16 June 2024

ÔNG VÉO MÔNG, truyện ngắn

 Phạm Đức Thân

(Tác giả Khushwant Singh, Phạm Đức Thân dịch )

Khushwant Singh (1915 - 2014) có một sự nghiệp đồ sộ trong nhiều lãnh vực: chính trị, ngoại giao, lịch sử, báo chí... nhưng đáng kể là lãnh vực văn học. Với cả trăm truyện dài và ngắn ông là một nhà văn Ấn nổi tiếng, ngang tầm R.K.Narayan, Salman Rushdie... và từng nhận nhiều giải và bằng danh dự về văn học và báo chí. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất Train to Pakistan (1956).

Ông có cái nhìn sắc bén, chi tiết về xã hội Ấn, phơi bày những thói hư tật xấu của đời thường, nhưng qua giọng văn khôi hài dí dỏm ông không cay nghiệt, luôn tỏ ra bao dung, tin vào lòng tốt của con người. Ông không ngại viết bạo về những đề tài tế nhị, bị phê phán, và về già tự nhận mình là một dirty old man.

Một chủ đề của ông là thói đạo đức giả. Trong truyện điển hình The Bottom-Pincher (Ông Véo Mông) ông vạch trần thói đạo đức giả của nhiều người: bên ngoài trông đạo mạo, đáng kính nhưng thật ra lại âm thầm làm những chuyện thiếu đạo đức. Trong một truyện khác, có cảnh khôi hài cho thấy khẩu hiệu không đi đôi với việc làm: Đèn xanh đã bật ở ngã tư, nhưng xe trước vẫn chưa đi. Xe sau nhấn còi inh ỏi..Cảnh sát tiến đến xe sau hỏi giấy tờ, rồi trả lại người lái. Người này tức giận hỏi bộ nhấn còi là phạm luật sao. Cảnh sát trả lời "Tôi thấy xe dán khẩu hiệu Cầu Nguyện Thay Đổi Mọi Chuyện mà tài xế lại nóng nẩy nhấn còi liên tục, nên tôi nghi là xe ăn cắp, ông không phải là chủ nhân."

(Phạm đức Thân dịch từ bản English trong sách Passages - 24 Modern Indian Stories, Signet Classics, 2009, có tham chiếu bản khác trên mạng để điều chỉnh thiếu sót và lỗi chính tả) 

**

Tôi không phải là một người véo mông, nhưng tôi thích được là một người như vậy. Giống như người được ban tặng tự do của thành phố (ND. Chìa khóa hay chứng nhận của một thành phố, tượng trưng cho phép được hưởng vài đặc quyền), tôi thích được cho phép tự do véo mông phụ nữ thành phố. Véo là từ không chỉnh. Nếu mông tròn trịa xinh đẹp tôi thích được tự do vuốt ve nó trong lòng bàn tay. Nếu nó rất to hoặc quá nhỏ tôi thích được tự do lướt ngón tay chỗ khe mông từ dưới lên trên. Chỉ khi mông xệ tôi mới muốn kẹp dúm thịt xệ giữa ngón cái và ngón trỏ rồi véo nó. Tuy nhiên không thành phố nào ban tặng tôi cái tự do đó.

Tôi là một công dân tuân thủ luật pháp. Chủ nghĩ tốt về tôi. Tôi là hội viên của câu lạc bộ tốt nhất và có chân trong ban quản trị của YMCA. Tóm lại tôi là một thành viên đáng kính của cộng đồng. Điều này cấm tôi không được tự tiện với mông phụ nữ, trừ bằng cặp mắt. Khi tôi tới gần một cái mông mà tôi muốn vuốt thì tôi liền tự cảnh giác ngay về hậu quả. Tôi nhủ thầm phụ nữ này có thể không thích tôi đụng vào mông. Bà có thể làm ầm lên. Bà có thể thu hút đám đông và một ông nào đó ra vẻ đạo đức, mặc dù chính ông ta là một người véo mông, có thể ra tay thực thi luật pháp, đánh đập tôi. Những ý nghĩ như vậy làm tôi toát mồ hôi trán. 

Với tôi véo mông đã là một thú giải trí cho khán giả. Tôi lại diễn đạt sai rồi. Bởi thú vui này chỉ giới hạn vào chuyện ngắm mông. Chứ tôi chưa từng bao giờ có đặc quyền ngắm ai véo mông người khác. 

