18 March 2024

Bạn Đời Của Huynh Trưởng Nguyễn Đắc Điền Không Còn Nữa


Đọc truyện dài “Nổi trôi cơn hồng thủy” của Dung Vũ


Đỗ Trung, tác giả bài viết chính là phu nhân của Đồng môn Huynh trưởng 
Nguyễn Đắc Điều, ĐS Khoá 6, Học viện QGHC Sài Gòn

**

Đỗ Trung

Dung Vũ theo học trường Trưng Vương từ năm đệ Thất tới đệ Nhất ban B. Lên đại học tốt nghiệp dược sĩ. Sinh ra và trưởng thành trong gia đình khoa bảng. Bên nội là cụ Chánh thông gia với cụ Tuần, bên ngoại là cụ Cử. Tôi ở hoàn cảnh trái ngược, học trường tư NBT đỗ xong Trung học Đệ Nhất Cấp mới vào học Trưng Vương  ban C. Lên đại học theo học Văn khoa và đi du học tại Genève (Thụy Sỹ). Cả hai bên nội ngoại đều theo nghề thương mại, và để lại nguyên một Viện Bào Chế dược phẩm trước khi di tản.

Khi tham dự buổi tiệc gây quỹ của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam Cali, tôi được  Dung Vũ tặng cuốn truyện dài “Nổi trôi cơn hồng thủy” do Gia đình Trương Vũ xuất bản tại Nam Cal năm 2014. Cầm cuốn sách trong tay, tôi ngạc nhiên vì một người theo ngành khoa học lại viết văn mà còn có tài vẽ tranh từ hoa lan đến phong cảnh để làm phụ bản cho cuốn sách. Còn tôi, theo học khoa Nhân văn, nhưng lại suy nghĩ và hành xử theo khoa học, có lẽ tôi chỉ có khiếu về ngoại ngữ.

Về đến San Diego, tôi đã đọc cuốn “Nổi trôi cơn hồng thủy” tưởng để ru giấc ngủ, không ngờ tôi đã thức trắng đêm để đọc xong gần 300 trang sách khổ nhỏ. Vũ Dung có cái trí nhớ của một dược sĩ, có cái tâm tốt bụng nên đã kể lại những câu chuyện của thế kỷ cũ qua nhiều ngang trái, khổ đau, áp bức, bất công nhưng với một giọng văn bình dị thanh thản.

Bài viết này không phải là một bài điểm sách, lại càng không phải là một bài phê bình văn học mà chỉ là một vài cảm nghĩ của một người bạn học cùng hệ rất kính phục về tài năng của một người bạn có nhiều năng khiếu tiềm ẩn.

Cuốn “Nổi trôi cơn hồng thủy”, Dung Vũ đã kể lại những câu chuyện xẩy ra trong gia đình nội ngoại và những người gần gũi chung quanh coi như là vẽ lại cảnh xã hội Việt Nam trong một thế kỷ qua.

Vì không phải là một bài điểm sách, nên tôi chỉ xin ghi lại một vài “mảng” chính mà tôi có được nghe, nhưng chưa được chứng kiến mà qua cuốn sách Dung Vũ cho tôi những chứng liệu của bản thân hay qua lời kể lại của người thân của Dung.

Trước khi đi sâu vào những cảm nghĩ, tôi cũng xin được nói thêm Dung Vũ viết rất cẩn thận không nhận là viết hồi ký vì sợ nhớ sai ghi thiếu nên đã nấp mình trong nhân vật Ngọc và chồng trong nhân vật Hà còn bố là Trí, mẹ là Phúc. Bên nội là cụ Chánh, bên ngoại là cụ Cử Thái Bình.

Hôn nhân theo tử vi-tướng số 

14 March 2024

Hiểu Xuân Tuý Bút, thơ

 HIỂU XUÂN TÚY BÚT
                                   Gửi ACLa 

Ta còn đây, rượu nửa chai,
Thì thôi, say hộ Người ngoài chân mây.
Xuân Cali, lạnh, mưa bay,
Uống, sao sầu vẫn đong đầy lầu không.
Nhớ nhau, ly động, bềnh bồng,
Thoáng âm xưa, biển mênh mông, sóng trào.
*
Ta ngồi, bóng đổ xôn xao,
Chút  lênh đênh, của thuở nào, Người ơi…

LAN ĐÀM
2/24

**

TIẾNG HÓT ĐỨT QUÃNG

Một ngày mưa. Một chòi vắng. Một nỗi buồn mênh mông. Buồn mênh mông nhưng không bâng quơ. 

Bạn bè theo nhau ra đi. Nhìn quanh quẩn, gần ta chẳng còn ai. Giật mình. Hình như chưa khi nào tưởng tượng ra lại có một ngày như hôm nay. Mưa giăng tứ bề. Rượu độc ẩm, uống thay cho người còn lại, ở xa tắp tít mù khơi. Biết đâu một ngày nào đó cũng không còn để nhớ đến nữa. 

**

Chim muông bản năng sinh hoạt cơ động tuyệt vời. Đại bàng nương theo gió bão mà lên cao không cần đập cánh. Con sóc lao vun vút trên đỉnh hàng rào chưa rộng bằng vài đốt ngón tay. Thế mà đã có lần nhìn thấy con chim bước sẩy chân trên đỉnh hàng rào như thế. Đôi chân mất chính xác. Độ lanh lẹ không còn. Sức vóc đang trở về số âm. Nó hắt ra từng âm thanh đơn độc "chép. . . chép . . ." y như khi nó mới nở được vài ngày. Chắc hẳn nó không bao giờ còn hót líu lo được thành bài như xưa nữa. Chim đã già. Phận chim sắp hết. 

Không biết đã già chưa, nhưng sao ta thấy gần gũi với nó quá. Một thoáng đồng cảm. Cái âm thanh đứt quãng lâu lâu lại vang vọng. Có âm thanh nào buồn hơn thế. Thân chim nghiêng đi khi bước sẩy, cố gượng lấy lại thăng bằng, vậy mà đôi cánh không hề can thiệp, giúp sức. Bao năm tháng đã bay. Cánh mỏi, đã rã rời.

Không biết đã già chưa, nhưng ta vẫn còn đây như vạt rong lênh đênh trên biển. Những nỗi buồn như những ngọn sóng, cứ nối đuôi nhau xô dạt lên bãi vốn  đã loang lổ rong rêu. Cũng trên bãi cát này, một buổi sáng tinh sương, hai thân thể đầy sinh lực quấn vào nhau trong cái không gian mờ ảo. Bây giờ họ ở đâu, có còn quấn quít bên nhau tiếp tục cuộc hành trình còn lại? 

