08 September 2021

Kinh nghiệm chết hụt

Bs. Hồ văn Hiền

(Near Death Experience, NDE)
....who would fardels bear,
To grunt and sweat under a weary life,
But that the dread of something after death,
The undiscovered country, from whose bourn
No traveller returns, puzzles the will,
And makes us rather bear those ills we have,
Than fly to others that we know not of...” 

(...có mấy ai cam chịu mang gánh nặng,
Rên rỉ đổ mồ hôi trong cuộc sống nhọc nhằn
Chẳng qua chúng ta sợ cái gì đó sau khi chết,
Vùng đất chưa khám phá, biên cương chốn ấy
Chưa khách lữ hành nào trở về, làm ý chí ta rối ren,
Và làm ta thà gánh những đau khổ đang mang
Hơn là tìm đến những nổi khổ ta không biết...)
Shakespeare

Phần đông chúng ta cũng mường tượng tin rằng sau khi con người chết, một phần nào đó vẫn còn tồn tại: "Chết là thể phách, còn là tinh anh" (Kiều). Theo văn hoá dân gian Á Đông, người chết sẽ qua Thập điện Diêm Vương là 10 ông vua cai quản cõi âm, ở đó có gương Nghiệt Kính Đài là kính soi lại tất cả hành vi của người chết lúc còn trên dương thế. Các linh hồn có tội nặng bị trừng phạt nặng nề (như mổ bụng, moi tim, nung vạc dầu..), đi qua cầu vồng trơn trợt và rơi xuống cho thuồng luồng cá sấu ăn thịt cũng như chó ngao hai bên cầu cắn xé. Còn những linh hồn được đi đầu thai kiếp tới phải qua Vong Đài (Đài quên), uống Canh Quên lãng của Mạnh Bà để quên hết kiếp trước. 

Cho nên dù nói theo Shakespeare là "chưa khách lữ hành nào về" từ cõi chết, hoặc nói theo văn hoá chúng ta là phải uống thuốc lú mới được trở về đầu thai kiếp khác, quá khứ chỉ còn ghi chép trên tảng đá Tam Sinh Thạch bên dòng sông quên (Vong Xuyên) (1). Không mấy ai còn biết trong "giấc ngủ của cái chết ấy, không biết giấc mơ nào đến lúc chúng ta lột bỏ tấm thân xác vô thường này"

...For in that sleep of death, what dreams may come,
When we have shuffled off this mortal coil? 

Y khoa đặt cơ sở trên sự quan sát khách quan, dựa vào những biến cố sinh lý, vật lý và hóa học để mô tả những sự việc xảy ra, nên đối với y giới nghiên cứu thế giới bên kia đương nhiên là một chuyện cực kỳ khó khăn, và những sự kiện thu thập được đương nhiên không phải là những sự kiện được quan sát trực tiếp, thu thập một cách khách quan, mà trái lại chỉ là những sự ghi chép lại những gì nhân chứng kể lại, một thời gian dài hoặc ngắn sau khi kinh nghiệm chết hụt được trải qua.

Người Việt Nam chúng ta cũng thường được nghe nói đến hiện tượng những người gia đình tưởng đã chết sau một thời gian sống lại. Phong tục người Việt chúng ta cũng giữ xác chết một thời gian trước khi tẩm liệm để tránh đừng chôn một người chưa chết hẳn, tuy không còn phát hiện nhịp tim hoặc hơi thở và trên quan sát thông thường được coi như đã chết.

Kinh nghiệm chết hụt

Kinh nghiệm chết hụt là kinh nghiệm của một số người lúc họ tỉnh lại sau một thời gian được ghi nhận như là đã chết. Với những kỹ thuật tân kỳ hiện nay của khoa hồi sức, một số đáng kể bệnh nhân vì bệnh nặng hoặc vì thương tích trầm trọng đáng lẽ đã chết luôn sau đó được cứu sống lại, nghĩa là có một khoảng thời gian nào đó tim họ đã ngừng đập, phổi ngừng thở, và đôi khi não điện đồ (EEG) không còn đo được nữa, và đứng trên phương diện lâm sàng, họ được bác sĩ xem như đã chết.