Thành phố đông đúc như Bombay cung cấp điều kiện lý tưởng cho ngắm mông. Và những y phục phủ trên mông phụ nữ thì vô vàn khác biệt hơn bất cứ nơi nào trên thế giới; sari, gagara, lungi, váy (kiểu ghagra của Ấn cũng như kiểu dài và mini của Âu châu), quần căng co dãn, quần ống loe, churidar - bạn có thể bắt gặp mọi thứ trong vòng 15 phút, bất cứ lúc nào và ở đâu. Khu vực ưa thích của tôi trải dài nửa dặm từ sở tới giao điểm của năm con đường tại môt tượng đài gọi là Bồn Nước Flora. Thời điểm tốt nhất là vào giờ ăn trưa, lúc đông đảo nhất. Không như đi bộ mà giống như kiến bò, tránh né người, va đập vào họ, xua đuổi ăn mày, cười với các ả đang mời mọc "vui vẻ qua trưa", càu nhàu mấy tay dai dẳng đòi mua bán ngoại tệ. Tuy nhiên tôi thích hoạt động này, giống như cái chợ, chính xác là vì nó đông phát khiếp. Nhiều sạp sách ven đường. Vỉa hè đầy các loại hàng hóa lậu: Nước hoa, mỹ phẩm, vải the của Pháp; máy ghi âm, máy ảnh, máy thu thanh bán dẫn của Nhật mở lớn hết cỡ. Và không thể tránh được, đông đảo phụ nữ mua sắm. Người ta phải hết sức cẩn thận để không đụng chạm vào ngực hoặc mông của họ. Nhưng có ai mà muốn hết sức cẩn thận cơ chứ?

Chính vào một giờ trưa như thế tôi được mục kích một cảnh véo mông nhớ mãi. Tôi đang rà soát tại một sạp sách bên đường dọc theo Đền Lửa Dadyseth Parsis. Đám ăn mày đột nhiên kéo đến tụ tập phía cửa chấn song sắt dùng để ngăn cản dân không phải Parsi, khiến tôi chú ý. Từ Đền Lửa tiến ra một ông gầy cao, khoảng lục tuần, mặc bộ đồ xanh nhạt, đội mũ cối chống nắng, và đeo kính dày hậu-cataract. Ông thò vào túi và bỏ một đồng xu vào tay mỗi ăn mày. Hình như họ biết người đàn ông và thời điểm ông xuất hiện; trong đám đông có những người cùi lê lết và một phụ nữ mù xốc một đứa bé trên vai. Mặc dù tôi có định kiến khắt khe về chuyện cho tiền ăn mày tôi không thể không cảm phục người, do bất kỳ tính toán gì, mỗi xế trưa lại cho đi một tài sản nhỏ.

Người đàn ông tiếp tục đi về hướng sở tôi. Tôi theo sau ông cách vài bước. Việc thiện của ông không ngừng bên ngoài Đền Lửa. Ông tiếp tục thò vào túi bên phải và bỏ đồng xu vào mỗi bàn tay chìa ra. Rồi tôi nhận thấy khi ông đi ngang qua một nhóm ba phụ nữ đang cúi người trên một món đồ ở sạp, bàn tay trái của ông lướt nhẹ trên mông một bà trong nhóm. Lúc bà thẳng người lên để nhìn xem ai đã làm vậy thì người đàn ông đã đi lên trước vài bước trong đám đông. Ông không quay lại nhưng tiếp tục bước tới, người thẳng đứng. Và cứ thế tiếp tục. Tay phải bố thí người túng thiếu, tay trái vỗ hay vuốt mông các bà hớ hênh, không cẩn thận. Một người cá tính đặc biệt cách gì! Ông đã mạo hiểm biết bao, không sợ bị bắt gặp, vạch trần và xử lý!

