Đa số sống trong xã hội bình thường ngày nay khi nghe chuyện "Ăn thịt người" cũng đã thấy rùng mình. Thế nhưng khi cần hay phải làm một công việc gì đó nhạy cảm như nghiên cứu chuyện ăn thịt người vì ích lợi lịch sử hay xã hội thì chắc chắn cảm tính tất phải nhường chỗ cho lý trí. Bộ môn nghiên cứu của khoa học nhân văn ngày nay cũng quan trọng như trong ngành khoa học kỹ thuật, có thể mở cửa đi vào bất cứ ngõ ngách nào vì ích lợi của tiến bộ. Mời quý bạn theo dõi phần nội dung của bài viết rất công phu của tác giả. (TTR)
Phạm Đức Thân
Ăn thịt người là một đại cấm kỵ của nhân loại. Thỉnh thoảng cũng có những ghi nhận của nhà thám hiểm hay du lịch về hiện tượng này tại một vài dân tộc thiểu số, bán khai...Ví dụ dân Wari (Ba Tây) ăn thịt người thân chết để bớt đau buồn; dân Fore (Papua New Guinea) ăn thịt thân quyến vừa mất để giữ lại linh hồn; dân Nabutautau (đảo Fiji) kiêng xoa đầu trẻ em, người lạ vi phạm bị xử tử và ăn thịt. Nhưng đó là cá biệt do tục lệ, tín ngưỡng và chưa kiểm chứng hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tài liệu ghi lại ăn thịt người quả có xẩy ra, nhất là trong thiên tai, mất mùa, ngục tù... Ví dụ như nạn đói ở Ukraine 1932-33 (chết 5 triệu), trại tập trung Do Thái của Đức Quốc Xã Thế Chiến II (chết 12 triệu), trại lao cải và đại nạn sai lầm của Bước Nhẩy Vọt tại Trung Quốc 1958-61 (chết phỏng đoán trên 50 triệu), trại tù Soviet (chết 20 triệu). Riêng tại VN nạn đói năm Ất Dậu 1945 làm chết 2 triệu người, do mất mùa cộng với chính sách thu gom lúa gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp.
Sở dĩ có chuyện ăn thịt người là vì khi đói hành hạ, người ta mất khôn. Lãnh sự quán Ý Đại Lợi ở Trung Quốc báo cáo rằng cơn đói phát sinh hoang tưởng do thiếu vitamin, khiến nhìn con cái thành chỉ là con vật, cho nên giết và ăn thịt con.
Một số sống sót sau nạn đói, không nhớ và chối chưa bao giờ nghĩ vậy. Phim hài The Gold Rush (Cơn Sốt Vàng diễn tả rất đúng trạng thái bị đói hành hạ: Big Jim nhìn Charlot thành con gà, và Charlot nhìn đôi giầy thành thực phẩm, ăn uống ngon lành cả dây giầy, làm khán giả cười nghiêng ngửa.
Trung Hoa là nước đông dân, thường bị lũ lụt, hạn hán làm mất mùa (từ 108 BC đến AD 1911 có 1828 đại nạn) bị đói đe dọa triền miên. Lại thêm kiến thức y khoa hạn chế, tưởng thịt người là bổ. Ăn thịt người diễn ra trên suốt chiều dài lịch sử tới tận ngày nay, và còn thấy ghi trong sách vở, sử liệu cũng như văn học. Phát sinh một loại "văn hóa nạn đói", truyền từ đời này qua đời kia. Dân chúng biết rõ loại cây cỏ dại nào có thể ăn được, loại nào nên bán để được tiền, và cả thứ tự ai phải bị hy sinh trước, khi cần thiết. Dân An Huy còn có kinh nghiệm nhận ra kẻ ăn thịt người: thân thể có mùi khác lạ và mắt cũng như da đỏ au.
