25 April 2025

Sức khoẻ: Nhiều chuyện không nên coi thường

Tôi nuốt một hạt đậu và nó xuống lầm lỗ, thay vì xuống thực quản nó đi vào phổi. Tôi có nên làm gì không và chuyện có nghiêm trọng không?

**

ĐÁP :

Mẹ tôi có một người bạn đã hít phải vỏ bỏng ngô (vỏ bắp rang). Bà ấy ho dữ dội; ho và ho dữ dội trong khoảng một tuần. Khi cơn ho thuyên giảm, bà không còn lo lắng nữa - bà nghĩ rằng bà đã ho nó ra. Tôi khuyến khích bà đi khám bác sĩ, nhưng vô hiệu. Vài tháng sau, bà bị sốt cao và ho ra toàn chất nhầy từ phổi. Chất nhầy màu nâu và xanh lá cây hôi thám. Bà ấy muốn tôi mang thuốc ho, trà và mật ong, v.v. cho bà. Khi đến, tôi ngẩn người khi nhìn thấy hình hài của bà ấy. Bà ấy trông như người chết được sưởi ấm! Bà ấy gần như không đi được!. “Vất  thuốc ho và trà đi! Tôi  quẩy bà đi cấp cứu ngay”. Bà ấy được đưa vào bệnh viện và hai ngày sau đã được phẫu thuật. Vỏ bắp rang đã dính chặt vào phổi! Cuối cùng, bà ấy đã bị cắt đi một phần phổi! Bây giờ bà ấy phải thở oxy. 

**

Bị thứ gì đó nhập vào phổi của bạn thì không phải chuyện đùa! Phải đến phòng cấp cứu! Có thể không có chuyện gì, nhưng cũng có thể có. Thà trông ngốc nghếch hơn là mất một phần phổi, hoặc tệ hơn, và phải thở ốc-xy suốt quãng đời còn lại? (Theo Quora Digest)

Phu nhân ông Lý Hiển Long chia sẻ bài viết ví ông Tập Cận Bình “như trùm mafia”

Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung đang căng thẳng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tích cực triển khai chiến dịch “ngoại giao quyến rũ” tại Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Campuchia) nhằm lôi kéo các đồng minh. Đáng chú ý, vào thời điểm này, bà Hà Tinh, phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã chia sẻ trên Facebook một bài viết của ông Michael Petraeus, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, với nội dung châm biếm ông Tập Cận Bình. Bài viết ví ông Tập từ khi lên nắm quyền như một “trùm mafia”, khiến người ta không thể từ chối các đề nghị của ông ta, và nay lại mong những “nạn nhân” trước đây sẽ chào đón ông như một người bạn hay đối tác.

Bài viết được đăng trên nền tảng mạng trực tuyến Critical Spectator của Singapore, vốn nổi tiếng với các bình luận ủng hộ chính phủ, với tiêu đề “Trung Quốc sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trên thế giới ngày nay, nếu Tập Cận Bình không phải là một ông trùm xã hội đen trong 12 năm qua”, tác giả Michael Petraeus cho rằng chuyến công du Đông Nam Á lần này đã phơi bày rõ mức độ tồi tệ trong thế bí hiện tại của Bắc Kinh, đến mức ông Tập phải đích thân cầu cạnh hợp tác với các quốc gia láng giềng, những nước mà ông ta đã liên tục chèn ép suốt hơn một thập kỷ qua.

Bài viết chỉ ra rằng dù miệng ông Tập Cận Bình luôn nói đến việc “phản đối đối đầu”và “chống chủ nghĩa bảo hộ”, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Ông đã áp đặt cái gọi là “đường 9 đoạn” lên các quốc gia ASEAN, vi phạm luật pháp quốc tế khi ngang nhiên tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn xây dựng các cơ sở trên những đảo đang tranh chấp và sử dụng lực lượng hải cảnh để quấy rối tàu thuyền của các quốc gia khác.

Tương tự, Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã cấm nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lãnh thổ của mình và vi phạm các quy định của WTO, từ việc trợ cấp nhà nước một cách không minh bạch, không đảm bảo thương mại công bằng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không mở cửa thị trường cho các thực thể nước ngoài, cho đến việc ép buộc chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, giờ ông Tập Cận Bình lại tuyên bố rằng “chủ nghĩa bảo hộ là điều xấu xa”.

Bài viết khẳng định trong suốt 12 năm cầm quyền, ông Tập Cận Bình luôn hành xử như một ông trùm mafia, giống như phiên bản Trung Quốc của Vito Corleone (nhân vật trùm mafia trong phim Bố Già). Ông Tập khiến mọi người phải chấp nhận những “lời đề nghị không thể từ chối”, vậy mà giờ đây lại mong đợi các nạn nhân cũ chào đón ông như một người bạn, một đối tác.

Chỉ riêng ở Đông Nam Á, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh đã thường xuyên bị nghi ngờ và chỉ trích vì các bẫy nợ, hoặc bị cáo buộc lợi dụng để chuyển dịch năng lực sản xuất ra nước ngoài, rồi dùng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, gây sụp đổ ngành công nghiệp nội địa của các quốc gia đối tác.

Giờ đây, ông Tập Cận Bình lại bắt đầu kêu gọi xây dựng quan hệ đối tác với châu Âu, trong khi lại công khai ủng hộ chế độ Nga và hỗ trợ cho cuộc chiến tranh Nga – Ukraine của Moscow. Trên thực tế, đây chính là một hình thức đối đầu gián tiếp với phương Tây.

Tác giả của bài viết cho rằng dù cả thế giới có thể không ưa gì ông Donald Trump, điều đó không có nghĩa là ông Tập Cận Bình có thể trở thành một phương án thay thế có thể chấp nhận được. Hiện tại, ông Trump đã bày tỏ sẵn sàng đạt được các thỏa thuận với những quốc gia khác, và Mỹ thường được cho là sẽ tôn trọng các thỏa thuận đó. Ngược lại, phía Trung Quốc lại không như vậy, ngay cả các đối tác của Bắc Kinh cũng chưa chắc đã được đối xử công bằng.

Bài viết chỉ rõ rằng những hành vi lạm dụng kéo dài hơn một thập kỷ qua không thể bị bỏ qua chỉ vì giờ đây Bắc Kinh cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự các “nạn nhân” trước đây. Phía Trung Quốc đã có hàng chục năm để chứng minh sự ủng hộ thực sự với chủ nghĩa đa phương quốc tế, nếu họ đã làm điều đó từ trước, giờ đây có lẽ đã nhận được sự đền đáp.

Tác giả nhận định, một điều rất mâu thuẫn là dù Trung Quốc thường được ca ngợi là có chiến lược dài hạn trong công tác điều hành đất nước, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh lại mang tính thiển cận, phản ứng ngắn hạn và bị chi phối bởi chủ nghĩa cơ hội tức thời. Đó là lý do tại sao Tập Cận Bình không thể mong đợi thế giới sẽ theo ông trong cuộc chiến chống lại ông Trump, và họ sẽ không thực sự bận tâm nếu ông Trump thắng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Bà Hà Tinh (Ho Ching) là người gốc Hoa tại Singapore, bà là vợ thứ hai của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Bà từng là giám đốc điều hành của Tập đoàn Temasek và cũng là thành viên trong Ủy ban Cố vấn của Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).

