30 April 2023

Xuân Hạ Thu Đông, thơ

 


Huynh trưởng Nguyễn Thành Nhơn qua đời

ÔNG NGUYỄN THÀNH NHƠN 
Cựu sinh viên Học Viện QGHC Sài Gòn
Đốc sự Hành Chánh Khoá 6
Nguyên Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh Biên Hòa

Sinh ngày 31 tháng 12 năm 1937
Đã từ trần ngày 28 tháng 4 năm 2023 vào lúc 4 giờ sáng 
tại Bệnh viện O’Connor San Jose, California, Hoa Kỳ 

Hưởng thọ 85 tuổi
*
Xin thông báo cùng quý đồng môn, đặc biệt Khoá ĐS 6

29 April 2023

Giọt Nước Mắt Người Phụ Nữ Bên Thắng Cuộc

Đinh Quang Anh Thái

Dương Thu Hương tự nhận mình là “người rừng”, “mụ nhà quê răng đen, mắt toét”.

Báo chí Pháp thì gọi Dương Thu Hương là “Con Sói Đơn Độc”.

Còn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thì chửi bà là “con đĩ chống đảng”.

Gọi bằng gì thì gọi, Dương Thu Hương vẫn là chính mình: Bản chất chân quê không hội nhập vào thế giới mạng Internet, bỗ bã, đốp chát, đơn độc, và trên hết, ngay thẳng, hết mực với mục tiêu nhắm tới là tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, tự do, thoát khỏi cái chế độ hiện nay mà bà gọi là “chỉ sống bằng xác chết, không có bất cứ giá trị gì.”
**

Sinh năm 1948, lớn lên tại miền Bắc vào đúng giai đoạn Cộng Sản Hà Nội tung toàn lực nhất quyết bằng mọi giá phải đạt được tham vọng “giải phóng miền Nam thoát khỏi sự kềm kẹp của Mỹ-Ngụy” (sic).

Như lời bà kể, cùng với hơn 100 bạn ngang lứa tuổi, bà đã cắt máu xin vào Nam “đánh Mỹ cứu nước”.

Những trải nghiệm trong chiến tranh, cùng những chua chát của Tháng Tư 1975 đã là chất liệu cho các tác phẩm sau này của bà, như “Những Thiên Đường Mù”, “Bên Kia Bờ Ảo Vọng”, “Khải Hoàn Môn”, “Đỉnh Cao Chói Lọi”, “No Man’s Land” (ấn bản Anh ngữ) được dịch sang Pháp ngữ là “Terre Des Oublis”…  
**

Tôi đọc Dương Thu Hương, những bài viết và các tác phẩm, ngay sau thời kỳ do tình thế o ép, giới lãnh đạo Hà Nội năm 1986 buộc phải chấp nhận “đổi mới” kinh tế và “cởi trói” văn nghệ sĩ.
Thời kỳ ấy, Dương Thu Hương là một trong những người cầm bút can đảm “bước qua lời nguyền”, giành lại quyền suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình với những bài phát biểu, bài viết; và nhất là với tác phẩm “Những Thiên Đường Mù.”

Riêng tôi, với cuốn “Khải Hoàn Môn,” Dương Thu Hương mới thực sự chỉ thẳng vào mặt cuộc chiến dã man đã hủy hoại toàn thể dân tộc ra sao.

Chỉ biết Dương Thu Hương qua tác phẩm, mãi tới khoảng giữa tháng Tư 1997, lần đầu tiên tôi mới có dịp – qua điện thoại - nói chuyện với “Con Sói Đơn Độc.”

Lúc bấy giờ, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do vừa chính thức phát thanh về Việt Nam được hai tháng.

Muốn phỏng vấn Dương Thu Hương nhưng mang tâm trạng cầu may thôi, chứ không nghĩ bà sẽ trả lời phóng viên của một đài phát thanh do Quốc Hội Mỹ tài trợ; và nhất là báo Công An ở trong nước vừa có bài chửi thậm tệ Giám Đốc Ban Việt Ngữ, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, là “cái loa tuyên truyền của Mỹ trong âm mưu diễn biến hòa bình.” Bài báo còn mô tả kẻ viết bài này là “ngựa non háu đá, hung hăng, ăn phải bả ông Bích.”

Vậy mà thật may! Chuông điện thoại reng tiếng thứ hai, đầu giây bên kia, giọng phụ nữ “ai đấy?”

Nghe cách nói trống không, giọng lạnh tanh, tôi hơi thủ. Bằng ngôn ngữ lễ phép, chừng mực và cũng sẵn sàng cúp máy ngay nếu cuộc đối thoại không đi đến đâu, tôi tự giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp; tức là “khai báo lý lịch trích ngang.”  

Lại may nữa! Tác giả “Khải Hoàn Môn”, giọng xem ra bớt lạnh, hỏi, “thế ông cần gì?” Tôi nói mong được phỏng vấn bà về ngày 30 Tháng Tư 1975.  Bà bảo, nói chuyện thế này là hơi lâu rồi đấy nhé; cứ từ từ đã, lúc nào có dịp lại trao đổi xem ông là người thế nào đã nhé.

Liên tiếp vài ngày sau đó, hôm nào tôi cũng gọi về Hà Nội, chỉ loanh quanh chuyện thời tiết cỏ cây và tò mò về vùng đất của 36 phố phường. Dương Thu Hương có vẻ bớt xa lạ hơn, bõ công nói về Hà Nội, nhất là sau khi nghe tôi nói rằng tôi nằm trong lòng mẹ di cư vào Nam năm 54 nên không biết tí gì về đất Bắc.    

Và cuối cùng là cuộc phỏng vấn.
**

Dấu mốc quan trọng làm thay đổi hẳn cuộc đời Dương Thu Hương là thời điểm đoàn quân của “bên thắng cuộc” vào Sài Gòn trưa ngày 30 Tháng Tư 1975.

Trả lời phỏng vấn bằng điện thoại, Dương Thu Hương kể: “Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã là một ngả rẽ trong đời tôi. Khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn, trong khi tất cả mọi người trong toán quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi ngồi bên lề đường khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bày trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ...nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ.”

Trong suốt cuộc phỏng vấn dài hơn nửa tiếng, Dương Thu Hương nhiều lần dùng cách nói bỗ bã, “chém đinh chặt sắt,” thậm chí đôi khi thô tục để đả kích chế độ cầm quyền.

Hỏi, lối nói như thế liệu có gặp phản ứng không thuận tai đối với người nghe, Dương Thu Hương lại càng “đanh” hơn, nói “chẳng việc gì tôi phải kiêng dùng những danh từ mà nhiều người cho là thô bỉ, như là ‘ỉa vào mặt kẻ cầm quyền’, vì đó là cách nói thuần của người Việt răng đen mắt toét; là ngôn ngữ đích xác của người nông dân khi họ muốn biểu lộ thái độ khinh bỉ và bất chấp. Tôi hành động như thế là có dự tính chứ không phải ngẫu hứng. Tôi rất ghét những thứ ngôn ngữ nhờ nhờ nhạt nhạt.”

Dương Thu Hương trở thành “Con Sói Đơn Độc” ngay giữa bầy đàn của mình cũng “chẳng oan ức gì.” Cá tính ngang ngạnh như thế, bất chấp và không ngần ngại phang thẳng vào mặt những người mà bà cho là “giả dối, hèn hạ”, thì phải là người hiểu bà lắm mới dám tới gần, kết thân. Điển hình cách nói vỗ vào mặt người ta của Dương Thu Hương là những lời bà mạt sát lãnh đạo Hà Nội.

Cũng năm 1997, Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam và bị đồng bào trong nước gọi là “tổng bí thư đậu vớt,” từ Washington DC, tôi gọi điện thoại về Hà Nội hỏi Dương Thu Hương, rằng cảm nghĩ của bà ra sao về ông Phiêu, bà “phang” ngay: “Ông Thái đã có bao giờ thấy âm hộ của con ngựa già chưa? Đấy, mặt thằng Lê Khả Phiêu thế đấy, nó nhăn nheo y như âm hộ con ngựa già”.

Chưa hết! Năm 2000, khi Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đến thăm Hà Nội, bà trả lời phỏng vấn của kẻ viết bài qua điện thoại: “Clinton là biểu tượng của một nền dân chủ, là một chân trời khác, một cuộc sống khác mà người ta ao ước.” Và bà cười sảng khoái, thuật lại câu của hàng xóm láng giềng nhà bà: “Sao mà xấu hổ thế! tổng thống của chúng nó, của dân Mỹ đứng cạnh mấy ông lãnh đạo của mình, mặt nó thì sáng ngời ngời, còn mặt mấy ông lãnh đạo của mình sao mà tối tăm thế. Mặt Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu tuy đã sửa nhan sắc nhưng trông cũng không đẹp cho lắm. Cho nên dân chúng bảo xấu hổ quá. Còn cánh đàn ông thì họ rú lên, ối giời ơi! Cái thằng Clinton nó đẹp giai quá! Mình cũng còn mê nó nữa là đàn bà. Cho nên một trăm con mê nó thì cũng phải thôi.” (cười to tiếng).

Rồi “người rừng” nói tiếp, “mấy người hàng xóm nhà tôi xem thằng Lê Khả Phiêu là lãnh đạo của họ thì các ông bà ấy xấu hổ nhục nhã; chứ còn tôi thì tôi thấy bình thường; vì từ lâu tôi đã coi mấy thằng lãnh đạo chúng nó chẳng ra cái gì, cho nên tôi chả việc gì phải nhục hộ chúng nó.”

