29 December 2021
Cười tí tỉnh: Hụt vợ
24 December 2021
21 December 2021
Lời Chúc Giáng sinh và Năm Mới tinh sương
Youtube ra đời tháng Hai năm 2005 do ba tay thiết kế trẻ - dĩ nhiên là trẻ, chứ già chỉ theo chân đám trẻ cũng đủ hụt hơi còn nói chi đến việc thiết với kế! Cứ hỏi Nguyễn Nhật Ngọ (còn gọi là Nghé Ngọ) mà xem. Chàng thường là cà vào internet tìm những của ngon vật lạ chỉ cho đồng môn thưởng thức. Nhiều khi chàng không chịu dùng mì ăn liền mà ra tay tạo những videos đặc sáng rồi gửi cho bạn bè thưởng ngoạn.
Youtube hiện là một trong 5 search engines được cư dân mạng dùng nhiều nhất trong đó Youtube đứng vị trí thứ hai ngay sau Google:
1. Google
2. Youtube
3. Amazon
4. Facebook
5. Bing (Microsoft)
Chàng Nghé Ngọ đặc biệt rất hâm mộ Youtube. Youtube là một Search Engine, và những người mê cái search engine này chả biết gọi là gì - là 'youtubist'? Tạm như vậy đi.
Hồi xưa lâu lắm rồi chàng youtubist Nghé Ngọ rất trẻ. Hồi xưa ai mà chả trẻ, nói như thế rõ là ba trợn, nhưng nói cho ngay chỉ muốn tâm sự tí tỉnh là chàng nay có hơi già đi, nhưng khi quan sát kỹ hơn mới thấy và phải hô hoán lên rằng chàng còn rất trẻ, không phải chỉ tinh thần mà cả thể chất nữa. Chỉ những người trẻ trung về tinh thần mới tìm hiểu, tập tành làm ba cái chuyện điện tử hóc búa. Mà làm khá lắm nha, chuyên nghiệp lắm ạ và rất bền bỉ. Này nhá: Tìm kiếm và thu thập hình ảnh, âm thanh. Chọn lựa, dùng phần mền ráp nối trong những chủ đề nhất định có khi kèm phần thuyết minh bằng lời hay bằng chữ.
Đâu đó người ta đưa ra nhận định: ai khỏe trước tiên phải có đôi chân mạnh. Chàng youtubist là người thường xuyên lội suối vượt sông, leo đèo trèo núi săn lùng hình ảnh cho các videos của mình. Chả hiểu làm thế nào chàng vẫn còn có (khá nhiều) thì giờ để đến thăm hỏi bạn bè xa gần, có khi rất xa xôi. Đó là một vài hoạt động chứng minh đôi chân còn rất khỏe mạnh của chàng. Tất nhiên trẻ trung không phải chỉ được biểu hiện qua cái thế đi đứng mà qua những sinh hoạt khác nữa như "thế bắn nằm thủ thế!" nơi thao trường hay bên người đồng sàng. Chứng nhân có thẩm quyền đưa ra chứng cớ cái trẻ-khỏe của chàng đích thị là người trăm năm sống bên cạnh chàng. Mà chuyện này coi bộ khó có ai dám hỏi.
Mùa Giáng Sinh năm nay, cũng như mọi năm, người đầu tiên gửi thiệp chúc cho bạn bè chính là chàng youtubist của chúng ta.
Nếu có ai đề nghị bầu anh Nguyễn Nhật Ngọ làm "Nhân Vật Đồng Môn năm 2021", mỗ này xin được là người bỏ lá phiếu đồng ý đầu tiên.
A.C.La
19 December 2021
Tùy bút
cho dù ngoại đạo cũng anh
cho dù áo vá sao đành sầu riêng
ngơ ngơ ngẩn ngẩn cũng duyên
nửa mê nửa tỉnh nửa ghiền nửa đeo
em như cám anh như bèo
trộn chung nước mặn cho heo chết thèm
chuông chùa sớm tối thân quen
cua đồng hoa dại gót phèn mộng mơ
xa nhà gác trọ bơ vơ
chưa quen phố nhỏ tình cờ hình như
người giấu thẹn kẻ tương tư
tóc thơm thánh lễ tình ru nắng vườn
thương mặt đường yêu giáo đường
trải hồn nâng gót mười thương vô tình
nghẹn ngào xin chúa hiển linh
cho dù không đạo con tin chúa rồi
thuyền sầu vượt sóng nổi trôi
bụi hồng chung bóng hoa cười trường thi
nơi nào người đứng người đi
con xin gửi tấm tình si đời đời
người như mộng mộng như môi
mênh mông trăng nhớ bồi hồi gió quên
lòng run đêm lạnh noel
lang thang thao thức lạ quen mơ hồ
hồn đau lạc bước rừng mơ
chưa hò hẹn bỗng thơ thơ giáo đường
chuông lành cao vút thiên hương
trắng dài áo xoá dấu buồn trắng tay
như cánh vạc vương cành mai
anh sương khói em mây bay nhiệm mầu
đời như đạo đạo như sao
mình ngoan biển điệu ta ao dâng tình…
15 December 2021
Đôi Ba Đồng Bạc Nghĩa Lý Gì !
14 December 2021
Tiếng Cười Mỹ Đen, thơ
* Mỗi dân tộc, mỗi sắc dân đều có những điều diễu cợt để phản kháng. Người Mỹ Đen diễu cợt những người lúc đầu đến nước Mỹ “khố rách áo ôm” như người Ái Nhĩ Lan, hay khổ sở vì nạn diệt chủng như người Do Thái, hay khốn đốn vì kinh tế chính trị như người châu Á (“banana”) vv., nhưng không bao lâu sau đó lại cùng với người da trắng kỳ thị họ. Họ cũng diễu cợt người da trắng không muốn cho họ bình đẳng chỉ vì sợ bình đẳng thì sẽ dễ mất vợ! Họ cũng mỉa mai cười với nhau về trò dã man treo cổ (lynch), hay vì bị gọi bằng nhiều tên (Negroes, the Colored Americans, Black Americans, Africa Americans) vv. mà không sắc dân nào khác có thể cười được vv. Một số ý trong bài thơ này dựa vào quyển sách “Black Culture and Black Consciousness” của Lawrence W. Levine do Oxford University Press xuất bản năm 1977. (LVB)
13 December 2021
Thư kêu gọi hỗ trợ của Cô Jackie Bông Wright gửi các CSV Học viện QGHC Sài gòn
11 December 2021
Bão Tuyết Ở Virginia, truyện ngắn
GIÁ MÀ... ! cười tí tỉnh
06 December 2021
Quan hệ Tokyo - Bắc Kinh xấu đi nhanh chóng từ khi Fumio Kishida trở thành thủ tướng Nhật
Trên đây là nhận định của Pierre-Antoine Donnet, chuyên gia về Trung Quốc, Nhật Bản và các xung đột lớn ở châu Á. RFI giới thiệu bài viết này đăng trên trang mạng châu Á The Asialyst ngày 02/12/2021. (H: Tân thủ tướng Nhật Fumio Kishida - Jiji Press/AFP)
Ngày 27/11/2021, tân thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida không ngần ngại tuyên bố Tokyo đang xem các tất cả các lựa chọn, kể cả việc làm thế nào để quân đội Nhật Bản có được khả năng tấn công phá hủy nhắm vào kẻ thù, hứa hẹn tạo ra các lực lượng phòng thủ mạnh hơn để bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga.
