27 June 2024

Từ “cavalière” của Pháp ngày xưa đến “ca-ve” của Hà Nội hôm nay...

Hoàng Ngọc-Tuấn

Chữ "cavalière” của Pháp ngày xưa 

Lang thang trên internet để tìm vài lời ca ngày xưa của Phạm Duy, tôi tình cờ nhìn thấy một bài báo trên tờ Đời Sống & Pháp Luật có nhan đề là “Sập bẫy cave trải chiếu giữa ‘khách sạn ngàn sao’ ở Hà Nội”. Đọc thử, tôi... tá hoả. Từ “cavalière” của Pháp ngày xưa đến quả là một sự khác biệt khủng khiếp!

Trước hết, thử nói về chữ “cavalière”. Ngày xưa ở Pháp, vào đầu thế kỷ 17, “cavalier” (giống cái là “cavalière”) có nghĩa là “người cưỡi ngựa” (homme monté à cheval), rồi chữ này mang thêm nghĩa là “người đàn ông lịch lãm, một trang nam tử” (galant homme, homme du monde). Đến năm 1688 thì nó lại thêm nghĩa là “người đàn ông tháp tùng một phụ nữ” (celui qui accompagne une dame), và đến năm 1690 thì nó có thêm nghĩa là “người đàn ông khiêu vũ với một phụ nữ” (celui qui danse avec une dame). Sau đó, chữ “cavalier” được dùng cho cả phái nữ (gọi là “cavalière”), và có nghĩa là “người bạn khiêu vũ”. Trong một đôi nam-nữ khiêu vũ, thì người nam là “cavalier”, người nữ là “cavalière”.

Mới đây, năm 2006, trong một luận văn dài 177 trang, nghiên cứu về những động tác cơ thể trong các điệu khiêu vũ cổ truyền ở đô thị Pháp, dưới nhan đề “L’engagement corporel dans les danses traditionnelles de France métropolitaine: Une approche par l’analyse fonctionnelle du corps dans le mouvement dansé”, do Catherine Augé và Yvonne Paire viết theo yêu cầu của Bộ Văn Hoá Pháp, “cavalier”/“cavalière” là thuật ngữ dùng để chỉ người khiêu vũ (nam/nữ).

Ấy vậy mà khi chữ “cavalière” rời nước Pháp, sang đến Việt Nam, thì lại dần dần đổi nghĩa, và bây giờ ở Hà Nội nó mang nghĩa hoàn toàn khác, như một trời, một vực.

Đầu tiên, chữ “cavalière” theo người Pháp sang Hà Nội, rồi xuống Sài Gòn. Người Pháp yêu thích khiêu vũ như một thú tiêu khiển thanh lịch. Buổi tối, sau khi ăn những món ngon miệng và uống vài cốc rượu, với cảm giác lâng lâng, từng đôi nam-nữ “cavalier”/“cavalière” mời nhau ra sàn nhảy. Thế nhưng, không phải lúc nào và không phải ai cũng có sẵn người tình của mình để làm bạn khiêu vũ, nên đôi khi họ phải mời một người nào đó cùng khiêu vũ với mình. Nhưng nếu không có ai ngồi một mình để mời, thì tính sao? Thì  đành phải uống rượu trong sự cô đơn và xem thiên hạ khiêu vũ dập dìu chung quanh chứ sao!

Có cầu, ắt có cung. Thế là sinh ra một cái nghề mới ở Việt Nam, đó là nghề “vũ nữ”. Khác với “vũ công” trong các đoàn múa chuyên nghiệp, “vũ nữ” là người có khả năng khiêu vũ nhưng không sống bằng nghề trình diễn trên sân khấu mà sống bằng một nghề khác: ban đêm họ đến ngồi uống nước lai rai ở các phòng trà để chờ người đến mời mình làm bạn khiêu vũ và cho tiền thưởng.

Để được nhiều người mời khiêu vũ thì trước hết phải có nhan sắc, và tất nhiên phải có khả năng khiêu vũ điêu luyện và gợi cảm. Ai vừa có sắc vừa có tài thì được rất nhiều khách hâm mộ. Trong những năm 40, ở Hà Nội có những vũ nữ nổi tiếng tài sắc như cô Lý Lệ Hà (hoa khôi áo lụa Hà Đông), cô Mộng Điệp... Tài sắc của họ khiến bậc quân vương như Bảo Đại cũng phải say mê.

Thuở ấy, nhạc sĩ Phạm Duy chơi nhạc ở một trong hai phòng trà đầu tiên ở Hà Nội là Quán Thiên Thai ở phố Hàng Gai. Theo lời ông kể, ông có dan díu và sống chung với một vũ nữ của phòng trà Hanoi Bar. Nàng tên là Định. Năm 1946, trong thời gian sống cùng với nàng, ông đã sáng tác bài “Tình Kỵ Nữ”. Trong tập Ngày Đó Chúng Mình Yêu Nhau của Phạm Duy in tại Sài Gòn năm 1970, nhan đề của ca khúc này được in là “Tình Kỵ Nữ”, nhưng trong những năm gần đây lại thấy có nơi ghi là “Tình Kỹ Nữ”.

Nhan đề “Tình Kỵ Nữ” thật là thú vị, vì chữ “kỵ nữ” là do Phạm Duy dịch từ chữ “cavalière” mà ra. Sau này, khi bài hát “Tình Kỵ Nữ” đã bị các ca sĩ tự ý đổi thành “Tình Kỹ Nữ”, thì Phạm Duy có giải thích: “Ðáng lẽ ra, phải gọi bài này là TÌNH KỊ NỮ thì mới đúng với nghề ‘cavalière’ tức là nghề ‘taxi girl’ của nàng.”[1]

Lời giải thích của Phạm Duy thật thú vị ở chỗ ông dịch “cavalière” thành “kỵ nữ”, nhưng cũng dở ở chỗ ông cho rằng nghề “cavalière” tức là nghề “taxi girl”. Đúng ra, “cavalière” đâu phải là “taxi girl”. Chữ “taxi girl” bắt đầu xuất hiện ở Cambodia từ trước những năm 50, để chỉ những cô gái hành nghề mại dâm cá nhân, chuyên đón khách ở các công viên, quán nhậu, phòng trà... (chứ không phải làm việc trong những ổ mại dâm), và những cô “taxi girl” thì không có tài khiêu vũ như các “cavalière” chuyên nghiệp, và chắc hẳn phần lớn cũng không thể sánh với các “cavalière” chuyên nghiệp về nhan sắc.

Phạm Duy đã mô tả nhan sắc nàng “cavalière” Định như sau: “Vũ nữ Định đẹp một cách lộng lẫy, trông như con gái nhà lành. Hơn thế nữa, trông như con nhà quyền quý.”[2]

Hiển nhiên nàng “cavalière” Định không phải là “taxi girl”, vì sau khi làm công việc khiêu vũ với khách ở phòng trà Hanoi Bar, nàng về nhà ở Phố Hàng Gai với Phạm Duy, chứ không hề đi lang thang... bắt khách.

Những năm 50, 60 ở Sài Gòn cũng có những “cavalière” rất nổi danh về tài sắc, như Cẩm Nhung của vũ trường Kim Sơn, chẳng hạn. Báo chí Sài Gòn thời đó thường ca ngợi nhan sắc và đôi chân dài điệu nghệ của “nữ hoàng vũ trường” Cẩm Nhung. Đầu những năm 70, một “cavalière” khác cũng nổi danh tài sắc là cô Ánh Hoa của vũ trường Văn Cảnh...