Trưa hôm sau tôi trở lại sạp sách. Một mắt nhìn tờ tạp chí, mắt kia ngó cổng Đền Lửa. Ăn mày đã thu thập xong và trưng ra vốn liếng của mình; người cùi với bàn tay trụi lủi không ngón, đàn ông chống nạng, phụ nữ mù ẵm con trong lòng. Người đàn ông xuất hiện từ nhà nguyện, cũng bộ đồ xanh nhạt, mũ cối chống nắng, và sau cặp kính dày là một khuôn mặt nhợt nhạt, khô khan, không biểu lộ gì. Ông diễn lại những hành động cũ; xuất cả túi tiền xu cho những bàn tay chìa ra. Với phụ nữ mù ông cho nhiều hơn: một tờ 1 rupee ông đòi giao tận tay đứa bé. Ông nói gì đó với bà mẹ mà tôi cố hết sức cũng chỉ đoán được là, "Đây là cho cháu bé." Trong động thái này ông đã chạm vào ngực người phụ nữ trẻ. Ông được thưởng một nụ cười. Xá gì một chạm nhẹ ở ngực nếu nhờ đó bạn được 1 rupee!

Ông tiến hành nhịp bước thắng lợi qua đám đông chen chúc. Dễ dàng theo dấu ông vì chiều cao của ông, mũ cối nhấp nhô trên biển đầu người và ngạc nhiên bất ngờ mà phụ nữ quay xem ai đã đặt tay trái lên mông họ để khen thưởng.

Tôi theo dõi ông suốt chặng đường. Ông rẽ vào tòa nhà Phòng Thương Mại đồ sộ. Nhân viên canh cửa chào ông. Có một hàng dài người đang đợi thang máy. Ông tiến thẳng vào thang máy không ai phản đối. Ông rõ ràng là một sếp lớn.

Vài tuần sau tôi đang đi bộ từ sở về ngang qua tòa nhà Phòng Thương Mại, tôi thấy một xe Mercedes Benz mầu cam đỗ dọc lề đường. Trong xe có hai phụ nữ - một bà thấp mập và tóc xám ngồi thu mình trong một góc ghế sau, người kia là một cô tuổi teen rõ ràng là con gái bà. Tài xế mở cả 2 cửa xe cùng bên.

Nhân viên đặt một cặp táp và một chồng hồ sơ trên ghế trước. Nhân vật của chúng ta ở Đền Lửa bước ra theo sau là hai người trông như phụ tá. Cô gái nhẩy ra khỏi xe, chạy qua vỉa hè và ôm ông kêu to "Bố!". Cô không thể ngoài 16 tuổi. Và cũng rất đáng yêu. Tóc nâu hạt dẻ xõa trên vai.. Kiểu người ngoài trời, khỏe mạnh. Một dáng hình như vừa thoát ra khỏi bức tường của một đền đài cổ Ấn độ, ngực nở như muốn bật tung khỏi áo blouse, eo nhỏ và mông - lại mông - nẩy nở và khiêu khích như thể thách thức với thế gian và bảo "Tôi cóc thèm quan tâm!"

Thảo nào nhân vật của chúng ta bị ám ảnh bởi ngực và mông. Tiếp cận liên tục những cám dỗ như thế! Ức chế liên tục không được chạm vào chúng!

Chiều tối hôm sau tôi biết được tên ông. Lần này chiếc Mercedes Benz ở đó không có hành khách nữ. Tôi giả vờ chiêm ngưỡng chiếc xe và làm như tình cờ hỏi tài xế nó thuộc về ai.

"Burra Sahib."

"Burra Sahib nào?"

"Lalkaka Sahib, chứ còn ai nữa!" hắn trả lời cụt ngủn.

Có 14 Lalkaka trong niên giám điện thoại Bombay. Tất cả tên danh sách người Parsis từ trên xuống - Cyrus, Darius, Framroze, Jal, Jehangir, Nausheer.

Rồi tới vần P có 2:.Một cùng với địa chỉ 'Tòa nhà Phòng Thương Mại', và P kia đi kèm với 'Gia cư: Biệt phủ Lalkaka, Đồi Malabar'. Sách điện thoại của tôi ghi tên người Parsi vần P chỉ có một, Phiroze. Sáng sau lúc 11 giờ khi rất họa hiếm có người trong gia đình ở nhà, tôi gọi số điện thoại. Một gia nhân bắt điện thoại. "Phiroze Lalkaka Sahib hai?" tôi hỏi.

Gia nhân trả lời giọng tiếng Anh bang Goa. "Đây không phải Phiroze Lalkaka. Mà là nhà của Pesi Lalkaka. Ông đi làm rồi."