“Mụ nhà quê răng đen mắt toét” còn kể, “một nhà báo Mỹ phỏng vấn tôi và hỏi tôi nghĩ như thế nào về quan hệ của tôi với chế độ, tôi nói thẳng rằng, chế độ Hà Nội là đám người ngửi rắm bọn Bắc Triều Trung Quốc”.
**

Trung tuần Tháng Hai năm 2005, do lời mời của nhà xuất bản Sabine Wespieser Éditeur, Dương Thu Hương đến Paris ra mắt tác phẩm đã được in bằng Anh ngữ, cuốn “No Man’s Land”, được dịch sang Pháp ngữ là “Terre Des Oublis”.  

Trước khi đi vào ngày cuối cùng của năm Ất Dậu, trong lúc mọi người chuẩn bị đón giao thừa Bính Tuất, Dương Thu Hương kín đáo xách va ly đi ra phi trường; và trước khi rời nhà, bà nhắn tin cho tôi, rằng khi bà đã lên được máy bay ở Hà Nội, sẽ có người báo cho tôi biết để tôi yên tâm là bà đã đi thoát và cũng để tôi thu xếp qua Pháp gặp bà.

Một tuần lễ sau, tôi có mặt tại Paris và người đón tôi tại sân bay Charles de Gaulle là anh Nguyễn Gia Kiểng.

Suốt một tuần sang thăm Dương Thu Hương, tôi ở nhà anh Kiểng, nơi hội họp thường xuyên của các thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tổ chức chính trị mà anh Kiểng là một trong những người sáng lập và lãnh đạo.

Mỗi sáng, từ nhà anh Kiểng ở thành phố Lognes, ngoại ô Paris, tôi đi xe điện vào Michèle Manceaux thuộc Quận Ba gặp và phỏng vấn Dương Thu Hương. Anh Kiểng rất tế nhị, thấy tôi không cho biết mục đích lần sang Paris này, nên anh cũng không hỏi. Tôi không nói với anh Kiểng chỉ vì đã cam kết với Dương Thu Hương là giữ kín sự có mặt của bà tại Kinh Thành Ánh Sáng.

Buổi sáng đầu tiên đi tìm ngôi nhà thờ Michèle Manceaux, 1 Impasse Saint-Claude, theo như lời Dương Thu Hương chỉ dẫn, vừa nhìn thấy cây thánh giá trên nóc nhà thờ, thì ngay bên cạnh là một hẻm nhỏ có một quán cà phê bày ghế ra ngoài hiên đúng cách “Paris.” Một phụ nữ Á Châu, duy nhất, ngồi trước ly cà phê đang bốc khói: Con Sói Đơn Độc Dương Thu Hương.
**

Câu chuyện xoay quanh chuyến đi đầy bất trắc chực chờ khi Dương Thu Hương rời Hà Nội. Bà nói, bọn nó mà biết lịch bay thì bằng mọi cách chúng sẽ chặn. “Nhưng bây giờ thì ngồi đây rồi.”

Một chi tiết vẫn còn gây ấn tượng trong tôi về cung cách cư xử của Con Sói Đơn Độc. Tách cà phê Pháp bốc khói do cô hầu bàn vừa đặt xuống trước mặt tôi, Dương Thu Hương nói ngay, chú đã cất công qua thăm, mọi chi phí ăn uống, tôi trả, nếu không đồng ý thì “chú cuốn gói về ngay, không phỏng vấn phỏng viếc gì hết.”

Lúc bước lên cầu thang căn phòng bà ở trọ, tôi không để ý cửa ra vào vừa được sơn lại, nên quẹt cánh tay chiếc áo da đen vào khung cửa. Một vệt sơn trắng dính vào, chạy dài theo tay chiếc áo do Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến mua ở London làm quà tặng tôi cách đó 6 năm. Thấy thế, bà Hương bảo, để tôi mua đền chú chiếc áo khác, chứ ai đời để chú bị hư chiếc áo đẹp. Dĩ nhiên tôi từ chối.
**

Lý do nào lãnh đạo Hà Nội chửi bà là “con đĩ chống đảng?”

Ngồi cạnh cửa sổ căn hộ lầu hai của bà ở Quận 5 Paris, tôi nêu câu hỏi trên. Dương Thu Hương cười, kể lại: “Trong bài diễn văn tôi đọc ở Đại Hội Nhà Văn năm 1989, tôi nói rằng đảng cộng sản phải biết ơn nhân dân. Bởi vì xưa nay họ chỉ nói nhân dân phải biết ơn đảng thôi. Trong bài diễn văn đó, tôi phân tích rằng, cả một dân tộc đã đổ xương máu để kháng chiến chống Pháp và những gì dân tộc đạt được là do truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc nhưng đảng cộng sản đã cướp tất cả công đó và nhận vơ là công của đảng. Họ còn dạy dỗ quần chúng là phải biết ơn đảng. Tôi nói thẳng rằng hành động như thế vừa đểu cáng vừa vô ơn bạc nghĩa và tự cao tự đại. Những kẻ như thế không xứng đáng để lãnh đạo dân tộc.”

Phát biểu tại Đại Hội Nhà Văn thì bà nói thế, nhưng có bao giờ bà bốp chát kiểu như thế với giới lãnh đạo chóp bu của chế độ, Dương Thu Hương cười nửa miệng, nói, “tôi sợ gì chúng nó, tôi từng chửi ‘ỉa vào mặt đảng’”.

Quay lại câu tôi hỏi tại sao bà bị chửi là “con đĩ chống đảng,” Dương Thu Hương (hể hả cười) kể, “năm 1998, trong một hội nghị của trí thức Hà Nội, tôi có đọc bài diễn văn với tựa đề là Nhân Cách Trí Thức. Tại hội nghị đó, ông Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư đảng cộng sản lúc bấy giờ) tỏ ra vô cùng đắc ý với nội dung bài diễn văn của tôi. Ông ta đã ôm tôi thắm thiết và xin bài diễn văn của tôi. Sau đó, vào giờ giải lao, người thư ký của ông ta tìm tôi và chuyển đề nghị của ông Linh muốn tặng tôi một căn nhà tiêu chuẩn dành cho cấp bộ trưởng. Người thư ký này còn đề nghị tôi tạm im lặng để cho đảng tự cải sửa. Tôi trả lời rằng, tất cả những việc tôi làm là vì dân tộc chứ không phải vì bản thân tôi; và tôi không giàu có nhưng cũng có một căn nhà đủ để ở. Tôi còn nói với ông thư ký của ông Linh rằng, hiện giờ đang có hai vạn giáo viên tiểu học ở Hà Nội không có nhà để ở, cho nên nếu nhà nước có ý định thì nên phân phối nhà cho hai vạn người đó.”

Có bao giờ bà mặt đối mặt với ông Nguyễn Văn Linh, tôi hỏi? “Có một lần ông Linh muốn gặp tôi, nhưng tôi từ chối. Tôi còn nhớ, Nhà thơ Giang Nam lúc đó còn sống, chuyển lời của ông Nguyễn Văn Linh mời tôi ăn cơm với vợ chồng ông Linh và cô con gái của ông Linh. Giang Nam còn bảo là ông Linh nói rằng, dù sao chăng nữa thì tôi cũng là người mà nhà nước này yêu mến vì tôi đã tình nguyện chống Mỹ và chống Tàu, và đó là điều chứng minh tôi là người hết sức hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Tôi trả lời thẳng thừng rằng, tôi đã đấu tranh cho tự do dân chủ, tôi chỉ ngồi trên cỏ thôi, nên tôi không chơi với vua quan.

“Tôi nghĩ rằng những lời phát biểu đó của tôi khiến ông Linh phật lòng. Về phương diện cá nhân thì hẳn là ông ấy phải phật lòng, và sau đó thì ông ấy bị sức ép của cánh bảo thủ, nên ông ấy quay ngoắt lại và ông ta đánh vào các nhà văn mà ông ấy từng khuyến khích họ đừng uốn cong ngòi bút. Với cá nhân tôi thì ông ta mắng tôi là ‘con đĩ chống đảng’. Lúc đó tôi nói với một ông trong ban tổ chức đảng rằng, nếu tôi là đĩ thì may cho cái đảng này; nhưng vì tôi không đánh đĩ được cho nên tất cả mọi năng lực của tôi đều dồn vào việc ỉa vào mặt đảng. Họ đã chửi tôi như vậy thì từ giờ trở đi mọi sự đều rõ ràng, không còn con đường thứ ba nữa. Nghĩa là tôi dấn thân đến cùng trong mục tiêu đấu tranh cho dân chủ.

Nhân Dương Thu Hương kể việc Nguyễn Văn Linh muốn tặng bà căn nhà, kẻ viết bài này lại nhớ câu nói để đời của Thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ bất hủ “Màu Tím Hoa Sim”.

