12 February 2019

EM TÔI, truyện ngắn

Trần Bạch Thu

Hồi mới lên 5 tôi nhớ có lần mẹ dẫn hết mấy anh em qua bến đò chợ Thạnh Trị hốt thuốc Nam và nhờ thầy coi luôn tướng số, hậu vận về sau cho mấy đứa con. Thầy nói với mẹ là đứa em thứ tư của tôi có tướng mệnh yểu và chết vì nước. Lúc đó mẹ hơi luống cuống, mắt chớp liên hồi còn miệng thì lẩm bẩm xin thầy coi lại. Thầy lắc đầu:

- Cơ trời đã vậy. Hãy gắng tu nhơn tích đức thì may ra. Vậy thôi.

Mẹ về mà lòng buồn vô hạn. Sau đó mẹ quyết định lựa ngày rằm tháng tốt dẫn mấy anh em tôi lên chùa xin Qui y Tam bảo cho hết cả 3 đứa con trai đầu.

Đứa em thứ tư của tôi là đứa khôi ngô tuấn tú nhất nhà, thuở nhỏ rất bụ bẫm, tôi thường hay bồng ẵm chơi với em thường xuyên nhất, một phần thương nhiều hơn mấy đứa khác là vì tôi nghe và hiểu lời thầy nói, phần khác em rất đẹp và hiền lành dễ thương. Lâu ngày rồi cũng quên, nhưng mẹ tôi thì lo suốt đời.

Ba làm việc ở Tòa Bố đối diện xéo với cầu Tàu Mỹ Tho nên thỉnh thoảng có những chiều sau giờ làm việc ba thường hay dẫn mấy anh em tôi ra cầu tắm sông, bơi lội. Mẹ cấm tiệt đứa em thứ tư không được xuống nước. Ba biết chuyện bèn bảo mẹ đừng tin lời thầy bói. Hễ mỗi lần như vậy là mẹ dặn tôi nếu có đi tắm nhớ luôn ở bên cạnh để coi chừng em.

Khi lớn lên em là đứa to cao, khuôn mặt đẹp đẽ thanh tú. Lúc đó bạn bè cùng trường hay đặt tên gọi riêng là Alain Delon vì hao hao giống nam tài tử điện ảnh Pháp. Học hành thông minh tấn phát lại hay giúp đỡ mọi người nên hàng xóm trong cư xá ai ai cũng thương mến. Bọn con gái thì khỏi nói, lúc nào cũng anh Tư nghe ngọt sớt. Mẹ hay răn đe là nên lo học hành không được bày đặt bè bạn bồ bịch lăng nhăng. Em nghe lời lắm.

Việc nặng trong nhà em là đứa luôn luôn đứng ra gánh vác. Ngày cận tết, 25 tháng Chạp về quê nội tảo mộ, Bà Bảy luôn chia cho em những chỗ đầy gai mắc cỡ để dẫy cỏ. Thế mà lúc nào em cũng xong sớm rồi qua phụ với anh em ở các khu mộ khác. Không biết sao Bà Bảy luôn bảo với mọi người:

- Chia cho nó chỗ khó để được ơn phúc đức ông bà phù hộ.

Trong kiến họ, Bà Bảy là người trông coi đất đai mồ mả gia tộc. Khi có người thân qua đời bà là người “chỉ đâu chôn đó.” Bà có thanh gỗ đẽo hình hạt đậu cắt dọc làm đôi thành 2 thanh, mỗi thanh đều có 2 mặt, lồi và phẳng như nhau. Trước khi chỉ đâu chôn đó bà đi quanh quẩn xin keo bằng cách thảy hai thanh gỗ lên trời rớt xuống đất nếu hai thanh gỗ nằm dưới đất một lồi một phẳng là được. Trong gia tộc đồn nhau, hễ thương ai thì bà thảy xin keo ở giữa gò còn ghét ai thì bà đi vòng ra rìa ngoài thảy xin keo ở quanh đó, có khi xin tới 2,3 lần cho tới khi nào được mới thôi.