Cũng trong lần đầu tiên đi thanh tra các đội quân tại một căn cứ phía bắc Tokyo trên cương vị thủ tướng, trước 800 quân nhân, ông Fumio Kishida nhấn mạnh tình hình an ninh quanh Nhật Bản đang biến chuyển nhanh chóng và thực tế hiện nay "nghiêm trọng hơn bao giờ hết", “những điều tưởng chừng chỉ xảy ra trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đã trở thành hiện thực bây giờ”.
Lý do là Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày càng tinh vi hơn, trong khi đó Trung Quốc tiếp tục tái vũ trang theo tốc độ nhanh chóng mặt, với các hoạt động ngày càng hiếu chiến trong khu vực. Chính vì thế, chính phủ Nhật sẽ tiến hành "các cuộc thảo luận bình tĩnh và thực tế" để xác định những gì cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người dân đồng thời thu hút được sự ủng hộ của dân chúng.
Việc đạt được "khả năng tấn công" chống các mục tiêu quân sự nước ngoài là một khái niệm gây chia rẽ dư luận Nhật Bản. Đối với một số người phản đối, điều nói trên vi phạm Hiến pháp chủ hòa mà Hoa Kỳ áp đặt đối với Nhật Bản sau khi quân Nhật đầu hàng hồi năm 1945.
Trước đây, ông Fumio Kishida khá ôn hòa, nhưng từ khi lên nắm quyền thủ tướng, ông đã có quan điểm cứng rắn hơn nhiều, trở thành một “tông đồ”, “người truyền bá” về việc tăng cường khả năng quân sự, thậm chí về việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản.
Hôm thứ Sáu, 26/11, chính phủ cũng đã bật đèn xanh bổ sung 770 tỷ yên (6,8 tỷ đô la) cho ngân sách quân sự năm 2021 để mua tên lửa, tên lửa chống tàu ngầm và các loại vũ khí khác để đối phó với điều mà Tokyo xem là sự leo thang trong các hoạt động quân sự của Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên.
Nếu ngân sách bổ sung được Quốc Hội thông qua, ngân sách quân sự cho năm 2021 của Nhật Bản sẽ đạt mức chưa từng thấy kể từ năm 1945, với hơn 6.100 tỷ yên (53,2 tỷ đô la), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Ngân sách quân sự khi đó sẽ chiếm hơn 1% GDP của Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi thậm chí còn tiến xa đến mức nói rằng ủng hộ việc tăng gấp đôi mức chi tiêu quân sự để Nhật Bản sẽ có thể đối mặt với tình hình an ninh tồi tệ hơn mỗi ngày. Thế nhưng, những người phản đối ông tin rằng số tiền nói trên nên được dành cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bởi Nhật Bản là quốc gia dân số già hóa với tốc độ nhanh kỷ lục trên thế giới.
Trợ giúp hậu cần cho Hoa Kỳ nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan
Cũng như đối với Hoa Kỳ, chủ đề chính trong căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc là vấn đề về Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh Trung Quốc phải lấy lại, và bằng vũ lực nếu cần thiết.
Theo một báo cáo gần đây của Trung Quốc, sự xích lại gần nhau giữa Nhật Bản và Đài Loan cho thấy Tokyo và Washington hiện đang chuẩn bị hợp tác với nhau để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Theo báo cáo được báo An ninh và các vấn đề hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương công bố vào đầu tháng 11/2021, "Nhật Bản không chỉ gửi đi các tín hiệu ở cấp chính thức và cá nhân, mà còn đang cố gắng tìm cách (đáp lại mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan) thông qua một liên minh quân sự với Hoa Kỳ".
Tờ báo này giải thích, mặc dù đại đa số người Nhật đều gắn bó với Hiến pháp chủ hòa và phản đối việc Nhật Bản tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, nhưng nhà chức trách Nhật Bản đã xem xét 3 kịch bản. Kịch bản nào cũng khuyến nghị rõ ràng là các lực lượng phòng vệ của Nhật sẽ hỗ trợ hậu cần cho Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Đài Loan, trong khuôn khổ "thỏa thuận phòng thủ tập thể" mà mục tiêu trước tiên là bảo vệ Nhật cũng như các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản trước một cuộc tấn công của Trung Quốc.
Vì thế, chính phủ Nhật Bản sẽ xem cuộc xâm lược Đài Loan là một mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm đối với an ninh quốc gia và sự ổn định của khu vực, báo cáo của Trung Quốc nhấn mạnh. Tác giả báo cáo, Ngô Hoài Trung (Wu Huaizhong), một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, viết : “Thật khó có thể tưởng tượng rằng Nhật Bản chủ động tích cực tham gia ngắn hạn hoặc trung hạn vào một cuộc chiến tranh không thể kiểm soát và thảm khốc mà không quan tâm đến cái giá phải trả”, nhưng “rõ ràng là Nhật Bản sẽ hỗ trợ hậu cần cho Hoa Kỳ và các đồng minh. Câu hỏi không phải là “liệu có hay không" mà là "khi nào" Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định nói trên."
Mối liên hệ kinh tế và an ninh "phức tạp”
Bằng chứng là các hạm đội quân sự của Mỹ và Nhật Bản đã tham gia hàng loạt cuộc thao dợt quân sự chung trong những năm gần đây, kể cả hồi đầu tháng 10/2021 tại Biển Đông. Đây là đợt thao diễn chung đầu tiên tại vùng biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền, với diện tích gần 4 triệu km2 và chạy dọc theo bờ biển Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Nhiều nhà nghiên cứu khác của Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản về ý định Tokyo sử dụng Liên Hiệp Quốc để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, với ý định trở thành một trong những cường quốc quân sự lớn trên thế giới. Các chuyên gia quân sự của Đại học Thanh Hoa, Hu Fangxin và Zhang Lihua, viết trên báo chí Nhà nước Trung Quốc là Bắc Kinh phải đề phòng những nỗ lực của Tokyo nhằm tìm kiếm cơ hội “lách” Hiến pháp chủ hòa. Đối với Zhang Jifeng, một chuyên gia khác về Nhật Bản tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, “khi [các lực lượng phòng vệ Nhật Bản] tham gia các cuộc thao dợt ở Biển Đông, rõ ràng họ đã vi phạm Hiến pháp” của Nhật Bản.
Nhà phân tích Thomas Glucksmann viết trên chuyên san Mỹ The Diplomat : “Mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc bị giam hãm giữa những mối liên hệ kinh tế và an ninh rất phức tạp”. Quả thực, “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Nhật đã xuất khẩu hơn 141 tỷ đô la hàng hóa sang nước này vào năm 2020, so với 118 tỷ đô la xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhưng vấn đề là, như bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã nhấn mạnh, Trung Quốc cũng là thách thức địa chính trị lớn nhất” của Nhật Bản, và đó là một mối lo ngại của tân thủ tướng Kishida Fumio.
