27 April 2024

30 tháng Tư của một Đồng Môn

Saigon 28/4/2015

Hôm nay là 28/4, giỗ tổ Hùng Vương. Năm nay ở Việt Nam công nhân viên được nghỉ 6 ngày kỷ niệm 30/4 và 1/5. Nhiều người đi chơi xa, còn anh em mình 'cố thủ' ỏ Sài gòn, đóng cửa gặm nhấm nỗi buồn ngày xưa. Tôi còn nhớ mãi ngày 25/3 lúc 7 giờ tối nghe BBC và VOA, nghe tin Quảng Tín bị mất liên lạc, mọi người hoang mang vô cùng.

Tôi và mấy anh em QGHC bám lên mấy chiếc xe GMC đi ra quốc lộ 1 hy vọng ra được căn cứ Chu Lai để gặp sư đoàn II ở đó. Xe chạy suốt đêm hôm đó, gần sáng thì bị pháo kích, người chết và bị thương nằm la liệt.  Đang phân vân không biết làm sao thì nghe tiếng loa, nhìn ra thì thấy mấy 'nón tai bèo' xuất hiện cùng với súng AK. Họ bắt buộc chúng tôi đi bộ trở lại tỉnh Quảng Ngãi.

Thức suốt đêm qua lại không có gì ăn, ai cũng mệt muốn xỉu. Về gần đến tỉnh thì một tên du kích kêu đích danh tôi, bắt trình diện. Họ đưa tôi vào một căn nhà xét đồ đạc của tôi trong khi đó bên ngoài có tiếng ồn ào la ó "Bắt được tên Quận Trưởng ác ôn rồi, bắn nó đi, giết nó đi. Tôi cảm thấy cuộc đời mình coi như xong. Sau đó họ lột giầy, bắt tôi đi chân không, trói tay tôi lại giong đi cùng một số người khác. Họ đưa chúng chúng tôi vào mật khu, trong đó thấy xe tăng T54 đậu dài dài. Bọn lính hỏi: "Đưa đi bắn hả?".

Chúng tôi phải đi suốt đêm. Sáng hôm sau thì lên đến đỉnh núi Sơn Cao. Rồi từ đó chúng tôi phải trải qua những ngày tủi nhục, đói khát, bị đánh đập dã man và đi lao động khổ sai.

Sáng ngày 30/4, chúng tôi đang chặt cây trên rừng thì loa phóng thanh kêu tất cả trở về trại. Về đến nơi chúng tôi được nghe radio. Lúc nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, bọn chúng tôi sững sờ rồi ôm nhau... khóc!

Sau đó là những ngày kinh hoàng, đói khổ, bệnh tật và thất vọng.Ở trong trại, tôi bị đánh hộc máu. Anh em phải kiếm cua dong, giã ra cho tôi uống để làm tan máu bầm. Tôi lại bị lao động nặng quá, chịu không nổi, chúng lại đánh tôi và bắt tôi đi làm ruộng đến độ cụp xương sống. Tôi chịu đựng đến giữa năm 1981 thì được thả mang theo thân tàn ma dại và bệnh ho lao về nhà*.

Ở nhà tôi không còn thứ gì có thể bán đi để chạy thuốc thang cả. Hàng ngày tôi phải đạp xe đạp từ nhà ở đường Phan Đăng Lưu đến bệnh viện Chợ Rẫy dậy tiếng Pháp cho một số bác sĩ, rồi lại tiếp tục đi dậy ở các Trung Tâm Ngôn Ngữ (Language Centers) để kiếm sống.

Cũng nhờ mấy anh học trò là bác sĩ, họ kiếm thuốc cho tôi uống. Nhiều khi tôi phải xin nhau (placenta) của sản phụ, ăn để tăng sức chịu đựng. Cũng nhờ vậy mà tôi khỏi bệnh. Tuy nhiên sức khỏe của tôi sa sút trầm trọng khiến tôi bị stroke và tiểu đường, bây giờ tàn phế, ăn nhờ các con!

Tính tôi không thích than vãn nên ít khi tôi kể khổ bởi vì:
"Gemir, pleurer, prier est egalement lache"
(Than vãn, kêu khóc, van xin tất cả đều là hèn)

Tôi cứ cắn răng chịu đựng vì qua 9 tháng ở (Trường Bộ binh) Thủ Đức và gần 7 năm học "Cao học" tôi đã trải qua tất cả cực khổ rồi, bây giờ có khổ thêm thì cũng vậy thôi!

Cuộc đời tôi còn trải qua nhiều gian khổ nữa, nhưng thôi! Có nói nữa cũng chẳng làm gì!**

**

Tôi xin dừng bút ở đây. Một lần nữa, xin đa tạ các bạn có lòng nghĩ đến tôi và gửi quà về giúp đỡ. Thân chúc các bạn và gia đình luôn vui mạnh và gặp nhiều may mắn. Rất mong có ngày mình gặp lại nhau.

BC, ĐS 14
(Từ VN)
(*) Chính vì bị lao phổi nên không hội đủ điều kiện sức khỏe mà người bạn chúng ta không thể ra đi theo diện HO.
(**) Đã thế người bạn đường lại mất sớm.
BC cũng đã thành người thiên cổ cách đây ít năm.

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...