21 April 2025

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã qua đời, thọ 88 tuổi.

VATICAN CITY (AP) — Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng gốc Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử, người được thế giới mộ mến qua phong cách khiêm nhường và lòng quan tâm đến người nghèo nhưng lại xa lánh những người bảo thủ với những lời chỉ trích về chủ nghĩa tư bản và biến đổi khí hậu, đã qua đời vào thứ Hai. Ngài hưởng thọ 88 tuổi.

Chuông đã đổ trên các tháp nhà thờ trên khắp Rome sau thông báo của Hồng y Kevin Ferrell, giám mục thị thần Vatican, từ nhà nguyện Domus Santa Marta, nơi Giáo hoàng Phanxicô sống. 

“Vào lúc 7:35 sáng nay, Giám mục Rome, Phanxicô, đã trở về nhà của Chúa Cha. Toàn bộ cuộc đời của ngài đã cống hiến cho việc phục vụ Chúa và Giáo hội của ngài,” Ferrell cho biết.

- Đức Phanxicô, người mắc bệnh phổi mãn tính và đã phải cắt bỏ một phần phổi khi còn trẻ, đã được đưa vào bệnh viện Gemelli vào ngày 14 tháng 2 năm 2025 để điều trị một cơn suy hô hấp phát triển thành viêm phổi kép. Ngài đã ở đó 38 ngày, là thời gian nằm viện dài nhất trong 12 năm làm giáo hoàng của ngài.

Đẻ suy gầm: Chiếc đồng hồ bị đánh cắp

Một chàng trai trẻ gặp một ông già đang ngồi trên ghế đá công viên; anh đến và hỏi:

– Ông còn nhớ tôi không?

Ông già nói, “Không, tôi xin lỗi, tôi không nhớ.”

Sau đó, chàng trai trẻ nói, “Tôi là một trong những học trò của ông.”

Ông già mỉm cười và hỏi:

– Thật vậy sao? Bây giờ anh làm gì?

Chàng trai trẻ trả lời:

– Em đã trở thành một giáo viên.

– Một giáo viên? Giống như tôi sao? – ông già hỏi.

– Vâng. Và thực ra, em đã trở thành một giáo viên vì thầy. Thầy đã truyền cảm hứng cho em.

Ông già tỏ ra ngạc nhiên và hỏi:

– Thật vậy sao? Khoảnh khắc nào khiến anh quyết định như vậy?

Thế là, chàng trai trẻ kể cho ông nghe câu chuyện này:

**

– Một ngày nọ, một người bạn của em đến trường với một chiếc đồng hồ hoàn toàn mới. Nó rất đẹp và em thèm muốn có nó, vì vậy em đã lấy nó từ túi của anh ấy và giữ lại.

– Chẳng mấy chốc, cậu bé nhận ra chiếc đồng hồ của mình đã biến mất. Cậu bé nói với thầy, và thầy đã giữ lớp học lại.

– Thầy nói, “Hôm nay có người lấy trộm đồng hồ trong lớp. Em nào đã lấy làm ơn trả lại .”

– Em không trả lại vì không muốn thú nhận mình đã lấy.

– Vậy nên, thầy đóng cửa lại và yêu cầu mọi người đứng dậy. Thầy nói sẽ lục túi chúng em cho đến khi tìm thấy chiếc đồng hồ—nhưng trước tiên, thầy yêu cầu mọi người nhắm mắt lại để không ai biết ai đã lấy nó.

– Bọn em đều nhắm mắt lại. Thầy lục từng túi một. Khi đến túi em, thầy tìm thấy chiếc đồng hồ.

– Nhưng thầy không dừng lại ở đó. Thầy tiếp tục kiểm tra túi của mọi người. Sau đó, thầy nói, “Được rồi, giờ các em có thể mở mắt ra.  Đã tìm thấy thấy rồi.”

– Thầy không bao giờ nói ai đã lấy nó. Thầy không bao giờ nhìn em khác đi. Thầy không nói với ai. Thầy đã bảo vệ em.

– Đó là khoảnh khắc xấu hổ nhất trong cuộc đời em, nhưng đó cũng là ngày thầy cứu em. Thầy đã cho em thấy ý nghĩa của việc sửa lỗi cho người khác bằng lòng tốt—không phải sự nhục mạ.

– Từ ngày đó trở đi, em muốn trở thành người giống như thầy. Đó là lý do tại sao em trở thành một giáo viên. Thầy có nhớ ngày hôm đó không?

Giáo viên ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:

– Thầy nhớ chiếc đồng hồ bị đánh cắp, và thầy nhớ đã tìm kiếm nó… nhưng thầy không nhớ em. Bởi vì thầy cũng đã nhắm mắt lại.

(Theo Quoả Digest)

18 April 2025

Xuân Lạc Mùa, thơ

 Xuân Lạc Mùa

Thôi rồi xuân cởi áo hôm nay,
Nụ biếc vừa bung ở đầu tay.
Ngơ ngẩn mím môi như trẻ nhỏ,
Nắng len vào lá, chẳng ai hay.
Xuân đi trốn nhẹ trong mây trắng,
Gió hỏi thầm ai bỏ lá bay.
Trăng thức muộn mong đêm gọi hạ,
Cú mở bàng hoàng giữa mắt cay.
Chồi biếc chưa quen mùa lạc lối,
Bướm vàng nghiêng cánh cũng chao lay.
Nàng chẳng nói chi, sương lặng tiếng,
Ngày rầu ngậm gió, đợi xuân quay.
Xuân có ghé qua không ai biết,
Chỉ gió âm thầm chạm áo bay.
Một cánh chim nghiêng buồn rất khẽ,
Rơi vào chiêm mộng bóng lung lay.

NQ Bảo 04.14.2025


Tuyết Đầu Xuân
 
Nhà ai hoa đào xốn xang xuân,
Tuyết đến hôm nay – lạnh tần ngần
Xuân lỡ hẹn rồi, thôi thây kệ,
Cớ gì mời tuyết đến tệ nhân?
 
Tuổi sương ai đó nhuốm đồi mồi,
Nhựa sống hanh hao chẳng hé chồi.
Chỉ còn dở dang làm tri kỷ,
Xuân dỡn mặt cười nói khó coi.
 
Apr 12, 2025 - NQB

14 April 2025

Human body study, tranh digital

 


Lời tâm sự của người vẽ tranh

Đây là bức tranh vẽ bằng computer. Sau khi vẽ xong tôi biến nó thành tranh bán trừu tượng. Về đề tài, có thể có một vài người khó tính xầm xì. Nghệ thuật là nghệ thuật, nếu ngại ngùng sẽ bị gò bó và chúng ta đã chẳng có Phan Khôi với những bài thơ mới bất chấp mà sau này người ta công nhận rất hay. Thực ra đây chỉ là một human body study cho người học vẽ nhân dạng mà thôi. Chả có gì ghê gớm cả. Bức tranh vẽ ra để riêng tặng các lão gia trong Nhóm YAMAHA; xin đừng để nhóm chết yểu vì một vài ý kiến vớ vẫn. Xin chúc cả nhà Năm Mới An Vui.