Có một lần thầy Tám hốt thuốc Nam ở sau đình Long Bình Điền bảo nhỏ cho người nhà biết là vùng đất Chợ Gạo, Gò Công thuộc Linh Qui có số phát cung tần mỹ nữ. Bà Bảy chỉ biết việc đời nhưng không thấu cơ trời. Thử hỏi đất Rùa chôn ở chỗ nào thì đắc địa? Xuống Gò Công xem mộ dòng họ Bà Từ Dũ thì biết. Có phải là ở ngoài rìa ngay cổ rùa hay không. Giữa gò phát khoa, đội bia Tiến sĩ nhưng là đất bồi sẽ bị lún làm sao phát được, mà có thì cũng “bạo phát bạo tàn.” Biết đủ là được, cổ, chân hay đuôi rùa mà phát tới Hoàng thái hậu là được rồi.

Bà Bảy sở dĩ được mọi người tín cẩn là vì bà đã ở vậy nuôi em từ khi cha mẹ mất sớm, bỏ qua thời xuân sắc đành chịu lỡ thời. Tính người quá khắt khe nên mọi người cùng nhau đặt tên gọi là Bảy Dễ cho đỡ, nhưng dễ đâu không thấy mà ngày càng lớn tuổi càng thấy khó hơn. Bác Hai ngoài phần đất đai được chia còn được kế thừa ở nhà từ đường cộng thêm với 3 mẫu ruộng phần đất hương hỏa nên có trách nhiệm cúng giỗ ông bà cố tổ hằng năm. Bác Hai gái than với Bà Bảy rằng đất đai ngày càng bạc màu, mùa màng thất bác mà giỗ chạp nhiều quá nên huê lợi có phần kém không đủ để đãi họ. Từ đó Bà Bảy Dễ rỉ tai con cháu về dự đám giỗ phải mang theo quà bánh cúng cho kha khá một chút, ít ra cũng một con heo quay hay một chục gà, vịt. Có thể gởi tiền về trước cũng được. Phần ăn mặc, cha mẹ con cái cũng phải quần áo mới và tươm tất để hàng xóm trọng vọng là con cháu của ông Cả Tam. Kết quả là những người nghèo như cô Tám Nữ có chồng phương xa, đông con nghèo quá trốn luôn, biệt xứ không bao giờ về dự đám giỗ nữa.

Có lần em tôi biết chuyện thương tâm của Cô Tám bèn nói với ba thưa lại với Bà Bảy bỏ lệ đó đi. Có lẽ chuyện tới tai bà nên mới có cớ sự chia phần dẫy cỏ gai như trên. Tuy nói là được ơn phúc đức ông bà, nhưng khi xong việc bà cho là đứa nghịch tử.

- Ba nó còn răm rắp không dám cải. Tôn ti thứ bậc trong kiến họ Trần là phải vậy.

Chơi đùa em là đứa chịu đòn cho anh em nhiều nhất. Những lần hái trái cây trộm chỉ có mình em là dám vượt hàng rào kẽm gai vào bên trong leo lên cây hái trái liệng ra, cả đám con nít ở ngoài chỉ việc lượm bỏ vô túi, đến khi chủ nhà phát hiện rượt đuổi, một mình em ráng vét cho hết rồi mới leo rào vượt ra ngoài tay chân rách sướt, máu chảy ròng ròng thế mà vẫn tỉnh bơ ôm túi trái cây mà chạy, trong khi đó anh em tụi nhỏ quăng hết để thoát thân.

Lớn lên thêm một chút khi biết đi câu thì em là người cùng một lúc, cùng một chỗ mà khi nào đi câu, giỏ của em cũng nhiều cá nhất. Bác Hai Đáng chủ vựa cá bảo là em có tay “sát cá”, vừa nói Bác vừa nhìn em rồi bảo:

- Tướng tá nầy lớn lên mà có số đào hoa nữa thì chắc khối con gái chết mệt.

