29 September 2017

Nước Cuốn Theo Giòng, hồi ký

Hình: Internet
Trần Bạch Thu

Buổi chiều hôm ấy tôi khóc gần hết nước mắt khi Bà Ngoại đưa tôi đến trường rồi lẻn ra cửa sau đi mất. Trong lớp cũng có nhiều đứa khóc nhưng sau một lúc đến giờ ra chơi thì quên hết. Riêng tôi cứ ứa nước mắt hoài, không nín được vì nhớ nắm tay thật chặt của Ngoại trên con đường nắng chang chang. Ngoại bảo đi cho thật nhanh kẻo trễ giờ. Quần cộc áo ngắn, chân đất đầu trần đi sát lề lộ tráng nhựa rát đến độ muốn phỏng chân. Ấy là năm 54 tôi vào học lớp Đồng ấu với thầy Tỷ, nhà ở dưới ngã ba bờ sông phía đường đi Mộc Hóa.

Trường lúc bấy giờ là một dãy thành Tây cũ mái lợp ngói vãy cá, nền cao lót gạch đỏ nằm sát bên cầu Kinh. Đến năm 59 thì dở bỏ và xây lầu thành trường trung học Đốc Binh Kiều sau nầy, chỉ giữ lại sân tennis là còn nguyên trong sân trường. Còn trường tiểu học Cai Lậy thì dời về dãy nhà trệt nhiều căn mới xây trước miễu Bốn Ông và bắt đầu sử dụng từ năm 58.

Cai Lậy lúc bấy giờ phố xá còn thưa thớt lắm, từ trong sân trường tiểu học cũ có thế nhìn trống trải ra thấy Dinh quận, dãy phố Lê Minh Viên và mặt tiền nhà lồng chợ, điểm đặc biệt là chợ Cai Lậy có hai nhà lồng, nhà phía trên có mấy quầy bán đồ ba-gia, kế đến là các sạp bán đồ ăn xen lẫn với các quầy bán nước đá, cà phê, sinh tố và chè cháo rất tiện cho khách có thể vừa ngồi ở quán nước vừa gọi được đồ ăn đủ loại ở kế một bên. Cách nhau một con đường chính chạy từ phía Chùa Bà đến khu phố có tiệm thuốc tây của chú Tám Lọ và nhà thầy giáo Nam. v..v.. là nhà lồng thứ hai chủ yếu gồm có các sạp bán vải và vật liệu đồ sắt.

Phố xá Cai Lậy ở hai bên hông nhà lồng chợ chỉ độ mười mấy gian có thể kể những tên tiệm rất quen thuộc như cà phê Châu Đức Hiền, tiệm thuốc bắc Xuân Đức Đường, tiệm vàng Hoa Nam. v..v.. Sau nầy cặp theo đường phố còn rộng ngăn cách giữa hai nhà lồng chợ, chủ phố cho xây thêm các dãy kiosque nhỏ mà đầu dãy là gian hàng bán nước mắm Thanh Hương của cô giáo Hương, tiệm hớt tóc Hai Oanh …

Qua khỏi nhà lồng chợ là phố bờ sông, đẹp không sao tả xiết với những căn nhà xây theo kiểu cổ, phía trước lan can trên lầu có khắc phù điêu, quét vôi màu vàng mỡ gà hướng ra bờ sông với những bảng hiệu mà chữ nghĩa tôi còn nhớ đến tận bây giờ như Lâm Thoại Hưng, Lâm Hoành Cơ …

Tuổi thơ tôi sáng ở chợ, sau khi lót dạ 5 cắc xôi Bà Ngoại cho rồi thì xếp hàng đầu vòng quanh gánh xiếc “Sơn Đông Mãi Võ” bán thuốc “Cao Đơn Huờn Tán” coi chơi cho đến trưa, tận đến giờ đi học. Chỉ kịp về nhà ôm cái cặp đệm tưa viền cuốn mép cũ xì và dính lốm đốp màu mực xanh đỏ. Mặt mày tôi cũng lấm lem bụi bặm cả ngày ở ngoài chợ. Hôm nào gánh xiếc tan sớm hay bị dời đi chỗ khác thì tôi mới có dư thì giờ chạy xuống bờ sông tắm lội cả tiếng đồng hồ. Những hôm như thế thì mặt mày mới sáng sủa hơn và tóc mới được chải nước nằm sát da đầu ép ngược về phía sau trông giống như mấy ông Tây trong hình vẽ quảng cáo.

Vào lớp học ít lắm chỉ mong tới giờ ra chơi, có hôm còn trốn ra phía sau trường lặn ngụp dưới rạch Cầu Kinh cho tới khi nghe tiếng trống vô học mới trồi lên. Bài vở trong sách tập đọc dễ ẹc so với chữ nghĩa trong toa thuốc quảng cáo ở ngoài chợ mà tôi đánh vần hằng ngày từ sáng tới trưa. Giấy sách báo rời cắt nhỏ dùng để gói đồ tôi đọc không sót một chữ nào khi có trong tay.

