21 March 2018

NGÀY NÀNG HAI MƯƠI TUỔI, truyện ngắn

Haruki Murakami 
Lê Minh Văn dịch
Lời người dịch:

Nhà văn lớn xứ Phù tang Murakami  đã từng được xem như một trong những biểu tượng của tuổi trẻ Nhật Bản thập niên 60.  Những truyện và chuyện kể của ông luôn xuất hiện những nhân vật phần đông có khuynh hướng thoải mái về dục tình, nhưng khắc khoải về lẽ sống và cứ mãi đi tìm chính mình.

Chuyện “Ngày nàng hai mươi tuổi” cũng không ra ngoài những ưu tư, mong ước của con người trong cuộc hiện sinh. Nhưng văn phong nhẹ nhàng hơn. Điểm thêm một nụ cười rất đỗi dịu dàng, tinh tế nối lại một chút tương quan người-với-người. Một nụ-cười-ngay-giây-phút-này-đây.
Có lẽ Murakami viết chuyện này đề tặng những người hai mươi.
   **
Xô Dạt', tranh A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
Ngày lên hai mươi tuổi, nàng đang còn tiếp tục hành nghề phụ bàn. Ngày thứ sáu nàng làm việc như lệ thường, nhưng nếu mọi chuyện diễn tiến tốt như dự trù, nàng sẽ được nghỉ buổi chiều. Cô phụ bàn làm việc bán thời gian với nàng đã chấp nhận trước đó sẽ hoán đổi ca làm việc. Xếp không hài lòng, lại phải liên tục phục vụ khách những món gnocchis bí ngô hoặc fritto misto tôm mực lăn bột chiên, thì ta có thể nói rằng đó chẳng phải là cách lý tưởng để ăn mừng sinh nhật thứ hai mươi của mình. 

Thế nhưng khi người bạn đồng nghiệp phải ốm liệt giường vì cảm mạo, vì bị tiêu chảy ác tính, cộng thêm cơn sốt 40 độ C thì chắc chắn cô ta không thể nào làm việc được. Hậu quả ấy là nàng phải đến sở làm thay bạn trong thời hạn sớm nhất. Hơn thế nữa, còn cảm nhận có bổn phận phải an ủi bạn khi cô ấy gọi đến xin lỗi “Đừng áy náy gì chuyện đó bạn ơi vì nói cho ngay tôi đâu có dự tính gì đặc biệt cho sinh nhật của mình.”

Sự thật là nàng chẳng tỏ ra thất vọng gì nhiều. Một trong những lý do chính là nàng đã có cuộc cãi vã gay go vài ngày trước với người bạn trai của mình. Chuyện cãi vã nguyên do chẳng có gì đáng. Thế mà nàng bị tổn thương một cách không ngờ để rồi cả hai đã mắng vào mặt nhau những lời khích bác. Cuối cùng nàng đã có cảm giác là mối liên hệ lâu dài giữa họ đã thật sự đoạn tuyệt hẳn. Một cái gì đã trở thành chai đá trong lòng nàng, rồi tất cả đều tắt ngúm. Từ đó người bạn trai không hề gọi cho nàng nữa, và phần nàng cũng vậy, không hề có ý định gọi điện thoại cho anh ta.

Nàng làm việc trong một tiệm ăn Ý nổi tiếng trong khu vực sang trọng Roppongi. Cơ sở đã tồn tại từ hậu bán thập niên 60; và nếu những món khai vị không được cách tân hợp thời cho lắm thì kiểu cách pha chế bếp núc lại rất ngon, và thực khách luôn được hài lòng. Bầu không khí trong tiệm luôn êm ả. Không có gì phải hấp tấp vội vã cả. Những khách quen phần lớn trọng tuổi, và trong số đó có nhiều diễn viên danh tiếng và nhiều nhà văn.

Hai bồi bàn chính phải làm việc sáu ngày trên bảy. Nàng và người phụ bàn làm việc bán thời gian đều là nữ sinh viên. Mỗi người làm việc đồng đều ba ngày mỗi tuần. Một sếp phụ trách phòng ăn điều động ê-kíp. Ở quầy tính tiền, một người đàn bà gầy gò và trọng tuổi luôn có mặt. Mọi người tán nhau rằng bà ta đã ngự trị ở đó kể từ ngày khai trương tiệm, như thể khuôn mặt mờ nhạt đột nhiên hiển hiện trong truyện “Cô bé Dorrit” của Charles Dickens.

Bà ta chuyên trách việc tính tiền cho khách. Trả lời điện thoại. Chỉ chừng ấy chuyện, không gì khác. Ngoài những lời thật cần thiết, bà không hề mở miệng với ai. Ăn mặc thì chuyên cái áo màu đen. Chung quanh bà, bầu không khí trở nên sắc lạnh. Ta có thể tưởng tượng một cách thật phong phú rằng nếu bắt gặp bà ta đang trôi nổi trên mặt biển ban đêm, thì mọi thuyền bè đang tiếp cận bà có thể nghiêng ngửa và chìm hết.

Người giám đốc tuổi ngoài bốn mươi, rất già dặn. Thân hình cao lớn, vai rộng, ông ta có dáng vẻ một người chơi thể thao thành thục trong thời niên thiếu. Giờ đây thì ông có hơi phì ra, dễ thấy nhất là ở chung quanh cằm và vùng bụng. Trên đỉnh đầu lưa thưa vài cọng tóc khô, nhám; và từ con người ông toát ra cái mùi vị khô khốc của một người độc thân vô cảm cố cựu, khô như thể giấy nhật trình, cùng những viên kẹo ngậm cất chung lâu ngày trong ngăn kéo. Nàng có một ông chú độc thân cũng có cái mùi chai khô như thế.