Ăn thịt người có một chỗ đứng thật độc đáo trong văn hóa Trung Quốc và được dân chúng tôn trọng. Phải chăng có một nền văn hóa ăn thịt người ở Trung Quốc bao gồm ăn thịt người chết, giết người ăn thịt để khỏi chết đói, ăn thịt người để trả thù, để bồi bổ, để chữa bệnh, cũng như buôn bán thịt người để làm thực phẩm, dược phẩm...? Cách đây 2000 năm, triều đại Hán được thiết lập giữa đổ nát hoang tàn của chiến tranh và đói kém, chết gần nửa số dân, khiến năm 205 BC Hán Cao Tổ phải ra chiếu chỉ, cho phép dân bán hoặc ăn thịt con. Tháng Năm 549 BC quân nhà Chu phong tỏa thủ đô của nhà Tống. Dân Tống ghi lại: "Trong thành, chúng tôi hoán đổi con của nhau để ăn thịt, và chẻ xương làm củi". Thời Đại Nhẩy Vọt nông dân An Huy cũng như nhiều địa phương khác đã lập lại hành động trên để khỏi chết đói và khỏi mang tiếng, vì đây là ăn con người khác chứ không phải ăn con mình. Cho thấy cái văn hóa ăn thịt người này xuất phát từ 2500 năm trước và tiếp tục tới nay.
Ăn thịt người để khỏi chết đói hoặc do bị điên không còn biết đúng sai, là chuyện có thể hiểu được. Tư liệu về những nạn đói này ở các nước trên thế giới có đủ trên mạng và có thể tìm đọc dễ dàng. Bài này chỉ bàn đến Trung Quốc vì hiện tượng ăn thịt người phổ thông hơn, cũng như có thêm các nguyên ủy khác ngoài khỏi chết đói.
Ray Kay Chong (trong sách Cannibalism in China) đã phân ra hai loại: Một là ăn thịt người để sống còn, do hoàn cảnh bức bách (nạn đói, trong tù, lênh đênh trên biển, hay lạc trong rừng...) phải chọn giải pháp cuối cùng này để khỏi chết đói. Hai là ăn thịt người do những nguyên ủy khác (bồi bổ, chữa bệnh, trả thù, tập tục, tín ngưỡng...) sẽ được đề cập chính trong bài.
1/ Ăn thịt người để bồi bổ hoặc chữa bệnh. Từ cổ đại, theo Jitsuro Kubawata, người ta đã biết ăn thịt người, và ghi ra những cách nấu nướng, sử dụng: - Phủ (cắt và sấy thịt) - Canh (đun sôi trong món canh) - Hài (xay nhỏ thịt) - Luyến (cắt thịt) Thịt người được cho là thơm ngon. Nhiều món đặc biệt dành cho phú hộ, quan chức giầu có. Nhiều cách bảo trì, muối thịt đễ giữ được lâu. Dao Qingyi, đời Nguyên, trong sách Chuo Geng Lu, khuyên ăn thịt trẻ em vì thơm ngon nhất, và đề nghị ăn nguyên con, ăn cả xương. Ông gọi người lớn là "cừu hai chân" và cho rằng thịt phụ nữ ngon hơn thịt cừu. Lý Thời Trân, đời Minh, cho rằng thịt người tốt cho bệnh lao. Năm 1578, ông ra sách tham khảo y khoa (Ben Cao Gang Mu - Materia Medica) liệt kê 35 bộ phận hoặc phần thịt khác nhau của người có thể chữa được một số bệnh. Một vài bộ phận được cho là gia tăng khả năng mây mưa. Thái giám đời Minh cố tìm lại sinh lực bằng kiếm ăn óc của thanh thiếu nam hoặc thịt trai tân. Đời Thanh, thiên hạ tin rằng máu tươi tốt cho sinh dục. Khi có hành hình công khai, các bà có chồng bất lực, thường mua máu tươi của tội nhân để hấp hoặc dúng bánh cho chồng ăn, khôi phục dương cương. Đây cũng còn là nội dung một truyện của Lỗ Tấn. Máu tươi phụ nữ được coi như có công dụng trẻ hóa. Thế kỷ XIX, vua quan hoặc đao phủ thường thích ăn tim, óc của tội nhân để bồi dưỡng.
Sang thời hiện đại, vẫn có người tin rằng thịt người bồi bổ hoặc chữa bệnh. Tại Bắc Kinh, một ông lấy cắp xác ở nghĩa trang, xẻo thịt nấu súp, và nghiền nhỏ xương để bồi bổ sức khỏe cho vợ. Tại Quảng Đông có chuyện buôn bán thai nhi và làm súp để bán, coi như phương pháp làm đẹp. Nhà báo Arthur tố cáo chính phủ Trung Quốc thường lấy cơ quan nội tạng của tội nhân để cấy ghép. Và tin trên báo thỉnh thoảng vẫn có chuyện mua bán nội tạng, hoặc giết người để lấy nội tạng. Gần đây nhất kiểm tra phát hiện tại Đại Hàn và Châu Phi, dược phẩm Trung Quốc có DNA thịt người.
