Ván bài cuối của chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã bắt đầu, và các biện pháp tàn nhẫn của Tập Cận Bình chỉ đưa quốc gia này tới gần điểm tan vỡ hơn
Thứ năm vừa qua, Quốc hội nhân dân (TQ) họp tại Bắc Kinh với lịch trình quen thuộc như một nghi lễ hàng năm. Gần 3000 đại biểu “được bầu” từ khắp nơi trên toàn đất nước – từ các đại diện dân tộc thiểu số với trang phục sặc sỡ tới các tỷ phú tao nhã – sẽ gặp gỡ trong vòng một tuần để thảo luận về tình trạng quốc gia và tham dự vào việc giả vờ tham gia chính trị.
Một số xem việc tập hợp đầy ấn tượng này là một dấu hiệu của sức mạnh của hệ thống chính trị Trung Quốc – nhưng thực chất nó chỉ là lớp mặt nạ của những khiếm khuyết nghiêm trọng. Chính trị Trung Quốc vốn luôn là một sân khấu đa tầng, với các sự kiện như Quốc hội muốn phô trương sức mạnh và sự ổn định của đảng cộng sản Trung Quốc (CPP). Các quan chức và người dân đều biết rằng họ có nghĩa vụ phải uốn mình theo các nghi lễ này, nồng nhiệt tham gia và hô vang các khẩu hiệu chính thức. Hành vi này được biết đến trong tiếng Hoa là “ biaotai” – biểu đạt vị thế, nhưng nó chỉ là một sự tuân thủ mang tính biểu tượng.
Bất kể vẻ bề ngoài ra sao, hệ thống chính trị của Trung Quốc cũng đang bị phá vỡ nghiêm trọng, và không ai biết rõ hơn chính bản thân đảng cộng sản. Người lãnh đạo mạnh mẽ của Trung Quốc, Tập Cận Bình, hy vọng rằng việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và tham nhũng sẽ củng cố sự cai trị của đảng. Ông kiên định trong việc tránh trở thành Mikhail Gorbachev của Trung Quốc, chủ trì sự sụp đổ của đảng. Nhưng thay vì trở thành phản đề của ông Gorbachev, ông Tập cũng rất có thể đẩy gió lên theo hướng tương tự, và dẫn tới cùng kết cục. Sự chuyên chế của ông làm trầm trọng thêm hệ thống và xã hội Trung Quốc – và mang quốc gia này tới gần hơn điểm tới hạn.
Dự đoán sự sụp đổ của các chế độ độc tài là một công việc mạo hiểm. Có rất ít các chuyên gia phương Tây dự đoán sự sụp đổ của Liên bang Xô viết trước khi xảy ra vào năm 1991; CIA hoàn toàn không tiên liệu được điều này. Sự sụp đổ của các quốc gia cộng sản Đông Âu hai năm trước đó đã bị coi khinh như những suy tưởng mộng mơ của những kẻ chống cộng sản – cho tới khi nó thực sự xảy đến. Các cuộc “cách mạng màu” hậu Xô viết ở Georgia, Ukraine và Kyrgyzstan từ năm 2003 tới 2005, cũng như sự nổi dậy của những mùa xuân Ả rập năm 2011, hoàn toàn bật ra bất ngờ.
Những nhà quan sát về Trung Quốc đã ở mức cảnh giác cao với các dấu hiệu về sự phân rã và suy giảm của chế độ kể từ lần chết hụt của chế độ tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Kể từ đó, nhiều nhà Hán học dày dạn đã đánh liều với uy tín nghề nghiệp của mình bằng cách khẳng định rằng sự sụp đổ của chế độ đảng cộng sản là không thể tránh khỏi. Một số khác thận trọng hơn – bao gồm chính tôi (Tác giả bài viết – David Shambaugh). Nhưng thời gian đã thay đổi ở Trung Quốc, và do vậy các phân tích của chúng ta cũng phải thay đổi.