(A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh)

80 Tự Thán, thơ xả xú-bắp

 

 80 TỰ THÁN

Sống tới hôm nay được kể già
Đón mừng thượng thọ, tiễn thu qua.
Lão niên lực cạn, đông rơi lá,
Trai trẻ trí đầy, xuân nở hoa.

You-tube loan truyền tin thật giả,
E-mail chuyển tải chuyện tà ma.
Bạn bè đay đó lai rai biến
Còn thở, thơ vui tớ vẫn ra.

TNT

**

THỌ CHƯA, CHƯA THỌ

Sống đến tuổi này chưa hẳn già
Chặng đời bão tố mới đi qua
Chớ nên chúc thọ e  còn sớm 
Hãy để ước vọng tiếp nở hoa

Sáng tách cà phê tìm hương vị
Chiều cân kinh dịch hoãn ra ma 
Nào ai dám nói ta thượng thọ 
Sinh khí văn thơ vẫn phọt ra !

A.C.La

Chúng Nó, Anh và Chúng Tôi, thơ

 Chúng Nó, Anh và Chúng Tôi


Ban ngày chúng nó là ánh nắng mặt trời
Chỉ bảo anh tiến lên phía trước.
Ban đêm chúng nó là vệt sáng trăng sao
Soi rọi từng bước anh đi.
Những đêm tối mịt mù
Chúng nó là bóng đen ma thuật
Đẩy đưa anh về nơi không rõ bến bờ.

***

Rồi không bao lâu 
Nắng nóng đốt da, 
Trăng sao nhạt nhòa huyễn hoặc,
Bóng đen dọa nạt răn đe.
Anh nhắm mắt run rẩy toàn thân,
Cắn đôi môi rướm máu đớn đau 
Để chứng minh mình còn hiện hữu,
Với cao vọng chia sẻ với tha nhân những “trải nghiệm xót xa”.

***

Xin cám ơn anh -- một thời chúng tôi xem là thần tượng
Như những nhà hiền triết Cổ Hy La,
Mặc dù những tác phẩm của anh chưa có chi đồ sộ.

***

Chúng tôi đám hậu sinh lớn lên từ đồng khô cỏ cháy,
Khoai sắn bốn mùa, bữa đói bữa no,
Ánh đèn dầu hỏa lờ mờ đã là vùng ánh sáng,
Mấy chữ i tờ ghép ngược ghép xuôi
Bên con trâu, bụi cỏ, sông rạch bùn lầy,
Kiếm chút chữ hòng đọc lóm chuyện đông tây.
Giờ đây chúng tôi --
Những người đã một thời xung trận 
Với mặt trời, với trăng sao và bóng đen của anh--
Lớp lớp ngã xuống rồi;
Đám còn lại đang trải nghiệm cuộc đời
Bằng đôi chân không còn vững
Hay khấp khểnh trên đôi nạn gỗ hao mòn.
Nhưng tất cả  đều sáng suốt – 
Biết mình là ai  … và sẽ phải làm gì.

Lê Văn Bỉnh
Virginia, tháng 9/14
(sau khi đọc “Trần Đức Thảo: Những Lời Trăn Trối” của Tri Vũ – 
Phan Ngọc Khuê)

Một Xã Hội Sặc Mùi Kim Tiền

*Song Chi

Câu chuyện thứ nhất là về việc thương xá Tax, một trung tâm thương mại sầm uất và lâu đời nhất của VN, được người Pháp xây dựng vào năm 1880 đến nay đã 134 năm tuổi, sắp bị phá bỏ đế xây dựng Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn cao 40 tầng.

Thông tin này khiến nhiều người Việt trong và ngoài nước gắn bó với Sài Gòn, cảm thấy nuối tiếc. Bởi thương xá Tax không chỉ là nơi để mua sắm, từ lâu, nó đã trở thành một hình ảnh thân thuộc của Sài Gòn, cùng với những công trình kiến trúc xưa khác ở khu vực trung tâm như chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát Thành phố (trước kia là Hạ nghị Viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa), Trụ sở Ủy Ban Nhân dân TP.HCM (trước kia là Tòa Đô Chính)…

Trong những năm qua, những người yêu Sài Gòn đã phải chứng kiến một phần linh hồn của Sài Gòn xưa dần dần mât đi như vậy.

Theo bài báo “Sài Gòn xưa cần được bảo tồn và phát triển” trên tờ Kinh tế Sài Gòn:

“Tại hội thảo “Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững” do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức, TS. Fanny Quertamp Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị (PADDI - một dự án hợp tác cấp địa phương giữa Vùng Rhône - Alpes và TPHCM) cho biết, từ năm 1993-2013, trong khu trung tâm TPHCM có đến 207 công trình xây dựng có giá trị di sản bị phá bỏ hoặc biến dạng”.

Một trong những người lên tiếng trước việc thương xá Tax bị đập bỏ, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng viết trong bài “Một Sài Gòn đang trở nên xa lạ” (báo Pháp luật TP.HCM):

“…Còn các công trình kiến trúc công cộng tiêu biểu, như là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây và nét trang trí châu Á của tòa nhà Bưu điện thành phố, phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn với nét phong cách kiến trúc Gotich của Nhà thờ Đức Bà, cùng các công trình kiến trúc đặc sắc khác như Trụ sở UBND thành phố, Nhà hát thành phố, Khách sạn Continental,… đã và đang bị “đè bẹp” bởi vô số cao ốc như khối nhà Diamond Plaza, ba tòa tháp Kumho…

…Theo thống kê, hiện có khoảng 180 cao ốc đã và đang mọc lên ở khu trung tâm Sài Gòn. Hàng loạt dự án cũng đang tiếp tục triển khai như dự án SJC Tower (diện tích 4.000 m2, cao 58 tầng, chiếm bốn mặt đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực). Dự án Sài Gòn Center giai đoạn 2 cũng vừa được chủ đầu tư làm lễ khởi công. Không lâu nữa, gần ngôi chợ Bến Thành đậm chất Sài Gòn xưa sẽ mọc lên cao ốc 45 tầng với 200 căn hộ cùng khu chức năng văn phòng, thương mại.