Em không có bạn gái chỉ lo học hành và anh em chơi với nhau ở trong nhà chứ không có ra ngoài đánh đôi đánh đọ chơi bời lêu lổng. Đến năm 72 giặc giã nổi lên, tin chiến tranh dồn dập hằng ngày, bạn bè của em đi lính chết trận cũng nhiều. Không biết nghĩ sao em bỗng có ý tưởng xin mẹ cho đi lính. Mẹ khóc hết nước mắt. Đến lúc nầy mẹ mới bắt đầu nghĩ ra vì trong xóm có nhiều thanh niên trai trẻ hy sinh, nói nôm na là “chết vì nước.” Càng nghĩ mẹ càng nhớ tới lời ông thầy bói ở bến đò Thạnh Trị mười mấy năm về trước. Mẹ lo sợ lắm nên năn nỉ em ráng học thêm ít năm nữa rồi hẳn hay. Đâu được chừng 6 tháng sau em quyết định đăng lính và ước nguyện của em là sẽ vào binh chủng Nhảy Dù. Mẹ cùng đường, năn nỉ người quen lên Sài Gòn chạy cho em sau khi tốt nghiệp được ở lại Sài Gòn. Trong đời mẹ coi như chết đi sống lại lần nầy khi nghe tin em được về đơn vị Tiểu đoàn 5 Quân cảnh đóng tại Sài Gòn.

Từ khi vào lính em mặc đồ quân cảnh trông rất là oai phong lẫm liệt, lái xe jeep chạy quanh thành phố rất quyền uy. Sĩ quan cấp Tá mà vi phạm kỷ luật, quân cảnh bắt lột lon, còng tay đem về đồn như không. Mẹ nghe nói thế bèn sợ gây thù chuốc oán nên giao cho em có việc để khỏi ăn nhậu chơi bời trác táng là giúp em gái trả tiền trọ học hằng tháng và trông nom em đang đi học trường Luật tại Sài Gòn. Tôi từ xa về thường hay ghé trại Lý Thái Tổ cùng em ra bờ sông Sài Gòn ăn uống với mấy người bạn cùng đơn vị với em. Vui lắm và cũng mừng, quên đi cái vụ “chết vì nước.”

Mỗi khi về phép em luôn luôn có quà cho gia đình ba mẹ nhất là các em nhỏ, đứa em út mới lên ba, anh Tư cũng còn nhớ mua cho em một thùng sữa uống cho mau lớn. Thấy các anh ăn mặc luộm thuộm tuy là lính luôn mặc quân phục nhưng lúc nào em cũng đem quần áo dân sự mới tinh về nói với mẹ là cho anh Hai, anh Ba xài, con ít khi mặc lắm.

Năm 75 Cộng sản về thành, em đi cải tạo tại địa phương. Tính tình hiền lành, chịu khó, chịu khổ và an phận nên em chỉ cải tạo một thời gian ngắn rồi được cho về. Ngày về mẹ vui mừng lắm vì chiến tranh đã chấm dứt cho nên câu “chết vì nước” có lẽ không còn đúng nữa.

Khi về đời em theo làm phụ xế xe tải của Cậu Tư đi chuyến hằng ngày Sài Gòn – Cai Lậy. Trong hoàn cảnh khó khăn em cùng với gia đình phấn đấu vượt qua mọi sự khó khăn. Làm đủ mọi nghề chỉ để được có cái ăn không còn nghĩ ngợi điều gì khác nữa cả. Còn sống là may mắn lắm rồi. Tự an ủi như vậy. “Lâu rồi đời mình cũng qua.” Sống được suy cho cùng, tướng tự tâm sinh tất cả đều do mệnh trời.

