12 February 2018

Khắc Khoải Xuân Mậu Thân 1968

Hình trên Đài truyền hình Đức quốc
Tết Mậu Thân 1968 nhìn từ một nhà văn cộng sản ở Hà Nội

Phạm Đình Trọng
Trích Về Với Dân
        
Part 3: Khắc Khoải Xuân Mậu Thân 1968

Sau năm 1975, học xong khóa I trường Viết Văn Nguyễn Du, tôi có hai năm làm việc ở Ban Ký Sự Lịch Sử Quân Sự thuộc Tổng Cục Chính Trị.
  
Ban có nhiệm vụ hoàn thành bản thảo bộ ký sự lịch sử “ Trận Đánh Ba Mươi Năm ” gồm 5 tập. Từ 1945 đến 1975, ba mươi năm chiến tranh được chia ra làm năm giai đoạn, mỗi giai đoạn là một tập sách.
  
Gần ba mươi nhà văn, nhà báo quân đội chia làm năm nhóm, mỗi nhóm hoàn thành một tập bản thảo. Tôi và nhà văn Đào Thắng được bổ xung về Ban ở giai đoạn cuối và làm tập năm do nhà văn, Thượng Tá Nam Hà làm trưởng nhóm. Gặp gỡ các tướng lĩnh, những người hoạch định các chiến dịch, những người chỉ huy những trận đánh. Đọc hồi ký của các tướng lĩnh quân đội miền Bắc, quân đội miền Nam, quân đội Mỹ. Sục vào các kho hồ sơ lưu trữ...
  
Nguồn tư liệu gốc ngổn ngang đó cho chúng tôi hình dung đầy đủ và chính xác từng chiến dịch từ cơn cớ ban đầu, đến diễn biến ở bản doanh, diễn biến ở mặt trận và giá máu phải trả. Từ đó chúng tôi cũng nhận ra những góc khuất của chiến tranh, những góc khuất của lòng người. Người háo danh, háo quyền lực đã không tiếc máu xương của hàng triệu người lính và dân lành để thỏa mãn sự háo danh đó....

Đầu năm 1967, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam, Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh mới từ mặt trận miền Nam trở ra Hà Nội đã cùng Bí Thư Thứ Nhất Ban chấp hành trung ương đảng Lao Động Việt Nam Lê Duẩn hình thành ý tưởng Xuân Mậu Thân 1968 Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa, giành thắng lợi quyết định và chỉ đạo cục Tác Chiến Bộ Tổng Tham Mưu làm kế hoạch thực hiện.
Trong mười một ủy viên Bộ Chính Trị, Tướng Giáp là người duy nhất lên tiếng không đồng tình với ý tưởng Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Xuân 1968.    

Theo ông sức mạnh chiến tranh của quân Mỹ, quân đồng minh ở Nam Việt Nam và quân đội Sài Gòn đang trên đỉnh cao với hơn nửa triệu quân Mỹ và quân đồng minh, gần một triệu quân Sài Gòn. Chưa đủ thời gian thấm đòn chiến tranh nhân dân của ta, hơn nửa triệu quân Mỹ với máy bay chuyển quân bay rợp trời, xe tăng dàn trận bò kín đất đang chủ động mở những cuộc hành quân lớn đánh vào vùng đất quân giải phóng kiểm soát. Lúc đối phương lực đang còn mạnh và thế đang lên mà dốc vốn vào tổng công kích trận cuối cùng chỉ cháy túi, kiệt vốn, tự sát. Căn cứ quân nước ngoài không đặt trong thành phố, thị xã.
   
Đánh vào tất cả thành phố, thị xã, trung tâm hành chính đông dân là nhằm vào người dân. Đẩy mức độ ác liệt của chiến tranh lên cao ngay trong thành phố là mang chết chóc đến cho dân lành và dàn mỏng lực lượng ta ra phơi mình trên địa hình trống trải, lạc lõng trong đường phố bàn cờ nhằng nhịt sẽ bị tiêu diệt đến người lính cuối cùng, chỉ tự chuốc lấy thương vong lớn, không thể có chiến thắng quyết định.

Thời điểm này chỉ nên mở cuộc tập kích chiến lược: Bất ngờ đồng loạt đánh vào tất cả các căn cứ quân Sài Gòn, quân Mỹ và đồng minh trên toàn miền Nam, cùng với tiêu hao sinh lực là đánh mạnh vào tinh thần chiến đấu của đối phương, thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đòi Chính Phủ đưa con em họ về nước, tạo ra bước ngoặt về cục diện chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn, sức mạnh của đội quân khổng lồ, sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của công sự phía đối phương được phát huy thì ta phải thu quân bảo toàn lực lượng cho những chiến dịch đánh lớn và quyết định tiếp theo....