Quán nước của Ngoại ở đầu góc chợ đối diện với tiệm hàng xén Quảng Phát của cô Hai Bắc, người miền Bắc chính hiệu, là chỗ tôi thường hay sang chơi với đứa nhỏ con của cô tuổi đồng trang lứa. Những hôm tiệm ế, cô Hai cho hai đứa sắp tiền giấy lại cho ngay thẳng rồi đếm và gom tiền cắc lại từng cây phân loại ra cho đúng sẽ được thưởng một cây cà rem và 5 cắc. Tôi trở thành thần đồng toán học ở trong lớp. Thầy Tỷ nói như vậy mà đâu biết tôi còn thường hay qua mó máy bàn tính bên tiệm thuốc bắc Xuân Đức Đường. Coi anh con trai lớn của ông chủ tiệm tính toán nhanh như máy mà phục lăn, tôi xin tình nguyện làm sai vặt để được học lóm.

Có những buổi trưa ngồi ở quán Ngoại chờ tới giờ đi học, nhìn mấy đứa nhỏ đi học trường Chùa Bà mà thèm ghê lắm. Đứa nào cũng mặc áo quần sạch sẽ, trắng tinh. Con gái mặc củng xanh xếp li xòe phất phới. Cặp da, giày xăng-đan sáng loáng. Ngoại nói trường Tàu dành cho con nhà giàu. Mà thiệt, toàn là con cái của các chủ tiệm lớn ở chợ. Phận mình là vậy. Ngoại ứa nước mắt.

Nhà Ngoại đơn chiếc, Cậu Tư có gia đình vợ con ra riêng ở gần rạp hát trong khu đất của thầy giáo Nam. Ông Ngoại suốt ngày làm ở xưởng mộc ngoài Ngã tư. Chỉ còn Dì Hai Nhung, cháu kêu Ngoại bằng Bác Hai năm đó tuổi chừng 16, 17 ngoài việc phụ Ngoại bán quán nước ngoài chợ còn lo việc nhà cơm nước. Do đó toàn là “cơm mạnh” nghĩa là mạnh ai nấy ăn. Tôi tự lo liệu lấy việc ăn uống. Có những buổi chiều cô Hai Bắc ra quán mượn tôi vô coi chừng tiệm lúc vắng khách. Tới giờ cơm, cô bảo vô ăn luôn với gia đình. Tôi thường nói dối là hồi xế con đã ăn no rồi. Nhìn gia đình cô Hai ngồi quanh bàn tròn ăn cơm vui vẻ với nhau mà tôi buồn thiu xin phép về quán của Ngoại.

Cả ngày, ngoài giờ học ở trường tôi thường đi chơi rong là chính, lặn lội đủ mọi nơi mọi chỗ, ở đâu có lộn xộn là có tôi tham dự vào đủ mọi trò chơi trừ việc chia phe đánh vật nhau là không có. Còn chuyện học hành chỉ là phụ, tự tôi lo lấy tất cả không ai nhắc nhở coi chừng hay soát xét gì cả. Tự do hoàn toàn. Thế mà vào lớp tôi là đứa mà tụi bạn bu lại nhiều nhất. Tôi biết đủ thứ ở ngoài chợ, nhất là tôi còn viết được một vài chữ Tàu thấy trên các bảng hiệu rồi nhờ anh lớn ở tiệm thuốc Xuân Đức Đường bày vẽ viết cho ít chữ đồ đi, đồ lại cho đến khi thuộc lòng. Tụi bạn bắt đầu cọp-dê tôi đủ thứ từ tập viết, toán số và ngay cả chữ Tàu, bù lại tôi được mấy đứa cho chơi đồ chơi chung khỏi mua.

Còn buổi tối hôm nào có gánh hát cải lương về rạp Nam Thành là tôi có mặt ở rạp sau giờ tan học. Sân rạp hát nền đất cát, thấp hơn mặt đường rất nhiều trông giống như một lòng chảo. Hai bên nhà lá, vách gỗ nằm trồi thụt vây quanh trước cửa rạp. Mợ Tư có gánh cháo gà bán ở sân rạp hát cho tới khuya. Xế chiều tôi tự nguyện ra phụ lai rai với mợ cho tới khi được ăn một tô cháo nóng ngon lành rồi thì là biến mất, sau đó chèn lấn vô rạp coi-cọp. Thường gần hết tuồng tôi lật đật ra sớm để rửa chén và chuẩn bị phụ mợ Tư khi khách vãng hát ra mua cháo. Chơi mà biết lo mợ Tư thích lắm. Thỉnh thoảng còn cho 5 cắc mua đậu phộng rang đem vô rạp lai rai.