Theo lời Thi sĩ Hà Thượng Nhân kể với kẻ viết bài này, ông Hữu Loan vào Sài Gòn sau 1975 thăm người bạn cũ Hà Thượng Nhân và kể cho người bạn xưng hô “mày tao chi tớ” từ thuở thiếu thời với mình, rằng đảng Cộng Sản muốn tặng ông căn nhà để ông đừng chống đảng nữa, ông trả lời, “tôi không có thì giờ làm nhà vì đang bận làm người”. Hữu Loan còn khẳng định thái độ sống của ông, “cả đời là thanh gỗ vuông chành chạnh, cương quyết không để người ta đẽo tròn lăn đi đâu thì lăn.”

Tác giả “Màu Tím Hoa Sim” đã phải trả giá cho cách sống như “cây tùng trước bão” của mình: Bị chế độ bỏ tù, sau đó bị giam lỏng tại nhà ở Nga Sơn, Thanh Hóa và kiếm sống bằng những chuyến xe kĩu kịt đá và những mớ bánh chui nhủi của vợ.

Dương Thu Hương, những lời đanh thép đánh thẳng vào đảng như thế khiến bà bị bắt vào Tháng Tư năm 1991 và được thả khỏi nhà tù nhỏ ngày 20 tháng 11 cùng năm.
**

Phải chăng Dương Thu Hương cắt máu tình nguyện vào Nam “đánh Mỹ” vì muốn phục vụ đảng Cộng Sản, tôi hỏi câu đó và bị tác giả “Khải Hoàn Môn” đáp trả bằng giọng khinh bạc, rằng “ông Thái lầm rồi,” bà nói, “năm 1968 tôi vào tiền tuyến là vì tôi tuân thủ truyền thống cứu nước của dân tộc Việt Nam chứ không phải vì đảng cộng sản. Tôi còn nhớ lúc xảy ra chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, ngay trước cửa nhà tôi là một người bị chết treo, và lúc 8 tuổi, tôi đã phải đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến các cuộc đấu tố địa chủ. Sau lưng nhà tôi, ngay đường xe hỏa, một người khác bị vu là địa chủ nên tự tử bằng cách đặt cổ vào đường ray cho xe lửa cán chết. Thật khủng khiếp. Lúc 8 tuổi, buổi sáng khi đi tưới rau, tôi thấy cảnh những người chết như thế và điều đó làm tôi vô cùng khủng khiếp. Cho nên tôi nhắc lại, tôi chiến đấu hoàn toàn không vì cái đảng gây ra cuộc cải cách ruộng đất thấm đẫm máu người dân như thế”.

Chuyến thăm Dương Thu Hương năm 2005, tôi có nhiều thì giờ mặt đối mặt trò chuyện với bà, nhất là nói về những vấn đề liên quan đến con người và đất nước Việt Nam.

Về những năm tháng bị cuốn vào cuộc tàn sát, Dương Thu Hương cho biết, “đến tận bây giờ, cuộc chiến vẫn ám ảnh tôi. Lúc tôi tình nguyện vào Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng 120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa. Tôi thì bị bom làm điếc tai bên phải; người còn lại là cậu Lương thì bị cụt một tay và trở nên ngớ ngẩn. Tất cả những bạn khác của tôi không ai sống sót. Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng vì vậy không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được tung tích.”

Đang nói chuyện, nhiều lúc, Dương Thu Hương trôi vào im lặng, tôi có cảm tưởng những bóng ma của cuộc chiến đang quay về ám ảnh bà.

Dương Thu Hương nhắc đi nhắc lại nhiều lần ước mong về một bàn thờ chung cho những người của cả hai miền đã nằm xuống. Bà nói, bất cứ lúc nào bà thắp hương trên bàn thờ Phật, bà cũng khấn nguyện cho vong linh của Bộ Đội miền Bắc và Quân Nhân miền Nam, vì “đó là những người con chung của Tổ Quốc.”

Tôi nói với bà về suy nghĩ của tôi đối với những nỗi oan nghiệt của cuộc chiến. Theo tôi, chỉ một thiểu số của dân tộc là đã tự nguyện đứng dưới lá cờ của Đảng Cộng Sản, còn đa số đồng bào hai miền không ai muốn lao vào cuộc chiến khốc liệt đó. Đồng bào miền Nam thì buộc phải chống lại và chặn đứng tham vọng của giới lãnh đạo Hà Nội muốn biến miền Nam thành một xã hội trại lính kiểu miền Bắc. Còn ruột thịt bên kia vĩ tuyến 17 thì vì bị bưng bứt thông tin, bị tuyên truyền nhồi sọ nên (như Dương Thu Hương) cắt máu ăn thề, quyết “giải phóng miền Nam.”

Nghịch lý và oan khiên là, tôi nói với bà, nếu Dương Thu Hương sinh trong Nam và di cư như tôi, thì Dương Thu Hương đã đứng trong hàng ngũ quân dân miền Nam bảo vệ vùng đất tự do non trẻ này. Và ngược lại, nếu gia đình tôi không chạy thoát năm 1954 và may mắn sống sót ngày tàn cuộc chiến thì tôi cũng là một bộ đội trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn Tháng Tư 1975.
**

Vì bị điếc nặng nên Dương Thu Hương phải nói rất to thì mới nghe được giọng mình. Đi cạnh bà trên đường phố Paris, bà nói như quát khiến nhiều người chung quanh nhìn bà khó chịu. 
 
Ngồi tại một quán cà phê gần Tháp Eiffel, bà nói, mắt long lên sòng sọc: “Chế độ hiện nay chỉ sống bằng xác chết thôi. Nó không có giá trị gì trong thời đại này cả. Những người lãnh đạo chế độ hoàn toàn vô năng và tham nhũng.”

Miên man câu chuyện, tôi hỏi Dương Thu Hương, bà tự nhận là “kẻ làm giặc” ngay trong lòng chế độ, vậy các con bà thiệt thòi ra sao?

“Tôi đã nói rất rõ với các con tôi, rằng con đường ‘làm giặc’ là phải chịu tất cả mọi khổ đau; cho nên tất cả mọi người trong gia đình, nghĩa là bố tôi, mẹ tôi, anh em tôi và con cái, nếu ai muốn thì tôi sẵn sàng viết giấy với tòa án là không có quan hệ với tôi nữa để tránh cho họ khỏi bị di lụy. Còn nếu những người muốn tiếp tục đứng với tôi thì phải chấp nhận khổ đau, thua thiệt và không bao giờ được nói với tôi một lời can thiệp vào việc tôi làm. Bởi vì tôi biết chắc chắn cộng sản sẽ dùng những người thân thuộc để gây sức ép. Nhiều trường hợp đã xảy ra đối với những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Vợ con, anh em của họ bị công an áp lực phải khuyên can họ không được đấu tranh nên một số người đành bỏ cuộc. Bản thân tôi đã lường trước điều đó nên tôi tuyên bố sòng phẳng rằng, cả tuổi xuân của tôi, tôi đã hy sinh để nuôi con rồi, nên bây giờ tôi an tâm lao vào cuộc chiến chống lại bọn cường quyền. Tôi bảo các con tôi có thể về sống với bố của chúng hay với một người mẹ khác. Còn nếu chọn sống với tôi thì phải chấp nhận khổ đau, vì chắc chắn chúng sẽ không có chỗ đứng trong chế độ này. Hai con tôi đứa nào cũng hai bằng đại học nhưng vẫn không có việc làm. Con trai lớn của tôi phải sống bằng tất cả mọi việc, từ bồi bàn cho đến gác cổng….và bây giờ đi quay phim thuê cho một hãng tư. Cháu gái thì bán sơn.”

Tôi gặp cô con gái lớn của Dương Thu Hương khi cháu thăm mẹ ở Paris; hỏi, các cháu có ủng hộ lý tưởng của mẹ không, cô con nói, giọng cũng mang hơi hướng “người rừng” giống mẹ: “Thôi chú đừng nhắc chuyện điên khùng ấy làm gì.”

Còn Dương Thu Hương nói, “đối với chúng nó, tôi là một người điên. Nhưng dầu sao chăng nữa thì cũng là tình mẹ con, nhất là tôi đã giao hẹn là nếu chấp nhận tôi thì không được can ngăn việc tôi làm, nếu can thiệp thì tôi sẽ cắt đứt ngay tức khắc, thành ra chúng nó đành chấp nhận thôi.”

“Thế còn tình cảm đôi lứa, gia đình của bà?”

Cười, thoáng chút buồn: “Tôi là người hoàn toàn thất bại và bất hạnh trong cuộc sống đôi lứa. Nhưng tôi cũng tự cảm thấy hạnh phúc vì tôi đã tự tiêu diệt tuổi thanh xuân để nuôi con tôi trưởng thành. Con cái tôi không phải bương chải ngoài đường. Trong khi bố nó có thể đi kiếm vài ba người vợ khác. Tôi không cần một xu của ông ta để nuôi con, dù tôi ‘làm giặc’ và chịu nhiều hậu quả. Đấy là điều hạnh phúc. Nếu không tôi sẽ bị lương tâm cắn rứt. Tôi còn một hạnh phúc nữa là tôi đã trả được tất cả những món nợ cho những người bạn tôi đã chết trong chiến tranh. Ít nhất là bằng tác phẩm và những bài viết để vạch trần tội ác của một cuộc chiến phi lý. Tôi cảm thấy hạnh phúc trong sự bất hạnh của mình. Tôi nghĩ rằng số phận đã chọn tôi để trở thành một con người như vậy.”

“Tiêu phí tuổi trẻ trong chiến tranh để rồi sau đó bị chế độ đầy đọa vì ‘làm giặc’, bản thân thì không ai dám giao tiếp vì sợ liên lụy; có bao giờ bà chùn bước và muốn buông xuôi?”