Lý giải đúng đắn đó của Tướng Giáp chỉ là một ý kiến lẻ loi đã bị bỏ qua.

Tháng 6 năm 1967, dưới sự chủ trì của Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn, hội nghị trung ương 14, khóa ba quyết định Tổng Tấn Công và Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968.

 Chiều 5. 7. 1967, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh được Chủ Tịch Hồ Chí Minh mời cơm trước hôm lên đường trở lại miền Nam triển khai chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Từ bữa cơm đạm bạc, thân tình ở ngôi nhà sàn trong phủ Chủ Tịch trở về nhà riêng ở phố Lý Nam Đế, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam rạo rực nghĩ đến chiến thắng trong tầm tay. Niềm tin chiến thắng Xuân Mậu Thân mạnh đến nỗi suốt đêm đó Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh âm thầm vui sướng đến mất ngủ. Quá phấn khích, rạng sáng ngày 6.7.1967, ông bị cơn nhồi máu cơ tim cướp đi mạng sống.
  
Còn Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn, đồng tác giả Tổng Công Kích Xuân Mậu Thân 1968, cũng có niềm tin vững chắc vào chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 đến mức ông đã trù liệu cả việc giành độc quyền chiến thắng, không cho những đối thủ chính trị được ghé tên, chia phần chiến thắng của ông bằng cách không để Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp có mặt ở trong nước trong suốt thời gian chuẩn bị và quá trình diễn ra chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968.
   
Không có mặt ở trong nước là không can dự gì vào chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 chỉ hoàn toàn từ Lê Duẩn, do Lê Duẩn, của Lê Duẩn.

Từ 5.9.1967, Hồ Chí Minh cùng người thư kí riêng thân tín đã phải lẻ loi, âm thầm rời đất nước sang Bắc Kinh nghỉ ngơi theo “ quyết định của Bộ Chính Trị và hội đồng bác sĩ ”!
   
Gần bốn tháng sau, mãi đến 23.12.1967 Hồ Chí Minh mới được điện mời về để tham dự cuộc họp Bộ Chính Trị ngày 28. 12. 1967 và để đọc lời chúc Tết Mậu Thân 1968 cho đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam ghi âm. Xong việc, ngày 2.1.1968 Hồ Chí Minh lại tất tả, lủi thủi lên máy bay sang Tàu.

Là Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch nước, có quê hương đất nước, có mấy chục triệu thần dân sùng bái mà Tết Mậu Thân 1968 tuổi già Hồ Chí Minh phải đón Tết bằng bánh bao, cơm Tàu, trong cô đơn, trong trống vắng lạnh lẽo nơi đất khách quê người như một kẻ thất thế lưu vong, không người thân thích, không hoa đào mứt tết, không bánh chưng, dưa hành. Đối xử như vậy với đương nhiệm Chủ Tịch đảng, đương nhiệm Chủ Tịch nước lại đã ở tuổi 78, thật tệ bạc, tàn nhẫn và độc ác!   

Lại nữa, với âm mưu gì mà bố trí để một người già gần 80 tuổi đi chuyến bay vào đêm đông giá rét? Rồi khi máy bay hạ cánh trong đêm thì người lái lâu năm thuộc đường băng liền phát hiện ra đèn sân bay lệch mười lăm độ, máy bay phải lượn đến vòng thứ hai vẫn không dám hạ cánh. Báo cho sân bay nhưng đèn dẫn đường hạ cánh vẫn không thay đổi. Nếu là người lái chưa thuộc đường băng cứ hạ cánh theo đèn dẫn thì máy bay đã trượt khỏi đường băng và nổ tung rồi. Nhờ người lái lão luyện thuộc đường băng như thuộc đường ngõ xóm nhà mình nên cho máy bay hạ cánh theo trí nhớ, nhờ thế máy bay mới an toàn, người đi chuyến bay đó là Hồ Chí Minh mới còn mạng sống.

Không biết trong toan tính giành độc quyền chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn có tính đến sự cố chuyến bay chở Hồ Chí Minh hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm đêm 23. 12. 1967 không nhỉ? Một sự cố nghiêm trọng như vậy mà cho chìm xuồng lặng lẽ, không điều tra làm rõ cũng là điều rất không bình thường. Sự cố tày đình đó do sơ xuất của những người quản lí, khai thác sân bay gây ra, tất sẽ được tìm ra và truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn. Không được điều tra làm rõ, chỉ có thể là sự cố được bí mật tạo dựng bởi quyền lực tối cao như từ trên trời rơi xuống, không ai dám đụng đến, không thể khui ra, thôi đành cho qua!

