06 October 2019

Hội Ngô Liên Khóa Kỳ 5 và Họp Mặt Khóa ĐS 17, Tháng 9, 2019

Ngô  Xuân  Vũ
                                                                                                                                        
Như hẹn trước, vợ chồng tôi rời nhà lúc 4 giờ AM thứ năm Sept. 19, 2019 để đến nhà bạn Lê Phước Ba thuê xe lên phi trường LAX. Chuyến bay của Alaska Airline đi Washington DC, (phi trường IAD) khời hành 7 giờ sáng nhưng do phi trường LAX đang sửa chữa, hay bị kẹt xe nên chúng tôi phải đi sớm. May quá, chỉ có năm mươi phút đã đến phi trường, tôi cũng check in từ nhà nên đã chập chờn ngủ bù vì suốt đêm qua cứ thao thức nghĩ về những ngày tháng cũ, với những người bạn kẻ còn người mất. Bầu trời trong vắt, chuyến bay nhẹ nhàng chỉ dài năm tiếng đồng hồ nên bốn người chúng tôi khá thoải mái khi đến nơi. Chiếc xe Uber khác của người tài xế da mầu người Cameroon luồn lách phần lớn đi đường local để tránh kẹt xe đưa chúng tôi về nhà bạn Cung Trọng Thanh khoảng 4.30 Pm, giờ miền đông. Đón chúng tôi có chị Thanh, bạn Nguyễn thị Mỹ, Đỗ Kim Duyên. Thanh và hai bạn đến trước là Đặng thị Lang và Tạ Chương Thạnh lên phi trường đón Nguyễn đình Hào, một số bạn bè từ Houston chưa đến được vì các chuyến bay bị bãi bỏ do lũ lụt. Từ phi trường về nhà Thanh đường sá phẳng phiu, hai bên đường là rừng cây bạt ngàn tiếp nối, như tên gọi xứ Rừng Phong thơ mộng.

Hinh: Hau Huynh
Kéo va li vào nhà Thanh chợt có người đón đầu hỏi: Biết ai đây không? Tôi lớ ngớ một lát và gọi nhỏ “ Duyên “, tôi quên tên lót của nàng- cô Bắc kỳ nho nhỏ, đã gần năm mươi năm không gặp, may mà còn nhớ tên. Từ ngoài, nhìn nhà Thanh duyên dáng, không lớn lắm. Vào trong, tôi chợt sửng người không phải vì sự sang trọng mà vì cách bài trí từ trước ra sau hết sức trang trọng, tỉ mỉ từng chi tiết cho ngày họp mặt. Phòng khách ngoài cùng trang nhã, trên bức tranh chim hạt là logo “ Gia Đình Đốc Sự 17 Vùng Hoa Thịnh Đốn Hân Hoan Chào Đón Quý Anh Chị “, đối diện là logo” 50 Năm Nhìn Lại – 1969-2019- Hội Ngộ Rừng Phong- Virginia “ có hình ảnh của bốn mươi mốt Cựu sinh viên Đốc Sự 17 và người phối ngẫu tham dự kỳ này, thật đẹp. Căn phòng giữa rộng rãi, vách bên trái là một khung ảnh lớn với hàng chữ: “ 50 năm nhìn lại bóng dáng bạn bè qua dấu bụi thời gian “ trên đó có khoảng 50 hình ảnh bạn bè, từ những ngày vào trường, ngày tốt nghiệp mũ áo xênh xang, những lần họp mặt từ trong nước ra nước ngoài: Nam California, Canada, Houston, San Jose... Góc bên kia là một khung ảnh đặc biệt, trên đó in lại hình ảnh của 48 người tuổi ngoài đôi mươi của gần nửa thế kỷ trước, qua dấu bụi thời gian, những tấm hình trích ra từ kỷ yếu nay phai nhạt nhiều, nhưng nét tinh anh vẫn còn đó. Đây là những  người bạn cùng khóa đã quá vãng của chúng tôi. Như vậy ngót một phần tư sinh viên tốt nghiệp của khóa Đốc Sự 17 đã ra đi, một số đã hy sinh vì công vụ, tử nạn trên đường di tản trong biến cố đau thương năm 1975, mất tích trên đường vượt biên tìm tự do sau đó và mất do các căn bệnh của người có tuổi sau nầy. Tôi xót xa đau đáu nhìn từng khuôn mặt của những người bạn thân ái đã xa rời mình. Cũng nhìn bức tranh nầy hai ngày sau đó – ngày Họp mặt, bạn Đặng bình Tước, từ Montreal Canada, than thở nho nhỏ: sao tìm hoài không thấy hình của mình, đứng sau Tước là Trần bạch Thu cười lớn: Nếu hình bạn có trên bảng này thì làm sao bạn còn đứng ở đây được! Nhìn kỹ lại, Tước mới vở lẽ ra. Rồi còn nhiều hình ảnh, logo trang trọng khác. Phía sau là Patio rộng rãi, sẽ là sân khấu cho buổi họp mặt. Vườn nhà anh phía trước, sau được cắt tỉa gọn gàng, anh trồng nhiều hoa, đặc biệt bên phải có cụm  hoa thược dược rực rỡ, bên trái là dàn bí, su, dàn mướp có hoa vàng chen lẫn lá xanh, chắn ngang cuối vườn là bạt ngàn cây cao bóng cả. Sự chuẩn bị hết sức đầy đủ, tinh tế, đẹp đẽ này chắc chắn tốn rất nhiều thời gian của một  người tài hoa, đồng thời nói lên tấm lòng, sự trang trọng của gia chủ với những người bạn đồng môn, đồng khóa cũ. Trên lầu nhà anh có bốn phòng: phòng trước là nơi thờ phụng, Thanh bỏ tấm nệm nhỏ dưới sàn để ngủ, phòng master bedroom và một phòng khác dành cho các chị Nguyệt, Lang, Duyên, Mỹ, Kim Nhung và bà chủ nhà, vợ Thanh, anh chị ưu ái dành cho vợ chồng tôi một phòng ngủ đẹp, tiện nghi. Dưới basement là nhóm lão ông: Thạnh, Hào, anh Thành- chồng chị Nhung. Khi cặp vợ chồng chị Nhung dọn đi cruise, thì vợ chồng bạn Ba, Ngà thế chỗ.