Cười mũi: “Nếu mà tôi chùn bước, buông xuôi thì tôi đã chùn bước, buông xuôi từ lâu rồi.”

“Bà tin vào nhân quả?” “Tôi hoàn toàn tin vào thuyết nhân quả. Tôi hoàn toàn tin vào kiếp sau. Tôi vẫn dạy con tôi phải sống cho có trước có sau. Nhiều người muốn tôi phải thế này phải thế khác. Tôi trả lời rằng tôi không phải gì cả. Tôi chỉ phải sống đúng với những nguyên tắc đạo đức mà gia đình tôi đã dạy tôi và những nguyên tắc mà tôi học được ở đạo Phật. Các con tôi cũng phải theo những nguyên tắc đạo đức đó. Bất luận chúng nó là thường dân hay người lỗi lạc, tôi đối xử như nhau. Tôi không yêu cầu con cái tôi phải trở thành bác sĩ, tiến sĩ…Tôi không yêu cầu như thế. Tôi chỉ duy nhất yêu cầu các con tôi sống tử tế; và đối với tôi đạo đức là cốt lõi.”

Căn hộ Dương Thu Hương có bàn thờ Phật Thích Ca. Có lần bà nói, đạo Phật giúp bà định được tâm mình; rồi bà đùa, “anh Phật quả là đẹp giai thật.” Trò chuyện nhiều với bà thì biết, vẫn không bỏ được cái lối tếu táo “người rừng” chứ thực tâm hết mực thờ kính Đức Thế Tôn.

Dương Thu Hương có nguyên tắc sống đạo đức rạch ròi, không khoan nhượng. Thăm bà ở Paris, xin phép biếu bà chút quà, bà quát lên bảo, không nhận bất cứ vật chất nào của bất cứ ai.

Những bữa cơm tiệm ở Paris, bà giành trả tiền và nói như ra lệnh, “tôi cấm chú trả tiền.”

Đành bó tay chịu thua “mụ nhà quê mắt toét,” cách tôi vẫn gọi chị Hương mỗi khi điện thoại thăm hỏi.

Bốp chát, bỗ bã, không khoan nhượng là Dương Thu Hương.

Đạo đức cốt lõi cũng là Dương Thu Hương.

Bây giờ “Con Sói Đơn Độc” đã bước vào tuổi 70, vậy mà ngọn lửa đấu tranh cho một tương lai Việt Nam tươi sáng vẫn ngùn ngụt cháy trong tim.

Hôm 10 tháng Sáu, 2018, đồng bào trong nước biểu tình khắp nơi chống Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế mà Quốc Hội Hà Nội sắp đưa ra biểu quyết cho phép “quốc gia cùng biên giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam” thuê mướn thời hạn 99 năm, Dương Thu Hương viết lá thư ngắn gửi tôi, nguyên văn:

“Từ năm 1986, khi lập nhóm đấu tranh ‘Vì Nước Việt’, tôi chủ động cắt đứt mọi sợi dây liên lạc với mọi người, kể cả những người chung huyết mạch. Vì nhiều lý do. Nhưng không hiểu vì sao tôi lại chấp nhận giao du với chú, tự tôi cũng không hiểu.

Năm 2005, chú sang đây, nhất quyết đòi đến nhà phỏng vấn, tôi đành chấp nhận dẫu rằng trên nguyên tắc, các cuộc phỏng vấn tôi đều phải thực hiện ở các quán cà phê. Công việc xong, chú ngẩng đầu nhìn bàn thờ nhà tôi.

Thấy mắt chú chăm chăm vào pho tượng Phật, tôi bảo tôi đã thờ bức tượng hơn 6 năm và nay Phật đã nhập tâm tôi rồi.  Âu cũng là duyên, nếu chú thích thì tôi tặng chú.

Thế là chú chắp tay vái rồi ôm pho tượng xuống.

Chú đi rồi, tôi chợt nghĩ: Phải chăng ta chấp nhận giao du với con người này vì ở một kiếp xa xôi nào đó cậu ta đã từng là đồng tu dưới cùng một mái chùa.

Bây giờ, tôi là người viết văn và tôi đứng bên ngoài mọi tôn giáo, tôi coi Như Lai như một hiền triết, anh minh và từ huệ, không có tính cách như các vị sáng lập tôn giáo khác.

Ngày 10 tháng Sáu vừa rồi, khi có người nhắn tin cho tôi, tôi gửi lại một lời nhắn:

“Tôi đã chờ ngày này từ hơn 30 năm qua.”

Đinh Quang Anh Thái
(Nguồn: Bau-xít Việt Nam, tháng Hai, 2018)

* “Bên Thắng Cuộc” là tựa một cuốn sách của nhà báo Huy Đức.

26 April 2023

Cười Ra Nước Mắt Với Bức Thư Ông Tây Viết Về Giao Thông Hà Nội

Tác giả không phải chỉ viết về giao thông ở Hà Nội, mà về rất nhiều khía cạnh khác của một nơi đã từng được nhiều văn nhân thi sĩ gọi là "Đất Nghìn Năm Văn Vật", là "Thủ Đô Văn Hoá" của một nước. Với văn phong dí dỏm, tác giả lột tả nếp sống nhiều khi đảo ngược với quá khứ, với truyền thống của dân tộc. Người Hà Nội hôm nay khi cần thưởng thức món ngon ở đây có thể bất chấp danh dự, thật khác xa với câu ca dao "Tiếng chào cao hơn mâm cỗ" thuở xưa. Dưới ngòi bút trôi chảy tác giả còn vẽ ra chính xác nhiều nét tâm lý nổi bật của người dân Hà Nội như rất thích ra "oai" hay nói theo ngôn ngữ miền Nam, thích "le lói". Tuy nhiên tác giả không hề tỏ ra nghiêm khắc, rất bao dung, cái bao dung của một người đang đứng giữa một công viên quốc gia với con mắt bàng quan thích thú khi bắt gặp  những hình ảnh chưa hề thấy ở đâu trên trái đất này. Người dân Việt, khi đọc những dòng cảm nghĩ như thế của một người nước ngoài khi thăm đất nước mình, không thể cười được, mà cũng không khóc được, có chăng một nỗi buồn pha chút căm giận từ từ dâng lên. (TTR)

**
Em thân yêu!

Anh tới Hà Nội đã được hai tuần rồi. Chắc em cũng biết, hai tuần trong đời một con người không đáng là bao, nhưng em cứ tin rằng hai tuần ở đây mang lại cho anh nhiều cảm xúc hơn hai mươi năm ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Thế giới của chúng ta rộng lớn và kỳ lạ, và Hà Nội có cả hai đặc tính đó, đã vậy còn kỳ lạ và rộng lớn một cách vẻ vang.

Đấy là một thành phố không lớn lắm em ạ, nhưng rõ ràng ai sống ở đấy cũng tự hào. Sự tự hào này có nhiều cách diễn đạt, ví dụ như có rất nhiều món ăn kiêu hãnh mang tên Phở Hà Nội, ô mai Hà Nội, bánh Trung Thu Hà Nội… Nhưng chủ yếu người đi đường thích nói mình là người Hà Nội. Có lẽ đấy là thành phố duy nhất có người trí thức, người nông dân, người nhập cư, người vãng lai và người Hà Nội.

Thành phố này có một khi hậu tuyệt vời, không nóng và không lạnh, không quá nắng và cũng không quá mưa. Và có sự âm thầm rất khó tả. Nếu nửa đêm, em có dịp đi bộ trên vỉa hè, nghe rõ từng tiếng bước chân mình và nghe lá cây trên đầu xào xạc, mùi hoa sữa (rất giống sữa tươi!) bay bay, cam đoan em sẽ có một cảm giác lâng lâng đến nghẹn ngào.

Kiến trúc ở đây có cổ kính, có hiện đại, có nửa cổ kính, nửa hiện đại, thậm chí có cả sự pha trộn cực kỳ phong phú ví dụ như cái cột thì cổ kính còn cái mái thì hiện đại. Điều ấy rõ nhất ở những vùng mới xây dựng ven đê. Đến nỗi anh vô cùng hối tiếc khi ngày xưa mình đã mất tiền đến Hy lạp và đến La mã để xem các công trình. Chỉ cần đến Quảng Bá là thấy tất cả.

Anh hay lang thang một cách hào hứng trên những con phố cổ ở trung tâm. Lang thang bằng đôi chân của mình vì đấy khéo là cách tốt nhất để nhẩy, để chạy, để nhón gót hoặc để luồn lách qua đủ các thứ xe cộ, quang gánh, hàng quán la liệt, phong phú, rực rỡ, lộn xộn, lơ lửng ở tứ phía.

Em sẽ không khi nào tưởng tượng nổi người ta có thể chất nhiều thứ đến thế và trưng bày nhiều thứ đến thế trên một vỉa hè nhỏ hẹp đến thế. Nếu anh là chủ một con tàu vượt đại dương, anh thề sẽ mời một người dân Hàng Ngang hay Hàng Đào làm thuyền trưởng vì ông ta có thể xếp một triệu khách lên một con tàu có sức chở một trăm người.