Trò chơi cuối của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu, tôi tin là vậy, và nó đã tiến triển xa hơn mức nhiều người nghĩ tới. Tât nhiên, chúng ta không biết con đường từ bây giờ cho tới khi kết thúc sẽ như thế nào. Nó có thể sẽ là quá trình rất bất ổn và rối loạn. Nhưng cho tới khi hệ thống bắt đầu làm sáng tỏ theo một vài hướng rõ ràng, thì những người bên trong hệ thống sẽ cùng chơi một trò chơi – giữ gìn hình ảnh ổn định bên ngoài.
Chế độ cộng sản ở Trung Quốc hẳn sẽ không kết thúc lặng lẽ. Một sự kiện duy nhất nào đó sẽ không có khả năng kích hoạt sự sụp đổ trong hoà bình của chế độ. Sự băng hà của nó có lẽ sẽ được kéo dài, hỗn độn và bạo lực. Tôi sẽ không loại trừ khả năng ông Tập sẽ bị lật đổ trong một cuộc đấu tranh quyền lực hoặc đảo chính. Với chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của ông – trọng tâm thảo luận của Quốc hội nhân dân (Trung Quốc) tuần này – ông đã chơi quá tay với một quân bài yếu và chọc quá sâu vào giới lãnh đạo chóp bu của đảng, chính phủ, quân đội cũng như giới tài phiệt.
Người Trung Quốc có một câu tục ngữ, “waiying, neiruan” – bên ngoài thì cứng, bên trong thì mềm. Ông Tập thực sự là một nhà cai trị cứng rắn. Ông bộc lộ rõ sức thuyết phục và sự tự tin. Nhưng tính cách cứng rắn này gây một ấn tượng nhầm lẫn về đảng và hệ thống chính trị mà hiện tại vô cùng mong manh ở bên trong.
Hãy xem xét năm chỉ số về sự dễ tổn thương của chế độ và những yếu điểm mang tính hệ thống của đảng.
Đầu tiên, giới tinh hoa kinh tế của Trung Quốc đã đặt một chân ra khỏi cửa, và họ đã sẵn sàng chạy trốn hàng đoàn nếu hệ thống thực sự bắt đầu sụp đổ. Trong năm 2014, Viện nghiên cứu Hurun Thượng Hải, nghiên cứu tầng lớp giàu có của Trung Quốc, phát hiện rằng 64% những người “có giá trị ròng cao” mà viện này thăm dò – 393 các nhà triệu phú và tỷ phú – đều hoặc là đã di cư hoặc đang lên kế hoạch để làm điều đó. Người giàu Trung Quốc gửi con cái đi học ở nước ngoài với những con số kỷ lục (những số liệu này tự nó cũng là bản cáo trạng về chất lượng của hệ thống giáo dục Trung Quốc).
Cũng ngay trong tuần này, tạp chí (Wall Street Journal) cho biết các nhà điều tra liên bang đã kiểm tra một số các địa điểm ở Nam California mà chính quyền Mỹ cho là có liên quan tới “các doanh nghiệp du lịch – sinh con trị giá nhiều triệu dollar nhằm đưa hàng ngàn phụ nữ Trung Quốc sang du lịch và trở về với đứa con sơ sinh mang quốc tịch Mỹ”. Người giàu Trung Quốc cũng mua bất động sản ở nước ngoài với mức độ và giá cả kỷ lục, và họ đặt tài sản tài chính của mình ở nước ngoài, thường ở các thiên đường thuế và bởi các công ty chỉ có vỏ suông( đăng ký tên nhưng không có hoạt động).
Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố gắng để dẫn độ về Trung Quốc một số lượng lớn những người bị cáo buộc vi phạm về tài chính đang trốn ở nước ngoài. Khi giới thượng lưu của một đất nước – rất nhiều trong số đó là đảng viên – chạy trốn với số lượng lớn như vậy, thì đó là dấu hiệu của sự thiếu niềm tin vào chế độ và tương lai của đất nước.