Bâng khuâng nhìn trước ngó sau, con đường nhà Thanh rất khác với đường nhà tôi, hai bên đường cây cối bạt ngàn như những khu rừng già nhiệt đới, bầu trời vào thu xanh ngắt. Đang thẩn thờ với cảnh lạ đường xa thì xe Thanh đón bạn trở về, trên xe là chị Lang, Thanh, Thạnh và Hào, chúng tôi tay bắt mặt mừng: chị Lang vẫn tươi vui, vồn vã, Thanh thì gầy gầy muôn thuở, Thạnh đã mua nhà dọn về Garden Grove chỉ cách tôi mười phút lái xe và đã gặp nhau tháng trước, Hào bước xuống xe ôm choàng lấy tôi, chúng tôi thân nhau từ những ngày thực tập của năm thứ hai tại Quảng Ngãi. Nhìn Hào vẫn trẻ trung, khỏe mạnh, nói cười đầy nội lực.

Bữa cơm tối đầu tiên nhà Thanh có khoảng  mười lăm người, vợ chồng hai bạn Ba, Ngà ở lại chơi với anh em xong mới về Marriott hotel. Chị Nguyệt dạo này trông khỏe, phương phi hơn cách đây mấy năm, chị vẫn ăn nói rành rọt, sắc sảo và xưng chị với một số bạn bè. Chị Lang thì  luôn nhiệt tình, lanh lợi hoạt bát. Anh Tôn chồng chị Nguyệt, anh Hải chồng chị Lang sống an nhàn là nhờ hai chị đảm đang, lo toan mọi việc. Chị Mỹ vẫn không khác lần họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường ở miền Nam California, lần đó bạn TĐM đã thổ lộ tình yêu tuyệt vọng với chị, nhưng giờ đã muộn màng, chị hiền hòa ít nói, đời chị buồn. “Nguyễn thành Danh ơi là Nguyễn thành Danh!” Chị Duyên đúng là cô gái Bắc kỳ, gặp lại bạn bè vui quá, chị nói huyên thuyên về mọi việc. Lúc đầu Duyên dự định chỉ tham dự đêm họp mặt ĐS 17, nhưng sau đó chị đổi vé xe đò liên tục để ở lại với bạn bè đến phút cuối cùng, cũng may là xe đò chị đi chỉ có năm chỗ ngồi! Vợ chồng anh Thành, chị Nhung là một cặp uyên ương đúng nghĩa, anh chị học chung khóa Tham sự 3, sau chị về thi lại để vào Đốc sự 17, anh thì vẫn kiên định ngạch Tham sự của mình, anh và tôi có nhiều giống nhau: cùng mắc bệnh tim mạch và ra trường đều về làm việc ở Tổng Nha Thuế Vụ. Đồng bệnh tương lân, anh giải thích chi tiết về cấu tạo của tim mạch, nguyên nhân bệnh và cách chữa trị như một bác sĩ chuyên khoa, sự hiểu biết rành rẽ này, có lẽ còn do anh chị có người con là Đại tá Bác sĩ Quân y. Thời đó, anh là Kiểm Soát viên Thuế vụ ở trung ương nên anh biết nhiều chuyện kỳ bí, kể lại làm tôi ngỡ ngàng. Làm trưởng ty ở địa phương, tôi chỉ có bạn bè đồng môn làm việc trong Tòa Hành chánh tỉnh và các bạn làm việc ở quận. Lâu lâu mới về Tổng Nha tham dự các khóa hội thảo. Dù sao, trong thời gian làm ở ty thuế nầy, tôi đã đưa số thu từ ty hạng C lên ty hạng B.