Thomas Glucksmann cho biết thêm: “Đối mặt với mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã tăng cường khả năng chiến đấu chống lại mối đe dọa này, thông qua việc triển khai một bộ chỉ huy quốc phòng mới với khoản đầu tư lên tới 5,7 tỷ yen (341 triệu đô la) chỉ riêng cho năm 2021 để trang bị cho Nhật Bản các công nghệ mới trong lĩnh vực an ninh mạng. Tuy nhiên, điều 9 và 21 của Hiến pháp Nhật Bản lại cấm các lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành bất kỳ cuộc chiến răn đe, phủ đầu nào, điều này hạn chế những gì Nhật Bản có thể làm khi áp dụng một chiến lược chống lại các mối đe dọa an ninh mạng cũng như năng lực tình báo trong lĩnh vực này."
Các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật, mục tiêu tiềm ẩn của tên lửa Trung Quốc
Cùng với những căng thẳng mới này, hình ảnh của Trung Quốc trong mắt dân Nhật cũng đang xấu đi. Theo một cuộc thăm dò của đài BBC hồi năm 2014, chỉ 3% người Nhật có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, 73% số người được hỏi cho biết có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, tỷ lệ đánh giá tiêu cực cao nhất thế giới về Trung Quốc. Từ khi đó, thái độ bài Trung ở Nhật còn tăng đáng kể. Đến năm 2019, theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research Centrer, 85% người Nhật có đánh giá tiêu cực về láng giềng Trung Quốc.
Vào ngày 13/07/2021, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công bố một bản đánh giá thường niên, theo đó Tokyo lo ngại về những căng thẳng ngày càng tăng quanh Nhật. Tài liệu nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải ý thức được về tình hình hiện tại với cảm giác khủng hoảng ở mức cao hơn bao giờ hết … Đặc biệt, sự cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Điều cần thiết là chúng ta phải theo dõi sát sao tình hình với một cảm giác khẩn cấp nghiêm trọng chưa từng có."
Mối lo ngại ngày càng tăng của chính quyền Nhật Bản về các hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan có thể được hiểu là do Nhật Bản gần với Trung Quốc và Đài Loan về mặt địa lý. Đặc biệt, Nhật Bản là nơi đặt nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, trong đó có Kadena (ở Okinawa) - căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Đông Á. Những căn cứ quân sự này rất có thể trở thành mục tiêu của tên lửa Trung Quốc nếu xung đột xảy ra ở Đài Loan.
Hồi đầu tháng 7/2021, ông Taro Aso, khi đó là phó thủ tướng Nhật Bản kiêm bộ trưởng Tài Chính, công khai tuyên bố Nhật Bản phải hợp lực lượng vũ trang với Hoa Kỳ để bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ mưu toàn xâm lược nào của Trung Quốc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cũng chính ông Taro Aso cũng đã hòa dịu hơn nói rằng bất kỳ tình huống khẩn cấp nào cũng phải được giải quyết thông qua đối thoại.
Hồi tháng 04/2021, cựu thủ tướng Nhật Yoshihide Suga là quan chức nước ngoài đầu tiên được tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tại Nhà Trắng kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng. Sau cuộc gặp, hai lãnh đạo đã ra thông cáo chung bày tỏ cam kết gìn giữ sự ổn định ở Đài Loan. Đó là lần đầu tiên Nhật Bản dùng những từ ngữ này kể từ khi Tokyo công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1972, đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
04 December 2021
Hoang Đảo Lối Về Qua, thơ 30/4
Dạo:
Trở về thăm lại đảo hoang,
Ngậm ngùi lối cũ, mênh mang lưới sầu.
Hoang Đảo Lối Về Qua
Bờ biển vắng, gió vờn buốt mặt,
Bóng người già héo hắt lặng câm.
Mấy mươi năm khóc âm thầm,
Cuối đời may được một lần về thăm.
Đảo tỵ nạn bao năm về trước,
Rộn rịp người bỏ nước ra khơi,
Ngày nay đã biến thành nơi
Cây rừng cỏ dại tranh phơi nắng tà.
Nhà tạm trú xưa đà đổ nát,
Bến tàu hoang bụi xác xơ bay.
Bùi ngùi khóe mắt chợt cay,
Người quen cảnh cũ giờ đây không còn.
Xác thuyền cũ mỏi mòn ngậm cát,
Khách năm nào tản mác nơi đâu.
Sương dày, nắng dạn, mưa sâu,
Từng manh gỗ mục lo âu ngóng chờ.
Mồ tập thể mờ mờ con số,
Hồn không tên buồn khổ lang thang.
Từ khi định mệnh lỡ làng,
Mịt mù tin tức, võ vàng người thân.
Bia tưởng niệm qua lần đục bỏ,
Ngẩn ngơ trong mưa gió phũ phàng.
Bước chân lữ thứ ngỡ ngàng,
Thương cho số phận trăm ngàn thuyền nhân.
Người sửng bước tần ngần trước mộ,
Nhớ lại thời khốn khổ đã qua.
Những âm thanh tưởng nhạt nhòa,
Bỗng trong phút chốc xót xa vang lừng.
Tiếng tở mở reo mừng huyên náo,
Khi con thuyền đến đảo bình an,
Người ôm hy vọng hỏi han,
Kẻ nghe tin dữ khóc than dậy trời.
Tiếng thổn thức của người thiếu nữ,
Sa tay bầy thú dữ Thái Lan,
Đành cam ngọc nát hoa tàn,
Khúc dây oan nghiệt xóa tan nợ đời.
Tiếng thét lẫn tiếng cười lạnh ngắt,
Của chàng trai bị bắt hồi hương,
Lưỡi dao rạch nát can trường,
Xác thân tạm gửi nhờ phương trời này.
Trong tiếng gió cuối ngày lồng lộng,
Tưởng còn nghe vang vọng câu thề:
- Ra đi quyết chẳng trở về,
Khi còn lũ giặc trên quê hương mình.
**Người sực tỉnh ngước nhìn biển rộng,
Biết nơi nào là bóng quê huơng.
Men theo kỷ niệm tìm đường,
Ngậm ngùi chỉ thấy đại dương thét gào.
Thăm chốn cũ, nghẹn ngào tê tái,
Thương những người sớm phải xuôi tay.
Đưa chân mong được có ngày,
Ngờ đâu xương trắng chốn này bơ vơ.
Dân Nam vẫn mong chờ trời sáng,
Bốn mươi lần đếm tháng Tư qua.
Tay run, chân mỏi, mắt lòa,
Con đường phục quốc vẫn xa tít mù.
Đất nước mất, mối thù chưa trả,
Nhưng lòng người sớm đã đổi thay.
Đuôi chồn đú đởn tung bay,
Xoay chiều đón gió loay hoay vầy đoàn.
Quê mẹ đó giờ toàn trái đắng,
Khắp cây cành trĩu nặng buồn đau.
Nơi nơi oán khí ngập đầu,
Nhọc nhằn tóc trắng, dãi dầu tuổi xanh.
Nhà giam lớn sặc tanh mùi máu,
Của những người theo dấu tiền nhân,
Gióng lên tiếng nói lương tâm,
Nên thầm gánh chịu đòn ngầm đớn đau.