Thầy Tỷ thỉnh thoảng cũng có ra quán của Ngoại uống nước và biết tôi là cháu ngoại của ông Hai Hớn. Thầy đến, tôi cúi đầu chào “thưa thầy” rất lễ phép. Thầy thường hay khen tôi với Ngoại là tôi rất ngoan và học giỏi. Có hôm các thầy ở trường cùng với chú Tám Lọ rủ nhau ra quán Ngoại ngồi lâu, tôi lờ mờ biết Dì Hai Nhung lúc bấy giờ đẹp nhất ở chợ Cai Lậy nên tôi rất lanh lẹ phụ việc nước nôi để Dì Hai có thì giờ tiếp chuyện với mấy thầy. Có lẽ nhờ vậy mà tôi luôn luôn được điểm 10 và cuối năm được lãnh phần thưởng không chừng. Mà thiệt, năm nào tôi cũng được lãnh thưởng. Khi đem về nhà không ai để ý lắm nên tôi thường hay đem ra khoe sách vở, tập viết đồ lãnh thưởng rồi chia cho mấy đứa con của cô Hai Bắc.
       
Lâu lâu, nhằm ngày nghĩ lễ hay thứ bảy chủ nhật, Dì Hai Nhung dẫn tôi ra bến xe đò đậu ở ngã ba Bến Cát gởi Cậu Tư về Mỹ Tho thăm Ba mẹ và các em. Câụ Tư là tài xế nên tôi luôn luôn được ngồi trên cái ghế đẩu nhỏ xíu đặt bên cạnh ghế tài xế và thùng máy xe to đùng tỏa hơi nóng muốn ngộp thở trên đoạn đường gần một tiếng đồng hồ ngồi thù lù không cựa quậy gì được. Thỉnh thoảng Cậu Tư còn quay sang bảo ngồi xích lên và vịn vào thành ghế cho khỏi ngã khi xe quẹo cua gắt.

Về nhà chơi được một hoặc hai ngày vui lắm. Ở chơi đến chiều hôm sau ra xe Cậu Tư về Cai Lậy, lần nào tôi cũng khóc khi nghe mẹ bảo con ráng ở với Ngoại cho đến hết năm rồi mẹ sẽ xin chuyển trường về Mỹ Tho. Sau đó Mẹ gởi tiền cho Cậu Tư đem về cho Ngoại.

Chờ riết cho đến hết năm tới hè cũng không nghe mẹ nói tới chuyện chuyển trường về Mỹ Tho. Mẹ bảo tội nghiệp Ngoại, con ráng ở trển cho Ngoại đỡ khổ. Tôi không biết rõ lắm nhưng sau nầy khi lớn khôn tôi mới hiểu ra nên thương mẹ lắm. Mẹ thương Ngoại nên gởi tôi ở với Ngoại cho đỡ điều tiếng với anh em bên nhà chồng khi chu cấp cho Ngoại.

Mãi đến khi Ba làm giấy tờ cho Ngoại theo chương trình lập khu dinh điền vô khai khẩn đất hoang ở kênh Bằng Lăng trong vùng Đồng Tháp Mười gần giáp ranh Chợ Ngã Năm (Mỹ An) thì tôi mới được dời về Mỹ Tho sống với Ba mẹ và các em, bắt đầu một cuộc sống mới ngập tràn niềm vui gia đình.

 Những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần Ba thường hay chở mấy anh em ra đường Trưng Trắc ở bờ sông ăn mì xào ở quán A Lục, có khi nhằm ngày có tuồng hay mà gánh hát cải lương lại nổi tiếng Ba dẫn hết  cả nhà vào rạp Vĩnh Lợi xem hát cho tới khuya. Vãng hát còn ra ăn chè cháo ở chợ Hàng Bông rồi mới về nhà. Có khi thuận tiện Ba còn đưa hết gia đình về quê Nội thăm cố Năm. Tết nhất ăn mặc đồ mới về thăm Ngoại. Ra chợ thăm cô Hai Bắc và mấy đứa bạn ở chợ hồi trước. Vui thích lắm.

Hai năm sau khi tôi thi đậu vào lớp Đệ thất trường Nguyễn Đình Chiểu, Ba dẫn ra tiệm may nổi tiếng ở chợ Mỹ Tho hiệu Vạn Tân đặt may cho hai bộ bộ đồ quần tây vải ka-ki ny-lon màu xanh dương đậm, áo sơ mi trắng vải pom-pơ-lin. Ra tiệm đóng giày mua một đôi giày xăng-đan da đen hai quai có đóng móng sắt dưới đế. Cặp da láng coóng. Hôm tựu trường Ba chở đi học bằng xe mô-by-lét, đầu chải bri-dăn-tin mướt rượt. Tự nhiên khi tới cổng trường tôi lại nhớ Ngoại hồi năm xưa ở Cai Lậy. Nhớ hoài con đường tới trường nắng như đổ lửa, chân đất đầu trần.