2/ Hiến thịt để báo hiếu, trả ơn. Sách đời Tống ghi lại chuyện cắt thịt để nuôi người già. Con dâu thường cắt thịt đùi nấu súp để mẹ chồng ăn. Việc này phổ biến đến nỗi vua phải ra lệnh cấm. Chuyện kiểu này cũng được dựng thành tuồng, với tích Xuân Đào Cắt Thịt. Chồng nàng là Bạch Trọng Minh lên kinh thành dự thi. Xuân Đào ở nhà nuôi mẹ chồng già yếu bệnh hoạn đã cắt thịt mình để nuôi bà.
3/ Ăn thịt vì thù oán, trả thù. Ăn thịt trả thù có thể diễn ra giữa cá nhân cũng như tập thể, và thường là trong thời chiến. Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, về sau thua, bị cắt lưỡi làm món cho bên thắng cuộc sơi. Sách Cựu Đường Thư chép chuyện Wang Juncao giết Li Junze để trả thù cho cha và moi tim gan của địch nhân ra ăn. Sách Tùy Thư ghi lại chuyện Wang Bang thù Trần Võ Đế đến độ đập lăng, đào mồ ông vua này, đốt thành tro rồi hòa nước uống.
Trong chiến tranh, không những dân trong thành hay đồn bị chiếm, mà cả tù nhân và xác kẻ thù cũng có thể thành nguồn thực phẩm. Dưới thời vua Wu Di ( AD 502- 549) tù nhân trong cũi bị đem bán, và khi thiếu thịt, có thể bị giết, đem nấu ăn. Thời giặc Khăn Vàng nhà Đường, cả hàng ngàn người bị làm thịt để ăn mỗi ngày. Thế kỷ sau, Wang Yancheng xứ Min, nghe nói đã ướp muối và phơi khô xác địch quân để làm lương thực dự trữ cho binh lính. Trong cuộc Khởi Nghĩa Thái Bình (1850 - 64) hai bên đều có người ăn tim tù nhân để được gan dạ. Thịt và bộ phận người bầy bán công khai ngoài chợ. Cũng còn có người bị bắt cóc để làm thịt. Lính Trung Hoa đóng tại Đài Loan trước chiến tranh Trung - Nhật (1894-95) cũng mua ăn thịt dân bản xứ bán ngoài chợ.
Khổng Tử không chê trách trả thù. Ông bảo than khóc, để tang bố mẹ chết một cách ám muội nghi ngờ không đủ. Trời còn khen kẻ trả thù. Không những giết mà còn ăn cả tim gan xương thịt kẻ thù. Sử Trung Hoa nhan nhản chuyện vua chúa ăn thịt nhau. Có khi dùng thịt người bắt ăn để thử dạ trung thành, phản bội thì bị thái nhỏ đem ướp muối. Có khi người thắng buộc kẻ thua phải ăn thịt con hoặc bố mình. Nhiều khi chết rồi vẫn chưa yên, có thể bị đào xác lên, đốt thành tro... Thời chiến tranh Quốc- Cộng thập niên 40 vẫn xẩy ra thỉnh thoảng quân hai bên ăn thịt nhau.
Thời Cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976) tại Quảng Tây, học sinh giết hiệu trưởng ngay tại sân trường, rồi đem nấu ăn, mừng thắng lợi bọn phản cách mạng. Có trường hợp học trò là bồ cũ của con trai hiệu trưởng giết hiệu trưởng rồi xẻ thịt ăn để chứng tỏ dứt khoát theo Cách Mạng Văn Hóa. Cafeteria của nhà nước treo lủng lẳng xác người trên móc, và phục vụ thịt người cho nhân viên. Harry Wu, trong sách Laogai: The Chinese Gulag (Lao Cải: Hệ Thống Trại Tù Trung Quốc) ghi lại chứng kiến tù nhân Yang Baoyin ở Sơn Tây bị hành quyết vì viết "Đả Đảo Mao Chủ Tịch", và óc được cán bộ Công An tiêu thụ.