Đã là vô thường thì níu kéo làm chi, níu kéo sao được! 

Chim sẽ lại mọc cánh với lông mượt mà để bay cao bay xa về chốn thanh thản, đẹp vô ngần. 

Vài tiếng hót đứt quãng đáp tạ tình thâm gửi đến Người.

(A.C.La)

Lời răn đe của cụ Phan Chu Trinh

12 March 2024

Bài học đầu đời

Đào Duy Hòa

Đầu thập niên 1980, khi Ba Mẹ dời nhà về phía bên kia thành phố, tôi mất tất cả bạn bè thời thơ ấu, phải trải qua một thời gian dài thui thủi một mình và cảm thấy bất an như mọi thanh thiếu niên khác ở các thành phố lớn. Nhiều tháng trời trôi qua, tôi sống trong buồn thảm và tẻ nhạt, cho đến khi Ba tôi tìm cho tôi một việc làm tại siêu thị ở Dallas. Nhiệm vụ của tôi là xếp các gói hàng khách mua vào túi giấy. Thật tình mà nói, tôi chán ngắt với công việc này.

Thế rồi vào một ngày hè nóng như thiêu đốt, khi mang những túi hàng ra bãi đậu xe cho khách, ánh mắt của tôi bất chợt nhìn sang cửa hàng mua bán giày nằm bên kia đường. Cửa hàng toát lên sự tươi mát và sạch sẽ với dãy tủ kính đầy ắp những đôi giày mới toanh được sắp xếp thật điệu nghệ và những tấm sáo che nắng … Tôi tự nhủ làm việc trong cửa hàng có máy lạnh đó hẳn là mát mẻ và thoải mái lắm, và quyết định tìm cơ hội thử nghiệm.

Vài ngày sau, bảnh bao trong bộ đồ đẹp nhất thời ấy, tôi thu hết can đảm để đẩy cánh cửa của cửa hàng giày và bước vào. Một người đàn ông cao, ốm, mái tóc hoa râm, chào đón tôi với nụ cười tươi trên môi. Ông mang đôi mắt kính gọng màu bạc, mặc bộ y phục lịch sự xanh nước biển, chiếc cà vạt trang nhã và đôi giày bóng loáng, trông đẹp không chê vào đâu được.

Ông lên tiếng hỏi tôi: “Cháu định đến tìm việc làm đấy à?” “Thưa bác, đúng vậy ạ” tôi lễ phép đáp lại, lòng tự hỏi tại sao bác ấy lại biết ý định của tôi. Rồi bác nói tiếp: “Thấy cháu không nhìn vào tủ giầy, bác thử đọc suy nghĩ của cháu và đoán rằng cháu muốn tìm việc làm. Bác tên là John Hill, chủ kiêm quản lý cửa hàng. Hiện tại, cửa hàng đang cần tuyển một nhân viên bán hàng. Cháu có thích giao tiếp với khách hàng không?”

Câu hỏi của bác Hill khiến tôi giật mình. Tôi có thể đếm trên đầu ngón tay số bạn tôi mới quen từ khi dọn đến chỗ ở mới. Nhìn vào đôi mắt bác, tôi đáp không mấy tự tin: “Dạ … cháu nghĩ là cháu thích.” Đặt tay lên vai tôi, bác nói: “Đó chưa phải là câu trả lời thích đáng. Nghệ thuật bán hàng bao hàm 50% làm cho khách hàng cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Nếu họ nhận thấy người bán không quan tâm đến khách hàng thì họ sẽ phản ứng bất lợi đó. Họ sẽ bỏ đi mà không mua món hàng nào. Nếu cháu tiếp đón họ mà đầu óc cháu ở tận đâu đâu, họ sẽ quay gót rời khỏi cửa hàng trước khi cháu kịp nhận ra điều đó!”

Kinh nghiệm bán hàng trên thoát ra từ miệng bác một cách tự nhiên như dòng suối róc rách chảy. Điều này khiến tôi tin rằng tôi có thể học hỏi rất nhiều từ bác, một người dường như quan tâm và thương yêu tất cả mọi người.

Tôi không rõ vì lý do gì mà bác Hill tuyển tôi vào làm ngay buổi chiều hôm đó. Ngày làm việc đầu tiên, tôi nghe bác giảng giải thật chu đáo những việc cần làm và những điều nên tránh. Đưa tay chỉ về hướng vài cửa hàng giầy khác cùng nằm trên đại lộ náo nhiệt, bác Hill nói: “Cửa hàng của bác hoạt động không giống các cửa hàng khác. Khách hàng đã cất công đến với cửa hàng, trách nhiệm của chúng ta phải “bù đắp” cho họ một thứ gì đó. Cháu có thể làm điều đó không?”

Một lần nữa tôi lại bị bất ngờ. Tôi hỏi ngược lại bác: “Và nếu chúng ta không đáp ứng điều mà khách mong muốn?” Qua nét mặt của bác, tôi có cảm giác như mình là kẻ phạm thượng khi đặt ra câu hỏi ‘phản công’. Không một chút do dự, bác đáp: “Đừng bao giờ nói với khách điều đó! Hãy tỏ rõ cho họ biết cháu có thể giới thiệu, đề xuất những gì.” “Nhưng nếu …”, tôi chưa dứt hết câu thì bác ngắt lời: “Tất nhiên chúng ta không thể luôn ban tặng cho khách. Nhưng cháu có thể đề xuất điều gì đó có lợi cho họ. Còn chấp nhận hay không là quyền của họ. Nếu đứng trước mặt họ mà mình không thể đề xuất vài lựa chọn, họ sẽ tìm nơi khác thôi.” Tôi luôn cảm nhận, trong ánh mắt của bác, có điều gì đó mẫn cảm, thôi thúc tính tò mò muốn khám phá.

Rồi bác đưa tôi đi xem một vòng cửa hàng. Bác giải thích cách thức trả tiền lương: tiền lương được trả theo giờ, cùng với tỷ lệ phần trăm trên doanh số bán giầy. Ngoài ra người bán hàng còn được hưởng hoa hồng về dịch vụ đánh bóng giày và bán phụ kiện. Tiếp đón tôi như một khách hàng mới, bác thân mật siết chặt tay tôi: “Xin chào mừng đến cửa hàng giầy của chúng tôi.”

