Ls Ngô Tú Ngân
Chú Tư một ngày nhận được tin báo từ cán bộ huyện: “Nước ổn rồi”. Chú dẫn nước vào thả lứa tôm mới, ai ngờ… Chú bỏ lửng câu nói với ba tôi, những nếp nhăn xô lại.
Vì tin lời nói của cán bộ, gia đình chú Tư phải bán đi miếng đất mấy công để lo sinh kế. Bữa ký giấy bán đất, người đàn ông hơn 40 khóc nghẹn.
Thứ nước mắt khô khốc không thể trôi hết bao cơ cực của đời nông dân. Đó là mùa tôm hai năm trước, nước sông quê tôi, một làng nuôi tôm ở Bạc Liêu bị ô nhiễm. Tôm của chúng tôi chết hàng loạt. Nghe báo nói do các nhà máy xả thải làm nước sông nhiễm độc. Nông dân không có nhiều thông tin, tối ngày gọi điện, chạy tới chạy lui hỏi lẫn nhau mà không ai dám chắc điều gì. May sao, ba tôi và chòm xóm mừng vui vì có mấy cán bộ huyện xuống xem xét, đong đếm mẫu nước, hỏi han bà con này nọ. Họ cứ mong.
Năm ao tôm của chú Tư bị chết vì tin kết luận của chính quyền, mỗi hộ khác cũng mất một vài ao. Mỗi ao tôm trị giá hàng trăm triệu đồng. Chú Tư vừa quay được bao nhiêu vốn liếng bỏ tất vào tôm, giờ mất sạch. Cả xóm nuôi tôm ai cũng thất bát, kẻ ít người nhiều. Chị Ba, anh Bảy, chú Sáu, những gương mặt phờ phạc. Thế rồi một cán bộ lại về, lại bảo bà con rằng yên tâm, nước sạch rồi. Bà con phấn chấn lắm, lại cải tạo đất, phơi ao, lại đặt mua con giống, dẫn nước vào ao. Và tôm lại chết.
Xóm tôi buồn hiu buồn hắt. Quán nước đầu xóm của bà Hai không còn rôm rả như mọi khi.
Gia đình chị Ba không có tiền xuống giống vụ tôm tiếp theo, để vuông tôm phơi nắng nứt trắng. Chồng chị đi làm thuê cho người ta. Anh Bảy, chú Sáu mang cuốn sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay ít vốn, tiếp tục cải tạo lại đất cho mùa vụ mới. Tết năm đó, tôi đến chúc tết mà không khỏi thắt dạ khi trong những chòi lá lụp xụp, những đứa trẻ không có quần áo mới, cái bàn nước sơ xài và ánh mắt lo âu chuyện áo cơm. Cán bộ đã đi đâu, bà con nào có biết.
"Tại sao cán bộ cẩu thả với phát ngôn của mình? Tại sao mình không tự kiểm tra nước trước khi dẫn vào ao tôm?" - tôi hỏi ba tôi. Ông trả lời, rằng bà con chỉ có khả năng kiểm tra các thông số bình thường như độ PH trong nước, chứ trong nước có những hóa chất gì, mắt thường không thể thấy, mũi không thể ngửi thì không tin cán bộ, biết tin ai?
Tôi không trả lời được câu hỏi. Ông và chòm xóm có lý của họ: người dân phải tin chính quyền. Họ trao cho lời nói của cán bộ uy tín nặng ký. Miệng nhà quan, có gang có thép, sao không tin được?
Câu chuyện tôm chết hàng loạt ở các tỉnh miền Tây do ô nhiễm nước hai năm trước bị khuấy lên trong tôi khi đọc tin về nước sạch ở Hà Nội. Điều tôi cũng bị nhiễu loạn như chuyện quê mình là thông tin do những người có trọng trách trả lời công chúng. Vị đứng đầu nhà máy bán nước nói: "Có thể khách hàng phản ánh nước có mùi lạ là do mùi Clo", bởi họ đã tăng lượng hóa chất này lên gần gấp đôi. Rồi ông bảo, "thực ra mùi chỉ là cảm nhận".
Nhưng cũng chính vị này khiến bà con hoảng hốt bằng lập luận "Công nghệ xử lý cái này tôi cũng không dám chắc, vì là lần đầu tiên xảy ra". Và trong một phút thật thà, ông nói: "Trong thâm tâm tôi 80% đã muốn dừng cấp nước, vì nghĩ chất lượng nước có thể bị ảnh hưởng và việc dừng cấp nước sẽ an toàn cho bản thân".
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, các mẫu xét nghiệm nước tại nhiều khu vực đều có hàm lượng chất Styren cao hơn giới hạn cho phép. Trong khi phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói chưa có tài liệu chính thống nào để xác định chất này vượt ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân thì đại diện thành phố khuyến cáo bà con không được ăn, uống nước máy.