Trong những năm thơ ấu mấy anh em tôi nổi tiếng là ngoan hiền trong cư xá, những tối Thứ Bảy, tòa tỉnh tổ chức ca hát ở công viên có xổ số Tombola thì anh em tôi là những đứa trẻ ăn mặc thật đẹp được chọn lên khán đài để quay số. Hôm sau bọn trẻ ở cư xá nhìn anh em tôi mà ngưỡng mộ lắm.

        - Quay số có khó không?
        - Dễ hơn quay số ở bàn xe kẹo kéo.

Ba tôi làm việc ở Tòa hành chánh, những hôm nào trực đêm, Ba thường dẫn tôi theo ra ngũ ở đó, có khi nhằm trời mùa hè nóng bức hai cha con đem ghế bố xếp ra ngoài gần trạm gát dưới các tàng cây me to nằm ngũ cho mát, do đó hầu hết các nhân viên kỳ cựu, lính tráng ở đây, tất cả đều quen biết và rất quí mến tôi.

Đời sống gia đình ở cư xá với đồng lương công chức của Ba rất thong thả và có dư. Ba mẹ thỉnh thoảng còn trợ cấp chút đỉnh cho họ hàng Nội, Ngoại trong những ngày lễ tết hay kỵ giỗ. Anh em tôi trải qua những năm tháng đầu đời rất là êm đềm hạnh phúc, cứ thế mà trôi dần đi với hy vọng tràn đầy vào một tương lai tươi sáng.

Một vài năm sau đình chiến ở Mỹ Tho đời sống dân chúng rất là sung túc, thanh bình, lễ hội đông vui. Đáng nhớ nhất là lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng hằng năm với hai người đẹp nhà sách Mai Liên đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị cởi voi. Buổi sáng diễn hành khắp thị xã, buổi chiều học sinh các trường đóng vai quân sĩ đôi bên tập trận giả ở sân vận động vô cùng hào hứng. Tất cả hình ảnh được lưu giữ và trưng bày cả năm ở tiệm chụp hình Thiện Ký, đường Trưng Trắc.

Tỉnh bắt đầu mở mang chỉnh trang đường xá khang trang và cho xây dựng hai công viên: Dân Chủ trên đại lộ Hùng Vương rộng nhất tỉnh đối diện với khán đài thị xã và Lạc Hồng nằm bên bờ sông Mỹ Tho rất hữu tình. Dọc theo bờ sông đường Trưng Trắc một dãy quán ăn đủ loại, hàng quán cà phê mọc lên san sát lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui.

Lại cứ ba tháng là có tồ chức Hội chợ đấu xảo, thường diễn ra ở trường Nam tiểu học tỉnh lỵ, nông dân khắp các quận trong tỉnh mang nông phẩm, gia súc to đẹp nhất về tỉnh tham dự thi đua có thưởng. Các đoàn hát cải lương luân phiên nhau về tỉnh, dân chúng bao thuê xe từ các làng xã, quận huyện về xem hát đông nghịt. Vãng hát, từng đoàn xe lũ lượt trở về tận làng quê xa xôi hẻo lánh, nhất là những đêm trăng sáng, vui sao thanh bình rộn rã khắp nơi nơi.

Phố chợ sầm uất đã đành, nông thôn cũng bắt đầu khấm khá. Ngoại theo chương trình khẩn hoang, lập khu dinh điền được trợ giúp nhiều mặt. Hè năm tôi lên lớp Nhất cả gia đình mẹ và hết thảy mấy anh em theo đò máy từ Cai Lậy chạy ngược sông Ba Rài độ chừng hơn bốn tiếng đồng hồ vô chơi thăm Ngoại cả tháng trời.

Có sống ở đây mới biết thế nào là trù phú sung túc, cá dưới mương quơ chân là đụng ào ào. Trước nhà ngoại có cần vó lưới mỗi bề rộng khoảng 3, 4 thước, khi nước lớn không có việc gì làm, ra hạ vó xuống kênh, độ chừng 5, 10 phút kéo lên, cá đầy lưới nặng trịch, chỉ bắt cá lớn còn cá nhỏ thả lại xuống kênh, không biết làm gì cho hết, ngoại làm mắm trong từng khạp màu da bò 40 lít để đổi lấy đường muối, dầu và mỡ heo hoặc gởi theo thương lái mang ra chợ Cai Lậy bỏ mối.

Lúa thì mỗi năm một mùa theo nước lũ, có sức người tới đâu xạ tới đó, nước lên cao thì lúa lên theo, đến mùa thu hoạch dư ăn cho người, thậm chí heo, gà vịt cũng được nuôi bằng lúa gạo, còn chuối trổ buồng sai oằn gần chấm đất, bán không kịp ép làm chuối khô, đôi lúc nhiều quá không đủ sức ép bèn để nguyên trái phơi khô luôn, không bán chỉ gởi biếu cho bà con ở ngoài chợ. Đời sống dễ dàng, dân tình phóng khoáng, xóm làng yên vui.

