06 October 2015

Người dân thị trấn Calden của Đức đã từng “trải thảm đỏ” để đón người di cư, nhưng giờ đây, họ đang cảm thấy hối tiếc về quyết định đó.

Những người di cư đổ tới Calden đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân địa phương. Hàng hóa mà người dân thị trấn này quyên góp để ủng hộ dân di cư chất đầy 4 garage. Một khu lều lớn được dựng lên ở sân bay của thị trấn, làm nơi ở tạm thời cho 1.400 người di cư.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người Đức khác từng giang rộng vòng tay đón làn sóng người di cư lớn nhất đổ tới châu Âu từ sau thế chiến thứ hai, người dân Calden đang nghĩ lại.

Đối mặt với thực tế

Sự hối tiếc về quyết định đón người di cư của người dân Calden càng gia tăng sau một vụ bạo loạn mà người di cư gây ra ở thị trấn 3.000 dân này.

Cảnh tượng hỗn loạn đã xảy ra vào bữa trưa ngày thứ Bảy tuần trước, khi một thanh niên 19 tuổi người Albani cắt ngang những người đang xếp hàng chờ đến lượt lấy đồ ăn ở khu trại di cư. Một người đàn ông 43 tuổi người Pakistan đã mắng nhiếc thanh niên này, hai bên lời qua tiếng lại, và xô xát xảy ra.

Ngay lập tức, 300 người di cư khác rút bình xịt hơi cay và gậy gộc kim loại lao vào tấn công để bênh vực cho bạn mình.

Cảnh sát và xe cấp cứu đã được điều động tới hiện trường. Người dân thị trấn Calden bàng hoàng. 50 cảnh sát đã phải chật vật trong nhiều giờ đồng hồ mới lập lại được trật tự. 3 cảnh sát phải nhập viện vì bị thương.

“Bạn biết đấy, khi người tị nạn mới đến đây, tôi nghĩ là chúng tôi phải giúp họ. Nhưng giờ thì tôi có cách nhìn khác. Tôi không chắc là chúng tôi còn có thể tiếp tục giúp quá nhiều người đến từ quá nhiều quốc gia khác nhau nữa hay không”, ông Harry Kloska, 46 tuổi, một người dân Calden, nói.

Đức là quốc gia đón lượng người di cư lớn nhất tới châu Âu. Từ đầu năm đến nay, nước này đã tiếp nhận hơn nửa triệu người di cư.

Tuy vậy, căng thẳng đã bắt đầu nổi lên ở những thị trấn Đức như Calden, và giờ là lúc người Đức phải đối mặt với thực tế. Tâm lý lo ngại của người Đức đối với người di cư có lẽ được thể hiện rõ nét nhất qua tỷ lệ ủng hộ suy giảm đối với Thủ tướng Angela Merkel – nhà lãnh đạo châu Âu “hảo tâm” nhất đối với dân di cư.

Trong những cuộc thăm dò dư luận gần đây, tỷ lệ ủng hộ của bà Merkel đã giảm 3-5 điểm phần trăm. Theo một cuộc thăm dò của Stern/RTL, tỷ lệ ủng hộ dành cho đương kim Thủ tướng Đức hiện là 49%, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015.

Đêm thứ Tư và rạng sáng ngày thứ Năm tuần trước, bạo lực đã nổ ra ở hai trung tâm tị nạn thuộc thành phố Hamburg miền Bắc nước Đức. Hàng trăm người di cư đã dùng gậy gỗ để tấn công lẫn nhau.

Tại Calden, thị trấn cách thủ đô Berlin 242 dặm về phía Tây Nam, nhiều người dân địa phương đã bắt đầu khóa cửa nhà vào ban đêm – điều họ chưa từng phải làm trước kia.

Một bà mẹ trong thị trấn đã cáo buộc những người mới đến quấy rối tình dục cô con gái 17 tuổi của bà ở một trạm xe bus. “Dĩ nhiên là chúng tôi rất sợ”, người mẹ nói.

Thị trưởng Maik Mackewitz của Calden nói nhiều phụ nữ trẻ địa phương giờ đã không còn dám chạy bộ ở khu rừng gần thị trấn, “vì họ sợ những nhóm thanh niên trẻ cứ lởn vởn quanh đó”.

Cửa hiệu thực phẩm Edeka ở Calden thì đã lần đầu tiên phải thuê bảo vệ sau khi người di cư vào cửa hàng, bóc các gói hàng và không trả tiền.

“Thật là lộn xộn”, thị trường Mackewitz ngao ngán nói.

Mọi chuyện đang thay đổi

Nhiều người Đức lo ngại đất nước của họ đang “nhập khẩu” căng thẳng sắc tộc và tôn giáo từ các quốc gia của người di cư. Cảnh sát Đức đã lên tiếng kêu gọi chia các khu nhà tạm cho người di cư theo tôn giáo và dân tộc để tránh sự va chạm.

Theo giới chức Đức, ở thành phố Suhl thuộc miền Trung nước này hồi giữa tháng 8, một nhóm người Hồi giáo đến từ Afghanistan, Iraq và Syria đã truy đuổi một thanh niên theo đạo Thiên chúa giáo người Afghanistan, sau khi anh này cho những trang kinh Koran vào bồn toa-lét và xả nước tại một trại di cư. 6 cảnh sát đã bị thương khi nỗ lực ngăn chặn vụ ẩu đả.

“Đây đúng là một cú sốc lớn. Cảnh sát chúng tôi chưa bao giờ bị tấn công như thế”, phát ngôn viên Fred Jaeger của cảnh sát thành phố Suhl nói.

Những vụ việc như vậy đã trở thành cơ sở để các nhóm cực hữu ở Đức, bao gồm các nhóm phát xít mới và Đảng Dân chủ Quốc gia, chống lại người di cư mạnh hơn, bằng cả lời nói và hành động. Năm ngoái, ở Đức có 198 vụ tấn công người di cư. Năm nay, đến ngày 21/9 đã có 437 vụ, chính yếu ở vùng phía Đông.

Ở thành phố Greiz thuộc phía Đông Đức, phe cực tả đã tổ chức ít nhất 10 cuộc biểu tình chống người di cư trong thời gian gần đây.

Vào tháng 7, một nhóm 4 người di cư Syria đã bị một nhóm người Đức đánh đập dã man ngay ở quảng trường thành phố. Những người di cư này nói họ chỉ hỏi những người Đức kia về số điện thoại để gọi taxi.

Các địa phương ở phía Tây nước Đức vốn cởi mở hơn với người di cư, nhưng mọi chuyện ở đó cũng đang thay đổi.

Cha xứ Frank Hemmelmann của nhà thờ Johannes ở Calden nói rằng người dân trong thị trấn này không có đủ thời gian để chuẩn bị cho sự xuất hiện của những người di cư. Vào tháng 7, chính quyền thông báo là những người di cư sắp tới, và chỉ hai ngày sau, khu lều trại cho dân di cư đã được dựng lên.

Theo cha Hemmelmann, ngay từ trước cuộc bạo loạn tuần này, lo ngại đã gia tăng. Người dân ở các vùng lân cận không còn dám tới thăm Calden hay mua sắm nữa, vì dè chừng những người di cư.

Theo tờ Washington Post
An Huy (vnEconomy)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...