23 April 2015

Đôi Khi Khoảnh Khắc Cũng Là Thiên Thu

Nguyễn Đắc Điều

Nhân dịp dự Đại Hội Trưng Vương tại Houston và được vợ miễn cho tham dự Tiền Đại Hội nên tôi mời một số bạn đến dự bữa cơm thân mật tại nhà hàng Sinh Sinh vào trưa ngày 28 tháng 3 năm 2015. Một số bạn đáp lời mời gồm có các anh Nguyễn Quốc Thụy, Nguyễn Ngọc Vỵ, Nguyễn Mai, Nguyễn Trọng Can, Hoàng Sinh Tài, Đào Văn Khánh, Trần Đắc Thanh, Ngô Hữu Liễn và Nguyễn Chí Thiệp.
   
Bữa cơm thật vui vẻ vì tôi được no chuyện của thời thơ ấu. Nguyễn Chí Thiệp kể lại những địa danh và những nhân vật Đà Nẵng trong những tác phẩm của Lệ Hằng, chuyện nào là chuyện thật, nhân vật nào là hư cấu. Nguyễn Chí Thiệp sinh trưởng và lớn lên tại Quảng Nam và Đà Nẵng, hơn nữa anh có một thời gian dài làm Phó Tỉnh trưởng Hành chánh tỉnh Quảng Nam nên tôi tin anh là một nhân chứng đáng tin cậy. Anh Nguyễn Quốc Thụy cũng sửng sốt khi thấy anh Đào Văn Khánh còn nhớ đã gặp anh khi anh cùng Đỗ Tiến Đức đi thanh tra công tác Thanh Niên tại Đà Nẵng. Chả là, anh Đào Văn Khánh là cựu sinh viên khóa 7 QGHC cùng lớp với Đỗ Tiến Đức nhưng anh đã bỏ Hành Chánh sang học trường Luật. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Khu Hỏa xa Đà Nẵng vì vậy khi đi công tác Đỗ Tiến Đức đã “chê ngủ khách sạn” mà tới cư trú tại “tư dinh ông Trưởng Khu” để có cơ hội thăm lại bạn cũ. Nguyễn Quốc Thụy kinh ngạc vì chỉ ngủ qua có một đêm và sau đó không có dịp gặp nhau nữa mà làm sao trưa nay anh Đào Văn Khánh nhận diện ra ngay Nguyễn Quốc Thụy. Phải chăng “Đôi khi khoảnh khắc cũng là thiên thu” như câu thơ của thi sĩ Khánh Hà, một cựu sinh viên QGHC ban Cao học 3.


Rồi từ đó, chúng tôi lan man những câu chuyện của cả một đời người. Chuyện di tản, chuyện tù cải tạo, chuyện trôi nổi của kiếp người trên đất tạm dung…đến cả những chuyện tan vỡ của những người mang “giấc mộng đội đá vá trời” của một thời xa xưa. Vì thấy không khí tiệm ăn ồn ào, Nguyễn Quốc Thụy mời cả nhóm đi sang tiệm cà phê Ông Già, cùng đường, để tiếp nối câu chuyện… “mộng lớn, mộng con”.

Từ trái: NQThụy, NĐĐiều

Sau Sinh Sinh và Ông Già vợ chồng tôi còn gặp vợ chồng Nguyễn Quốc Thụy-Minh Châu tại Đại Hội Trưng Vương vào trưa ngày chủ nhật 29 tháng 3 năm 2015. Anh chị Nguyễn Quốc Thụy đã chụp hình kỷ niệm với anh “nông phu Đỗ Trung” và Phùng Mai một bức hình kỷ niệm. Vợ tôi vào vai anh nông phu để làm nền cho bài hát Giòng An Giang của các đệ TV58-65 giúp vui tại Đại Hội.