**
Nhìn quá khứ, lệ sầu tuôn đổ,
Ngẫm tương lai, thống khổ đoanh tròng.
Mưa đông nắng hạ xoay vòng,
Nỗi hờn vong quốc mãi không phai tàn.
Buồn nghĩ chuyện giang san đất nước,
Biết làm sao đổi được cơ trời.
Tháng Tư rồi đó ai ơi,
Bao nhiêu nước mắt còn rơi trên đường.
Trần Văn Lương
Cali, ngày Quốc Hận 2015
**
Tranh:
NIỀM ĐAU CỦA BIỂNOil on canvas 36x48 inch (91.5cm X 122cm)by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
Việt Nam Cộng Hòa lừng lững đi vào lòng đất nước, tiểu luận
1.
30/4/1975, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) [1] tức tưởi chết!
Đọc được từ một email tình cờ lạc vào inbox tôi:
“Còn nhớ trưa ngày 30/4/1975 dưới bầu trời u ám như muốn đổ lệ, tôi đứng ngay cổng xe lửa số 6 trên đường Trương Minh Giảng – Phú Nhuận. Lúc đó lính Cộng Hòa đã trút bỏ quần áo đi bộ từng đoàn thất thểu. Súng ống, ba-lô, quân phục họ vất đầy lề đường. Xe tăng và các binh đoàn Motolova của Cộng Sản đã tràn vào thủ đô Sài Gòn, chạy rầm rầm hướng về Bộ Tổng Tham Mưu. Chung quanh ai cũng hốt hoảng lo tìm đường chạy về nhà, giờ này đi di tản kể như đã quá trễ. Lâu lâu lại thấy một vài đứa khốn nạn Cách Mạng 30/4 đeo băng đỏ ngồi trên xe Jeep cầm súng chĩa lên trời, chúng bắn từng tràng đạn chào mừng ngày Giải Phóng. (…) Sau ngày 30/4 vào khoảng tháng 5 khi có chiến dịch Bài Trừ Văn Hóa Đồi Trụy Mỹ Ngụy, có một vụ chấn động Sài Gòn là vụ nổ ở một tiệm cho mướn sách cũ. Chủ tiệm lùa hết bọn đeo băng đỏ vào trong rồi mở kíp lựu đạn tự sát cho dính chùm. Nghe đâu chết vài mống Cách Mạng 30/4, ông chủ cũng chết. Tiệm này nằm trong phường 10, quận Phú Nhuận (chung với phường của nhà mình bên đường Thiệu Trị – Nguyễn Huỳnh Đức). Còn một vụ khác vào khoảng năm 1976, có một gia đình bên khu đường rầy xe lửa hướng đi ra Cống Bà Xếp. Gia đình này có hai vợ chồng và tám đứa con. Vì căm phẫn chế độ Cộng Sản, họ đã tìm ra đường thoát. Hôm đó, họ nấu một nồi cháo vịt, bỏ thuốc giết chuột vô, cả nhà cùng ăn chung bữa cuối cùng rồi nắm tay nhau chết hết. [2]
Đọc được từ một nữ bộ đội miền Bắc, sau này là nhà văn nổi tiếng Dương Thu Hương:
“Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ.” [3]
2.
Chao ôi, đã bốn mươi lăm năm rồi kể từ cái ngày tang thương 30/4/1975!
Trong những ngày này, khi tất cả chúng ta ngậm ngùi nhớ lại thời điểm bi thảm đó, thì trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đang cố gắng vô hiệu hóa công hàm nhượng bộ Trung Quốc của thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 bằng cách khẳng định tính cách hợp pháp của chế độ VNCH trong cuộc đấu tranh pháp lý giành lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua hai Công Hàm 257-HC năm 2016 [4] và A/72/692 năm 2018 do họ gửi cho Liên Hiệp Quốc. [5] Xin dẫn một trích đoạn liên hệ:
“Từ khi quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, chính quyền VNCH đã tiếp quản quần đảo Trường Sa từ Pháp. Bằng Sắc Lệnh Số 143-NV đề ngày 22 tháng 10 năm 1956, Chính Phủ nước Việt Nam Cộng Hoà đã chuyển quần đảo Trường Sa từ tỉnh Bà Rịa về tỉnh Phước Tuy. Trong khoảng thời gian giữa 1954 và 1975, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai phần. Do vị trí địa lý, vào thời gian này, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới quyền cai trị của chính phủ VNCH (Miền Nam Việt Nam). Như thế, sự kiện chính phủ VNCH hành xử việc cai trị lãnh thổ hai Quần Đảo trong thời điểm đó là phù hợp với thực tế và luật pháp trong bối cảnh của giai đoạn này. Thông lệ quốc tế chỉ rõ rằng trong thời Chiến Tranh Lạnh, có sự hiện diện của hai quốc gia giống Việt Nam như Đức, Yemen…(…) Vào năm 1975, sau khi Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa (vào tháng 1 năm 1974), Chính Phủ VNCH đã công bố một Bạch Thư đưa ra những bằng chứng lịch sử xác định một cách rõ ràng và đầy thuyết phục chủ quyền lâu dài của Việt Nam trên hai quần đảo này.” [6]
Trong lúc nguy cấp, rốt cuộc, nhà cầm quyền Cộng Sản buộc phải bỏ cái thói kiêu ngạo cổ hữu, chính thức thừa nhận sự hiện hữu hợp pháp của VNCH như một cái phao cứu sinh.
Thực tế là, VNCH đã từng là một quốc gia có cương thổ, có quân đội, có chủ quyền pháp lý, được 87 quốc gia trên thế giới công nhận và đã là thành viên của nhiều Uỷ Ban trong Liên Hiệp Quốc, trong lúc vào thời điểm đó, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của miền Bắc chỉ được một số rất ít các quốc gia trong khối Cộng Sản thừa nhận. Khi nói đến VNCH, thường thì người ta chỉ nghĩ đến các chính quyền: chính quyền Ngô Đình Diệm, chính quyền Nguyễn Khánh, chính quyền Nguyễn Cao Kỳ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu… Và khi nghĩ đến các chính quyền, người ta chỉ nhìn thấy một VNCH đầy những hình ảnh tiêu cực: tham nhũng thối nát, thay ngôi đổi chủ xoành xoạch, lệ thuộc ngoại bang… và dựa vào đó, quy cho VNCH là phồn vinh giả tạo, là đầy dẫy các tệ nạn xã hội, là bất công, áp bức, vân vân và vân vân. Thực ra, cũng như những quốc gia khác, VNCH là một tổng thế, có cái tiêu cực, nhưng không thiếu những điều tích cực. Và những điều tích cực đó là hình ảnh của một VNCH khác, đẹp đẽ, nhân bản, dân tộc, thường bị che giấu bởi thiên kiến hay bị xuyên tạc một cách bất công.
Với riêng tôi (mà cũng là cả thế hệ chúng tôi) sinh trưởng trong lòng chế độ VNCH, nơi chúng tôi được trưởng thành như những con người tự do, được học hành, được mơ ước, được tranh đấu chống bất công, áp bức, nói tóm lại, được tự hào là người Việt Nam, thì VNCH không chỉ là một một quốc gia, một dân tộc mà hơn thế nữa, đó là một quá khứ thân thuộc, êm đềm, sinh động, đa dạng và phong phú. VNCH tuy không còn nữa, nhưng với chúng tôi, VNCH không hề biến mất.
