02 October 2024

Mối Tình Đâu, truyện ngắn

- Nguyễn Ngọc Rao

Năm 1946, tôi là một đứa con trai lên 8 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha mẹ tôi cùng với một chị gái và ba em trai tại một làng quê nghèo khó. Làng tôi nằm sát bên con sông Hồng [Hồng Hà] và ở cách tỉnh lỵ Nam Định [thuộc miền Bắc Việt Nam] khoảng 40 cây số. Vì hầu hết các gia đình trong làng đều theo đạo Thiên Chúa [đạo Công Giáo] nên làng tôi còn là một xứ đạo.

Hầu hết dân làng sống bằng nghề cày ruộng, trồng rau, nuôi gà vịt, hoặc nuôi tằm làm tơ. Riêng gia đình tôi chuyên về trồng ngô, khoai, sắn, chuối, và cũng có nuôi một con lợn hạch và một con trâu đực để cho thuê.

Vì dân nghèo quá nên làng chưa bao giờ có trường học. Năm bảy gia đình tương đối khá giả thì hoặc cho con trai đi học chữ nho với ông đồ nho duy nhất trong làng, hoặc cho con trai đi học chữ quốc ngữ ở một trường làng cách đó khoảng mười cấy số. 

Khi còn nhỏ, nhờ gia đình khá sung túc, bố tôi được đi học chữ nho trong 5 năm và học chữ quốc ngữ đến hết bậc tiểu học. Do đó bố tôi không gửi tôi đi học ở đâu cả mà tự lo việc “dậy vỡ lòng” cho tôi. Nhờ vậy khi lên khoảng 6 tuổi tôi đã biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ thông thạo rồi. Tôi lại cũng biết lai rai làm thơ nữa vì bố tôi rất thích làm thơ và đã sáng tác ra nhiều bài thơ. [Trên thực tế tôi không gọi bố tôi là “bố” mà là “thầy”.] Bố tôi đã dự định sẽ gửi tôi đi học trên Huyện [Quận lỵ] khi nào tôi được 9 tuổi, nghĩa là sang năm 1947 ; nhưng dự định này bị cản trở vì hoàn cảnh đã thay đổi ngay trước đó.

**
Vào khoảng giữa năm 1946, cuộc sống trầm lặng từ bao nhiêu thế hệ trong làng tôi đột nhiên bị xáo trộn hoàn toàn. Một số trai tráng trong làng bỏ nhà, bỏ công ăn việc làm đi “tham gia kháng chiến”, nghĩa là đi gia nhập vào hàng ngũ Việt Minh với mục đích đánh đuổi thực dân Pháp. Cũng vì làng tôi là một xứ đạo nên một số trai tráng đông hơn lại gia nhập Phong Trào Công Giáo Cứu Quốc do đức cha Lê Hữu Từ [giám mục địa phận Phát Diệm] khởi xướng, và họ hoạt động tự vệ chống Pháp ngay tại làng.

Bố tôi đứng đầu đội ngũ Công Giáo Cứu Quốc của làng nên phải hoạt động ngày đêm trong tổ chức đó và hoàn toàn bỏ lãng công việc làm ăn cũng như không còn thì giờ để dậy tôi học nữa.

Có một gia đình rất xa lạ đột nhiên đến cư ngụ tại làng tôi. Gia đình này gồm có hai vợ chồng và ba người con. Tôi nghe nói họ là “dân Hà Nội tản cư”, nghĩa là những người dân vùng Hà Nội đã phải bỏ chạy tới đây để tránh những cuộc đụng độ vũ trang càng ngày càng khốc liệt xảy ra giữa quân đội Việt Minh và quân đội Pháp tại Hà Nội và các vùng lân cận.