Tối ngày thứ năm 18 tháng 4 năm 2015 tôi được chị Quý-Đỗ Thanh Lâm báo tin anh Nguyễn Quốc Thụy đã từ trần vào chiều nay khi vừa nhận phòng trong chuyến đi cruise cùng vợ và bạn hữu. Vợ chồng tôi thật sửng sốt vì mới tháng trước khi gặp, anh vẫn tươi cười và không có dấu hiệu bệnh tật. Tôi nhớ đến bài thơ Miss me but let me go của Eddie Guest, thi sĩ người Mỹ gốc Anh, mà thi sĩ Trần Mông Tú đã dịch :
…"Hồn tôi giờ bay bổng
hãy buông cho tôi đi
nhớ tôi, bạn cứ nhớ
xin bạn đừng gục đầu
chỉ xin bạn nhớ lại
những gì ta có nhau”.
Anh Nguyễn Quốc Thụy kém tôi 2 tuổi nhưng lại là huynh trưởng của tôi tại Học viện QGHC, anh tốt nghiệp khóa 5 còn tôi ra trường khóa 6. Khi ra trường, anh được bác sĩ Trần Văn Thọ, Tổng Nha Thông Tin trực thuộc Phủ Tổng Thống, xin đích danh cùng với các đồng môn Trần Huỳnh Châu, Mai Trọng Thản, Tô Tiếng Nghĩa, Ngô Đức Am, Trần Đồng Tử… sang phục vụ ngành thông tin.

Anh là một sinh viên xuất sắc của lớp nhưng cũng là một người điềm đạm, môi luôn nở nụ cười, hòa nhã không hề to tiếng với bất cứ một ai trong các cuộc tranh luận. Sau Thông Tin anh sang làm tại Phủ Trung Ương Tình Báo, Thanh Niên, Cựu Chiến Binh và cuối cùng giữ chức vụ Phụ tá Tổng Trưởng Bộ Dân Vận  Chiêu Hồi đặc trách Kế Hoạch dưới thời bác sĩ Hồ Văn Châm làm Tổng trưởng.

Tôi còn nhớ, đâu vào khoảng năm 1966 khi tôi đang làm việc tại Đà Lạt, nghe tin anh Nguyễn Quốc Thụy thành lập một liên danh cùng anh Nguyễn Xuân Huệ để tranh cử chức vụ Hội trưởng Hội Cựu sinh viên QGHC với anh Nguyễn Đình Xướng, đương kim Hội trưởng. Từ Đà Lạt tôi đi xe đò về Sài Gòn và tham gia cuộc bầu cử tổ chức lần đầu tiên tại Giảng đường Học viện QGHC tọa lạc tại số 10 đường Trần Quốc Toản. Cuộc bầu cử diễn ra sôi nổi và nhờ tài vận động của anh Nguyễn Quốc Thụy mà liên danh Nguyễn Xuân Huệ đã đắc cử vẻ vang trước liên danh Nguyễn Đình Xướng, từng giữ chức Hội trưởng trong nhiều năm qua.

Sau một thời gian ngắn, anh Nguyễn Xuân Huệ đi Pháp để làm việc cho cơ quan UNESCO. Anh Nguyễn Quốc Thụy lên nắm chức Hội trưởng có các anh Nguyễn Công Khanh, Đỗ Tiến Đức, Vũ Khiêm, Mai Trọng Thản, Trần Nhật Ưng… điều hành công việc của Hội. Anh Đỗ Tiến Đức với bản tính năng động đã khởi xướng xuất bản Nguyệt san Hoài Bão là tiếng nói chính thức của Hội.

Nguyễn Quốc Thụy và các thành viên trong Ban Chấp Hành quan niệm rằng Hoài Bão ngoài công việc phổ biến tin tức nội bộ còn là nơi để phổ biến các bài viết của các cựu sinh viên QGHC liên quan đến việc thi hành các chính sách và đường lối của Chính Phủ bổ túc cho công việc nghiên cứu lý thuyết của các chuyên gia Hành Chánh thường được đăng trên Nguyệt san Nghiên Cứu Hành Chánh do Học viện QGHC chủ trương.

Nguyễn Quốc Thụy lúc nào cũng ưu tư, trầm tĩnh và với bộ óc tham mưu cùng với tầm nhìn xa, anh đã rủ Nguyễn Công Khanh và Đỗ Tiến Đức nạp đơn xin học khóa đầu tiên của Trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Khóa học gồm những học viên dân sự có chức vụ từ cấp Giám đốc trở lên và học viên quân đội có cấp bậc từ Đại tá trở lên. Anh Nguyễn Huy Hân, khóa 4 QGHC, đảm nhận vai trò Hội trưởng Hội CSV/QGHC khi các anh Thụy, Khanh và Đức dự khóa Cao Đẳng Quốc Phòng.