Tại sao chỉ trong một ngày mà những kết luận bất nhất được đưa ra, nửa vời và gây thắc mắc. Thị trường nước đóng chai nhiễu loạn, Hà Nội lâm vào khủng hoảng nước sạch.
Trong Luật Tiếp cận thông tin, "thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng" là loại thông tin phải được công khai rộng rãi, phải "được cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân". Còn Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì cấm "cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân khác trong hoạt động cấp nước".
Nếu người có trách nhiệm "cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin", hoặc vi phạm nghị định 117 đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất.
Tất nhiên là nếu nhìn vào luật thì nhà nước có đủ thiết chế để trừng phạt những người đưa thông tin sai lệch, thậm chí bằng quyết định khởi tố. Nhưng trong những vấn đề mang lợi ích công cấp bách như ô nhiễm nguồn nước, thì người dân cần được biết thông tin chính xác từ đầu, chứ không phải đón nhận hậu quả rồi mới đi đòi công lý. Hàng triệu người đã ăn uống từ thứ nước có "mùi chỉ là cảm nhận". Việc xử lý ai đó sau khi sự đã rồi (nếu có thể xử lý được) cũng không giải quyết được vấn đề của họ. Không ai muốn nấu cơm cho con cái ăn bằng một thứ nước đầy nghi hoặc, rồi đi chứng minh thiệt hại và cãi nhau đòi bồi thường làm gì.
Ở mọi quốc gia, mỗi phát ngôn, hành động của người có trách nhiệm chính là bộ mặt, là uy tín của chính phủ. Nhưng trong câu chuyện ở đây, không có một cơ chế nào đảm bảo được việc công bố thông tin chủ động của chính quyền. Tất cả trông chờ vào sự tự giác của giám đốc công ty nước sạch - một nhà thầu tư nhân. Báo cáo chậm thì chính quyền cũng phải chịu. Cho dù thông tin ông này nắm thuộc về lợi ích công cộng. Theo cách làm hiện nay, khi chính quyền phụ thuộc vào sự tự giác của nhà cung cấp, thì việc biết ngay, biết đúng, biết đủ của dân sẽ luôn là một điều xa xỉ.
Những đòi hỏi về thông tin chính xác cho vấn đề khẩn cấp liên quan đến đời sống, sức khỏe, sinh mệnh của nhân dân có phải một nhu cầu quá đáng?
Ngô Tú Ngân
Nguồn: VnExpressVì tin lời nói của cán bộ, gia đình chú Tư phải bán đi miếng đất mấy công để lo sinh kế. Bữa ký giấy bán đất, người đàn ông hơn 40 khóc nghẹn.
Thứ nước mắt khô khốc không thể trôi hết bao cơ cực của đời nông dân. Đó là mùa tôm hai năm trước, nước sông quê tôi, một làng nuôi tôm ở Bạc Liêu bị ô nhiễm. Tôm của chúng tôi chết hàng loạt. Nghe báo nói do các nhà máy xả thải làm nước sông nhiễm độc. Nông dân không có nhiều thông tin, tối ngày gọi điện, chạy tới chạy lui hỏi lẫn nhau mà không ai dám chắc điều gì. May sao, ba tôi và chòm xóm mừng vui vì có mấy cán bộ huyện xuống xem xét, đong đếm mẫu nước, hỏi han bà con này nọ. Họ cứ mong.
Năm ao tôm của chú Tư bị chết vì tin kết luận của chính quyền, mỗi hộ khác cũng mất một vài ao. Mỗi ao tôm trị giá hàng trăm triệu đồng. Chú Tư vừa quay được bao nhiêu vốn liếng bỏ tất vào tôm, giờ mất sạch. Cả xóm nuôi tôm ai cũng thất bát, kẻ ít người nhiều. Chị Ba, anh Bảy, chú Sáu, những gương mặt phờ phạc. Thế rồi một cán bộ lại về, lại bảo bà con rằng yên tâm, nước sạch rồi. Bà con phấn chấn lắm, lại cải tạo đất, phơi ao, lại đặt mua con giống, dẫn nước vào ao. Và tôm lại chết.
Xóm tôi buồn hiu buồn hắt. Quán nước đầu xóm của bà Hai không còn rôm rả như mọi khi.
Gia đình chị Ba không có tiền xuống giống vụ tôm tiếp theo, để vuông tôm phơi nắng nứt trắng. Chồng chị đi làm thuê cho người ta. Anh Bảy, chú Sáu mang cuốn sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay ít vốn, tiếp tục cải tạo lại đất cho mùa vụ mới. Tết năm đó, tôi đến chúc tết mà không khỏi thắt dạ khi trong những chòi lá lụp xụp, những đứa trẻ không có quần áo mới, cái bàn nước sơ xài và ánh mắt lo âu chuyện áo cơm. Cán bộ đã đi đâu, bà con nào có biết.
