phận không nhỏ” đảng viên cộng sản cao cấp sợ hãi, hèn nhát trước Cộng sản Trung Quốc. Chính ông Vũ Ngọc Hoàng nhận định: “… Và cần phải chống ‘nhóm lợi ích’ thân Tàu, coi chừng chúng nó bán rẻ Tổ Quốc ta cho phương Bắc.”

Kế sách mà “nhóm lợi ích thân Tàu” do ông Vũ Ngọc Hoàng nêu ra là tiếp tục cầu hòa với Cộng sản Trung Quốc, không kiện Cộng sản Trung Quốc ra tòa quốc tế, với hy vọng rằng Cộng sản Trung Quốc sau khi chiếm Hoàng Sa và một số đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam đã cảm thấy thỏa mãn rồi và không chiếm thêm nữa.

“Nhóm lợi ích thân Tàu” đó lấy cớ rằng, nếu cộng sản Việt Nam dám kiện hoặc dùng sức mạnh quân sự đẩy lui các tàu Trung Quốc đang xâm chiếm biển Việt Nam thì Cộng sản Trung Quốc sẽ có cớ để sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội của họ chiếm nốt Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam.

Trên thực tế thì người dân Việt Nam cũng đoán được là ở hậu trường, Cộng sản Trung Quốc đe dọa cộng sản Việt Nam nghiêm trọng như thế nào vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, Trung Quốc cũng có thể quyết định việc cấp nước cho Việt Nam hay không qua hệ thống đập thủy điện xây dựng trên dòng chính sông Mekong,…

Trong bài viết mang tên “Chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc và chủ nghĩa phát xít ở Đức là một”, tác giả Nguyễn Tiến Trung đã nêu lên sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa đảng, hai chủ nghĩa đã và đang là mối đe dọa cho toàn nhân loại. Tuy nhiên, việc đối phó với chủ nghĩa phát xít Đức trước đây sẽ là gợi ý để người dân Việt Nam và giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam biết được phương cách đúng đắn để đối phó với sự hiếu chiến xâm lược của Cộng sản Trung Quốc.

Lịch sử luôn đưa ra những bài học tuyệt vời vì tâm lý con người thời đại nào cũng như nhau, có lòng tham lam, có nỗi sợ hãi,…

Lãnh đạo nhu nhược thì có là cường quốc cũng mất nước

Trong cuộc Đại suy thoái toàn cầu bắt đầu từ năm 1929 đến đầu thập niên 1940, lợi dụng tâm lý giận dữ của người Đức vì thua trận ở Thế chiến thứ nhất, Hitler đã leo lên đỉnh cao quyền lực vào năm 1933. Lúc này, cả hai nước Anh và Pháp vẫn đang cố gắng phục hồi sau Thế chiến I và phải trải dài nguồn lực quân sự của mình trên khắp các thuộc địa. Do đó, các nhà lãnh đạo của Anh và Pháp thời kỳ này đều từ chối đối đầu với Hitler. Họ cho rằng xoa dịu gã độc tài phát xít Hitler với sức mạnh đang lên là một chính sách khôn khéo, mềm dẻo, thực tế.

Nhìn thấy được sự nhu nhược của giới lãnh đạo Anh, Pháp, Hitler đã hủy bỏ Hòa ước Versailles được ký kết vào cuối Thế chiến I, tăng cường xây dựng quân đội Đức. Năm 1936, Hitler chiếm Rhineland vốn được quy định trong Hòa ước Versailles là không thuộc Đức. Năm 1938, hắn sát nhập Áo vào Đức.

Ý đồ của Hitler đã lộ rõ nhưng lãnh đạo Anh, Pháp vẫn mê muội đi ký Hiệp ước Munich vào tháng 9/1938 với mong muốn rằng sau khi công nhận các vùng đất đã bị Đức chiếm thì Đức sẽ đồng ý không tiến hành chiến tranh với Anh, Pháp ở châu Âu.

Kinh ngạc vì dễ dàng có được mọi thứ, Hitler đã tấn công Tiệp Khắc vào tháng 9/1938. Anh, Pháp vẫn không có phản ứng gì. Được thế, tháng 4/1940, Hitler xua quân đánh chiếm Đan Mạch, Na Uy. Tháng 5/1940, hắn chiếm Hà Lan, Bỉ, Luxembourg.