Được chừng mấy năm thì cộng sản bắt đầu nổi lên trở lại, đường xá bắt đầu tắc nghẽn vì mất an ninh, ở nông thôn dân bỏ ruộng vườn tản cư ra chợ vì cộng sản lập khu căn cứ. Chiến tranh bắt đầu ló dạng. Rồi một cuộc binh biến xảy ra vào cuối năm 63. Chính sự rối ren, xã hội xáo trộn. Ba bị kết án thuộc đảng Cần Lao của Tồng Thống Diệm nên sau khi bàn tới bàn lui với các đồng sự trong Tòa hành chánh, Ba đã phải bỏ trốn trong đêm mùng 4 tháng 11 năm ấy. Ba rời tỉnh lỵ Mỹ Tho đi đâu không cho gia đình biết.

Mãi đến 6 tháng sau, khi tình hình chính sự bớt căng thẳng, mọi việc ở địa phương đã dần dần ổn định trở  lại như cũ thì gia đình mới biết được tin là Ba đang ẩn náu trong xóm đạo người Bắc di cư tận ngoài Ngã ba Liên Khương (Đà Lạt). Căn nhà trong cư xá bị tịch thu để chuyển giao lại cho người khác, mẹ cùng đường dẫn hết 6 đứa con về Cai Lậy sống nhờ vào ông bà Ngoại.

Năm ấy tôi đang học lớp Đệ Ngũ (lớp 8) trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, gia đình ly tán, nếu muốn tiếp tục theo học thì không còn con đường nào khác là phải về quê nội ở làng Long Bình Điền, Chợ Gạo sống với Bà để đi học. Lúc bấy giờ các bác và cô chú tôi đã có gia đình riêng ở xa, duy chỉ có một người cô thứ tám là ở gần, độ một dây vườn xa khoảng vài trăm mét nên trong nhà giữa vườn thưa, xóm vắng chỉ có một Bà một cháu sống rất đơn độc. Từ thuở nhỏ cho đến giờ đã quen sống ở thành phố nay về quê có biết bao nhiêu điều khó khăn và lo sợ. Bà rất mừng khi có cháu về hủ hỉ, nhưng cũng không biết là ở quê có chịu nỗi hay không.

Làng Long Bình Điền cách thành phố Mỹ Tho khoảng 7 cây số nằm dọc theo đường liên tỉnh Mỹ Tho - Gò Công, bên kia đường là ruộng lúa bạt ngàn chạy tít đến tận chân trời, bên nầy là vườn dừa xanh ngát nằm dựa vào Vàm Kỳ Hôn, có lộ Nhà thờ chạy thẳng tấp đến bến đò, bên kia vàm là nhà thờ Thủ Ngữ thuộc họ đạo Xuân Đông lâu đời có tháp chuông cao to nhất trong vùng. Thường vào những ngày Chủ nhật trời còn tối chưa hựng sáng, khi nghe tiếng chuông giáo đường ngân vang, giáo dân trong vùng đã sửa soạn đốt đuốc nối đuôi nhau theo con đường đất chạy cặp theo bờ vàm đi xem lễ sớm, lũ lượt từng đoàn người áo quần đủ màu sắc qua đò nuờm nượp, không khí rất là rộn rịp đông vui như ở một làng quê thanh bình êm ả.

Ở quê có nhiều địa danh rất dễ nhớ mà lơ xe đò thường hay nhắc nhở dọc theo đường cái, thường thì đường có trải đá gọi là lộ như lộ Vàm, lộ Xoài, lộ Nhà thờ còn vị chi là bờ ruộng tùy theo từng nơi, dẫn đến chùa thì gọi là bờ Chùa, dẫn đến rạch thì theo tên rạch mà gọi hoặc có khi theo tên tuổi của những người nỗi tiếng có nhà  ở sâu tuốt trong làng như bờ bộ An, bờ xã Dinh. Đường vào nhà Nội nằm giữa 2 bờ bộ An và bờ Rạch Chiếu dẫn tới kênh Rạch Chiếu.

Ban đầu, mỗi sáng tôi ra đường lộ cái đón xe đò chuyên đưa rước học sinh khời hành từ Chợ Gạo chạy thẳng đến trường, chuyến thứ nhất là xe bác Sáu Cử chuyên chở nữ sinh, chuyến thứ hai chậm độ hơn mười phút là xe chú Hai Đỗ chuyên chở nam sinh. Tuy là phân biệt xe chở nam nữ nhưng tùy theo sớm trễ, nam hay nữ đều có thể lên xe nào cũng được, chủ yếu là để phân giờ cho tiện việc rước khách. Được nữa năm, Ba tôi từ Đà Lạt gởi về cho chiếc xe đạp và một đồng hồ đeo tay. Từ đó, ngày hai buổi tôi đến trường bằng xe đạp và việc học hành rất suông sẽ. Duy chỉ những ngày mưa gió là vất vã nhất vì phải chân đất lội bùn vác xe đạp đi dọc theo bờ ruộng ra đến lộ cái mới rửa chân mang dép đạp xe lên tỉnh. Thường thì những ngày mưa biết trước tôi đều đón xe đò đi học cho đỡ ướt quần áo và cặp vở.