Bác Hill đưa tôi đến bên cái ghế rồi ấn nhẹ tôi ngồi lên, và trước khi tôi kịp phản ứng, bác tháo đôi giày tôi ra, rồi bảo: “Cháu đứng lên mặt tấm gỗ này đi.” Sau đó bác đo kích thước hai chân tôi. Khi ngồi trở lại trên ghế, tôi hỏi: “Thế bác không hỏi cháu yêu cầu gì sao?”. Bác Hill đáp: “Có chứ, ngay bây giờ đây, khi bác đã có đủ số đo của cháu. Hãy nhìn xem, hiện cháu đang thoải mái ngồi trên ghế nệm êm ái, chân không mang giày. Cháu sẽ không thể ra đi với đôi chân trần. Chính lúc này đây, bác hỏi cháu thích loại giầy nào.” Tôi nói: “Tại sao bác không hỏi cỡ giày của cháu?” Bác đưa ngón tay trỏ ra dấu và đáp: “Đừng bao giờ hỏi cỡ giày của khách! Điều nhất thiết phải làm là đo kích cỡ chân của khách vì điều đó thể hiện chúng ta biết cách làm việc và khiến cho khách hàng tín nhiệm hơn.”

Lòng tin, sự tín nhiệm. Đây thật sự không phải là điểm mạnh của tôi. Nhưng hiển nhiên bác Hill đang thể hiện vai trò người bán hàng, và tôi đang học cách bác biểu lộ sự tự tin và tạo sự tín nhiệm nơi khách. Nhiều ngày trôi qua, và mỗi khi có mặt ở cửa hàng, tôi không rời bác dù chỉ một bước. Tôi nhìn và học ở bác cách làm vui lòng những vị khách cau có và khó tính nhất bằng nghệ thuật nói chuyện bông đùa thật duyên dáng.

Một ngày kia, tôi quan sát bác chăm sóc 2 phụ nữ đến mua giày. Bác Hill không chỉ mang ra những đôi giày khách yêu cầu, mà cả nhiều đôi khác nữa. Trong khi 2 vị khách nữ thử giày, bác Hill nhìn vào tấm kính to và nói: “Quý bà có thấy nó vừa vặn và đẹp như thế nào không?”

Rồi bác Hill sắp các đôi giày còn lại thành hình bán nguyệt trước mặt khách và đặt kế bên mỗi đôi một túi đựng giầy bằng giấy. Ai biết được 2 vị khách kia muốn gì khi họ bước chân vào cửa hàng? Nhưng khi họ rời cửa hàng, mỗi người cầm trong tay nhiều đôi giày trong 2 túi giấy to… với nụ cười hài lòng nở trên môi.

Quay sang tôi, Bác Hill nói: “Nếu cháu chỉ bán được cho khách món hàng họ muốn có nghĩa là cháu không bán được gì cả. Hãy mang ra cho khách những gì họ muốn, giới thiệu thêm với họ  những sản phẩm đi kèm và các mặt hàng đặc sắc khác. Điều này vừa tốt cho cửa hàng, vừa tăng thêm hoa hồng và tín nhiệm cho cháu. Bán được hàng tự khắc sẽ tạo sự tự tin nơi cháu. Và một khi đã có sự tự tin, cháu sẽ giữ và mang nó theo suốt đời. Số cơ hội cháu vận dụng sự tự tin nhiều đến độ cháu không thể tưởng tượng nổi, bởi điều mà cháu làm được trong đời một phần là từ bán hàng mà ra.”

Chẳng bao lâu sau, đến lượt tôi phục vụ khách hàng đầu tiên. Khỏi phải nói tôi đã hồi hộp như thế nào. Tuy nhiên sự hỗ trợ và tư vấn nhiệt tình của bác Hill đã giúp tôi phần nào vững tâm. Bác Hill nói: “Cháu hãy đối xử với khách theo cách mà cháu muốn người khác đối xử với cháu.”

Tôi mời bà khách và con gái của bà ngồi ghế, lấy số đo đôi chân họ và giới thiệu nhiều đôi giày da lộn. Rồi tôi đề nghị tiếp một sản phẩm không thấm nước và một bàn chải cước để bảo trì da. Thật bất ngờ là bà khách đã mua tất cả. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết bác Hill hay tôi là người vui sướng nhất trong lần bán hàng đầu tiên này.

Cùng với thời gian, tôi trở thành người bán hàng thành thạo mà phần lớn là nhờ học theo gương của bác Hill. Không có ngày nào mà tôi không học được một vài nghệ thuật bán hàng mới mẻ từ bác.

Nhiều tháng, rồi nhiều năm trôi qua, trong mắt tôi, bác Hill đã thật sự trở thành người bác chứ không phải là ông chủ hay người quản lý. Những lời khuyên của bác đều có liên quan đến một hình thái nào đó trong cuộc sống của tôi, trong định hướng nghề nghiệp và cả đời sống tình cảm và tinh thần của tôi. Một hôm, khi chỉ có 2 người ở cửa hàng, tôi nói với bác: “Cháu mong muốn Ba Mẹ cháu cũng giống như bác.” Bác nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi hiện ra sau đôi kính. Bác đã nhiều lần gặp Ba Mẹ tôi, những người mà bác rất quý mến. Bác hỏi: “Tại sao?” Tôi đáp: “Với bác, cháu có thể nói đủ thứ chuyện mà bác không hề phật ý hay hờn giận. Với Ba Mẹ cháu thì không thể.”

Nhìn sang nơi khác hồi lâu, bác hướng ánh mắt vào mắt tôi rồi nói: “Thật là khó để có thể cùng lúc đóng cả 2 vai trò vừa là cha mẹ, vừa là bạn bè. Cho nên cháu đừng quá nghiêm khắc với  Ba Mẹ, những người mà bác đánh giá là rất tuyệt vời.”

Bác Hill nói rất đúng. Dưới sự giám hộ của bác, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều, nhưng ngược lại, tôi không thừa hưởng được gì nhiều từ Ba Mẹ tôi. Nếu tôi hành động như một người trưởng thành, có lẽ Ba Mẹ tôi cũng sẽ xử sự với tôi theo cách đó. Vài ngày sau, tôi tự nguyện ở nhà với em gái tôi để cho Ba Mẹ ra ngoài, và tôi sẽ không bao giờ quên vẻ hài lòng biểu hiện trên gương mặt của Ba Mẹ tôi vào lúc đó.