3.
28 November 2021
Tìm hiểu danh từ Pháp trong “pháp trị” và “pháp quyền”.
Cuốn “Hán Việt từ điển” của học giả Nguyễn Văn Khôn (ấn bản DAINAM Publishing Co. 1987 Glendale, California, U.S.A.) đã định nghĩa chữ “Pháp” như sau: Tr.697: Pháp: a) Phép, khuôn phép b) Pháp luật c) Hình phạt d) Lễ giáo e) Bắt chước f) Đạo lý của nhà Phật g) Chế độ h) Họ.
Tôi nhận thấy tuy cùng một bộ ký tự (thủy) mà danh từ “Pháp” có tới 7 nghĩa, trong đó các nghĩa a , b , c , d , f và g rõ rệt có liên hệ. Đối chiếu với trường hợp bản thân, tôi khám phá là khái niệm “pháp” đã đến với tôi trong thời thơ ấu, dưới dạng khuôn phép.
Rồi khi tôi học lịch sử Việt Nam và lịch sử Pháp Quốc ở các cấp tiểu và trung học, khái niệm này biến dạng thành hình pháp gắn bó với quyền hành của kẻ cai trị đất nước.Từ lúc theo học ngành Luật ở Trường Đại học Hà Nội, tôi mới có một kiến thức rõ ràng về sự khác biệt giữa những cái gọi là pháp luật, là lễ giáo, là đạo lý , là chế độ chính trị. Sau Thế chiến 2 , nhờ sự hiểu biết thời cuộc quốc tế và nhất là qua kinh nghiệm hoạt động cũng như kinh nghiệm sống của bản thân, tôi đã đạt được một ý thức sâu sắc hơn về sự hiện hữu của một nền Pháp Lý siêu việt, không thể giới hạn vào một khoảng không gian và thời gian nhất định. Dưới đây tôi đi vào chi tiết của 4 chặng diễn biến vừa kể.
Chặng thứ nhất: Pháp = Phép, khuôn phép
Trong những năm thơ ấu, sống với bố mẹ, luôn luôn tôi nghe nói “phép”, gần như không bao giờ nghe nói “pháp”. Phải chăng từ “phép” mới thuần túy là chữ nôm còn từ “pháp” là mượn ở chữ Hán, thông dụng trong giới Nho học nhưng ít dùng trong cuộc sống hàng ngày? Vấn đề này xin dành cho các nhà ngữ học cứu xét: tôi chỉ cần xác định là thời ấy, mỗi ngày tôi phải nhiều lần nói câu: ” Xin phép “trước khi ăn, uống hoặc ra khỏi nhà mặc dù đó chỉ là một lời xin chiếu lệ. Nếu không xin như vậy, có thể bị quở là vô lễ, không theo đúng “khuôn phép” của một gia đình lễ giáo. Tôi đã khám phá sự tương đương của hai chữ “phép” và “pháp” nhờ hai cơ hội. Cơ hội thứ nhất khi trong lớp học, thầy giáo dạy môn Toán pháp với các phép tính Cộng, Trừ, Nhân, Chia. Cơ hội thứ hai khi đọc tiểu thuyết thẩy kể chuyện có những ông quân sư “pháp thuật cao cường” biết phù phép biến hoá hạt đậu thành binh lính, hoặc “hô phong hoán vũ” tạo nên những cơn bão “cát bay đá chạy”. Có sự liên hệ gì giữa lời “xin phép” và các phép tính Cộng, Trừ, Nhân, Chia cùng pháp thuật của các ông “Tướng Tàu” không? Dĩ nhiên tôi chẳng cần biết và cho đến nay vẫn chưa hiểu nổi. Dẫu sao, từ ngày tham gia sinh hoạt xã hội, luôn luôn được nghe bàn về các “biện pháp” “phương pháp” “giải pháp” do các chính khách, các chuyên gia, các học giả, ký giả… áp dụng hay đề nghị… Hiển nhiên chữ pháp trong các cụm từ vừa kể đồng nghĩa với chữ pháp trong các cụm từ Toán pháp và pháp thuật nói trên.Tôi nhận thấy, trong tâm trí tôi, ý niệm “phép-pháp” đã biến chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động, không phải chỉ là một khuôn phép bất động mà là một suy tính linh động. Tất nhiên khi chỉ có một ý niệm mơ hồ như vậy, tôi không tránh được sự hiểu lầm về từ “pháp”.
Chặng thứ hai: Hiểu lầm “Pháp” là “Hình pháp”
Trong những năm vị thành niên, chưa vào học Trường Luật ở Hà Nội, tôi ham đọc những dã sử cũng như tiểu thuyết liên can tới Lịch sử Việt Nam , Lịch sử Trung Hoa cùng Lịch sử Pháp Quốc. Những tài liệu này luôn luôn thuật lại các trận đánh phi thường của nhiều vị danh tướng, hoặc những cuộc đấu võ rùng rợn của các hiệp sĩ: người trong truyện chém giết không chùn tay, “chặt đầu địch thủ như chặt củ chuối”, đốt phá sào huyệt của kẻ gian phi để trừng phạt theo đúng phương châm: Nhổ cỏ phải nhổ cho hết rễ… vân vân.
Đặc biệt khi các vua chúa hay quan chức hành hình tội nhân, thường đưa ra Pháp trường.
Có lẽ chính danh từ “pháp trường” này đã làm kiên cố thêm sự hiểu lầm của tôi rằng Pháp chỉ có nghĩa là Hình pháp, là trừng phạt. Tôi không hề thắc mắc: khi trừng phạt như vậy, kẻ xét xử đã căn cứ vào đâu? Luật lệ nào? Ai cho họ quyền sinh sát ấy? Trong đầu óc còn non nớt của tôi, sự hiểu lầm Pháp = Hình pháp đã mặc nhiên gắn bó với sự xác nhận quyền hành của kẻ thống trị, dù họ đã thống trị nhờ võ lực.
Tuy nhiên cũng nhờ đọc các thiên hùng sử ấy mà tôi thấy từ thời cổ, các thức giả đã tranh luận về chính sách trị nước an dân: nên dùng hình phạt nghiêm khắc để thị uy và khuất phục hay nên dùng nhân nghĩa để chinh phục lòng người. Như vậy là cuộc tranh luận giữa hai chủ trương PHÁP TRỊ và NH N TRỊ đã xẩy ra ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Chứng cớ: Cụ Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm đã bình phẩm tình hình nước ta, thời Mạc suy, bằng mấy câu thơ:
Chưa từng thấy mấy đời sự lạ
Bỗng khiến người vu vạ cho dân.
Muốn bình sao chẳng lấy nhân?
Muốn yên sao chẳng giục dân cấy cày?
