25 January 2024

'Văn Hoá' Lưu Manh


Phạm Đức Thân

Hiện giờ ở VN cán lớn cán bé và tuớng tá kéo nhau vào tù cho thấy hậu quả của não trạng lưu manh thời hậu CS.  Để hiểu rõ nguyên nhân, môi truờng của hiện tuợng này, xin mời đọc "Văn Hoá Lưu Manh", một bài viết cách đây chưa lâu nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. (PĐT)


Cộng Sản là một chủ thuyết không tưởng, và lịch sử cho thấy đã áp dụng thất bại tại những nước CS trên thế giới. Ngày nay trước khủng hoảng về kinh tế xã hội, nhiều nước CS đã du nhập những khái niệm của tư bản (quyền tư hữu, kinh tế thị trường....) và nhiều khi thay đổi cả danh xưng (bỏ CS thay vào bằng Xã Hội Chủ Nghĩa...) để sống còn và xoa dịu chống đối của dân chúng. Khái niệm lai căng "chủ nghĩa xã hội cộng với kinh tế thị trường tư bản" vẫn còn đang loay hoay chưa tìm ra được một mô thức cụ thể chính xác, đã tạo nên một xã hội thiếu ổn định, mất phương hướng, giống kiểu ngày xưa CS thường làm đại, làm ẩu, làm bậy rồi sửa sai.

Tình trạng trên đưa đến tâm thái hoang mang của dân chúng, sinh hoạt tùy thời, nhất là hậu quả của nền giáo dục CS, dân chúng bị kìm hãm tư tưởng (chỉ phổ biến cái gì có lợi cho CS, hạn chế các tư tưởng dân chủ, tiến bộ...) đạo đức suy đồi (coi nhẹ lễ nghĩa, nặng về thực dụng, mưu lợi trước cuộc sống khó khăn...) khiến cho sau cùng xuất hiện một não trạng tranh sống, giành giật, vơ vét... tạo nên một nền văn hóa đặc thù hậu CS, cái mà nhiều học giả đã mệnh danh là văn hóa lưu manh, văn hóa du côn. Văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa: là một tình trạng hoặc thói quen của não trạng, có khả năng trở thành một nếp sống liên hệ mật thiết với thách thức và khó khăn của xã hội đương thời.

Bài này thử tìm hiểu đặc điểm của văn hóa lưu manh hậu CS. Các nước lớn tiêu biểu là Nga Sô, Trung Cộng và Việt Nam.... đều có những đặc điểm tương đồng, nhất là VN thường rập khuôn theo TC. TC là nước lớn đông dân được nhắc đến nhiều, coi như điển hình cho loại văn hóa này.

 **

Lưu nghĩa là di chuyển. Manh là tiếng Hán cổ chỉ dân mất đất đai, vườn tược, phải phiêu tán, lang thang kiếm sống. Theo thời gian, lưu manh chỉ người du thử du thực, rồi chỉ thành phần xã hội mà hành vi không được chấp nhận về mặt đạo đức, luân lý, xã hội, pháp luật...

Khi có xáo trộn xã hội, CS thường đổ thừa cho ngoại bang xúi giục hoặc phần tử chống đối gieo rắc tư tưởng phá hoại của tư sản. Nhưng biến động sau này là do dân chúng chán ghét chế độ khiến CS phải đổi mới, chấp nhận kinh tế thị trường, đổi thay cơ cấu, nhưng vẫn đòi phải trung thành với ý thức hệ CS, XHCN, khiến cho dân chúng không biết làm sao tương thích 2 sinh hoạt chính trị (ảo tưởng) và xã hội (hiện thực ), thôi thì tùy thời, có cơ hội là mánh mung trục lợi, miễn sao sống còn, ít quan tâm đến đạo đức, công bằng, lễ nghĩa...

Theo ngôn ngữ hiện đại, "lưu manh" là chữ có nội hàm tiêu cực, chỉ hiện tượng xã hội cũng như khúc xạ văn hóa. Thời hậu Mao, xuất hiện một văn hóa bản địa có thể gọi là lưu manh (du thử du thực, côn đồ...) biểu hiện thoạt tiên qua bọn lưu manh, đeo kính đen, lạng lách xe ngoài đường. tìm nạn nhân để cướp giật. Rồi về sau hình thành thế hệ lưu manh bao gồm hiếp dâm, cướp của, đĩ điếm, chợ đen, thất nghiệp, lang thang, vô chính phủ (ví như phong trào hippy thập niên 60s ở Mỹ).