Ông giám đốc luôn vận bộ âu phục đen, sơ mi trắng và chiếc nơ bươm bướm. Đó không  phải là loại nơ thắt sẵn. Mà là loại chính cống, luôn phải thắt bằng tay. Ông ta thường làm chuyện ấy rất thành thục, ít khi cần phải soi gương. Điều đó làm cho ông ta rất đỗi tự hào.

Nhiệm vụ của ông là phải theo dõi sít sao các lượt khách vào, ra, phải nhớ rõ trong đầu bảng giữ chỗ, phải thuộc tên những thực khách thường trực, phải chào đón họ với nụ cười tươi, phải ghi nhận một cách cung kính những lời phàn nàn hoặc đòi hỏi nọ kia, phải cho ý kiến rành rọt về một loại rượu nào đó, phải giám sát các bồi bàn và cô phục vụ. Ông ấy phải chu tất mọi việc như thế, ngày này qua ngày khác. Ngoài ra ông ta còn có một sứ mạng đặc biệt: đó là việc tự tay bưng dọn phần ăn tối cho chủ nhân ngôi nhà hàng, trong phòng riêng của ông ấy.

“Chủ nhân ông sống trong một phòng riêng ở lầu năm cùng toà nhà với cửa tiệm, nàng nói thế. Đó là một căn nhà hay một phòng làm việc tôi không thể nói cho rõ được.”

Cũng là chuyện ngẫu nhiên nàng và tôi đã bàn luận về cái sinh nhật thứ hai mươi của mình. Về cách thức diễn tiến trong ngày ấy. Phần lớn người ta đã nhớ rất rõ rệt về ngày sinh nhật lần thứ hai mươi trong đời. Riêng nàng, ngày ấy cũng đã qua đi mười năm rồi.

“Người chủ nhân chưa một lần xuất hiện trong nhà hàng, dù tình huống có như thế nào chăng nữa. Người duy nhất gặp được ông ấy là vị giám đốc. Và đó cũng vì nhiệm vụ của ông ta - người duy nhất - mang đồ ăn tối lên cho chủ. Không ai trong chúng tôi biết được dung nhan thật của ông ấy ra sao.

- Nói tóm lại là ông chủ phải nhờ mang thức ăn của chính nhà hàng mình mỗi ngày một bận?

- Đúng, như thế đấy. Mỗi ngày đúng 8 giờ tối, ông giám đốc phải mang bữa ăn tối lên tận phòng ông ấy. Trong tiệm thì thời điểm này người ta đang bận rộn nấu nướng, và cũng thật phiền khi vị giám đốc phải bỏ nhiệm sở mình trong thời gian ấy. Nhưng đó vẫn là qui định, từ bao giờ vẫn vậy. Người ta để thức ăn lên chiếc xe đẩy mà trong các khách sạn vẫn dùng trong việc phục dịch khách lên phòng của họ. Ông giám đốc thì vẫn đẩy chiếc xe lăn ấy một cách kính cẩn vào thang máy. Khoảng mười lăm phút sau ông trở xuống tay không. Một giờ sau đó, ông trở lên với đồ tráng miệng. Những ly, đĩa đều sạch nhẵn các thức ăn, đồ uống.

“Mỗi ngày cái thủ tục điều hành ấy cứ như vậy mà làm, không hề có biệt lệ. Lần đầu tiên chứng kiến tôi thấy nó cứ kỳ kỳ làm sao ấy. Ta có thể nói có cái gì hệt như một lễ nghi tôn giáo, bạn có thấy thế không? Nhưng sau một thời gian, tôi quen dần và nói dễ hiểu hơn, tôi chẳng còn nghĩ ngợi gì về chuyện đó nữa.”

Về bữa ăn tối của mình ông chủ luôn chọn món gà. Cách nấu, đồ ăn phụ đi kèm, rau cải có thay đổi chút đỉnh tuỳ theo ngày, nhưng món chính, như qui định vẫn là thịt gà. Một đầu bếp trẻ đã hé cho nàng biết là để trắc nghiệm phản ứng của ông chủ, anh ta đã nấu trong suốt một tuần liền món gà rô ti theo cùng một cách thức, nhưng không hề có một lời trách cứ nào cả. Dĩ nhiên, các đầu bếp thì thường có thói quen gia giảm công thức; và các đầu bếp mới thì thường cố thử chế biến món gà bằng tất cả các cách thức mà họ biết và có thể làm được. Nhưng những cố gắng này không bao giờ được bù lại bằng những lời khen ngợi, cũng chẳng có một chút phản ứng nào cả từ phiá ông chủ. Rồi vì thế, những đầu bếp kế tục nhau bỏ mặc, và cứ chiều chiều cung ứng cho chủ món “gà và đồ phụ trội đi kèm” không thay đổi. Đó là tất cả tin tức mà nàng săn được nơi các đầu bếp của nhà hàng.