Điều gì đến đã phải đến, tháng 6/1940, một cường quốc như Pháp cũng phải đầu hàng Đức. Liên quân Anh – Pháp đại bại. Sau đó Hitler tiến hành chiến tranh trên không và trên biển với nước Anh.

Điều đáng nói ở đây là lực lượng của liên quân Anh – Pháp không thua kém Đức. Tuy nhiên, chính não trạng chủ bại, cho rằng quân đội của Hitler mạnh hơn của giới lãnh đạo Anh – Pháp đã khiến Anh – Pháp liên tục nhượng bộ Hitler và đã nhận phải những thất bại đau đớn trong nửa đầu của Thế chiến 2.

Cuối cùng, phải đến khi Winston Churchill lên làm Thủ tướng nước Anh, còn Charles de Gaulle ẩn náu ở Anh nhưng liên tục động viên, kêu gọi dân Pháp nổi dậy chống Đức, thì thế cờ mới bị lật ngược. Tức là chỉ đến khi có những người quyết tâm chiến đấu chống ngoại xâm đến cùng lên lãnh đạo quốc gia thì quốc gia mới có thể giành thắng lợi trước ngoại xâm.

Bài học đắt giá cho cả cộng sản và nhân dân

Bài học rút ra ở đây là càng nhượng bộ với hi vọng tránh chiến tranh thì nước bị xâm lược càng yếu đi, còn kẻ xâm lược sẽ càng mạnh lên và hung hăng hơn. Winston Churchill đã nói một câu rất chí lý là: “Kẻ nhượng bộ là kẻ cho cá sấu ăn và hi vọng nó sẽ ăn hắn sau cùng”.

Ở đây, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã làm ngơ để Cộng sản Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, không cho lính nổ súng chống Cộng sản Trung Quốc xâm lược Gạc Ma năm 1988, các tướng lãnh thì không dám gọi thẳng tên kẻ thù xâm lược là Cộng sản Trung Quốc, không kiện Cộng sản Trung Quốc xâm phạm lãnh hải ra Tòa quốc tế… Có lẽ giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cũng đang hy vọng là với sự nhượng bộ của mình thì Cộng sản Trung Quốc sẽ “làm thịt” Đài Loan, Hongkong, Philippines,… trước rồi từ từ mới tới Việt Nam.

Winston Churchill có để lại một lời khuyên chí lý cho các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam: “Chính quyền phải lựa chọn giữa chiến tranh và ô nhục. Họ đã chọn ô nhục. Rồi họ cũng sẽ nhận được chiến tranh”.

Ngoài những việc ô nhục kể trên, còn một việc ô nhục nữa phải kể đến là giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã ra lệnh cho an ninh Việt Nam đánh đập người Việt Nam biểu tình phản đối Cộng sản Trung Quốc xâm lược, lột áo những ai dám mặc áo “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”,… Họ đã bị ghi danh vào sử sách là chế độ duy nhất trong lịch sử Việt Nam dám đàn áp người dân Việt Nam yêu nước thương nòi, phản đối Cộng sản Trung Quốc xâm lược.

Nếu tiếp tục lựa chọn ô nhục, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ nhận được chiến tranh, không chỉ chiến tranh với Cộng sản Trung Quốc, mà là chiến tranh với cả chính nhân dân Việt Nam. Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam không nên trông mong có một tương lai tốt đẹp dành cho họ.

Đứng lên!

Riêng với người dân Việt Nam, chúng ta cần phải đứng lên giành lại quyền làm chủ đất nước của mình, trong đó quyền làm chủ quan trọng nhất là quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử để bầu ra các lãnh đạo dũng cảm, thông minh dẫn dắt đất nước vượt qua chiến tranh và xây dựng đất nước thành một quốc gia thịnh vượng, để không còn ai phải liều mình bỏ nước ra đi, như 39 người Việt mới đây đã bỏ mạng trên một xe container ở nước Anh.

(Nguồn: Tiếng Dân)

No comments:

Post a Comment