Người đàn ông trong gia đình này tên là Tâm. Chỉ ít ngày sau khi tới đây ông Tâm mở lớp dạy học cho dân trong làng. Ông cho biết ông là giáo viên tại một trường tiểu học ở ngoại ô Hà Nội. Chỉ có trẻ con khoảng dưới mười tuổi mới theo học thôi, còn những đứa khác trên mười tuổi và người lớn thì không tới học được vì phải lo làm ăn. Như vậy số học trò theo học gồm có tôi, Nhung [cô con gái của thầy giáo Tâm] và 15 đứa trẻ trai gái dưới mười tuổi. 15 đứa trẻ này được xếp chung thành một lớp vì tất cả đều còn hoàn toàn mù chữ ; Nhung và tôi thì được xếp thành một lớp riêng vì cả hai đã biết đọc, biết viết, biết làm các tính cộng trừ nhân chia thông thạo rồi.

Khi vừa tới buổi tựu trường thì người đầu tiên tôi gặp là Nhung. Có một điều kỳ lạ là Nhung và tôi truyện trò ngay với nhau một cách rất hồn nhiên, y như đã từng quen thân nhau từ lâu. Nhung cho tôi biết Nhung lên bảy tuổi, tức là thua tôi gần một tuổi rưỡi ; cũng vì thế mà từ đó trở đi tôi gọi Nhung là “Bé Nhung” hoặc đôi khi chỉ là “Bé” thôi.

Các buổi học đối với tôi là những giờ phút thích thú và làm cho Bé Nhung và tôi rất mau trở thành thân thiết gắn bó với nhau. Tôi được ngồi sát bên Bé Nhung, được ngửi mùi hương lạ thoang thoảng tỏa ra từ người Bé. Tính tình Bé rất dịu dàng, vui vẻ. Bé thông minh, lanh lợi. Đặc biệt là Bé có trí nhớ rất sắc bén : bao giờ Bé cũng học những bài thuộc lòng nhanh hơn tôi nhiều.
 
**
Ngoài những buổi học ra, tôi lại thường rủ Bé Nhung cùng đi lang thang từ sáng tới chiều ngoài các cánh đồng lúa ven làng. Tôi đã từng đi lang thang như vậy một mình rồi vì tôi có phận sự giữ con trâu nhà, hầu như hằng ngày phải dẫn nó đi ăn cỏ ngoài đồng.

Mỗi lần tới cánh đồng, tôi để con trâu ở một chỗ có cỏ rồi cùng với Bé đi mò cua, bắt ốc, hái những cuộng rau muống, rau rút, rau má mọc hoang, hái những quả táo, quả khế, qua roi không chủ... Khi buồn ngủ thì tụi tôi nằm xoài ra bên một gốc cây, ôm nhau ngủ. Khi thấy trời nóng quá thì cả hai cởi hết quần áo ra, nắm tay nhau nhảy tùm xuống một con lạch. Rồi đến mùa lúa chín thì chúng tôi cả ngày mê man bắt những con cào cào to béo đem về nhà nướng ăn.
Có một hôm cả ngày chúng tôi không kiếm được một trái cây nào để cùng nhau vui ăn như thường lệ. Tôi cảm thấy hơi buồn ; khi quay sang nhìn thì tôi thấy Bé Nhung cũng có vẻ hơi buồn, thành ra tôi lại buồn hơn. Rồi đột nhiên tôi nảy ra một ý nghĩ táo bạo : ăn cắp quả na [mãng cầu] đang chín to nhất trong vườn nhà tôi ! 

Sáng hôm sau tôi lón lén hái trộm quả na đó dù biết chắc sẽ bị bố tôi quở phạt nặng nề. Đến trưa chúng tôi bẻ quả na ra ăn, và tôi có đút cho Bé Nhung ăn vài miếng. Trời ơi, na thơm ngon quá – thơm ngon như đôi má Bé Nhung vậy ! Lúc đó hai đứa chúng tôi cùng cảm thấy sung sướng, hạnh phúc vô cùng !

Chiều hôm đó, khi vừa về tới nhà, tôi thấy bố tôi đang đứng chờ ở ngoài sân, tay cầm một cái roi mây khá dài. Bố tôi giận dữ hỏi ngay :
– Có phải mày ăn cắp quả na to nhất cho con Bé của mày phải không ?
Tôi không tìm cách chối, mà run run trả lời :

– Dạ, phải ạ.