"Cô Lalkaka có nhà?"

"Cô Baba cũng đã đi học. Bà Sahib ra ngoài. Không ai có nhà. Ai gọi?"

Tôi chưa hề nghĩ đến câu trả lời cho câu hỏi này. Bị thôi thúc bất ngờ lúc đó tôi liền bảo người làm ghi tên tôi xuống. Tôi chậm rãi đánh vần cho hắn "Ông Véo Mông."

"Số điện thoại?"

"Ông ấy biết số của tôi."

Hôm sau Pesi Lalkaka không có mặt ở Đền Lửa. Cả tuần sau cũng không. Ăn mày tụ tập đúng giờ thường lệ và giải tán tay không. Tôi tiếc cho họ. Tôi cũng ân hận cho người đàn ông tử tế mà ham thích giải trí vô hại của ông đã bị tôi cắt đứt. Tôi đã là một kẻ phá bĩnh.

Tôi thắc mắc không biết Pesi Lalkaka đã phản ứng thế nào với thông tin điện thoại của tôi. Có thể vợ hoặc con gái đã nhận tin trước. "Cái tên kỳ quặc làm sao! Véo Mông! Ông ta là ai, bố?" Pesi Lalkaka hẳn phải xanh mặt và lắp bắp, "Bố không biết." Họ có thể đã hỏi người làm. "Ông ta nói Sahib biết số điện thoại." Họ có thể đã kiểm tra danh bạ điện thoại. Không có ngay cả một tên Mông hay Véo trong điện thoại Bombay. Họ hẳn đã phải bỏ qua chuyện này. "Ai đó đang muốn đùa giỡn." Nhưng tội nghiệp Pesi Lalkaka! Ông hẳn đã phải chịu buồn khổ biết bao, thấy rằng mình đã bị phát hiện!.

Hai tuần sau Pesi Lalkaka trở lại Đền Lửa Dadyseth. Ông trông không thoải mái. Ông bỏ tiền vào tay một vài ăn mày bám sát ông. Ông nhìn quanh xem có thể nhận ra ai đó không. Rồi tiến về hướng sở làm. Tôi theo sau ông. Ông tiếp tục cho tiền bằng tay phải. Nhưng lần này tay trái ém chặt trong túi áo choàng..

Mỗi lần đi ngang một phụ nữ ông quay lại ngó xem mình có bị theo dõi. Tội nghiệp, tội nghiệp Pesi Lalkaka!

Ông bắt đầu lại cái thói quen cầu nguyện vào giờ bữa trưa, tiếp theo là bố thí trên đường trở lại sở. Nhưng bây giờ tay trái ông luôn luôn trong túi áo choàng.

Và mỗi lần ông đi ngang qua một phụ nữ ông quay nhìn qua vai giống như người bị ma đuổi. Cứ như vậy một thời gian. Pesi Lalkaka hình như đã thắng được cái ám ảnh. Ông đang trở nên bình thường, nhàm chán.

Không phải vậy. Có vẻ như là Pesi Lalkaka đã tự trấn an rằng người có lần đã bắt gặp ông quả tang đã biến mất khỏi hiện truờng.

Một buổi chiều ông đang len lỏi tìm đường qua vỉa hè đông đúc có tôi theo sau cách vài thước. Tôi thấy có 3 phụ nữ phía trước chúng tôi đang xem xét một món hàng trên sạp. Mông họ phơi bầy khác biệt về kích cỡ cũng như vải che, trông thật cám dỗ. Một cô gái trẻ mặc jeans xanh bó sát da; mông giống như 2 quả dưa hấu tròn trịa chưa chín. Cạnh cô là một bà già hơn mặc sari đỏ tươi. Bà đồ sộ như một quả bí đỏ lớn. người thứ ba trong hàng là một Lolita 12 tuổi mặc một váy trắng mini ngắn đến độ khi cúi xuống cô để hở đùi cũng như chút mông. Tôi có thể thấy cánh tay trái của Pesi Lalkaka co giật. Bộ ba cặp mông chổng lên như thế chứng tỏ một cám dỗ mãnh liệt không cưỡng lại được. Tay ông ra khỏi túi và vuốt nhanh liên tiếp cả ba cặp mông. Tới lúc mấy phụ nữ thẳng người lên và quay nhìn quanh thì Pesi đã đi lên phía trước và tôi ở liền ngay sau ba người. Bà có tuổi giận dữ và chửi thề, "Badmash - đồ khốn nạn." Người đồng hành trẻ hơn rít lên. "Mẹ, đừng làm ầm ĩ." Tôi thoát nạn trong gang tấc. 