Chưa hết, góc đường Lê Lợi - Huỳnh Thúc Kháng cũng đang được rào lại để xây một khách sạn to đùng. Rồi BV Sài Gòn cũng được hoán chuyển thành khách sạn năm sao 400 phòng cùng với một khu văn phòng rộng 30.000 m2…

…Đôi khi tôi tự hỏi khu đô thị Thủ Thiêm cứ ì ạch thực hiện đã hơn 10 năm nay nhưng sao ở đó người ta không sớm xây dựng cao ốc, quảng trường, khu phức hợp? Tại sao không dời trung tâm hành chính về đó để tạo động lực thúc đẩy phố đông Sài Gòn, nhất là khi cầu, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành đang dần được hình thành? Một phố đông hiện đại, ngăn nắp và một phố tây cổ kính, hoài niệm sẽ cùng phát triển và là một sự bổ sung hoàn hảo cho nhau. Vậy mà…”

Những cá nhân, ban ngành chịu trách nhiệm quản lý, lãnh đạo thành phố này luôn luôn có cách biện minh cho việc phá bỏ những công trình kiến trúc cổ rằng do nhu cầu phát triển, Sài Gòn cần phải hiện đại hóa, người dân phải biết chấp nhận hy sinh v.v….Nhưng câu hỏi đặt ra là trước khi đặt bút ký đồng ý phá bỏ cái cũ, xây cái mới, người ta đã thật tính toán hết mọi phương án khác chưa.

Vâng, tại sao không xây dựng những công trình mới tại Thủ Thiêm hay tại quận 7 nơi có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, tại sao cứ phải dồn cục vào khu quận 1, quận 3, phá những công trình cũ đi?

Hãy nhìn sang các thành phố xinh đẹp lâu đời của quốc gia khác, từ Paris, Rome, Athens, London, Warsaw… chính phủ các nước này luôn trân trọng và đặt yếu tố bảo vệ những công trình kiến trúc, những di sản văn hóa cổ xưa lên trên hết, và nếu có xây mới thì cũng phải hài hòa với cái cũ.

Câu chuyện thứ hai là dự án sách giáo khoa điện tử cho học sinh lớp 1-3 tại TP.HCM đang bị người dân phản ứng dữ dội.

Trước hết vì chuyện tốn kém-một cái máy tính bảng phụ huynh phải bỏ ra từ 3-5 triệu đồng để mua cho con em. Nhưng trên thực tế, theo các bài báo “Đề án trang bị máy tính bảng 4.000 tỷ: Kỹ sư tiết lộ tin bất ngờ” (VTC News) và “Lộ máy tính bảng giáo dục AIC giá bèo” (Tuổi Trẻ), thật ra giá tiền của một máy tính bảng chỉ khoảng 900,000 đồng và nếu mua với số lượng lớn như vậy thì chỉ còn 500,000-700,000. Tuổi thọ của cái máy tối đa là 1 năm, chưa kể tiền thay pin, các em tuổi còn nhỏ, hiếu động, xài mau hư mau bể, nào tiền sửa chữa lúc máy bị hư, tiền mua máy mới… Với gia đình nghèo, đây lại thêm một khoản tiền không nhỏ phải lo.

Nếu lấy lý do để cho các em nhỏ khỏi phải mang vác bao nhiêu sách nặng hàng ngày, sao Bộ Giáo dục không nghiên cứu giảm tải chương trình, hoặc cùng lắm, xây thêm những cái tủ, kệ với từng ngăn dành cho từng học sinh để các em có thể để sách tại trường, tại lớp, khóa lại, chỉ cuốn nào cần phải học cho ngày mai mới mang về nhà?

Điều quan trọng hơn, việc cho trẻ nhỏ xử dụng máy vi tính quá nhiều giờ trong ngày có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, mắt bị cận thị, rồi ai bảo đảm các em không dùng máy để chơi game? Và còn vô số cái hại khác mà những nhà chuyên môn cũng đã chỉ ra trong những ngày qua.

Ngay cả những quốc gia giàu có, phát triển trên thế giới cũng vẫn sử dụng sách giáo khoa cho trẻ em và không hề khuyến khích dùng sách giáo khoa điện tử, nếu thật sự ích lợi hơn sao họ không làm?

Và cuối cùng là thông tin gần 10,000 lao động Trung Quốc sắp đến Vũng Áng, Hà Tĩnh để đáp ứng nhu cầu công việc của công ty gang thép Formosa.

Việc lao động Trung Quốc tràn ngập ở VN không còn là chuyện mới mẻ gì từ lâu nay. Ai cũng biết, Trung Quốc thắng thầu rất nhiều công trình ở VN, và cứ mỗi công trình được thi công thì nhà thầu Trung Quốc lại đưa người Trung Quốc sang, trong số đó không chỉ những người có chuyên môn, các kỹ sư mà cả lao động phổ thông cũng rất nhiều.

Một nghịch lý là kỹ sư, thạc sĩ, cử nhân VN bị thất nghiệp đầy rẫy. Theo báo Thanh Niên thì “162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là con số được Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Thống kê và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đưa ra trong bản tin thị trường lao động số 2.2014 vào sáng 1.7.” (“Để không còn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp”). Và từ nhiều năm qua, người VN phải bôn ba đi lao động xuất khẩu, làm thuê khắp thế giới!

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều tin tức, câu chuyện trái tai gai mắt xảy ra ở VN trong những ngày gần đây. Thoạt nhìn tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau, thuộc những những đề tài, lĩnh vực khác xa nhau. Nhưng chúng lại vẫn có những điểm chung.

Thứ nhất, hầu hết các quyết định từ phía các cơ quan, bộ máy nhà nước VN hiện nay đều xuất phát từ một chữ Tiền. Vì tiền, vì cái lợi trước mắt, người ta sẵn sàng xóa sổ một công trình kiến trúc xưa, sẵn sàng đưa ra một dự án phi nhân tính đối với trẻ con-thế hệ tương lai của đất nước, sẵn sàng chấp nhận cho người nước ngoài vào giành công ăn việc làm của hàng ngàn, hàng vạn lao động Việt.

Mỗi một chữ ký, một cái gật đầu thông qua như vậy là Tiền với rất nhiều con số 0 phía sau!

Thứ hai, hầu hết các quyết định đều không hề vì dân vì nước. Mà đâu phải chỉ những chuyện “lặt vặt, cỏn con” như vài cái công trình kiến trúc cổ hay sách giáo khoa điện tử cho trẻ em? Cả những quyết định to đùng gây thua thiệt, rủi ro và nguy hiểm cho đất nước, dân tộc về kinh tế, môi trường, sinh thái, an ninh quốc phòng như cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hay cho thuê hàng trăm ngàn hecta rừng đầu nguồn tại các tỉnh biên giới phía Bắc, lớn hơn nữa là những thỏa thuận ký kết song phương, bí mật giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản Việt-Trung v.v… họ còn làm được kia mà.

Và cuối cùng, trong một quốc gia khi người dân không hề được hỏi ý kiến trước mọi quyết định dù nhỏ dù lớn của nhà nước, khi không có các đảng phái đối lập, những tổ chức dân sự, tòa án, báo chí độc lập để lên tiếng ngăn chặn mọi chủ trương, chính sách sai trái từ địa phương đến trung ương, cũng là để kìm hãm, chia sẻ bớt quyền lực của nhà nước đó thì những việc làm sặc mùi tiền, mùi “lợi ích nhóm”, gây thiệt hại nặng nề cho dân cho nước, đã, đang và sẽ tiếp tục ngang nhiên diễn ra. Để rồi người dân chỉ có thể nuối tiếc, than thở, hoặc phẫn nộ đứng nhìn mà thôi.