Bố tôi lấy giọng rất oai nghiêm nói :

– Cái tội ăn cắp này nặng lắm ! Mày nằm xuống đây, tao cho mày ba roi để từ nay mày chừa cái tính ăn cắp nhá !

Tôi ngoan ngoãn nằm sấp mặt xuống sân gạch, hai bàn tay ấp vào gáy, rồi nhắm mắt lại, nín thở, gồng mình lên để sẵn sàng đón nhận những đòn roi vọt sắp giáng xuống hai mông. Tôi nằm giữ cái thế đó một lát mà không thấy bố tôi động tĩnh gì hay nói gì. Tôi ngẩng mặt lên nhìn thì bố tôi hơi mỉm cười và nhẹ nhàng nói :

– Thôi, tao tha cho mày lần này. Lần sau mà mày còn ăn cắp nữa thì tao sẽ quất cho mày đủ mười roi.

Nói xong, bố tôi bước ngay vào trong nhà. Trong khi đang lồm cồm đứng dậy tôi nghe thấy bố tôi nói với mẹ tôi :

– Tôi mà như cái thằng này thì chắc tôi cũng ăn cắp na cho gái.
Tôi không nghe thấy mẹ tôi nói gì mà chỉ nghe người rúc rích cười như có ý chế nhạo bố tôi.

**
Chừng vài ba tháng sau khi đội ngũ Công Giáo Cứu Quốc trong làng được thành lập thì có một nhóm bốn người đàn ông tới làng, tự mệnh danh là “cán bộ Việt Minh” đến giúp đội ngũ hoạt động trong khuôn khổ “toàn dân đoàn kết chống thực dân”. Một người trong bọn họ đeo súng lục, một người khác đeo gươm, còn hai người kia đeo mã tấu. Những người trong đội ngũ Công Giáo Cứu Quốc chỉ có khí giới là dao mổ trâu, nỏ, lao tre và gậy gỗ.

Việc đầu tiên các cán bộ Việt Minh làm là thành lập ban “Nhi Đồng Cứu Quốc” và bắt tất cả các trẻ em trong làng từ 7 tuổi tới 15 tuổi phải gia nhập ban này. Dĩ nhiên Bé Nhung và tôi hân hoan gia nhập – và có thêm cơ hội sống bên nhau !

Các cán bộ dậy cho bọn Nhi Đồng Cứu Quốc chúng tôi một số bài hát “cách mạng”. Tôi chẳng hiểu “cách mạng” là gì nên không thích những bài hát đó và sau này quên hết, chỉ trừ bài chống Pháp dưới đây :

             Ớ trẻ con ơi này : Tây nó về, Tây nó về.
             Ớ trẻ con làng ta, hãy ra mà xem, hãy ra mà xem.
             Thằng cu Tây ngốc nghếch, mũi thò lò, tai to tướng !
             Thằng cu Tây ngốc nghếch, mũi thò lò, hay quá chừng !
             Nó chỉ đi khám, hắn ta chỉ đi khám :
             Mau mau đem giấu đi kẻo nó bắt thì nguy !

Riêng bài hát ca tụng bác Hồ [Hồ Chí Minh] thì tôi cũng không thích nhưng còn nhớ lõm bõm được mấy lời sau đây :
             Bác chúng em, 
             Người cao cao,
             Mắt như sao...

Có một điều lạ là không bảo nhau mà hễ tôi thích hay không thích bài hát nào thì Bé Nhung cũng thích hay không thích bài hát đó. Điều này làm cho niềm thông cảm giữa hai đứa chúng tôi đã sâu dậm càng sâu đậm hơn.

Mấy cán bộ Việt Minh cũng mở lớp “bình dân học vụ” vào buổi tối giành riêng cho người lớn. Họ không dạy viết mà chỉ dạy đọc thôi, và bằng phương pháp cho các học viên học thuộc lòng những câu “văn vần”. Vì tò mò, tôi và Bé Nhung thỉnh thoảng kéo nhau đến tham dự những lớp học đó. Chúng tôi rất thích các câu văn vần được đem ra dạy – chẳng hạn như câu giúp học và phân biệt hai chữ i, t [tờ] :

             i tờ giống móc cả hai,
             i ngắn có chấm, tờ dài nét ngang.

hoặc câu giúp học và phân biệt các chữ o, ô, ơ :

             o tròn như quả trứng gà,
             ô thì đội mũ, ơ là có ria.
 
