06 December 2021

Quan hệ Tokyo - Bắc Kinh xấu đi nhanh chóng từ khi Fumio Kishida trở thành thủ tướng Nhật

Thùy Dương (rfi)

Vốn dĩ đã không tốt ngay từ dưới thời thủ tướng Nhật Yohishide Suga, quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc lại càng xuống cấp với tốc độ nhanh chóng kể từ khi Fumio Kishida lên nắm chức thủ tướng. Tokyo hiện giờ coi Trung Quốc là kẻ thù chính của Nhật Bản. 
  
Trên đây là nhận định của Pierre-Antoine Donnet, chuyên gia về Trung Quốc, Nhật Bản và các xung đột lớn ở châu Á. RFI giới thiệu bài viết này đăng trên trang mạng châu Á The Asialyst ngày 02/12/2021. (H: Tân thủ tướng Nhật Fumio Kishida - Jiji Press/AFP)

Ngày 27/11/2021, tân thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida không ngần ngại tuyên bố Tokyo đang xem các tất cả các lựa chọn, kể cả việc làm thế nào để quân đội Nhật Bản có được khả năng tấn công phá hủy nhắm vào kẻ thù, hứa hẹn tạo ra các lực lượng phòng thủ mạnh hơn để bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga. 

Cũng trong lần đầu tiên đi thanh tra các đội quân tại một căn cứ phía bắc Tokyo trên cương vị thủ tướng, trước 800 quân nhân, ông Fumio Kishida nhấn mạnh tình hình an ninh quanh Nhật Bản đang biến chuyển nhanh chóng và thực tế hiện nay "nghiêm trọng hơn bao giờ hết", “những điều tưởng chừng chỉ xảy ra trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đã trở thành hiện thực bây giờ”.  

Lý do là Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày càng tinh vi hơn, trong khi đó Trung Quốc tiếp tục tái vũ trang theo tốc độ nhanh chóng mặt, với các hoạt động ngày càng hiếu chiến trong khu vực. Chính vì thế, chính phủ Nhật sẽ tiến hành "các cuộc thảo luận bình tĩnh và thực tế" để xác định những gì cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người dân đồng thời thu hút được sự ủng hộ của dân chúng.  

Việc đạt được "khả năng tấn công" chống các mục tiêu quân sự nước ngoài là một khái niệm gây chia rẽ dư luận Nhật Bản. Đối với một số người phản đối, điều nói trên vi phạm Hiến pháp chủ hòa mà Hoa Kỳ áp đặt đối với Nhật Bản sau khi quân Nhật đầu hàng hồi năm 1945. 

Trước đây, ông Fumio Kishida khá ôn hòa, nhưng từ khi lên nắm quyền thủ tướng, ông đã có quan điểm cứng rắn hơn nhiều, trở thành một “tông đồ”, “người truyền bá” về việc tăng cường khả năng quân sự, thậm chí về việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản. 

Hôm thứ Sáu, 26/11, chính phủ cũng đã bật đèn xanh bổ sung 770 tỷ yên (6,8 tỷ đô la) cho ngân sách quân sự năm 2021 để mua tên lửa, tên lửa chống tàu ngầm và các loại vũ khí khác để đối phó với điều mà Tokyo xem là sự leo thang trong các hoạt động quân sự của Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. 
Nếu ngân sách bổ sung được Quốc Hội thông qua, ngân sách quân sự cho năm 2021 của Nhật Bản sẽ đạt mức chưa từng thấy kể từ năm 1945, với hơn 6.100 tỷ yên (53,2 tỷ đô la), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Ngân sách quân sự khi đó sẽ chiếm hơn 1% GDP của Nhật Bản. 

Bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi thậm chí còn tiến xa đến mức nói rằng ủng hộ việc tăng gấp đôi mức chi tiêu quân sự để Nhật Bản sẽ có thể đối mặt với tình hình an ninh tồi tệ hơn mỗi ngày. Thế nhưng, những người phản đối ông tin rằng số tiền nói trên nên được dành cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bởi Nhật Bản là quốc gia dân số già hóa với tốc độ nhanh kỷ lục trên thế giới. 