Một số người trong nhóm này thuật lại cuộc hành trình của họ và nếu đem so sánh tường thuật của nhiều người khác nhau, chúng ta thấy có những điểm tương đồng được lập đi lập lại từ người này qua người khác. Một người chết hụt điển hình sẽ kể lại rằng anh ta thấy mình rời khỏi xác, ở trên cao quan sát cảnh tượng bác sĩ và y tá săn sóc cho mình, đôi khi đi thăm những bạn bè thân quyến đang chờ đợi ở phòng bên cạnh và đôi khi biết được cả ý nghĩ thầm kín của họ. Sau đó anh ta sẽ nghe một tiếng động lớn và được dẫn dắt đến một đường hầm, hoặc một khoảng trống đến một nơi ánh sáng chói lòa. Nơi đây anh ta được gặp lại những bạn bè thân thuộc đã chết trước đây, và đến gặp một Ðấng Tối Cao, chiếu hào quang sáng ngời. Tất cả cuộc đời anh ta sẽ được kiểm điểm lại trong khoảnh khắc và anh ta có dịp "tự kiểm" toàn bộ cuộc sống của mình. Sau đó có "người" cho anh ta biết anh ta phải trở về lại hạ giới, và tuy luyến tiếc vô cùng khung cảnh rực rỡ yên bình của thế giới mới anh ta cũng phải trở về với xác cũ của mình.

Ðôi khi anh ta được cho biết trước một số việc sẽ xảy ra sau này mà cả mấy chục năm sau anh ta mới thấy xảy ra đúng như đã báo trước.

Tuy hiện tượng những người trở về từ cõi chết đã được nghiên cứu trước đây và được nhắc tới ngay từ
thời trung cổ, hiện tượng này chỉ được nghiên cứu nhiều và coi như một đề tài y khoa sau khi bác sĩ Raymond Moody công bố kết quả nghiên cứu của ông và đặt cho hiện tượng này cái tên "Near death experience" viết tắt là NDE, tạm dịch là "Kinh nghiệm chết hụt “(2). (Một số nơi dịch là “Trải Nghiệm Cận Tử"). Sau này ông thành lập “Hội Quốc Tế Nghiên Cứu Kinh Nghiệm Chết Hụt” (International Association for Near-death Studies hay IANDS) và tập san chuyên môn về hiện tượng này (Journal of Near-Death Studies).

Năm 1982 viện Gallup chuyên về thăm dò dư luận khám phá rằng có khoảng tám triệu trong tổng số 234 triệu người Mỹ từng có trải qua kinh nghiệm chết hụt loại này, có nghĩa là cứ chừng hai chục người thì đãcó một người đã từng trải qua (3.4%). Theo IANDS, tỷ số này có thể cao hơn; theo khảo sát ở Mỹ, Úc và Đức, có chừng 4-15 % dân số từng có trải nghiệm NDE.

Gần đây hơn, lại thêm một trường hợp NDE nổi tiếng và gây nhiều tranh luận. Eben Alexander, một bácsĩ giải phẫu thần kinh, đột nhiên bị mắc một chứng viêm màng não cực hiếm tấn công hệ thần kinh của ông, làm cho phần não bộ kiểm soát tư duy và cảm xúc bị ngưng hoạt động hoàn toàn. Lúc mà bác sĩ điều trị đi đến quyết định ngưng mọi chữa trị, bịnh nhân mở mắt tỉnh dậy. Sau đó ông nhớ lại cuộc du hành vào "The Core" (trung tâm ) của vũ trụ tựa như trở về trong bụng Mẹ, bên cạnh cái nhau nuôi dưỡng mình (“a fetus floats in the womb with the silent partner of a placenta”, p.47) và được một thiên thần hướng dẫn đến gặp "The Creator", “God”, The Source, “Om” (Tạo hoá, Chúa, Nguồn; "Om" là âm thanh tác giả nghe văng vẳng liên hệ với hình ảnh của Chúa), nơi tối như mực nhưng lại đầy ánh sáng. "Om" cho tác giả biết là không phải có một mà có nhiều thế giới, ở trung tâm các thế giới khác nhau này là Love ("Tình thương"), và Evil (Ác) hiện diện trong mỗi thế giới nhưng cần thiết vì không có Ác thì không có chọn lựa tự do ("free will"). Cõi trần gian (terrestrial realm) chúng ta sống gắn bó chặt chẻ với vô số vũ trụ, chiều kích cao hơn (higher dimensions), tiến hóa xa hơn thế giới chúng ta và từ những thế giới này, có thể tiếp cận thế giới chúng ta bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu; tuy nhiên người trần chúng ta thì không biết và không hiểu họ được.