Tuy đi lại vất vả như thế, anh không khi nào thấy mệt em yêu ạ, vì chỉ cần di chuyển vài mét là anh có thể ngồi xuống, nghỉ ngơi ở một quán nước trà trên vỉa hè. Ai cũng tưởng trà đạo của Nhật là vô địch. Họ nhầm. Trà chén ở Hà Nội đúng mới là một tôn giáo thực sự.

Từ thanh niên đến ông già, từ ông xích lô đến ngài tiến sĩ đều có thể cầm cái chén bé xíu trong tay, ngồi cả ngày và uống kiên nhẫn từng giọt trà một (bởi nếu không uống từng giọt thì chả có cách nào ngồi lâu tới vậy!). Khi ngồi xuống đấy, qua các câu chuyện khách khứa trao đổi với nhau, anh cũng biết được toàn bộ tình hình Trung Đông, giá vàng, giá đô la, ai sắp làm tổng thống Mỹ và ai sắp trở thành hoa hậu. Rõ ràng đấy không phải là một quán nước thông thường, mà là những trạm phát thanh, do những người thành thạo, có tâm huyết đảm nhiệm một cách tình nguyện. Thậm chí, anh còn tin rằng, nếu em phản bội anh, đi với kẻ khác tại Paris, thì chỉ cần ngồi ở một quán nước vỉa hè anh cũng biết, vì chỗ này có đủ mọi tin tức trên đời, đã thế còn lan truyền cực nhanh.

Nếu không đi bộ thì anh đi xe. Thành phố này người ta dùng xe máy để đi và xe hơi để khoe, vì đi xe hơi có thể chậm hơn đi xe máy rất nhiều nhưng nhiều người vẫn mua với mục đích ra “oai”.

Anh không nhớ “oai” dịch ra tiếng Anh như thế nào nhưng ở tiếng Việt, từ ấy rất quan trọng. Tuy “oai” không phải thức ăn, không phải nước uống, càng không phải quần áo nhưng nhiều người thà không ăn, thà không uống, thà không mặc quần áo chứ cương quyết không “oai”. Họ có khả năng dành dụm, tích cóp, phung phí bất tận cho “oai” chứ không cho bất cứ gì khác.

Đi xe máy ở Hà Nội, theo anh, quan trọng nhất không phải cần biết luật giao thông, mà chỉ cần biết bấm còi và không giật mình khi nghe đứa khác bấm còi. Ngày đêm, tiếng còi xe vang vang trên từng góc phố, từng hàng cây, từng con đường, trở thành một bản nhạc hùng vĩ, bất tận. Anh có cảm giác bây giờ mà hạ cánh xuống Paris không nghe tiếng còi nữa, anh sẽ nghĩ đấy là một thành phố ma. Cũng như tất cả các thành phố hiện đại khác, ở Hà Nội có kẹt xe, và cũng như tất cả người dân khác, khi kẹt xe người ta phải nhăn nhó. Nhưng với tính sáng tạo bẩm sinh và khả năng nhanh nhẹn cao độ, dân Hà Nội lúc kẹt xe không ngồi im đọc sách hoặc cầu nguyện.

Họ phi lên vỉa hè, phi vào các ngỏ nhỏ và nếu có thể "phi" lên cả ngọn cây. Ai cũng phi và ai cũng tìm cách lách nhanh hơn người khác cho nên sự kẹt xe thường được tự giải quyết rất gọn gàng. Anh đặc biệt thích những lúc trời mưa, khi mà ngồi trên xe máy nước ngập ngang đùi, thỉnh thoảng có cảm giác một chú cá chạm vào chân, chưa khi nào ở trong thành phố mà anh gần thiên nhiên đến thế. Đã xuất hiện những tin đồn khi phố thành sông, có nhiều người đi làm về chỉ cần rũ ống quần là có nửa ký cá rơi ra, không cần mua ở chợ. Những người may mắn còn vớ được cả lươn. Còn ếch nhái thì nhiều vô kể. Nhưng ếch nhái thì tính làm gì?

Kỷ niệm sâu sắc nhất khi ở đây có thể xảy ra rất hồn nhiên, rất bất thình lình và rất đời thường lúc ta đến các tiệm ăn. Hà Nội có rất nhiều tiệm ăn, và có nhiều món ngon khủng khiếp, được chế biến cầu kỳ, truyền từ đời nọ sang đời kia.

Nếu như ở châu Âu, tới tiệm ăn phải đặt chỗ trước thì ở Hà Nội chỉ cần phải chuẩn bị tinh thần. Ở các tiệm ăn này, tiền bạc không là gì cả, chỗ ngồi không là gì cả, khách khứa cũng không là gì cả mà bà bán hàng là tất cả. Bà ấy có thể tươi cười (điều này khá hiếm) bà ấy có thể hầm hầm và mắng mỏ xa xả (điều này khá thường xuyên). Khách ăn không hề tự ái, và cũng không được tự ái bởi không ăn thì “biến” để đứa khác ăn.

Nhân tiện nói thêm "biến" là một từ rất phổ biến ở đây. Ta có thể bị kẻ khác hô “biến” ở bất cứ chỗ nào, kể cả lúc chia tay với người yêu. Nhưng chắc em cũng hiểu, phần lớn anh không biến vì anh đâu phải là thần thánh, anh chỉ đứng sững sờ.

Tất cả những chi tiết ấy chỉ chứng tỏ ẩm thực Hà Nội cực kỳ tinh tế và ngon miệng. Nó tinh tế đến mức để thưởng thức nó, khách hàng sẵn sàng hy sinh tiền bạc, thời gian, sức lực và đôi lúc cả danh dự của mình. Những món ăn này đã vượt lên trên những giá trị thông thường, trở thành thiêng liêng đến mức mọi thứ khác đứng cạnh đều trở nên tầm thường.

Nếu ở Paris, sau khi dùng bữa, hai đứa mình gọi hai cốc cà phê thì ở Hà Nội, hai đứa có thể ra “trà chanh chém gió”. Điều phi thường là thứ nước ấy chả có trà cũng chả có chanh. Nó có gì thì quỷ sứ cũng không biết nhưng ai uống cũng vung tay chém vào không khí trên vỉa hè khiến muỗi bay tán loạn. Ở các quán trà chanh này nếu anh có bảo mình là Tổng thống Pháp chắc cũng có người tin và nếu không tin cũng chả ai cười, vì ở đây mọi người đều có chức vụ cao hoặc quen với ai đó chức vụ cao.

Nói tóm lại, sau một ngày đi bộ, đi xe, ăn uống và chém gió, anh đã cảm thấy nhịp sống trẻ trung, say sưa, đầy sôi động của Hà Nội. Và anh nghĩ mình rất khó xa nơi đây, mình yêu nó từ lúc nào như yêu một cô gái dễ thương, vừa đỏng đảnh, vừa ngây thơ vừa phá phách, vừa nhí nhảnh vừa cau có, quyến rũ vô cùng.

Anh hy vọng em bỏ hết mọi thứ, bay sang đây với anh, và hai đứa sẽ nắm tay nhau đi dưới hàng cây, để hoa sấu (tên một loại hoa sinh ra quả vừa ngọt vừa chua) rơi lên tóc.

Anh của em

Pie Pie
Nguồn: nguoiduatin.vn

25 April 2023

Bạn Hiền Ơi Cho Hỏi, thơ

Dạo:
       Hỏi người, hỏi để mà chơi,
Biết rằng cũng chỉ phí lời toi công. 
 **
 
    Bạn Hiền Ơi Cho Hỏi
         (Viết thay một người để gửi cho
       một người giờ đã không còn là bạn)
 
Hỡi bạn hiền còn ở lại quê hương,
Vì xưa quyết không lên đường tỵ nạn.
Và vì chẳng biết gì về Cộng sản,
Nên mơ màng tính toán chuyện trời trăng.
 
Bạn nghĩ rằng chúng sẽ trọng tài năng,
Nên tin tưởng với mảnh bằng nho nhỏ,
Nhờ du học trước kia mà bạn có,
Chúng ắt mau đem thảm đỏ đến mời!
 
Này bạn ơi, đã bốn tám năm rồi,
Tháng Tư đến, nơi góc trời tỵ nạn,
Tôi chợt thấy lòng bồi hồi vô hạn,
Chẳng đặng đừng đành hỏi bạn ít câu.
 
Tôi đã nghe hàng vạn chuyện buồn đau
Đổ ập xuống trên đầu người dân Việt.
Ý kiến bạn thế nào, tôi muốn biết,
Thử xem mình có khác biệt gì nhau.
*

Nghe nói rằng, chinh chiến hết đã lâu,
Mà đất nước vẫn chìm sâu đáy vực,
Và dân chúng vẫn đêm ngày khổ cực,
Không nhân quyền, không được chút tự do.
 
Nghe nói rằng, dân chẳng lúc nào no,
Phập phồng sống trong buồn lo, sợ hãi,
Quằn quại giữa một nhà tù vĩ đại,
Trên quê mình mà phải chịu lưu vong.
 
Nghe nói rằng, lãnh thổ của cha ông,
Cùng các đảo biển Đông dần bị cắt,
Và đất mẹ đã rơi vào tay giặc,
Thêm một lần mất nước thật xót xa.
 
Nghe nói rằng, Vẹm đã huỵch toẹt ra,
Bảo đánh Mỹ là cho Nga cho Chệt.
Cùng lúc chúng xua dân vào chỗ chết,
Chỉ vì thờ một chủ thuyết phi nhân.
 