Ngày 17 tháng mười một, ngày sinh nhật của nàng, mọi sự cũng bắt đầu như thường lệ. Từ xế trưa, trời mưa xối xả và đến chập tối mưa càng nặng hạt hơn. Vào 5 giờ chiều, ông giám đốc họp tất cả nhân viên để giải thích tường tận về thực đơn ngày hôm ấy. Những cậu bồi bàn và cô phục vụ phải ghi nhớ từng điểm một. Không một ghi nhận nào bằng bút mực. Bê con nấu kiểu milan, pâtes nhồi cá mòi ăn với su cải, kem xốp với hột dẻ xay nhuyễn. Đôi lúc ông giám đốc cũng đóng vai khách. Ông ta đặt những câu hỏi cho nhân viên, và họ phải trả lời cho được. Tiếp đó, nhà bếp dọn cho nhân viên ăn trước. Điều quan trọng nhất mà các người bồi bàn phải tránh khi tiếp cận khách giải thích thực đơn là không để cho họ nghe được những tiếng sôi bụng.

Nhà hàng mở cửa lúc 6 giờ chiều, nhưng ngày hôm đó khách đến chậm, vì trời vẫn mưa như trút nước. Một số chỗ giữ trước bị huỷ bỏ. Những người khách đàn bà không muốn thấy áo quần bảnh bao của mình bị những hạt mưa làm nhàu nhò. Vị giám đốc đứng chết trân, môi chu lại, dáng vẻ như bệnh. Nhân viên thì giải khuây bằng cách chùi bóng những hũ đựng muối hoặc bàn thảo công chuyện với sếp. Cô phục vụ thì quan sát phòng ăn chỉ mới có một cặp đến dùng bữa tối và nàng lắng tai nghe những nốt đàn harpe kín đáo phát ra từ những loa khuếch đại gắn trên trần nhà. Ngay bên trong nhà hàng, cái hương vị nồng nàn của cơn mưa cuối thu này cũng lan toả khắp nơi.

Ông giám đốc cảm thấy khó chịu trong người khoảng sau 7 giờ. Ông ta lảo đảo rồi khuỵu xuống trên ghế, vừa lấy tay ép bụng như thể trúng đạn. Trán ông ta rịn mồ hôi.

“Tốt hơn là tôi phải đi bệnh viện” bằng một giọng nói lí nhí ông tuyên bố vậy.

Chuyện sức khoẻ của ông ấy có vấn đề là một biệt lệ. Người đàn ông ấy chưa hề một lần vắng mặt kể từ khi ông ta bắt đầu làm việc cho nhà hàng, khoảng đâu mười năm trước. Không hề bệnh. Không hề có một tai ương nhỏ nào cả. Ông ta đã rất tự hào được như vậy. Nhưng khuôn mặt bây giờ méo lệch đi chứng tỏ sức khoẻ ông ta đang bị tổn hại nghiêm trọng.

Nàng theo ông ra ngoài với chiếc dù che mưa, kêu taxi. Một trong những cậu bồi bàn dìu ông ta lên xe và tháp tùng vào bệnh viện. Trước khi ngả lưng nghỉ trên băng ghế, vị giám đốc nói với cô phục vụ mới với một giọng nói trầm đục: “Đúng 8 giờ tối, cô sẽ phải mang bữa ăn tối, lên phòng 604. Cô sẽ bấm chuông và nói vọng vào: Bữa ăn đã sẵn sàng.” Chỉ có thế.

- Đúng phòng 604?

- Đúng 8 giờ ngay bon, ông giám đốc cẩn thận căn dặn. Vẻ mặt ông ta cau lại nhăn nhó. Chiếc taxi đóng sầm cửa lại, vọt đi.

Ông giám đốc ra đi, cơn mưa không cho thấy dấu hiệu giảm cường độ, và khách thì vắng bóng. Chỉ có được hai bàn. Chuyện ấy cũng khó chịu hệt như khi ông giám đốc và một trong số những anh bồi bàn vắng mặt ở nhà hàng. Có thể nói là cũng may, ngay cả khi ê-kíp có đầy đủ lúc này thì công việc không biết sẽ như thế nào. Chẳng ai phí hơi sức mà tìm hiểu vì chuyện không có gì lạ.

Khi bửa ăn tối của ông chủ đã sẵn sàng vào đúng 8 giờ tối, nàng đẩy xe đồ ăn đến thang máy, lên lầu năm. Các thức ăn thì cũng như lệ thường. Thịt gà ăn kèm rau quả hấp, rượu chát đỏ - một chai nửa đã mở sẵn, nút đóng hờ trên miệng chai- vài ổ bánh mì nhỏ, bơ và một bình cà phê. Khoảng không gian nhỏ của thang máy thóang chốc đã ngạt mùi thịt gà hoà trộn với mùi mưa ẩm. Trên sàn thang máy còn đọng lại vài giọt nước, chứng tỏ rằng khoảnh khắc trước đây đã có người xử dụng thang máy với chiếc ô dù sũng nước. Cô phụ bàn đẩy xe dọc hành lang rồi dừng lại trước cửa phòng 604.

“604, nàng nhẩm lại trong trí, đúng, đúng thế.”

Trước khi bấm chuông, nàng hắng giọng. Không ai trả lời. Nàng đứng chết trân trước cửa khoảng hai mươi giây. Nàng đang tính bấm chuông lần thứ hai thì bỗng nhiên cánh cửa mở ra. Một ông già nhỏ thó mảnh mai xuất hiện. Chắc là ông ta phải thấp hơn nàng khoảng vài tấc, nàng nghĩ thế. Ông vận một bộ đồ vét sẩm màu, sơ mi trắng, đeo chiếc cà vạt hiện rõ trên nền áo trắng hình ảnh những chiếc lá úa. Nhân dáng của ông thật tươm tất, chững chạc. Áo quần là thẳng nếp, tóc trắng chải kỹ càng, bóng lưỡng. Trán hiện lên những nếp nhăn đậm, khắc khổ làm cho nàng liên tưởng đến một bức không ảnh chụp những khe núi khá rõ nét.