Trợ giúp hậu cần cho Hoa Kỳ nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan 

Cũng như đối với Hoa Kỳ, chủ đề chính trong căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc là vấn đề về Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh Trung Quốc phải lấy lại, và bằng vũ lực nếu cần thiết. 
Theo một báo cáo gần đây của Trung Quốc, sự xích lại gần nhau giữa Nhật Bản và Đài Loan cho thấy Tokyo và Washington hiện đang chuẩn bị hợp tác với nhau để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Theo báo cáo được báo An ninh và các vấn đề hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương công bố vào đầu tháng 11/2021, "Nhật Bản không chỉ gửi đi các tín hiệu ở cấp chính thức và cá nhân, mà còn đang cố gắng tìm cách (đáp lại mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan) thông qua một liên minh quân sự với Hoa Kỳ".  

Tờ báo này giải thích, mặc dù đại đa số người Nhật đều gắn bó với Hiến pháp chủ hòa và phản đối việc Nhật Bản tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, nhưng nhà chức trách Nhật Bản đã xem xét 3 kịch bản. Kịch bản nào cũng khuyến nghị rõ ràng là các lực lượng phòng vệ của Nhật sẽ hỗ trợ hậu cần cho Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Đài Loan, trong khuôn khổ "thỏa thuận phòng thủ tập thể" mà mục tiêu trước tiên là bảo vệ Nhật cũng như các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản trước một cuộc tấn công của Trung Quốc. 

Vì thế, chính phủ Nhật Bản sẽ xem cuộc xâm lược Đài Loan là một mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm đối với an ninh quốc gia và sự ổn định của khu vực, báo cáo của Trung Quốc nhấn mạnh. Tác giả báo cáo, Ngô Hoài Trung (Wu Huaizhong), một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, viết : “Thật khó có thể tưởng tượng rằng Nhật Bản chủ động tích cực tham gia ngắn hạn hoặc trung hạn vào một cuộc chiến tranh không thể kiểm soát và thảm khốc mà không quan tâm đến cái giá phải trả”, nhưng “rõ ràng là Nhật Bản sẽ hỗ trợ hậu cần cho Hoa Kỳ và các đồng minh. Câu hỏi không phải là “liệu có hay không" mà là "khi nào" Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định nói trên." 
Mối liên hệ kinh tế và an ninh "phức tạp” 

Bằng chứng là các hạm đội quân sự của Mỹ và Nhật Bản đã tham gia hàng loạt cuộc thao dợt quân sự chung trong những năm gần đây, kể cả hồi đầu tháng 10/2021 tại Biển Đông. Đây là đợt thao diễn chung đầu tiên tại vùng biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền, với diện tích gần 4 triệu km2 và chạy dọc theo bờ biển Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt Nam. 

Nhiều nhà nghiên cứu khác của Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản về ý định Tokyo sử dụng Liên Hiệp Quốc để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, với ý định trở thành một trong những cường quốc quân sự lớn trên thế giới. Các chuyên gia quân sự của Đại học Thanh Hoa, Hu Fangxin và Zhang Lihua, viết trên báo chí Nhà nước Trung Quốc là Bắc Kinh phải đề phòng những nỗ lực của Tokyo nhằm tìm kiếm cơ hội “lách” Hiến pháp chủ hòa. Đối với Zhang Jifeng, một chuyên gia khác về Nhật Bản tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, “khi [các lực lượng phòng vệ Nhật Bản] tham gia các cuộc thao dợt ở Biển Đông, rõ ràng họ đã vi phạm Hiến pháp” của Nhật Bản. 