Tôi tiếp tục làm việc tại cửa hàng của bác Hill cho đến năm tôi vào đại học. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến rồi có ngày tôi phải từ giã cửa hàng… cho đến giây phút tôi phải nói lời từ biệt. Hôm ấy khi mọi người đã ra về, tôi đến gần bác Hill, cổ họng co thắt lại: “Bác đã dạy cháu không biết bao nhiêu điều tốt đẹp mà kể cho hết. Cháu sẽ mãi mãi nhớ đến bác và cũng không bao giờ quên ơn bác.” Gương mặt bỗng ửng đỏ và đôi mắt rưng rưng, cảm động, bác Hill đáp: “Bác có làm gì đâu. Tất cả là do cháu đã có nhiều cố gắng và phấn đấu đó chớ.” Tôi đáp lại: “Nhưng chính bác là người đã dạy dỗ cháu cơ mà.” Bác Hill khiêm tốn: “Ở vai trò của bác, bất cứ ai cũng sẽ làm như thế, như Ba Mẹ cháu, thầy cô cháu, mục sư của cháu. Đơn giản là cháu đã chịu khó lắng nghe. Sau đó mọi việc đều bắt đầu từ cháu.”

Tôi suy nghĩ hồi lâu điều mà bác vừa nói. Từ ngày tôi vào làm việc tại cửa hàng giày của bác, tôi đã tham gia đóng vở kịch của lớp cuối cấp và nhiều hoạt động của tuổi trẻ. Nhờ đó, tôi có thêm rất nhiều bạn mới.

Bạn hãy tự tin lên. Điều này sẽ là nguồn cảm hứng cho những người chung quanh tự tin theo. Đừng nói mà hãy thể hiện. Bạn hãy cư xử với mọi người theo cách bạn muốn mọi người cư xử với bạn. Hãy luôn ban tặng hơn cả những gì  mọi người mong muốn.

Từ đó, các nguyên tắc được tôi áp dụng triệt để trong mọi mặt của cuộc sống, từ việc làm, gia đình và xã hội.

Khi dạy tôi nghệ thuật bán giầy, bác Hill đã truyền đạt cho tôi một điều rất quan trọng, đó là bí quyết của cuộc sống. Chúng ta không thể luôn có thứ mà mọi người cần, nhưng chúng ta luôn có vài món dự trữ. Nếu chúng ta không có một đôi giầy khác hay một hộp xi đánh giày, thì ít ra chúng ta cũng có tấm lòng thể hiện qua sự ân cần và cách chăm sóc khách nhiệt tình.

 ĐDH
*Tranh: Thắm Nguyễn

10 March 2024

Dự ngôn mới nhất của Parker về năm 2024

Thảo Hương

Tam chiến có khác biệt với chiến tranh truyền thống không? Ngân hàng có gặp nguy hiểm không? Iran chỉ là một thùng thuốc súng… Liệu cuộc đại chiến Armageddon được tiên tri trong Kinh Thánh có kết thúc loài người không? 

Hôm nay chúng ta hãy nói về một chủ đề nóng hiện nay, Thế chiến thứ ba.

Năm mới vừa qua, một đoạn video mới của nhà tiên tri người Anh Craig Hamilton-Parker đã được lan truyền trên Internet. Parker nói trong đoạn phim rằng Thế chiến thứ ba kỳ thực đã bắt đầu. Có thực sự vậy không?

Nội dung chính

- Thế chiến đã bắt đầu như thế nào?

- Chiến tranh trong thời đại Internet

- Iran là một thùng thuốc súng

- Ai có thể ngăn chặn thế chiến thứ ba?

- Dự ngôn của Kremna

- Thế chiến thứ ba trong Kinh Thánh

- Thế chiến đã bắt đầu như thế nào?

Parker là một nhà ngoại cảm. Năm 2016, ông trở nên nổi tiếng khi dự đoán thành công việc Trump đắc cử tổng thống Mỹ và nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Sau đó, ông lại nổi tiếng nhờ dự ngôn chính xác về loại virus Corona mới của ĐCSTQ, và được xã hội phương Tây gọi là “Nostradamus mới”. Nostradamus là nhà tiên tri cổ đại nổi tiếng nhất ở phương Tây.

Trước đây chúng ta đã có một tập giới thiệu dự ngôn của Parker vào tháng 11 năm ngoái về những sự kiện trọng đại trong năm 2024. Trong đó ông nói rằng Tập Cận Bình sẽ đổ bệnh, sau đó tình hình chính trị Trung Quốc sẽ bất ổn, chính quyền sẽ sụp đổ và Trung Quốc sẽ chia rẽ thành nhiều quốc gia nhỏ như châu Âu hiện tại.

Vừa qua năm mới, đúng như dự đoán, tin tức bắt đầu lan truyền trên mạng rằng Tập Cận Bình bị bệnh nặng. Chúng ta vẫn chưa biết tin tức này có mấy phần thật mấy phần giả, nhưng bằng cách này, Parker đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài Trung Quốc.

Mặc dù đã xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, xung đột Israel-Palestine và vấn đề eo biển Đài Loan trong hai năm qua, nhưng dường như không có cuộc chiến nào trong số đó cấu thành sự uy hiếp cho toàn thế giới, vậy thì tại sao Parker nói thế chiến thứ ba đã bắt đầu?

Trước tiên chúng ta hãy xem Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai bắt đầu như thế nào. Thế chiến thứ nhất bắt đầu bằng vụ ám sát Archduke Ferdinand, thái tử của Đế quốc Áo-Hung. Thái tử bị ám sát trong chuyến thăm Serbia và chết trên đường phố. Đế quốc Áo-Hung không thể nuốt nổi nỗi khuất nhục này, đã tuyên chiến với Serbia một tháng sau đó. Tuy nhiên, dù là một nước nhỏ nhưng lại được hậu thuẫn bởi một người anh lớn, đó là nước Nga. Bằng cách này, hai cường quốc châu Âu bắt đầu giao chiến với nhau, các quốc gia khác chọn phe và gia nhập cuộc chiến, và Thế chiến thứ nhất chính thức nổ ra.

Vậy Thế chiến thứ hai đã bắt đầu như thế nào? Hiện tại người ta thường tin rằng nó đã bắt đầu với cuộc xâm lược Ba Lan của Đức vào ngày 1 tháng 9 năm 1939. Ba ngày sau, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Tuy nhiên, quân Đức không thèm đếm xỉa, tiếp tục đánh chiếm các thành phố chiến lược, nhanh chóng chiếm đóng phần lớn châu Âu, đồng thời còn thu hút được hai đồng minh là Ý và Nhật. Sự tình trải qua hai năm lên men, đến năm 1941, Đức hủy hiệp ước, xâm lược Liên Xô, Nhật tấn công Trân Châu Cảng và công khai khiêu chiến với Mỹ, Thế chiến thứ hai bùng nổ toàn diện.