“Kính chào ông. Tôi mang thức ăn lên cho ông”, nàng nói với cái giọng hơi nhừa nhựa. Nàng kín đáo tằng hắng cho thanh giọng. Bởi khi nàng căng thẳng cổ cứ như vướng đàm.

“Bửa ăn tối của tôi phải không?”

- Thưa vâng. Ông giám đốc thình lình lâm bệnh, cho nên tôi phải cáng đáng thay việc hôm nay. Vì vậy tôi mang thức ăn tối lên cho ông đây.

- Thế à, ông chủ già nói như thể nói cho chính mình nghe, tay còn đang vịn trên nắm cửa. Ừ nhỉ. Ông ấy cảm thấy không khoẻ trong người?

- Thưa ông, đúng thế ạ. Đột nhiên ông ấy đau bụng. Nhà hàng đã cho người theo vào bệnh viện. Theo ông ta thì hình như là cơn đau ruột thừa.

- À, ông ấy không may mắn thật! Ông già phán như thế. Ông vô tình lấy ngón tay vuốt theo những đường nhăn trên trán. “Thật chẳng phải là chuyện lành đâu.”

Nàng tằng hắng.

“Xin lỗi ông. Ông có muốn tôi mang thức ăn vào trong phòng không?”

- À, dĩ nhiên thế, ông nói. Chắc chắn là như thế. Nếu cô muốn giúp tôi.”

Nếu cô muốn? Nàng hơi nghĩ ngợi. Cách nói ấy thật ngộ nghĩnh. Có phải ông ấy chờ đợi nơi mình một mong muốn được làm chuyện ấy sao?

Ông già mở rộng cửa và nàng đẩy chiếc xe vào hẳn trong phòng. Toàn bộ nền nhà lót tấm thảm xám. Không có chỗ để ngồi cởi giày. Căn phòng rộng lớn cho ta cái cảm giác đây là một phòng làm việc hơn là chỗ ở. Qua ô kính cửa, ta thấy được cái hình dáng thon thon, đèn sáng rực của chiếc tháp Tokyo gần kế bên. Trước cửa sổ đặt một bàn giấy lớn, và sát bên cạnh là một bộ trường kỷ và ghế bành, mà nếu so với bàn giấy thì hơi nhỏ. Ông già chỉ một chiếc bàn bên cạnh trường kỷ. Đó là một cái bàn chân thấp mặt gỗ kiểu có nhiều lớp chồng lên nhau, dài và hẹp. Nàng trải lên đó một khăn bàn trắng rồi sắp dao nĩa, bình cà phê, chai và ly uống rượu, những ổ bánh mì nhỏ và bơ, và sau cùng là đĩa thịt gà và rau củ hấp ăn kèm.

“Xin phép cho tôi được trở lại một giờ sau, nàng nói. Nhờ ông chủ vui lòng để bát đĩa trong hành lang như thường lệ ?”

Ông già đang nhìn một cách thích thú bữa ăn tối của mình đã được hào soạn đúng ý như thể chính nàng đang hoá phép từ một giắc mơ.

“Được, dĩ nhiên như thế. Trong hành lang. Để trên xe đẩy. Trong một giờ nữa. Nếu cô muốn thế.”

Vâng. Đúng như vậy, đúng như điều tôi muốn bây giờ đây, nàng nói thầm cho chính mình nghe.

“Ông còn cần thêm gì nữa không để tôi phục vụ?"

- Không, không đâu. Tôi chẳng cần gì thêm nữa đâu” ông già trả lời và đang có dáng suy nghĩ. Ông ta mang đôi giày da bóng loáng. Hai chiếc giày xinh xắn, rất nhỏ mà lại rất sang. Ông ta thật lịch sự, nàng nghĩ trong đầu. Và dẫu tuổi tác cung cách ông thật đường bệ.

“Xin phép ông cho tôi trở xuống dưới.”

- Được, nhưng xin chờ một chút nữa, ông già nói.

- Vâng ạ?

- Này cô gái thân mến, cô có cho phép tôi khoảng năm phút làm phiền thời giờ của cô chăng? Tôi có ý muốn nói chút chuyện này với cô.”

Cô gái thân mến?

Dù gì đi nữa, những từ thân mật này cũng làm nàng đỏ mặt.

“Thưa được ạ, nhưng chỉ năm phút thôi nhé.”

Chính là mình đang làm việc dưới quyền ông ta, nàng nghĩ thế. Cũng chính ông ta trả lương cho mình theo giờ. Hơn nữa ông già ấy không hẳn là loại người có thể gây chút phiền muộn nào cho mình đâu.

“Thật sự cô được bao nhiêu tuổi rồi?” Ông hỏi nàng trong lúc nhìn thẳng vào mắt cô; khi ấy ông đang đứng phía góc kia của chiếc bàn giấy to lớn, hai tay khoanh lại.

“Tôi đang độ hai mươi ấy”, nàng đáp.

- Cô sắp sửa hai mươi rồi đấy phải không nào? Ông lập lại. Đôi mắt ông nheo hẳn như thể ông muốn nhận biết một điều gì đó qua một kẽ hở thật nhỏ.