"Tại sao cán bộ cẩu thả với phát ngôn của mình? Tại sao mình không tự kiểm tra nước trước khi dẫn vào ao tôm?" - tôi hỏi ba tôi. Ông trả lời, rằng bà con chỉ có khả năng kiểm tra các thông số bình thường như độ PH trong nước, chứ trong nước có những hóa chất gì, mắt thường không thể thấy, mũi không thể ngửi thì không tin cán bộ, biết tin ai?
Tôi không trả lời được câu hỏi. Ông và chòm xóm có lý của họ: người dân phải tin chính quyền. Họ trao cho lời nói của cán bộ uy tín nặng ký. Miệng nhà quan, có gang có thép, sao không tin được?
Câu chuyện tôm chết hàng loạt ở các tỉnh miền Tây do ô nhiễm nước hai năm trước bị khuấy lên trong tôi khi đọc tin về nước sạch ở Hà Nội. Điều tôi cũng bị nhiễu loạn như chuyện quê mình là thông tin do những người có trọng trách trả lời công chúng. Vị đứng đầu nhà máy bán nước nói: "Có thể khách hàng phản ánh nước có mùi lạ là do mùi Clo", bởi họ đã tăng lượng hóa chất này lên gần gấp đôi. Rồi ông bảo, "thực ra mùi chỉ là cảm nhận".
Nhưng cũng chính vị này khiến bà con hoảng hốt bằng lập luận "Công nghệ xử lý cái này tôi cũng không dám chắc, vì là lần đầu tiên xảy ra". Và trong một phút thật thà, ông nói: "Trong thâm tâm tôi 80% đã muốn dừng cấp nước, vì nghĩ chất lượng nước có thể bị ảnh hưởng và việc dừng cấp nước sẽ an toàn cho bản thân".
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, các mẫu xét nghiệm nước tại nhiều khu vực đều có hàm lượng chất Styren cao hơn giới hạn cho phép. Trong khi phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói chưa có tài liệu chính thống nào để xác định chất này vượt ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân thì đại diện thành phố khuyến cáo bà con không được ăn, uống nước máy.
Tại sao chỉ trong một ngày mà những kết luận bất nhất được đưa ra, nửa vời và gây thắc mắc. Thị trường nước đóng chai nhiễu loạn, Hà Nội lâm vào khủng hoảng nước sạch.
Trong Luật Tiếp cận thông tin, "thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng" là loại thông tin phải được công khai rộng rãi, phải "được cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân". Còn Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì cấm "cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân khác trong hoạt động cấp nước".
Nếu người có trách nhiệm "cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin", hoặc vi phạm nghị định 117 đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất.
Tất nhiên là nếu nhìn vào luật thì nhà nước có đủ thiết chế để trừng phạt những người đưa thông tin sai lệch, thậm chí bằng quyết định khởi tố. Nhưng trong những vấn đề mang lợi ích công cấp bách như ô nhiễm nguồn nước, thì người dân cần được biết thông tin chính xác từ đầu, chứ không phải đón nhận hậu quả rồi mới đi đòi công lý. Hàng triệu người đã ăn uống từ thứ nước có "mùi chỉ là cảm nhận". Việc xử lý ai đó sau khi sự đã rồi (nếu có thể xử lý được) cũng không giải quyết được vấn đề của họ. Không ai muốn nấu cơm cho con cái ăn bằng một thứ nước đầy nghi hoặc, rồi đi chứng minh thiệt hại và cãi nhau đòi bồi thường làm gì.
Ở mọi quốc gia, mỗi phát ngôn, hành động của người có trách nhiệm chính là bộ mặt, là uy tín của chính phủ. Nhưng trong câu chuyện ở đây, không có một cơ chế nào đảm bảo được việc công bố thông tin chủ động của chính quyền. Tất cả trông chờ vào sự tự giác của giám đốc công ty nước sạch - một nhà thầu tư nhân. Báo cáo chậm thì chính quyền cũng phải chịu. Cho dù thông tin ông này nắm thuộc về lợi ích công cộng. Theo cách làm hiện nay, khi chính quyền phụ thuộc vào sự tự giác của nhà cung cấp, thì việc biết ngay, biết đúng, biết đủ của dân sẽ luôn là một điều xa xỉ.
Những đòi hỏi về thông tin chính xác cho vấn đề khẩn cấp liên quan đến đời sống, sức khỏe, sinh mệnh của nhân dân có phải một nhu cầu quá đáng?
Ngô Tú Ngân
https://vnexpress.net/goc-nhin/su-that-cua-nuoc-3998106.html