Nghe nói rằng, có hàng vạn nông dân,
Bị bọn cướp, hiện thân là cán bộ,
Chiếm trọn hết đất đai cùng chốn ở,
Uất ức mà không có chỗ kêu oan.
 
Nghe nói rằng, bọn lãnh đạo gian ngoan,
Lúc mở miệng chỉ toàn chê "Mỹ Ngụy",
Nhưng lén lút đem tiền muôn bạc tỷ,
Giao người thân thồn qua Mỹ cất đi.
 
Nghe nói rằng, xã hội đã suy vi,
Cả nước chẳng biết chi là đạo đức.
Trò gian dối lọc lừa là mẫu mực,
Người thiện lương đích thực được mấy ai.
 
Nghe nói rằng, chuyện giới trẻ phá thai
Là "chuyện nhỏ", chẳng ai thèm thắc mắc,
Trai gái sống luông tuồng sao cũng mặc,
Thầy bà nay chỉ nhắm mắt lo tiền.
 
Nghe nói rằng, có đám nữ tiếp viên,
Cậy quyền thế, điềm nhiên buôn ma túy.
Nếu lỡ bị bắt mở tung hành lý,
Có "dù" to, chẳng phiền lụy mảy may.
 
Nghe nói rằng, dân mình "giỏi quá tay",
Vượt qua hẳn dân Tây cùng dân Mỹ.
Khắp xó xỉnh toàn "Giáo sư", "Tiến sĩ",
Dù học hành chắc chỉ đến lớp ba!
 
Nghe nói rằng, chẳng ít đứa lâu la,
Chức vị nhỏ, nhưng gia tài có được
Nhờ ăn cướp, nên giàu sang tột bực,
Hơn những ai thuở trước đã cầm quyền. 
 
Nghe nói rằng, những kẻ đã vượt biên,
Nay nhờ có một tí tiền "làm phúc",
Nên áo gấm về quê nhà lúc nhúc,
Được "tấn phong" thành "khúc ruột" ngàn xa.
*

Bạn hiền ơi, những chuyện tạm nêu ra,
Ai cũng biết, dù cách xa vạn dặm.
Chỉ mong bạn bỏ vài giây nghiền ngẫm,
Đừng rủa thầm tôi lẩm cẩm nói nhăng.
 
Sau bảy lăm, tôi nghe kể lại rằng,
Bạn thất nghiệp, ôm mảnh bằng ngồi khóc.
Nhờ vợ mới, thuộc gia đình Vẹm gộc,
Bạn thót lên bàn độc, sống thảnh thơi.
 
Tôi biết thừa, nên hỏi để mà chơi,
Sẽ chẳng có câu trả lời chân thật.
Cùng được biết, kể từ ngày bạn phất,
Bạn cố tình lánh mặt, chẳng gặp ai.
 
Thôi thế thì chiến tuyến đã chia hai,
Tôi và bạn đành đông đoài cách biệt,
Chỉ mong bạn, dù vui chơi mài miệt,
Đừng bao giờ quên nước Việt mình xưa.
 
Thêm lần nữa Tháng Tư,
Ai người vẫn hững hờ trên đất khổ!

               Trần Văn Lương
     Cali, Mùa Quốc Hận, 4/2023

21 April 2023

Chuẩn Bị Đi Tù, . . . chuyện hư hư thực thực

Sau khi nghe toà tuyên án, Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến, tư lệnh quân chủng Hải Quân, lái xe về nhà để chuẩn bị đồ đạc đi tù.

Vừa vào đến nhà, bà vợ hỏi :

- Mấy cuốn ?

Hiến trả lời :

- Bốn.

Bà vợ bảo :

- Thế là may rồi, tôi chỉ sợ mang tiếng có thằng chồng chết rũ tù.

Hiến cáu :

- Cái lúc tôi đưa tiền cho bà, bà có nói thế không ?

Vợ Hiến bảo :

- Chuyện. Ăn thì phải khéo chứ. Bao nhiêu thằng ăn mà có bị làm sao đâu.

Hiến gằn giọng :

- Chúng nó chưa bị moi ra đấy thôi. Moi ra thì từ thằng chủ tịch nước trở xuống, thằng nào cũng đáng đi tù hơn tôi.

Uống vội một hớp nước, Hiến dịu giọng :

-Thế bây giờ bà có sửa soạn đồ cho tôi đi tù hay không ?

Vợ Hiến đi vào nhà trong lấy ra một cái va ly kéo hiệu Samsonite mua từ bên Anh. Hiến bảo :

- Đi tù chứ có phải đi du lịch đâu mà kéo cái này. Vào trong trại giam chúng nó cười cho, kiếm cái va ly nào cũ cũ ấy.

Vợ Hiến bảo :

- Nhà làm gì có đồ cũ, đứa nào cười thì vả vào mặt nó chứ.

Hiến bâng khuâng :

- Tôi có còn là đô đốc nữa đâu, bây giờ tôi là thằng tù hình sự có án. Ở trong đó toàn đại bàng với đầu gấu, đang lo không biết có bị đứa nào vả vào mặt không đây.

Hai vợ chồng đang ngồi loay hoay thu xếp ít quần áo và một đống thuốc trị bệnh Trĩ của Hiến cho vào va ly thì có khách đến. Khách là một người bạn thân của Hiến từ thời còn học trung học. Đánh trận ở biên giới phía bắc bị mảnh pháo vạt đi một mảng đầu, phục viên về cứ sống khẳng khái, không được kết nạp đảng dù thuộc diện đối tượng lâu năm. Sống chật vật với nghề nấu rượu lậu nhưng coi trời bằng vung. Được cái chơi với bạn bè rất tốt, thuỷ chung.

Vừa bước vào nhà, cái miệng người bạn đã oang oang :

- Thằng Hiến, mày giỏi. Mày không khóc ở toà là tao khoái rồi. Tao chỉ lo mày lại giống như mấy thằng khốn nạn kia, ở ngoài vênh váo, thượng đội hạ đạp, ăn cho nứt bụng, lúc đứng trước vành móng ngựa thì khóc như con nít. Một điều hai điều xin lỗi bác Trọng vung vít, cứ làm như chúng nó tham nhũng tiền túi của bác Trọng chứ không phải tiền thuế của nhân dân.

Hiến ngước nhìn bạn mình ngơ ngác :

- Khóc gì ? Đang mừng thấy mẹ đây. Lãnh 4 cuốn, ở tù cao lắm chừng 2 cuốn. Về tao cho vợ con qua Mỹ theo diện đầu tư hết. Chừng nữa triệu đô chứ bao nhiêu. Tao có đường dây rồi. Qua bên đó tao chống cộng cho mày coi. Bao nhiêu cái thối tha của tụi lãnh đạo tao sẽ khui ra cho bằng hết.

Người bạn nhìn chằm chằm vào mặt Hiến :

- Tụi mày hành xử như một lũ kẻ cướp với nhau. Mày cũng chẳng tốt lành gì. Đứng đầu quân chủng hải quân mà để giặc Tàu làm loạn ngoài Biển Đông. Sĩ quan cấp cao thì bận bịu bán đất quốc phòng chia nhau, mặc cho lính tráng phải ra ngồi chợ, bán từng bó rau để cải thiện bữa ăn.

Hiến hít một hơi dài, khuôn mặt xanh mét, mái tóc nhuộm chẻ bảy ba rịn những giọt mồ hôi :

- Chẳng làm gì được đâu. Chỗ bạn bè tao mới nói. Chúng nó bán hết biển đảo rồi. Mà bán sỉ chứ không bán lẻ nhá. Biết rõ được điều này nên hàng tướng lãnh bọn tao bây giờ thằng nào như thằng nấy, đếch thằng nào còn ôm lấy lý tưởng, chỉ chăm bẵm kiếm tiền lo cho bản thân thôi.

Người bạn nói :

- Tính cả mày thì giờ này cũng gần 2 chục tướng ngồi tù rồi. Thật không có quốc gia nào mà tướng lãnh đi tù nhiều như ở cái đất nước này. Nhưng chắc tụi mày vào đó cũng làm vua tù thôi....

Câu nói vô tình của người bạn đã chạm vào nỗi lo ngay ngáy thầm kín của Hiến. Hiến lắc đầu:

- Không đâu... Bà xã tao có đi hỏi thăm mấy người bạn có chồng đi tù, họ nói bây giờ tai to mặt lớn, bộ trưởng với lại tướng tá kéo nhau vào tù nhiều quá, không được phòng riêng nữa đâu. Con vợ của thằng tướng Hoá còn kể tù đại gia năm bảy người chung một phòng, cứ cãi nhau đánh nhau đến nỗi quản giáo phải cho mấy thằng tù nghèo vào ở chung để có người can. Bà ấy còn kể thằng bộ trưởng Trương Minh Tuấn 2 lần bị tù đại bàng đánh lén đến rách cả mắt về cái tội lúc còn là bộ trưởng viết sách dạy đạo đức, mang vào trại giam bắt chúng nó học, bây giờ chúng nó ghét.

Người bạn nghe vậy ái ngại nhìn bạn mình, Hiến né tránh cái nhìn ấy bằng cách cụp mắt xuống, chực khóc...