“Đúng ra tôi vừa được hai mươi tuổi.” Rồi, sau một chút do dự, nàng nói thêm:

“Thực sự hôm nay là ngày sinh nhật của tôi đấy ông ạ.”

- Tốt, tốt lắm, ông nói vừa vuốt cằm, như thể ông rất vui và thoả mãn vì câu trả lời của cô gái. Tốt lắm, đúng đấy. Vậy đó, hôm nay chính là ngày sinh nhật thứ hai mươi của cô.”

Nàng chỉ im lặng, hơi nghiêng đầu.

“Ngày hôm nay, vậy là đúng hai mươi năm cô sinh ra và sống trên cõi đời này?”

- Thưa ông vâng, đúng như thế.

- Tốt, tốt lắm, ông già cứ lập đi lập lại. Toàn hảo. Này cô, tôi chúc cô sinh nhật vui vẻ!

- Xin cám ơn ông nhiều.

Trong đầu ông già thì nghĩ rằng có thể đây là câu chúc tụng đầu tiên cho ngày sinh nhật của nàng. Chút nữa đây, lúc trở về nhà, cha mẹ nàng từ Ôita, có thể để lại một lời nhắn trên máy, chắc hẳn như thế.

“Này nhé, phải làm tiệc đi thôi, ông già đáp lại. Bởi vì đó là một biến cố tuyệt diệu. Cô nghĩ sao, cô bé? Giả dụ tôi đề nghị nâng ly chúc mừng?

- Cám ơn ông chủ. Nhưng tôi phải trở lại ngay với công việc.

- Nào... một hớp rượu vang, nào có lâu lắc gì? Và nếu tôi cho phép không ai trách cứ cô được đâu. Một lần nâng ly chúc mừng thôi nhé.”

Ông già cất nắp rượu ra và rót cho nàng một ít vang trong ly rượu. Rồi ông lôi trong một tủ nhỏ bằng kính ra một chiếc ly thường, rót đầy một nửa.

“Chúc mừng sức khoẻ, cô gái! Chúc cô một cuộc đời sung mãn. Không một chút bóng đen nào có thể chen bám vào đó được."

Rồi hai người cụng ly.

Sẽ không có một gợn đen nào có thể bám vào đời tôi được.

Nàng cứ nhẩm đi nhẩm lại trong đầu lời của ông già. Tại sao con người này lại chọn một công thức không thông dụng như vậy?

“Sinh nhật thứ hai mươi là một ngày duy nhất trong đời. Ngày ấy thật quan trọng, không hề giống những ngày khác, cô gái ạ.”

- Vâng, thưa ông. Rồi nàng thận trọng nhấp một hớp rượu vang.

“Và trong cái ngày đặc biệt đó cô đã tự tay mang cho tôi bửa ăn tối, với cung cách của một nàng tiên tốt bụng.”

- Vâng...vâng, nói đơn giản là tôi chỉ làm theo lệnh.

- Dẫu thế, cho dù như thế, ông già hơi gục gặc đầu. Hỡi cô gái xinh đẹp, dẫu cho thế...”

Ông chủ ngồi lên một chiếc ghế da ở bàn giấy. Rồi ông mời cô ngồi xuống chiếc trường kỷ. Một tay cầm ly rượu, nàng nhón bàn toạ sẽ sàng ngồi xuống. Hai gối cô khép lại, lấy tay kéo váy rồi lại hắng giọng. Nàng ngắm những giọt mưa đang chảy xuống thành dòng trên ô kiếng. Trong phòng, cái yên lặng đang phủ xuống lại có một phẩm chất gì là lạ.

“Ngày hôm nay rơi đúng vào sinh nhật hai mươi của cô, hơn thế nữa cô lại mang cho tôi bữa ăn nóng được chuẩn bị thật đẹp đẽ như thế này” ông già lập lại như thể ông còn nhận ra điều ấy thêm một lần nữa. Ông đặt ly rượu xuống bàn, gây ra một chút tiếng động nhẹ, khô khan.

“Tôi nghĩ rằng ta có thể xem đấy như là một sự trùng hợp đầy ơn lành. Cô có tin như thế không nhỉ?”

Nàng gật đầu nhưng không được thuyết phục lắm với cách diễn dịch này.

“Bởi vậy, tôi đã có quyết định sẽ tặng cô một cái gì đó, ông ta tiếp tục vừa lấy tay sờ vào chiếc cà vạt sơn vẽ màu lá úa. Tôi nghĩ rằng với một ngày đặc biệt như thế, ta phải có một món quà gì đó để kỷ niệm.”

Nàng lắc đầu quầy quậy.

“Xin ông đừng quan tâm đến cái ngày này nữa. Đơn giản là cũng chỉ vì tôi tuân lệnh cấp trên mang bữa ăn tối lên cho ông mà thôi.”

Ông già đưa tay lên, trở lòng bàn tay ra phía nàng.

“Nào, nào, cô đừng ngại chi cả. Không phải tôi sắp sửa tặng cô một món quà vật chất đâu. Quà tặng của tôi chẳng dính dáng gì đến một hiện vật có giá trị. Thật ra - ông lại đặt tay xuống bàn, thở hít không khí sâu vào buồng phổi một cách chậm rãi - đây là cái mà tôi muốn tặng cho nàng tiên tuyệt vời như cô đấy, cô gái ạ. Cô sẽ phải làm một điều ước. Và tôi sẽ nhậm lời. Với điều kiện là cô phải có rõ ràng một điều mong ước để thực hiện.