Tôi quyết định dạy cho Pesi Lalkaka một bài học. Ngay vừa tới sở tôi liền điện thoại nhà ông. Cũng chính cái giọng cũ bên đầu kia. "Sahib đi làm. Bà Sahib đang nghỉ. Cô Baba đi học. Ai đang gọi?"

"Ông Véo Mông."

"Làm ơn cho số điện thoại!"

"Bảo ông chiều tôi sẽ gọi lại."

Làm vậy để ông ta sửa chữa! Và đúng thật.

Pesi Lalkaka không có mặt ở Đền Lửa trong nhiều ngày. Sau cùng khi ông xuất hiện tay trái ông địu trong một dải băng. Ông trông nhợt nhạt hơn trước. 

Tôi chắc rằng ông đã tự mình cương quyết cắt đứt. Tội nghiệp Pesi Lalkaka!

Ăn mày ân cần săn hỏi. Ông chỉ lắc lắc đầu. Như thường lệ tôi theo ông suốt dải đường đông đúc. Mấy ngày nay hình như ông đã trở nên lom khom. Ông bước đi khó nhọc không quay ngó lại. Bất cứ khi nào ông gặp một phụ nữ đang nhìn đi hướng khác ông lại chậm bước. Ông nghiêng đầu, thoáng nhìn tiếc nuối mông nàng và tiếp tục đi tới. Lần này tôi cảm thấy thật ân hận cho ông. Mà tôi có nên vậy không? Tại sao ông đã không dùng tay phải để làm cái việc mà tay trái không thể? Tôi đã đọc ý kiến của nhà xã hội học cho rằng dân Ấn chỉ dùng tay trái để sờ soạng hạ bộ phụ nữ, không bao giờ tay phải vì dùng để bốc ăn và họ không muốn nó bị ô nhiễm. Tôi tự hỏi không biết có phải điều này đã ngăn cấm Pesi Lalkaka. Và tò mò đã thắng thế.

Chiều tối tôi gọi ông. Cũng vẫn gia nhân đó bên kia đầu giây.

"Hullo! Ai đang gọi?"

"Bác sĩ. Tôi muốn nói chuyện với Sahib."

Vài giây sau một giọng nói xác nhận: "Pesi Lalkaka đang bên đây."

"Tay trái ông thế nào, ông già?"

"Ai đó?" ông hỏi giọng ngập ngừng.

"Đừng bận tâm. Hãy thử dùng tay phải. Vui hơn." Và tôi dập máy.

Tôi không còn thấy Pesi Lalkaka ở Đền Lửa Dadyseth trong nhiều tuần. Có lẽ ông đã thay đổi địa điểm cầu nguyện giờ ăn trưa. Có lẽ ông đã tìm được một lộ trình khác không có ai theo dõi đằng sau. Tôi cảm thấy cá nhân mình bị xúc phạm. Tôi sẽ không để cho ông hạ cánh an toàn.

Mấy ngày tiếp theo tôi tản bộ sau bữa trưa chung quanh tòa nhà Phòng Thương Mại.. Tôi thấy Pesi Lalkaka trở lại sở bằng những lộ trình khác.nhau. Tôi thử điện thoại ông tại sở ông. Ông không bao giờ chính mình bắt máy, còn tôi từ chối liên lạc qua thư ký của ông. Tôi thử ở nhà. Đây cũng vậy, chính người làm, vợ hoặc con gái bắt máy.. Mỗi lần họ hỏi tôi là ai, tôi đáp sẽ gọi lại sau. Tôi không hề nghĩ rằng lão già này có thể đã yêu cầu Điện Thoại Bombay kiểm tra những cú gọi tới nhà ông. 