Nhớ những chiều mưa u ám trời tối về trễ, Bà tôi hay ra đón cháu ở nhà Tư Tỷ đầu bờ Rạch Chiếu sẵn sàng bó đuốc lá dừa đi sau soi đường cho cháu vì sợ không quen lỡ bị té ruộng rạch thì nguy. Nội già sống bằng huê lợi vườn dừa và ít ruộng cho người thuê, thu lúa ruộng hằng năm cũng vừa đủ sinh hoạt cho hai Bà cháu.

Trên đường về quê Nội khó khăn, vất vã vô cùng vì vừa lo sợ cho hoàn cảnh ly tán của gia đình vừa không biết phải sống và học hành ra sao khi trôi dạt về đây. Khó khăn về vật chất thì còn có thể sống hẫm hiu với Nội, khó khăn về tinh thần thì dần dà cũng nguôi ngoai, khó khăn trong nếp sinh hoạt ở quê thì lâu rồi cũng quen và hội nhập được, nhưng những khó khăn về thời sự chiến tranh thì không thể nào vượt qua được với nỗi lo sợ, hồi họp luôn đè nặng lên đời sống từng ngày trong vùng xôi đậu, ban ngày là quốc gia, ban đêm là cộng sản.

Chiến tranh ngày càng leo thang, phía quốc gia lập đồn nghĩa quân ở cây số 7, gần đầu bờ Rạch Chiếu, ngày đi ruồng bố cộng sản, lục soát khắp làng trên xóm dưới, thỉnh thoảng phối hợp với các đơn vị địa phương dưới quận hành quân liên xã, còn nữa đêm thì cộng sản về bắt dân qua bên kia kênh Rạch Chiếu miệt Cầu Ván họp lên án Mỹ Ngụy và thu thuế gọi là nuôi quân. Thường khi còn về bắt dân đấp mô, gài mìn ngăn đường, cấm vận giao thông. Sáng ra, lính quận lên giải tỏa cũng bắt dân đi đầu phá mô, có khi mìn nỗ thiệt mạng do chính mình gài đêm qua. Hai bên phục kích bắn giết nhau rất là ác liệt.
 
Trước đây sống ở thành phố yên ổn, tuy thỉnh thoảng cũng có nghe tiếng đạn pháo kích và súng trận nổ từ xa vọng về, nhưng chỉ là thoáng qua không ảnh hưởng nhiều đến đời sống hàng ngày và suy nghĩ cũng tơ lơ mơ như các thiếu niên mới lớn. Nay về quê, trực diện với thảm cảnh chiến tranh xảy ra hằng ngày với nhiều cảnh đời khốn khổ kể sao cho siết. Thanh niên trai tráng lớp nghèo, học chỉ vài năm bậc tiểu học thì đi lính quân dịch, lớp khá giả ở trong làng thì xin được một chân nghĩa quân ban ngày về nhà sinh hoạt ruộng rẫy bình thường tối ra đồn ngũ. Còn lớp thanh niên thất học ở sâu trong đồng ruộng, không học hành chữ nghĩa gì cả thì theo cộng sản.

Ở cuối bìa vườn nhà Nội có hai cha con chú Ba Đu, thằng con tên Năm Phương bằng tuổi tôi, tướng tá mặt mày sáng láng mà chưa bao giờ đi học, mù chữ hoàn toàn. Trước đây Ba Đu làm nghề thợ mộc, vợ lột dừa mướn chuyên nghiệp, ngày có thể lột vài thiên dừa là chuyện bình thường, gia đình sống rất thong thả. Rồi một hôm, có một thương gia người Hoa xuống làng thu mua dừa khô, thuê xe chở về Chợ Lớn bán cho các vựa. Thấy thím Ba là người có mối mang lột dừa, quen biết khắp nơi nên đề nghị làm mối lái cùng với ông phụ giúp thu mua và chuyên chở theo xe. Đi vài chuyến, thấy khá, mỗi lần đi Chợ Lớn về lần nào cũng mua nay cái bàn, mai cái tủ và quần áo vật dụng gia đình đầy đủ hết.

Không biết đi được bao nhiêu chuyến, nhưng chuyến cuối cùng thím Ba về dẫn theo đứa con gái nhỏ là đi luôn không bao giờ về nữa.