 - Một điều ước ư? Nàng nói, cổ họng khô đắng.

- Đúng, một điều ước. Là cái gì đó mà cô mong muốn nó sẽ tới với cô. Rõ ràng như thế đó, cô gái, một điều ước. Cô hãy làm điều ước ấy đi, duy nhất một điều mong ước thôi nhé, và quà tặng của tôi sẽ là chuyện thực hiện điều ước ấy. Đó sẽ quà sinh nhật của tôi tặng cô. Nhưng hãy suy nghĩ cho thật kỹ đấy, vì tôi chỉ có thể thực hiện một điều duy nhất mà thôi.”

Ông chủ đưa một ngón tay lên. "Một điều thôi, và cô không thể thay đổi nó được đâu."

Nàng không biết làm sao mà trả lời. Một điều ước ư? Vì trời có gió, những giọt mưa quật vào cửa sổ từng hồi. Suốt trong khoảnh khắc nàng lặng im, ông già nhìn thẳng vào mắt nàng, không nói. Nàng cảm nhận được thời gian đang in khắc nhịp đập không đều đặn của nó vào lỗ tai mình.

“Lời ước mà tôi mong mỏi, chính ông sẽ thực hiện nó phải không?”

Ông già không trả lời câu hỏi của nàng. Ông hài lòng mỉm cười, hai tay để cả lên bàn, sát cạnh nhau. Nụ cười ấy thật dịu dàng, và hoàn toàn tự nhiên.

“Này cô gái, cô sẽ có một điều ước, có hay không nào?” Cuối cùng thì ông nói với cô, rất dễ thương.

**

Nàng nhìn tôi. “Mọi chuyện tôi kể đều có thật hết. Tôi không bịa chuyện với bạn đâu nhé.”

- Tôi biết rõ như thế. Tôi trả lời vì biết cô ta không phải là loại người thích chuyện hưu vượn.

“Và rồi sao nữa? Bạn đã làm một điều ước phải không?”

Nàng lại nhìn tôi chăm chú. Rồi thoáng thở dài.

“Bạn cũng biết tôi không hoàn toàn tin những gì ông già ấy nói đâu. Hai mươi tuổi đầu ta không còn sống trong thế giới thần tiên nữa. Nhưng nếu trường hợp lão già đã làm một chuyện có tính khôi hài ngẫu hứng gì đó thì tôi chắc chắn đã trả lời, phải không? Nói cho cùng thì tôi đã đụng phải một ông già lịch lãm chiều đàn bà, cho nên tôi đã vào cuộc chơi. Dẫu sao đó cũng là ngày sinh nhật thứ hai mươi của tôi! Và tôi hài lòng đã tìm thấy một chuyện gì đó không tầm thường chợt đến với mình hôm ấy. Vấn đề không phải nằm ở chỗ câu chuyện có tin được hay không.”

Tôi ghi nhận điều đó trong im lặng.

“Bạn hiểu được tôi, có phải thế không? Cái ngày ấy đã sắp sửa trôi qua vô vị, không một biến cố, không một người chúc sinh nhật; tôi chỉ phải bưng dọn món tortellinis cá linh cho thực khách. Dẫu sao đó cũng là ngày sinh nhật thứ hai mươi của tôi mà.”

Tôi lại tán đồng.

“Tôi hiểu bạn nhiều lắm.”

- Thế thì...tôi đã nói ra một điều ước đấy.

**

Ông già yên lặng nhìn nàng một lúc, đôi bàn tay trải rộng trên bàn giấy. Ở đó có rất nhiều xấp hồ sơ dày cộm, những trang sách hạch toán, có thể lắm. Và cũng có nhiều bút mực, bút chì, một cuốn lịch, một ngọn đèn có tán che ánh sáng màu xanh lục. Ta có thể nói đôi bàn tay ông già trộn lẫn vào đó, như một vật thể. Mưa không chịu ngưng chút nào, nó cứ như múa trống trên tấm kiếng cửa sổ, qua đó ta có thể thấy lờ mờ chút ánh sáng của tháp Tokyo.

Những nếp nhăn của ông già như vô hình đào sâu thêm.

“Thế là cô đã có điều ước như vậy đấy?”

- Thưa vâng, nàng trả lời.

- Với một người con gái cỡ tuổi cô, điều cô ước cũng có phần lạ, phải không? Nói cho đúng ra, tôi chờ đợi ở cô một điều ước có gì hơi khác kìa.

- Nếu không được tốt, tôi sẽ đổi điều khác” nàng trả lời. Và nàng lại tằng hắng. “Tôi sẽ làm một điều ước khác, không có vấn đề gì đâu.”

- À không, không, ông già nói vừa khoát hai tay như người ta phất cờ. Chẳng có gì xấu nơi những điều cô ước đâu. Cô ơi, chỉ có điều là mong ước của cô làm tôi ngạc nhiên. Cô không có điều gì khác để mong mỏi à? Chẳng hạn như cô có thể ước được xinh đẹp hơn, thông minh hơn hoặc giàu có hơn. Những loại ước muốn như thế không làm cô thích sao? Vì những cô con gái bình thường nói chung thường mơ ước những điều này.”

Nàng lấy thời gian suy nghĩ những lời sẽ nói cho được đúng đắn. Ông già chờ đợi trong im lặng. Đôi bàn tay ông đặt trở lại trên bàn giấy.