Rồi tới ngày lễ Tân Niên Parsi, Navroz. Đây là ngày lễ riêng của người Parsi. Tôi có cảm giác Pesi Lalkaka sẽ đến viếng nơi lui tới cũ, Đền Lửa Dadyseth, vào giờ thường lệ để bố thí cho ăn mày đang trông đợi. Tôi như thường lệ cũng ở sạp sách gần đó, liếc qua các trang của một tạp chí nhưng một mắt ngó cổng đền. Đứng cạnh tôi một người cũng đang lật qua những trang tạp chí. Một mắt y ngó tôi.

Một đám thật đông ăn mày ở ngoài đền.. Quý ông Parsi mặc y phục cổ truyền, quần và sơmi hồ cứng và mũ cap muslin trắng tinh. Quý phu nhân mặc sari kiểu Parsi, phủ thẳng trên vai. Cạnh lối đi ở cửa người bán vật liệu bằng gỗ đàn hương phát đạt bán hàng cho khách tấp nập.

Linh cảm của tôi đúng; Pesi Lalkaka có ở đó. Lần này đi kèm có vợ và con gái. Ông trông khác hẳn trong bộ đồ toàn trắng. Cánh tay ông không còn địu trong dải băng, nhưng cả 2 cánh tay đều vướng bận. Tay phải đặt trên vai vợ; và tay trái con gái cầm để giúp ông xuống các bực thềm của đền. Vào dịp lễ Navroz thì chính bà Lalkaka thò vào túi xách của mình để phát chẩn tiền xu cho ăn mày. Nhiều người phàn nàn đã không thấy Sahib một thời gian dài và hỏi thăm sức khỏe ông.

Bộ ba quay lưng lại tôi để đi về hướng sở ông. Lúc đó tôi mới chú ý cô Baba đang mặc váy mini xếp pli. Đùi to. Đằng sau đẹp cách gì! Mông cô đong đưa như thể đang giữ nhịp điệu tango. Tôi vứt xuống tờ tạp chí đang cầm và đi theo họ. 

Đi bộ 3 người cạnh nhau giữa vỉa hè đông đúc là một việc làm chậm chạp.Tôi bước sát sau cô Baba, mắt dán váo mông đít cô và tai tôi vang vọng âm nhạc sảng khoái. Lúc tới chỗ các con đường rẽ lối tôi ở trạng thái phấn khích cao độ. Khi nào tôi lại được cái cơ hội như thế này! Ham muốn vuốt ve đã thắng sự cẩn trọng. Tôi bước nhanh, tiến lên ngang cô Baba và để tay phải của mình vuốt trìu mến cái đằng sau mềm mại của cô. Một giọng nói sau tôi kêu lên "Ông Véo Mông!" Tôi quay sau. Chính là cái người tôi đã thấy đứng cạnh tôi ở sạp sách. Y nắm cánh tay tôi. "Đi với tôi đến trạm cảnh sát. Xin theo chúng tôi," y nói với gia đình Lalkaka. . 

Nếu tôi phản đối đám đông sẽ chỉ làm khó cho tôi hơn. Nhưng tôi không thể không kêu lên mình vô tội, hỏi người bắt tôi đây là chuyện gì. "Ông sẽ được biết. Tôi đã giám sát ông mấy ngày nay" y nói. Tôi đi như con cừu non trong ngụ ngôn đang bị đưa đến lò sát sinh.

Tôi thật ngu ngốc làm sao! Thiên hạ sẽ nói sao khi đọc chuyện này trên báo? "Ai có thể ngờ được y lại như vậy? Đồ già dịch... Chuyện này thường xẩy ra với người cuối tuổi trung niên," v.v... Tôi sẽ bị đuổi việc, loại khỏi mọi cộng đồng và đuổi ra khỏi câu lạc bộ. Tôi sẽ không bao giờ nhìn mặt mọi người. Tôi có nên tự tử không? Hay là chỉ biến mất khỏi Bombay, khấn nguyện làm một Khất sĩ và qua những ngày còn lại trong môt đạo tràng ở Hy Mã Lạp Sơn?

Tại trạm cảnh sát tôi được cho vài phút để trấn tĩnh. Thanh tra phụ mở quyển sổ mầu vàng lớn để ghi lời khai. Tôi nói, "Tôi không có gì để khai. Tôi không biết đây là về chuyện gì. Anh đã phạm một sai lầm lớn." Lời tôi nói không gây ấn tượng nào với y. "Không sai lầm đâu, thưa ông! Chúng tôi đã kiểm tra các cuộc gọi của ông và chuyện ông làm chính 2 mắt tôi mục kích. Ông tốt hơn nên khai thật."