Giai thoại vũ nữ Cẩm Nhung mất nhan sắc vì làm kẻ thứ ba

Nhắc lại những chuyện ngày xưa, tôi muốn nói rằng các “cavalière” ở Hà Nội những năm 40, và ở Sài Gòn từ những năm 50 đến trước năm 75, là những vũ nữ chuyên nghiệp, có tài sắc. Họ có thể sống lãng mạn buông thả và vương vào nhiều mối tình rắc rối, éo le, bi thảm... nhưng họ không phải là những cô gái mại dâm. Họ hoàn toàn khác với những cô “cave” trong những thập kỷ gần đây ở Việt Nam.

Bài “Sập bẫy cave trải chiếu giữa ‘khách sạn ngàn sao’ ở Hà Nội” trên tờ Đời Sống & Pháp Luật mô tả hình ảnh những cô “cave” ở Hà Nội thời bây giờ như sau:

Ca-ve Hà Nội ngày nay
“... Ẩn hiện sau mỗi gốc cây là những cô cave hết ‘đát’, quần áo nhầu nhĩ, son phấn lòe loẹt. Với họ chỉ cần một manh chiếu hẹp cùng với hơn 100.000 đồng là có thể ‘hành sự’ giữa ‘khách sạn ngàn sao”...; “... các ả cave ở các gốc cây túa ra nườm nượp, chào mời, tiếng cười khanh khách đến rợn người. Có những cô còn dè chừng vẫn núp trong những bụi cỏ cất tiếng gọi mời the thé...”; “... Để đề phòng và giả làm người dân bình thường đi dạo công viên, cô nào cô đấy cũng kín bưng trong bộ áo chống nắng chỉ khi có khách mới ló mặt, cởi cúc để lộ bộ quần áo hở hang đến nửa khuôn ngực...”; “... Mùi son phấn rẻ tiền quyện với mồ hôi nhớp nhúa sộc lên khiến tôi khó chịu. Gương mặt trát đầy phấn mà tôi tưởng như mỗi lần chị gái nhếch mép, trề đôi môi ra là tảng phấn son kia rụng lả tả. Cuộc ngã giá chóng vánh bắt đầu. 150.000 một cuốc tàu nhanh, bao cao su đầy đủ, hành sự ngay tại ‘công viên ngàn sao’ phía đằng sau. Nếu khách muốn vào nhà nghỉ, thì tiền phòng tự trả...”

Chưa hết. Bài báo mô tả thêm:

“... Có bảo kê, có dắt mối, có tổ chức, có mặc cả bán mua và có không biết bao nhiêu mánh lới làm tiền khách làng chơi. Đầu tiên phải kể đến chiêu lột đồ của khách. Khách vào đến chiếu, ngay lập tức có cả đám bậu xậu ra luộc sạch. Thế nên không ít kẻ háu gái sau những màn mây mưa  quay ra thì ôi thôi ví tiền, điện thoại đều mất sạch. Khối người còn phải quay trở lại đây đem tiền đến để chuộc lại giấy tờ, tài sản. Ê chề hơn, có những kẻ chỉ còn cái quần lót đi về. Thế nhưng chẳng ai dám báo công an vì sợ điều tiếng, vì cái tội đi chơi gái bán hoa. Nực cười hơn, có anh vào đấy bị cô cave thông báo hết bao cao su. Ngay lập tức, đám ma cô ùa tới ép phải mua với giá 100.000 đồng. Không mua thì biết lấy gì hành sự, đành ngậm bồ hòn làm ngọt thì thôi đành vậy. Thông thường, mỗi khi có biến, các cô cave lại để cho đám ma cô ở lại mà giải quyết, còn mình thì lủi đi lúc nào không hay...”

Vậy thì quá hiển nhiên rằng “cave” ở Hà Nội thời bây giờ là những cô gái điếm mạt hạng, hoàn toàn khác với những cô “cavalière” tài sắc ở Hà Nội những năm 40 và ở Sài Gòn từ những năm 50 đến trước năm 75.

Vì sao như thế? Có lẽ ai cũng dễ dàng nghiệm ra câu trả lời.

Riêng tôi, sau khi đọc xong bài báo về “cave” Hà Nội thời bây giờ, tôi chợt nhớ lại mấy câu thơ trong bài “Tiếng hát sông Hương” mà Tố Hữu đã viết năm 1938 như một lời hứa đẹp đẽ rằng sau khi Đảng Cộng Sản lên nắm chính quyền thì đất nước sẽ không còn cảnh bán thân nuôi miệng. Bài thơ có những câu:

... Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong nắng trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
Cô ơi tháng rộng ngày dài
Mỏ lòng ra đón ngày mai huy hoàng...

Bây giờ nhớ lại những câu thơ trên, tôi chỉ muốn ói. Tôi muốn ói, vì những lời trau chuốt ấy chỉ là những lời dối trá. Hoàn toàn dối trá.

Hoàng Ngọc-Tuấn, Sydney, Australia

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng hai thiên tài bạc mệnh của Sàigòn xưa

Tô Kiều Ngân
 
Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi nhận tên tuổi họ, nhưng trong biến thiên của lịch sử dân tộc không ít văn thi sĩ tên tuổi phải chìm nổi cùng vận mệnh đất nước…

Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương là những nhà thơ nổi tiếng từ hồi “phong trào Thơ Mới” thời tiền chiến. Họ đều là những “đại gia” trong làng thơ, nhưng cả hai không ai tự tạo dựng được cho mình một mái nhà mà suốt đời toàn đi ở nhà thuê.

Năm 1954, khi di cư vào Sàigòn, hai người thuê một căn nhà lợp tôn, vách ván tại xóm Hòa Hưng. Vũ Hoàng Chương cùng vợ ở trên gác, dưới nhà là tổ ấm của gia đình Đinh Hùng. Nhị vị này là anh em : Vũ Hoàng Chương lấy chị ruột Đinh Hùng là bà Đinh Thị Thục Oanh, nên hai nhà sống chung với nhau trong bước đầu nơi xứ lạ, quê người là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên thực tế lại rất… khó sống. Quen với cảnh “miếu nguyệt, vườn sương”, “cách tường hoa ảnh động”, nay phải giam mình trong căn gác gỗ nóng hầm hập, hơi nóng từ mái tôn phả xuống như muốn luộc chín người, Vũ Hoàng Chương cảm thấy nguồn thơ đang bị nắng Sàigòn làm cho khô cạn.

Dưới nhà, Đinh Hùng cũng chẳng hơn gì, anh cũng cởi trần ra, vừa quạt, vừa nắm viết “Kỳ Nữ gò Ôn Khâu”, “Đao phủ thành Đại La” cho các nhật báo Sàigòn thời đó. Ngoài viết tiểu thuyết dài từng kỳ, anh còn vẽ tranh vui và giữ luôn mục “Đàn ngang cung” là mục thơ trào phúng ký tên Thần Đăng.

Vũ Hoàng Chương dạy học tại trường Văn Lang. Đinh Hùng viết báo và bình thơ tại Đài phát thanh. Cả hai kiếm tiền không đến nỗi chật vật nhưng lại đều không tậu được cho mình một mái ấm là vì họ trót dính đến “nàng tiên nâu” nên kiếm tiền bao nhiêu đều tan thành mây khói.