Bởi, đất nước này không phải của 90 triệu con dân Việt, đất nước này chỉ là của riêng của đảng và nhà nước cộng sản!

songchi's blog

Chân Dung Một Cô Gái Việt Nam, truyện ngắn

 Tâm Thanh

Và Diễm cảm thấy một nỗi chán nản xen lẫn hổ thẹn về người cùng màu da.

Văn phòng nằm trên bờ con sông con Askerelva chảy qua trung tâm thủ đô Oslo. Qua cửa kính ra ban-công, Diễm nhìn những cây phong lá úa vàng soi bóng trên nước, tưởng tượng nếu đây là một căn phòng trong ký túc xá sinh viên, với người yêu bên cạnh, thì thơ mộng biết bao.

Nhưng bây giờ trước mặt nàng là ông cảnh sát di trú và bên phải là một người con gái, cỡ tuổi Diễm. Cô xin tầm trú. Trước khi lên đây, một bà cảnh sát đã khám xét người và hành lý của cô. Bà muốn tìm biết cô gái thật sự là ai, tên tuổi thật là gì, nhà cửa thật ở đâu. Trong ba bốn năm gần đây, nẩy ra một hiện tượng mới là mỗi năm có vài chục người Việt Nam tới xin tầm trú tại Na-uy, không một người nào là... người thật. Báo chí Na-uy gọi họ là ingen person, tương đương với nobody, Diễm và các đồng nghiệp thông dịch viên dịch đùa từng chữ là ‘vô nhân’. Trong cái túi xách nhỏ, có hình hai bàn chân, bà cảnh sát chỉ moi ra được một cái quần tây, một áo thung, một xú-chiêng, hai xì líp, một típ kem đánh răng, một bàn chải. Chân dung thật của cô gái không nằm trong cái túi xách. Bây giờ Diễm dịch cho ông cảnh sát thẩm vấn.

“Cô tên gì?” ông cảnh sát hỏi, sau khi bật máy PC.

“Nguyễn Thị Vân.”

“Ngày sanh?”

“25.12.1988.”

“Như vậy là cô sanh vào lễ Giáng Sinh và năm nay cô 16 tuổi?” ông cảnh sát chiếu ánh mắt nghi ngờ trên cô gái ngồi trước mặt. Diễm đoán người đồng hương này nếu không già bằng Chúa Cứu Thế thì ít nhất phải hai mươi lăm tuổi. Nàng biết theo luật lệ hiện hành, trẻ vị thành niên được nhiều đoàn thể can thiệp và bảo vệ, và nếu được chấp thuận tị nạn thì có thể kéo thêm cha mẹ, em út. Nhưng Diễm đoán lầm về vụ kéo thêm cha mẹ:“Tên cha?” ông cảnh sát hỏi tiếp.

“Nói chung... Tôi không có cha.”

“Tên mẹ?”

“Tôi không có mẹ.”

“Ít nhất cũng có một người sanh ra cô chớ?”

“Tôi mồ côi từ nhỏ, không biết gì cả...”

“Cô có giấy tờ gì không, như sổ thông hành, căn cước chẳng hạn?”

“Không.”

“Không có giấy thông hành, làm thế nào cô có thể đi ra khỏi Việt Nam, và qua bao nhiêu biên giới tới đây được?”

“Không biết. Người ta đưa tôi đi.”

“Người ta là ai?”

“Nói chung nà người giắt đi đấy.”

“Có khi nào họ đưa qua trạm kiểm soát biên giới không?”

“Tôi không biết đâu là biên giới.”

“Cô rời khỏi Việt Nam bao giờ?”

“Không nhớ.”

“Cô nói phỏng chừng cũng được,” ông vẫy vẫy những ngón tay như con chim bay “một năm, một tháng, hay một tuần?”

“Khoảng một tháng.”

“Cô nhớ đã đi qua một thành phố nào đặc biệt, ví dụ Paris, Berlin, Bắc Kinh?”

“Không nhớ. Không biết.”

Suốt hai tiếng đồng hồ với hàng trăm câu hỏi, người cảnh sát chỉ nhận được một câu trả lời rất ư thoải mái “không biết.” Chạm phải những lời nói dối quá xấc xược, ông đỏ gay mặt như người bị xúc phạm nặng, nhưng lấy lại bình tĩnh, gõ vào máy vài dữ kiện vu vơ. Thấy hồ sơ sơ sài quá, ông ta cố gắng nhắc lại lần thứ ba một câu hỏi:

“Cô nói lại tôi nghe, cô từ Việt Nam tới Na-uy bằng phương tiện gì?”

Cô gái chắc đã được học tập kỹ, dư biết rằng ông cảnh sát muốn truy ra hãng máy bay chuyên chở để qui trách nhiệm, nên quay sang thông dịch viên nói:

“Chị lói với ló nà em đi bộ từ Cao Bằng sang Trung Quốc đấy, dzồi từ Trung Quốc đi bộ sang Nga, từ Nga sang đây bằng xe thùng đấy... Ðã lói mí ló dzồi mà cứ hỏi mãi thế!”

Diễm dịch lại câu nói, bỏ câu ‘chị lói với ló’ đi - vì nàng biết nó ngắn ngủi thế mà không tài nào dịch hết ý được. Ông cảnh sát ghi vào hồ sơ lời khai, chẳng cần biết đoạn đường từ Cao Bằng sang Nga dài bao nhiêu dậm, đi bộ mấy năm. Rồi ngẩng đầu lên hỏi theo đúng thủ tục:
“Cô muốn gì tại Na-uy?”

“Xin tị lạn.”

“Lý do tị nạn?”

“Nói chung nà ở Việt Nam đói quá.”

“Tại sao lại chọn Na-uy làm nơi tị nạn?”

“Nói chung nà nghe người ta bảo ở La-uy sướng thì trả tiền cho đường giây đưa đi.”

“Cô phải trả bao nhiêu tiền?”

“Lăm ngàn đô.”

“Số tiền này từ đâu cô có, nếu cô đói?”

“Có cái ông gần nhà thấy tôi khổ thương hại cho tiền đi.”

“Ông ấy tên gì?”

“Không biết.”

“Ðịa chỉ?”

“Bên cạnh nhà tôi.”

“Hồi nãy cô nói vô gia cư, từ nhỏ sống ở ngoài đường?”

“Thì ở gần nhau ngoài đường.”

Diễm nghĩ bụng nếu có một nơi mà người vô gia cư có nhiều tiền như thế và hảo tâm như thế nhất định nàng sẽ tới đó xin tị nạn. Nhưng ông ta khoanh tay, ngả lưng ra đằng sau như muốn thư dãn, rồi bấm nút ‘print’ vào máy PC. Bên ngoài ban-công một con bồ câu đáp xuống, thấy bóng nhiều người, lại bay đi. 