Sau khi vào học Trường Luật khoa Đại học ở Hà Nội, tôi cảm thấy như người lòa tìm lại được thị giác: Từ ngày đó, tôi hiểu rõ “Pháp” có nghĩa chính yếu là Pháp luật. Nhờ học Luật tôi mới biết phân tích tỉ mỉ các sự việc, các tin tức, các ý kiến… để rồi suy diễn những hệ quả hay hậu quả, do đó tránh được nhiều ngộ nhận – có khi là cạm bẫy – có thể gặp trong lĩnh vực ngôn ngữ.
Chặng thứ ba: Pháp = pháp luật
A) Điều cơ bản tôi đã học được ngay từ bài giảng đầu tiên về môn Luật, chính là sự cần thiết của luật lệ trong mọi tập thể do những người cùng sống chung lập nên. Nếu không có luật lệ, sự xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì những bất đồng ý kiến dù chỉ là nhỏ nhặt. Mới đầu chỉ có những ước lệ do sự thỏa thuận mặc nhiên của đa số. Với thời gian, ước lệ biến thành phong tục gò bó mọi thế hệ, mọi thành phấn. Khi chưa đặt ra chữ viết kiểu hiện đại, người ta đã truyền khẩu và trông cậy ở trí nhớ của các phụ huynh già lão. Dần dần người ta đã biết dùng những hình khắc vào đá, vào gỗ, vào những thẻ tre v.v. Rồi biết dùng chữ ghi trên giấy. Tất nhiên, một khi tập thể phát triển, tổ chức thành làng bản, xứ, nước v.v., kẻ cầm quyền đã chính thức hoá những tục lệ thành luật lệ quốc gia. Khỏi cần nói, luật lệ phải do nhà cầm quyền ban hành. Để bắt buộc mọi người tuân theo khuôn phép chung này, các kẻ cầm quyền đã đưa ra huyền thoại: đó chính là lệnh của Trời, của Thượng Đế, của Thiên Chúa… Ai không tuân lệnh là có tội – tội làm rối loạn trật tự chung – và phải trừng phạt. Như vậy, thuở ban đầu luật lệ bị lẫn với những “giới răn” “cấm kị” và phương tiện chế tài là sự trừng phạt: từ phạt vạ, đánh đòn… cho tới giam cầm, lưu đày, giết chết. Việc xét xử và ấn định cách trừng phạt giao cho những thẩm phán thường do Nhà nước – nói khác do nhà cầm quyền – chỉ định. Sự kiện lịch sử này khiến cho tôi từng lầm tưởng là những bộ luật do vua chúa các nước ban hành chẳng qua chỉ phản ánh ý muốn và quyền lợi của nhóm cầm quyền (chiến sĩ, quý tộc, trưởng giả, giáo phái v.v.). Nhờ học luật, tôi mới hiểu rõ triết lý căn bản của pháp luật chính là ý muốn của mỗi người dân: những cá nhân này hợp lại thành một lực lượng quần chúng, khiến cho vua chúa cầm quyền phải tôn trọng, chấp nhận nguyên tắc “Ý dân là ý Trời”.
B) Một điều quan trọng khác là qua các môn được giảng dạy trong chương trình Luật khoa Đại học, tôi nhận rõ là Pháp luật bao trùm gần như mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội: thể chế chính trị và tài chánh của quốc gia, hôn nhân, liên hệ gia đình, trao đổi, tặng dữ [tặng biếu], thừa kế, mua bán, vay mượn v.v. Chính vì thế mà tôi đã ý thức được nhiều nghịch lý, trước kia tôi cho là chuyện bình thường. Khỏi cần nói là ngành luật học đã làm nảy sinh và tăng cường trong đầu óc tôi nguyện vọng thay đổi tình trạng xã hội đương thời. Trước sự mâu thuẫn quá phũ phàng giữa thực tế và lý thuyết, dù hiếu hòa đến đâu chăng nữa, kẻ học luật vẫn đi tới kết luận phải thay đổi chính quyền mới thay đổi được hệ thống pháp luật.
C) Tôi theo học Đại học Luật khoa Hà Nội trong suốt thời kỳ Đệ nhị Thế chiến nhưng ngay từ tháng Giêng 1943 đã trở thành công chức và từ ngày ấy cuộc sống của tôi đã “quyện” với các thăng trầm của đất nước Việt Nam. Kinh nghiệm cho tôi thấy xu hướng của mọi nước lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đều là tha thiết bảo vệ quyền tự quyết của mình: lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp. Mỗi nước là một hệ thống pháp luật với những nét đặc thù. Sự xung đột rất khó tránh: xung đột về lãnh thổ, lãnh hải, quyền giao thương, quyền khai thác tài nguyên, quyền thâu thuế, quyền xét xử công dân của mình v.v. Tôi đi tới nhận định: muốn thực hiện một thế giới hòa bình, phải cố gắng vượt khỏi những trở lực do thực thể quốc gia đã tạo dựng. Nói cách khác, phải tiến tới một nền Pháp lý chung cho toàn cầu. Pháp lý là lý tính (rationalité) – tất nhiên trừu tượng – của Pháp (chữ Pháp có thể hiểu là khuôn phép chung (cf. định nghĩa a của chữ Pháp trong Hán Việt Từ Điển Nguyễn Văn Khôn) còn Pháp luật là hệ thống luật lệ cụ thể tạo nên cái khuôn phép chung ấy. Trong thế giới hiện đại chỉ có những định chế “liên chính phủ quốc gia”, chưa có một chính quyền chung nào cho toàn cầu để ban hành những đạo luật cưỡng bách nhân dân mọi nước tuân theo: vì vậy tôi chỉ dám dùng danh từ Pháp lý mà thôi.
Chặng thứ tư : Pháp = Pháp lý
A) Lý tính của Pháp không phải do sự đồng thuận của đa số nhân dân trong nước, mặc dù sự đồng thuận ấy cần thiết cho sự tạo lập cũng như thi hành luật lệ. Cơ sở khoa học và lịch sử của Pháp lý, chính là những nguyên tắc vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian được mọi người chấp nhận như là những điều không cần chứng minh. Tạm kể: quyền sinh sống, quyền tự do di chuyển, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, quyền có một đời tư, có những tài sản riêng tư để hưởng thụ, tặng dữ hay truyền lại cho con cháu v.v. Khỏi cần nói vì sống chung trong tập thể xã hội nên sự hành xử những quyền tự do cá nhân này phải dung hợp với quyền tự do của những cá nhân khác và các đòi hỏi của nền trật tự chung.
B) Trong khuôn khổ mỗi quốc gia, ai cũng hiểu rằng các luật lệ được Nhà nước ban hành là phương tiện tự vệ của những công dân tương đối yếu thế trong sự đối đầu hàng ngày với những kẻ giàu mạnh hơn mình. Nhưng phương tiện này chỉ hữu hiệu nếu ai nấy đều có tinh thần tôn trọng pháp luật. Một ngạn ngữ La tinh thường được các luật gia nhắc nhở là: “Nemo censitur ignorare lege” (không ai được viện cớ mình không biết luật lệ).