Ông viết cuốn sách best seller "Proof of Heaven, A Neurosurgeon's Journey into the Afterlife" (“Bằng chứng về Thiên đàng, hành trình của một bác sĩ giải phẫu thần kinh vào cõi sau cuộc đời”).
 
Kinh nghiệm chết hụt trong nhi khoa

Trong nhi khoa người ta cũng để ý tới hiện tượng này. Bác sĩ Melvin Morse ở Ðại Học Y khoa Washington nghiên cứu trường hợp của 11 trẻ em từ 3 đến 16 tuổi đã từng bị chết hụt, các trẻ này hoặc đã bị đứng tim (cardiac arrest) hoặc hôn mê (coma) kéo dài và sau đó tỉnh lại được nhờ các phương tiện hồi sức tân tiến. Sáu em kể lại kinh nghiệm hồn rời khỏi xác, năm em nhớ lại được đi vào một vùng tối tăm, bốn em nhớlại một đường hầm và ba em kể lại mình được quyết định trở về trần thế, nghĩa là nhập lại vào xác.

Nói chung kinh nghiệm chết hụt thường gồm những điểm sau đây, tuy nhiên ta nên nhớ rằng trong mọi trường hợp cá biệt chỉ một số yếu tố hiện diện mà thôi.

1. Cảm giác thấy mình đã chết, nếu trong nhà thương người bệnh thấy bác sĩ y tá đang cố gắng hồisinh cho mình hoặc tuyên bố mình đã chết.

2. Cảm giác bình yên tột độ (extreme peace and quiet) trong hầu hết mọi trường hợp. Chỉ có chừng cảm thấy kinh hoàng hoặc cảm giác rơi vào địa ngục.

3. Tiếng động lớn, ào ào, hoặc tiếng chuông reng lớn.

4. Cảm giác mình rời khỏi xác (out-of body experience).

5. Ðôi khi bệnh nhân kể lại hồn mình đi ra khỏi phòng bệnh và thăm những nơi khác và sau đó lúc tỉnh dậy kể lại những điều trông thấy.

6. Ðường hầm tối tăm với một nguồn ánh sáng ở cuối đường hầm; đôi khi là một cái cầu thang. Không thấy nói đến cầu vồng như trong các câu chuyện của ta. Tại các nước ngoài Tây phương, “đường hầm ít được nhắc tới.

7. Những nhân vật lộng lẫy hào quang gồm cả những bạn bè bà con đã chết trước đây, cũng như những khung cảnh lộng lẫy đầy ánh sáng. Những "người" này "nói chuyện" với nhau mà không cần ngôn ngữ thường mà dùng một loại thần giao cách cảm (telepathic, non-verbal way).

8. Sau khi gặp bạn bè thân thuộc, người bệnh được đối diện với một Ðấng Tối cao đầy ánh sáng, người Thiên Chúa giáo thường cho là mình gặp Chúa Giêsu, người Phật giáo thì gặp Phật, người Hồi giáo thì gặp Allah. Ðiểm này thay đổi theo bối cảnh văn hóa, tôn giáoliên hệ.

9. Duyệt lại toàn bộ cuộc sống (life review): Trong khoảnh khắc từng chi tiết của suốt cuộc đời người được duyệt lại cùng với tác dụng tốt xấu của mọi động tác trên cuộc sống của người khác (tương tự như Nghiệt Kính Đài của phương Đông). Ðấng Tối cao hầu như rất bao dung và thông cảm và không có vẻ gì phán xét, tuy nhiên đây có vẻ như là hình thức tự kiểm bao gồm hết cuộc đời của mình và đa số những kẻ đã từng trải qua chợt thấy sự quan trọng của lòng thương người ("love", có lẽ là chữ “nhân” của chúng ta) và của sự hiểu biết (knowledge)

10. Sau đó người bệnh thấy mình bay lên một cõi cao xa, tương tự như kinh nghiệm các phi hành gia nhìn xuống trái đất.

11. Ða số cảm thấy thích thú trong thế giới mới này đến nỗi họ không muốn trở lại trần thế, và đôi khi còn tức giận khi thấy mình phải trở về. Tuy nhiên phần đông chỉ thất vọng trong chốc lát và sau đó tự cho là may mắn được cứu sống trở lại nơi trần tục.

Trên đây chỉ là những kinh nghiệm được kể lại do những người đã từng chết hụt. Những người này có kể lại trung thực hay không, ngôn ngữ có diễn tả đúng những gì đã xảy ra hay không, chúng ta không thể nào biết được.