Trong những ngày Hồ Chí Minh sống khắc khoải cô đơn bên Tàu thì Võ Nguyên Giáp cũng phải ngậm ngùi sống ở trời Tây Hungary hiu quạnh.

Chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra đúng như những gì Võ Nguyện Giáp đã cảnh báo: Mang chết chóc đến dân lành và đội quân ở rừng đánh vào thành phố, ở lại giữ thành phố đã phải chịu tổn thất nặng nề nhất trong suốt cuộc chiến tranh ba mươi năm.
   
Hai bên tham chiến đã thỏa thuận ngừng chiến dịp Tết Nguyên đán để người dân được bình yên ăn tết.
   
Bội ước thỏa thuận, đúng giao thừa Tết Mậu Thân, đêm 31.1.1968 lịch tây, đội quân ở rừng do Hà Nội chỉ huy, thực sự là đội quân miền Bắc, nổ súng đánh vào tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam.
   
Bị bất ngờ, quân miền Nam và đồng minh không kịp phản ứng, đành để mất nhiều khu vực trong các thành phố, thị xã cho đội quân miền Bắc làm chủ. Tình thế này dẫn đến hai hậu quả.

Một. Vùng thành phố, thị xã do quân miền Bắc làm chủ trở thành nơi chiến sự ác liệt nhất, nơi tập trung bom đạn của cả hai phía, nơi tắm máu dân lành. Thành phố Huế là nơi quân miền Bắc ở lại lâu nhất, 28 ngày, cũng là nơi tang thương nhất.
         
Hơn 116 000 ngôi nhà bị tàn phá, trong đó 9 776 ngôi nhà bị san bằng, 3 776 dân lành bị bom đạn giao tranh giết chết.
         
Đội quân từ rừng về coi những người dân làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền Sài Gòn hoặc liên quan đến chính quyền Sài Gòn đều là kẻ thù, là ác ôn phải loại bỏ.
   
Chiến dịch diệt ác trừ gian nhằm vào dân thường cũng diễn ra khốc liệt nhất ở khắp các thành phố, thị xã.

Hai. Đội quân miền Bắc đánh vào thành phố chỉ nhờ yếu tố bất ngờ mà giành được thắng lợi ban đầu. Yếu tố bất ngờ không còn, đội quân đánh vào thành phố từ chủ động thành bị động, phải lấy thế yếu, thế bị động, thế cô lập, bị bao vây, chia cắt, phơi mình ra trên địa hình đường phố trống trải và lạ lẫm đương đầu với thế mạnh áp đảo của đội quân miền Nam.
   
Cố giữ các thành phố, thị xã, những trung tâm hành chính để hòng dựng lên một chính quyền cách mạng thay thế chính quyền Sài Gòn nhưng càng cố giữ thành phố, thị xã thì các thành phố, thị xã miền Nam càng trở thành vực thẳm không đáy chôn vùi quân miền Bắc.
   
Đơn vị sau thế chỗ đơn vị trước đã bị xóa sổ nhưng đơn vị thế chỗ càng về sau quân số càng ít ỏi! Nhiều đơn vị, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, cả du kích bị xóa sổ nhiều lần! Nhiều đảng bộ, chi bộ hy sinh trắng không còn một đảng viên!
   
Tết Mậu Thân 1968 là thảm họa người Việt giết người Việt với quy mô lớn nhất, quyết liệt nhất, mê say nhất, tàn bạo nhất và số người bị giết lớn nhất, phải tính tới con số hàng trăm ngàn mà bên bị tổn thất về người nặng nề nhất chính là đội quân dồn dập đánh vào các thành phố, thị xã miền Nam dưới sự đôn đốc từ Hà Nội do sự háo danh của người nhiều tham vọng quyền lực.

Lứa nhà văn quân đội chúng tôi hình thành trong cuộc chiến tranh Nam Bắc được Tổng Cục Chính Trị tập hợp về từ giữa năm 1976 đến mùa hè năm 1984 vẫn đang có mặt đông đủ ở Vân Hồ Ba, Hà Nội. Và Vân Hồ Ba Hà Nội trở thành địa chỉ thường xuyên lui tới của những người cầm bút đất kinh kỳ.
   