Để kiếm một chỗ ở thoải mái hơn, họ Đinh và họ Vũ tạm chia tay nhau, mỗi gia đình đi thuê một nơi ở khác. Tác giả “Thơ Say” dọn về chợ Vườn Chuối (đường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ). Họ Đinh thì mướn một căn gác hẹp ở xóm lao động gần đường Frères Louis (trước 1975 là đường Võ Tánh, nay là Nguyễn Trãi). Xóm lao động này có ngõ dẫn ra đường Lê Lai. Con đường nằm bên cạnh ga xe lửa Sàigòn, hồi đó chưa lập thành công viên như bây giờ, quang cảnh còn rất vắng.

Chỗ ở mới cũng không hơn gì căn nhà ở xóm Hòa Hưng, chật hẹp, tối tăm, nóng bức. Mỗi lần xong việc ở đài phát thanh, Đinh Hùng thường rủ chúng tôi về nơi ở, không phải ở nhà anh mà là họp nhau tại một quán rượu ở gần nhà, đường Lê Lai. Đường này thường đêm vắng ngắt, có lần uống say, Đinh Hùng cao hứng mở cuộc thi… bò ra đường xem ai bò nhanh. Thế là Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Đinh Hùng, Thái Thủy, Hoàng Thư, Quách Đàm… hăng hái tham gia môn vận động chưa từng diễn ra ở bất cứ vận động trường nào ! Bò xong rồi nằm lăn ra đường, vừa đọc thơ, vừa cười.

Ít lâu sau, Đinh Hùng lại đổi nhà. Lần này anh thuê được một căn gác, nhà tường hẳn hoi, tại đường Trần Văn Thạch, gần chợ Tân Định, nay đổi tên là Nguyễn Hữu Cầu. Nhà lợp ngói lại ở mặt tiền nhưng vào nhà chẳng thấy bàn ghế gì, chỉ thấy một chiếc giường nằm chình ình ngay giữa nhà. Trên giường chất chồng đủ thứ : mền gối, sách vở, ấm chén và có một thứ không thể thiếu đó là chiếc bàn đèn thuốc phiện. Đinh Hùng nằm lọt thỏm vào giữa “giang sơn” của anh, vừa “dìu hồn theo cánh khói” vừa tìm ý thơ.

(H: Nhà thơ Vũ Hoàng Chương)

Tác giả “Đường vào tình sử” có thói quen nằm mà viết. Anh nằm vắt chân chữ ngũ, đặt tập giấy lên đùi. Có lẽ lâu ngày nên quen, trong tư thế đó, chữ viết anh vẫn bay bướm, rõ ràng, không dập xóa, trang bản thảo nào cũng sạch sẽ, xinh đẹp. Khi cần đi đâu, họ Đinh lại vớ lấy chiếc sơ mi đã mặc bốn, năm hôm trước, rồi quàng bên ngoài là chiếc áo vét cũ, cà vạt đàng hoàng. Tắm ư, chỉ cần vào “toa-let” mở nước ở “la-va-bô”, nhúng đầu vào bồn nước rồi hất lên, chải xơ qua là xong. Trông Đinh Hùng lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề nhưng đừng ai ngồi quá gần anh, vì anh ít khi… tắm.

Vũ Hoàng Chương lại đổi nhà một lần nữa. Lần này anh mướn nhà ở đường Nguyễn Khắc Nhu, ở gần nhà Bình Nguyên Lộc. Tuy được đi dự Hội nghị Thi Ca quốc tế ở nước ngoài, có thơ dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiền kiếm được có thể mua một căn nhà bực trung nhưng họ Vũ vẫn đi ở nhà thuê. Vào các năm 1973 – 1975, vợ chồng anh được nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội mời về cho ở một căn gác tại tòa biệt thự đồ sộ của bà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển.

Nói là cho ở nhưng họ Vũ phải trả tiền điện, tiền nước và tiền điện thoại. Anh đặt tên chỗ ở mới này là “Gác Mây”. Nơi đây, tôi và bạn bè đã có lần uống rượu với Vũ Hoàng Chương, nghe anh đọc thơ Tuy Lý Vương và phát hiện ra cái thôn Vỹ Dạ ở Huế đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử không phải là Vỹ Dạ mà là Vỹ Dã (cánh đồng lau). Nhưng rồi Vũ Hoàng Chương cũng không an trú lại “Gác Mây” được bao lâu. Sàigòn sụp đổ, bạn bè cách mạng của chủ nhân Mộng Tuyết vào ra thăm bà tấp nập; có lẽ thấy sự hiện diện của Vũ Hoàng Chương ở tại nhà mình có sự không tiện nên bà đánh tiếng để họ Vũ dọn đi. Phải đi thôi nhưng phải đi đâu ? Thời buổi khó khăn, tiền đâu để đặt cọc, thuê nhà ? Anh đành dắt díu vợ con về tá túc tại căn nhà bé bằng bàn tay của bà quả phụ Đinh Hùng bên khu Khánh Hội.

Đinh Hùng ra đi vào tháng 8 năm 1967, trước Vũ Hoàng Chương. Anh mất vì bệnh ung thư tại bệnh viện Bình Dân, an táng tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Đám tang trọng thể. Thuở sinh thời, Đinh Hùng từng viết trong thơ:

Khi tôi chết các em về đấy nhé
Cảm tấm lòng tri ngộ với nhau xưa
Tay cầm hoa, xõa tóc đến bên mồ…

Điều mong ước đó, kỳ diệu thay lại biến thành hiện thực: Trong đám tang của anh người ta thấy có hai chục cô thiếu nữ mặc áo trắng, xõa tóc, tay cầm hoa lặng lẽ sắp hàng đi theo linh cửu. Họ đến bên mồ và lặng lẽ thả những bó hoa xuồng lòng huyệt, ngậm ngùi tiễn đưa người thi sĩ. Hiện tượng này không do một sự sắp đặt mà do một cảm ứng tự nhiên.

Đinh Hùng mất rồi, vợ anh phải trả căn nhà ở gần chợ Tân Định lại cho chủ. Đang chưa biết ở đâu thì may thay, một vị tướng quân hồi đó, rất yêu thơ mà lại có chức quyền nên đã vận động cấp cho bà quả phụ Đinh Hùng một căn nhà ở khu Khánh Hội. Bà Đinh Hùng với con trai là Đinh Hoài Ngọc không thể ôm một căn nhà lớn để mà nhịn đói nên đã bán căn nhà đó đi rồi rút lui vào vùng sâu, vùng xa của bến Phạm Thế Hiển lúc đó còn đìu hiu lau lách, dựng một mái chòi để sống qua ngày. Chính nơi đây, Vũ Hoàng Chương đã cùng vợ con sống chui rúc những ngày cuối đời của anh trước khi “được” đưa đến ở một tòa nhà to lớn, kiên cố, có lính gác ngày đêm, đó là… khám Chí Hòa !

(H: Nhà thơ Đinh Hùng)

Vũ Hoàng Chương bệnh hoạn, suy sụp rất nhanh nên ít lâu sau khi được thả ra, anh lặng lẽ ra đi. Đám tang anh cũng cử hành trong lặng lẽ, nghèo nàn, hiu hắt. Năm 1976, mọi người còn bận rộn với những vấn đề to lớn, đa số bạn bè và người hâm mộ anh kẻ đi tập trung cải tạo, kẻ đi nước ngoài, người còn lại thì do không biết tin anh chết nên đám tang anh chỉ thưa thớt dăm người đi đưa, trong đó có nhà thơ Bàng Bá Lân và Tôn Nữ Hỷ Khương.