Ông cảnh sát đưa cô gái xuống phòng căn cước dưới tầng trệt để chụp hình, lăn tay, làm thẻ căn cước tạm. Diễm cũng là dân tị nạn - mệnh danh là ‘thế hệ thứ hai.’ Thấy cảnh này, Diễm nhớ lại những câu chuyện gian truân, bi hài mà ‘thế hệ thứ nhất,’ cha mẹ nàng, kể về chuyến vượt biên hai mươi sáu năm về trước, lúc nàng chưa sanh ra. Nhiều người hỏi tại sao phải liều mạng như vậy? Cha mẹ có một câu trả lời khá đặc biệt, tương đối khiêm nhường hơn phần đông - khát khao tìm một mảnh đất có thể lương thiện mà sống. Ông bà đã tìm được một mảnh đất như thế và sanh ra Diễm trên mảnh đất như thế. Diễm thừa hưởng tấm lương thiện như suối nhận nước mạch từ đỉnh núi cao tinh tuyền. Diễm không biết nói dối - gần như. Nói ‘gần như’ là để trừ những lần như mẹ hỏi có bồ chưa nói chưa, bố hỏi mua cái cà-vạt cho bố bao nhiêu nói nửa giá, bạn trai hỏi em giận cái gì, nói không có gì cả...

Ông cảnh sát cầm từng ngón tay của cô gái lăn trên tấm kính đục, khi hình dấu tay hiện rõ nét và đầy đủ trên màn ảnh máy vi tính, với tín hiệu ‘Ready’, ông nhấn bàn đạp. Diễm nhìn những ngón tay thon khá đẹp của cô gái, tự hỏi tại sao cô có thể nói dối một cách tự nhiên như thế. Và Diễm cảm thấy một nỗi chán nản xen lẫn hổ thẹn về người cùng màu da.

Một chiều đầu mùa đông. Trận tuyết đầu tiên trong thành phố khiến đường xá hỗn loạn vì tai nạn xe cộ. Diễm rút trong cặp đi làm ra tờ báo cũ đọc lại, cho qua thời gian trôi rất nhanh mà xe buýt chạy rất chậm, và bụng bắt đầu đoi đói. Tin có nghi vấn ông Arafat chết vì bị đầu độc; tin tuyết lở ở Miền Tây khiến 60 chiếc xe bị kẹt giữa đường; tin cảnh sát bắt được chín người trong một băng ăn cắp toàn người Việt Nam, hoành hành từ nhiều năm trên toàn quốc. Số thiệt hại cho các cửa tiệm lên đến nhiều chục triệu. Các mặt hàng được băng đảng này ưa chuộng là dao cạo Gillette, mỹ phẩm L’Oréal, nhất là thuốc quệt lông mày và tô mắt, có cả dầu cá. Chưa bắt được người đầu sỏ của tổ chức, nhưng trong số những người bị bắt có một người đàn bà tầm trú can dự vào 19 vụ có tang chứng, người này đã có bốn tiền án ăn cắp. Chuông điện thoại reo. Cảnh sát di trú cần Diễm đi thông dịch gấp. Cảnh sát hẹn mang xe đón đường xe buýt để rước Diễm đi ngay. Diễm moi gói bánh mì ăn dở ra ăn; nếu không bị kẹt xe, giờ này nàng đang ăn cơm với cha mẹ ở nhà, mẹ nói hôm nay sẽ làm món canh bí rợ. 

Cô cảnh sát di trú mặc thường phục chiều nay sẽ gặp một người đàn bà trong tù để thông báo lệnh trục xuất. Khi người tù xuất hiện trước cửa phòng tiếp khách, Diễm thấy mặt quen quen. Người thiếu phụ nặng nề ngồi xuống ghế bành, một tay đặt lên bụng lớn. Diễm để ý đến sự kiện nhỏ là trong căn phòng bây giờ có ba người đàn bà. Cô cảnh sát tự giới thiệu xong, mỉm cười hỏi cô tù, Diễm dịch lại:

“Cô khỏe không?”

“Khỏe.”

“Bao giờ sanh?”

“Hai tháng nữa.”

Cô hắng giặng:

“Hôm nay tôi đến đây để nói về một việc khác, không liên quan gì tới việc trộm cắp,” cô cảnh sát nói trong khi mở một cái kẹp hồ sơ bằng nhựa trong, lấy ra một tờ giấy. “Tôi đến để báo cho cô biết về lệnh trục xuất.”

Người thiếu phụ mang bầu mặt không biến sắc, bàn tay vẫn để trên bụng, cánh tay kia vẫn để xuôi theo đùi trên ghế da. Cô cảnh sát đưa cho Diễm tờ quyết định của bộ Nội Vụ, bảo dịch miệng cho đương sự.

Diễm dịch xong, đưa tờ giấy cho người con gái tên Vân ký tên. Bây giờ nàng đã nhớ ra đây là cô gái xin tầm trú vào đầu mùa thu. Nàng nhớ ra bàn tay đang đặt trên bụng kia đúng là bàn tay đẹp đặt trên tấm kính mờ để lấy dấu. Bàn tay táy máy trong bốn tháng nay làm điêu đứng các siêu thị và cửa hàng khắp nước. Lại cùng một cảm giác gờm nhớm len vào lòng Diễm.

Cô cảnh sát cất tờ quyết định vào kẹp. Lấy một tờ giấy khác, cầm bút như sẵn sàng ghi chép.

“Xin cô nghe đây,” cô cảnh sát mở đề cho một cuộc thẩm vấn cuối cùng. “Cô không đủ lý do xin tị nạn, cộng thêm việc phạm pháp, cô không có con đường nào khác ngoài đường trở về nơi cô đã ra đi.”

“Thế thì trả tôi về Ðức.”

“Tại sao lại Ðức? Cô đi từ Việt Nam mà!”

“Tôi từ bên Ðức sang...”

“Trong hai lần thẩm vấn trước đây cô nói từ Việt Nam, đi bộ sang Trung Quốc rồi sang Nga. Bây giờ lại nói từ Ðức sang. Lời nào là thật?”

“Cái thai lày của một thằng Ðức.”

“Nhiều lần chúng tôi đã hỏi cha của thai nhi là ai, cô đều nói là không biết.”

“Không biết... thật đấy. Nói chung nà đêm không thấy mặt.”

“Dù cô không biết gì hết, không biết mặt người ngủ chung, không biết mình là ai, không biết cha mẹ là ai, không biết từ đâu tới, chúng tôi vẫn có cách tìm ra cô là ai. Và chúng tôi sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy cho cô về Việt Nam.”

“Lói thật cũng chết, lói dối cũng chết...” người tù nói nhanh, rồi lại vội nói “Chị đừng dịch cho ló nghe nhá!”

“Cô ấy nói gì?” thấy Diễm không dịch câu nói của người đối thoại, cô cảnh sát hỏi.

“Cô ấy đổi ý, không muốn tôi dịch câu vừa nói.”

Cô cảnh sát nhỏ giọng nói với người đàn bà mang thai:

“Xin cô cộng tác với chúng tôi để tiến hành cho sớm việc hồi hương, tránh cho em bé khỏi sanh ra trong tù.”

“Tôi cũng không muốn sanh con trong tù...”

“Vậy tên thật cô là gì? Ðịa chỉ?...”