Đúng lúc ấy, gia đình đứa con gái ập tới. Cháu ngoại 8 tuổi của Hiến tung tăng nhảy lò cò vào nhà trước, thấy cảnh sắp xếp va ly liền reo lên:

- A ông ngoại chuẩn bị đồ đạc hành quân ra mặt trận đấy hả ông ?

Hiến không trả lời, cúi mặt xuống thấp hơn nữa, và từ bờ mi của Hiến, hai giọt nước mắt nhục nhã lăn nhanh xuống má.

2022-12-06

Loc Duong

10 April 2023

Cha Tôi Chết Không Cần Quan Tài

Đào Nam Hòa

Con ghi lại bài này thay cho nén hương lòng để thành tâm tưởng nhớ đến Bố Mẹ nhân ngày giỗ Bố lần thứ 8 và giỗ Mẹ lần thứ 7 (Đào Nam Hòa.)

Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ lúc nào, nhưng có lẽ ấn tượng nhất và rõ nét nhất mà hầu hết người dân miền Nam Việt Nam nhớ mãi là ngày 30/4/1975.

Khi miền Nam sụp đổ cũng là lúc bất ngờ tất cả nỗi thống khổ đày đọa ập xuống. Nhanh như một cơn cuồng phong thịnh nộ phá nát tan hoang. Mất tất cả!

Ngày 10/06/1975 tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Trước khi đi cái gọi là “học tập cải tạo” 10 ngày, dù với suy nghĩ chỉ là 10 ngày như lời thông báo, cha tôi cũng không có lấy mấy ngàn dằn túi. Ông bảo tôi (lúc đó 19 tuổi) đem 2 chỉ vàng cuối cùng còn lại của gia đình- là đôi bông tai của bà nội tôi để lại- ra tiệm vàng bán. Đó là kỷ vật quý nhất nhưng đành phải bán để mua ít lương thực cho ông mang đi. Hai chỉ vàng lúc ấy bán được 33 ngàn. Ông mua khoảng 2 ngàn đồng lương thực các thứ và dằn túi 1 ngàn. Còn lại 30 ngàn ông dặn ở nhà cố gắng 13 mẹ con dè xẻn ăn uống đợi Ông về.

Mười ngày trôi qua nhanh chóng- không ai trong số cải tạo trở về. Tôi nghĩ đây là một cú lừa mà đã và sẽ được lịch sử ghi lại kỹ hơn. Giá sinh hoạt tăng từng giờ. Buổi sáng 100 đồng 1 ổ bánh mỳ thì chiều đã lên 120. Sau 3 tuần thì 12 anh em tụi tôi và mẹ tôi không còn một đồng nào trong nhà. Chị tôi lớn nhất 21 tuổi còn đang đi học, và em út mới có 2 tuổi. Mười hai con tàu há mồm tuổi đang lớn nuốt bao nhiêu cho đủ! Cơm và thức ăn mỗi bữa mẹ tôi phải chia cho từng đứa. Vài hột cơm sót nơi đáy nồi cũng không yên. Chúng tôi đổ nước vào và cạo sạch không còn một hột. Còn hơn là gạo châu củi quế.

Mẹ tôi và vài đứa em phải đi xâm canh làm ruộng rau muống, một hình thức của kinh tế mới để giãn dân,. Không lên voi nhưng phải xuống chó, mẹ tôi và em tôi ngày ngày vào ruộng hái rau muống xong gánh bộ về tới chợ cách đó 6 cây số để bán. 

Buổi sáng khoảng 3 giờ khi trời còn mờ mịt hơi sương và giá lạnh, mẹ và em tôi thay nhau gánh bộ cho kịp phiên chợ sáng. 70 bó rau oằn trên vai người phụ nữ nhỏ bé cao 1,45 nặng chưa tới 40Kg. 6kg rau mới đổi được 1 kg gạo. Một tuần mới cắt được một lần chờ cho rau mọc. Những ngày còn lại là cấy rau, nhổ cỏ, trồng khoai mỳ… Sức ăn trước ngày 30/4/75 của gia đình tôi một bữa là 3 lít gạo, tức 1 tuần 42 lít, khoan nói chuyện thức ăn cá mắm gì hết. Nay 1 tuần chỉ còn 13 lít!

Bắt đầu tháng 7/1975 lần lượt đồ đạc trong nhà mọc cánh nhẹ nhàng, nhanh chóng, lả lướt, bay đi theo chân những kẻ buôn hàng. Từ cái quạt trần, tôn cống, hàng rào, tủ quần áo, đài radio, giường sắt, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay … đều giã từ để về với chủ mới. Hết sạch đồ thì mấy kẻ đi buôn bảo giở gạch bông, giở bớt tôn ngoài mái hiên, tôn trần nhà.. bán tiếp.

Bán cho đến khi căn nhà nhỏ bỗng trở nên rộng tênh vì chả còn thứ gì ngoại trừ vài cái nồi nấu bằng củi đen thui cũng đã sứt quai gãy gọng. Buổi tối trải chiếu ngủ dưới đất là xong với cái bụng lép kẹp và cơn đói hành hạ.

Không biết bao lần tôi phải ăn tưởng tượng trong đêm khuya bằng cách hình dung mấy món ăn tầm thường ngày trước như vài con khô, miếng dừa kho, tô canh bầu.. (Mơ mà cũng hà tiện không dám mơ thịt cá hải sản.)

Bố tôi sau 6 tháng trong trại cải tạo lần đầu được viết thư về, Ông dặn khi lên thăm nuôi, không cần mang theo gì cả vì trong trại có đủ mọi thứ. Hic! Ông hiểu hơn ai hết, còn cái gì để mà mang cho ông! Tôi nhớ mãi ngày lên thăm nuôi ông ở trại Thanh Hoá (Hố Nai), cả nhà chỉ có 1 cái xe đạp, còn lại mẹ và các em tôi cuốc bộ 8 cây số mang theo 1 cái giỏ đi chợ lưng lửng với ít thịt kho mắm ruốc, 1 ký đường, 2 hộp sữa và 1 bộ quần áo. Nhìn những người đi thăm nuôi, có người gánh 2 bao đầy mà lòng tôi trào dâng niềm tủi hổ.

Sau đợt đổi tiền ngày 22/9/1975, chúng tôi như đàn chim vỡ tổ, tất cả bỏ học ngang, vài đứa em nhỏ tiếp tục theo mẹ làm ruộng rau muống, còn lại mỗi đứa một phương trời kiếm sống. Đứa lên Gia Ray vào rừng lấy củi, làm lò than, đứa theo xe lửa bán trà đá, hàng rong, đứa bán thuốc lá.

Hơn 3 năm sau Bố tôi được cho về để nhìn xác nhà tan hoang điêu tàn loang lở, nhìn bầy con xanh khướt, gầy rạc, tản mát. Một chị tôi bệnh tâm thần không người chăm sóc phải lang thang ăn xin đầu đường xó chợ, có lần xin không được, quá đói, chị giựt mấy miếng đậu hũ bỏ chạy, chị bị người ta phang đòn gánh chảy máu lỗ đầu giữa ngày bố tôi được tha về.

Bố không khóc, cũng không nói gì! Qua hàng xóm xin ít bông băng. Lòng ông như xát muối! Có lẽ ông bấy giờ mới thấm sâu mệnh đề “mất Nước là tất cả mất”. Khóc lóc than van ích lợi gì. Giọt nước mắt chỉ làm cho kẻ chiến thắng hả hê say sưa thêm mà thôi. Rồi theo chủ trương, ông không được ở lại thành phố. 

Họ hàng nhà tôi đa số cũng là thành phần "Ngụy quân, Ngụy quyền" nên không ai giúp gì được cho nhau. Cuối năm 1978 Ông lên rừng Gia Ray ngay chân núi, cất túp lều nhỏ bé xiêu vẹo, ngày ngày ông và 2 em tôi sống nhờ rừng. Ai ở rừng mới biết: ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Và từ đó chuỗi ngày lầm than, buồn thảm lại tiếp tục sau hơn 3 năm trong trại cải tạo. Đói nhiều hơn no, buồn nhiều hơn vui. Cực khổ nặng nhọc quần quật suốt cả ngày chỉ đủ kiếm vài lon gạo vài con cá khô.

10 năm sau, tôi đã làm ăn khá hơn, mua được chiếc xe máy Mini scootter, lần đầu tiên lên thăm Ông, quà cho Ông chỉ là một lít rượu đế nấu bằng rỉ mật. Ông mừng lắm vì tôi đã tương đối ổn định công việc. Trong bữa cơm hôm đó, Ông nói:

- Bố năm nay 63 tuổi rồi, cuộc đời không dành cho Bố con mình được sống sum họp và đầy đủ. Dù sao các con cũng cố gắng vươn lên để thoát khỏi bệnh tật, đói khát và tù đày.

Rồi Ông chỉ tay dưới chân ngọn núi Chứa Chan:

- Nhớ lời Bố dặn, nếu Bố có chết, các con không cần quan tài làm chi cho tốn kém, cứ bó chiếu vùi thây Bố dưới chân núi là Bố mát mẻ rồi.

Thú thật, lúc ấy nếu tất cả 12 anh em tôi gom lại chắc cũng không đủ tiền mua cái quan tài loại chót. Ông biết và không muốn các con gánh nặng thêm!

Năm 1999, sau bao nhiêu là khó khăn vì không có tiền làm hồ sơ xuất cảnh diện HO, cuối cùng thì 4 bố con tôi cũng tới được Mỹ. Ngày lên đường mẹ tôi và 9 em phải ở lại vì hộ khẩu lung tung không đuợc phái đoàn Mỹ chấp thuận.