Mười năm sau, 1986, mộ Vũ Hoàng Chương được cải táng về chôn tại nghĩa địa của chùa Giác Minh tại Gò Vấp. Suốt một đời lận đận vì nỗi không nhà, giờ đây hai con người tài hoa kia đã có một chỗ ở trang trọng, miên viễn đó là chỗ ngồi lâu bền trong văn học sử và điều an ủi lớn nhất là họ còn sống mãi trong tâm hồn những khách yêu thơ.

Tg: Tô Kiều Ngân

***
Đăng lại 2 bài thơ tiêu biểu nhất của 2 nhà thơ thiên tài của miền Nam:

CÁNH CHIM DĨ VÃNG
Đinh Hùng

Anh trở lại con đường lên núi biếc,
Thương mây bay từ đó vẫn cô đơn.
Những bông hoa còn có nửa linh hồn.
Những lá cỏ nghiêng vai tìm mộng ảo.

Ôi nắng cũ nhạt mùi hương dã thảo!
Lạnh màu rêu, tảng đá nhớ chân đi.
Những cánh chim từ quá khứ bay về,
Tà áo mỏng chập chờn phai sắc bướm.

Bài thơ nhỏ hôm xưa hồng nắng sớm,
Trên môi em, gió núi đã gieo vần.
Mùa hạ nào thơm mái tóc hoài xuân?
Hơi phấn thoảng còn ướp say hình bóng.

Giấc em ngủ, thơ anh về báo mộng,
Nhắn sao khuya soi lén nụ hôn đầu.
Ôi sườn non, mây lụa quấn vai nhau!
Mỗi bậc đá nâng cao từng ước vọng.

Em chuyển bước, trùng dương nào cuộn sóng
Dưới bàn chân? – Hồi hộp biển cây xanh.
Hương phất phơ chùm hoa mộng đầu cành,
Gò má thẹn một màu hồng hợp cẩn.

Hãy dừng lại hỡi mùa hoa hồng phấn!
Mấy hoàng hôn, mái tóc đã sang thu?
Chĩu hàng mi, lá úa rụng tình cờ,
Tờ thư lạnh, gió sương bay dòng chữ.

Thương tâm sự, mưa sa vành nón cũ,
Anh ngờ em mang cả núi non đi.
Hoa qua đầu, cánh bướm cũng vu quy,
Nhòa nắng xế, nụ cười mây khói tỏa.

Ai trao gửi lời thề trên xác lá,
Để vầng trăng tìm mãi dấu chân xưa?
Ngôi sao buồn lên đỉnh núi bơ vơ,
Cành trinh nữ, thu xanh màu tóc lạ.

Lời ước hẹn dư âm truyền vách đá,
Em vội đi, hờn giận tiếng non cao.
Em đi rồi! Then khóa cả chiêm bao,
Gầy vóc mộng, gói tròn manh áo nhớ.

Nhắc làm chi? Ôi! nhắc làm chi nữa?
Em đi rồi, mưa gió suốt trang thơ.
Mây lìa ngàn, e lệ cánh chim thu,
Con bướm ép thoát hồn mơ giấc ngủ.

Anh trở gót, hương đưa về núi cũ,
Theo mây bay, tìm mãi hướng trăng thề.
Nhắc làm chi? Còn nhắc nữa làm chi…!
 
**

PHƯƠNG XA
Vũ Hoàng Chương

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng,
Xô về đông hay dạt tới phương đoài,
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn cay đắng hoạ dần vơi.

Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng hát tiếng hò khoan.
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan. 
____________
 
Nguồn:
https://dongthientriet.com/2023/12/thi-si-vu-hoang-chuong-va-dinh-hung/


21 June 2024

"Lý Sự", cười tí tỉnh

Một buổi sáng, người chồng trở về sau nhiều giờ câu cá rồi tìm chỗ nằm ngủ. Dù không quen với hồ nước nhưng vợ anh vẫn cứ lái thuyền ra ngoài, dạo mát một vòng. Đi một quãng, cô thả neo rồi đọc sách.

Một lát sau đó, thuyền viên tuần tra khu săn bắn xuất hiện. Anh ta ghé đến cạnh người phụ nữ, nói “Chào cô. Cô đang làm gì thế?"

- “Đọc sách,” cô ấy trả lời,  lẩm nhẩm trong bụng: “Bộ anh chàng này không thấy mình đang đọc sách sao ta".

Anh ta nói: “Cô đang ở khu vực cấm bắt cá.”

- “Xin lỗi ông, tôi không câu cá, tôi đang đọc sách.”

- “Đúng, nhưng cô có mọi thiết bị. Theo tôi biết thì cô có thể bắt đầu câu cá bất cứ lúc nào. Tôi phải đưa bạn về văn phòng để làm việc.”

Người phụ nữ nói: “Nếu ông làm điều đó, tôi phải buộc ông tội tấn công tình dục”.

- Nhân viên tuần tra nói: “Nhưng tôi thậm chí chưa chạm vào bạn nữa mà.”

“Điều đó đúng, nhưng bạn có mọi thiết bị. Theo tôi thì bạn có thể bắt đầu phạm tội bất cứ lúc nào.”

Bó tay, viên tuần tra đành buông lời chúc: “Mong cô có một ngày tốt lành nha.” Nói xong anh ta rời đi.

**

Lời nhắn nhủ: Đừng đôi co với những người phụ nữ đọc sách, họ lắm lý sự !

(Phỏng theo Quora Digest)

16 June 2024

ÔNG VÉO MÔNG, truyện ngắn

 Phạm Đức Thân

(Tác giả Khushwant Singh, Phạm Đức Thân dịch )

Khushwant Singh (1915 - 2014) có một sự nghiệp đồ sộ trong nhiều lãnh vực: chính trị, ngoại giao, lịch sử, báo chí... nhưng đáng kể là lãnh vực văn học. Với cả trăm truyện dài và ngắn ông là một nhà văn Ấn nổi tiếng, ngang tầm R.K.Narayan, Salman Rushdie... và từng nhận nhiều giải và bằng danh dự về văn học và báo chí. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất Train to Pakistan (1956).

Ông có cái nhìn sắc bén, chi tiết về xã hội Ấn, phơi bày những thói hư tật xấu của đời thường, nhưng qua giọng văn khôi hài dí dỏm ông không cay nghiệt, luôn tỏ ra bao dung, tin vào lòng tốt của con người. Ông không ngại viết bạo về những đề tài tế nhị, bị phê phán, và về già tự nhận mình là một dirty old man.

Một chủ đề của ông là thói đạo đức giả. Trong truyện điển hình The Bottom-Pincher (Ông Véo Mông) ông vạch trần thói đạo đức giả của nhiều người: bên ngoài trông đạo mạo, đáng kính nhưng thật ra lại âm thầm làm những chuyện thiếu đạo đức. Trong một truyện khác, có cảnh khôi hài cho thấy khẩu hiệu không đi đôi với việc làm: Đèn xanh đã bật ở ngã tư, nhưng xe trước vẫn chưa đi. Xe sau nhấn còi inh ỏi..Cảnh sát tiến đến xe sau hỏi giấy tờ, rồi trả lại người lái. Người này tức giận hỏi bộ nhấn còi là phạm luật sao. Cảnh sát trả lời "Tôi thấy xe dán khẩu hiệu Cầu Nguyện Thay Đổi Mọi Chuyện mà tài xế lại nóng nẩy nhấn còi liên tục, nên tôi nghi là xe ăn cắp, ông không phải là chủ nhân."