Văn học cũng có phạm trù "lưu manh" ám chỉ trí thức vong thân, nghệ sĩ bất mãn, có tinh thần phản nghịch, chống đối quyền lực, dám phê phán chống lại bất công, áp bức. Lỗ Tấn còn cho rằng "Bất luận xưa cũng như nay, phàm là không có chủ trương hoặc lý luận nhất định, mà biến hóa khiến ta không lần ra được đường hướng, lại lúc nào cũng có thể lấy lý luận đủ loại đủ phe phái làm vũ khí cho mình, thì đấy đều có thể gọi chung là lưu manh."

Em của Lỗ Tấn, là Zhou Zuoren, đã từng thú nhận trong người có 2 con quỷ là quân tử và lưu manh, đối kháng nhau, nhưng ông không muốn từ bỏ quỷ nào "Tôi yêu thái độ của quân tử và tinh thần của lưu manh". Cả hai luôn tranh giành làm chủ linh hồn người Trung Quốc. Ông ước mong chúng hòa giải, và tốt hơn nữa là lưu manh nữ, lấy quân tử nam, sinh ra "hoàng tử lý tưởng" để làm quốc trưởng.

Chất lưu manh không chỉ giới hạn ở văn nghệ sĩ, phê bình gia nổi loạn, coi thường quyền lực hay kẻ gây ồn ào ngoài phố. Những người quan tâm đến chính trị, xã hội nghĩ rằng chất lưu manh có thể là điềm xấu của một chiều kích chính trị xã hội mà tầng lớp ưu tú có bổn phận luân lý là phải xây dựng thượng tầng văn hóa và ngăn chặn xâm nhập của văn hóa đại chúng thông tục vào văn hóa nghiêm chỉnh.

Văn hóa phản ánh xã hội, và nếu hiện thực xã hội toàn những mánh mung, thối nát, tham nhũng, hối lộ, sa đọa... thì sẽ sản sinh một văn hóa đầy chất lưu manh. CS thường đổ lỗi cho phong kiến và tư sản đã gây nên tệ nạn xã hội. Nhưng xét kỹ, chính vô sản mới là thủ phạm hơn cả tư sản.

Vô sản lưu manh khinh thường, chê bai lao động. Họ không sản xuất mà chỉ ăn bám. Phần tử vô sản không tạo nên thịnh vượng cho xã hội, họ chỉ tiêu thụ và phá hoại.

Thời đại đổi mới cho thấy bộ mặt thật của doanh nhân vô sản lưu manh: bất cẩn, cẩu thả, vô trách nhiệm, bất tuân luật pháp, hoàn toàn vô lương tâm. Họ vơ vét càng nhiều càng tốt và phung phí cái đã kiếm được. Không như tư sản, đầu tư lợi nhuận và mở rộng sản xuất, vô sản lưu manh ăn chặn, bỏ túi và làm thất thoát, đến khi cạn kiệt thì khai thua lỗ. Họ phung phí, xa hoa cực kỳ, sống hầu như không ngày mai; mặc dù ngày nay nhờ nhập cảnh dễ dãi của vài nước tư bản, một số đủ điều kiện đã biết lo xa, tẩu tán tài sản và cho gia đình xuất ngoại.

Các giai tầng xã hội đều mang tính chất phiêu lưu, thù nghịch, cơ hội, vơ vét, mánh mung, chụp giật, phá hoại hơn là xây dựng. Não trạng lưu manh ở khắp mọi nơi: đảng và nhà nước, công ty, kỹ nghệ, doanh nghiệp và cả dân chúng... Xớt phần trăm của bất kỳ cái gì qua tay, họ lợi dụng chức vụ để trục lợi, hưởng thụ thả giàn, tận dụng chút quyền lực đang nắm và xử dụng bất cứ tài nguyên nào có thể với tay - đất đai, biển đảo, phương tiện giao thông và cả dấu triện chữ ký - miễn là có lợi cho bản thân. Tóm lại họ coi chỗ làm việc như một lãnh địa đặc quyền, đặc lợi, muốn làm gì thì làm, coi thường nguyên tắc và luật pháp.

Những phần tử ngoại biên của xã hội, tức đám lưu manh, cặn bã ngày nay trở thành một giai cấp mới, kiểu như "giai cấp mới" của tác giả Nam Tư Milovan Djilas, chiếm lĩnh vai trò trung tâm trên sân khấu xã hội chính trị của cuộc sống, thay thế các trí thức trước đây.