Chờ lâu không thấy thím Ba về, chú Ba nhờ người dẫn lên chợ Cầu Muối tìm vợ, không biết có gặp được thím Ba hay không, nhưng kể từ lần đó trở đi không bao giờ chú Ba nhắc đến vợ con nữa và cũng kể từ đó chú Ba chuyển nghề qua làm thợ cưa, xẻ ván dừa lão để cất nhà, ăn cơm chủ, tiền công tính bao nhiêu cũng được, miễn rượu thịt đầy đủ là xong. Chiều nào cũng say sướt mướt khi tới bờ kênh, trước khi qua cầu chú luôn luôn dừng lại nghêu ngao bài ca cũ:  “… cái tên The ba má đặt xấu lắm phải không con, lên Sài gòn con có thêm cái tên Hương…”

Từ đó Năm Phương lớn lên như cây cỏ ngoài đồng. Nhớ hôm lần đầu tiên đến nhà nó chơi, nhà tranh không vách thấp lè tè, không bàn thờ cũng không có bàn, còn ghế ngồi là mấy cái “chưn bò” dùng để gác quan tài người chết, sau khi hạ huyệt, chú Ba xin tang chủ đem về nhà làm ghế ngồi. Nhà không có bếp, chỉ có vài cục gạch bể xếp chụm ba dưới nền nhà, tro ngập quá nửa phần cục gạch. Sát góc nhà, phía sau chỉ có một cái chõng tre xiêu vẹo trên quăng đùa một tấm chăn rách vá chằng, vá đụp. Năm Phương kể lại hể ai về trước thì ngũ trên chõng, ai về sau thì trãi chiếu dưới đất mà qua đêm. Lâu rồi cũng quen.

Trước khi tôi về, Bà Nội rất thương Năm Phương, có việc gì cần đến đều nhờ Năm Phương phụ giúp cho ăn cơm và tính tiền công trả như người lớn. Mới 15 tuổi đầu mà nó như một lực điền chính hiệu làm đủ mọi công việc nặng nhọc từ bồi mương, xẻ liếp, leo dừa hái trái, phát hoang cỏ vườn… nó rất hiền và dễ thương nên tôi bắt đầu thân với nó. Nội cũng rất mừng hai đứa có đôi có bạn cho vui… Nhưng nó ở riết ngoài bìa vườn, vắng tanh lại là nơi qua lại của mấy ổng, lâu dần nó thoát ly theo cộng sản luôn. Đã buồn, kể từ khi Năm Phương theo mấy ổng vô đồng đi biệt, chú Ba càng buồn hơn trong cảnh đời cô độc cho đến một ngày kia chú âm thầm qua đời gần 3 ngày sau mới có người phát hiện.

Sống ở quê Nội được gần ba năm, khi nền Đệ nhị Cộng Hòa được tái lập, Ba được phục hoạt trở lại và làm việc ở Tòa Hành Chánh tỉnh Tuyên Đức. Ba nhắn về bảo Mẹ đem hết gia đình ra Đà Lạt để xem liệu bề có thể ở luôn trên đó lập nghiệp được không. Hè năm đó chúng tôi lên Đà lạt ở với Ba được hơn tháng, một phần vì Mẹ có sạp bán hàng ngoài chợ Cai Lậy, phần vì nhà cửa phải thuê mướn khó khăn, rồi còn phải chuyển trường cho hết tất cả 5 đứa con, nhưng phần chính là vì đã quen với khí hậu trong Nam, ăn mặc cũng nhẹ nhàng dễ chịu hơn so với xứ lạnh nên Mẹ bàn với Ba tạm thời hãy ở nguyên như vậy rồi từ từ khi nào Ba ổn định xin được nhà cư xá sẽ tính sau. Mẹ suốt đời gắn bó với miền quê Ngoại, Cai Lậy thân yêu. Từ biệt trở về Nam, đó là lần sau cùng vì gia đình không còn có dịp nào nữa để lên Đà lạt.

Nghe lời Ba dặn, tôi trở về Mỹ Tho và tiếp tục ở quê Nội để đi học. Ban đầu Ba định gởi cho một người bạn còn làm việc ở Tòa hành chánh Mỹ Tho để trọ học, nhưng sau nghĩ lại chưa chắc gì đã thuận tiện, cho nên Ba bảo về quê tuy khó khăn nhưng ít bạn bè và dễ chuyên cần học hành hơn, có điều Ba dặn đi dặn lại vì quê Nội là vùng xôi đậu nên ban ngày sinh hoạt với Nội, ban đêm lên nhà Cô Hai ở gần trên lộ cái mà ngũ để tránh pháo kích và … tôi hiểu ý của Ba tôi.