Sau khi ổn định công ăn việc làm em kể với mẹ là hồi còn đi lính ở Sài Gòn có quen thân với một ông nguyên là sĩ quan nhà đoan (quan thuế) thời Pháp thuộc, nay đã về hưu sống ở bên kia bến đò Thủ Thiêm. Ra vào chơi, ăn nhậu nhiều lần hợp tính nhau nên ông giới thiệu và muốn gả cho cô con gái thứ chín, trước đây là Dược Tá viên làm ở Viện Bào Chế Văn Lang. Chuyện đã lâu rồi, gần 5 năm về trước. Hiện nay em cũng vẫn còn qua lại thăm viếng trong những lúc nghỉ chờ chất hàng lên xe tải. Giờ em muốn tiến tới hôn nhân. Mẹ hỏi:

- Cô ấy bây giờ làm nghề gì?

- Đưa đò ngang ở bến Thủ Thiêm.

Nghe đến đó mẹ thầm kêu trời. Mẹ nghĩ em muốn ở rể, theo vợ về làm nghề đưa đò qua lại hằng ngày chắc cũng sẽ có ngày sơ xảy, rủi ro. Mẹ từ chối. Em quyết không lập gia đình với người khác. Dần dà mẹ cũng xiêu lòng đi hỏi cưới đàng hoàng cho em nhưng dặn nhỏ một điều với cô con dâu là làm gì cũng tốt, miễn ở trên bờ đừng xuống thuyền đò là được. Mẹ nói tránh là em không biết lội và thường hay bị cảm hàn, thấm nước khó trị.

Em bỏ xứ ra đi lên Thủ Thiêm thành Dượng Chín tài đò.

Được vài năm thỉnh thoảng mẹ có lên thăm thấy cũng an lòng vì em làm trong văn phòng Hợp Tác Xã bến đò Thủ Thiêm còn vợ thì có chiếc đò đưa khách qua lại Thủ Thiêm – Tân Thuận. Cuộc sống bình thường có 4 đứa con, ba gái một trai đặt tên là Chiêu, Quân, Đông, Châu. Ông bạn nhậu vong niên ngày trước nay trở thành nhạc phụ, trước khi qua đời ông có làm giấy giao nhà lại cho Dượng Chín. Cả gia đình sống rất hạnh phúc trong căn nhà tương đối có giá ở trong vùng. Tưởng đã xong ngờ đâu lại có chuyện, số là gia đình bên vợ còn có một người em út gọi là cậu Mười thất nghiệp buồn tình say xỉn suốt ngày, cứ hễ đêm nào say sướt mướt là mò về đòi lại căn nhà của Dượng Chín. Anh em lời qua tiếng lại nếu không may sẽ xảy ra chuyện chẳng lành.

Vốn hiền lành, ít khi cãi cọ, nửa đêm Dượng Chín đánh thức hết mấy đứa nhỏ cùng vợ xuống xuồng bơi thẳng qua đầm dừa nước gần ngã tư An Khánh neo giữa dòng chờ sáng.

Gia đình bên vợ năn nỉ thế nào Dượng Chín cũng nhất quyết không trở về căn nhà cũ cũng như không hề lấy đi bất cứ một thứ gì, kể cả soong nồi. Sau đó có người trong xóm thương tình sang nhượng lại cho một căn chòi nhỏ dùng để chăn vịt ở giữa đầm, vuông vức mỗi bề 4 mét.

Hai đứa lớn Chiêu, Quân phụ mẹ đưa đò. Dượng Chín thôi làm ở Hợp Tác Xã, hằng ngày lặn lội móc đất lên đắp nền nhà cho rộng ra. Đến chiều khi hết tài đò ba mẹ con gom vỏ nghêu sò chở đầy xuồng về đổ cặp theo nền nhà mới đắp. Từ từ rồi cũng nới rộng ra và đắp được bờ đi ra tới lộ đá. Vài năm sau khi thành nền nhà hẳn hoi, Dượng Chín mua xà bần vật liệu xây dựng phế thải đem về đổ móng làm nền và tráng xi măng xây kè cho vững chắc. Chính tay Dượng Chín mua gỗ về cùng với thợ cất nên một ngôi nhà rất khang trang nằm giữa đầm dừa nước đẹp như tranh vẽ.