Nhà phân tích Thomas Glucksmann viết trên chuyên san Mỹ The Diplomat : “Mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc bị giam hãm giữa những mối liên hệ kinh tế và an ninh rất phức tạp”. Quả thực, “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Nhật đã xuất khẩu hơn 141 tỷ đô la hàng hóa sang nước này vào năm 2020, so với 118 tỷ đô la xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhưng vấn đề là, như bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã nhấn mạnh, Trung Quốc cũng là thách thức địa chính trị lớn nhất” của Nhật Bản, và đó là một mối lo ngại của tân thủ tướng Kishida Fumio.  

Thomas Glucksmann cho biết thêm: “Đối mặt với mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã tăng cường khả năng chiến đấu chống lại mối đe dọa này, thông qua việc triển khai một bộ chỉ huy quốc phòng mới với khoản đầu tư lên tới 5,7 tỷ yen (341 triệu đô la) chỉ riêng cho năm 2021 để trang bị cho Nhật Bản các công nghệ mới trong lĩnh vực an ninh mạng. Tuy nhiên, điều 9 và 21 của Hiến pháp Nhật Bản lại cấm các lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành bất kỳ cuộc chiến răn đe, phủ đầu nào, điều này hạn chế những gì Nhật Bản có thể làm khi áp dụng một chiến lược chống lại các mối đe dọa an ninh mạng cũng như năng lực tình báo trong lĩnh vực này." 

Các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật, mục tiêu tiềm ẩn của tên lửa Trung Quốc 

Cùng với những căng thẳng mới này, hình ảnh của Trung Quốc trong mắt dân Nhật cũng đang xấu đi. Theo một cuộc thăm dò của đài BBC hồi năm 2014, chỉ 3% người Nhật có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, 73% số người được hỏi cho biết có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, tỷ lệ đánh giá tiêu cực cao nhất thế giới về Trung Quốc. Từ khi đó, thái độ bài Trung ở Nhật còn tăng đáng kể. Đến năm 2019, theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research Centrer, 85% người Nhật có đánh giá tiêu cực về láng giềng Trung Quốc. 

Vào ngày 13/07/2021, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công bố một bản đánh giá thường niên, theo đó Tokyo lo ngại về những căng thẳng ngày càng tăng quanh Nhật. Tài liệu nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải ý thức được về tình hình hiện tại với cảm giác khủng hoảng ở mức cao hơn bao giờ hết … Đặc biệt, sự cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Điều cần thiết là chúng ta phải theo dõi sát sao tình hình với một cảm giác khẩn cấp nghiêm trọng chưa từng có." 

Mối lo ngại ngày càng tăng của chính quyền Nhật Bản về các hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan có thể được hiểu là do Nhật Bản gần với Trung Quốc và Đài Loan về mặt địa lý. Đặc biệt, Nhật Bản là nơi đặt nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, trong đó có Kadena (ở Okinawa) - căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Đông Á. Những căn cứ quân sự này rất có thể trở thành mục tiêu của tên lửa Trung Quốc nếu xung đột xảy ra ở Đài Loan. 

Hồi đầu tháng 7/2021, ông Taro Aso, khi đó là phó thủ tướng Nhật Bản kiêm bộ trưởng Tài Chính, công khai tuyên bố Nhật Bản phải hợp lực lượng vũ trang với Hoa Kỳ để bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ mưu toàn xâm lược nào của Trung Quốc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cũng chính ông Taro Aso cũng đã hòa dịu hơn nói rằng bất kỳ tình huống khẩn cấp nào cũng phải được giải quyết thông qua đối thoại. 

Hồi tháng 04/2021, cựu thủ tướng Nhật Yoshihide Suga là quan chức nước ngoài đầu tiên được tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tại Nhà Trắng kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng. Sau cuộc gặp, hai lãnh đạo đã ra thông cáo chung bày tỏ cam kết gìn giữ sự ổn định ở Đài Loan. Đó là lần đầu tiên Nhật Bản dùng những từ ngữ này kể từ khi Tokyo công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1972, đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. 

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...