Vì vậy Parker nói, khi thái tử Ferdinand bị ám sát, không ai có thể tưởng tượng rằng đây sẽ là sự khởi đầu của Thế chiến thứ nhất. Khi Đức nuốt chửng Ba Lan, không ai có thể tưởng tượng được rằng điều này sẽ châm ngòi chiến hỏa toàn cầu. Vì vậy, thế chiến thứ ba sẽ không bắt đầu bằng việc mọi người đánh nhau, mà sẽ bắt đầu từ một sự kiện nhỏ. Cá nhân ông cảm thấy có thể tính từ cuộc chiến tranh Israel-Palestine ngày 23/10, hoặc có lẽ, từ khi virus corona mới bắt đầu lan rộng.

Chiến tranh trong thời đại Internet

01 March 2024

Những Ngày Cuối Cùng Của Miền Nam Việt Nam Tự Do

CHUYỆN CHƯA KỂ: 
TT THIỆU RỜI SÀI GÒN NHƯ THẾ NÀO ?

- Nguyễn Tiến Hưng

Sau khi Tổng thống Thiệu từ chức, tân Tổng thống Hương vẫn để ông lưu lại trong Dinh Độc Lập. Nhưng rồi có nhiều áp lực đòi ông Thiệu phải rời khỏi Việt Nam, nếu không thì phía Cộng sản không chịu điều đình với “một chính phủ Thiệu không Thiệu.” Nhơn dịp có tang lễ Tổng thống Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Đại sứ Martin báo cáo về Washington:

  - Ông Hương nói ông ta sẽ đề cử cả hai ông Thiệu và Khiêm làm Đại sứ Lưu động và gửi hai người sang Đài Loan mệnh danh là một phái đoàn đại diện ông để phúng điếu tang lễ ông Tưởng Giới Thạch. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện đã được sắp xếp với phía Đài Loan.

Thực ra, ngoài việc ông Thiệu phải ra đi để dễ hơn cho việc đàm phán về một giải pháp chính trị, Tổng thống Hương còn lo ngại cho sự an toàn của ông. Ông Đại sứ thêm:

  - Tổng thống Hương nói với tôi là ông ta lo ngại cho sự an toàn của cựu Tổng thống Thiệu… Bởi vậy ông Hương yêu cầu chúng ta giúp cho ông Thiệu ra đi thật kín đáo và sớm nhứt có thể.

Ngoài những mưu toan nguy hiểm cho ông Thiệu từ các phe phái, Tổng thống Hương còn để ý tới một khía cạnh cá nhân: Sự bất hòa giữa hai tướng lãnh Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh. Sự bất hòa đã có mầm mống từ lâu và mọi người đều biết. Như chúng tôi đã đề cập tới trong Chương 11, chính ông Thiệu đã cố vấn Tổng thống Hương là chớ đề cử Tướng Minh làm Thủ tướng vì sẽ rất nguy hiểm. Việc ông Minh không ưa gì ông Thiệu thì cũng đã công khai. Bởi vậy vào giờ chót, Tổng thống Hương muốn đưa ông Thiệu ra khỏi Việt Nam trước khi ông Minh lên nắm chính quyền. Ông Martin viết:

   - Tổng thống Hương nhứt quyết là ông Thiệu phải ra khỏi nước đã rồi lúc đó ông ấy mới đi tới quyết định cuối cùng là trao quyền cho ông Big Minh.

Đó là về sự cần thiết và thời điểm ra đi, nhưng còn cách ra đi thì làm sao cho được an toàn?

Chi tiết chuyến đi của hai ông Thiệu và Khiêm từ Bộ Tổng Tham Mưu ra phi trường Tân Sơn Nhứt thì nhân viên CIA là Frank Snepp đã kể lại và chúng tôi cũng có đề cập tới trong cuốn KĐMTC. Ông Snepp và một nhân viên khác là Joe đã giấu vũ khí dưới chỗ ngồi trong xe vì lo sợ tái diễn vụ sát hại như trường hợp hai anh em Tổng thống Diệm.

Mới đây, câu chuyện từ lúc Tổng thống Thiệu rời bỏ Dinh Độc Lập tới Bộ TTM và ra phi trường được Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận kể lại rất chi tiết. Ông Phận là một trong đoàn tùy tùng tám người (cuối cùng chỉ có bảy người) của Tổng thống Thiệu và bốn người của Thủ tướng Khiêm được Tổng thống Hương cho đi tháp tùng theo như yêu cầu của ông Thiệu. Diễn biến có thể tóm tắt như sau:

  - Vào khoảng 7 giờ 30 tối, Tổng Thống Thiệu thay bộ đồ bốn túi trong phòng ngủ rồi qua phòng nhỏ bên cạnh nghiêng đầu qua cửa sổ nhìn xuống. Dưới sân, bên cạnh thềm tam cấp một xe Mercedes màu xanh đậm đã đậu sẵn. Người lái xe là Đại tá Nhan Văn Thiệt. Thấy mọi việc đã sẵn sàng, Tổng thống Thiệu vội vã rút trong hộc tủ cây Browning đã lắp đạn, ông khóa chốt an toàn rồi cho vào túi áo. Ông xuống lầu trệt bằng thang máy. Khi cánh cửa mở ra thì Đại tá Trần Thanh Điền đã túc trực tại đó. Ông vừa bước xuống bậc tam cấp thì lại cũng vào lúc có hai binh sĩ (tên là Sanh và Khình) xuất hiện làm ông dựt mình. Thực ra là họ chỉ đến để đổi gác. Ông Thiệu và ông Điền lanh lẹ bước vào xe. Đại tá Điền ngồi bên phải của Tổng thống Thiệu ở băng sau. Như vậy là ông Điền đã ngồi vào chỗ chánh thức của Tổng thống và chịu làm Lê Lai cứu Chúa! 

Vừa ngồi vào xe, ông Thiệu hỏi:

29 February 2024

Sang Năm Quay Lại ! cười tí tỉnh

(Theo như người thuật lại: Mẩu truyện dưới đây là việc có thật)

Vừa nghe gọi đến tên, hai vợ chồng trẻ tranh nhau lao lên đứng trước mặt bà Thẩm phán, bà ngó nhìn chúng có vẻ hồn nhiên, vô lo vô nghĩ, không hiểu tại sao mới có một đứa con mà đã đòi ly hôn.