Người tạm gọi là ‘Vân’ không trả lời. Diễm bỗng thấy nét mặt của Vân mềm ra, như có một lớp sáp vừa tan để lộ cảm giác - khuôn mặt của một con người. Bất cứ tên tuổi cô là gì, đây là một người mẹ. Người mẹ đặt cả hai tay lên bụng, cúi xuống lẩm bẩm:

“Con tôi sinh trong tù à?”

Rồi im lặng. Diễm cảm thấy xót xa trong lòng. Cảm giác gờm nhớm từ bốn tháng nay biến thành một cảm giác ân hận. Diễm nghĩ đến thân phận chính mình - sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp... là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện: tới một nơi có thể lương thiện mà sống được. Không, không phải cha mẹ chọn. Ðó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ ‘Kho Trời’ đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu không biết, và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.

Lợi dụng lúc cô cảnh sát nói chuyện với bà gác tù, Diễm phá chút qui củ thông dịch, đưa tay bắt bàn tay mềm và ẩm của Vân, chúc may mắn và ai ủi vài câu. Vân tỏ ra cảm động. Cuối cùng, nghĩ tới mai mốt Vân lên máy bay về Việt Nam, Diễm ái ngại hỏi:

“Liệu người lương thiện có sống được ở Việt Nam không?”

“Nương thiện nà cái gì?”

Tâm Thanh

02 April 2025

Để suy gẫm: Hãy ở đúng nơi, đúng chỗ

Một người cha nói với con trai mình, "Con tốt nghiệp hạng danh dự. Đây là chiếc Volkswagen Beetle mà bố đã mua cách đây nhiều năm... Nó đã hơn 50 năm, nhưng trước khi bố tặng con, hãy mang nó đến một đại lý ở trung tâm thành phố và hỏi xem họ trả giá bao nhiêu."

Người con trai đến đại lý, quay về với bố và nói, "Họ trả cho con 10.000 đô la vì trông nó cũ quá." Người cha nói, "Hãy mang nó đến một tiệm cầm đồ."

Người con trai đến tiệm cầm đồ, quay về và nói, "Họ chỉ trả cho con 1.000 đô la vì họ nói nó quá cũ."

Cuối cùng, người cha yêu cầu con trai mang chiếc xe đến một câu lạc bộ xe cổ và cho mọi người xem. Người con trai mang chiếc xe đến câu lạc bộ, quay về và nói, "Một số người trong câu lạc bộ đã trả cho con 100.000 đô la, vì đó là một chiếc xe rất hiếm và được các thành viên săn đón."

Người cha nói với con trai mình:

"Cha muốn con hiểu rằng nếu con ở đúng nơi, con sẽ được trân trọng đúng mức. Nếu người ta không trân trọng con, đừng tức giận, điều đó chỉ có nghĩa là con đang ở sai nơi chốn. Những người biết giá trị của con là những người thực sự trân trọng con. Đừng bao giờ ở lại nơi chốn mà người ta không công nhận giá trị của con!"

(Theo Quora Digest)

Lộng Gió Sa Trường, thơ

Viết Về Một Người Lính


Vũ Minh Ngọc
      
             

Viết về cuộc đời một người Lính, một Sĩ quan.. hay nói một cách tổng quát hơn, viết về cuộc đời binh nghiệp, thường có những kỷ niệm, những hình ảnh đẹp, vui, buồn… Cá nhân tôi, tuy chưa một lần vinh dự có cho mình một số quân như những người lính khác, nhưng thực tế, cuộc sống lại gắn liền với binh nghiệp.. Là một công chức tại địa phương, thường xuyên liên lạc với các sĩ quan chỉ huy tại Quận, Tỉnh.. Tôi đã làm việc chung với nhiều sĩ quan khác nhau, và một trong số sĩ quan này, đã để lại nhiều kỷ niệm và khiến tôi cảm phục: đó là Ðại tá Phạm văn Phúc, Tỉnh trưởng Bình Long / Long Khánh. Ông đã đến nhậm chức trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước.

Tôi nể phục ông về cá tính oai hùng, can đảm, thương lính, thương dân.. và ông cũng đã chứng tỏ sự can trường trong ngày đầu tiên nhậm chức Tỉnh Trưởng Long Khánh vào những ngày đầu tháng 3 năm 1975 khi ông tuyên bố.. “tôi đến đây để cùng chiến đấu với các anh em, nếu tôi bỏ chạy, các anh em cứ bắn chết tôi..” Và ông đã tử thủ tại Long Khánh, đẩy lui nhiều cuộc tấn công của cộng quân, trước khi nhận lệnh rút lui của thượng cấp.

Xin ghi lại một vài hình ảnh kỷ niệm của tình chiến hữu giữa Nhân Dân Tự Vệ Vũ Minh Ngọc và Ðại Tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long & Long Khánh

* * *

Chiếc trực thăng UH1D bay một vòng trên bầu trời An Lộc, định hướng theo khói mầu để tìm bãi đáp.. đưa tôi trở lại vùng đất đỏ, sau những tháng ngày thành phố bị cầy nát bởi pháo địch.. Tôi trở lại với những hình ảnh xa xưa, ngày An Lộc của những buổi sáng sương mù, nhìn những thiếu nữ sắc dân thiểu số, vai đeo gùi, bườc nhanh trên đồi Gío, bóng mờ theo ánh sáng ban mai.. nhưng những hình ảnh thơ mộng này đã đổi thay thật nhiều. An Lộc bây giờ chỉ còn lại những đổ nát hoang tàn, những mộ bia của những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để giữ vững An Lộc. 

Ðó đây, những xác xe T54 của cộng quân bị cháy đen, một chứng tích xâm lăng còn đó..Thị trấn An Lộc hầu như chỉ còn lại một số ít dân ở lại và sống cạnh người lính chiến.. chia nhau từng nắm gạo xấy, những thùng đồ tiếp vận, hay để cùng nhau chia xẻ cái tang thương, chết chóc, của cả lính lẫn dân.. Số còn lại, đã vượt quốc lộ máu, con đường dài từ Tân Khai đến Chơn Thành.. đã là những nghĩa trang mà mồ chôn chỉ là những lá cây rừng . 

Họ chấp nhận cái chết để đổi lấy tự do.. và họ đã về tạm cư tại Phú Văn, Bình Dương hay định cư khẩn hoang lập ấp tại Rừng Lá Long Khánh.

Tôi lên An Lộc lần này, để trình diện Ðại tá Phạm văn Phúc, tân Tỉnh Trưởng Bình Long.. Sau cái bắt tay thân mật và cùng hàn huyên, Ðại tá Phúc hỏi thăm về tình hình bên toà Hành chánh Tỉnh cũng như tình trạng định cư của dân chúng.. Trước khi ra về, Ðại tá Phúc hỏi tôi:

- tôi vửa nhậm chức, ông Phó có cần điều gì không ?
- nếu dành cho cá nhân, tôi xin càm ơn hảo ý của Ðại tá.. nhưng nếu Ðại tá cho phép, tôi xin Ðại tá một đặc ân..
- ông Phó cứ nói, hy vọng tôi sẽ giúp được.
- Tôi xin Ðại tá 1 tuần phép cho Trung tá Quốc, Quận trưởng Chơn Thành.
- tại sao ông Phó lại xin vậy ?
- tôi đã từng làm việc với Trung tá Quốc trong suốt cuộc chiến vừa qua, chưa một lần được đi phép.. nếu được, sẽ là một niềm vui lớn cho Trung tá Quốc và gia đình.
- D’accord.. ông Phó gọi cho Trung tá Quốc chuẩn bị đi phép..