“Chắc chắn là tôi cũng muốn được xinh đẹp hơn hẳn, thông minh và giàu có hơn. Nhưng nếu giả dụ những điều này sẽ đến với tôi, chắc chắn là tôi sẽ không có khả năng mường tượng được con người tôi sẽ ra sao sau đó. Cũng có thể tôi sẽ không biết phải làm gì hơn. Nói thật ra tôi chưa hoàn toàn hiểu đời. Thú thật như thế. Để phải hành động làm sao cho đúng.

- Ái chà. Ông già nghéo những ngón tay lại rồi mở ra. “Đúng như thế.”

- Vậy là những điều ước của tôi có thể hiện thực?

- Dĩ nhiên rồi. Ông trả lời. Dứt khoát như thế. Về phần mình tôi không thấy có trở ngại nào cả.”

Bỗng nhiên, ông chăm chú nhìn một tụ điểm nào đó trong không khí. Những nếp nhăn trên trán ông như thể đào sâu hơn. Ta có thể tưởng tượng là chúng cũng hệt như những nếp nhăn hằn sâu trong óc não ông khi tập trung suy nghĩ. Hình như ông đang chú tâm quan sát một cái gì đó bềnh bồng trôi nổi. Chẳng hạn như là một cánh lông cực nhỏ, hầu như vô hình. Sau đó ông dang những cánh tay ra, nhẹ nhàng nâng mình lên trên ghế, và vổ mạnh hai lòng bàn tay vào nhau. Bốp. Bốp. Rồi ông lại thả mình xuống ghế. Vuốt nhẹ những nếp nhăn trên trán như thể ông muốn san bằng chúng đi, và sau cùng mỉm một nụ cười an bình.

“Kìa, đấy, xong rồi. Điều ước của cô đã được nhậm lời.”

- Xong rồi ư?

- Xong, nó đã thành hiện thực. Chẳng có chút khó khăn nào cả. Hỡi cô gái xinh đẹp. Chúc cô một sinh nhật tốt lành. Cô đừng ngại ngùng gì, rồi tôi sẽ đem chiếc xe đẩy ra hành lang cho cô.  Bây giờ thì cô có thể trở xuống làm việc được rồi.”

Nàng lấy thang máy xuống phòng ăn. Đôi tay trống không, nàng lại thấy trong cơ thể mình một chút gì vướng bận nhẹ nhàng, như thể nàng đang bước đi trên một loại vật liệu nào đó bỗng chốc bốc hơi và biến mất một cách kỳ lạ.

“Mọi chuyện ổn thoả cả chứ? Bạn có vẻ như hoàn toàn choáng váng đấy nhé.” Cậu bồi bàn nhận xét như vậy.

“Thế sao? Không có chuyện gì đâu, yên ổn cả.”

- Kể cho tôi nghe đi, ông chủ như thế nào?

- Ồ, tôi chỉ gặp thoáng qua thôi, nàng nói, và tìm cách cắt ngang câu chuyện.

Một giờ sau nàng lại lên lầu năm. Chiếc xe đẩy đã để sẳn trong hành lang với chén đĩa. Nàng dở nắp đậy lên và thấy trong đĩa chẳng còn chút thức ăn thừa nào sót lại. Rượu và cà phê cũng uống hết. Cửa phòng 604 đóng im ỉm- bây giờ thì cô phục vụ chẳng có gì phải vội vã nữa. Nàng ngắm nhìn cánh cửa, lặng im. Cánh cửa này hình như đã hé ra phút chốc trước đây, nhưng bây giờ thì không mở ra nữa.

Nàng đẩy chiếc xe đến cầu thang, đi xuống và đem để trong nhà bếp. Người đầu bếp liếc qua đĩa đựng đồ ăn bây giờ trống trơn, bằng một cái nhìn bình thản và hài lòng, như mọi khi.

**

“Sau đó tôi không còn bao giờ gặp lại ông chủ, nàng nói. Không một lần nào nữa. Ông giám đốc thì chỉ bị một cơn đau bụng xoàng, cho nên ngày hôm sau lại đảm trách lấy việc mang bữa ăn tối lên. Phần tôi thì thôi việc vào đầu năm sau và không còn dịp trở lại đó. Tôi không hiểu được tại sao, nhưng cảm thấy tốt hơn là không nên tiếp cận nơi chốn ấy nữa. Chẳng qua đó chỉ là vấn đề tiên kiến đó thôi.”

Nàng cứ mày mò cái lót ly bằng giấy, đắm chìm trong suy nghĩ.

“Đôi khi tôi vẫn có cảm tưởng là chuyện đã xảy đến với mình hôm ấy chỉ là một ảo tưởng. Như thể đã có một cái gì đó tác động lên, và tôi cứ cho rằng những chuyện ấy thật tình đã không hề xảy ra. Khái quát là như thế. Nhưng không phải vậy. Mọi chuyện thực sự đã đến, đã xảy ra đúng y như tôi đã kể cho bạn nghe, chắc chắn và nhất định như vậy. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ như in những vật dụng bàn ghế trong căn phòng 604 ấy và tất cả những trang thiết bị tôi đều hồi tưởng lại được rất rõ ràng. Mọi chuyện đã xảy đến cho tôi trong căn phòng ấy, tất cả đều thật hết, rõ rệt hết. Hơn thế nữa, chuyện này lại có một ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi.”

Chúng tôi cùng im lặng một lúc. Mỗi người uống phần của mình, mỗi người đắm chìm trong những ý nghĩ riêng.