(Phạm đức Thân dịch từ bản English trong sách Passages - 24 Modern Indian Stories, Signet Classics, 2009, có tham chiếu bản khác trên mạng để điều chỉnh thiếu sót và lỗi chính tả) 

**

Tôi không phải là một người véo mông, nhưng tôi thích được là một người như vậy. Giống như người được ban tặng tự do của thành phố (ND. Chìa khóa hay chứng nhận của một thành phố, tượng trưng cho phép được hưởng vài đặc quyền), tôi thích được cho phép tự do véo mông phụ nữ thành phố. Véo là từ không chỉnh. Nếu mông tròn trịa xinh đẹp tôi thích được tự do vuốt ve nó trong lòng bàn tay. Nếu nó rất to hoặc quá nhỏ tôi thích được tự do lướt ngón tay chỗ khe mông từ dưới lên trên. Chỉ khi mông xệ tôi mới muốn kẹp dúm thịt xệ giữa ngón cái và ngón trỏ rồi véo nó. Tuy nhiên không thành phố nào ban tặng tôi cái tự do đó.

Tôi là một công dân tuân thủ luật pháp. Chủ nghĩ tốt về tôi. Tôi là hội viên của câu lạc bộ tốt nhất và có chân trong ban quản trị của YMCA. Tóm lại tôi là một thành viên đáng kính của cộng đồng. Điều này cấm tôi không được tự tiện với mông phụ nữ, trừ bằng cặp mắt. Khi tôi tới gần một cái mông mà tôi muốn vuốt thì tôi liền tự cảnh giác ngay về hậu quả. Tôi nhủ thầm phụ nữ này có thể không thích tôi đụng vào mông. Bà có thể làm ầm lên. Bà có thể thu hút đám đông và một ông nào đó ra vẻ đạo đức, mặc dù chính ông ta là một người véo mông, có thể ra tay thực thi luật pháp, đánh đập tôi. Những ý nghĩ như vậy làm tôi toát mồ hôi trán. 

Với tôi véo mông đã là một thú giải trí cho khán giả. Tôi lại diễn đạt sai rồi. Bởi thú vui này chỉ giới hạn vào chuyện ngắm mông. Chứ tôi chưa từng bao giờ có đặc quyền ngắm ai véo mông người khác. 

Thành phố đông đúc như Bombay cung cấp điều kiện lý tưởng cho ngắm mông. Và những y phục phủ trên mông phụ nữ thì vô vàn khác biệt hơn bất cứ nơi nào trên thế giới; sari, gagara, lungi, váy (kiểu ghagra của Ấn cũng như kiểu dài và mini của Âu châu), quần căng co dãn, quần ống loe, churidar - bạn có thể bắt gặp mọi thứ trong vòng 15 phút, bất cứ lúc nào và ở đâu. Khu vực ưa thích của tôi trải dài nửa dặm từ sở tới giao điểm của năm con đường tại môt tượng đài gọi là Bồn Nước Flora. Thời điểm tốt nhất là vào giờ ăn trưa, lúc đông đảo nhất. Không như đi bộ mà giống như kiến bò, tránh né người, va đập vào họ, xua đuổi ăn mày, cười với các ả đang mời mọc "vui vẻ qua trưa", càu nhàu mấy tay dai dẳng đòi mua bán ngoại tệ. Tuy nhiên tôi thích hoạt động này, giống như cái chợ, chính xác là vì nó đông phát khiếp. Nhiều sạp sách ven đường. Vỉa hè đầy các loại hàng hóa lậu: Nước hoa, mỹ phẩm, vải the của Pháp; máy ghi âm, máy ảnh, máy thu thanh bán dẫn của Nhật mở lớn hết cỡ. Và không thể tránh được, đông đảo phụ nữ mua sắm. Người ta phải hết sức cẩn thận để không đụng chạm vào ngực hoặc mông của họ. Nhưng có ai mà muốn hết sức cẩn thận cơ chứ?

Chính vào một giờ trưa như thế tôi được mục kích một cảnh véo mông nhớ mãi. Tôi đang rà soát tại một sạp sách bên đường dọc theo Đền Lửa Dadyseth Parsis. Đám ăn mày đột nhiên kéo đến tụ tập phía cửa chấn song sắt dùng để ngăn cản dân không phải Parsi, khiến tôi chú ý. Từ Đền Lửa tiến ra một ông gầy cao, khoảng lục tuần, mặc bộ đồ xanh nhạt, đội mũ cối chống nắng, và đeo kính dày hậu-cataract. Ông thò vào túi và bỏ một đồng xu vào tay mỗi ăn mày. Hình như họ biết người đàn ông và thời điểm ông xuất hiện; trong đám đông có những người cùi lê lết và một phụ nữ mù xốc một đứa bé trên vai. Mặc dù tôi có định kiến khắt khe về chuyện cho tiền ăn mày tôi không thể không cảm phục người, do bất kỳ tính toán gì, mỗi xế trưa lại cho đi một tài sản nhỏ.

Người đàn ông tiếp tục đi về hướng sở tôi. Tôi theo sau ông cách vài bước. Việc thiện của ông không ngừng bên ngoài Đền Lửa. Ông tiếp tục thò vào túi bên phải và bỏ đồng xu vào mỗi bàn tay chìa ra. Rồi tôi nhận thấy khi ông đi ngang qua một nhóm ba phụ nữ đang cúi người trên một món đồ ở sạp, bàn tay trái của ông lướt nhẹ trên mông một bà trong nhóm. Lúc bà thẳng người lên để nhìn xem ai đã làm vậy thì người đàn ông đã đi lên trước vài bước trong đám đông. Ông không quay lại nhưng tiếp tục bước tới, người thẳng đứng. Và cứ thế tiếp tục. Tay phải bố thí người túng thiếu, tay trái vỗ hay vuốt mông các bà hớ hênh, không cẩn thận. Một người cá tính đặc biệt cách gì! Ông đã mạo hiểm biết bao, không sợ bị bắt gặp, vạch trần và xử lý!

Trưa hôm sau tôi trở lại sạp sách. Một mắt nhìn tờ tạp chí, mắt kia ngó cổng Đền Lửa. Ăn mày đã thu thập xong và trưng ra vốn liếng của mình; người cùi với bàn tay trụi lủi không ngón, đàn ông chống nạng, phụ nữ mù ẵm con trong lòng. Người đàn ông xuất hiện từ nhà nguyện, cũng bộ đồ xanh nhạt, mũ cối chống nắng, và sau cặp kính dày là một khuôn mặt nhợt nhạt, khô khan, không biểu lộ gì. Ông diễn lại những hành động cũ; xuất cả túi tiền xu cho những bàn tay chìa ra. Với phụ nữ mù ông cho nhiều hơn: một tờ 1 rupee ông đòi giao tận tay đứa bé. Ông nói gì đó với bà mẹ mà tôi cố hết sức cũng chỉ đoán được là, "Đây là cho cháu bé." Trong động thái này ông đã chạm vào ngực người phụ nữ trẻ. Ông được thưởng một nụ cười. Xá gì một chạm nhẹ ở ngực nếu nhờ đó bạn được 1 rupee!