Bà Thẩm phán nói: – Tôi đã đọc qua đơn xin ly hôn của chị rồi, nay anh chị trình bày lại xem sao?.
Hai đứa lại tranh nhau nói, giọng bà Thẩm phán cắt ngang:
– Từ từ, chị trình bày trước, bà Thẩm phán chỉ vào cô gái.|
– Thưa bà, cháu không thể sống được với nó, chả nghề ngỗng gì lại rượu chè, lô đề cờ bạc, cháu làm lương công nhân, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ nuôi con, thế mà nó lại còn vác cả đồ nhà đi bán, rặt ăn bám…

Anh con trai nghe thế cướp lời:
– Tao ăn bám là của cha mẹ tao, chứ tao không ăn bám gì của mày nhé!.|
Bà Thẩm phán hỏi anh con trai:
– Thế chẳng nhẽ anh ăn bám của ông bà già anh đến lúc chết à!
Anh con trai câm tịt. Chả là nhà con một, được cưng chiều từ nhỏ quen rồi nên ông bà đành nuôi thằng con báo cô.

Sau một hồi hai bên lời qua tiếng lại, bà Thẩm phán hỏi:
– Hai đứa vẫn quyết tâm ly hôn à,
Cô gái khẳng định: Dạ cháu quyết từ lâu rồi bà ạ.
Bà Thẩm phán quay sang anh con trai hỏi, thế còn anh?.
Anh con trai phát khùng lên:
– Cháu sợ gì nó chứ! Ly thì ly, đây chả cần đâu nhé!

Bà Thẩm phán lại hỏi:
– Thế còn con cái giờ thì tính sao?.
Cô gái nghe thế liền cướp lời:
– Cháu nuôi con. Nó trên răng dưới dế, nuôi được ai, chắc lại tống cho ông bà nội thôi.

Anh con trai lại gân cố lên nói:
– Tao làm thế nào thì mặc tao, con tao thì do tao nuôi.
Bà Thẩm phán phì cười:
– Ơ hay, sao hai đứa lại cãi nhau ở đây?.
Anh con trai lại cãi lý:
– Cháu mặc kệ, phải chia cho đồng đều.

Bà Thẩm phán thầm nghỉ:
– Hai đứa nhũng nhẵng như chó con chắc cãi nhau suốt ngày, được cái nết chung là đều quý con. Bà Thẩm phán bí rị, chưa có giải pháp nào cho tình huống này.

Bỗng cô gái quay sang quát chồng:
– Đi về, sang năm quay lại.
Bà Thẩm phán nghe thế ngơ ngác hỏi:
– Thế này là thế nào? Sao lại sang năm quay lại?
Cô gái với nét mặt hầm hầm nói:
– Đi về đẻ thêm một đứa nữa, để sang năm ra Tòa cho dễ chia…

Nguồn: https://qghc.wordpress.com/2024/02/24/sang-nam-tro-lai/
(Nguyễn Đồng D. sưu tầm)

28 February 2024

Kinh Chiều, thơ


Người Bạn Trung Thành

Người xưa thường nói : "Con không chê cha mẹ khó, chó không bỏ chủ nghèo"...

Nơi góc chợ của một thị trấn nhỏ miền biên giới gần đây người ta bỗng thấy xuất hiện một người hành khất tiều tụy, rách rưới bên một con chó xơ xác.

Người ăn xin sống lay lắt qua ngày với những của bố thí. Chẳng ai biết lão từ đâu tới, cũng không ai hiểu vì sao lão lại ra nông nỗi này ?...

Rồi người ta bàn tán : 

    - Tại sao lão lại không vất quách con chó đi cho rảnh, thân lão còn không lo nổi huống chi lại có thêm một con vật.

Ngày lại qua ngày, người ta cũng quen với hình ảnh một người một chó nơi góc chợ bẩn thỉu. Kẻ qua đường mỗi khi rủ lòng vứt cho những đồng tiền lẻ. Mỗi lần như thế con chó lại tỏ ra nhanh nhẹn chạy ra gặm lấy đồng tiền đem về cho chủ. Còn có người chỉ vì tò mò ném ra một mẩu bánh mỳ, nó cũng trân trọng dùng cái mõm gặm đưa lại. Còn người xin ăn thong thả bẻ đôi mẩu bánh đưa cho nó một nửa. Cứ như thế một người một vật sống lần nữa qua ngày…

Rồi một hôm, có ông thợ dệt thổ cẩm dừng lại chăm chú nhìn con chó, có vẻ thích thú bèn lên tiếng :

    - Này ông lão, ông bán cho tôi con chó này nhá.

Nói xong người thợ rút ra 30 đồng và tự cho rằng: mình cũng đã làm một việc tốt không kém ai.

Ông già ngước đôi mắt đục về phía người thợ nói đứt đoạn :

    - Ta cũng không còn sống được bao lâu nữa, anh hãy đem nó về mà nuôi ! 

Ông nhẹ nhàng với tay vuốt lên đầu con chó giọng chua xót : 

    - Nó là con vật có nghĩa, có tình.

Người thợ tìm được sợi dây mang đến. Tay ông già run run luồn dây quanh cổ con chó, nó bỗng hạ thấp hai chân trước như thể cầu cứu van xin. Ông vỗ nhẹ :

    - Không hề gì đâu, anh bạn nhỏ ạ ! Ta vẫn còn có mọi người đấy thôi. 

Xong rồi ông đẩy nó về phía người thợ dứt tình : 

    - Thôi ngoan nào !.

Con chó cong lưng cưỡng lại, ông phải ôm nó vào lòng cất giọng rưng rưng :

    - Ta không thể sống cùng con được bao lâu nữa đâu, hãy đi đi…

Khó khăn lắm người thợ cũng đem được con chó về…

Hai ngày sau, người ta lại thấy người thợ đem con chó đến với ông già khốn khổ. Nó bây giờ có vẻ bảnh chọe, bóng mượt, dưới cổ còn thắt chiếc nơ làm dáng. Người thợ nói với ông lão cùng với mọi người xung quanh :

    - Tôi xin trả lại con chó này cho ông vì suốt hai ngày nay nó không chịu ăn uống gì cả mặc dù nhà tôi không thiếu, có lẽ nó nhớ ông !? 

Rồi anh ta thừa nhận : 

    - Đúng là một con chó trung nghĩa.

Người thợ vừa lỏng tay, con chó phóng ra nhào vào lòng người ăn xin, nồng nhiệt liếm lên đôi bàn tay lạnh giá với cái đuôi mừng rỡ khôn cùng. Ông già vuốt ve nó như đã từ lâu không gặp đồng thời rút mấy đồng bạc trả lại cho người thợ. Người thợ xua tay :

    - Thôi, thôi coi như tôi tặng ông và cũng như tôi đã mua rồi, nếu không làm sao tôi biết được một con chó tốt đến thế ! 

Anh kết thúc : 

    - Coi như ta đã sòng phẳng với nhau rồi nhá…

Mùa đông tới, khắp vùng biên giới gió rít từng cơn, lá vàng cuộn thành đống nơi góc chợ.