Anh Thanh nghe và nói điện thoại liên tục, thì ra bạn bè bị kẹt lại ở Houston đã lái xe lên Austin để đi chuyến bay khác qua D. C. và sẽ đến nơi sau đó vài tiếng, chỉ có vợ chồng anh Nguyễn hữu Quý đi chuyến sau, xuống phi trường sau 12 giờ đêm. Anh Thanh lúc đó đã mỏi mệt như con gà xể cánh, đã cùng cô con gái lớn, cháu Ý Thu, đi đón vợ chồng người bạn đến trễ, khi về lại nhà đã là 3 giờ sáng. Hôm sau tôi gặp anh Quý, anh hết sức cảm kích về việc này.

Du ngoạn thủ đô:

Sáng hôm sau, 20 tháng 9, Thanh và Duyên đưa chúng tôi đến Marriott Hotel để đi thăm Washington DC theo chương trình của Ban Tổ chức Hội ngộ Liên khóa, hai bạn này sống ở ngay sát vùng DC nên không tham dự. Chúng tôi vào lobby hotel, đã thấy chật cứng các Cựu sinh viên QGHC và gia đình. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, mọi người đều hớn hở, cười nói râm ran dù tuổi đời hầu hết đã trên dưới bảy mươi. Từng nhóm, từng khóa rồi mọi người chụp hình chung, sau đó nhận mũ, dây đeo ghi tên và khóa học, thức ăn trưa của Ban Tổ chức, rồi chia nhau lên hai chiếc xe bus, mỗi xe chở 65 người đi thăm thủ đô. Xe chúng tôi số 2, được anh Nguyễn trường Phát, khóa Cao học 4 hướng dẫn, anh rất nhiệt tình và có khả năng như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Đầu tiên chúng tôi đến thăm The US Capitol Building- Trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, nơi làm việc của lưỡng viện Quốc Hội, trên thế giới nhiều người đã biết hay nhìn thấy tòa nhà vĩ đại, uy nghi này. Nơi đây là trung tâm của pháp chế dân chủ Mỹ, cũng là biểu tượng dân chủ của thế giới tự do. Điện Capitol được xây dựng năm 1793, có diện tích 1.11 km2. Hạ viện hiện có 435 dân biểu, Thượng viện có 100 nghị sĩ. Chúng tôi get line và được Ban Tổ chức phát mỗi người một ticket để vào trong, sau đó nhận một máy nghe và được một thuyết trình viên trình bày về lịch sử, hoạt động, những sự kiện đặc biệt của tòa building được cả thế giới biết đến này. Do giới hạn của bài viết nên tôi không thể mô tả chi tiết của nơi này- vì dù có viết bao nhiêu cũng thiếu.

Thăm Lincold Memorial: Đây là đài tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincold ( 1809-1865 ), vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ông là tấm gương sáng chói của sự tự lập vươn lên từ nghèo khó, khốn cùng. Công lao lớn nhất của ông là: Giải phóng nô lệ và chiến thắng cuôc nội chiến. Tổng thống đắc cử nhiệm kỳ hai năm 1864, bị ám sát chết năm sau. Đài tưởng niệm này được xây năm 1922.