Hai giả thuyết:

Hiện tượng sinh lý học hoặc tâm lý học. Giả thuyết chính cho rằng hiện tượng này là một loại ảo giác (hallucination) không có thật gây ra do nhữngbiến đổi sinh lý lúc người bệnh thập tử nhất sinh, như mức thán khí CO2 (carbon dioxide) trong máu quá cao, mức oxy trong máu nuôi dưỡng óc quá thấp (hypoxia), hoặc do ảnh hưởng của thuốc mê nhu ketamine, những chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters) như serotonin, endorphine, một số thuốc "psychedelic drugs" tác dụng trên hệ thần kinh như như LSD, pilocarpine, mescaline. Những hiện tượng như bất tỉnh (unconsciousness), cảm giác thoát ra ngoài cơ thể (out -of- body experience), thấy chớp sáng có thể xảy trong những trường hợp trên. Hoặc một số người cho đây là một sự hồi tưởng của những kỷ niệm lúc mỗi người trong chúng ta chào đời, chui từ lòng mẹ, đi qua một đường hầm vào một nơi đầy ánh sáng. Một cách giải thích khác là do bị thiếu oxy, những phần ngoại biên của võng mạc tuần tự ngưng làm việc, thu nhỏ lại thị trường (visual field) và làm người bịnh có cảm giác nhìn thấy một đường hầm.

Một phản biện khác cho rằng đường não điện đồ phẳng không có nghĩa là bộ não đã ngưng hoạt động. Theo bác sĩ Mark Cohen, chuyên viên về kỹ thuật hình ảnh thần kinh, lúc mà các hoạt động não không đồng bộ trong một hiện tượng gọi là "event-related desynchronization", các hoạt động có thể được phát hiện trên PET scan, functional MRI, hoặc CT scan trong lúc EEG thì lại trải thành đường thẳng. (3)

Nhiều nhà thần kinh học đã ghi nhận những điểm tương đồng giữa NDE và tác động của một loại động kinh gọi là “co giật từng phần phức tạp” (complex partial seizures) làm suy giảm một phần ý thức (consciousness) và thường khu trú ở các vùng não cụ thể (thùy thái dương/temporal lobe) ở một bán cầu não. Bắt đầu bằng một aura, dấu hiệu báo trước, cơn động kinh có thể làm cho thấy sự vật lớn hoặc nhỏ một cách bất thường; nếm, ngửi thấy mùi hoặc cảm giác về cơ thể một cách khác thường; cảm giác từng chứng kiến việc đang xảy ra (deja vu); phi nhân cách hóa (depersonalization) cảm giác như mình ra ngoài cơ thể và quan sát chính mình; hay những cảm giác ngây ngất (ectatic feelings). Loại động kinh cho cảm giác ngày ngất này còn được gọi là động kinh Dostoyevsky, theo tên nhà văn Nga cuối thế kỷ 19 Fyodor Dostoyevsky, người bị chứng động kinh nặng có nguồn gốc ở thùy thái dương. Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Người đần độn” Hoàng tử Myshkin, mô tả “khoảnh khắc khi cả trái tim, trí óc và cơ thể dường như thức dậy với sức sống và ánh sáng; tràn ngập niềm vui và hy vọng, và mọi lo lắng như bị cuốn đi vĩnh viễn; ... dường như là một trong những sự hài hòa và vẻ đẹp ở mức độ cao nhất”...“Tôi sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho khoảnh khắc này.”(4)

Hơn 150 năm sau, các nhà giải phẫu thần kinh có thể tạo ra những cảm giác ngây ngất như vậy bằng cách kích thích điện một phần của vỏ não được gọi là insula ở những bệnh nhân động kinh được cấy điện cực vào não của họ. Kích thích những vùng chất xám các nơi khác có thể tạo một số cảm giác tưng tự như NDE. (Thủ thuật kích thích não này giúp xác định nguồn gốc của các cơn co giật để có thể phẫu thuật cắt bỏ.

2)Hoặc chúng ta có thể giải thích đây là một hiện tượng tâm linh, hồn rời khỏi xác và về bên kia thế giới, qua một thế giới khác. Nếu thật vậy, đây là một điều phấn khởi, vì thế giới bên kia có vẻ không tối tăm lắm. Thật vậy, cuốn sách thứ ba của bác sĩ Moody nói về vấn đề này mang tựa đề: "Ánh sáng phía bên kia" (The Light Beyond).