Thực tế cho biết là những luật lệ đã được ban hành nhiều như cây trong rừng rậm: ngay những người chuyên nghiệp như các Luật sư, Thẩm phán, Giáo sư… mỗi khi cần tìm hiểu một đề tài nào vẫn phải tra cứu sách báo, tài liệu lưu trữ. Như vậy đòi hỏi mọi công dân phải am tường luật lệ, quả thực là một điều viển vông nếu không muốn nói là phi lý. Dẫu sao, để ngăn chặn những phần tử bất lương, gian tham, lạm dụng quyền thế hay địa vị để áp bức, bóc lột … nguời lương thiện, các phương tiện truyền thông đại chúng là khí giới hữu hiệu hơn bất cứ cơ quan giám sát nào.
C) Vượt khỏi biên cương quốc gia, trên bình diện bang giao quốc tế, từ sau cuộc Đệ Nhị Thế chiến tới nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều cố gắng của Chính quyền các nước để tiến dần tới sự thành hình một nền trật tự chung cho toàn cầu. Ngoài sự thiết lập Tổ chức Liên Hiệp Quốc còn có những cơ quan chuyên môn trong các lĩnh vực Tiên tệ, Tín dụng, Lương nông, Phát triển kinh tế, Mậu dịch, Viễn thông, Hàng không dân sự, Văn hóa, v.v. đều là những diễn đàn để đại diên các nước, và cả những vị nguyên thủ, có cơ hội gặp nhau, trao đổi quan điểm và do đó tránh được hiểm họa chiến tranh. Đồng thời, nhiều văn kiện ngoại giao có tầm quan trọng lịch sử như Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước về Mậu dịch Quốc tế , về Luật biển v.v. có tính cách như những Hiệp ước đa phương, những bộ luật quốc tế ràng buộc các nước gia nhập. Ý thức Pháp lý “siêu quốc gia, siêu thời gian” không còn là một ý tưởng trừu tượng mà là một sự thật khách quan. Tiếc thay! Thực thể chính phủ quốc gia vẫn tồn tại và số quốc gia hội viên Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã lên tới 200. Nhiều va chạm đổ máu đã xảy ra giữa các quốc gia thành viên này chỉ vì bất đồng ý thức hệ, bất đồng tín ngưỡng không nhất thiết vì những quyền lợi vật chất. u cũng là Định mệnh: Dù văn minh Con người vẫn là chỉ là một sinh vật trên Trái Đất, chưa thể xử sự toàn thiện như các thánh thần. Và ngày nào còn người sẽ vẫn còn những nghịch lý như vậy: Errare humanum est./.
Paris tháng 11 năm 2012
26 November 2021
24 November 2021
Thơ xả xú-bắp,
XE CHỮA LỬA CŨĐám lửa bùng lên gần trang trại.Xe cứu hỏa địa phương đến ngayNhìn thấy đám cháy quá lớn nàyHọ mời thêm tình nguyện giúp đỡ.Nhóm tình nguyện làng bên gần đóLeo lên chiếc xe đã cũ mèmLao ngay vào giữa đám cháy liềnCầm vòi phun tứ tung cùng khắp.Bà con cảm phục họ hết sứcDám xông vào chỗ rất hiểm nguyVà dập tắt đám cháy tức thìDân làng mừng, vỗ tay tán thưởng.Tình nguyện viên đen như củ súngĐồ bảo hộ dính đặc tro than.Ông xã trưởng rút ra một ngànTặng thưởng nhóm tình nguyện can đảm.Ông nhà báo hỏi ông trưởng toán:“Được thưởng tiền, ông sẽ làm chi?”Ông trưởng toán đáp lại tức thì:“TÔI SẼ ĐI SỬA LIỀN CÁI THẮNG.”TNT 12/09/2020(viết theo Baba-Mail)
Những Điểm Chính Trong Dự Luật Ngân Sách Mỹ Vừa Được Thông Qua Tại Hạ Viện
Kim Nguyễn
Thứ Sáu ngày 19/11 vừa qua, Hạ Viện đã thông qua Dự Luật Ngân Sách: đảng Dân Chủ có 220 phiếu thuận, đảng Cộng Hòa có 213 phiếu chống. Tuyệt đối không có một Dân Biểu Cộng Hòa nào ủng hộ dự luật này, trong khi đó, đảng Dân Chủ có một Dân Biểu bỏ phiếu chống, đó là DB Jared Golden của tiểu bang Maine. Joe Biden tuyên bố Dự Luật Ngân Sách sẽ tốn “Zero dollar” là không đúng sự thật, báo The Hill cho hay “Theo công bố của văn phòng Ngân Sách của Quốc Hội (CBO), Dự Luật Ngân Sách sẽ gây thiếu hụt cho ngân quỹ quốc gia khoảng 367 tỷ dollars trong 10 năm tới.”
Dự Luật Ngân Sách
Trước khi Dự Luật Ngân Sách được Hạ Viện biểu quyết, Dân Biểu Kevin McCarthy, Lãnh Tụ Khối Thiểu Số Cộng Hòa tại Hạ Viện đã phát biểu liên tục trong 8 tiếng 32 phút, cảnh báo cho các nhà lập pháp và người dân biết là Dự Luật Ngân Sách này sẽ gây thâm thủng cho ngân quỹ quốc gia, sẽ làm cho Hoa Kỳ nghèo hơn, yếu hơn, và hậu quả là Trung Cộng sẽ có cơ hội qua mặt Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực, kinh tế cũng như quân sự. Sau đây là một số dự chi chính:
• 570 tỷ dollars: Cho vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, kỹ nghệ xanh.
• 380 tỷ dollars: Cho chương trình giữ trẻ em và giáo dục trẻ em trước khi vào lớp mẫu giáo.
• 175 tỷ dollars: Cho chương trình trợ giúp gia cư.
• 150 tỷ dollars: Cho chương trình chăm sóc dài hạn tại tư gia
• 120 tỷ dollars: Tăng tài trợ bảo phí trong chương trình bảo hiểm Obamacare.
• 100 tỷ dollars: Cho chương trình di dân
• 80 tỷ dollars: Cho Cơ Quan Thuế Vụ (IRS) mướn thêm 80,000 nhân viên và cải tiến kỹ thuật.
Joe Biden và đảng Dân Chủ thường quảng cáo Dự Luật Ngân Sách chẳng tốn đồng nào “Zero dollar” nhưng thực tế là chính quyền Joe Biden dựa vào tiền thuế của người dân. Thêm vào đó Joe Biden còn đầu tư 80 tỷ dollars vào IRS để lấy về 400 tỷ dollars trong 10 năm tới. Trước đây chỉ có những người làm thương mại với lợi tức trên 75,000 dollars mới bị IRS để ý tới. Giờ đây, IRS với lực lượng nhân sự hùng hậu, tất cả người dân có lợi tức đều có rủi ro bị điều tra. Dự Luật Ngân Sách còn hai vấn đề gây tranh cãi nữa: ngân khoản chi cho biến đổi khí hậu và chương trình di dân.