Thứ hai, kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập đã tăng cường đáng kể các áp chế chính trị vốn đã bao phủ toàn Trung Hoa kể từ năm 2009. Các mục tiêu bao gồm báo chí, các phương tiện truyền thông, phim ảnh, văn học nghệ thuật, các nhóm tôn giáo, Internet, giới trí thức, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ (Uighur), người bất đồng chính kiến, luật sư, các tổ chức phi chính phủ (NGO), sinh viên đại học và thậm chí cả sách giáo khoa. Uỷ ban trung ương đã gửi một lệnh hà khắc năm 2013, gọi là văn bản số 9 xuống thông qua hệ thống tổ chức đảng, ra lệnh cho tất cả các chi bộ đảng thanh lọc tất cả những gì gọi là các “giá trị phổ quát” mà phương Tây tán dương – bao gồm dân chủ lập hiến, xã hội dân sự, tự do báo chí và kinh tế tự do kiểu mới (neoliberal economics).
Một chính phủ ổn định hơn và tự tin hơn sẽ không thiết lập một chiến dịch đàn áp nghiêm trọng như vậy. Đó là một triệu chứng của sự lo lắng và bất an sâu sắc của nhóm lãnh đạo đảng.
Thứ ba, thậm chí nhiều người trung thành với chế độ cũng đã trải qua các dịch chuyển. Thật khó để không nhìn thấy sân khấu của sự giá trá vốn đã lan tràn khắp cơ thể chính trị của Trung Quốc trong vài năm qua. Mùa hè năm ngoái, tôi là một trong số ít ỏi người nước ngoài (và chỉ có người Mỹ) tham dự hội nghị về “Giấc mơ Trung Hoa”, một khái niệm vốn mang đậm dấu ấn của ông Tập, tại một viện nghiên cứu trực thuộc đảng tại Bắc Kinh. Chúng tôi trải qua hai ngày mệt óc với những bài thuyết trình không ngừng của khoảng hai tá học giả đảng – nhưng gương mặt của họ băng giá, ngôn ngữ cơ thể của họ cứng như gỗ, và sự chán nản của họ là dễ thấy. Họ giả vờ tuân thủ theo thần chú mới nhất của đảng và các lãnh đạo. Nhưng rõ ràng là công tác tuyên truyền đã mất đi sức mạnh của nó, và hoàng đế thì đang cởi truồng.
Tháng 12 vừa qua, tôi trở lại Bắc Kinh trong một cuộc họp tại Trường Đảng Trung ương, học viện cao nhất của các giáo lý dẫn đường của đảng, và một lần nữa, các quan chức hàng đầu của đất nước và các chuyên gia về chính sách nước ngoài đọc phần khẩu hiệu của họ đúng nguyên văn. Một ngày, trong giờ ăn trưa tôi tới nhà sách của trường – luôn là một điểm dừng quan trọng để tôi có thể cập nhật về những gì mà các cán bộ lãnh đạo của Trung Quốc đang được giảng dạy. Hàng chồng dày trên các giá sách có từ “Chọn lọc các công trình của Lê Nin” cho tới hồi ký của Condoleezza Rice, và một cái bàn ở lối vào chất đầy các bản sao của một cuốn sách nhỏ viết bởi ông Tập về chiến dịch của mình nhằm thúc đẩy “niềm tin đại chúng” – chính là sự kết nối của đảng với đại chúng. “Cái này bán chạy không?, tôi hỏi một nhân viên. “ Ồ không”, cô trả lời, “chúng tôi cho không”. Độ dày của chồng sách dường như cho thấy nó không phải là một cuốn sách được ưa chuộng.
Thứ tư, tham nhũng, đã bắn thủng lỗ chỗ đảng, nhà nước và quân đội và cũng đang lan tràn khắp toàn xã hội Trung Quốc. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập là lâu bền và nghiêm khắc nhất từ trước tới giờ, nhưng sẽ không có chiến dịch nào có thể loại bỏ được vấn đề. Đó là một vấn đề ngoan cố, bắt rễ sâu vào hệ thống độc đảng, hệ thống ban phát bổng lộc, một nền kinh tế hoàn toàn thiếu minh bạch, với phương tiện truyền thông nằm trong tay nhà nước và sự thiếu vắng luật pháp.