* * *

Tôi vội lên đầu máy gọi Trung tá Quốc bằng tần số riêng..
- Quang Trung (Quốc) đây Non Nước (Ngọc).
- Non Nước tôi nghe thẩm quyền 5/5
- Quang Trung muốn zoulou Sơn Tây Gay go (về Saigon) không?
- Cám ơn Non Nước, giấc mơ này thật xa vời..
- Quang Trung chuẩn bị đi, tôi hiện đang trên Alpha 1 để bốc Quang Trung đi.. giấy phép có rồi.. sẽ có người xuống thay thế.. Lát nữa mình gặp nhau.

Khi tiễn đưa tôi, Ðại tá Phúc ân cần hỏi thăm về tình hình anh em công chức tót nghiệp QGHC, ông đề cao thành phần công chức trẻ đã được đào tạo tại Học viện QGHC, ông cũng bày tỏ ước muốn được xử dụng những cán bộ hành chánh này trong mục tiêu phục vụ cho dân. 

Khi chiếc xe Jeep đến phi đạo, tôi đã thấy khoảng hơn một chục người, sĩ quan có, lính có.. đang chờ phương tiện đi phép.. Ðại tá Phúc ngừng xe hỏi thăm:
- các chú chờ bao lâu rồi ?
- Dạ thưa Ðại tá, tụi em chờ 3 ngày rồi..
Quay sang phi hành đoàn trực thăng, ông nói:
- Các anh giúp hộ tôi một chuyến, đưa số anh em này về Long Bình, xong lên đón phái đoàn sau, đồng thời bốc hộ số anh em đang ở Long Bình lên đây.

Nhìn những cử chỉ lo lắng cho thuộc cấp của Ðại tá Phúc, tôi thật ngưỡng phục.. dù vậy, ông không bao giờ bao che thuộc cấp, một khi vi phạm kỷ luật.. Trong một lần ghé thăm Ðại tá Phúc tại Tòa Hành Chánh Long Khánh, tôi đã chứng kiến cảnh một Sĩ quan cấp Tá, vì rút lui trước khi có lệnh của thượng cấp, và dù cho vị Sĩ quan này là một thuộc cấp thân tín, nhưng ông vẫn thẳng tay trừng phạt và đưa ra tòa án quân sự.. ông tâm sự với tôi..” V. là đứa em thân tín của tôi.. nếu tôi tha anh ta bây giờ, thì làm sao tôi chỉ huy Long Khánh trước sự tấn công mãnh liệt của địch quân được..”

Đôi mắt thật buồn, Nói xong, Đại Tá Phúc nhờ tôi qua bên trụ sở Quân Cảnh Tư Pháp để giúp cho Thiếu Tá V. với lời dặn dò sẽ lo cho Thiếu tá V. tại Saigon và không quên gửi vài món qùa lộ thân.

Sau ngày thuyên chuyển ra Long Khánh, tôi được Ðại tá Phúc tín nhiệm và cùng về Long Khánh làm việc chung. Và trận đánh cuối cùng tại Xuân Lộc đã ghi danh tên tuổi người Sĩ quan Biệt động quân can trường này.. và trên đường di tản, ông bị cộng quân bắt và giam tù.

Nhớ lại những thời gian làm việc chung với Ðại tá Phúc, tôi càng qúy trọng ông hơn.. Ông tâm sự với tôi, kể từ lon Thiếu tá trở lên, lon thăng cấp thường được thả từ trực thăng tại mặt trận, và trong cuộc đời binh nghiệp, hai lần Ông được trao kiếm danh dự, một khi tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, và một lần khi tốt nghiệpTrường Cao Ðẳng Quốc Phòng.. và trong một buổi lễ thật đơn giản, nhưng trang nghiêm, Ðại tá Phúc đã trao cho tôi một trong hai cây kiếm danh dự mà ông đã nhận lãnh, với lời tâm sự..” tôi, với đơn kiếm diệt quần hùng, và tôi muốn trao một phần danh dự mà tôi đã nhận được cho ông Phó…”.

Sau lần đẩy lui đợt tấn công đầu tiên, và gần như cả hai sư đoàn Sao Vàng và 325 của cộng quân đã bị tiêu diệt tại Long Khánh, Ðại tá Phúc thường xuyên liên lạc với tôi qua hệ thống hotline.. ông hãnh diện nói: “ tôi chờ ông Phó qua, mình sẽ xây hai mộ bia ở đầu tỉnh, một chosư đoàn Sao vàng và một cho Sư đoàn 325 của cộng quân, và mình cùng nhau tái thiết Long Khánh” .Giấc mơ chưa thành, theo vận nước, kẻ phiêu bạt nơi hải ngoại, người ngậm ngùi sống trong lao tù cộng sản.

Ðại tá Phúc mãi mãi vẫn sống trong tâm hồn tôi với những hình ảnh hào hùng, kính phục. Trong niềm kính trọng, tôi vẫn ước mong một ngày nào đó, được gặp lại vị Sĩ quan khả kính này và nối tiếp những giấc mơ còn dở dang: giấc mơ không những chỉ xây dựng lại một Long Khánh kiêu hùng, một Bình Long anh dũng, mà sẽ là một giấc mơ lớn lao hơn.. Ðó là giấc mơ Canh Tân lại một nước Việt Nam phú cường trong Dân Chủ và Tự Do

Lời kết: Sau khi bài viết này được phổ biến trên Ðặc San Làng Chài 2001, và do một tình cờ, Ðại tá Phúc đã gọi tôi ngay khi đến định cư tại Hoa Kỳ.. Ông cảm động đọc được những dòng tâm sự này.. Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau để cùng hàn huyên.. để nhớ và để sống lại những ngày xưa thân ái.

VMN, ĐS16

Hình đã cũ: Nỗi nhục vẫn đau

Bức ảnh thể hiện một tư thế của người trí thức Việt Nam hiện nay


Trên đây là tư thế nhận giải Nobel Y Học từ Quốc Vương Thụy Điển của Giáo sư Yamanaka, 50 tuổi, người Nhật Bản tại Stockholm ngày 10/12 vừa qua

Còn dưới đay là bức ảnh tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận cúi khom đến gập nửa thân người ôm lấy bàn tay ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi lễ trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật ngày 27/5/2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội. (Nhấn chuột vào hình để phóng lớn)



Sức khoẻ: Nhiều chuyện không nên coi thường

Tôi nuốt một hạt đậu và nó xuống lầm lỗ, thay vì xuống thực quản nó đi vào phổi. Tôi có nên làm gì không và chuyện có nghiêm trọng không? **...