Ông tiến hành nhịp bước thắng lợi qua đám đông chen chúc. Dễ dàng theo dấu ông vì chiều cao của ông, mũ cối nhấp nhô trên biển đầu người và ngạc nhiên bất ngờ mà phụ nữ quay xem ai đã đặt tay trái lên mông họ để khen thưởng.

Tôi theo dõi ông suốt chặng đường. Ông rẽ vào tòa nhà Phòng Thương Mại đồ sộ. Nhân viên canh cửa chào ông. Có một hàng dài người đang đợi thang máy. Ông tiến thẳng vào thang máy không ai phản đối. Ông rõ ràng là một sếp lớn.

Vài tuần sau tôi đang đi bộ từ sở về ngang qua tòa nhà Phòng Thương Mại, tôi thấy một xe Mercedes Benz mầu cam đỗ dọc lề đường. Trong xe có hai phụ nữ - một bà thấp mập và tóc xám ngồi thu mình trong một góc ghế sau, người kia là một cô tuổi teen rõ ràng là con gái bà. Tài xế mở cả 2 cửa xe cùng bên.

Nhân viên đặt một cặp táp và một chồng hồ sơ trên ghế trước. Nhân vật của chúng ta ở Đền Lửa bước ra theo sau là hai người trông như phụ tá. Cô gái nhẩy ra khỏi xe, chạy qua vỉa hè và ôm ông kêu to "Bố!". Cô không thể ngoài 16 tuổi. Và cũng rất đáng yêu. Tóc nâu hạt dẻ xõa trên vai.. Kiểu người ngoài trời, khỏe mạnh. Một dáng hình như vừa thoát ra khỏi bức tường của một đền đài cổ Ấn độ, ngực nở như muốn bật tung khỏi áo blouse, eo nhỏ và mông - lại mông - nẩy nở và khiêu khích như thể thách thức với thế gian và bảo "Tôi cóc thèm quan tâm!"

Thảo nào nhân vật của chúng ta bị ám ảnh bởi ngực và mông. Tiếp cận liên tục những cám dỗ như thế! Ức chế liên tục không được chạm vào chúng!

Chiều tối hôm sau tôi biết được tên ông. Lần này chiếc Mercedes Benz ở đó không có hành khách nữ. Tôi giả vờ chiêm ngưỡng chiếc xe và làm như tình cờ hỏi tài xế nó thuộc về ai.

"Burra Sahib."

"Burra Sahib nào?"

"Lalkaka Sahib, chứ còn ai nữa!" hắn trả lời cụt ngủn.

Có 14 Lalkaka trong niên giám điện thoại Bombay. Tất cả tên danh sách người Parsis từ trên xuống - Cyrus, Darius, Framroze, Jal, Jehangir, Nausheer.

Rồi tới vần P có 2:.Một cùng với địa chỉ 'Tòa nhà Phòng Thương Mại', và P kia đi kèm với 'Gia cư: Biệt phủ Lalkaka, Đồi Malabar'. Sách điện thoại của tôi ghi tên người Parsi vần P chỉ có một, Phiroze. Sáng sau lúc 11 giờ khi rất họa hiếm có người trong gia đình ở nhà, tôi gọi số điện thoại. Một gia nhân bắt điện thoại. "Phiroze Lalkaka Sahib hai?" tôi hỏi.

Gia nhân trả lời giọng tiếng Anh bang Goa. "Đây không phải Phiroze Lalkaka. Mà là nhà của Pesi Lalkaka. Ông đi làm rồi."

"Cô Lalkaka có nhà?"

"Cô Baba cũng đã đi học. Bà Sahib ra ngoài. Không ai có nhà. Ai gọi?"

Tôi chưa hề nghĩ đến câu trả lời cho câu hỏi này. Bị thôi thúc bất ngờ lúc đó tôi liền bảo người làm ghi tên tôi xuống. Tôi chậm rãi đánh vần cho hắn "Ông Véo Mông."

"Số điện thoại?"

"Ông ấy biết số của tôi."

Hôm sau Pesi Lalkaka không có mặt ở Đền Lửa. Cả tuần sau cũng không. Ăn mày tụ tập đúng giờ thường lệ và giải tán tay không. Tôi tiếc cho họ. Tôi cũng ân hận cho người đàn ông tử tế mà ham thích giải trí vô hại của ông đã bị tôi cắt đứt. Tôi đã là một kẻ phá bĩnh.

Tôi thắc mắc không biết Pesi Lalkaka đã phản ứng thế nào với thông tin điện thoại của tôi. Có thể vợ hoặc con gái đã nhận tin trước. "Cái tên kỳ quặc làm sao! Véo Mông! Ông ta là ai, bố?" Pesi Lalkaka hẳn phải xanh mặt và lắp bắp, "Bố không biết." Họ có thể đã hỏi người làm. "Ông ta nói Sahib biết số điện thoại." Họ có thể đã kiểm tra danh bạ điện thoại. Không có ngay cả một tên Mông hay Véo trong điện thoại Bombay. Họ hẳn đã phải bỏ qua chuyện này. "Ai đó đang muốn đùa giỡn." Nhưng tội nghiệp Pesi Lalkaka! Ông hẳn đã phải chịu buồn khổ biết bao, thấy rằng mình đã bị phát hiện!.

Hai tuần sau Pesi Lalkaka trở lại Đền Lửa Dadyseth. Ông trông không thoải mái. Ông bỏ tiền vào tay một vài ăn mày bám sát ông. Ông nhìn quanh xem có thể nhận ra ai đó không. Rồi tiến về hướng sở làm. Tôi theo sau ông. Ông tiếp tục cho tiền bằng tay phải. Nhưng lần này tay trái ém chặt trong túi áo choàng..

Mỗi lần đi ngang một phụ nữ ông quay lại ngó xem mình có bị theo dõi. Tội nghiệp, tội nghiệp Pesi Lalkaka!

Ông bắt đầu lại cái thói quen cầu nguyện vào giờ bữa trưa, tiếp theo là bố thí trên đường trở lại sở. Nhưng bây giờ tay trái ông luôn luôn trong túi áo choàng.

Và mỗi lần ông đi ngang qua một phụ nữ ông quay nhìn qua vai giống như người bị ma đuổi. Cứ như vậy một thời gian. Pesi Lalkaka hình như đã thắng được cái ám ảnh. Ông đang trở nên bình thường, nhàm chán.

Không phải vậy. Có vẻ như là Pesi Lalkaka đã tự trấn an rằng người có lần đã bắt gặp ông quả tang đã biến mất khỏi hiện truờng.