Chiến tranh đến hồi quyết liệt, hai bên đều ra sức động viên trai tráng vào quân đội. Phía quốc gia qui định thanh niên 18 tuồi trở lên mới thi hành quân dịch và còn có những trường hợp được hoãn hay miễn dịch. Phía cộng sản thì 15 tuổi cũng đã bắt thoát ly kể cả nữ, họ còn về vùng xôi đậu ban đêm tập họp thanh niên, thiếu nữ gọi là đi họp, nhưng kỳ thực là bắt thoát ly vô vùng căn cứ luôn, chưa kể cha chết thì con nối tiếp thay cha, anh chết thì em thay, bất luận tuổi tác là bao nhiêu. Do đó lúc nào cộng sản cũng có người xâm nhập hoạt động, càng lúc càng nhiều, sau nầy có cả bộ đội miền cấp tiểu đoàn về làng đóng quân cả tháng trời.
   
Tình hình bắt đầu phức tạp, đồn số 7 có nghĩa quân làm nội tuyến đến phiên gát nữa đêm, mở cửa đồn cho cộng sản tràn vào đâm chết tất cả, chẳng những nghĩa quân mà còn cả vợ con tối vô ngũ trong đồn. Truyền đơn từ hai phía rãi đầy trên khắp các lối đi. Ngày đêm hai loại khác nhau, lên án Việt Cộng hay Mỹ Ngụy. Đôi bên ra sức bắt bớ những người bị tình nghi là mật báo viên, điềm chỉ viên hay gián điệp. Làng xóm đâm ra nghi ngờ lẫn nhau. Mìn bẩy, lựu đạn gài trong cuối bìa vườn ở những nơi trọng yếu, chỗ dân chúng thường đi lại. Thỉnh thoảng cũng có người chết khi ra vườn làm cỏ mà không biết và cũng không ngờ. Không biết ai gài bỏ lại?
      
Chưa được bao lâu thì biến cố tết Mậu Thân xảy ra, cộng sản tràn về khắp nơi kể cả ở thị xã, giao tranh ác liệt, lính tráng đôi bên chết đã đành mà dân thường vô tội cũng vạ lây chết nhiều vô số kể. Nhất là khi cộng sản về tới thành phố có dịp trả thù, giết chết nhiều người tay không vì bị tình nghi là theo địch.

Năm đó tôi đang học lớp Đệ Nhất (lớp 12) chuẩn bị thi Tú tài toàn phần và lệnh tổng động viên đã được ban hành qui định thanh niên từ 18 tuổi trở lên phải thi hành quân dịch. Bạn bè ở trường một số đã vào quân đội, còn những đứa ở quê thì cộng sản bắt gom đi không bỏ sót một người. Trước hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm như thế tôi thấy là không thể nào tiếp tục ở quê được nữa, tôi bàn với Nội thay vì mỗi tối ra nhà cô Hai ngũ, tôi chịu khó đạp xe lên tỉnh ngũ nhờ với các bạn, sáng đi học và trưa chiều về ăn cơm nhà Nội. Dần dần tôi đóng tiền ở trọ luôn đến cuối tuần mới về nhà đem gạo thóc và thức ăn lên. Từ đó tôi về quê thưa hơn.

Sống ở quê Nội gần năm năm trời, tuy không tham gia việc đồng áng nhưng tôi đã hiểu thấu được những việc nặng nhọc của người nông dân cùng với những cảnh đời ngang trái, bất hạnh ở quê, cũng như những tai họa của chiến tranh đổ ập xuống người dân lành vô tội hằng ngày.

Những xác chết nằm phơi trên lộ đá hay những hình ảnh của gần 40 mạng người bị đâm chết gồm cả đàn bà và trẻ con, máu ngập lênh láng trong đêm đánh úp đồn cây số 7 đã để lại trong tôi những ký ức kinh hoàng, trong đó những người dân hiền lành chất phác vì theo thời thế hoặc ở bên nầy hay bên kia, hết thảy đều phi lý, bắn giết nhau một cách dã man mà đôi khi còn phải đổi đi bằng tính mạng của mình cũng như của người khác, có khi lại là người thân quen của mình mà cũng không biết là tại sao?
      
Rồi dần theo thế sự thăng trầm, rời làng quê cố thổ tôi ít có dịp nào để trở lại chốn cũ, quê xưa. Nơi mà giữa hai lằn đạn vô tình tôi chỉ còn biết một mình cầu nguyện và may mắn đã sống sót qua thời niên thiếu.

Từ ấy ra đi mang theo trong lòng những buồn tủi thời chân đất đầu trần đầy bụi bặm ngoài chợ Cai Lậy cùng với những tháng ngày nắng gió chang chang cởi xe đạp độc hành trên đường lộ đá để đến trường hay những buổi chiều mưa tầm tả lội bùn theo ánh đuốc soi đường của Nội trên bờ kênh Rạch Chiếu đã để lại trong tôi một nỗi buồn khó tả.    

        Trần Bạch Thu

1 comment:

  1. Tac gia co tri nho that phong phu. Bai viet qua ti mi song dong lam.

    ReplyDelete

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...