Thăm bức tường Black wall: Bức tường bằng đá granite đen dài 493 feed, trên đó chạm tên của 58,202 người Mỹ bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam, hầu hết là những người chiến binh trẻ tuổi. Ban Tổ chức đã đặt một vòng hoa để tưởng niệm những anh hùng bảo vệ lý tưởng tự do nầy. Tôi đặt tay lên bức tường mà lòng ngậm ngùi: nỗi đau xé lòng của những gia đình ( người cha, người mẹ, người vợ, con...) có những người con, người chồng đã hy sinh ở một nơi xa xôi, mù mịt này.

Thăm Jefferson Memorial: Đây là vị Tổng thống thứ 3 của Mỹ ( 1743-1826 ), là vị Tổng thống đã viết Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa kỳ năm ông ba mươi ba tuổi, tuyên ngôn này là mẫu mực cho toàn thế giới về tự do, độc lập, nhân quyền. Tổng thống Kennedy đã nói: Jefferson là Tổng thống thông tuệ nhất trong các đời Tổng thống Hoa Kỳ. Phía trong đài tưởng niệm có pho tượng rất lớn và đẹp của Jefferson, trên các bức tường hình oval có năm logo ghi lại những danh ngôn của Người.

 Còn biết bao địa điểm danh tiếng khác như White House, Washington Monument... do giới hạn thời gian nên không thể cùng đến xem được.

Đến khoảng 5 giờ rưỡi chiều, các bô lão đều có vẻ mỏi mệt nhưng vui tươi, Ban Tổ chức đã mời lên lại xe bus đến ăn tối All You Can Eat tại Golden Buffet, thức ăn rất ngon, rẽ, sau khi được reduce do thực khách đểu là Senior.

Hội ngộ Liên Khóa (Thứ bảy 21/9/2019)

Hôm nay là ngày quan trọng nhất: Trưa là Hội Ngộ Liên Khóa tại Marriott Hotel, chiều tối sẽ thực hiện Họp Mặt Đốc Sự 17 tại nhà anh chị Cung Trọng Thanh. Hai ngày qua, do thay đổi khí hậu, tôi bị dị ứng nặng, lại lờ đờ buồn ngủ, không giúp được gì cho các bạn. Sáng, trời còn mờ sương đã thấy các anh: Thanh, Thạnh, Hào ra sân sau sắp xếp bàn ghế, vật dụng cho buổi chiều.

Sau khi ăn sáng, uống ly cà phe thật ngon do chị Thanh pha, một số anh chị đi bộ thư giãn, các bạn còn lại ngồi bàn mọi chuyện trên trời dưới đất. Đến khoảng 9 giờ, các anh sửa soạn quần áo, các chị trang điểm cẩn thận, mặc lễ phục để tham dự buổi hội ngộ. Rồi anh Thanh và chị Duyên lại chở chúng tôi đến Marriott Hotel, vào phòng tiệc. Trước sảnh là nơi chụp hình lấy liền, sau đó được các người tiếp tân dẫn vào bàn tiệc. Các bàn của Khóa Đ S 17 chúng tôi là 14,15,16,17.

Tiệc Hội Ngộ được tổ chức rất long trọng, đầu tiên là nghi thức khai mạc: Quốc ca Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, Phút Mặc Niệm, giới thiệu quan khách và các khóa cựu sinh viên. Sau đó là nhập tiệc và chương trình văn nghệ. Quan khách phần lớn là cựu Giáo sư Học Viện QGHC và cũng là đồng môn của chúng tôi, như Giáo sư Tiến sĩ (GSTS) Viện Trưởng Nguyễn Quốc Trị tốt nghiệp khóa Đốc Sự 1, GSTS Trương Hoàng Lem khóa Đốc Sự 4, GSTS Cao Thị Lễ khóa Đốc Sự 10 hay phu nhân của Cố Giáo Sư Thạc Sĩ, Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông. Riêng tôi, rất tiếc là không được gặp GSTS Nguyễn Mạnh Hùng, dạy môn Bang Giao Quốc Tế cũng là người bảo trợ luận văn tốt nghiệp của tôi. Chúng tôi hết sức cảm ơn quý anh trong Ban tổ chức: Nguyễn Kim Hương Hỏa, Nguyễn Trường Phát, Đổ Quang Tỏa, Tạ Cự Nguyên, dù tuổi cao sức yếu, đã cố gắng tổ chức Hội Ngộ Liên Khóa 5 rất thành công. Có một chuyện khá vui là trước đây khi đọc tên anh Tạ Cự Nguyên, khóa Đốc Sự 22 trong Ban Tổ Chức, tôi hình dung sẽ gặp một đồng môn trẻ khỏe, nhưng khi gặp anh, té ra là người đồng hương Quảng Ngãi của tôi và anh đã bảy mươi bảy xuân xanh.