Buổi sáng ngày đó người ta không còn thấy hình ảnh quen thuộc. Con chó nằm phủ phục bên đống chăn cũ nát. Người ăn xin đã chết đêm hôm qua. Thảo nào người đi chợ sớm nghe thấy tiếng con chó tru lên từng hồi, rợn cả người.

Nhà chức trách thị trấn cho người đến giải quyết sự việc với cái xác vô chủ. Lục tìm trong ông họ không thấy có thứ gì ngoài một tấm thẻ có từ thời Pháp bị cháy sém chỉ còn rõ con số 1938…và 30 đồng.

Con chó ngồi đó im lặng nhìn người ta ghép vội mấy miếng gỗ tạp làm một cái gọi là quan tài. Xong xuôi họ khiêng cái xác lạnh ngắt ép xuống. Chiếc quan tài được buộc vào giữa hai cây gỗ như một cái thang, hai đầu thang quét xuống đất.

Con bò già lững thững kéo chiếc xe quẹt đi, ngay lập tức con chó vùng dậy theo sau. Nhìn đám ma người xấu số và thấy hành động của một con chó bất giác có một nhúm người đi theo sau đưa đám

**

Một đám ma không có tiếng khóc, đằng sau chiếc quan tài là một con chó xám, sau nữa là một nhúm người im lặng.

Những con người đi sau như mắc nợ với người nằm trong quan tài, món nợ thật dễ trả nhưng không bao giờ họ làm được.

Bên nấm mồ vô chủ mấy ngày sau người ta vẫn thấy con chó nằm phủ phục bất động, đầu ghếch lên nấm đất mới. Bên cạnh nấm mồ, con chó cũng kịp bới một ô trũng hình lòng chảo. Hai ngày sau nó chết dưới vũng đất ấy.

Đám đất bên vệ đường cứ to lên mãi. Người qua đường, kẻ đi chợ không ai bảo ai, người hòn đất, người hòn gạch, hòn đá ven đường ! Người đời trả nợ cho ông. Và người ta lan truyền rằng : Đắp một nắm đất lên đó thì làm việc gì cũng gặp may mắn. Không biết ai đã đặt tên cho là : "Đất Nghĩa"

Một ngày nào đó, người bạn tốt nhất của ta cũng có thể bỏ mặc ta trong cơn hoạn nạn. Con cái ta dầy công nuôi nấng chăm chút cũng sẽ trở thành kẻ vong ơn bội nghĩa. Con người lâu nay ta gửi gắm nâng đỡ thành sự nghiệp cũng sẽ thơ ơ lạnh nhạt khi ta thất thế. Sự nghiệp của ta một ngày nào đó cũng có thể trở thành mây khói, ta thành một kẻ cô đơn không còn ai cậy nhờ chia sẻ.

Nhưng đối với con chó thì Không ! Cho dù ta có vinh quang, sống trong giầu sang phú quí hay ta trở thành một kẻ khốn khổ, nó vẫn là người bạn gần gũi nhất, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi mà cùng ta đi tới tận cùng trời cuối đất. Khi trở về dù trắng tay nó vẫn nồng nàn liếm lên bàn tay ta nóng hổi. Trên đời này có người bạn nào tốt và trung thành hơn thế ?

(N. Nguyễn sưu tầm)

25 February 2024

Ngô Minh Sơn ĐS14 không còn nữa


Để suy gẫm

 Có đâu tôi lại hối hận vì đã yêu

Je ne pourrais me repentir d'avoir aimé

(Graham Greene).

23 February 2024

Xã Hội Sa Đoạ

TTR: Tập Hồi Ký có bài trích dưới đây, xuất bản tại California năm 1990, nhưng tác giả viết ra có thể sớm hơn nhiều. Những suy nghĩ của ông về cuộc sống trong xã hội Việt Nam - thời kỳ đổi mới, thập niên 80 - đã được diễn tả thấu đáo nhưng súc tích. Đọc là thấy, rõ ràng, thẳng thắn, không kiêng nể, không úp mở rào đón. Những nhà văn uy dũng như ông dưới chế dộ cộng sản không có bao nhiêu, đáng buồn. Còn buồn hơn nữa là thảm trạng mà ông viết ra từ trong lòng chế độ đến nay sau gần 50 năm, vẫn nguyên vẹn, nhiều khi mức tệ hại còn tăng lên gấp trăm lần, nghìn lần. Mức tham nhũng xưa kia tính theo cây vàng, nghìn đô-la nay có thể là trăm cây vàng, từng triệu đô-la. Không cần dẫn chứng, cứ theo dõi tin tức luồng chính trong nước cũng đã đủ.

Cây cỏ cộng sản đã được gieo trồng chung quanh hang Pắc-bó hơn nửa thế kỷ trước đã lan tràn bao phủ khắp đất nước. Còn hy vọng nào chăng?

**

 Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê do Nxb Văn Nghệ in lần đầu ở California năm 1990 là bản nguyên do gia đình cố học giả gửi sang. Sau đó với cao trào “Đổi Mới”, trong nước lần lượt tái bản các sách cũ của Nguyễn Hiến Lê và cả hồi ký. Tuy nhiên bản in của Nxb Hồng Đức, Nxb Văn Hoá-Thông Tin và Nxb Văn Học là bản bị kiểm duyệt. Nhiều chương hồi ký bị cắt bỏ như chương Xã Hội Sa Đọa.

Đặc biệt, chính tay Nguyễn Hiến Lê viết “hồi kí” chứ không viết “hồi ký” như cách viết thông thường ở miền Nam. Với đa số dân Nam, cách viết này là cách viết sau 75 của miền Bắc. Tại California, Nxb Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết đã tôn trọng lối viết ấy của tác giả. Ngược lại, trên các bìa sách của Nhà Hồng Đức hay Nxb Văn Học ở phường Trúc Bạch quận Ba Đình thì ghi “Hồi ký”. 

[Trần Vũ]

Điều đáng ngại nhất là sa đọa về tinh thần, tới mất nhân phẩm

Tham nhũng

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân công nhân viên, phải nộp bao nhiêu … Cái tệ đó còn lớn hơn tất cả các thời trước.

Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bênh vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đọa thêm chứ để chúng mau sụp đổ”.

Có những ông trưởng ty uống mỗi ngày một ve Whisky (tôi không biết giá mấy trăm đồng), hút 2, 3 ba gói thuốc thơm 555 (30 đồng một gói). Bọn đàn em của họ cũng hút thuốc thơm, điểm tâm một tô phở 6 đồng, một ly cà phê sữa 4 đồng, sáng nào như sáng nấy mà lương chỉ có 60-70 đồng một tháng.