Một buổi chiều muộn nhà văn Bùi Bình Thi phóng xe máy từ nhà sáng tác Quảng Bá, Hồ Tây đến Vân Hồ Ba hấp tấp kể với chúng tôi câu chuyện nhà văn vừa chứng kiến về người khởi xướng vụ tắm máu Tết Mậu Thân 1968 chạy trốn, chối bỏ trách nhiệm trước người dân, trước lịch sử.
   
Sau một ngày đóng cửa hì hục viết, trước bữa cơm chiều, các nhà văn đang ở trại sáng tác Quảng Bá thường sang phòng nhà văn quân đội, Đại Tá Xuân Thiều tán chuyện đợi nhà bếp mở cửa. Chiều nay vừa đủ mặt thì bỗng Tổng Bí Thư Lê Duẩn cùng người bảo vệ xuất hiện ở cửa phòng.
   
Từ đại hội lần thứ tư cuối năm 1976, đảng Lao động Việt Nam đã đổi tên thành đảng Cộng sản Việt Nam và chức Bí Thư Thứ Nhất đổi thành Tổng Bí Thư. Khu nhà nghỉ của cơ quan Trung Ương đảng Cộng sản bên Hồ Tây, cách nhà sáng tác của hội Nhà Văn dăm phút đi bộ. Tổng Bí Thư Lê Duẩn đang nghỉ ở đó. Buổi chiều ông đi dạo và ghé vào nhà sáng tác của các nhà văn.
   
Các nhà văn đều là đảng viên Cộng sản nhận ra Tổng Bí Thư của mình liền nồng nhiệt đón tiếp. Tổng Bí Thư vui vẻ hỏi tên từng nhà văn. Nghe nhà văn Xuân Thiều tự giới thiệu là Đại Tá, Tổng Bí Thư tươi cười hỏi: Đại Tá hỉ? Nhà văn Đại Tá hỉ? Tốt hỉ? Nghe nhà văn Bùi Bình Thi xưng tên, ông bảo: À, à, Thi lãnh đạo hội Nhà Văn hỉ? Nhà văn cao lớn Bùi Bình Thi có nước da ngăm ngăm đen, có khuôn mặt đầy đặn và hàng lông mày rậm giống nhà văn Nguyễn Đình Thi vội cải chính: Dạ, thưa bác, cháu là Bùi Bình Thi, không phải Tổng Thư Ký hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi ạ!

Trong không khí vui vẻ, nhà văn Xuân Thiều giãi bày: Thưa bác, tôi là Xuân Thiều, Đại Tá, nhà văn quân đội. Tôi đang viết tiểu thuyết về Huế trong tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tôi thấy Tết Mậu Thân sáu tám ở Huế chết chóc nhiều quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết cũng nhiều...
   
Mới nghe có thế, Tổng Bí Thư đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát: Ngu! Ngu! Đại Tá mà ngu!... rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn.
   
Thực chất của Tết Mậu Thân 1968 là vậy. Đến người chủ mưu khởi xướng ra chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 cũng co cẳng chạy trốn khi nghe nhắc đến Mậu Thân 1968 thì hằng năm có nên tưng bừng kỉ niệm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 không nhỉ?
        
Chiến tranh đã qua lâu rồi. Cần thoát ra khỏi tuyên truyền tâm lí chiến, không thể coi chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968, người Việt giết người Việt với quy mô lớn nhất, người Việt bị giết chết nhiều nhất trong một chiến dịch, người Việt kề nòng súng vào tai người Việt bắn ngay trên đường phố là chiến thắng của bất kỳ phía nào, của bất kỳ ai.

Trở về với bản thể con người, trở về với cội nguồn dân tộc để nhận ra rằng
  
Xuân Mậu Thân 1968 là mùa xuân tang

Phạm Đình Trọng
(Nguồn "Nhật báo Văn Hóa Online)
**

Ông Phạm Đình Trọng, nhà văn quân đội từng mang quân hàm đại tá.
Theo ông: “Hiện nay lòng tin của dân vào Đảng rất thấp. Một số người dân còn tin vào Đảng là vì quá khứ.”

Ông cho rằng ngay trong số các ủy viên trung ương hiện nay cũng có những ý kiến khác với quan điểm chính thống của Đảng về Hiến pháp. “Hiến pháp phản dân chủ, phản cuộc sống, đi ngược xu thế thời đại, có những người thấy được điều đó,” ông nói. Tuy nhiên, tại hội nghị thì ông Trọng cho rằng các ủy viên trung ương ‘phải thống nhất theo ý lãnh đạo bởi vì họ muốn tồn tại, muốn giữ vị trí của họ’

Ông Trọng từng là đảng viên nhưng ông đã tuyên bố ra khỏi Đảng từ năm 2009. (Theo BBC)

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...