“Bạn không cảm thấy thương tổn nếu tôi sẽ đặt một vấn đề với bạn chứ?” tôi nói.

- Xin bạn cứ việc. Tôi đoán chắc là bạn sẽ hỏi điều ước của tôi là cái gì. Và đó là điều ưu tiên mà bạn muốn biết, phải không?

- Và người ta cũng có thể nói chắc rằng bạn cũng không hứng thú gì để đề cập đến đề tài đó.

- Ái chà, bạn tin như thế sao?

Tôi gật đầu ra dấu xác nhận. Nàng đặt cái miếng giấy để ly vào vị trí cũ và đôi mắt nàng nheo lại như đang cố chụp bắt một cái gì ở đằng xa.

“ Một điều ước, bạn biết đấy, không phải để công bố ra đâu.”

- Tôi không tìm cách buộc bạn phải tiết lộ bí mật, tôi trả lời. Mà tôi muốn biết thật sự nó có được nhậm lời hay không. Và sau đó bạn có phải hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Dẫu cho điều ước của bạn là thế nào chăng nữa. Tôi cũng thắc mắc chẳng lẽ bạn không còn một mong ước nào khác nữa chăng?

- Ở câu hỏi thứ nhất, câu trả lời của tôi là vừa có vừa không. Nhưng cuộc đời tôi chưa chấm dứt kia mà. Còn khối thời gian để mọi chuyện tuần tự diễn tiến và tự kết thúc.

- Vậy là một điều ước cần có thời gian để hiện thực?

- Đúng, chung chung là thế. Thời gian đóng một vai trò quan trọng trong chuyện này.

- Như thể chuyện bếp núc, vài món ăn cần có thời giờ sửa soạn và nấu nướng?

Nàng gật đầu tán đồng. Tôi suy gẫm một lúc về vấn đề này. Cái hình ảnh biểu tượng nhất đến với tôi là một chiếc bánh trái cây thật to đang nướng ở trong lò với nhiệt độ thấp.

“ Còn câu hỏi thứ hai?”

- Bạn đã hỏi gì nhỉ?

- Bạn không hối tiếc điều đã chọn?

Im lặng một chút. Nàng quay sang tôi với một cái nhìn trống vắng. Có bóng dáng một nụ cười đang hé mở trên môi nàng, nó cho tôi cái cảm giác đó cũng là một sự kềm chế thầm lặng.

“Bây giờ đây, như bạn biết tôi đã lập gia đình. Chồng tôi là một chuyên gia kế toán, lớn hơn tôi ba tuổi. Tôi có hai con. Một trai và một gái. Tôi có một chú chó săn lông xù óng ả giống Ái nhĩ lan. Tôi lái một chiếc Audi, chơi quần vợt hai lần mỗi tuần với bạn bè. Đời tôi bây giờ thế đấy.

- Tôi cho là khá thành tựu đấy nhé.

- Ngay cả khi cái cản chắn xe Audi của tôi có bị tung méo ở hai chỗ chăng nữa.

- Người ta đã chế ra cái cản xe là để cho nó phải chịu méo vì sức tung, có phải thế không?

- Kìa, đó là một khẩu hiệu ví von!

Những chiếc cản xe là để chịu sốc.

Tôi quan sát cái miệng của nàng khi tuyên bố câu này.

“Điều mà tôi muốn nói, nàng lập lại, vừa gãi dái tai- một vành dái tai có hình dáng thật đẹp - ấy là dẫu người ta đã ước một điều gì, và dẫu phải tiến bước xa đến đâu chăng nữa, luôn luôn ta vẫn là ta, vẫn vậy thôi.

- Cũng là một khẩu hiệu hay nữa đấy!

Dẫu điều gì đã ước, dẫu phải đi xa đến đâu chăng nữa, con người của ta luôn luôn vẫn vậy.

Nàng phá ra cười vui vẻ. Và cái bóng mờ làm âm u hai vành môi nàng biến mất. Nàng chống khuỷu tay lên mặt quầy rượu và nhìn tôi “này hãy nói cho tôi hay là nếu bạn ở vào trường hợp tôi thì bạn sẽ ước điều gì?”

- Vào buổi chiều tối khi tôi được hai mươi tuổi?

- Đúng thế.

Tôi đã cố suy nghĩ thật nghiêm túc. Nhưng không một điều ước nào đến trong đầu tôi.

“Tôi chẳng biết nữa, tôi thành thật thú nhận. Tuổi đôi mươi của tôi bây giờ đã quá xa xôi.”

- Bạn không thể ước mong, thật chăng?

Tôi xác nhận bằng một cái gật đầu.

“Thực là bạn không có lấy một điều ước nào để mong mỏi?”

- Không, không có lấy một điều ước nhỏ.

Nàng lại nhìn thẳng vào mắt tôi. Đó là một cái nhìn hoàn toàn thẳng thắn.

“Cũng chỉ vì bạn đã thực hiện nó rồi, thế thôi.”

“Nhưng hãy suy nghĩ kỹ càng đi, hỡi nàng tiên dễ thương ơi, vì tôi chỉ nhậm lời cho cô chỉ một điều ước duy nhất.” Ở một nơi chốn nào đó giữa đêm sâu, một ông già đeo chiếc cà vạt mang hình những chiếc lá úa đưa một ngón tay lên.

“Chỉ một thôi nhé, vì sau đó cô không còn có thể thay đổi được nữa.”

Lê Minh Văn
dịch từ bản tiếng Pháp của Hélène Morita.

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...