Tôi từ chối khai thật. Tôi từ chối nói với anh chàng. Y nói, "Nếu ông muốn tham vấn luật sư ông có thể cho mời một vị. Nếu không tôi sẽ đưa ông ra trước một quan tòa."

"Tôi không muốn gặp bất cứ luật sư nào về bất cứ chuyện gì," tôi đáp. "Nhưng tôi muốn gặp ông Lalkaka."

"Aha! vậy là ông thừa nhận biết ông ta!" y kêu lên, tự lấy làm thích chí. Y ghi điều này vào sổ.

Tôi đã tròng thòng lọng vào cổ mình.

"Có lẽ ông cũng muốn gặp cô Lalkaka nữa?" viên thanh tra phụ nói với vẻ nhạo báng ranh mãnh. "Cô sẽ là nhân chứng cụ thể cho loại chuyện ông làm."

Thế là quá xá đối với tôi. Tôi mất bình tĩnh và vặn lại "Bộ cô có mắt đằng sau đầu hay sao mà cô thấy người vỗ mông cô?"

"Aha! Vậy là ông thừa nhận quả có người vỗ mông cô." Y đáp lại đắc thắng. Và viết điều này xuống trong sổ. Tôi lại thắt thêm một thòng lọng khác vào cổ. Tôi cố tự giải thoát.

"Không, tôi không muốn gặp cô Lalkaka. Tôi muốn gặp bố cô."

"Tại sao? Ông ta không dính líu gì tới trường hợp này."

"Nếu ông ta đã tố cáo tôi sách nhiễu ông, tôi muốn đối chứng ông. Ông ấy đã phạm một lỗi lầm ghê gớm."

"Chúng ta hãy để ông Lalkaka ra khỏi chuyện này. Ông ấy là một công dân đáng kính."

"Tôi cũng vậy," Tôi bướng bỉnh nói. "Tôi mọi thứ đều đáng kính như ông ấy."

Chúng tôi ngồi nhìn trừng nhau. Nếu tiếng tăm của tôi bị xuống bùn lầy, tôi nhất quyết phải kéo theo Pesi Lalkaka xuống với tôi. Một lúc sau thanh tra phụ nhượng bộ. Y nhấn chuông trên bàn. Một cảnh sát bước vào. "Mời Sahib vào đây."

Lát sau viên cảnh sát trở lại và thì thầm gì đó vào tai thanh tra phụ. Rồi cả hai rời phòng khai báo. Tôi có thể nghe tiếng của thanh tra phụ và Pesi Lalkaka, nhưng chỉ có thể tóm được vài chữ rời rạc như "thú nhận...trường hợp ăn chắc...không thể cho qua..." Rồi im lặng một hồi lâu. Sau cùng thanh tra phụ trở vào và ngồi xuống ghế. Đôi mắt nhìn tôi chằm chằm. "Lần này tôi sẽ bỏ qua cho ông với một cảnh cáo. Nếu tôi bắt gặp ông lại làm điều gì quấy hoặc sách nhiễu người đáng kính, ông sẽ phải đi tù. Giờ ông có thể ra về."

Tôi không muốn kéo dài cái đau khổ bằng phản đối mình vô tội. Tôi lặng lẽ đứng lên và rời phòng.

Chiếc Mercedes Benz mầu cam đậu bên ngoài trạm cảnh sát. Khi đi qua nó tôi quay mặt sang hướng khác. Tôi nghe có tiếng gọi "Ông ơi! Ông ơi!" Chính là Pesi Lalkaka. Một Pesi trông rất buồn. "Ông ơi," ông ta khẩn khoản, "tôi có thể cho ông quá giang đến bất cứ đâu?"

Phạm đức Thân dịch từ bản Anh ngữ "The Bottom-Pincher"

Nguồn: art2all.net

No comments:

Post a Comment

Bắt Đầu Từ Đó...

Trần Trung Đạo Bắt đầu từ đó.  Từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau những ngày tháng Tư, mùa bão lửa, năm 1...