Họp mặt Khóa Đốc Sự 17 tại nhà anh chị Cung Trọng Thanh, Fairfax City, Virginia (21/9/2019)

Chương trình họp mặt bắt đầu từ 5 giờ, ngoài những bạn bè ngụ tại nhà Thanh, từ 4 giờ các bạn ở nơi khác đã lục tục kéo đến. Mọi người dạo khắp nơi, từ trước tới sau, chuyện trò, chiêm ngưỡng những hình ảnh mà Thanh đã dày công sưu tầm, trang hoàng. Bạn bè bắt đầu chụp hình từng đôi, từng nhóm rồi tất cả chụp chung để lưu giữ kỷ niệm không quên nầy.

Tươi cười trong chiếc áo màu đỏ thắm, anh Tạ Chương Thạnh, người điều hợp chương trình, chào mừng bạn hữu đồng khóa, sau đó anh mời chị Hoàng Thị Như Nguyệt lên sân khấu ca bài đầu tiên mở màn cho buổi hội ngộ, chị hát bài Lá Thư của Đoàn Chuẩn, Từ Linh. Chất giọng chị đặc biệt, nhất là sự luyến láy và nhịp rung ở cuối câu truyền cảm và điệu nghệ.

Sau đó, anh Thạnh mời quý anh chị cựu sinh viên Đốc Sự 17 và gia đình vùng Hoa Thịnh Đốn lên sân khấu: vợ chồng anh Cung Trọng Thanh, vợ chồng anh Phạm Duy Sương, Chị Đỗ Kim Duyên, Chị Nguyễn Thị Hoàng Nam.  Anh Cung Trọng Thanh, đại diện quý anh chị ở địa phương, cũng là người tổ chức buổi hội ngộ hôm nay tại ngôi nhà của mình, bằng lời lẽ sâu lắng, bồi hồi xúc động, anh cảm ơn các bạn đồng khóa và bằng hữu, từ khắp nơi xa gần đã về tham dự đông đảo lần họp mặt kỳ này, anh nói: năm mươi năm trước chúng ta gặp nhau, để hôm nay, tại một nơi rất xa xôi này, chúng ta còn được gặp lại nhau là một hạnh phúc lớn lao, không gian họp mặt này chất chứa bao tình cảm ấm áp, hy vong sẽ để lại dấu ấn đậm đà mãi mãi.

Anh Tạ Chương Thạnh thay mặt bạn bè, ngỏ lời cám ơn thắm thiết anh chị Thanh, nhất là chị, đã tận tụy giúp chồng để có buổi hội ngộ hoàn chỉnh và đầy ý nghĩa này. Cũng xin kể lại một câu chuyện: Mấy hôm nay, mỗi lần thấy chị đứng bên Thanh, hình ảnh cặp đôi thật đẹp. Có bạn cắt cớ hỏi vì sao chị yêu anh Thanh, chị nói ngay: “yêu vì ngưỡng mộ Thanh học giỏi”, thì ra hai người học chung Tiểu học, sau chị đậu vào trường Đồng Khánh, anh vào trường Hàm Nghi. Từ Tiểu học đến năm Đệ nhất, Thanh luôn làm trưởng lớp và đứng nhất lớp. Vào đại học, Thanh cũng học giỏi nhất, nhì khóa Đốc sự 17.