Thời kỳ Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trương Ương, người anh họ của anh Nguyễn Công Khanh giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thông Tin có giới thiệu Hội CSV/QGHC với Thủ tướng Kỳ để thảo luận thế Liên Hoàn giữa Hành Chánh và Quân Đội trong tư thế Quận trưởng và Phó Quận trưởng, Tỉnh Trưởng và Phó Tỉnh Trưởng… Một Liên danh ứng cử Thượng Nghị Viện và một danh sách các CSV/QGHC ứng cử Dân Biểu cũng được thiết lập, nhưng rồi… mọi giấc mộng đều tan biến vì…”Người tính không bằng Trời tính”.

Một công tác cuối cùng tôi được tham gia cùng các anh trước năm 1975 là được giới thiệu sang làm việc với ông Nguyễn Ngọc Linh khi ông được cử giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Nha Thông Tin kiêm Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã. Trong hơn 10 bạn QGHC chỉ có anh Đỗ Tiến Đức được sang  làm Giám Đốc Nha Báo Chí. Các bạn khác, trong số đó có tôi, bị Bộ Nội Vụ bác đơn xin thuyên chuyển với lý do dành ưu tiên nhân sự cho địa phương.

Anh Nguyễn Quốc Thụy được sang Mỹ định cư chậm hơn những bạn đồng môn khác vì bị đi học cải tạo “mút mùa”. Cũng với một “tầm nhìn xa” khác với các đồng môn nên anh đã sinh hoạt độc lập, ít giao tiếp với bạn hữu. Đồng môn nào tìm đến anh, anh vui vẻ đón tiếp. Trong những lần anh chị ghé về chơi Little Sài Gòn tại Nam Cali, tôi được tham dự đón tiếp anh chị khi thì tại nhà anh chị Thái Hà Chung, khi thì tại nhà anh chị Đỗ Thanh Lâm, khi thì tại hàng quán ngoài khu Bolsa… Lần cuối được tin anh bị bệnh gan, nhưng đã được chữa lành. Nay anh ra đi bất ngờ, chắc vì một chứng bệnh khác… mà  người trần mắt thịt không thể biết trước. Mỗi chúng ta đều sống theo một kịch bản của Thượng Đế đã viết riêng cho từng người, khi nào Trời gọi thì chúng ta… ra đi. Ít ra, trong 4 giai đoạn khổ lụy  sinh, lão, bệnh, tử của thế gian này, anh đã trốn được một giai đoạn đau khổ nhất của kiếp người là bệnh.

Tôi biết giờ phút này chị Minh Châu và các cháu đang đau buồn vì sự mất đi một người chồng, một người cha, nhưng chúng tôi cũng mất đi một người bạn. Nỗi buồn này chắc chúng ta không thể chia sẻ cho nhau được vì chúng ta cùng mất đi một người thân  mang tên Nguyễn Quốc Thụy. Qua một đêm không ngủ vì tin anh  mất, tôi nghiệm ra rằng trong đau khổ, phân ly tử biệt cũng có một vẻ đẹp riêng của nó. Tôi đọc lại Lời Dâng (thơ Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch): "Tôi đã được phép giã từ anh em ơi! Cầu cho tôi ra đi may mắn nhé! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường. Này đây chìa khóa tôi cài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn anh em. Chỉ xin mọi người lời tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân. Bây giờ ngày đã rạng, đèn trong xó tối lụn tắt, lệnh triệu ban rồi, thôi tôi đi”

Và lời thơ của Eddie Guest :
Nhớ tôi bạn cứ nhớ
nhưng buông ra…tôi đi.
Những khoảnh khắc tại tiệm Sinh Sinh và quán Ông Già nay đã là thiên thu. (ý thơ Khánh Hà)

NGUYỄN ĐẮC ĐIỀU
San Diego ngày 22 tháng 4 năm 2015

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...