Hơn nữa, chiến dịch của ông Tập lại chuyển thành không chỉ là chiến dịch chống hối lộ mà còn là một cuộc thanh trừng chọn lọc. Nhiều người trong số các mục tiêu cho tới nay là đồng minh chính trị của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Bây giờ đã 88 tuổi, ông Giang vẫn là cha đỡ đầu của nền chính trị Trung Quốc. Đuổi diệt mạng lưới bảo trợ của ông Giang ngay khi ông còn sống là rất nguy hiểm cho ông Tập, đặc biệt khi ông Tập dường như không kéo theo phe cánh trung thành của mình để chiếm giữ các vị trí quyền lực. Một vấn đề khác: Ông Tập, một người con của thế hệ lãnh đạo cách mạng đầu tiên, là một trong những “ thái tử đảng” và các mối liên kết chính trị của ông chủ yếu là mở rộng tới các thái tử đảng khác. Thế hệ thìa bạc này (có nhiều may mắn, thuận lợi từ khi sinh ra -nd) bị chửi rủa rộng rãi trong xã hội Trung Quốc nói chung.
Cuối cùng, nền kinh tế Trung Quốc – với tất cả các quan điểm phương Tây đều cho rằng nó là một người khổng lồ không thể ngăn cản được- đang mắc kẹt trong một chuỗi các bẫy hệ thống mà không có lối thoát dễ dàng. Vào tháng 11 năm 2013, ông Tập chủ trì Hội nghị thứ ba của đảng, đã công bố một gói lớn các đề xuất cải cách kinh tế nhưng cho tới giờ, chúng vẫn chỉ nằm yên trên bệ phóng. Đúng là chi tiêu tiêu dùng đã tăng lên, các hạn chế được giảm bớt, và một số các cải cách tài chính đã được đưa ra, nhưng xét toàn thể, các mục tiêu tham vọng của ông Tập đã chết yểu. Gói cải cách đã thách thức các nhóm lợi ích đầy quyền lực – chẳng hạn như các doanh nghiệp nhà nước và giới chức đảng địa phương – và họ thẳng thừng ngăn chặn việc triển khai gói này.
Năm vết nứt ngày càng hiện rõ trong sự kiểm soát của chế độ chỉ có thể được hàn gắn thông qua cải cách chính trị. Cho đến khi, và trừ khi Trung Quốc nới lỏng sự kiểm soát chính trị hà khắc của họ, nó sẽ không bao giờ trở thành một xã hội sáng tạo và “nền kinh tế tri thức” – một mục tiêu chủ chốt của các cải cách từ Hội nghị lần ba. Hệ thống chính trị đã trở thành trở ngại chính của các cải cách xã hội và kinh tế cần thiết của Trung Quốc. Nếu ông Tập và các lãnh đạo đảng không thả lỏng sự kìm kẹp, họ sẽ nhận lại chính định mệnh mà họ hy vọng tránh khỏi.
Trong các thập kỷ kể từ khi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, giới thượng tầng lãnh đạo của Trung Quốc đã bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của người anh em cộng sản khổng lồ. Hàng trăm các bài phân tích của Trung Quốc đã tập trung mổ xẻ những nguyên nhân của sự tan rã của Liên Xô.
“Giấc mơ Trung Hoa” thực sự của ông Tập là tránh vết xe đổ của Liên Xô. Chỉ vài tháng vào đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã đưa ra một bài phát biểu nội bộ phân tích sự sụp đổ của Liên Xô và than thở về sự phản bội của ông Gorbachev, cho rằng Moscow đã thiếu một “người đàn ông thực sự” để đứng lên chống lại nhà lãnh đạo cải cách cuối cùng này. Làn sóng đàn áp của ông Tập hiện nay được hiểu là đối nghịch với những “perestroika” và “glasnost” của ông Gorbachev. Thay vì mở cửa, ông Tập tăng gấp đôi sự kiểm soát với những người bất đồng chính kiến, với nền kinh tế và thậm chí các đối thủ trong đảng.
Nhưng sự chống lại và đàn áp không phải là lựa chọn duy nhất của ông Tập. Những người tiền nhiệm của ông, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, rút ra những bài học hoàn toàn khác từ sự sụp đổ của Liên Xô. Từ năm 2000 tới 2008, họ đưa ra các chính sách nhằm mở rộng hệ thống với các cải cách chính trị một cách hạn chế và cẩn trọng.