Ăn cắp

Như vậy thì tất phải có những vụ ăn cắp của công (Kho một trung tâm điện lực nọ cứ 4, 5 tháng lại mất trộm một lần mà không tra ra thủ phạm; rất nhiều bồn xăng bị rút cả ngàn lít xăng rồi thay bằng nước…), thụt két, ôm vàng trong ngân hàng để vượt biên, có khi lại tạo ra những vụ kho bị cướp, bị cháy v.v.  Y tá ăn bớt thuốc của bệnh nhân rồi tố cáo lẫn nhau, giám đốc biết mà không làm gì được. Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi. Vì vậy chúng càng hoành hành, ăn cắp, ăn cướp giữa chợ, công an làm lơ, còn dân chúng thì không dám la, sợ bọn chúng hành hung. Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

Con người mất nhân phẩm

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hóa ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa.

Gởi họ mang ra giùm một cuốn sách tặng một người ở Hà Nội, họ giữ lại 5-6 tháng, vợ chồng con cái, bạn bè coi cho hết lượt, sách nhàu rồi, họ mới đem lại cho người nhận sách; có khi họ lấy luôn, nhắc họ, họ bảo thất lạc, để kiếm. Mà 3 người nhận được sách thì chỉ có một người cảm ơn tôi.

Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi đưa họ, họ đăng, nhưng ký tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

Thời Pháp thuộc, không bao giờ nhân viên bưu chính ăn cắp đồ trong các bưu kiện. Thời Nguyễn Văn Thiệu thỉnh thoảng có một vụ ăn cắp nhưng nhỏ thôi. Từ 4 năm nay ở khắp miền Nam, cứ 10 bưu kiện ở ngoại quốc gởi về thì có 6-7 bưu kiện bị ăn cắp hoặc đánh tráo vài ba món, thường là dược liệu và vải. Kêu nài thì nhân viên bưu chính bảo: “Không nhận thì thôi; có muốn khiếu nại thì cứ làm đơn đi”. Không ai buồn khiếu nại cả vì cả năm chưa có kết quả, mà nếu có thì số bồi thường không bõ. Cho nên chúng tha hồ ăn cắp, ăn cướp một cách trắng trợn. Trắng trợn nhất là chúng lấy trộm tất cả bưu kiện trong một kho, như ở Long Xuyên năm 1981; nếu là kho lớn thì chúng đốt kho như ở Tân Sơn Nhất 2 năm trước.

Nhơ nhớp nhất là vụ một cán bộ nọ vào hàng phó giám đốc, mưu mô với vợ, làm bộ tổ chức vượt biên cho vợ chồng con cái một đứa cháu ruột, bác sĩ ở Sài Gòn, nhận mấy chục lượng vàng của cháu (và 60 lượng vàng của gia đình bên vợ đứa cháu đó nữa vì họ cũng muốn vượt biên), rồi lừa gạt người ta, tố cáo với công an bắt hết cả nhóm trên 10 người khi họ ra Vũng Tàu chờ ghe đưa ra khơi. Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hóa rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi.

Bản in bị kiểm duyệt trong nước
của Nxb Hồng Đức

Sống dưới chế độ cộng sản, con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng làm việc chỉ  điểm đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó.

Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng. Để cho bác sĩ ngụy đủ sống mà khỏi vượt biên, chính phủ năm 1980 cho phép họ ngoài giờ làm việc được khám thêm bệnh ở nhà và định cho họ số tiền thù lao là 1 đồng ở Sài Gòn, 0.8 đồng ở tỉnh (5). Nhưng ở Long Xuyên bác sĩ nào cũng thu của bệnh nhân 10 đồng. Có kẻ ra một cái toa cần 9 thứ thuốc toàn thứ đắt tiền, trị đủ các bệnh: tim, phổi, gan, thận, bao tử… cho một bà lão suy nhược, rồi bảo lại mua của một tên buôn lậu đồng lõa với họ. Tính ra toa đó mua cho đủ thì mất cả triệu đồng cũ (2,000 đồng mới). Một số bác sĩ không làm tiền cách đó, không ra toa mà bắt bệnh nhân mỗi ngày lại để các ông ấy cho thuốc và chích cho, và phải trả các ông ấy từ 60 đồng đến 100 đồng mỗi lần. Năm 1981, tiền thù lao từ 10 đồng đã hạ xuống còn 5 đồng, có lẽ vì bác sĩ làm riêng khá đông, cạnh tranh nhau. Và tháng 7-1981 có lệnh không cho bác sĩ công làm tư tại nhà nữa, mà muốn làm tư thì lại dưỡng đường làm ngoài giờ làm việc. Chưa thấy ai theo.

Bệnh nhân lỡ mà chết thì bị hàng săng tống tiền: quốc doanh định 45 đồng kể cả một bịch thuốc lá và 4 thước vải thô, nhưng tang gia phải trả 400 đồng thì săng mới được ghép lại kỹ, khỏi trống hổng trống hoảng với 8 cây đinh đóng hờ. Rồi tới nhà đòn cũng đầu cơ: hạ huyệt xong, phủ qua một lớp đất cho bằng mặt, muốn có cái mồ cho ra mồ thì phải đưa thêm vài trăm đồng nữa. Nếu đem thiêu mà cứ nộp đúng lệ thì xương ống, xương hông bị ném riêng vào một chỗ, chứ không thiêu hết. Ai nỡ để cha mẹ mình què!

Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lý như vậy. Vì biết mình phi lý nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép cả giáo viên ngụy dạy thêm tại nhà.

Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm Văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp, có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.

Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đọa của con người, sự suy sụp của kinh tế. Ông Hồ Chí Minh có lần nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hóa mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi ông thốt ra lời trên chăng?

Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30-4-75, miền Nam rất chia rẽ: nhiều giáo phái, đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa; nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc … cả về đạo đức nữa: vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông), ít chịu làm cái việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm chứ đừng nói là người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là ngụy hết, nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là ngụy với nhau mà!

Như vậy mà đưa cán bộ Bắc vào cai trị họ, dạy chính trị họ thì làm sao không thất bại? Bọn đó quê mùa, ngu dốt, nghèo khổ, vụng về, tự cao tự đại, bị người Nam khinh ra mặt, mỉa mai. Sau 5 năm, cả triệu cán bộ và thường dân Bắc vào Nam mà Bắc Nam miễn cưỡng sống với nhau, lơ là với nhau, Nam coi Bắc là bọn thực dân, tự coi mình là bị trị. Làm gì có sự hợp tác?

NHL

Chương Kết Quả Sau 5 Năm, Hồi ký tập 3, NXB Văn Nghệ, California 1990