4/ Ăn thịt người trong văn học. Ăn thịt người là một thực thể trong xã hội Trung Quốc cho nên nó không thể không xuất hiện trong văn học dân gian cũng như bác học. Ở đây chỉ xin liệt kê một số điển hình trong các tác phẩm nổi tiếng. Trong Thủy Hử (Thị Nại An) luôn có nhắc đến tửu điếm, quán trọ dọc bên đường, có thể là nơi không an toàn. Chủ điếm có thể là đạo tặc, bất lương giết người cướp của và lấy thịt làm nhân bánh. Tôn Nhị Nương cùng chồng là Trương Thanh đã từng mở tửu điếm giết người, lấy thịt làm nhân bánh. Võ Tòng suýt chết ở đây. Các đại vương, hảo hán trên Lương Sơn Bạc thích moi gan nạn nhân để nhắm rượu. Hảo hán Lý Quỳ giết Lý Quý rồi ăn thịt. Tống Giang suýt bị giết để lấy gan làm thuốc giải rượu cho đầu lĩnh Trương Anh. Trong Tam Quốc Chí (La Quán Trung), Lưu An giết vợ, lấy thịt làm thức ăn dâng lên Lưu Huyền Đức. Trong Tây Du Ký, Đường Tăng luôn luôn là một món ăn quý giá, bị săn đuổi liên tục, ráo riết để làm thịt. Kim Dung cũng không quên điểm xuyết trong truyện của mình những đoạn liên quan đến ăn thịt người. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Quách Tĩnh hút máu rắn của Lương Tử Ông được tăng công lực và bị Tử Ông truy sát để hút máu sống. Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Vi Nhất Tiếu bị tẩu hỏa nhập ma, khi khai triển nội công phải hút máu người sống, nếu không toàn thân sẽ bị cóng lạnh chết. Trương Vô Kỵ suýt bị bọn Tiết Viễn Công, Giản Tiếp giết ăn thịt. Lời Giản Tiếp " Bụng đói nổ đom đóm thế này, dù ngươi có là em ruột, con ruột thì ta cũng ăn cả xương lẫn da" rất đúng tâm trạng kẻ sắp chết đói. Trong Liên Thành Quyết, Hoa Thiết Cán ăn thịt hai anh em kết nghĩa là Lục Thiên Trữ và Lưu Thừa Phong. Thiết Cán nói với Thủy Sinh: "Thịt người sống ngon hơn thịt người chết".
Lỗ Tấn trong Nhật Ký Người Điên mô tả một người điên bị ám ảnh ai cũng muốn ăn thịt mình. Trong truyện có đoạn: " Hãy nhìn vào lịch sử: nó không phải ghi lại thời gian, mà mỗi trang đều viết khó hiểu những chữ 'rộng lượng, chính trực, đạo đức'. Thao thức không ngủ được, tôi xem kỹ tới lui mãi suốt nửa đêm, và sau cùng nhận ra rằng, giữa các hàng chữ, đều là cùng một chữ - 'ăn thịt người' ". Ngoại nhân có thể nghĩ đây chỉ là ẩn dụ, nhưng dân Trung Quốc do kinh nghiệm thực tiễn chắc chắn hiểu rõ đó là một sự thật không thay đổi trong xã hội Trung Quốc.
Văn hóa là tác phong, tập tục của xã hội và phải được đánh giá trong cảnh quan của chính nó. Ăn thịt người có một chỗ đứng xuyên suốt độc đáo trong xã hội Trung Quốc, cho nên trong một ý nghĩa hạn chế nào đó, có thể bảo Trung Quốc có một nền văn hóa ăn thịt người. Nói vậy chỉ để nêu lên một sự thât, không hề bao hàm ý phê phán đánh giá.
Bối cảnh xã hội khác nhau nẩy sinh các giá trị và tiêu chuẩn khác nhau. Không thể căn cứ vào tiêu chuẩn, giá trị của văn hóa này để đánh giá văn hóa khác. Thuyết tương đối văn hóa, mà Clifford Geertz là một đại diện, trong The Interpretation of Cultures đã chỉ ra rằng luân lý, đạo đức không có tính tuyệt đối, toàn cầu mà tùy theo hoàn cảnh, địa phương. Con người đã tiến hóa để sống cho có văn hóa. Bình thường thì như vậy, nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nhiều khi để sinh tồn, phải từ bỏ tác phong đã được cấy vào đầu óc. Nghĩa là không có cái gọi là "nhân tính tự nhiên". Điều kiện văn hóa có thể được đặt lên trên bản tính con người. Nhắc lại như vậy để hiểu rõ, thông cảm, đừng vội phê phán, chứ không phải để bỏ qua đạo đức, luân lý. Chúng luôn luôn là kim chỉ nam cho cuộc sống.
Phạm Đức Thân