Thật ra, mỗi biến động xã hội chính trị, thường phát sinh những phần tử chống lại xã hội. Vd các nho sĩ, hiệp sĩ thời Chiến Quốc lang thang đây đó, viết văn phản kháng, đấu tranh chống lại tân triều. Hoặc như nhóm Trúc Lâm Thất Hiền thời Tần rút lui ở ẩn, phê phán thói gian trá hèn hạ của quan liêu. Giống như Trung Quốc đã có một truyền thống văn hóa ăn thịt người (như người viết đã bàn trong một bài trước đây) có thể bảo Trung Quốc từ xưa cũng đã có một nền văn hóa cho thấy ít nhiều não trạng lưu manh (cho dù có thêm chất lãng mạn), thể hiện qua truyện Thủy Hử, Kim Bình Mai, truyện võ hiệp. Thủy Hử kể chuyện đám thảo khấu Lương Sơn Bạc, tự cai quản, tổ chức để chống lại bóc lột hà hiếp dân chúng của quan chức triều đình. Kim Bình Mai thuật lại đời sống xa hoa trụy lạc, dâm đãng của một tên gian thương lưu manh tên là Tây Môn Khánh. Truyện võ hiệp với các du hiệp khách đi lại trên giang hồ làm việc nghĩa, cùng với băng đảng ăn mày (Cái Bang) tụ họp để tương trợ nhưng cũng lang thang đây đó làm việc nghĩa..

Trong tinh thần đó, thảo nào truyện, phim chưởng của Kim Dung, Cổ Long... được nhiều người đón nhận ở Hồng Kông, Đài Loan cũng như Đại Lục. Các lý tưởng của hiệp khách như vị tha, công lý, tự do cá nhân, trung thành, nghĩa khí giang hồ, tương trợ, tin tưởng nhau, danh dự, tiếng tăm, quảng đại, coi thường của cải... là ước vọng của nhiều người, ngay cả vô sản lưu manh.

Nhân vật lưu manh Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký được ái mộ hơn cả vài nhân vật anh hùng, cho thấy lưu manh đôi khi cũng không phải xấu hoàn toàn.

Vương Sóc là nhà văn du côn, nổi tiếng ngang với Kim Dung, nhận xét, đại ý: Trí thức than đời tẻ nhạt. Ngày nay đời sống an bình lẽ ra phải cám ơn, nhiếu người lại cảm thấy không có chỗ để thi thố khả năng. Trí thức bị cột vào sứ mệnh tải đạo, trách nhiệm xã hội, rất muốn làm một cái gì. Họ tìm thấy trong truyện chưởng một xả hơi, mặc dù các trận đấu thực ra vô nghĩa. Các nhân vật anh hùng không cần bận tâm phân biệt xấu tốt, để ý đến quy ước, thích đáng, hay luật pháp. Họ hành động theo sở thích, không hối tiếc, phàn nàn. Mặc dù chịu đựng nhiều gian nan, cuối cùng họ cũng đạt được công lý. Điều này rõ ràng làm cho trí thức, hoàn toàn bất lực không tự mình thoát ra khỏi cái Đạo Trung Dung, cảm thấy tinh thần dễ chịu.

Vương Sóc là tác giả hiện đại của văn học du côn Trung Quốc, chống lại cái đạo đức giả, cái cao cả giả vờ, và phản kháng, phê phán hiện thực xã hội. Ông là con đẻ của Cách Mạng Văn Hóa, không có một học vấn chính thức, coi thường trí thức, truyền thống văn học. Truyện ông thường là về thực tiễn ngoài đời của những người bình thường với đủ thói lưu manh sinh tồn. Nhân vật của ông thường thuộc giai cấp hạ lưu, không che giấu những suy nghĩ hay hành động lưu manh, nói thẳng nói thật. Ông biến họ thành người được cảm tình của độc giả, trong khi các nhân vật anh hùng lại hình như buồn cười, lố bịch. Đây là hiện tượng một nhà văn du côn viết cho du côn; du côn đọc chúng để biết về du côn, và cuối cùng hình thành một giai cấp du côn mới.

Nhân vật Fang Yan trong truyện An Attitude phải ra tòa vì tội hoạt động văn học không giấy phép. Quan tòa hỏi bị cáo xử trí ra sao nếu được phụ trách về thế giới văn hóa, đã trả lời, "Dĩ nhiên, đó sẽ là trường hợp để cho người phục tòng tôi giàu có và kẻ chống đối tôi bị hủy diệt. Hãy dẹp đi ba cái thứ vớ vẩn về hình thức văn học và nội dung ý thức hệ; không có thứ nào loại đó đáng kể. Dù có thế nào chăng nữa, tôi sẽ hỗ trợ bè đảng; cho dù phải thanh lọc họ, tôi cũng chắc chắn hạ bệ họ nhẹ nhàng. Đối với người tôi không ưa hoặc người không kính trọng tôi, tôi sẽ cho thấy thẳng tay không thương xót".