Bốn bố con mà hành trang vỏn vẹn có 5 va ly nhỏ và nhẹ tênh, chưa tới 1/3 tiêu chuẩn trọng lượng.

Đến Mỹ 3 anh em tôi phải đi làm ngay sau tháng đầu tiên để kiếm tiền trả nợ lúc làm hồ sơ. Bố tôi thì ăn welfare vì Ông đã 74 tuổi. Ban đầu hội thiện nguyện giúp thuê nhà, 4 bố con phải ở chung trong 1 căn apartment 2 phòng ngủ cùng với 2 người nữa là 6 người. Quá chật, chúng tôi đành ra ở riêng trong khi Bố tôi được chính phủ Mỹ cho ở nhà Housing. 

Và từ đó Ông sống cô độc, một thân một mình. Nhưng cũng là lúc Ông làm được một việc lớn nhất, to nhất, ý nghiã nhất kể từ sau ngày 30/4/1975! Hàng tháng Ông trả tiền điện và tiền nhà chưa tới tổng cộng 80$. Thức ăn thì Ông đi xin các Hội từ thiện miễn phí. Có lần tôi giận Bố kinh khủng. Gia đình tôi cố tình chở Ông vào một quán kêu cho Ông mấy món ngon, Ông từ chối, chỉ xin cho 1 diã bánh cuốn là đủ. 

Ông nói: Ở Việt Nam nhà mình còn quá khổ, Bố không đành ăn ngon bên này nhưng các con đi làm vất vả cần bồi bổ, cứ ăn đi. Mỗi tháng số tiền dư còn lại gần 400$ Bố để dành và cứ 6 tháng Bố gởi về VN cho Mẹ và 9 đứa con còn ở lại.

Chị cả tôi viết thư qua có câu: “Bố ơi, nhiều lần con phải đi bán máu với số tiền 200 ngàn một lần để có tiền nuôi con. Để có 200 ngàn đồng tiền Việt, tụi cò máu nó đã ăn chặn mấy chặng rồi. Cầm 300$ Bố cho mà con cứ ngỡ trong mơ. Đời con chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế…

Phải bán 10 lần máu chỉ mới được 150$ …” Bố đọc thư không khóc! Mặc dù Bố biết chị chỉ cân nặng có… 34 Kg! Hic! Gan góc đến thế là cùng! Rồi việc phải tới! Một ngày mùa đông năm 2006, tức sau gần 8 năm ở Mỹ. Tự dưng Bố kêu và đưa tôi 8.000$ và một tờ di chúc – nét chữ vẫn còn rất đẹp dù đã có dấu hiệu nghệch ngoạc biểu hiệu của tuổi già – trong di chúc có nói rõ:

Khi bố chết đi, bố đã hỏi cô Hoa, người của hội thiện nguyện, và biết rằng tiền hỏa thiêu không quan tài chỉ mất có 800$ thôi!. Bố nói bố không cần quan tài, không cần để nhà quàn làm gì cho tốn dăm ngàn, cứ để người ta đưa thẳng bố đi thiêu, trừ tiền thiêu ra, còn bao nhiêu con cứ làm theo di chúc gởi về cho người bên Việt Nam..

Sau đó mấy ngày, Bố đột qụy! Người ta đưa Bố vào trại Dưỡng lão. Rồi Bố hấp hối. Ba anh em tôi họp nhau và quyết định làm theo di chúc của Bố. Và chúng tôi phải ký một hợp đồng với nhà thiêu. Khi Bố tắt thở, sau một tiếng người ta đuổi hết anh em tôi ra, trong phòng người ta bỏ Bố vào một cái bao và kéo cái fermeture là xong! 

Quá đơn giản cho một kiếp người! Khả năng 3 anh em tôi lúc đó mới đi làm ăn lương một giờ 8$ (lương tối thiểu) chỉ vừa đủ tiền nhà tiền ăn. Vẫn biết có làm đám tang bỏ Bố vào quan tài bằng vàng với hàng ngàn người tham dự cũng vậy thôi vì Bố đâu biết gì nữa mà sao tôi vẫn cảm thấy xót xa vô bờ. 

Cuối đời của một sĩ quan, từng chỉ huy hàng mấy trăm lính, từng chỉ huy mấy cung đường sắt, âm thầm, vắng lặng và quạnh hiu. Không ai biết, không ai đưa tiễn! Y như một chiến sĩ vô danh! Người ta bỏ Bố lên chiếc xe kéo, đẩy ngang chỗ chúng tôi đang đứng, tất cả con, dâu và cháu chỉ có 5 người, họ dừng lại và hỏi chúng tôi có muốn nói gì không. Tôi có cảm tưởng như một luồng điện lạnh chạy xé dọc sống lưng. Tôi chỉ lắp bắp nói như kẻ không hồn:

- Vĩnh biệt Bố. Từ nay Bố không còn phải hy sinh nữa Bố nhé. Công ơn của Bố cao hơn núi Thái Sơn Bố ạ!

Rồi họ lạnh lùng kéo Bố tôi đẩy lên chiếc xe dài, đi chỗ nào thiêu hay làm gì, ở đâu, chúng tôi không được biết! Họ làm theo hợp đồng. Tôi không khóc! Không còn nước mắt để khóc!

Hai tuần sau tôi lấy tro cốt Bố. Khi cô nhân viên nhà xác đưa hộp tro cốt ở dưới có ghi tên bố tôi, chỉ đến lúc bấy giờ, nước mắt tôi tự dưng tuôn ra đầm đìa .

Đào Nam Hòa

07 April 2023

Phải Chi Mày Đã . . . thơ

 Dạo:  

    Tháng Tư dân khóc âm thầm,

Mà sao lắm kẻ nhẫn tâm thế này.


 

 Phải Chi Mày Đã...

                (Một người nhắn một người)

 

Hỡi thằng bạn quý của tao ơi,

Đừng có trách tao phải lắm lời, 

Mà hãy ngồi nghe tao lải nhải,

Trước giờ hai đứa phải hai nơi.

 

Gặp mày sau mấy chục năm nay,

Nhận thấy mày sao quá đổi thay,

Buồn biết mày quay về chốn cũ,

Suốt ngày lo hưởng thụ no say.

 

Mày có biết giờ tháng mấy không,

Mà sao chẳng nghĩ tới non sông,

Long nhong áo gấm về vênh váo,

Chẳng chịu nhìn bao cảnh não lòng.

 

Vì chưng mày cứ mãi làm xằng,

Tao quá đau lòng, phải hé răng,

Mày cứ mắng rằng tao ngứa miệng,

Rỗi hơi nên kiếm chuyện nhì nhằng.


**


Phải chi mày chết tại sa trường,

Cùng bạn bè mày đổ máu xương,

Chiến đấu kiên cường ngăn giặc đỏ,

Quên mình cho tổ quốc quê hương,

 

Thì dẫu vùi thây ở dọc đường,

Dù không được đặc biệt tuyên dương,

Nhưng dường như những người quen biết,

Chẳng có ai kềm được tiếc thương.

 

Phải chi mày chết ở trong tù,

Vì đã hiên ngang trước kẻ thù,

Chẳng quỵ lụy bầy ngu dốt đó,

Cam lòng qua lối khổ khi khu,

 

Thì dẫu thời gian chóng mịt mù, 

Tiếng thơm vẫn sống mãi ngàn thu,

Vợ con, bè bạn dù xa xứ,

Vẫn nhớ thương hoài "đấng trượng phu".

 

Phải chi mày chết lúc ra khơi,

Tìm tự do mà chẳng đến nơi,

Thân xác buồn trôi theo sóng hận,

Hồn thiêng còn lẩn quẩn theo người,

 

Thì dẫu đau buồn cũ có vơi,

Mỗi khi Quốc Hận đến bên trời,

Mọi người ai nấy đều thương xót,

Kẻ trót lên đường chẳng tới nơi.

 

Phải chi mày chết ở bên đây,

Lúc phải đi khuân vác cả ngày,

Sớm tối kéo cày lo trả nợ, 

Cắn răng qua số kiếp lưu đày,

 

Thì dẫu số phần chẳng được may,

Nhưng ai cũng kính, cũng thương mày,

Vì mày đã một tay lo lắng 

Nuôi nấng vợ con được thế này.


**


Ngờ đâu mày sống đến bây giờ,

Sinh tật làm bao chuyện nåhuốc nhơ,

Bỏ vợ hiền bơ vơ ở Mỹ,

Quay về quyết chí kiếm "đào tơ".

 

Mày có điên không thế hở trời,

Tin người con gái trẻ ham chơi,

Tuổi đời hăm mấy mà yêu được

Một lão già đà vượt bảy mươi.

 

Nhiều người đã cất tiếng khuyên lơn,

Kiên nhẫn giải bày lẽ thiệt hơn,

Con cái uất hờn rơi nước mắt,

Nhưng mày vẫn vác mặt nhơn nhơn,

 

Vẫn mải mê theo những "móng hồng",

Khiến ai nghe cũng giận cành hông.

Phải chi mày đã không còn nữa,

Thì phút này tao đỡ bận lòng.


Trần Văn Lương

   TX, đầu mùa Quốc Hận, 4/2023

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...