**
Trong suốt năm 1947, chiến tranh càng ngày càng có vẻ tiến gần tới vùng tôi ở. Số người từ miền Hà Nội và Nam Định tản cư xuống làng tôi và các làng lân cận cứ tiếp tục tăng. Tàu chiến Pháp lúc đầu chỉ đi tuần trên sông Hồng Hà khoảng hai ba tháng một lần thì sau này đã tăng lên khoảng hàng tuần và mỗi lần đều gây ra những cuộc đụng độ kinh hoàng.

Trong suốt thời gian có tàu chiến Pháp đi lên đi xuống sông Hồng thì cũng có máy bay Pháp bay qua vùng trời làng tôi. Có loại máy bay mà dân chúng gọi đùa là “máy bay bà già” vì đó là những máy bay vận tải màu trắng, bay rất cao và không có vẻ gì là nguy hiểm dọa nạt cả. Không thấy ai sợ loại máy bay này. Bé Nhung và tôi vẫn thường thích ngắm những chiếc máy bay này như là ngắm mấy chiếc diều gió vậy, mà lại còn mơ một ngày nào được bay trên đó nữa.

Ngược lại, tất cả dân chúng đều rất sợ “máy bay phóng pháo”. Đó là loại máy bay màu đen, bay rất thấp, rất nhanh, phát ra những tiếng ầm ầm như sấm sét, lại cũng có lúc bỏ bom hoặc bắn “súng liên thanh” nữa. Khi nghe thấy tiếng máy bay này thì ai cũng phải tức tốc chạy đi tìm chỗ trú ẩn.

Một hôm ở ngoài cánh đồng tôi định leo lên một cây roi để hái mấy quả. Bé Nhung đứng dưới gốc cây, tay cầm giây thừng giữ trâu. Tôi vừa leo lên cây được vài ba bước thì bất thần có một chiếc máy bay phóng pháo bay rất thấp vụt tới và phát ra mấy tràng súng liên thanh. Tiếng máy bay và tiếng súng long trời lở đất làm cho con trâu hoảng sợ lồng lên chạy trốn, lôi cả Bé theo trong thế nằm dài trên bờ cỏ vì Bé cứ nắm chắc chiếc giây thừng. Tôi vội nhảy xuống đất và chạy đuổi theo Bé trong khi miệng nói to :

– Buông thừng ra ! Buông thừng ra !

Bé vẫn không chịu buông thừng ra. Tôi cố sức chạy đuổi nhanh hơn nữa. Khi tới được Bé tôi nhảy chồm lên người Bé và cố gỡ được giây thừng ra khỏi bàn tay Bé. Con trâu được thả tự do tiếp tục chạy một quãng dài nữa rồi ngưng lại vì lúc đó máy bay đã biến đi rồi. Tôi bực tức vặn hỏi Bé :

– Tại sao Bé không chịu nghe anh mà buông thừng ngay ra ?
– Em không muốn để con trâu chạy đi mất tích.

Bé Nhung trả lời một cách rất bình tĩnh, coi như đã không có truyện gì quan trọng xảy ra. Tôi giật mình ngạc nhiên vì không ngờ Bé là con gái mà lại có được thái độ và hành động gan lì như vậy. Tôi thầm phục Bé sát đất !
**
Sáng sớm một ngày cuối đông năm 1947, chiến tranh đột nhiên phát động rất gần làng tôi. Súng lớn súng nhỏ thi nhau nổ rền rền. Thỉnh thoảng lại có một quả đại bác rơi nổ ầm ĩ ngay trong làng. Máy bay phóng pháo lượn đi lượn lại trên vòm trời, phát ra những tiếng rợn người như sấm sét, rồi lâu lâu lại nhả ra những tràng súng liên thanh nghe mà thất đảm. Mọi người trong gia đình tôi đều nhảy xuống chuồng lợn đào sâu trong nhà để trú ẩn. Rồi tất cả cùng nhau rì rầm đọc kinh “ăn năn tội” và kinh “phó linh hồn cho Chúa” vì thấy cái chết đã kề cận.