Bác sĩ chuyên khoa tim Pim van Lommel là một trong những người nghiên cứu tiên phong về hiện tượng chết hụt. Năm 2001 ông công bố một khảo cứu căn cứ trên 344 trường hợp tiềm năng và ngẫu nhiên (nghĩa là chờ những trường hợp mới sẽ xảy đến sau khi các nhà nghiên cứu bắt đầu cuộc khảo sát, không phải nghiên cứu bằng cách lựa chọn những trường hợp đã từng xảy ra). Đây là những người từng bị tim ngừng đập (cardiac arrest) trong một số bịnh viện Hoà lan (Dutch) trong nhiều năm. Kết quả có 18% những bịnh nhân này báo cáo sống qua "kinh nghiệm chết hụt". Điều này có nghĩa là các hiện tượng thần kinh sinh lý lúc não bộ bị thiếu oxy và ngưng hoạt động không giải thích được tại sao chỉ có một thiểu số người có hội chứng kinh nghiệm chết hụt. Bài báo kết luận: "Vì còn thiếu bằng cớ khác chứng minh những thuyết giải thích NDE, thuyết cho rằng ý thức và ký ức nằm giới hạn trong não bộ cần được bàn cãi, dù thuyết này chưa bao giờ được chứng minh là đúng. Làm thế nào mà người ta có thể trải nghiệm một ý thức sáng suốt ở ngoài cơ thể trong khi đó thì não bộ bị chết lâm sàng, với não điện đồ (EEG) trở thành một đường phẳng? (nghĩa là không đo được điện của não bộ). Với lại, lúc người ta bị tim ngừng đập, thì 10 giây đồng hồ sau khi ngất xỉu, EEG đã thành đường phẳng rồi?”

“Hơn nữa, người mù còn còn mô tả những cảm nhận được xét là đúng với sự thật sau khi họ trải nghiệm hiện tượng ra khỏi cơ thể như là một phần của NDE. NDE đẩy ra xa hơn những giới hạn của tư tưởng y học về bề rộng của ý thức con người, và tương quan giữa bộ óc và tâm trí.

Một lý thuyết khác cho NDE có thể là một tình trạng ý thức đang biến chuyển, trong đó, bản chất, tri giác, và cảm xúc hoạt động độc lập với cơ thể đang bị bất tỉnh, nhưng vẫn giữ khà năng nhận thức mà không cần cảm giác (không nhờ đến các giác quan, chú thích của HVH )”. (5)

Bác sĩ Lim van Lommel giải thích NDE bằng hiện tượng ông gọi là "non-local consciousness" ("ý thức không - cục bộ"). Ông nghĩ rằng có thể não bộ chúng ta chỉ là một máy nhận (receiver) trung gian tiếp nhận tín hiệu từ một ý thức (non-local consciousness) bao quát hơn, ngoài não bộ chúng ta, và không cần bộ óc, không cần ngũ quan cũng có khà năng cảm nhận được. Đối với Lim van Lommel, não bộ chúng ta nối liền với ý-thức-không-cục-bộ này tương tự như cách máy vi tính, điện thoại thông minh, máy truyền hình nối với ("interface") với mạng internet đang bao phủ toàn cầu bằng sóng điện từ. Cuốn sách mới nhất (2011) của ông mang tựa đề "Consciousness beyond life" (Ý thức bên kia sự sống). Trong cách lý giải ý thức (consciousness) không căn cứ trên vật thể (não bộ của con người), chúng ta có thể hao hao thấy quan niệm siêu hình Phật giáo và của Tân Khổng học thời Đường và Minh của Trung quốc: lý [Li,理] thuần khiết, được bao bọc bởi khí [Qi, 氣] để thành hiện thực, từ đó các cảm xúc và xung đột nảy ra..(6)

Dù sao, mục đích của bài này không phải để cổ võ cho một niềm tin cá nhân nào đó. Khoa học không có tham vọng giải thích bản chất của ý thức và lý do của các sự việc mà chỉ ghi nhận chúng xảy ra như thế nào. Ý nghĩa của hiện tượng này ra sao có lẽ mọi người trong chúng ta một ngày nào đó cũng sẽ biết bằng kinh nghiệm cá nhân của mình; cho đến lúc đó chúng ta chẳng làm gì hơn là suy gẫm cho chính mình.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Ngày 29 tháng 10, năm 2013
Ngày 14 tháng 7, năm 2021

No comments:

Post a Comment