Tháng Chạp năm Kỷ Mùi, mẹ lần đầu tiên ra Bắc thăm nuôi tôi. Từ Cai Lậy mẹ mang theo hai bao bố quà của gia đình lên Sài Gòn nghỉ qua đêm ở nhà vợ chồng em bên bến đò Thủ Thiêm. Nhà mấy đứa em, đứa nào cũng muốn đi theo mẹ ra Bắc thăm anh, nhưng nghe người đi thăm nuôi kể lại là khó khăn lắm, thường thì trại cải tạo nằm sâu trong núi nên từ đường lộ đá muốn vào tới trại xa chừng 5,7 cậy số mà quà nhiều thì phải có người khỏe mới có thể gánh tới chỗ thăm nuôi được nếu không muốn mướn người địa phương tiền bạc rắc rối và hay bị lừa nên mẹ chọn đứa em gái thứ sáu, trẻ khỏe và nhanh nhẹn.

Sáng sớm hôm ra ga xe lửa đi Nam Hà, em gánh hai bao bố đưa mẹ và em gái ra ga. Khi kiểm tra vé lên tàu vì số lượng hành lý đi theo người quá tải nên bắt buộc phải mua thêm vé hành lý. Hết tiền mẹ tính bỏ lại. Em ra hỏi dân chuyên nghiệp “chọi đá đường rầy xe lửa”, họ bày cho cách là mang số quà muốn gởi ra khỏi ga gần cửa khởi hành, đến khi xe lửa chạy thì nhanh chân mang hành lý chạy theo xe lửa cho tới toa của người thân mà quăng lên. Em gởi thêm cho anh bánh thuốc lào, hút cho đỡ đói.

Khi đứa lớn, con em thi đậu vào trường cấp 3 Trưng Vương thì có tin đồn là sẽ giải tỏa khu đất đai gồm toàn bộ vùng ngã tư An Khánh để sử dụng lập đô thị mới. Ban đầu còn đồn đại, sau đó có thông báo chính thức cho cư dân thiết lập hồ sơ để được đền bồi hoặc chuyển đi định cư nơi khác. Dượng Chín vẫn bình chân như vại và bắt đầu uống rượu từ sáng sớm không ăn. Một thời gian sau phát bệnh lao phổi rồi uống thuốc trị lao mà cả thế giới đã cấm sử dụng từ lâu. Thuốc tàn phá cơ thể một cách khủng khiếp. Người bắt đầu khô đét, đen đủi như cột nhà cháy. Nhưng mối sầu thế thái còn tàn phá con người nhanh chóng hơn. Thế rồi vào một buổi chiều tối khi ba mẹ con đưa đò về tới nhà không thấy ba ngồi đợi bên hông nhà ngay cọc neo đò như mọi khi.

Dượng Chín qua đời trong tư thế ngồi vắt chân bên cạnh bàn với ly rượu vơi phân nữa. Mẹ lên định đưa về Long Bình Điền chôn cất. Nhưng vợ và mấy đứa con cho biết ba thường hay trối “Sống gởi nạc thác gởi xương” chết đâu chôn đó không di dời đi đâu cả. Cuối cùng gia đình đồng ý chôn ở đất chùa Nguyên Thủy gần với ông Ngoại, người cựu sĩ quan quan thuế năm xưa. Dượng Chín hưởng dương 40 tuổi. Sinh thời em rất thích tên gọi Dượng Chín.