Chúng tôi ngồi co ro trong chuồng lợn hôi hám bẩn thỉu và luôn miệng đọc kinh như vậy cả mấy tiềng đồng hồ liền. Mãi đến khoảng 10 giờ sáng thì không thấy còn máy bay nữa, và các tiếng súng cũng chỉ còn nổ lẹt đẹt rời rạc thôi. Mọi người lồm cồm leo ra khỏi chuồng lợn. Tôi vội vã cắm đầu chạy sang nhà Bé Nhung, mặc cho bố tôi thét gào bắt tôi phải quay trở lại ngay.

Tới nhà Bé Nhung tôi thấy có một nhóm người đang đứng quây quần trong bếp, mẹ Nhung đang khóc bù lu bù loa. Không thấy bóng dáng Bé đâu, tôi nghi ngay là đã có truyện gì không hay xảy ra cho Bé. Tôi vội lách qua nhóm người và tiến tới để xem sự thể ra sao. Tôi thấy Bé đang nằm ngửa im lìm trên mặt đất, đôi mắt nhắm lại, và có một vết thương rất lớn ở bụng. Tôi nằm vật xuống, vòng tay ôm lấy Bé và gọi Bé qua hai giòng nước mắt dàn dụa :

– Bé ! Bé ! Bé Nhung !

Nghe tôi gọi, Bé từ từ mở mắt ra và miệng phều phào như muốn nói với tôi điều gì. Tôi ghé tai vào miệng Bé thì nghe được Bé nói rất nhẹ :

– Anh... Anh...Anh...

Bé chỉ nói được chừng đó rồi im luôn và từ từ khép đôi mắt lại. Tôi hoảng hốt ôm lay người Bé và gọi to tên Bé, nhưng Bé không phản ứng gì nữa. Ông Tâm tới gỡ vòng tay tôi ra khỏi Bé rồi kéo tôi đứng dậy và nói :

– Con Nhung nó bị trúng một mảnh đạn đại bác. Thôi thì nó chết cũng là thánh ý Chúa. Anh nhớ cầu nguyện cho linh hồn nó nhá !

Nói xong, ông Tâm đi lấy một chiếc chiếu cói rồi cuộn xác Bé Nhung vào đó và lấy giây thừng thắt buộc lại. Xong rồi ông vác xác Bé lên vai đem đi chôn ở ngoài ruộng lúa ven làng, theo sau là hai ba người đàn ông cẩm cuốc và xẻng để đào huyệt. Còn những người khác thì cuống cuồng thu xếp để tản cư chạy loạn vì các tiếng súng lớn nhỏ lại rền vang. Tôi vội vã chạy theo xác Bé nhưng bố tôi đã kịp thời tới nơi, nắm chặt lấy tay tôi và lôi tôi về nhà, vừa chạy vừa nói :

– Mày phải về ngay để đi tản cư lập tức !

**
Thế là tôi đã bất thần phải vĩnh biệt Bé Nhung kể từ ngày bom đạn dội xuống làng tôi. Cho tới nay đã gần 80 năm trời trôi qua mà cái chết của Bé vẫn còn là một vết thương to lớn không thể lành được trong lòng tôi. Hình bóng Bé Nhung yêu quý vẫn còn in đậm trong tâm khảm tôi. 

Niềm tôi yêu mến và tiếc thương Bé không lúc nào nguôi. Có nhiều đêm tôi giật mình thức giấc thấy tim mình đang đập thình thình như trống ngũ liên và nước mắt đang chảy dàn dụa trên má; phải mấy giây đồng hồ sau tôi mới nhận ra mình vừa nằm mơ gặp lại Bé Nhung...

Cớ sao mối tình đầu của tôi lại thê thảm đến thế này ? Trời ơi, Đất hỡi, thấu cho chăng ?!

Nguyễn Ngọc Rao

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...