Họ tăng cường các đảng uỷ cấp địa phương và thử nghiệm bỏ phiếu cho các bí thư đảng với nhiều ứng cử viên. Họ tuyển nhiều doanh nhân và trí thức vào đảng. Họ đã mở rộng sự tham vấn với các nhóm trung lập và khiến các quy trình của Bộ chính trị trở nên minh bạch hơn. Họ cải thiện các cơ chế phản hồi trong nội bộ đảng, thực hiện nhiều tiêu chí trọng dụng nhân tài hơn trong việc đánh giá và thăng chức, và tạo ra một hệ thống đào tạo bắt buộc giữa sự nghiệp cho tất cả 45 triệu cán bộ nhà nước và đảng. Họ thực thi đúng các qui định về tuổi hưu trí và luân chuyển cán bộ, sỹ quan quân sự cứ vài năm một lần.
Trong thực tế, trong một quãng thời gian, ông Giang và ông Hồ đã tìm cách để quản lý sự thay đổi chứ không phải chống lại nó. Nhưng ông Tập thì hoàn toàn khác. Từ năm 2009 (khi ngay cả ông Hồ cởi mở trước đây, cũng đã thay đổi và bắt đầu kiểm soát), chế độ ngày càng lo lắng này đã rút lại từng cải cách nói trên (với ngoại lệ là hệ thống đào tạo cán bộ). Các cải cách này được đưa ra và đạo diễn bởi quân sư chính trị và là cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng, người nghỉ hưu năm 2008 và giờ đây đang là đối tượng tình nghi của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập – một biểu tượng thù địch khác của ông Tập với các biện pháp có thể làm dịu các căn bệnh của một hệ thống đang sụp đổ.
Một số chuyên gia cho rằng chiến thuật khắc nghiệt của ông Tập có thể thực ra là tiền đề của phương hướng cải cách và cởi mở sau này trong nhiệm kỳ của ông. Tôi không đồng ý. Nhà lãnh đạo này và chế độ này (cộng sản) coi chính trị là trò chơi có tổng bằng không: Nới lỏng kiểm soát, theo họ, là bước chắc chắn tới sự sụp đổ của hệ thống và sự hạ bệ của chính họ. Họ cũng duy trì cách nhìn nghi ngại rằng Mỹ đang hoạt động tích cực để lật đổ sự trị vì của đảng Cộng sản. Không điều nào trong số này cho thấy rằng cải cách chỉ còn cách một khúc quanh.
Chúng tôi không thể dự đoán khi nào đảng cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ, nhưng không khó gì để kết luận rằng chúng ta đang chứng kiến giai đoạn cuối cùng của nó. Đảng cộng sản Trung Quốc là chế độ cầm quyền dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau Bắc Triều Tiên), và không có đảng nào có thể thống trị mãi mãi.
Nhìn về tương lai, các nhà quan sát về Trung Quốc nên để mắt tới các công cụ kiểm soát của chế độ và những người được giao để sử dụng những công cụ này. Một số lượng lớn các công dân và đảng viên đã bỏ phiếu bằng đôi chân của họ và rời đất nước hoặc thể hiện sự không thành thật của mình bằng cách giả vờ tuân theo những mệnh lệnh của đảng.
Chúng ta nên đợi tới ngày mà các cán bộ tuyên truyền của chế độ và bộ máy an ninh nội bộ trở nên lỏng lẻo trong việc thi hành các chỉ dụ của đảng – hoặc khi họ bắt đầu đồng nhất với những người bất đồng chính kiến, giống như mật vụ Đông Đức Stasi trong phim “ The Lives of Others – Cuộc đời của những người khác” đã trở nên đồng cảm với những mục tiêu gián điệp của mình. Khi sự đồng cảm của con người bắt đầu chiến thắng sự cai trị cứng nhắc, thì ngày cuối của đảng cộng sản Trung Quốc đã thực sự bắt đầu.
Tiến sĩ Shambaugh là Giáo sư về các vấn đề quốc tế và Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington và một thành viên cao cấp tại Viện Brookings. Các cuốn sách của ông bao gồm “China’s Communist Party: Atrophy and Adaptation” và gần đây nhất “China Goes Global: The Partial Power”.
No comments:
Post a Comment