Sau đó, người MC bắt đầu giới thiệu mọi người tham dự, đó là: anh chị Trần Hữu An , anh Lê phước Ba , chị Triệu Thị Ngà, chị Đỗ Kim Duyên,  anh Nguyễn Minh Đức, anh Nguyễn đình Hào, anh chị Huỳnh nhân Hậu, anh chị Đặng Xuân Hùng , chị Đặng Thị Lang, chị Nguyễn Thị Mỹ,  chị Nguyễn Thị Hoàng Nam, chị Phan Bạch Ngọc và phu quân, chị Hoàng Thị Như Nguyệt, chị Kim Nhung và phu quân, anh chị Huỳnh Văn Phước, anh chị Nguyễn Hữu Quý, anh chị Diệp Thanh Sang, anh chị Phạm Duy Sương, anh chị Cung Trọng Thanh, anh chị Phạm Đức Thạnh, anh Tạ Chương Thạnh, anh chị Trần Bạch Thu, anh Vũ Tiến Trung, anh chị Đặng Bình Tước, chị Đỗ Cẩm Vân, anh chị Ngô Xuân Vũ.

Năm vị khách là chị Hằng Nga, con của cố Giáo Sư Nguyễn Thị Huệ, hai người bạn của chị Phan Bạch Ngọc, hai người bạn của anh chị Phạm Đức Thạnh. Ngoài ra, cò hai người đệm nhạc là anh Vi Toàn, anh Đức và Phước quay video.

Tiếp theo, hai anh Thanh và Thạnh mời bạn bè nhập tiệc, theo kiểu self service. Thực phẩm ngon miệng và rất phong phú được bày trên hai bàn dài trong nhà. Anh Lê phước Ba không quên ôm những chai wine đi mời mọi người. Beer, soda, water sắp đầy trong hai thùng đá. Bạn bè thưởng thức tận tình.

Mở đầu chương trình văn nghệ, anh Thạnh Tạ giới thiệu anh Thạnh Phạm với ca khúc: “ Khúc Thụy Du”, thơ Du Tử Lê,  nhạc Anh Bằng, giọng anh nhẹ và tha thiết. Mong ước anh và chị Thu Đào đã tìm được bến đổ sau cùng. Tiếp theo là bài: “ Về Đây Nghe Em”, do Xuân Thu ca, cô gái bắt đầu ca hát từ ngày học ở Đại Học Sư Phạm Huế. Sau đó là anh Huỳnh Nhân Hậu với hai ca khúc “ Tình Nhớ “ và “ Phôi Pha”, nhạc Trịnh Công Sơn. Trước đây Hậu viết truyện, những năm sau nầy anh lại mê vẽ tranh và say sưa ôm đàn đi hát khắp nơi. Người khán giả trung thành, theo sát anh như hình với bóng là chị Hạnh, vợ anh. Chị Thu Đào hát ca khúc: “ Những Ngày Thơ Mộng”, cũng mong chị tìm được những ngày này bên anh Thạnh. Anh Nguyễn Hữu Quý nổi tiếng là người ngâm thơ hay, đêm nay anh ngâm hai bài thơ: “ Đây Thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử và: “ Trăng” của Xuân Diệu, giọng anh ngọt ngào, trầm ấm. Tiếp đến là anh Vũ Tiến Trung với dàn đồng ca “ chung bàn ” hát bà: “ Con Đường Vui “  thật vui nhộn. Gặp lại Trung, tôi lại nhớ đến bài: “ Mộng Dưới Hoa “ Trung đã hát trong ngày tựu trường của khóa Đốc Sự 17 năm mươi năm trước. Kế tiếp là hai bài hát: “ Đường Xưa Lối Cũ “ của Hoàng Thi Thơ và “ Thư Về Em Gái Hậu Phương “ của Duy Khánh do anh Đoàn Văn Thành ca, giọng anh ngọt ngào, có lẽ đã làm chị Kim Nhung mê đắm từ đấy. Rồi vợ chồng người công tử Bạc Liêu hiền lành Huỳnh Văn Phước hát bài: “ Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa”.  Anh Trần Hữu An, người có cuộc sống nhọc nhằn nhưng luôn nặng tình với đất nước, với bạn bè hát bài: “Thương Về Miền Trung “ của Duy Khánh. Rồi, Cung Trọng Thanh lên đọc bài thơ: “ Năm Mươi Năm Nước Chảy Qua Cầu” anh viết những xúc cảm nồng ấm cho Trường, cho Bạn. Kết thúc chương trình ca nhạc là Cẩm Vân, chị đọc bài thơ chị vừa viết: “ Ôi, Nữa Cuộc Trăm Năm “- những suy tư sâu lắng của Năm Mươi Năm, cũng là tên của lần họp mặt này, thơ chị đầy hương vị Thiền tông.