Kỹ nghệ xanh sẽ bị lệ thuộc vào Trung Cộng
Ngân sách tái thiết hạ tầng cơ sở đã chi gần 200 tỷ dollars cho vấn đề năng lượng xanh, vậy mà đảng Dân Chủ còn muốn chi thêm 570 tỷ dollars nữa cho vấn đề này như ưu tiên cho kỹ nghệ xanh, khuyến khích và tài trợ cho những công ty đầu tư vào năng lượng mặt trời (solar energy), sản xuất xe điện, sản xuất vật liệu theo tiêu chuẩn năng lượng xanh, . . . Năm 2009, chính quyền Obama đã chi ra hàng tỷ dollars cho dự án “Năng Lượng Xanh” nhưng đã bị thất bại, nhiều công ty đầu tư đã khai phá sản sau khi nhận được tiền tài trợ của chính quyền. Một vấn đề quan trọng là Hoa Kỳ phải tùy thuộc vào Trung Cộng trong việc cung cấp pin cho xe điện, những sản phẩm cần thiết cho năng lượng mặt trời “solar energy” và nhiều vật liệu liên hệ khác. Năm 2019, có bài viết “U.S. dependence on China’s rare earth” đăng trên Reuters: “Các nguyên tố trong đất hiếm được xử dụng cho nhiều sản phẩm, từ iPhone, computer đến pin cho xe điện, động cơ máy bay phản lực của quân đội, vệ tinh, tia laser, sản phẩm cho năng lượng mặt trời, . . . Mỗi năm Hoa Kỳ nhập cảng 80% đất hiếm từ Trung Cộng. Và Trung Cộng là quốc gia có 85% khả năng chế biến đất hiếm của thế giới thành nhiều loại sản phẩm công nghệ cao. Thế giới phải mất nhiều năm mới có thể xây dựng được những nhà máy chế biến đất hiếm vì hiện tại cơ sở của Trung Cộng đã có khả năng sản xuất 220,000 tấn, lớn gấp 5 lần công suất của các nhà máy trên thế giới gom lại.” Nếu như Hoa Kỳ phải tùy thuộc thêm vào những loại sản phẩn đất hiếm do Trung Cộng sản xuất thì tương lai Hoa Kỳ sẽ lâm vào tình trạng rất nguy hiểm.
Di dân bất hợp pháp được ân xá
Joe Biden đã công khai cổ võ, chủ trương cho di dân bất hợp pháp tràn vào Hoa Kỳ. Trong 10 tháng qua đã có hơn 2 triệu di dân bất hợp pháp tới đất nước này, và chính quyền Joe Biden vẫn làm ngơ, không có sách lược cụ thể để giải quyết vấn đề. Trong cuộc phỏng vấn trên Fox News sáng Chủ Nhật vừa qua, Bộ Trưởng Tư Pháp Texas Ken Paxton đã cảnh báo “Có thêm nhiều ngàn di dân đang tiến gần tới biên giới Texas nhưng chính quyền liên bang vẫn không làm gì cả, chính quyền địa phương chúng tôi thì thiếu nhân lực và phương tiện, không thể ngăn chặn họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn quốc gia.” Di dân bất hợp pháp gây thiệt hại cho ngân quỹ quốc gia lên tới nhiều tỷ mỗi năm. Riêng tại Texas mỗi năm tốn khoảng 855 triệu dollars. Ngoài vấn đề tốn kém về tài chánh, đời sống của người dân còn bị xáo trộn vì tội ác, băng đảng, buôn bán ma túy do thành phần tội phạm trà trộn trong làn sóng di dân xâm nhập vào Hoa Kỳ gây ra.
Gần đây chính quyền Biden quyết định trả 450,000 dollars cho mỗi trẻ em di dân bị tách khỏi cha mẹ tại biên giới, tổng cộng sẽ vào khoảng 1 tỷ dollars. Trong cuộc chất vấn Bộ Trưởng Bộ Nội An Alejandro Mayorkas tại Thượng Viện ngày 16/11 vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Marsha Blackburn (R-Tenn.) đã nhấn mạnh:
“ Ông có biết 1 tỷ dollars là một số tiền lớn không? Đó là tiền thuế của người dân đấy.
- Số tiền này có thể xây được bao nhiêu dặm tường bảo vệ biên giới? Rõ ràng là ông không biết, đây là câu trả lời: 1 tỷ dollars có thể xây được 50 dặm tường bảo vệ biên giới.
-Với 1 tỷ dollars, ông có thể tuyển thêm được bao nhiêu nhân viên? Ông không biết? Tôi có thể cho ông hay là có thể tuyển thêm hơn 15,000 nhân viên.
- Còn thẩm phán di trú nữa, cần thêm 7,213 thẩm phán vì lực lượng kiểm soát biên giới nói với tôi là điều này rất cần.
-Ông có biết Pascual Andres, Gaspar Andres, Juan Carlos Pedraza không? Không biết ư, đây chỉ là vài tên tiêu biểu trong số nhiều tội phạm hình sự di dân bất hợp pháp đã bị truy tố”
Vấn nạn di dân là thách thức lớn của Hoa Kỳ từ nhiều thập niên. Obama đã giải quyết bằng cách ký sắc lệnh DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) cho phép hơn 800,000 di dân tới Hoa Kỳ khi còn trong tuổi vị thành niên được ở lại và được phép làm việc. Thời TT Trump, biên giới được bảo vệ và di dân bất hợp pháp phải chờ đợi làm thủ tục tại Mexico, sự việc này đã giảm làn sóng di dân xâm nhập trái phép vào Hoa Kỳ. Joe Biden thì bất chấp tất cả, ông ta muốn ân xá cho di dân, kéo theo tổn thất 100 tỷ dollars cho ngân quỹ quốc gia. Cải tổ hệ thống di dân phải theo đúng luật pháp chứ không thể luồn lách vào Dự Luật Ngân Sách, việc làm này là vi luật, vi hiến, không thể chấp nhận được.
Trong cuộc bầu cử chính quyền tiểu bang và địa phương vừa qua, 12 ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã giành được chiến thắng, từ Dân Biểu Liên Bang (bầu cử đặc biệt) tới Thống Đốc, Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang, Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu tiểu bang, cũng như nhiều thẩm phán. Giới chính trị và báo chí đã phải nhìn nhận rằng cuộc bầu cử vừa qua đúng là làn sóng đỏ (Red Wave.) Đảng Dân Chủ đã và đang đổ nhiều tiền vào những chương trình an sinh phúc lợi nhằm mua chuộc người dân nhưng đa số cử tri Cộng Hòa đã can đảm đặt quyền lợi quốc gia trên quyền lợi cá nhân. Bởi lẽ họ hiểu và tin rằng một quốc gia tự do, phú cường chắc chắn sẽ đem lại cuộc sống an bình thịnh vượng lâu dài cho người dân. Đó chính là lý tưởng mà người dân mong muốn.
November 23-2021
Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)
John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...
-
Đỗ Trung, tác giả bài viết chính là phu nhân của Đồng môn Huynh trưởng Nguyễn Đắc Điều, ĐS Khoá 6, Học viện QGHC Sài Gòn ** Đỗ Trung Dung V...
-
TTR: Dưới đầu đề trên, tác giả Nguyễn Đắc Điều, một viên chức hành chánh kỳ cựu của VNCH, kể về những chặng ngược xuôi trên con đường thi h...
-
Đỗ Tiến Đức Sept.,5-2022 Rock Springs-Wyoming Hôm nay chúng ta đến đây để tiễn đưa một người bạn mà chúng ta yêu mến rời bỏ chúng ta về miền...