Một buổi chiều ông đang len lỏi tìm đường qua vỉa hè đông đúc có tôi theo sau cách vài thước. Tôi thấy có 3 phụ nữ phía trước chúng tôi đang xem xét một món hàng trên sạp. Mông họ phơi bầy khác biệt về kích cỡ cũng như vải che, trông thật cám dỗ. Một cô gái trẻ mặc jeans xanh bó sát da; mông giống như 2 quả dưa hấu tròn trịa chưa chín. Cạnh cô là một bà già hơn mặc sari đỏ tươi. Bà đồ sộ như một quả bí đỏ lớn. người thứ ba trong hàng là một Lolita 12 tuổi mặc một váy trắng mini ngắn đến độ khi cúi xuống cô để hở đùi cũng như chút mông. Tôi có thể thấy cánh tay trái của Pesi Lalkaka co giật. Bộ ba cặp mông chổng lên như thế chứng tỏ một cám dỗ mãnh liệt không cưỡng lại được. Tay ông ra khỏi túi và vuốt nhanh liên tiếp cả ba cặp mông. Tới lúc mấy phụ nữ thẳng người lên và quay nhìn quanh thì Pesi đã đi lên phía trước và tôi ở liền ngay sau ba người. Bà có tuổi giận dữ và chửi thề, "Badmash - đồ khốn nạn." Người đồng hành trẻ hơn rít lên. "Mẹ, đừng làm ầm ĩ." Tôi thoát nạn trong gang tấc. 

Tôi quyết định dạy cho Pesi Lalkaka một bài học. Ngay vừa tới sở tôi liền điện thoại nhà ông. Cũng chính cái giọng cũ bên đầu kia. "Sahib đi làm. Bà Sahib đang nghỉ. Cô Baba đi học. Ai đang gọi?"

"Ông Véo Mông."

"Làm ơn cho số điện thoại!"

"Bảo ông chiều tôi sẽ gọi lại."

Làm vậy để ông ta sửa chữa! Và đúng thật.

Pesi Lalkaka không có mặt ở Đền Lửa trong nhiều ngày. Sau cùng khi ông xuất hiện tay trái ông địu trong một dải băng. Ông trông nhợt nhạt hơn trước. 

Tôi chắc rằng ông đã tự mình cương quyết cắt đứt. Tội nghiệp Pesi Lalkaka!

Ăn mày ân cần săn hỏi. Ông chỉ lắc lắc đầu. Như thường lệ tôi theo ông suốt dải đường đông đúc. Mấy ngày nay hình như ông đã trở nên lom khom. Ông bước đi khó nhọc không quay ngó lại. Bất cứ khi nào ông gặp một phụ nữ đang nhìn đi hướng khác ông lại chậm bước. Ông nghiêng đầu, thoáng nhìn tiếc nuối mông nàng và tiếp tục đi tới. Lần này tôi cảm thấy thật ân hận cho ông. Mà tôi có nên vậy không? Tại sao ông đã không dùng tay phải để làm cái việc mà tay trái không thể? Tôi đã đọc ý kiến của nhà xã hội học cho rằng dân Ấn chỉ dùng tay trái để sờ soạng hạ bộ phụ nữ, không bao giờ tay phải vì dùng để bốc ăn và họ không muốn nó bị ô nhiễm. Tôi tự hỏi không biết có phải điều này đã ngăn cấm Pesi Lalkaka. Và tò mò đã thắng thế.

Chiều tối tôi gọi ông. Cũng vẫn gia nhân đó bên kia đầu giây.

"Hullo! Ai đang gọi?"

"Bác sĩ. Tôi muốn nói chuyện với Sahib."

Vài giây sau một giọng nói xác nhận: "Pesi Lalkaka đang bên đây."

"Tay trái ông thế nào, ông già?"

"Ai đó?" ông hỏi giọng ngập ngừng.

"Đừng bận tâm. Hãy thử dùng tay phải. Vui hơn." Và tôi dập máy.

Tôi không còn thấy Pesi Lalkaka ở Đền Lửa Dadyseth trong nhiều tuần. Có lẽ ông đã thay đổi địa điểm cầu nguyện giờ ăn trưa. Có lẽ ông đã tìm được một lộ trình khác không có ai theo dõi đằng sau. Tôi cảm thấy cá nhân mình bị xúc phạm. Tôi sẽ không để cho ông hạ cánh an toàn.

Mấy ngày tiếp theo tôi tản bộ sau bữa trưa chung quanh tòa nhà Phòng Thương Mại.. Tôi thấy Pesi Lalkaka trở lại sở bằng những lộ trình khác.nhau. Tôi thử điện thoại ông tại sở ông. Ông không bao giờ chính mình bắt máy, còn tôi từ chối liên lạc qua thư ký của ông. Tôi thử ở nhà. Đây cũng vậy, chính người làm, vợ hoặc con gái bắt máy.. Mỗi lần họ hỏi tôi là ai, tôi đáp sẽ gọi lại sau. Tôi không hề nghĩ rằng lão già này có thể đã yêu cầu Điện Thoại Bombay kiểm tra những cú gọi tới nhà ông. 

Rồi tới ngày lễ Tân Niên Parsi, Navroz. Đây là ngày lễ riêng của người Parsi. Tôi có cảm giác Pesi Lalkaka sẽ đến viếng nơi lui tới cũ, Đền Lửa Dadyseth, vào giờ thường lệ để bố thí cho ăn mày đang trông đợi. Tôi như thường lệ cũng ở sạp sách gần đó, liếc qua các trang của một tạp chí nhưng một mắt ngó cổng đền. Đứng cạnh tôi một người cũng đang lật qua những trang tạp chí. Một mắt y ngó tôi.

Một đám thật đông ăn mày ở ngoài đền.. Quý ông Parsi mặc y phục cổ truyền, quần và sơmi hồ cứng và mũ cap muslin trắng tinh. Quý phu nhân mặc sari kiểu Parsi, phủ thẳng trên vai. Cạnh lối đi ở cửa người bán vật liệu bằng gỗ đàn hương phát đạt bán hàng cho khách tấp nập.

Linh cảm của tôi đúng; Pesi Lalkaka có ở đó. Lần này đi kèm có vợ và con gái. Ông trông khác hẳn trong bộ đồ toàn trắng. Cánh tay ông không còn địu trong dải băng, nhưng cả 2 cánh tay đều vướng bận. Tay phải đặt trên vai vợ; và tay trái con gái cầm để giúp ông xuống các bực thềm của đền. Vào dịp lễ Navroz thì chính bà Lalkaka thò vào túi xách của mình để phát chẩn tiền xu cho ăn mày. Nhiều người phàn nàn đã không thấy Sahib một thời gian dài và hỏi thăm sức khỏe ông.

Bộ ba quay lưng lại tôi để đi về hướng sở ông. Lúc đó tôi mới chú ý cô Baba đang mặc váy mini xếp pli. Đùi to. Đằng sau đẹp cách gì! Mông cô đong đưa như thể đang giữ nhịp điệu tango. Tôi vứt xuống tờ tạp chí đang cầm và đi theo họ. 

Đi bộ 3 người cạnh nhau giữa vỉa hè đông đúc là một việc làm chậm chạp.Tôi bước sát sau cô Baba, mắt dán váo mông đít cô và tai tôi vang vọng âm nhạc sảng khoái. Lúc tới chỗ các con đường rẽ lối tôi ở trạng thái phấn khích cao độ. Khi nào tôi lại được cái cơ hội như thế này! Ham muốn vuốt ve đã thắng sự cẩn trọng. Tôi bước nhanh, tiến lên ngang cô Baba và để tay phải của mình vuốt trìu mến cái đằng sau mềm mại của cô. Một giọng nói sau tôi kêu lên "Ông Véo Mông!" Tôi quay sau. Chính là cái người tôi đã thấy đứng cạnh tôi ở sạp sách. Y nắm cánh tay tôi. "Đi với tôi đến trạm cảnh sát. Xin theo chúng tôi," y nói với gia đình Lalkaka. . 