Tinh thần bè đảng, như thấy trong đoạn văn trên, là một nét đặc thù của văn hóa lưu manh. Thích nghi hoàn cảnh và trọng nghĩa tình bằng hữu là 2 tính cách của dân Trung Quốc giúp họ tồn tại và bảo vệ kiên cường, như đã thấy trân trọng giữa đám thảo khấu Lương Sơn Bạc cũng như các hiệp khách giang hồ.... Nhưng với xã hội CS hay CNXH, tình liên đới băng đảng được nâng cao khác thường, đặt quan hệ cá nhân lên hàng đầu, bất chấp tiêu chuẩn bình thường của đúng sai, chỉ nghĩ đến an nguy, quyền lợi của bè đảng, dẫn đến hoạt động có thể phương hại cho xã hội và người khác.

Tuy nhiên phải nói đến chút thay đổi sau này của tính bè đảng, khi mà chủ nghĩa lợi nhuận trở thành khuôn mẫu bình thường trong kinh tế xã hội. Người ta có thể lợi dụng bè đảng để tiến thân và nếu cần thì "sha ci" (giết người thân cận nhất), hy sinh đồng chí, bạn ấu thời, người cộng tác lâu năm để đạt mục đích. Cho thấy bản chất lưu manh rất xấu, không có chuẩn mực đạo đức nào.

Thật ra tính bè đảng chỉ là một mặt của tính móc nối, quan hệ có chiều kích rộng lớn hơn, được công nhận là lối sống bình thường trong xã hội XHCN, một bổ túc cần thiết trong cuộc sống hàng ngày khi mà kiểm soát chính trị vẫn còn chặt chẽ và kinh tế thị trường chưa phát triển. Bè đảng, quan hệ liên quan đến mọi giao dịch, từ mua sản phẩm khan hiếm đến cho con vào trường hay được chữa trị, mua thuốc... bất chấp nguyên tắc, luật pháp. Mặt khác ăn chia, móc nối cũng thường là một khâu đáng kể của thương vụ. Quan hệ quan trọng đến nỗi đã được nâng lên thành một môn học gọi là quan hệ học (guanxixue) nghiên cứu về trao đổi quà cáp, ân huệ, tiệc tùng; vun trồng quan hệ cá nhân và mạng lưới tương trợ; xây dựng khả năng ràng buộc có tính cách luân lý của nhận quà và nghĩa vụ trả ân đáp lại... Dân gian từng nhận xét : Xuehui shulihua, buru youge hao baba (Giỏi toán lý hóa không bằng có một ông cha tốt - nghĩa là có móc nối, quan hệ).

Trên đây là một số đặc điểm nổi bật của văn hóa lưu manh trong xã hội hậu CS thời đổi mới. Đối chiếu với xã hội VN hiện tại, ta thấy rất nhiều dấu hiệu cụ thể tương tự, từ ngôn ngữ thô tục đường phố, bún chửi Hà Nội đến công lý bịt miệng (cha Nguyễn văn Lý) và bị khinh bỉ (Thái Bá Tân chửi "ĐM tòa" ngay tại pháp đình). Sau đây chỉ xin liệt kê thêm vài chuyện thường xẩy ra:

- thủ tục "đầu tiên", hối lộ tham nhũng từ trên xuống dưới, làm thất thoát hàng nghìn tỷ,
- cướp đất, cướp nhà của dân,
- các công trình xây dựng lớn như cầu đường bị dở dang hoặc sụp đổ ít lâu sau khi khánh thành,
- buôn bán biển đảo,
- phí phạm hàng tỉ đồng xây tượng đài vô bổ,
- lường gạt lừa đảo khắp nơi,
- giao thông bất chấp luật lệ gây tai nạn rất nhiều,
- các chân dài, doanh nhân được biết đến nhiều hơn trí thức học giả,
- học sinh thiếu đạo đức, đánh nhau, vô lễ với thầy, bị nhồi sọ văn hóa không biết lịch sử dân tộc, hoặc biết sai lạc,
- trộm cắp, giết người xẩy ra thường xuyên,
- thu vén trục lợi ngay cả những viện trợ y tế chống dịch Covid....

Tóm lại không sao kể xiết.

Suy cho cùng, nhân loại luôn luôn có xấu tốt, ác thiện trong mỗi người. Xã hội nào và thời nào cũng có những cái xấu ác. Xã hội tư bản tự do cũng có những tệ nạn kể trên, nhưng ở mức độ nhỏ. Chỉ riêng tại các nước CS, XHCN nhất là trong thời đổi mới, do độc tài cai trị bằng trấn áp, giáo dục lỏng lẻo thiếu đạo đức, văn hóa nhồi sọ nông cạn, cái ác được môi trường thuận lợi, nhân lên gấp bội. CS đã không những bần cùng hóa con người mà còn làm tha hóa biến chất mất đi những gì tốt đẹp nơi con người. Cái tội ác tầy trời lưu manh hóa con người của CS có lẽ 4 biển cũng không thể gột rửa hết. 

Phạm đức Thân

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...