Cũng xin được nói lời thán phục đến người dẫn chương trình, anh Tạ Chương Thạnh: lời nói ôn nhu, kiến thức rộng rãi mọi mặt, từ những vấn đề tôn giáo, đời sống, văn học nghệ thuật... Mong anh sẽ là người điều hợp chương trình mãi mãi cho Đốc Sự 17.

Thảo luận về ngày Hội Ngộ kỳ tới tại Montreal, Canada.

Đây là đề tài ngoài chương trình của buổi Họp Mặt, nhưng nóng bỏng trong kỳ Hội Ngộ Liên Khóa vì vẫn chưa có địa phương nào nhận cờ luân lưu tổ chức Hội Ngộ lần thứ 6. Sau khi hội ý với anh Thanh, anh Thạnh đã mời chị Đặng Thị Lang lên phát biểu ý kiến. Chị Lang đã trình bày chi tiết về hoàn cảnh hiện tại của Liên Khóa,  chị đề anh Đặng Bình Tước, chủ tịch Hội CSV-QGHC Montreal tiếp nhận cờ luân lưu tổ chức HNLK, và đề nghị sự hổ trợ của các anh chị Khóa 17. Anh Thanh mời ba người cho ý kiến, trước khi anh Tước kết luận vấn đề. Đầu tiên là anh Ba, do còn đi làm, anh hứa vợ chồng anh sẽ tham dự và tặng mỗi bàn một chai Wine thượng hạng, sau đó là ý kiến anh Thanh, anh lưu ý anh Tước nên cân nhắc kỷ, tự lượng sức của mình là chính, sự hổ trợ chỉ là phụ, anh Thu, người phát biểu thứ ba tán thành ý kiến anh Thanh, cũng đề nghị Tước nên xem xét về nhân sự, khả năng. Anh cũng nói sự thật rằng kỳ họp mặt này chỉ có mình anh Thanh cáng đáng. Anh cũng đề nghị nên tổ chức kỳ tới ở Houston, vì nhân sự đông đảo hơn.

Anh Tước lên sân khấu, anh trình bày về hiện tình Hội Montreal, theo đó anh đã mãn nhiệm Chủ tịch Hội tháng tám vừa qua, nhưng hiện nay chưa có ai nối tiếp. Hội viên có khoảng trên 30 người nhưng hầu hết đều trên tám mươi tuổi, ai cũng muốn tổ chức nhưng thực tế là sẽ không có ai tiếp, giúp được gì. Một năm trước, Ban Tổ Chức Hội Ngộ Liên Khóa ở Úc Châu đã gởi văn thư đề nghị anh nhận lời tổ chức kỳ 5, nhưng sau khi cân  nhắc thực lực, anh đành từ chối vì tổ chức HNLK hết sức phức tạp, khó khăn. Nhưng với bạn bè Đốc Sự 17 thì khác, với tư cách cá nhân, anh mời toàn thể cựu SV/ĐS 17 tham dự họp mặt tại Montreal vào tháng 7 năm tới. Mọi người đã nhiệt liệt vổ tay hoan hô anh. Sau đó, anh Hậu với lời lẽ xúc động, anh kêu gọi mọi người trợ giúp một cách tích cực, cụ thể để anh Tước có thể tổ chức thành công Họp Mặt như anh Thanh năm nay.

Sau phần văn nghệ, anh MC đạo diễn phần cắt bánh mừng kỷ niệm 50 năm Đốc Sự 17, mở rượu mừng Champagne và tặng quà lưu niệm cho toàn thể tham dự viên.

Buổi Họp Mặt Khóa Đốc Sự 17 Học Viện QGHC, Việt Nam Cộng Hòa, năm 2019, tại nhà anh chị Cung Trọng Thanh, xứ Rừng Phong, Fair Fax, Virginia, thành công trọn vẹn, vượt quá sự mong đợi của toàn thể bạn bè.

Đến đây, tôi thấy bài viết đã quá dài, đã làm khổ người đọc nhiều, nên xin được kết thúc. Tôi xin cáo lỗi vì còn những sự kiện khác chưa viết như Tiệc Giã Từ của Liên Khóa ở Harvest Moon, hai ngày sau đi du ngoạn ở Great Falls Of The Potomac và Luray Caverns, VA; Tiệc Chia Tay và đêm Nhạc Thính Phòng ở nhà bạn Cung Trọng Thanh.

Ngô Xuân Vũ – Khóa Đốc Sự 17

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...