Đám tang có rất đông người thăm viếng, hầu như gần hết cư dân vùng bến đò Thủ Thiêm. Em sống rất tình nghĩa, ngay thẳng và công bình. Không ăn tiền bẩn. Hợp Tác Xã bầu em làm trưỏng tài đò trong nhiều năm, có nhiệm vụ phân chuyến theo đúng ngày giờ và luân phiên cho tất cả mọi tài đò. Dân xã hội đen thấy tướng tá của em cũng hơi gờm, ít nói mà làm thiệt nên cũng ngán. Bến đò Thủ Thiêm yên ổn làm ăn từ khi có em về.

Đám tang miễn phúng điếu nên Hơp Tác Xã bến đò Thủ Thiêm cúng một đội kèn Tây. Bà con cư dân trong vùng hùn nhau cúng một đội nhị tỳ biểu diễn khi di quan và đồng thời tự thuê xe đi đưa đến tận chùa Nguyên Thủy.

Hôm đi đưa đám, buổi sáng trời mưa lâm râm cả nhà lên xe đò đi Thủ Đức. Thầy xem ngày giờ hạ huyệt là đúng ngọ 12 giờ trưa. Xe tang lên sớm hơn độ một tiếng đồng hồ, mọi người đang nhốn nháo chờ đọc kinh làm lễ thì đội nhị tỳ cãi vã vụ gì đó không ai biết cho đến khi thầy quyết định dù sớm cũng hạ huyệt đúng giờ. Thầy bảo đưa quan tài đặt trên cửa huyệt chờ thì mọi người mới thấy 2,3 người ở dưới huyệt leo lên.

Đến giờ hạ huyệt người thân trong gia đình đến gần mới hay là huyệt đang ngập nước. Nãy giờ đội nhị tỳ cử người luân phiên xuống múc nước ở dưới huyệt chuyền lên cho huyệt khô ráo. Điều lạ là gò mả ở chùa là gò cát có hằng trăm năm nay, đâu bao giờ thấy có nước khi đào huyệt. Đội nhị tỳ xin thầy chôn sớm khi vừa ráo nước. Gia đình xin thầy cho phép người xuống huyệt múc nước lên. Thầy bảo cữ, không được. Chờ gần nửa tiếng đồng hồ sau huyệt ngập nước gần phân nửa. Tới giờ thầy ra lệnh hạ huyệt. Đội nhị tỳ nhớn nhác nhìn quan tài chìm nghỉm trong nước, mọi người khóc inh ỏi. Thầy nói với gia đình là mộ táng nhằm long mạch rất tốt, con cháu sẽ vượng phát.

Chỉ riêng mẹ và tôi là chợt nhớ như in lời thầy bói ở bến đò Thạnh Trị gần 40 năm về trước, “chết vì nước.” Chỉ khác là không có loạt súng chào khi hạ huyệt thay vào đó là tiếng kèn lá của đội nhị tỳ.

20 năm sau, Chiêu Quân Đông Châu lớn lên đều học hành đỗ đạt, đứa lớn tốt nghiệp Đại Học Ngữ Văn, làm ở cửa hàng quà lưu niệm trong Khách sạn New World và là người đã bán được món quà lưu niệm đắt giá cho Tổng Thống Bill Clinton. Quân du học tốt nghiệp Kỹ sư Công Chánh trường Đại Học Long Beach và định cư tại Mỹ. Đông, Châu ra trường có việc làm tốt, gia đạo yên vui.
Bắp non mà nướng lửa lòĐố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Thím Tư vẫn ở vậy nuôi con và chỉ có một niềm ân hận duy nhất là không làm sao giữ được căn nhà ở Thủ Thiêm mà Dượng Chín đã dày công khai phá và dựng nên. Buồn thật.

Trần Bạch Thu

No comments:

Post a Comment

SƠN TINH & THUỶ TINH, tranh A.C.La

Sơn Tinh và Thủy Tinh (The Mountain Lord vs The Water Lord) Oil on canvas 24x24 inch (61x61 cm) by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh  ** All rights res...