Nếu tôi phản đối đám đông sẽ chỉ làm khó cho tôi hơn. Nhưng tôi không thể không kêu lên mình vô tội, hỏi người bắt tôi đây là chuyện gì. "Ông sẽ được biết. Tôi đã giám sát ông mấy ngày nay" y nói. Tôi đi như con cừu non trong ngụ ngôn đang bị đưa đến lò sát sinh.

Tôi thật ngu ngốc làm sao! Thiên hạ sẽ nói sao khi đọc chuyện này trên báo? "Ai có thể ngờ được y lại như vậy? Đồ già dịch... Chuyện này thường xẩy ra với người cuối tuổi trung niên," v.v... Tôi sẽ bị đuổi việc, loại khỏi mọi cộng đồng và đuổi ra khỏi câu lạc bộ. Tôi sẽ không bao giờ nhìn mặt mọi người. Tôi có nên tự tử không? Hay là chỉ biến mất khỏi Bombay, khấn nguyện làm một Khất sĩ và qua những ngày còn lại trong môt đạo tràng ở Hy Mã Lạp Sơn?

Tại trạm cảnh sát tôi được cho vài phút để trấn tĩnh. Thanh tra phụ mở quyển sổ mầu vàng lớn để ghi lời khai. Tôi nói, "Tôi không có gì để khai. Tôi không biết đây là về chuyện gì. Anh đã phạm một sai lầm lớn." Lời tôi nói không gây ấn tượng nào với y. "Không sai lầm đâu, thưa ông! Chúng tôi đã kiểm tra các cuộc gọi của ông và chuyện ông làm chính 2 mắt tôi mục kích. Ông tốt hơn nên khai thật."

Tôi từ chối khai thật. Tôi từ chối nói với anh chàng. Y nói, "Nếu ông muốn tham vấn luật sư ông có thể cho mời một vị. Nếu không tôi sẽ đưa ông ra trước một quan tòa."

"Tôi không muốn gặp bất cứ luật sư nào về bất cứ chuyện gì," tôi đáp. "Nhưng tôi muốn gặp ông Lalkaka."

"Aha! vậy là ông thừa nhận biết ông ta!" y kêu lên, tự lấy làm thích chí. Y ghi điều này vào sổ.

Tôi đã tròng thòng lọng vào cổ mình.

"Có lẽ ông cũng muốn gặp cô Lalkaka nữa?" viên thanh tra phụ nói với vẻ nhạo báng ranh mãnh. "Cô sẽ là nhân chứng cụ thể cho loại chuyện ông làm."

Thế là quá xá đối với tôi. Tôi mất bình tĩnh và vặn lại "Bộ cô có mắt đằng sau đầu hay sao mà cô thấy người vỗ mông cô?"

"Aha! Vậy là ông thừa nhận quả có người vỗ mông cô." Y đáp lại đắc thắng. Và viết điều này xuống trong sổ. Tôi lại thắt thêm một thòng lọng khác vào cổ. Tôi cố tự giải thoát.

"Không, tôi không muốn gặp cô Lalkaka. Tôi muốn gặp bố cô."

"Tại sao? Ông ta không dính líu gì tới trường hợp này."

"Nếu ông ta đã tố cáo tôi sách nhiễu ông, tôi muốn đối chứng ông. Ông ấy đã phạm một lỗi lầm ghê gớm."

"Chúng ta hãy để ông Lalkaka ra khỏi chuyện này. Ông ấy là một công dân đáng kính."

"Tôi cũng vậy," Tôi bướng bỉnh nói. "Tôi mọi thứ đều đáng kính như ông ấy."

Chúng tôi ngồi nhìn trừng nhau. Nếu tiếng tăm của tôi bị xuống bùn lầy, tôi nhất quyết phải kéo theo Pesi Lalkaka xuống với tôi. Một lúc sau thanh tra phụ nhượng bộ. Y nhấn chuông trên bàn. Một cảnh sát bước vào. "Mời Sahib vào đây."

Lát sau viên cảnh sát trở lại và thì thầm gì đó vào tai thanh tra phụ. Rồi cả hai rời phòng khai báo. Tôi có thể nghe tiếng của thanh tra phụ và Pesi Lalkaka, nhưng chỉ có thể tóm được vài chữ rời rạc như "thú nhận...trường hợp ăn chắc...không thể cho qua..." Rồi im lặng một hồi lâu. Sau cùng thanh tra phụ trở vào và ngồi xuống ghế. Đôi mắt nhìn tôi chằm chằm. "Lần này tôi sẽ bỏ qua cho ông với một cảnh cáo. Nếu tôi bắt gặp ông lại làm điều gì quấy hoặc sách nhiễu người đáng kính, ông sẽ phải đi tù. Giờ ông có thể ra về."

Tôi không muốn kéo dài cái đau khổ bằng phản đối mình vô tội. Tôi lặng lẽ đứng lên và rời phòng.

Chiếc Mercedes Benz mầu cam đậu bên ngoài trạm cảnh sát. Khi đi qua nó tôi quay mặt sang hướng khác. Tôi nghe có tiếng gọi "Ông ơi! Ông ơi!" Chính là Pesi Lalkaka. Một Pesi trông rất buồn. "Ông ơi," ông ta khẩn khoản, "tôi có thể cho ông quá giang đến bất cứ đâu?"

Phạm đức Thân dịch từ bản Anh ngữ "The Bottom-Pincher"

Nguồn: art2all.net

10 June 2024

Hạnh Ngộ

Theo lời kể của một người trên đường hữu duyên với Thầy…

Tôi kể cho anh nghe câu chuyện tôi gặp thầy lúc thầy chưa nổi tiếng như bây giờ để anh và mọi người thấy đức hạnh của thầy TMT . 

Cách đây vài tháng tôi tình cờ gặp thầy bộ hành trên con đường đèo không có nhà dân mà tôi nói luôn là tôi không theo đạo Phật, nhưng khi đi ngang qua thầy tôi thấy có nguồn năng lượng tốt chạy trong người mình. 

Giữa rừng núi không nhà tôi chạy xe trên 5 km mua cho thầy mấy gói mỳ chay, bánh và nước lọc. Tôi còn bỏ tiền xen lẫn vào trong. Tôi chạy ngược lại gặp thầy xin cúng dường nhưng thầy không nhận, lý do là thầy ăn rồi, giờ quá ngọ không nhận nữa. Tôi năn nỉ thầy mới nhận duy nhất một chai nước. Khi tôi chào thầy đi, thầy nói với tôi một câu "anh xuống hết đèo này anh thấy có đứa bé nào tật nguyền thì cho phần quà này coi như anh đã cúng dường cho con rồi". Thật sự khi xuống hết đèo thì tôi thấy có đứa bé bị bệnh đao đứng bên lề đường. 

Tôi trao phần quà cho cháu mà tôi không  khỏi run trước những gì thầy nói vì chỗ tôi gặp thầy đến nơi gặp đứa bé xa gần chục km, mà thầy và tôi là người đi cùng chiều. Vậy anh nghĩ gì về thầy khi có những việc thầy đã biết trước. Đây là câu chuyện tôi gặp thầy và tôi chia sẽ để mọi người cùng suy gẫm. Tôi viết hơi dài. 

Cảm ơn vì đã đọc.

Hòa Kairo TV

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...